Home » » Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 3]

Vladimir Soloviev triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học [Phần 3]

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012 | 04:34

Vladimir Soloviev
triết gia, thi sĩ và nhà phê bình văn học
[Phần 3]
Phạm Vĩnh Cư
6 - Triết học đạo đức
Như đã nói, triết học đạo đức là bộ phận hoàn chỉnh nhất, được khai triẻn tỉ mỉ nhất và được bản thân tác giả xem là quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống triết học của mình. Có thể nói, toàn bộ tư tưởng và sáng tác của Soloviev ngả về đạo đức học. Những vấn đề đạo đức học chiếm một nửa công trình Phê phán những nguyên lý trừu tượng. Những ý tưởng, quan điểm đạo đức học tôn giáo thẩm thấu toàn bộ văn chính luận của Soloviev. Trong sách Biện chứng cái thiện (1894-1897), những ý tưởng, quan điểm ấy được phát triển và kết cấu thành một hệ thống có cơ sở triết học và thần học xác định. Vì thế sự trình bày một cách tương đối kỹ lưỡng nội dung cuốn sách này sẽ có tác dụng làm sáng tỏ hơn toàn bộ học thuyết triết học của Soloviev.
Như ta đã biết, Soloviev bắt tay vào viết tác phẩm chính của đời mình khi tư tưởng của ông đã đạt độ chín chắn và hoàn chỉnh cao và khi ông đã nắm vững toàn bộ kho tàng triết học của phương Tây cũng như của phương Đông, trong đó có triết học đạo đức. Kho tàng ấy được tích luỹ trong ba thiên niên kỷ của văn minh loài người, cực kỳ phong phú và phức tạp, với di sản của hàng chục vĩ nhân và trường phái lớn đã ảnh hưởng mãnh liệt đến số phận của nhiều dân tộc và khu vực thế giới. Vậy Vladimir Soloviev, triết gia hậu sinh, đã tiếp nhận di sản ấy như thế nào và đã làm giàu những gì cho kho tàng tư tưởng chung ấy của loài người?
Soloviev đặt cho công trình triết học đạo đức của mình một cái tên giàu hàm nghĩa: Opravdanie dobra mà chúng tôi tạm dịch là Biện chứng cái thiện. Từ opravdanie trong tiếng Nga phát sinh từ từ pravda, có nghĩa vừa là sự thật = chân lý, vừa là lẽ phải = chính nghĩa. Từ dobro trong tiếng Nga cũng đa nghĩa, nó vừa chỉ cái thiện (phạm trù đối lập với cái ác), vừa chỉ cái tốt đẹp = lương hảo và cả cái phúc = phúc lợi. Trong ngữ cảnh của toàn bộ tác phẩm của Soloviev, tổ từ “Opravdanie dobra” bao hàm ít nhất ba ý nghĩa chính: 1) Cho thấy cái thiện là cái có thật, là thực tại, tức là chứng minh rằng câu chuyện triết học về cái thiện không phải là chuyện phiếm, chuyện hão (“biện minh cái thiện” về phương diện bản thể luận). 2) Cho thấy sự thống nhất (ở cấp cao nhất) của cái thiện với cái phúc. 3) Cho thấy cái thiện có thể được thực hiện, một phần đã được thực hiện và phải được tiếp tục thực hiện như thế nào trong đời sống nhân loại.
Triết học đạo đức của Soloviev, cũng như mọi thuyết đạo đức học của các tác gia khác, là học thuyết quy phạm, nó xác định những nguyên tắc hành động thực tiễn hay là những chuẩn mực đạo đức của con người và xã hội loài người. Mặc dù Soloviev dành hẳn một chương (Dẫn luận) trong công trình của mình để chứng minh tính độc lập của triết học đạo đức như một khoa học, nhưng rõ ràng từ toàn bộ hệ thống lập luận, dẫn chứng của ông, phải hiểu rằng tính độc lập ấy mang tính tương đối và có quan hệ mật thiết với những cơ sở thế giới quan và nhân sinh quan xác định. Mọi học thuyết đạo đức nghiêm chỉnh đều xuất phát và được quy định bởi quan niệm gốc về bản chất con người - các trường phái triết học khác nhau đấu tranh với nhau nhiều nhất chính xung quanh vấn đề này. Chỉ cần nhắc tới hai trường phái đối kháng trong triết học cổ Trung Hoa: Nho gia và Pháp gia, và tương tự với chúng trong triết học châu Âu thời mới - triết học của Rousseau và của Hobbes. Từ những quan niệm đối lập về bản chất thiện hay ác của con người mà người ta xác định những quy tắc hành xử giữa người với người và những nguyên tắc tổ chức và điều hành xã hội loài người cũng tất yếu mang tính đối lập. Những hệ thống tôn giáo - đạo đức lớn của thế giới như đạo Phật, đạo Zoroastre, đạo Do Thái, đạo Kitô, đạo Hồi…một phần quan trọng được xây dựng trên quan niệm cơ bản về linh hồn con người như là trường đấu tranh giữa bản nguyên thiện và bản nguyên ác.
Tiền đề phương pháp luận của Soloviev: không thể kiến tạo được một nền đạo đức học có giá trị phổ quát, nếu tự hạn chế trong lĩnh vực quan hệ giữa người với người (điều mà đa số các nhà đạo đức học vẫn làm). Nếu đồng nhất đạo đức với cái thiện là đúng, thì lại không thể đặt dấu bằng đơn thuần giữa cái thiện với chủ nghĩa vị tha và giữa cái ác với chủ nghĩa vị kỷ - một sai lầm mà ngay một trí tuệ lớn như Schopenhauer cũng đã mắc phải. Nếu chỉ lấy thực tế thấy được của quan hệ người với người làm tiêu chí duy nhất để đánh giá bản chất con người thì khẳng định bản chất ấy là thiện hay ác cũng đều có lý, thậm chí lời khẳng định sau sẽ có lý hơn: rõ ràng cái ác (hay là chủ nghĩa vị kỷ) đã và đang ngự trị trong đời sống những con người cá thể cũng như xã hội loài người. Soloviev kiến nghị tìm kiếm bản nguyên thiện trong con người theo ba chiều hướng liên đới: quan hệ hay là thái độ ứng xử của con người với cái thấp hơn nó, tức là cái tự nhiên vật chất, với cái ngay bằng nó - tức là với đồng loại và với cái ưu việt hơn nó, tức là thánh thần.Và ông tìm ra ba tình cảm tự nhiên trong ba quan hệ ấy mà ông gọi là “những dữ liệu nguyên khởi của đạo đức con người”: sự xấu hổ, tình thương và lòng tôn kính. Toàn bộ nền đạo đức của loài người là kết quả của sự phát triển theo tiến hoá lịch sử ba tình cảm nguyên thủy ấy trong mối liên quan hữu cơ của chúng với nhau. Con người và loài người chỉ có đạo đức vẹn toàn nếu biết giữ gìn và phát triển cả ba tình cảm hữu luân ấy, nếu biết xử lý đúng đắn quan hệ của mình với cái hạ đẳng, đồng đẳng và siêu đẳng đối với mình. Khác biệt với Kant (mà công lao trong việc xây dựng một học thuyết đạo đức có ý nghĩa toàn nhân loại ông đánh giá rất cao), Soloviev không giả định mà đinh ninh khẳng định sự tồn tại của thánh thần và sự bất tử của linh hồn con người. “Tính có thật của thánh thần không phải làkết luận rút ra từ tình cảm tôn giáo, - ông viết, - mà là nội dung của tình cảm ấy - là cái được cảm thấy. Hãy lấy đi cái tính có thật cảm thụ được của bản nguyên tối cao - thì trong tình cảm tôn giáo sẽ không còn lại cái gì hết. Bản thân nó cũng sẽ không còn nữa. Thế nhưng nó , tức là có cả cái hiện diện trong nó, cái được thụ cảm trong nó. Thánh thần có ở trong ta - tức là có thánh thần”. Và nếu chúng ta không phải lúc nào cũng cảm thấy có thánh thần trong ta, và có những người chẳng bao giờ biết đến cảm giác ấy, thì điều ấy cũng ít tác hại đến tính hiện thực của thánh thần chẳng khác nào ban đêm chúng ta không trông thấy ánh sáng mặt trời, còn những người mù bẩm sinh thì không thấy nó cả ban ngày. Đối với người theo đạo Kitô thì chỉ có một thánh thần tự tồn - đó là Chúa Trời sáng thế hay là Thượng Đế chí thiện, toàn tri và toàn năng. “Trong tình cảm tôn giáo đích thực Thượng Đế được cảm hội như là sự viên mãn của tất cả những điều kiện sinh tồn của chúng ta, như là cái mà không có nó thì sự sống đối với ta sẽ là vô nghĩa và bất khả, như là bản nguyên khởi thủy, môi trường chân chính và là mục đích cuối cùng của sinh tồn”. Và tiếp theo: “ Cơ sở nội tại của tôn giáo không chỉ là ý thức về sự lệ thuộc của chúng ta vào một sức mạnh ưu việt không thể so sánh với ta; trong thể thuần khiết của nó, tâm thức tôn giáo có thể quy về cảm giác sung sướng là có một sinh linh tốt đẹp hơn chúng ta vô cùng vô tận, và cuộc đời và số phận của chúng ta, cũng như của tất cả những gì tồn hữu, phụ thuộc vào sinh linh ấy - không phải vào cái gì đó mang tính định mệnh mù quáng, mà vào cái Thiện hữu thực và thập toàn…” (chương tám, tiểu mục II – III). Như ta thấy, trong đạo đức học cũng như trong toàn bộ triết học của Soloviev, đức tin tôn giáo với đức tin triết học hoà thành một thể thống nhất hữu cơ, những lập luận có lôgic chặt chẽ nhất được dựng xây tầng tầng lớp lớp trên cái nền cảm quan trực giác về bản thể thánh thần, cảm quan ấy không dòi hỏi chứng minh và mạnh hơn mọi luận lý. Cái mà trong bản thể luận của Soloviev hiện diện như là cái thực tồn hay cái chân tồn (đối lập với cuộc sống phù du của chúng ta như là cái hư tồn), trong siêu hình học tôn giáo của ông xuất hiện như là Thượng Đế vĩnh hằng và trong đạo đức học của ông hiện ra như là cái thiện tuyệt đối, hay là thập toàn. Khát vọng lớn nhất và mục đích cao nhất của con người bất toàn và hữu tử (mà cái sau là hệ quả của cái trước) là đạt tới thể bất tử và thập toàn, cái đó phù hợp hoàn toàn với ý đồ của Thượng Đế chí thiện mong muốn “hoá thần”, như ta đã biết, không chỉ loài người, mà toàn bộ thế giới thụ tạo.
