THÁI TÔNG HOÀNG ĐẾ NGỰ CHẾ
KHÓA HƯ LỤC
[Phần 2]
--- o0o ---
QUYỂN THƯỢNG
(tiếp theo)
--- o0o ---
BÀI TỰA SÁCH “THIỀN TÔNG CHỈ NAM”
Trẫm trộm nghĩ: Phật không chia Nam, Bắc, đều có thể tu cầu. Tính đều có trí ngu, cùng giúp phần giác ngộ. Đó là, Phương tiện dụ dẫn quần mê, đường tắt tỏ nẻo sinh tử, là đại giáo của đức Phật ta. Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, là trọng trách của bậc tiên thánh. Nên Lục Tổ nói: "Bậc Thánh nhân xưa cùng với đại sư không khác". Thời biết, giáo pháp của đức Phật ta, lại nhờ vào thánh nhân xưa để truyền ở đời. Nay trẫm sao lại chẳng lấy cái trách nhiệm của tiên thánh làm trách nhiệm của mình. Đem giáo lý của đức Phật làm giáo lý của mình vậy ư!
Vả lại, Trẫm khi còn trẻ thơ, ở tuổi hiểu biết, hễ được nghe lời dạy của thiền sư, thời trầm tư mặc tưởng, hồn nhiên thanh tịnh, lưu tâm ở nội giáo, tham cứu ở Thiền tông, quên mình tìm thầy, tinh thành mến đạo. Tuy cái ý hồi tâm hướng đạo đã manh nha, nhưng cái cơ cảm xúc vẫn chưa đạt được.
Vừa lúc 16 tuổi, Thái hậu từ giã cõi đời, trẫm thường nằm rơm gối đất, lệ huyết tuôn rơi, ruột đau như cắt. Ngoài nỗi buồn khổ ra, chưa rảnh rỗi làm việc khác. Chỉ khoảng vài năm sau, Thái Tổ Hoàng đế [1] lại kế tiếp yên giá (qua đời). Mến tiếc mẹ chưa khuây, xót thương cha càng thiết. Thê thảm bồn chồn, khôn nguôi lòng dạ. Trẫm nghĩ công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về, chăm sóc đủ thứ, dù có thân nát xương tan cũng chưa đủ để báo đền công ân đó trong muôn một. Hơn nữa, Trẫm nghĩ Thái Tổ Hoàng đế, rất gian nan việc mở nền dựng nhiệp, rất quan trọng việc trị nước giúp đời, đem đại khí trao cho trẫm khi còn thơ dại, ngày đêm nơm nớp lo sợ, đứng ngồi không yên [2]. Trẫm tự nhủ rằng: “Trên đã không cha mẹ để nương nhờ, dưới sợ chẳng đủ đáp lòng mong ngóng thành thật của lê dân, vậy biết làm thế nào đây?” Trẫm suy nghĩ: “Chi bằng hãy lui về chốn núi rừng, tìm hiểu Phật giáo, để tỏ rõ việc lớn của sinh tử, để báo đáp đức cức cù-lao, chẳng cũng tốt lắm sao!”
Bởi thế, chí Trẫm đã quyết định. Năm thứ 5, niên hiệu Thiên ứng Chính Bình vào đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính thân (1236), Trẫm mặc áo thường đi ra cửa cung, bảo tả hữu rằng: “Trẫm muốn ra ngoài thành du ngoạn, lắng nghe tiếng nói của dân, xem chí nguyện của dân, ngõ hầu mới biết được sự gian nan của họ”. Lúc đó tả hữu theo bên Trẫm chẳng quá bẩy tám người. Vào giờ Hợi đêm ấy, Trẫm một mình một ngựa cất bước ra đi.
Sang sông đi về phía đông, Trẫm mới thật tình bảo cho những người theo hầu biết. Họ rất ngạc nhiên đều ứa hai hàng lệ. Giờ Mão ngày hôm sau, đi đến bến đò Đại Than núi Phả Lại, Trẫm sợ có người biết, phải lấy áo che mặt qua sông, rồi theo đường núi mà đi. Núi hiểm suối sâu, trèo lội chật vật, ngựa mệt mỏi không thể tiến bước, Trẫm phải bỏ ngựa, vịn vào vách đá mà đi mãi tới giờ Mùi mới đến sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, Trẫm leo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến Trúc Lâm Đại Sa môn Quốc sư [3]. Quốc sư chợt thấy mừng rỡ, ung dung bảo Trẫm rằng:
“Lão Tăng ở nơi núi rừng, xương cứng dáng gầy, ăn quả cây, nếm lá ngọt, uống nước suối, vui cảnh rừng, tâm tựa mây trôi, theo gió mà đến. Nay Bệ hạ bỏ cái thể nhân chủ, nghĩ đến cảnh núi rừng, hẳn có điều mong cầu chi mà đến đây vậy!”
Trẫm nghe lời Quốc sư nói, bỗng nhiên nước mắt ràn rụa, thưa với Quốc sư rằng:
"Trẫm tuổi còn thơ dại, vội mất song thân. Đứng một mình trên đám sĩ dân, không chỗ nương tựa. Lại nghĩ tới sự nghiệp của đế vương đời trước, hưng phế, thịnh suy bất thường, nên Trẫm nay vào núi đây, chỉ mong cầu làm Phật, chẳng cầu vật gì khác".
Quốc sư đáp:
“Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm. Tâm vẳng lặng mà biết, đó gọi là Chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ được tâm ấy, thời tức khắc thành Phật, không phải nhọc công tìm đâu xa".
Bấy giờ, Trần Công [4] là thúc phụ của Trẫm, em họ đấng tiên quân, được tiên quân ký thác con côi, sau khi ngài từ giã cõi đời và quần thần, được Trẫm phong chức Thái sư tham chính việc nước. Nghe tin Trẫm ra đi, Thái sư bèn sai tả hữu chia ngả đi khắp nơi để tìm tung tích. Tất cả mọi người đã tìm đến núi này, đã cùng gặp nhau.
Trần Công thống thiết nói:
“Bầy tôi chịu lời ủy thác của đấng tiên quân, thờ Bệ hạ làm chủ thần dân, dân trông chờ mong đợi ở Bệ hạ, như con đỏ mong cha mẹ. Nữa là hiện nay bậc cố lão trong triều đình, đều là những người trong họ hàng thân thích. Lê dân sĩ thứ đều cùng vui mừng qui thuận. Ngay như đứa trẻ 7 tuổi, 8 tuổi cũng đều biết Bệ hạ làm cha mẹ dân. Vả lại, Thái Tổ bỏ bày tôi ra đi, đất trên nấm mồ chưa khô, lời di chúc còn vẳng bên tai. Mà nay, Bệ hạ lại dấu hình tích trong núi rừng, ẩn cư để thỏa chí riêng mình. Cứ theo ý thần, Bệ hạ làm kế tự tu có thể được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Xem ra, lấy lời nói suông để chỉ bảo người sau, chi bằng lấy thân mình vì thiên hạ làm trước. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, bọn thần cùng mọi người, xin cùng chết ngày nay, quyết chí không quay trở về.”
Trẫm thấy Thái sư và các cố lão quần thần, không có ý định bỏ Trẫm. Trẫm bèn đem lời nói đó thưa với Quốc sư. Quốc sư nắm tay Trẫm và nói:
"Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về triều, Bệ hạ không thể không trở về được. Song, việc tham cứu nội điển, xin Bệ hạ luôn luôn để tâm, chớ quên.
Bởi thế, Trẫm cùng mọi người lại trở về Kinh, miễn cưỡng bước lên ngôi báu. Trong khoảng thời gian mười mấy năm, phàm gặp cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm thường tụ tập các bậc kỳ đức để tham thiền hỏi đạo và nghiên cứu các kinh điển đại giáo. Trẫm thường đọc kinh Kim Cương, có lần đọc đến câu: "Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm" (không nên trụ trước nơi nào, mới sinh được tâm chân chính), vừa lúc bỏ quyển trầm ngâm, bỗng nhiên tự ngộ. Trẫm đem chỗ ngộ đó mà làm ra bài ca này, đề tên là Thiền Tông Chỉ Nam. Năm ấy, Quốc sư từ núi Yên Tử về Kinh, Trẫm thỉnh ở chùa Thắng Nghiêm, chủ trì việc khai ván in các Kinh. Trẫm lấy tác phẩm ấy đưa Quốc sư xem. Quốc sư xem xong, ba lần tán thán rằng: "Tâm của chư Phật hết ở trong sách này, sao không đem khắc ván in với chư Kinh để dạy kẻ hậu học"?
Trẫm nghe nói thế, liền sai thợ viết lối chữ chân phương (giai thư) sắc truyền khắc ván đem in. Sách này không những riêng để chỉ chỗ mê lầm cho đời sau, mà còn muốn nối theo cái công truyền bá rộng của bậc thánh nhân đời trước. Nhân thế tự làm bài tựa này.