Đến đây, một câu hỏi hiện lên: vậy con người có vai trò, vị trí gì trong cái tiến trình hoàn vũ được Thượng Đế toàn năng định trước ấy? Trong học thuyết Soloviev, bên cạnh hai phạm trù giá trị cơ bản: Thượng Đế và sự Bất Tử, xuất hiện phạm trù tối quan trọng thứ ba, được đặc biệtnhấn mạnh trong tác phẩm này - Tự Do. Tự do là bản chất của thánh thần, cái bản chất ấy được Thượng Đế truyền cho con người - tạo phẩm yêu quý nhất của Ngài, hình ảnh và thể tương đồng với Ngài. Chìa khoá để giải thích lịch sử nhân loại như một bi -hùng kịch chính là ở đây. Con người có thể muốn và có thể không muốn liên kết với Thượng Đế - Thượng Đế tôn trọng tự do của nó. Thế giới vĩnh hằng của cái tận Chân, tận Thiện, tận Mỹ, hay là Vương quốc của Chúa Trời chỉ có thể được dựng xây với sự tự nguyện tham gia của con người. “Con người được Thượng Đế quý trọng không phải như một công cụ thụ động của ý chí của Ngài - những công cụ như thế có đủ trong thế giới vật chất - mà như một đồng minh và một công sự tự nguyện trong cơ đồ toàn thế giới của Ngài. Sự cộng sự của con người nhất thiết nằm ngay trong hoạt động của Ngài trong thế giới này” (chương tám, tiểu mụcVII). Tiến trình gặp gỡ và hợp tác giữa nhân loại và ý chí siêu nhân loại chí thiện trong sách Biện chính cái Thiện cũng như ở các trước tác khác của Soloviev được gọi là tiến trình thần-nhân loại. Nhìn từ góc độ đạo đức - tinh thần, “quá trình lịch sử là sự quá độ trường kỳ và đầy khó khăn từ thú-nhân tính lên thần-nhân tính”. Từ tất cả những gì đã nói và dẫn có thể hình dung được tư tưởng chủ đạo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt công trình đạo đức học của Soloviev - tác giả trình bày nó như một nguyên tắc hay là mệnh lệnh vô điều kiên gửi đến từng cá nhân con người: “Trong sự hoà hợp nội tại và hoàn toàn với ý chí tối cao, thừa nhận ở tất cả những con người khác ý nghĩa hay là giá trị tuyệt đối, bởi vì cả ở họ cũng có hình ảnh và thể tương đồng với Chúa Trời, hãy tham gia thật đầy đủ sự nghiệp hoàn thiện bản thân và hoàn thiện chung, vì sự hiển hiện đến cùng của Vương quốc của Chúa trời trong thế gian này”.
Chúng tôi thấy cần nhấn mạnh thêm hai điểm quan trọng trong tư tưởng Soloviev, được nhắc đi nhắc lại không chỉ trong công trình này: thứ nhất, chỉ có Vương quốc của Chúa Trời hay là cuộc sống tận thiện, tận chân, tận mỹ “trên trái đất mới dưới bầu trời mới”, nơi mà cái chết đã bị chiến thắng hoàn toàn, nơi mà tất cả những người đã chết cũng được phục sinh cho sự sống bất tử trong thân xác, mới đem lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống hiện tại của từng con người và cả loài người; Soloviev không chấp nhận bất kỳ một “xã hội lý tưởng” nào mà trong đó những con người vẫn phải chết, những mỹ từ thiếu suy nghĩ của các nhà duy vật lịch sử dung tục như “sự bất tử của nhân dân” hay “của nhân loại” trong trường hợp tốt nhất gây nên ở ông nụ cười khoan dung. Thứ hai, ngay khi Vương quốc của Chúa Trời đã xuất hiện, từng con người vẫn có quyền chấp nhận hay chối bỏ nó. Thượng Đế không cưỡng bức ai gia nhập thiên đường vĩnh phúc của Ngài. ý chí tự do của con người được tôn trọng triệt để.
Ứng với tư tưởng chính yếu và trung tâm của tác giả, Biện chứng cái thiện được chia thành ba phần không đồng đều, không kể Lời nói đầu: ý nghĩa luân lý của cuộc sống trong định nghĩa sơ bộ; Dẫn luận: Triết học đạo đức như một khoa học độc lập; và Kết luận: ý nghĩa luân lý của cuộc sống trong định nghĩa cuối cùng.
- Phần Một: Cái thiện trong bản chất con người, gồm 6 chương: Những dữ liệu nguyên khởi của đạo đức; yếu tố khổ hạnh trong đạo đức; Tình thương và chủ nghĩa vị tha; yếu tố tôn giáo trong đạo đức; Về những đức tính; Những nguyên lý hư tưởng của triết học thực tiễn (phê phán thuyết duy hạnh phúc dưới những biến tướng khác nhau).
- Phần Hai: Cái thiện từ Thượng Đế, gồm ba chương: Tính thống nhất của các cơ sở đạo đức; Nguyên tắc vô điều kiện của đạo đức; Tính hữu thực của trật tự đạo đức - tinh thần.
- Phần ba: Cái thiện thông qua lịch sử nhân loại, gồm 10 chương: Cá nhân và xã hội; Sự phát triển lịch sử của ý thức cá nhân - xã hội trong những thời đại chính của nó; Chủ nghĩa chủ quan trừu tượng trong đạo đức; Tiêu chuẩn đạo đức của xã hội; Vấn đề dân tộc xét từ quan điểm đạo đức; Vấn đề hình sự xét từ quan điểm đạo đức; Vấn đề kinh tế xét từ quan điểm đạo đức; Đạo đức và pháp quyền; ý nghĩa của chiến tranh; Tổ chức đạo đức nhân loại trong chỉnh thể.
Một sự liệt kê đơn thuần mục lục khái quát[1] đủ cho thấy quy mô của tác phẩm và tầm nhìn của tác giả có thể nói đã bao quát tất cả mọi lĩnh vực trọng yếu của đời sống cá thể con người cũng như cộng đồng loài người. Khuôn khổ có hạn của bài tổng quan không cho phép đi sâu phân tích nội dung từng chương, mà chương nào cũng chứa đựng không ít tư tưởng sâu sắc và độc đáo, không ít tư liệu quý giá thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội - nhân văn. ở phần Một của cuốn sách mà chúng tôi đã chọn dịch chương Một, chúng tôi muốn lưu ý bạn đọc tới ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà Soloviev dành cho một cảm xúc hữu luân cơ bản của con người - nỗi xấu hổ, khởi nguyên là nỗi xấu hổ hữu tính, dần dần theo quá trình lịch sử phát triển thành lương tâm = lương tri. Về sự biết xấu hổ như là biểu hiện không thể thiếu của đạo đức con người, nhiều nhà hiền triết ở phương Đông cũng như phương Tây từ thời xưa đã bàn đến: Khổng Tử, Mạnh Tử, Socrate, Platon…, danh sách có thể kéo dài. Nhưng (như chúng tôi biết) chỉ Soloviev mới đưa nó lên tầm quan trọng hàng đầu, nhìn thấy ở nó một dấu hiệu đặc thù có một không hai phân biệt con người với các động vật khác và nói lên cái bản chất siêu vật chất, siêu tự nhiên của con người (“hình ảnh và thể tương đồng với Chúa Trời”). “Trong cảm xúc xấu hổ, những ham thích vật chất cơ bản nhất bị chúng ta kinh ghét như thể một cái gì đó xa lạ và thù địch với ta. Rõ ràng, người kinh ghét và cái bị kinh ghét không thể là một - một sinh linh xấu hổ trước thực tại vật chất của mình không thể chỉ là một thực tại vật chất. Thế nào là cái thực tại vật chất tự xấu hổ và kinh ghét mình, tự phán xét và thừa nhận mình là không xứng đáng? Chẳng phải đó là cái vô nghĩa trực tiếp, một mẫu mực về cái không thể có theo lôgic?”. Quả thật, cảm xúc xấu hổ và biến thể xã hội của nó - lương tâm - là biểu hiện vừa rõ ràng nhất vừa sâu sắc nhất của ý thức phẩm giá con người. Khi con người không còn biết xấu hổ, nó đánh mất nhân phẩm của mình, hạ mình xuống cấp con vật, nhưng bởi vì con người không thể bình đẳng với loài vật, cho nên để mất nhân tính, nó trở nên thấp kém hơn, vô luân hơn loài vật rất nhiều. Nhại lại Descartes đã đề cao một chiều lý tính ở con người, Soloviev đưa ra một định thức mà theo chúng tôi đáng được tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giai cấp, ghi tạc trong tâm thức: Tôi xấu hổ tức là tôi tồn tại.