BÀI TỰA
KINH KIM CƯƠNG TAM MUỘI
Trẫm nghe! Bản tính nhiệm mầu, chân tâm vẳng lặng. Thành hoại đều dứt, chẳng phải tính trí hay xét ngọn nguồn. Tan hợp đều không, đâu thể mắt tai xem nghe tường tận. Có, không xóa hết, đạo, tục san bằng. Đứng riêng một mình, không chi sánh được. Đó là then chốt của tự tính Kim cương vậy.
Khốn nỗi! Chúng sinh đã lâu: Vì huân tập ô nhiễm; thức thần dao động, bởi sóng gió thấy nghe. Noi hạnh xấu làm theo ấy nhiều, xoay ánh tuệ để soi lại ít. Bèn khiến, bốn phương đổi chốn, mê mất ngả về; lối rẽ sai đường, mơ hồ chính đạo. Gốc ngọn chẳng rõ, chân vọng khó phân. Vàng ròng đem tạp khoáng nấu chung, trăng sáng lẫn bụi trần cùng hiện. Quê, mê ngả về nơi "Hà hữu" [1], mặt, quên mất cả vẻ bản lai. Trên đường niết bàn khó tiến lên, trong hố tử sinh cam lùi bước. Nên đấng năng nhân (Phật) thầy ta, hiện vô sinh từ nhẫn, thương mọi khổ trầm luân. Bốn hoằng thệ nguyện để lòng, ba nghĩ [2] đắn đo càng thiết. Pháp thân lắng, báo thân hiện sao lành ứng ở triền Chu. Tượng pháp tới, chính pháp qua, người vàng mộng trong cung Hán. Ma Đằng, Pháp Lan truyền đến, Tây Trúc, Chấn Đán mới thông. Chữ Phạn phiên thành, văn Hoa rực rỡ. Thay thế lá bối, lấy lụa chép kinh. Bể giáo phô mọi ngọc châu. Trời nghĩa điểm bao sao sáng. Hoặc muốn thêm chỗ chưa đúng, hoặc đem vá chỗ chưa bằng. Đường nước Y Ngô nối tung, lối mòn sa mạc tiếp gót. Lối gần vượt biển, dốc chí tới Hoa. Từ Hán bắt đầu, tới nay mở rộng. Thiên, viên, bán, mãn, đều không thiếu trong tráp ngà; đốn, thực, tiệm, quyền, muôn có thừa trong rương báu. Kinh Kim cương Tam muội, há không phải là giáo viên, mãn, đốn, thực đó sao? Nếu không thế, sao lại, lấy vô sinh pháp yếu, dùng phương tiện thần thông. Tu Bồ Đề hỏi xuất thế nhân, Đức Như Lai gieo vô thượng quả. Muốn ngăn chận có sinh có diệt, trước phải bày vô tướng vô sinh. Thấy sinh niệm ở vọng niệm mà mờ, dấy thủy giác nơi bản giác để tỏ. Chuyển mọi tình thức, vào Úm-ma-la (vô cấu thanh tịnh thức). Mê đầu chẳng đoái tự thân, thõng tay dẫn về thật tế [3]. Hoặc vin ngoại trần duyên có, nên nói chân tính vốn không. Đến lúc ba tướng [4] chẳng quan, ắt hẳn bốn thiền nào có. Hòa các vị thành vô thượng vị, nắm mọi dòng làm bất nhị lưu. Chuyển xoay biến kế vọng tâm, tiếp vào Như lai tạng thức. Thâu tóm mọi pháp, hiển rõ nhất tâm. Nhân chấp mà mê, như nước Thục, nước Man cùng giữ chặt; bởi sai biết sửa, như nước Tề, nước Lỗ đều đổi thay.
Trẫm, vin vào đức làm chủ đất nước, dựa vào pháp để cai trị dân. Lo nghĩ gian nan, quên cả sớm tối. Việc tuy có hàng vạn, giờ rảnh lấy khoảng thừa. Siêng việc quý giờ, học thêm tiến ích. Chữ nghi ngờ chưa biết rõ, đêm đến khuya vẫn còn xem. Để đọc sách nho, lại ngẫm kinh Phật. Kinh này mới thấy, cảm tựa nhiều đời. Tìm lý ẩn, đào nghĩa cao sâu, chín lần nghĩ, ba hồi xét lại. Nghiên ngẫm nghĩa lý, trau chuốt văn hoa. Muốn hiến lời vàng, giúp cho hậu học. Lạm dùng vằn báo thấy một, dẫn dắt đàn khỉ giận ba [5]. Bởi thế, Trẫm viết điều chứa trong lòng, lại thân làm văn chú giải. Tìm lời nhiệm mầu non Thứu Lĩnh, xét nghĩa uẩn áo đáy Long Cung. Vá vào giống hạt bụi trên đường chân như, giảng ra tựa giọt nước trong nguồn chính giác. Phát huy ý thâm diệu, khai xiển tông chân thừa. Khiến người, vừa mở văn xem, liển nhận rõ nghĩa. Phá thành trì kiên cố tà đảng, làm đội quân mưu lược nghĩa đồ [6]. Vọng kiến mênh mang, dần biết quay về sao Bắc đẩu; đường mê khúc khuỷu, chợt biết hướng theo kim chỉ nam. Nguyện vì người học có chỗ nương, mới thấy lòng Trẫm không sẻn tiếc.
NAY TỰA
TỰA
KHOA NGHI SÁU THỜI SÁM HỐI
Tiện đi lại trên sông, đường bộ là thuyền, xe; rửa bụi nhơ cho thân và tâm là lễ sám. Muốn rửa thân tâm mà không nhờ lễ sám, khác gì muốn tiện lợi đi lại, lại không dùng thuyền, xe. Thế nên, công dụng của lễ sám rất lớn. Kinh Đại Tập nói: "Như chiếc áo dơ bẩn trăm năm, có thể giặt sạch trong một ngày". Nên mọi nghiệp bất thiện chứa góp trong trăm ngàn kiếp, nhờ sức thần của Phật, thuận theo duyên lành, có thể tiêu trừ hết chỉ trong một ngày, một khắc.
Ôi! Chúng sinh bản lại giác tánh, thanh tịnh viên minh. Lắng như thái hư, không một hạt bụi. Bởi bọt vọng khởi, cõi uế hiện thành. Năng sở nương nhau, Phật, ta hai ngả. tính căn riêng rẽ; ngu, trí chia đường. Chỉ bảo một môn, khó thể ngộ nhập. Nên đức Phật ta, hoằng tứ nguyện lớn, phương tiện mở nhiều pháp môn, chỉ nẻo đường về, ứng bệnh cho thuốc. Biết huyễn cấu của chúng sinh, từ vọng mà có. Khuyên họ một niềm siêng năng quy y lễ sám. Khiến thân tâm thanh tịnh, tròn sạch như xưa. Gió lặng sóng dừng, bụi hết gương sáng. Vì, tâm xưa làm ác, như mây che mặt trăng; tâm nay làm lành, như đuốc tan bóng tối. Ôi! Công dụng của lễ sám, thật quả là lớn, đâu chỉ có thế!
Trẫm, nhờ ơn cao siêu chiếu cố, hưởng ngôi vị chí tôn. Việc dân gian nan, triều chính bề bộn. Bên ngoài phấn hoa dụ dỗ, bên trong trùng bọ muốn ham. Miệng chán vị ngọn, thân mang vàng ngọc. Nghe nhìn theo sắc thanh sai khiến, ăn ở có đài các yên vui. Lại nữa, phép người suy vi, thói đời bạc bẽo. Người học mờ mịt, gốc thiện mỏng manh. Ngày thời căn trần tiếp xúc, lưới nghiệp kéo lôi; đêm thời thụy cái đậy che, giây oan ràng buộc. Ngày đêm phan duyên, đều là những tội lỗi gây tai gieo họa. Trẫm lấy điều ấy, canh cánh trong lòng. Thương cảm xen nhau, bỏ ăn quên ngủ. Nhân lúc việc triều chính nhàn rỗi, xem các kinh sách và mọi nghi văn, soạn thành pháp lợi mình lợi người, để chỉ bảo cho đời. Tìm kiếm rồi suy ngẫm, hễ có nghiệp chứa chất, đều do sáu căn gây ra. Bởi thế, Thích Ca Văn Phật, khi đạo chưa thành; trước vào Tuyết Sơn, sáu năm tu khổ hạnh, dáng là vì sáu căn vậy. Phỏng theo ý ấy, Trẫm lấy sáu căn chia làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn. Thân chế ra nghi văn gọi là "Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối". Văn thời lời văn rộng, nói thời lời nói xa. Vì văn nhiều thì sám hối trễ nải, nói xa thì ngờ vựa nẩy sinh, nên không tạo bóng bẩy cho đầy pho sách, khiến người đọc tụng đều vui, thấy nghe dễ hiểu. Ngõ hầu, những người có lòng tin, có thể ngày đêm, phát chí thành, lấy khoa nghi này làm nghi thức lễ sám. Như vậy thời chẳng phụ cái nguyện lợi mình lợi người của Trẫm. Người có mắt sáng sau này, xin chớ lấy nghi văn chế nhạo. Tuy nhiên như thế, nhưng:
Bởi hoa nở sớm ven ngõ tiá,
Nên có oanh vàng đậu liễu xanh.