Liên quan mật thiết với luận thuyết về đức xấu hổ là tư tưởng của Soloviev về yếu tố khổ hạnh trong đạo đức. Tư tưởng này không mới. Minh triết của các dân tộc, được đúc kết thành các hệ thống tôn giáo - đạo đức, đều dạy con người phải biết làm chủ bản thân, biết kiềm chế những dục vọng, đặc biệt những dục vọng xác thịt - vật chất, dành ưu tiên cho những phúc lợi tinh thần trước những phúc lợi vật chất. Nét riêng của Soloviev trong luận thuyết về Đức khổ hạnh biểu hiện ở chỗ: 1) Đức khổ hạnh là một yêu cầu luân lý thể hiện trách nhiệm của con người đối với bản thân mình. Trách nhiệm với bản thân là thành tố đầu tiên, không thể thiếu trong đạo đức con người.Con người có thể không độc ác, thậm chí giàu lòng nhân ái, yêu thích cái thiện, nhưng nếu nó vô trách nhiệm với bản thân, làm nô lệ cho những đam mê dục vọng tầm thường của mình, thì nó vẫn là một kẻ vô đạo đức. 2) Đức khổ hạnh, mặc dù nó là thiết yếu đối với mọi người và đáng kính trọng, nhưng không phải là một giá trị tự thân. Đức khổ hạnh là phương tiện, là con đường để con người đi tới vương quốc của những mục tiêu cao nhất của nhân sinh. Khi đức khổ hạnh bị biến thành mục đích tự thân, trở thành nguồn gốc của lòng kiêu hãnh, của sự tự đề cao của con người - nó từ cái thiện hoá thành cái ác. Trong thần thoại của đạo Kitô, kẻ khắc khổ vô luân nhất là quỷ Xatăng, trong khi ấy thì Chúa Trời lại độ lượng đối với sự yếu đuối của con người trước sức mạnh của những nhu cầu vật chất - nhục thể. Triết học đạo đức của Soloviev không mang tính hà khắc trừu tượng là nhược điểm, thí dụ, của đạo đức học của Kant.
Phần hai của sách Biện chính cái thiện, mang nặng nội dung siêu hình học, được dành chính để chứng minh tính hữu thực và sự hoạt động của thánh thần trong thế giới này, tính hiện thực của Vương quốc của Chúa trời mà, trong sự liên kết tự do với loài người, Ngài đương dẫn dắt nó tới đó. Trong phần này, Chương Tính hữu thực của trật tự đạo đức - tính thần có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. ở đây, Soloviev dựa trên những dữ liệu của khoa học hiện đại, cho thấy toàn bộ lịch sử vũ trụ và lịch sử hình thành, phát triển của sự sống trên trái đất là một tiến trình có mục đích và có ý nghĩa. Lịch sử tự nhiên từ vô cơ đến hữu cơ theo Soloviev là quá trình tích hợp, làm sáng và làm sống vật chất bởi một sức mạnh siêu vật chất. Tiếp tục quá trình ấy, lịch sử tiến hoá của thế giới hữu cơ, từ thực vật qua động vật, cuối cùng dẫn đến sự hình thành thế giới loài người - hình thức sự sống hữu thức và hữu trí, có khả năng tự hoàn thiện nội tại vô tận. Như Soloviev quan niệm, lịch sử tiến hoá của nhân loại từ thú-nhân tính lên thần-nhân tính là quá trình từng bước nhuần thấm trong mọi lĩnh vực đời sống của mình yếu tố tinh thần, ý thức ngày một rõ hơn và thực hiện ngày một đầy đủ hơn sứ mệnh của mình trong hoàn vũ. Nội dung sứ mệnh ấy là làm trung gian giữa Thượng Đế và thế giới, chuẩn bị những điều kiện nội tại cần thiết cho sự cải hoá toàn bộ thế giới hiện tồn thành thế giới của sự sống hữu thức, hữu trí viên mãn và bất tử mà tên gọi khác của nó là Vương quốc của Chúa Trời. Trong Vương quốc ấy, như đã nói, không chỉ loài người mà cả toàn bộ thế giới vật chất cũng được “hoá thần”. Tất cả những quá trình nói trên nằm trong cái mà Soloviev gọi là “cơ đồ hoàn vũ của Thượng Đế”. Để có sự ra đời của một thần-nhân loại (còn gọi là “nhân loại tinh thần” khác biệt với “nhân loại tự nhiên”), chính Thượng Đế đã nhập thể thành người mang tên Giêsu Kitô. Cuộc đời của Kitô, cái chết và sự phục sinh của ông là điểm ngoặt trung tâm của lịch sử thế giới. Soloviev - khác với các nhà thần học chính thống - không nhấn mạnh tư tưởng về cái chết khổ nạn để chuộc tội cho loài người của Kitô. Thay vì cái đó, ông không biết mệt mỏi khẳng định: Sự phục sinh của Kitô là chiến thắng đầu tiên của một con người hoàn hảo đối với thần chết từ muôn đời muôn kiếp ngự trị trên thế gian này. Sự phục sinh của Kitô tiên báo và chỉ dẫn cho nhân loại con đường đi tới cuộc “hồi sinh của tất cả” trong sự sống vĩnh hằng. Đây là tư tưởng tâm huyết nhất của Soloviev. Nếu Kitô không phục sinh, thì sự tồn tại của loài người và từng con người sẽ mãi mãi là vô nghĩa. Nhưng Kitô đã phục sinh, cho nên cuộc sống của mỗi một con người, của cả loài người và cả vũ trụ trở nên có ý nghĩa.[2]
Qua cách cảm nhận và kiến giải cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp của Kitô nơi Soloviev, ta thấy nhà tư tưởng này nhận thức thế nào vai trò ý nghĩa có thể có của cá nhân con người trong lịch sử thế giới. Trong sách Biện chính cái thiện, Soloviev xuất hiện như là triết gia và thi sĩ thực thụ của cá nhân hay là ngã thể con người. Có thể khẳng định, Ngã Thể là phạm trù giá trị cơ bản thứ tư trong triết học Soloviev, bên cạnh Thượng Đế, sự Bất Tử và Tự Do (đây cũng là lý do chính vì sao Soloviev không chấp nhận đạo Phật, mà ông, mặc dù kính trọng và thừa nhận nhiều chân lý sâu sắc của nó, cuối cùng vẫn gọi nó là “một tôn giáo sai lầm”). “Vương quốc của Chúa Trời” được nói nhiều đến thế trong sách Biện chứng cái thiện không có gì giống Niết Bàn, giống cõi yên tịch, bất phân, hoà tan mọi cá thể khác nhau vào trong một bản thể vô tính chất. Ngược lại, đó là xứ sở của sự phong phú đa dạng vô tận, của vô lượng những gương mặt không ai giống ai của các thành viên và của hoạt động tự do hiệu năng vô tận của họ trong sự hiệp lực hoàn hảo với nhau và với sức mạnh tối cao. Mỗi một con người cá thể trên mặt đất này là một thành viên tiềm năng của Vương quốc ấy. Trong mười chương của phần Ba sách Biện chứng cái thiện - phần nói về những con đường thực hiện cái thiện trong thế giới này chuẩn bị cho sự hiện diện của vương quốc của cái thiện tuyệt đối - hai chương dành cho sự trình bày quan niệm của tác giả về cá nhân con người và quan hệ của nó với xã hội loài người (Cá nhân và xã hội, Tiêu chuẩn đạo đức của xã hội). Cũng như mọi trí tuệ tư duy lành mạnh, Soloviev không tách rời cá nhân khỏi xã hội, khẳng định cá nhân không thể tồn tại ngoài xã hội, nhưng tuyệt không đặt cá nhân vào vị trí dưới, có bổn phận phục tùng xã hội một cách đơn phương. Xã hội, ông viết, không phải là biên giới phủ định của cá nhân, mà là cái bổ sung và bổ khuyết cho nó. Soloviev viết những dòng chữ phát sáng bác bỏ quan niệm về con người như một sinh vật xã hội đơn thuần, quan niệm ấy, ông chứng minh, chỉ ứng hợp với những loài vật sống bầy như ong, kiến, mối. Đối với những động vật ấy, “tính xã hội là một dấu hiệu ít nhất cũng quan trọng như đối với con người. Tuy vậy nếu chúng ta vẫn không chịu thừa nhận sự bình đẳng của chúng đối với chúng ta, nếu chúng ta không đồng ý dành cho từng con trong hằng hà sa số những con kiến lúc nhúc trong những cánh rừng của chúng ta tất cả các quyền con người và quyền công dân, thì tức là bởi vì ở con người còn có một dấu hiệu quan trọng khác, độc lập với tính xã hội và, ngược lại, quy định tính chất khác biệt của xã hội loài người”. Vì mỗi một con người, bất cứ nó là ai, đều là hình ảnh và thể tương đồng của Thượng Đế, cho nên mỗi một cá nhân hay là nhân thân, không phụ thuộc vào tính hữu ích xã hội hay những phẩm chất đạo đức hay trí tuệ thực chứng của nó, là một giá trị tuyệt đối. “ Nguyên tắc về phẩm giá con người hay là ý nghĩa tuyệt đối của mỗi một cá nhân, từ đấy mà xã hội được định nghiã