(Bất nhân tử mạch hoa khai tảo,
Tranh đắc hoàng oanh hạ liễu điều).
TỰA VĂN LỄ SÁM BÌNH ĐẲNG
Ôi! Pháp tính như như, không vướng mảy may niệm lự; Chân nguyên vẳng lặng, bản lai chẳng gợn nhiễm ô. Bởi chợt dấy vọng duyên, hiện thành huyễn thể. Theo nghiệp thức chuyển, quên mất viên ngọc sáng tròn; mất gia tài kia, bởi buông sáu căn tham dục. Nếu có chứa đựng tịnh pháp, ắt phải rửa sạch vọng trần. Phát khởi tâm bình đẳng nhất chân, đảnh lễ thể Pháp thân vô tướng. Đến được trong ấy, tự tha thọ dụng giao hòa; hướng bên đó cầu, bản lai diện mục tự hiện. Tuy nhiên như thế, gươm chưa tuốt khỏi vỏ báu, chốn loạn khó yên; thuốc chưa rót khỏi bình vàng, căn bệnh khó khỏi. Trẫm giành, giờ rảnh muôn việc còn dư, xem nghĩa thậm thâm ba tạng. Gặp pháp môn này, chỉ thẳng con người làm Phật. Dù là minh nhãn, ngại gì trên gấm thêm hoa. Nếu là tri âm, chính nên tiến bước.
NÓI RỘNG MỘT ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG[1]
Bàn Sơn thiền sư [2] để lại lời dạy rằng: "Một đường hướng thượng, ngàn thánh chẳng truyền. Người học nhọc hình, như vượn bắt bóng". Khiến người học khắp nơi, đều hướng con đường ấy, tham cứu thiền ý [3]. Thử hỏi tất cả mọi người, thiền ý làm thế nào tham được? Nếu quả tham được ý ấy, lại giống như một gã si [4]. Đầu lại thêm đầu, đuôi nối đuôi nữa. Bỏ bụi trong mắt, thêm bướu trên thân. Nói đến thời môi miệng méo xiên, ngó thấy thời mắt, người rơi rụng. Cụ già vàng mặt (Phật), liếc mắt dòm bên, Thày Tăng mắt xanh (Tô Đạt Ma) chau mày đứng cạnh. Mã Tổ treo phất [5], Thủ Sơn dấu bề [6]. Triệu Châu xé rách thiên sam [7], Vân Môn vứt bỏ hồ bính. Đức Sơn buông gậy [9], Lâm Tế nuốt lời [10]. Dấu vết Phật Phật, Tổ Tổ đều mờ, gan mật kẻ kẻ, người người đều mất. Châm không chỗ thấu, dùi củng chẳng vào. Đầu đồng tiến tới không đường, trán sắt lao vào chẳng thủng. Lửa đá sẹt mà chẳng kịp, điện chớp loáng còn chậm xa. Tĩnh ngộ vào chốn chìm say, động mê xéo đường sinh tử. Ví khiển, Linh Sơn Phó chúc, chỉ là nơi chốn rườm rà; Thiếu Thất đan truyền, cũng là ổ hang rắc rối. Mặc dù cơ đương tựa chốp, tiếng thét ứng cơ. Lời diễn chảy trôi, thoại đầu lưu loát. Tham đi tham lại, ngày lâu tháng dài. Chút vương miệng nói trơn tru, sao thoát thân nằm hang ổ.