như là thể hoà hợp nội tại, tự do của tất cả mọi người - đó là tiêu chuẩn đạo đức duy nhất” của xã hội loài người - tác giả nhấn mạnh. “Từ đó phải trực tiếp khẳng định rằng không một con người nào, không trong điều kiện nào và không vì lý do nào có thể bị xem chỉ như một phương tiện cho bất kỳ một mục đích nào ở bên ngoài nó…”. Tiếp theo: “Quyền của nhân thân, với tư cách nhân thân, dựa trên cơ sở phẩm giá con người không thể tước đoạt của nó (…) mới là vô điều kiện về bản chất, trong khi ấy thì quyền của xã hội đối với nhân thân, ngược lại, được điều kiện hoá bởi sự thừa nhận quyền cá nhân”. Tiếp theo nữa: “Nguyên tắc về quyền vô điều kiện của cá nhân con người không lệ thuộc vào ai và vào cái gì, nhưng chỉ trong quan hệ với nó mà những xã hội và những thiết chế có được tính đạo đức. Chúng ta biết (…) xưa cũng như nay có nhiều cơ thể văn hoá - dân tộc vĩ đại, với gia đình, tôn giáo, chế độ sở hữu rất bền vững, nhưng với tất cả những cái đó, chúng vẫn đã không có và chưa có tính đạo đức của xã hội loài người; trong trường hợp tốt nhất, chúng vẫn chỉ giống xã hội sống bầy của những loài côn trùng thông minh, nơi có cơ chế của cái trật tự thiện lương, nhưng không có cái mà trật tự ấy phải phục vụ - không có bản thân cái thiện, bởi lẽ không có chủ thể của nó - cá nhân tự do”. Vladimir Soloviev, triết gia tôn giáo, tiếp thụ và nâng lên tầm cao mới, thành nguyên tắc cơ bản bất di bất dịch, tất cả những tư tưởng nhân quyền tiên tiến nhất của loài người[3]*, những tư tưởng mà không phải tất cả những con người đấu tranh cho sự giải phóng nhân loại đều thấm nhuần và, như lịch sử sau này cho thấy, họ biết bao phen đã chà đạp chúng không thương tiếc! Trong những quyền con người, bên cạnh quyền có được những điều kiện vật chất tối thiểu để phát triển trí tuệ và đạo đức - tinh thần, Soloviev đưa lên hàng đầu và triệt để bênh vực quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng. Trong chương Đạo đức và pháp quyền, bàn về vấn đề bạo lực trong xã hội loài người, ông phân biệt ba loại bạo lực: “1) bạo lực thú tính, mà những kẻ giết người, ăn cướp và lạm dụng tình dục trẻ em thực hiện; 2) bạo lực nhân tính, mà tổ chức cưỡng chế của xã hội tất yếu phải dùng dến để bảo vệ những phúc lợi ngoại tại của cuộc sống; và 3) sự xâm nhập bạo ngược của tổ chức xã hội bên ngoài vào lĩnh vực tinh thần của con người, với mục đích giả dối bảo vệ những phúc lợi nội tâm - kiểu bạo lực này được quy định toàn bộ bởi cái ác và cái giả dối và vì thế mà phải theo công lý được gọi là bạo lực ác qủy”.
Không ở đâu, sự nhận thức có triệt để hay không về quyền con người thể hiện rõ nét như trong vấn đề về đối xử với những người phạm tội. Các xã hội chưa biết đến quyền con người không coi những phạm nhân là người nên cho phép mình đối xử với họ thế nào cũng được. Soloviev, xuất phát từ quan niệm tôn giáo của mình, xem tất cả các phạm nhân, dù họ có mắc tội đến đâu, đều vẫn là những thành viên của xã hội loài người và đòi hỏi đối xử với họ với tư cách ấy. Nếu lợi ích chân chính của xã hội bao hàm lợi ích của mọi thành viên không trừ một ai, thì nó phải bao hàm lợi ích của cả những phạm nhân. Cho nên Soloviev cương quyết phản đối án tử hình cùng các hình thức tra tấn, hành hạ các tội nhân. Thực tiễn hình sự ở nhiều nước trong thế giới ngày nay đang ngày càng đáp ứng những đòi hỏi ấy, mà một thế kỷ trước đây nhiều người cho là viển vông, không tưởng.
Liên quan mật thiết với vấn đề luật hình sự là vấn đề về thái độ phải có với cái ác và cái vô luân trong xã hội. Soloviev, nhà tư tưởng luôn luôn hướng tới cái thiện tuyệt đối, cả trong vấn đề này cũng tỏ ra vừa rất nhân đạo, vừa có đầu óc hiện thực. Xác định pháp quyền là cái giới hạn thấp nhất hay là mức tối thiểu xác định của đạo đức phải được thực hiện trong đời sống xã hội, tác giả Biện chứng cái thiện hạn chế nghiêm ngặt quyền của nhà nước can thiệp vào lĩnh vực đạo đức, nơi con người có quyền tự do lựa chọn giữa cái hữu luân và cái vô luân, giữa cái ác và cái thiện. Những lập luận của ông thật khó bẻ. “Con người phải có đạo đức một cách tự do, mà để có cái đó, nó phải được dành cho quyền tự do vô đạo đức đến mức nhất định”. Tiếp theo: “Vì lợi ích của tự do, luật pháp cho phép các con người biểu hiện tính độc ác, không can thiệp vào sự lựa chọn tự do của họ giữa thiện và ác; nó chỉ vì lợi ích của phúc lợi chung không cho con người độc ác trở thành ác ôn, nguyhiểm cho ngay sự tồn tại của xã hội”. Và đây, vừa một kết luận vừa một lời cảnh báo: “Nhiệm vụ của luật pháp tuyệt không phải ở việc biến cái thế giới ngập ngụa trong độc ác này thành Vương quốc của Chúa Trời, mà chỉ ở việc không để cho nó biến thành địa ngục trước thời hạn” (chương Đạo đức và pháp quyền). Thượng Đế cho phép cái ác tồn tại trong cái thế gian này “như một điều kiện nhất thời của tự do, tức là của cái thiện lớn hơn”. “Cái ác là một thứ gì đó có công vụ của nó, và phủ định nó một cách vô điều kiện sẽ có nghĩa là đối xử với nó không công chính. Cả với cái ác chúng ta cũng phải đối xử tựa như Thượng Đế, tức là không dửng dưng với nó, song đứng trên mâu thuẫn tuyệt đối với nó và để cho nó tồn tại - khi nó không xuất phát từ ta - như một công cụ hoàn thiện thế giới, vì từ đó có thể rút ra cái thiện lớn hơn” (chương Nguyên tắc vô điều kiện của đạo đức). Loài người trong thế kỷ qua đã quá nhiều lần hành động trái ngược với những lời khuyến cáo này, nhưng không phải vì thế mà chúng mất đi tính minh triết ngời sáng của chúng.[4]
Trong toàn bộ phần Ba của sách Biện chính cái thiện, ta thấy tác giả vừa luôn luôn chú mục cái đích cuối cùng xa xăm mà theo ông lịch sử nhân loại phải đi đến, lại vừa nhất quán giữ thái độ nâng niu trân trọng từng bước tiến, dù nhỏ nhất đã đạt được trên con đường dằng dặc và khúc khuỷu ấy. Chủ nghĩa cực đoan hoàn toàn xa lạ với ông. Cũng xa lạ với ông cả phương pháp tự biện tiên nghiệm. Suy nghĩ về “tổ chức đạo đức nhân loại trong chỉnh thể” (chương cuối cùng), ông bắt đầu bằng việc trở lại xem xét, đánh giá, định hướng phát triển cái tế bào cơ sở của xã hội loài người dưới ánh sáng mục đích cuối cùng. Theo chúng tôi, thật khó định thức ý nghĩa đạo đức - tinh thần và nhiệm vụ của gia đình tốt hơn Soloviev đã làm: gia đình trung thành với sứ mệnh của nó là môi trường mà ở dấy “mỗi người là mục đích của mọi người, ở mỗi người được thừa nhận một cách cảm thấy được cái ý nghĩa tuyệt đối của nó, mỗi người là một cái gì đó không thể thay thế. Xét từ góc độ ấy, gia đình là một tế bào cơ bản, kiểu mẫu và cấu thành của thể huynh đệ toàn thế giới hay là xã hội loài người như nó phải có. Nhưng để giữ được ý nghĩa ấy của mình, gia đình rõ ràng không thể biến thành lãnh địa của chủ nghĩa ích kỷ được thỏa mãn tương hỗ, mà đối với từng thành viên của nó ngay từ đầu phải luôn luôn mở rộng con đường thăng tiến của sự thực hiện, bằng hết sức lực của mình, nguyên tắc đạo đức trong nhân gian. Gia đình hoặc là điểm hoàn tất của chủ nghĩa ích kỷ, hoặc là phôi mầm của sự liên hợp toàn thế giới. Giữ gìn nó theo nghĩa thứ nhất không phải là giữ gìn “kỷ cương đạo đức của xã hội” (chương Tiêu chuẩn đạo đức của xã hội). Chính xác làm sao, đầy đủ làm sao và công bằng làm sao đối với một thiết chế xã hội đã và sẽ còn tồn tại ngàn đời, đối với một giá trị hiện hữu rất to lớn nhưng chỉ là tương đối so với cái ước muốn và cái phải có!