Này mọi người! Đến chỗ ấy rồi, chẳng được buông qua một bước. Xô người học đưa mắt nhìn vách đá treo leo, càng khó tiến bước. Ta ngày nay vì tất cả các người! Chẳng khỏi vuốt râu miệng hùm, đầu sào tiến bước. Chốn nói thời như gió bay tùng réo, chốn im thời tựa trăng chiếu đầm trong. Khi đi, nước cuốn mây bay; khi đứng, núi yên non vững. Lời lời là Thích Ca hoạt kế, câu câu là Đạt Ma gia phong. Buông ra thời 8 chữ mở tung, thu lại thời một môn đóng chặt [11]. Ở trong hang quỷ, cũng là Di Lặc lâu đài, trụ dưới núi đen, chẳng khác Phổ Hiền cảnh giới. Nơi nơi là đại quang minh tạng, cơ cơ là bất nhị pháp môn. Mặc cho sáng lại tối đi, quản gì mây che trăng khuất. Trên tay ngọc sáng, xanh ánh xanh, vàng ánh vàng; gương xưa đương đài, Hồ hiện Hồ, Hán hiện Hán. Dù ngay huyễn thể, hết là Pháp thân. Chẳng nhọc trên đỉnh phóng quang, vốn đủ lục thông diệu dụng. Cung điện Ma Vương lật đổ, tâm can ngoại đạo mở toang. Biến trái đất làm cõi nước vàng son, khuấy sông dài cho trời người nước sữa. Trong hổng mũi pháp luân thường chuyển, dưới lông mày bảo sát hiện ra. Gái đá [12] trong nước múa điệu bà sa, người gỗ thổi kèn hát bài khoản đãi. Hoặc gặp trường bận rộn, hoặc được chốn thảnh thơi. Hoặc thõng tay (xuống núi) giúp đời, hoặc quay đầu đồng nội. Khi biếng nhác ngủ mây gối đá, lúc thích hứng vịnh gió ngâm trăng. Rong chơi nơi quán rượu phòng trà, cười đùa giữa đường hoa ngõ liễu. Hoa vàng tua tủa, đều là Bát nhã tâm, trúc biếc xanh xanh, hết là Chân như lý. Vén cỏ hiện bản lai diện mục, xới đất dứt đường rẽ tử sinh. quay đầu ngựa sắt [13] cưỡi rong về, xỏ mũi trâu đất đi lùi bước. Chẳng lấy muôn pháp làm bạn, ai bảo một vật hãy còn. Phật cũng không, tâm cũng không, chân cũng được, giã cũng được. Ngoài cửa tam yếu, tha hồ thét hai làm ba, chữ thập đầu đường, mặc sức gọi mười làm chín. Sáo không lỗ [14] tấy vô sinh khúc, đàn không giây gẩy khoái hoạt ca. Nơi nơi kia đều là tri âm, chốn chốn nọ há dung tai lắng. Chỉ một đường hướng thượng này, ngần ngại nói thế nào đây! Chà! Lửa ấy chưa từng đốt miệng! Nghe cho kỹ, nghe cho kỹ! Ví bằng nghe được lời ấy, ắt phải tai điếc ba ngày. Nếu nghe chẳng được, mau nên chạy qua. Còn ngần ngại gì!
Chốn chốn dương xanh kham buộc ngựa,
Nhà nhà có lối đến Trường An.
Trở về dưới nguyệt người thưa vắng,
Một ánh trăng soi đại địa hàn. [15]
(Xứ xứ lục dương kham hệ mã,
Gia gia hữu lộ đáo Trường An.
Hồi trình nguyệt hạ nhân hy đáo,
Nhất đạo thiều quang đại địa hàn).
(còn tiếp)
Nguồn: Trần Thái Tông Hoàng đế. Khóa hư lục. Thích Thanh Kiểm dịch. Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997. Bản điện tử: http://www.quangduc.com. Biên tập lại: triethoc.edu.vn.
CHÚ THÍCH :
Bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam
[1] Thái Tổ : tức Thái Tổ nhà Trần. Trần Thừa được tôn làm Thái Tổ. Con Trần Thừa là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông.
[2] Đứng ngồi không yên: Dịch câu: ‘Bất hoàng khải sử’. ‘Khải sử’ nghĩa là chiếc chiếu có vị trí quỳ, nơi đứng, nơi ngồi, dịch ý là đứng ngồi không yên.
[3] Trúc Lâm Đại Sa môn Quốc sư: có thể là Phù Vân Quốc sư, trụ trì chùa Hoa- Yên lúc bấy giờ (theo Nguyễn Lang).
[4] Trần Công: tức Trần Thủ Độ, em họ Trần Thừa.
Bài tựa Kinh Kim Cương Tam Muội
[1] Hà Hữu: Rút gọn ở câu ‘vô hà hữu chi hương’ nghĩa là quê hương nơi không có, Tức nơi tịch diệt vô vi. Trang Tử nói: ‘Vô hà hữu chi hương, quảng mạc chi dã’. Đó là cái nghĩa không vô. Tam giới vạn pháp đều không.
[2]Ba nghĩ : Dịch ở chữ ‘Tam tư’. Sách Luận Ngữ chép: ‘Tam tư nhi hậu hành’, ý nói làm việc gì cũng phải đắn đo, nghĩ đi xét lại nhiều lần rồi mới làm.
[3] Thông tay dẫn về thật tế: Dịch ở câu: ‘Thùy thủ đạo quy thật tế’, nghĩa là tiếp dẫn về nơi chân thật cứu cánh, tức là về nơi bản thể của bình đẳng nhất như.