Cũng với thái độ công bằng như thế, vừa trừu mến, vừa tỉnh táo, vừa nâng niu vừa đòi hỏi cao, Soloviev xem xét cái hình thức tập hợp và tổ chức nhân loại thứ hai - dân tộc = quốc gia. Tác giả Biện chính cái thiện xa lạ như nhau cả với chủ nghĩa thế giới lẫn chủ nghĩa dân tộc. Trong tác phẩm này, cũng như ở các trước tác khác của mình, ông cổ xuý cho chủ nghĩa yêu nước chân chính và cương quyết đấu tranh chống chủ nghĩa “ái quốc” hư ngụy, chủ nghĩa ích kỷ dân tộc dưới mọi chiêu bài và biến tướng khác nhau. Ông chứng minh những lợi ích thực thụ, trường cửu của dân tộc này không thể thù địch với lợi ích cũng như thế của dân tộc kia, không một giá trị chân chính của dân tộc nào lại xa lạ về bản chất với các dân tộc khác. ý nghĩa sự tồn tại của các dân tộc là bằng những cống hiến đặc thù của mình làm giàu kho tàng những giá trị chung của nhân loại. Soloviev đề ra một phương châm đạo đức cho các quan hệ quốc tế: hãy yêu tất cả các dân tộc khác như dân tộc mình. Đáng để ý đến một khía cạnh nữa trong lập trường quan điểm của Soloviev về vấn đề dân tộc: dân tộc (nation) trong thể tồn tại hiện thời của nó không vĩnh hằng. Trong quá khứ cổ đại đã có những tổ chức chính trị - văn hoá liên sắc tộc (các “đế chế toàn thế giới” như Babylone, Ba Tư, Hy Lạp thời Alexandre, La Mã) và trong tương lai có thể sẽ xuất hiện những tổ chức liên và siêu quốc gia mà trong đó các quốc gia dân tộc hiện nay sẽ hoà nhập thành những cơ thể chính trị - kinh tế - xã hội thống nhất mà không có sự xoá nhoà tất cả sự phong phú đa dạng về ngôn ngữ - văn hoá. Những dự báo này, được viết trước đây hơn trăm năm, hiện nay đương trở thành hiện thực trong phạm vi nhiều khu vực thế giới cũng như toàn cầu. Dĩ nhiên đối với tác giả Biện chính cái thiện, những hình thức tổ chức toàn nhân loại ấy có ý nghĩa cuối cùng như là những bước trù bị cho sự hiển hiện Vương quốc hoàn vũ của Thượng Đế. Tổ chức quan trọng nhất đóng vai trò hướng đạo tất cả các tổ chức khác - giáo hội thống nhất toàn thế giới - thì vẫn còn là một mơ ước thuần tuý của tác giả (nhưng không phải của một mình ông).
Đối với các nhà đạo đức học thời mới, có lẽ “hòn đá thử vàng” là năng lực nối kết vấn đề đạo đức với vấn đề kinh tế, chỉ ra được cách áp dụng những nguyên tắc đạo đức vào thực tiễn của thế giới ngày nay, nơi mà lợi ích kinh tế trở thành một sức mạnh vô cùng to lớn chi phối ngày càng ráo riết đời sống loài người và chia rẽ nó thành những thế lực thù địch. Các tôn giáo trong một thời gian rất dài kiên trì im lặng về vấn đề này, viện lẽ là sứ mệnh của họ là chăm lo cho phần hồn chứ không phải phần xác của con người.[5] Các nhà tư tưởng xã hội duy đạo đức (như Tolstoi ở Nga) thì thường dốc hết tài năng và tâm huyết vào việc tố cáo, lên án quyền lực ma ám của kim tiền, kêu gọi loài người chấm dứt cuộc săn kiếm mù quáng giàu sang phú quý, trở về với cuộc sống vật chất giản dị theo tinh thần lời răn bảo nổi tiếng trong kinh Phúc Âm: “Con người không sống chỉ bằng bánh mì”. Soloviev, con người nổi tiếng khờ dại trong đời sống hàng ngày, tuyệt không biết chăm lo cho những lợi ích vật chất kinh tế của mình, trên những trang sách Biện chứng cái thiện bộc lộ một sự am hiểu đáng phục lĩnh vực kinh tế và sự rất mựckhôn ngoan, chín chắn trong những khuyến cáo của mình. Trước hết ông khẳng định: chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có sự tách rời hoàn toàn lĩnh vực kinh tế khỏi lĩnh vực đạo đức tinh thần, bởi vì như thế thì sẽ không còn tồn tại xã hội loài người nữa. Tiếp theo ông suy luận: Kitô dạy “con người không chỉ sống bằng bánh mì” chứ không nói “con người có thể sống không có bánh mì”. Có nghĩa là nhiệm vụ đạo đức của hoạt động kinh tế là phát triển sản xuất và thực hiện lưu thông phân phối thế nào để cho mọi người trên hành tinh này có đủ những điều kiện vật chất tối thiểu để hoàn thiện hoá bản thân. Và ông chứng minh nhiệm vụ ấy là khả thi, với trình độ phát triển sản xuất đã đạt được mà không cần sự “tước đoạt những kẻ tước đoạt”. Trong những yêu cầu đạo đức mà nhà triết học Nga thế kỷ XIX vạch ra cho hoạt động kinh tế của nhân loại, có một yêu cầu hiện nay đã trở nên mang tính quyết định đối với số phận của cả hành tinh này - bảo vệ và tôn tạo môi trường tự nhiên. Xin được dẫn một đoạn khá dài trong chương Vấn đề kinh tế xét từ quan điểm đạo đức:
“Có thể có ba cách quan hệ của con người với tự nhiên bên ngoài: thụ động phục tùng nó trong dạng hiện tồn của nó, sau đó là đấu tranh tích cực với nó, chinh phục nó và sử dụng nó như một công cụ vô hồn, và cuối cùng, khẳng định trạng thái lý tưởng của nó - cái mà nó phải trở thành thông qua con người. Quan hệ thứ nhất là bất công hoàn toàn cả đối với con người lẫn thiên nhiên: đối với con người bởi vì tước đi phẩm chất tinh thần của nó, biến nó thành nô lệ của thiên nhiên; đối với thiên nhiên bởi vì, bái phục nó trong trạng thái không hoàn hảo và bị biến chất hiện nay, con người bằng cách ấy tước đi của nó hy vọng hoàn thiện. Quan hệ thứ hai, phủ định đối với thiên nhiên, phải được thừa nhận là tương đối hợp chuẩn theo nghĩa cái nhất thời và quá độ; bởi vì rõ ràng là để truyền cho thiên nhiên cái trạng thái phải có, trước hết cần có thái độ phủ định đối với nó trong hiện trạng không được có của nó. Nhưng dĩ nhiên chỉ có thể thừa nhận là hợp chuẩn một cách vô điều kiện và tuyệt đối quan hệ thứ ba - quan hệ khẳng định, khi mà con người sử dụng tính ưu việt của mình trước thiên nhiên vì sự thăng hoa không chỉ của mình, mà còn cả của nó nữa. Dễ nhận thấy rằng ba cách quan hệ của con người với giới tự nhiên bên ngoài chỉ là sự lặp lại mở rộng cũng quan hệ ấy với cái tự nhiên vật chất của chính nó. Cả ở đây chúng ta cũng tất yếu phân biệt thái độ lệch chuẩn (thụ động), hợp chuẩn (chủ động - tích cực) và sự chuyển từ cái thứ nhất sang cái thứ hai (chủ động - phủ định): con người xác thịt phục tùng và hiến mình cho cuộc sống vật chất của mình trong trạng thái đọa lạc không được có của nó; nhà khổ hạnh đấu tranh với xác thịt để trấn áp nó; con người chí thiện hoàn hảo, kinh qua cuộc đấu tranh ấy, đạt tới không phải sự huỷ diệt thân xác của mình, mà sự cải hoá, phục sinh và thăng thiên thân xác. Giống như chủ nghĩa khổ hạnh, hay là sự trấn áp xác thịt trong đời sống cá nhân, cũng như thế sự đấu tranh với giới tự nhiên ngoại tại trên trái đất và sự chinh phục nó trong đời sống chung của nhân loại chỉ là bước quá độ thiết yếu, chứ không phải là chuẩn mực cuối cùng của hoạt động con người: hoạt động hợp chuẩn ở dây là bồi dưỡng đất, chăm sóc nó vì sự đổi mới và tái sinh của nó trong tương lai”.
Chỉ từ một đoạn văn vừa dẫn đã hiện ra khá rõ khuôn mặt tinh thần của tác giả của nó: một tư tưởng gia có đức tin tôn giáo tích cực mãnh liệt, tin tưởng sắt đá vào sự tồn tại của cái thiện tuyệt đối và khả năng thực hiện cái thiện ấy bằng sức lực của nhân loại trong sự liên kết với sức mạnh chí thiện siêu nhân loại. Sách Biện chính cái thiện trình bày cặn kẽ triết học đạo đức của Soloviev là một nỗ lực tìm kiếm những con đường tiến tới cái thiện tuyệt đối ấy.
7 - Triết học tình yêu
Dễ nhận thấy rằng trong sách Biện chính cái thiện, đề cập sâu đến hầu hết mọi lĩnh vực quan hệ giữa người với người, Soloviev lại hầu như không nói gì về tình yêu nam nữ. Đề tài này, do tầm quan trọng đặc biệt của nó, được ông xem xét trong hai khảo luận riêng, một được viết trước, một viết sau công trình triết học đạo đức của ông. Khảo luận được viết trước là Siêu lý tình yêu (1892-1893) - như đã nói, cho đến nay đây vẫn là tác phẩm trứ danh nhất, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của Soloviev. Siêu lý tình yêu tiếp nối một cách trực tiếp và có ý thức một truyền thống triết luận có lịch sử 25 thế kỷ ở châu Âu. Tình yêu - hiện tượng vô cùng to lớn và phức tạp của cuộc sống con người, đề tài nổi trội, thường trực và không thể vắt kiệt của văn học thế giới - ở châu Âu, từ thời Hy-La qua trung đại sang thời mới, liên tục thu hút sự bận tâm quan sát, phân tích, đánh giá, giải thích của nhiều nhà tư tưởng, mà về sáng tác của tất cả họ, Soloviev am tường. Hai tác phẩm trứ danh của Platon đặt nền móng cho triết học tình yêu ở châu Âu: Phèdre Tiệc rượu được Soloviev không chỉ nhắc đến, mà còn phân tích tận tường trong một chuyên khảo cuối đời về Platon, ở đấy ông sẽ phát triển đến hoàn chỉnh một số ý tưởng hiền minh và tiên tri còn chấm phá hay bị bỏ dở của nhà triết học đại gia Hy Lạp và bác bỏ không thương tiếc những lý thuyết tăm tối phản nhân đạo cũng của vị đại gia này. Trong Siêu lý tình yêu, trình bày học thuyết của mình, Soloviev còn đối thoại, tranh luận với nhiều đại gia khác, có khi không gọi tên họ. Một đối thủ không được gọi tên như thế lại là Lev Tolstoi - con người Nga lừng danh nhất, có uy tín xã hội lớn nhất trong thời đại của ông. Như ta biết, Tolstoi trong những năm 80 thế kỷ XIX đã thực hiện một cuộc cách mạng triệt để trong nhân sinh quan và thế giới quan của mình, cuộc cách mạng ấy đã làm thay đổi hẳn cả những quan niệm của ông về tình yêu nam nữ. Một phần quan trọng dưới ảnh hưởng của Schopenhauer - mà siêu hình học tình yêu của Schopenhauer là một trong những đối tượng phê phán chính trong chuyên luận của Soloviev - tác giả Chiến tranh và Hoà bình, với những nhân vật chính đã khắc sâu vào tâm khảm loài người như là những hiện thân của tình yêu nam nữ cao đẹp, càng về già càng rao giảng cuồng nhiệt chỉ một chủ nghĩa duy đạo đức thuần tuý, phủ định tình yêu hữu tính, nhìn thấy ở đấy một sức mạnh ác quỷ nô dịch loài người (Quỷ dữ là tên mà Tolstoi đặt cho một trong những truyện diễm tình cuối đời của mình), kêu gọi mọi người tự giải thoát khỏi ách nô dịch ấy bằng thấm nhuần những chân lý tôn giáo vĩnh hằng, bằng cuộc sống khổ hạnh và vị tha, lấy tình thương yêu nhân loại đại đồng thay thế cho tình yêu nam nữ cá thể. Quan điểm này được Tolstoi diễn đạt sắc nét hơn cả trong lời bạt cho truyện Bản xônat Kreutzer (1889), lời bạt này đích thị là một triết luận bài bác tình yêu nam nữ, khá hoà điệu với triết học Schopenhauer. Lập luận chính của Schopenhauer được Tolstoi phụ họa: tình yêu như là cảm xúc và cảm hứng cá nhân không có giá trị tự thân, nó chỉ là một ảo giác che đậy ham thích nhục dục, một trò đánh lừa của thiên nhiên (hay là ý chí hoàn vũ, theo thuật ngữ của Schopenhauer) nhằm thực hiện sự tái sản xuất bất tận của giống người, sự bất tận ấy của nòi giống chỉ có thể đạt được bằng sự tồn tại nhất thời, trong khổ đau và trong sự chết, của từng thế hệ và cá nhân. Sự tồn tại như thế là vô nghĩa, cho nên tình yêu cũng vô nghĩa. Schopenhauer, như ta biết, rất tự hào về “chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt” của triết học tình yêu và triết học nhân sinh của ông, nó đã một thời, chính trong thời đại của Soloviev, mê hoặc cả châu Âu bằng sự phơi trần cái bi kịch không thể khắc phục của sinh tồn, bằng tính gần gũi với tư tưởng và cảm hứng của nhiều nền tôn giáo lớn của nhân loại, trước hết là đạo Phật.
Soloviev như ta đã biết, là tín đồ nhiệt thành không phải của đạo Phật, mà đạo Kitô. Nhưng triết học bênh vực và tôn vinh tình yêu của ông có nhiều nét khác biệt học thuyết Kitô giáo chính thống, khiến không ít nhà thần học Kitô giáo phải lên tiếng phản đối. Tư tưởng Kitô giáo truyền thống, chẳng khác Phật giáo hay Khổng giáo, né tránh tình yêu nam nữ tự do như né tránh lửa. Cái mà nó ban phước lành là tình yêu vợ chồng, tình yêu trong hôn nhân hợp pháp, trong sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái. Nhưng Soloviev lại không mấy tôn quý cái tình yêu dưới pháp luật ấy, cái liên minh gia đình trong thực tế thường hoá ra xoàng xĩnh ấy. Cả sự sinh dưỡng con cái, cả tình phụ tử mẫu tử dưới con mắt của Soloviev cũng không có gì thiêng liêng lắm. Những ai hy sinh tất cả vì con cái, tìm thấy ở chúng niềm vui và niềm an ủi lớn nhất của đời mình thật khó đồng tình với nhà hiền triết Nga, khi ông so sánh tình thương yêu con của người mẹ với tình thương con của loài gà. Dĩ nhiên Soloviev không sa vào chủ nghĩa phản nhân đạo, mọi thứ cực đoan phiến diện nói chung xa lạ với ông. Trong sách Biện chính cái thiện, như ta đã thấy, ông đề cao đúng mực vai trò của gia đình, với những chuẩn mực quan hệ, những kỷ cương nền nếp của nó, trong việc bảo đảm sự tồn tại của xã hội loài người. Nhưng đáng để ý là Soloviev cho rằng (và ở điểm này ông không xa rời hiện thực) gia đình như một thiết chế xã hội có thể vận hành tốt mà không cần đến tình yêu say đắm giữa vợ chồng. Nhiệm vụ, sứ mệnh đích thực của tình yêu nam nữ, theo Soloviev, mang tính siêu xã hội và siêu lịch sử. Nó dẫn dắt con người từ thế giới phi lý tưởng sang thế giới lý tưởng hoặc nói đúng hơn, nó cải hoá thế giới này thành thế giới kia. Gắn chặt với quan niệm siêu tại ấy của Soloviev về sứ mệnh tình yêu là một nhận định về thực tại có thể gây sốc cho nhiều độc giả đinh ninh rằng về cái gì khác, chứ về tình yêu thì họ biết quá nó là cái gì, xuất phát từ những trải nghiệm của chính họ: “Tình yêu trong loài người hiện vẫn còn là cái y như trí tuệ trong thế giới động vật - nó mới chỉ tồn tại trong những phôi mầm và tiềm năng của nó, chứ chưa phải trong thực tế”. Câu văn vừa dẫn sẽ mất đi tính gây sốc và sẽ hoá ra có lý, nếu ta chấp nhận hay chia sẻ một phần cái ý tưởng tình yêu mà Soloviev phác họa tập trung trong phần III bài ba của chuyên luận của ông. Nhiệm vụ và mục đích cuối cùng của tình yêu không phải là sự sinh con đẻ cái, bảo đảm sự tồn tại vật chất muôn đời của loài người, cái đó có thể thực hiện ở bên ngoài tình yêu - Soloviev nói đi nói lại, trái ngược với Schopenhauer và những người suy nghĩ cũng như Schopenhauer. Tình yêu chân chính cứu vớt cá thể con người bằng sự chiến thắng đến cùng chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, làm gia tăng bất tận giá trị của cá nhân, khôi phục trong nó hình ảnh của Chúa Trời, phục hồi thể vẹn toàn lý tưởng của con người, trong thực tại nghiệm chứng bị phân chia thành đàn ông và đàn bà, để cuối cùng “từ hai sinh linh hữu hạn và hữu tử tạo ra một cá thể tuyệt đối và bất tử”. Trong triết học tình yêu của mình, Soloviev gắn chặt đạo đức học và nhân cách học với siêu hình học và thần học. Về bản chất, đây là siêu hình học và thần học Kitô giáo, nhưng được bổ sung một số tư tưởng mới, hệ trọng, có cái là sáng tạo riêng của Soloviev - thí dụ tư tưởng thần-nhân-loại, nòng cốt của toàn bộ triết học của ông - có cái được ông tiếp thụ và phát triển từ những học thuyết tôn giáo và triết học khác, phi Kitô giáo - thí dụ, huyền thuyết về con người lưỡng tính (androgyne), như là một nguyên mẫu của loài người; huyền thuyết này có trong nhiều nền văn hoá cổ xưa và được nói đến trong tác phẩm Tiệc rượu của Platon. Đối với chúng ta, điều quan trọng là những thuật ngữ và phạm trù siêu hình học và thần học ấy đều được rót đầy một nội dung và cảm hứng nhân văn chủ nghĩa không xa lạ với tâm thức con người trong thế giới ngày nay.