[4] Ba tướng (hữu vi):
1) Tướng sinh.
2) Tướng trụ, dị.
3) Tướng diệt.
[Ba tướng: Cũng là ba thứ tự-tánh: i) Biến kế sở chấp tánh, ii) Y tha khởi tánh, iii) Viên thành thật tánh.]
[5] Đàn khỉ giận ba: Dịch ở chữ ‘Thư chúng nộ tam’. Theo điển sách Trang Tử, [thiên] Tề Vật luận chép: Xưa có ông Thư công (chủ đàn khỉ) chia thức ăn cho khỉ. Ông nói: "Sáng cho ba chiều cho bốn, đàn khỉ đều giận. Lại nói: "Thế sáng cho bốn chiều cho ba, đàn khỉ đều mừng". Sáng 3 chiều 4, sáng 4 chiều 3, số lượng bằng nhau, mà đàn khỉ hoặc giận hoặc mừng. Đó là chúng không biết được nghĩa danh với thật chỉ là một.
[6] Làm đội quân mưu lược nghĩa-đồ : Dịch câu ‘Tác nghĩa đồ tôn trở chi sư’. ‘Tôn’ là vò rượu, ‘trở’ là cái kỷ đựng đồ tế, dĩa đựng thịt, ám chỉ cho yến tiệc. Trong yến tiệc có bàn tính mưu lược, mà phá được định quân ngoài ngàn dặm. Văn bia chùa Đầu Đà chép: "Cố năng sử tam thập thất phẩm hữu tôn trở chi sư, cửu thập lục chủng vô phiên ly chi cố". Chú rằng: "Nghĩa đồ tinh nhuệ, cố mưu sâu trong yến tiệc". Lại chú rằng: Kinh Đại Phẩm, tam thập thất phẩm nói: Các phẩm này là yếu chỉ của Phật Pháp, mà các Tỷ kheo vâng làm để hàng phục chỗ cố chấp của ngoại đạo. Cũng như Yến Tử ở trong bữa tiệc mà ngăn chặn được quân Tấn. Vì Tấn muốn đánh Tề, liền sai sứ sang Tề. Nước Tề đặt tiệc khoản đãi. Trong bữa tiệc, sứ nước Tấn nói vui rằng sẽ làm loạn Tề. Thái sư Yến Tử biết ý. Khi sứ Tấn trở về liền bảo: "Nước Tề không thể đánh được". Do đó Tấn lui quân. Khổng Tử nghe biết liền nói: "Bất xuất tôn trở chi gian, triết xung thiên lý chi ngoại giả, Yến Tử chi vị dã", nghĩa là trong bữa yến tiệc mà hay ngăn chặn được quân địch ngoài ngàn dặm, chính Yến Tử đã làm được vậy.
Nói rộng một đường hướng thượng
[1] Nói rộng một đường hướng thượng: nói rộng (phổ thuyết): Trái với độc tham. Nghĩa là nối về yếu chỉ chính truyền của Phật, Tổ và bàn rộng tới các kinh luận, chứng tích của các thiền sư xưa nay, để chỉ bảo cho kẻ hậu học. Một đường hướng thượng (nhất lộ hướng thượng) nói về nghĩa tối thượng. Cựa tắc của hướng thượng, ta không thể đem ngôn ngữ suy tư để diễn tả.
[2] Tức Bàn Sơn Bảo Tích thiền sư đời Đường, pháp tự của Mã Tổ.
[3] Thiền ý: ý cùng cực thiền, không dấu vết, không tự tánh, bất khả đắc. Hoặc gọi là tư tưởng thiền.
[4] Gã Si (Si nhi): Chỉ kẻ ngu, chẳng biết tìm trí tuệ ở tự mình, tức tự Phật, lại cứ đuổi theo ngoại cảnh, tìm phật bên ngoài, chẳng khác gì như kẻ si, đầu lại thêm đầu.
(5) Mã Tổ treo phất (Mã Tổ quải phất) : Phất là một dụng cụ đuổi ruồi muỗi. Xưa đức phật chế cho hàng đệ tử dùng, có cán làm bằng tre hay gỗ. Phất làm bằng lông ngựa hay giây gai. Sau này các thiền sư dùng phất để mỗi khi thượng đường thuyết pháp. Mã Tổ, tức Mã Tổ Đạo Nhất đời Đường, pháp tự của Nam Nhạc Hoài Nhượng. Mỗi khi có học nhân tới tham vấn, Mã Tổ dựng phất để biểu thị thiền cơ. Đây nói treo phất tức gác cái phất lại. Có ý nghĩa là không cần tới. Các câu sau ý nghĩa tương tự.
(6) Thủ Sơn giấu bề (Thủ Sơn tàng bề): Bề tức trúc bề. Các thiền sư dùng để tiếp dẫn học đồ. Trúc-bề dài khoảng 3 tấc, làm bằng tre, hình khom cánh cung, sơn son. Thủ Sơn, tức Thủ Sơn Tỉnh Niệm thiền sư đời Đường, dòng Lâm Tế. Khi thượng đường, Thủ Sơn dựng cây trúc bề (cây thước) thị chúng rằng: "Này tất cả mọi người. Nếu gọi là cây thước thời phải (khẳng định), nếu chẳng gọi là cây thước thời trái (phủ định). Vậy tất cả mọi người gọi là cái gì?". Giấu bề có nghĩa không cần tới trúc bề.
[7] Triệu Châu xé rách thiên sam (Triệu Châu liệt phá bố sam) :Triệu Châu tức Triệu Châu Tòng Thẩm, thiền sư đời Đường, dòng phái Nam Nhạc. Theo công án, một vị Tăng hỏi Triệu Châu: "Muốn pháp trở về một, một về chốn nào?" Sư đáp: "Ta ở Thanh Châu làm một áo vải nặng 7 cân" (Ngã tại Thanh Châu tác nhất lãnh bố sam trọng thất cân). ‘Bố sam’ tức là áo thiên sam bằng vải. ‘Thiên sam’ là một thứ áo lót cộc tay, treo từ trên vai phía trái xuống, bọc che hai bên nách. Xẻ rách áo thiên sam, nghĩa là không cần đến áo thiên sam.
[8] Vân Môn vứt bỏ hồ bính (Vân Môn quyên khước hồ bính) : Vân Môn tức là Vân Môn Văn Yển thiền sư, khai sáng tông Vân Môn. Theo công án, có vị Tăng hỏi Vân Môn: "Thế nào là lời bàn siêu Phật, việt Tổ"? Vân Môn đáp "Hồ bính". ‘Hồ bính’ là một thứ bánh là bằng bột và vừng.
[9] Đức Sơn buông gậy (Đức Sơn khí bổng) : Đức Sơn, tức Đức Sơn Tuyên Giám thiền sư, pháp tự của Long Đàm Sùng Tín. Mỗi khi học đồ tới tham học, hỏi đạo, ngài đều dùng gậy để chỉ bảo hướng dẫn về ý chỉ Thiền.
[10] Lâm Tế nuốt lời (Lâm Tế thôn thanh): ‘Lâm Tế’ tức Lâm Tế Nghĩa Huyền thiền sư, Tổ sáng lập tông Lâm Tế. Học đồ mỗi khi đến tham thiền hỏi đạo, ngài thường dùng tiếng "Thét" để tiếp dẫn.
[11] Buông ra thời tám chữ mở tung, thu lại thời một môn đóng chặt: Dịch câu "Phóng chi tắc bát tự đả khai, bả chi tắc nhất môn tuyệt hố". Câu trên có nghĩa là nhất phóng tức phóng ra, buông ra. Câu dưới có ý nghĩa là nhất thu, bắt lại. Hướng thượng tới cảnh giới tuyệt đối bằng đẳng cùng cực có nghĩa thu lại, thu lại thời một môn đóng chặt. Khi hướng hạ độ sinh có nghĩa buông ra, buông ra thời tám chữ mở tung. Vậy tám chữ đây, ám chỉ cho tám hướng, mười phương hay nhiều phương hướng, không chỉ giới hạn ở số tám.
[12] Gái đá nhẩy múa (thạch nữ khởi vũ): là người gái khắc bằng đá nhẩy múa. Người gỗ thổi kèn (suy dịch mộc nhân), đều dụ cho phần diệu dụng thiên chân vô tác, xa lìa mọi hình thức phân biệt.
[13] Ngựa sắt, trâu đất (thiết mã, nê ngưu) : Ngựa làm bằng sắt, trâu nặn bằng đất, đều dụ cho cảnh giới giải thoát vô ý thức, xa lìa mọi phân biệt.
[14] Sáo không lỗ (một khổng địch) : đàn không dây (vô huyền cầm) dụ cho thuyết pháp không lệ thuộc vào ngôn ngữ, lìa mọi tình thức.
[15] Đại ý bài thơ nói: Người người đều có bản lai diện mục (Phật Tính) nên người người đều có lối đến Trường An. Trở lại được có rất ít người. Nhưng một khi đã trở về được, thì một ánh trăng soi đại địa hàn, tức chứng ngộ được nhất chân thế giới.