Trong tình yêu nam nữ, ở mọi xã hội và mọi thời đại, có hai hiện tượng đặc trưng mang tính thuần tuý con người - Soloviev lấy chúng làm căn cứ chính để kiến tạo triết học tình yêu của mình:
1. Tình yêu thường đi đôi với sự lý tưởng hoá đối tượng, với sự hâm mộ, sùng bái người yêu. Người được yêu hiện ra trước người yêu nó trong một ánh sáng đẹp đẽ lạ thường mà những người ngoài không nhìn thấy. Cái “phép lạ” của tình yêu ấy trong cuộc sống thường biến mất nhanh chóng, nhưng từ đó có được kết luận rằng nó chỉ là một ảo giác, một huyễn tưởng chủ quan, như người đời và ngay nhiều nhà hiền triết vẫn nói? Soloviev khẳng định một điều ngược lại: chính cái ánh loé diệu kỳ ấy trong tình yêu vén mở cho ta nhìn thấy chân lý về con người như là hình ảnh của Thượng Đế, như là một sinh linh “dự phần vào bản nguyên thánh thần tối cao và làm môi giới giữa bản nguyên ấy và thế giới”. Từ đấy mà được xác lập một quan niệm cao cả hiếm có về sứ mệnh, cơ đồ của tình yêu: “Trong tình yêu hữu tính được hiểu chân chính và được thực hiện chân chính, bản thể thánh thần nhận được một phương tiện cho sự nhập thân đến cùng, đến đích vào trong đời sống cá thể của con người… Từ đó mà có ánh loé của hạnh phúc siêu phàm, có hơi thở phảng phất của niềm vui sướng không ở nơi đây, chúng đi với tình yêu, ngay tình yêu không hoàn hảo, và chúng biến nó, mặc dù không hoàn hảo, thành một lạc thú lớn nhất của loài người và của cả thần linh”. Tình yêu là bước khởi đầu của công việc “hoá thần”, tức là hoàn thiện triệt để con người và loài người. Nhiệm vụ khó khăn không thể tưởng tượng được nhưng cũng không thể chối bỏ ấy, theo Soloviev truyền ý nghĩa cho toàn bộ tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử.
2. Trong tình yêu, chúng ta khẳng định giá tuyệt đối của con người ta yêu và qua đó của cả bản thân ta. Nhưng đã thế thì lại càng không thể dàn hoà với sự biết chắc chắn là người yêu của ta và cả ta sẽ già đi và sẽ chết. Tình yêu bức thiết đòi sự bất tử của con người, không chỉ sự bất tử của linh hồn, mà của cả thể xác. “Một sinh linh không có thân xác không phải là người, mà là thiên thần, nhưng chúng ta yêu con người, yêu cái cá thể toàn vẹn của nó, và nếu tình yêu là bước đầu của quá trình làm sáng và đưa tinh thần vào cái cá thể ấy, thì nó tất yếu đòi bảo toàn cá thể, đòi tuổi xuân vĩnh viễn và sự sống bất tử cho con người ấy, cho cái thần sống đã nhập vào cơ thể thân xác ấy”. Không ở đâu trong sáng tác của Soloviev khát vọng bất tử được thể hiện mãnh liệt như trong tác phẩm này. Nhưng Siêu lý tình yêu cũng chứa đựng những giải thích rất sâu sắc về thân phận hữu tử hiện nay của con người. Sự chết là phản chuẩn đối với con người như một sinh linh tương đồng với Thượng Đế, nhưng nó lại là hệ quả tất yếu, thậm chí đáng mong muốn của cuộc sống bất toàn và trống rỗng của loài người trong thực tại. Hai bài cuối của chuyên luận Siêu lý tình yêu mở rộng phạm vi và nhiệm vụ của tình yêu, đưa nó từ khu vực quan hệ cá nhân sang lĩnh vực quan hệ xã hội và quan hệ giữa loài người với thiên nhiên, với vũ trụ.
Rất đặc trưng cho tư duy Soloviev (và tư duy triết học Nga nói chung) là sự liên kết căng thẳng hai mối bận tâm tha thiết như nhau với hai đối tượng tưởng chừng không thể đặt bên nhau - vận mệnh của cá thể con người và vận mệnh của vũ trụ. Trong Siêu lý tình yêu và trong nhiều tác phẩm khác của mình, Soloviev khẳng định không biết mệt mỏi: con người cá thể, khác với con vật, không phải là tiêu bản nhất thời của chủng loại, nó có giá trị tuyệt đối, vĩnh hằng, do Thượng Đế trao cho nó, và nó quan hệ trực tiếp với Thượng Đế. “Trong loài người, tính cá thể có ý nghĩa độc lập, nó không thể chỉ là công cụ cho những mục đích của tiến trình lịch sử nằm ở ngoài nó. Hay là, nói đúng hơn, mục đích chân chính của tiến trình lịch sử không thuộc loại mục đích để cho cá nhân con người phục vụ nó chỉ như một công cụ thụ động nhất thời”. Khác biệt làm sao với Hegel và rất nhiều nhà tư tưởng khác của hai thế kỷ vừa qua - họ thần thánh hoá tiến bộ lịch sử, đặt những mục tiêu xã hội hữu hạn lên bên trên sự sống và hạnh phúc của hàng triệu, hàng triệu con người, biến những cá thể con người đích thực thành những công cụ câm lặng cho những mục tiêu ấy!
Vladimir Soloviev đề cao tình yêu nam nữ hơn mọi dạng thức tình yêu khác vì nó khẳng định và làm giàu vô tận giá trị của từng cá thể con người và - trong tiềm năng - nó dẫn con người đến sự bất tử. Trong nhiều thiên nhiên kỷ, tư tưởng nhân đạo ở phương Tây cũng như phương Đông tìm niềm an ủi cho thân phận phải chết của từng cá nhân con người ở sự còn lại mãi mãi của loài người, của các thế hệ mai sau. Trước Soloviev 23 thế kỷ, Platon vĩ đại đã giới thuyết rằng “tình yêu - đó là ý chí hướng tới sự bất tử”, nhưng tuân phục quy luật tự nhiên, ông minh định rằng “sự sinh con đẻ cái - đó là cái phần của bất tử và vĩnh hằng dành cho sinh linh hữu tử”. Soloviev, triết gia Kitô giáo thời mới, không bằng lòng với sự bất tử gián tiếp và khả nghi ấy, được mua bằng sự chết của tất cả các cá thể, bằng sự chuyển đổi bất tận của các thế hệ, ông gọi nó là “sự bất tận tồi tệ”. Ông khao khát và tin tưởng có thể có một cuộc sống bất tử khác - của tất cả các sinh linh con người đã, đang và sẽ sống - trong Thượng Đế.
Tình yêu chân chính là bước đầu tiên dẫn đến vương quốc của sự sống vĩnh hằng, tận chân, tận thiện, tận mỹ ấy. Song không thể đoạt được nó chỉ bằng ý chí và nỗ lực của các cá nhân liên kết với nhau trong tình yêu hoàn hảo, hay của cả xã hội loài người, dù nó có đạt trình độ tiến bộ đến đâu đi nữa. “Bầu trời mới và trái đất mới”, với nhân loại chân phúc bất tử, được cải hoá cả về tinh thần lẫn thể xác, chỉ có thể là kết quả của sự gặp gỡ, liên kết giữa hoạt động hướng đích của toàn thể loài người và Thiên ân hay là ý Trời - tiến trình ấy mang cái tên đã quen thuộc với chúng ta - tiến trình Thần-Nhân loại.
Như ta thấy, học thuyết tình yêu, cũng như toàn bộ triết học của Soloviev, chứa đựng không ít yếu tố không tưởng và thần bí. Có điều cái không tưởng ở Soloviev không che giấu bản chất của nó, khác với nhiều thuyết không tưởng đinh ninh vào tính hiện thực của mình, mà loài người trong thế kỷ vừa qua đã phải trả giá quá đắt cho chúng. Cái không tưởng trong triết học tín ngưỡng - tâm linh của Soloviev phản ánh những khát vọng bản thể của con người không được đáp ứng trong cuộc đời phù du đầy tội lỗi và khổ đau này. Còn cái thần bí của Soloviev thì không mâu thuẫn với trí tuệ con người mà dường như giải đáp những thắc mắc của trí tuệ. Đối với những ai mãn nguyện với cuộc sống trần thế, yêu quý sự yên ổn của tâm trí, không bao giờ vật vã với những câu hỏi: con người từ đâu đến và sẽ đi đến đâu? triết học Soloviev là cái xa xỉ không cần thiết. Nhưng nó có thể gợi mở nhiều điều cho những trí tuệ ham tìm kiếm, trước hết tìm kiếm ý nghĩa ẩn kín của sự sống và của tình yêu trong cuộc sống của chúng ta.
Ai ai đọc Siêu lý tình yêu cũng không thể không nhận ra một sự kết hợp khá nghịch lý giữa sự đề cao hết mức tình yêu nam nữ với cảm hứng bảo toàn tiết hạnh trong tình yêu. Trong các triết gia viết về tình yêu, Soloviev là người tách biệt và đối lập quyết liệt hơn cả tình yêu với tình dục. Tình yêu lý tưởng là con đường dẫn đến sự bất tử. Tình dục, lòng ham thích chung đụng xác thịt vĩnh cửu hoá quyền lực của thần chết trong thế gian này. Tính duy tinh thần triệt để, cảm hứng tôn thờ người yêu, loại trừ ra khỏi tình yêu mọi yếu tố nhục cảm, ngự trị trong thơ trữ tình Soloviev. Đối tượng của tình yêu ở đây được nhìn thấy đích thị như là hình ảnh của Thượng Đế, hầu như được đồng nhất với thượng Đế. Một bài thơ tình điển hình của Soloviev mang tiêu đề Con mắt của vĩnh hằng kèm theo đề từ lấy từ Kinh Thánh: ‘Ngươi không được thờ thần nào khác, ngoại trừ ta”:
Cô liêu, cô liêu, bên trên mặt đất trắng xoá
Ngôi sao ngời sáng
Và bằng đường sáng xuyên qua vũ trụ bao la
Kéo ta lên đó.
Nhưng lên đấy làm gì? Trong một ánh mắt bất động
Đã có mọi phép mầu
Và cả sự sống bí ẩn hơn biển cả
Hơn trời cao.
ánh mắt ấy gần lắm, sáng lắm
Hãy nhìn vào đấy
Và tự ngươi sẽ trở thành vô tận, tuyệt diệu
Thành đế vương của tất cả.
Cảm hứng tôn thờ người yêu trong thơ tình Soloviev được nuôi dưỡng bằng một cảm hứng - trực giác khác mà ông đã sống trọn đời với nó, đã cố gắng diễn đạt nó trong triết học và thể hiện thành hình tượng tương thích với trải nghiệm thần bí của mình (mà chúng tôi đã nói đến) trong thơ. Đó là trực giác về Nữ tính Vĩnh hằng, nó cũng là Sophia Minh Triết của Chúa Trời - một sinh linh thần thánh tiếp thụ những ý đồ sáng tạo của Đấng Tối Cao và nhập thể chúng vào thực tại của thế giới này, làm nên tất cả những gì là chân chính, cao quý, đẹp đẽ ở trong nó. Nữ tính Vĩnh hằng ấy, trong diễn ngôn triết học của Soloviev được gọi là “tha thể” của Thượng Đế, trong thơ ông hiện ra như một nữ thần của cái đẹp mới - cái đẹp bất tử, thanh sạch tuyệt đối và vì thế chiến thắng sự chết và sự phân rữa.
… hãy biết: Nữ tính Vĩnh hằng
Trong thân thể bất tử giờ đương giáng thế.
Trong ánh sáng bất tuyệt của nữ thần mới
Trời với biển hân hoan hoà làm một…
Tất cả những gì đẹp tươi nơi Aphrodite phàm trần -
Niềm sướng vui của các nhà, rừng núi, sông biển -
Cái đẹp siêu phàm sẽ hội hợp tất cả
Thanh sạch hơn, mạnh hơn, linh hoạt hơn, sung mãn hơn!
Những thi phẩm như thế, tiên báo một kỷ nguyên vũ trụ mới, một vương quốc của cái đẹp vĩnh hằng đương đến, trong bầu không khí tinh thần đầy những mong đợi thần bí của xã hội Nga cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã tác động mãnh liệt đến một loạt nhà thơ Nga trẻ, cổ vũ sự ra đời cả một dòng thơ lãng mạn mới, mà tên thông dụng của nó là chủ nghĩa tượng trưng Nga. Quan hệ giữa Soloviev với dòng thơ còn đang chớm nở này khá phức tạp do những khác biệt về thế giới quan mà ở đây chúng tôi không thể đi sâu vào. Song có một sự thật là tất cả các thủ lĩnh của dòng thơ tượng trưng chủ nghĩa Nga - Briusov, Blok, Belyi, Viacheslav Ivanov đều suy tôn Soloviev là người thầy tinh thần và người mở đường cho họ.
Trở về với chuyên luận Siêu lý tình yêu, ta nhớ tác giả kết thúc nó bằng lời hứa sẽ còn trở lại với đề tài này. Và ông đã giữ lời hứa. Trong chuyên khảo Bi kịch cuộc đời Platon (1898) Soloviev minh định và phát triển, diễn đạt thành những định thức cô đúc cái học thuyết về tình yêu được ấp ủ lâu năm của mình. Theo dõi đường đời của đại gia triết học Hy Lạp, Soloviev xác định cái điểm ngoặt trung tâm của nó, khi mà Platon đi đến ý tưởng minh triết về tình yêu như là ý chí hướng tới cái đẹp và khát vọng tạo tác cái đẹp và thể hiện ý tưởng ấy trong hai kiệt tác của mình - Tiệc rượuPhèdre. Nhưng theo Soloviev, Platon đã dừng lại ở nửa đường trong nhận thức về bản chất và sứ mệnh của tình yêu, không chỉ ra được nhiệm vụ chân chính của nó - “truyền sự sống vĩnh cửu thật sự cho cái mình yêu, giải phóng nó khỏi sự chết và sự phân rữa, tái sinh nó vĩnh viễn trong cái đẹp”. Soloviev xác định năm con đường chính của loài người trong tình yêu. Đường thứ nhất là đường của quỷ dữ (những đọa lạc tình dục) mà triết gia của chúng ta thấy không cần bàn đến. Đường thứ hai là con đường thú tính, tức là thỏa mãn không giới hạn và không lựa chọn những nhu cầu tính dục của mình. Đường thứ ba là đường nhân tính, hay là tình yêu trong hôn nhân và sinh dưỡng con cái. Bình luận về con đường “thiết yếu, đáng kính trọng và được ban phước lành” này, Soloviev viết: “Nếu như con người về bản chất chỉ có thể là người, nếu như cái gọi là “sự hữu hạn của con người” không chỉ là thực tại nghiệm chứng, mà là quy luật bất biến và vĩnh viễn (…) thế thì hôn nhân sẽ là con đường cao nhất trong tình yêu và phù hợp duy nhất với phẩm giá con người. Nhưng con người về bản chất khác các vật tạo khác của Chúa chính ở chỗ nó muốn và có thể trở nên cao lớn hơn bản thân, dấu hiệu phân biệt của nó chính là tính không ổn định quý phái ấy, là khả năng và ý vọng tăng trưởng và vươn lên cao vô tận”. Cho nên bên cạnh con đường nhân tính phổ biến còn có con đường khổ hạnh vì Chúa mà Soloviev gọi là con đường thiên thần tính. Nhưng theo quan niệm Kitô giáo, thiên thần không phải là vật tạo cao nhất của Chúa, nó thấp hơn con người về bản chất và sứ mệnh. Cho nên, bên trên con đường thiên thần tính còn có con đường thứ năm, cao nhất - con đường thần-nhân tính. Đó là sự liên kết hoàn hảo bản nguyên nam với bản nguyên nữ để hợp thành con người lưỡng tính chân chính, khắc phục sự phân ly đối lập giữa tinh thần và thể xác để tạo nên thể thống nhất tinh thần-thân xác bất tử. Cái đó không thể đạt được chỉ bằng ý chí và nỗ lực của những con người. “Rõ ràng, con người chỉ có thể trở thành thánh thần bằng sức mạnh hiện thực của Thượng Đế thường tồn vĩnh hằng, và con đường của tình yêu siêu đẳng liên kết hoàn hảo cái nam tính với cái nữ tính, cái tinh thần với cái thể xác, ngay từ đầu đã là sự liên kết cái của thần thánh với cái của con người, hay là tiến trình thần-nhân loại”.
Như vậy, tình yêu chân chính cũng như đạo đức chân chính của con người đều phục vụ cơ đồ cải hoá hay là tái sinh loài người khổ đau và hữu tử thành thần-nhân loại chân phúc và bất tử. Toàn bộ triết học Soloviev hướng về cái đích mong ước ấy.
Nguồn: vanhoanghean.vn


[1]
Mục lục khái quát này được rút ra từ Mục Lục chi tiết chiếm hơn 30 trang sách.
[2]Đây là điểm bất đồng quan trọng nhất giữa Soloviev và Lev Tolstoi, người rất quý trọng tài năng của nhà triết học trẻ hơn ông 25 tuổi. Tolstoi cũng rất ngưỡng mộ và thường xuyên viện dẫn, nhưng không tin vào sự phục sinh của Kitô. Học thuyết đạo đức-xã hội của Tolstoi dựa trên tư tưởng cam chịu thân phận hữu tử của con người bị Soloviev phê phán thẳng thắn trong tác phẩm cuối đời Ba cuộc đàm luận…
[3] Quyền con người chưa được đưa vào đạo đức học của Kant - một triết gia tự do, không ràng buộc mình với một học thuyết tôn giáo nào và là người cùng thời với cuộc cách mạng Pháp. Vấn đề nhân quyền thực chất cũng không được soi sáng và giải quyết trong triết học pháp quyền của Hegel và lại càng vắng mặt trong triết học Schopenhauer.
[4] Để hiểu tốt hơn Soloviev, cần biết thêm rằng theo học thuyết đạo Kitô, cái ác không có “quy chế” bản thể. Cái ác ra đời từ sự chối bỏ Thượng Đế của các vật tạo vị kỷ. Nhưng nếu biết hối cải thì ngay kẻ thù số 1 của Chúa Trời - qủy Xatăng cũng có thể trở lại với Ngài. Như vậy, theo quan niệm Kitô giáo, có cái thiện tuyệt đối - đó là Thượng Đế và Vương quốc của Ngài, nhưng không có cái ác tuyệt đối. Đây là điểm khác biệt rất quan trọng giữa tôn giáo này với các tôn giáo quan niệm thế giới như là trường đấu tranh giữa hai bản thể đồng đẳng - Thiện và ác (đạo Zoroastre và đạo Mani).
[5] Văn kiện chính thức đầu tiên của Vatican về vấn đề kinh tế là thông điệp toàn thế giới “Rerum novarum” (Về những sự việc mới) năm 1891 của giáo hoàng Léon XIII.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved