Home » » Tây Du Ký và các giai đoạn hành Thiền - phần 2

Tây Du Ký và các giai đoạn hành Thiền - phần 2

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012 | 01:50

Tây Du Ký và các giai đoạn hành Thiền - phần 2

TVĐĐ - 06/07/2010
B/ Tượng trưng cho giai đoạn: điều khí qua Mệnh môn và Tinh Khí Thần hợp nhất ở đan điền khí là Tâm Du + Đản Trung:

I/ Công năng sau khi học đạo trở về:

Học đạo trở về (Năng lượng của thể thứ 2): Hình ảnh Tề Thiên sau khi học đạo trở về đứng giữa bầy khỉ. Tượng trưng cho năng lượng của thiền nhân ở thể thứ nhì là thể vía. Qua kỹ thuật thiền động (Bramacharya), năng lượng dục (Tinh) đã được thăng hoa thành dạng năng lượng thanh tịnh gọi là Khí. Năng lượng cơ bản thay vì tạo ra các đòi hỏi bản năng khiến thiền nhân loạn tâm, lại trở thành phương tiện hiệu quả để thực chứng giác ngộ.

Pháp Cân đẩu vân của Tề Thiên: (Kỹ thuật dùng ý điều khí): Tề Thiên dùng ý đi đến bất kỳ nơi nào, lập tức xuất hiện đám mây lành đưa đến nơi ấy trong khoảnh khắc. Hình ảnh này tượng trưng cho kỹ thuật dùng ý điều khí trong thiền động. Thiền nhân phải có khả năng điều khí đến bất kỳ nơi nào trên cơ thể mình để tự trị bệnh và hành công tu tập. Đây là điều kiện tối cần thiết. Nếu Tề Thiên không có khả năng này thì nhất định không thể lên Thiên Đình, xuống địa ngục, xuống Long Cung, về cõi Phật được... Tương tự như vậy nếu thiền nhân không có khả năng làm chủ luồng năng lượng thăng hoa của mình, nhất định không thể tu chứng lên các bậc cao hơn được.

Pháp thân của Tề Thiên:(Kỹ thuật tùy duyên hiển tướng): Tề Thiên có thể phân thành vô số các biến hình thành bất kỳ thứ gì. Đây là 72 phép thần thông mà Tề Thiên đã học được từ Tổ Sư Bồ Đề. Hình ảnh này tượng trưng tính vô tướng, không trụ tướng của thiền nhân. Chẳng những vậy thiền nhân còn phải tùy duyên hiển tướng trong giai đoạn thiền động, khi thiền nhân đắc khí. Năng lượng siêu nhiên này sẽ tác động để cơ thể tự xuất hiện các biểu hiện vận động và tâm lý thích ứng với bệnh lý, thể lực, học cụ đang sử dụng, môi trường tập luyện... Nghĩa là tùy hoàn cảnh thực tiễn thường trụ khí để năng lượng tự hoạt dụng thích hợp với bản chất sự việc. Đây là khả năng bắt buộc nếu thiền nhân thật sự muốn tu tập theo con đường trung đạo: vừa tu vừa hành, đạo đời song tu, hiển mật viên thông, lý sự viên dung, phối hợp ý thức và vô thức để thực chứng siêu thức...

Tề Thiên xuống Thủy Cung ( Khai mở luân xa 3): Thủy Cung tương ứng với luân xa 3 (Swadhísthana). Hình ảnh Tề Thiên xuống Thủy Cung tượng trưng cho giai đoạn nội hỏa (Kundalini) đã thăng hoa đến luân xa 3 (theo Yoga), hoặc khí âm của huyệt Thần Khuyết giao hòa với khí dương của huyệt Mệnh Môn (theo khí công). Phong cảnh diễm lệ với lâu đài, tiên nữ, binh tôm tướng cá, tượng trưng cho cảm giác an lạc thiền, các linh ảnh, âm thanh, vọng niệm và huyễn cảnh trong tâm thức thiền nhân. Cũng như Tề Thiên khi xuống Long Cung cũng không nên mê muội trước rượu ngon, gái đẹp, phong cảnh hữu tình... Chỉ một mực đòi cho được binh khí (tượng trưng cho phương tiện tu tập và thành đạo của thiền nhân) và áo giáp (tượng trưng cho giới luật bảo vệ cho thiền nhân không sa vào đường ác). Trong cơn thiền định, thiền nhân tuyệt đối không được trụ vào an lạc thiền hoặc các huyễn cảnh của tâm thức. Mà phải luôn luôn trụ vào nhất niệm, và giữ được giới luật, không phan duyên theo sự cám dỗ của các huyễn cảnh này. Nếu không định tâm được như thế, thiền nhân rất dễ sa vào tà đạo.

Gậy như ý của Thủy Cung (Công phu nhất niệm): Tượng trưng cho nhất niệm (chánh định) của thiền nhân lúc thiền định. Ở giai đoạn này thiền nhân chưa đạt tâm không nên cần phải trụ vào một chánh niệm để định tâm gọi là nhất niệm. Nhất niệm này thường là một câu niệm Phật. Nên công phu này còn được gọi là "Niệm Phật tam muội". Cây cột này không ai sử dụng được. Trái lại Tề Thiên bảo nó: lớn, nhỏ, dài, ngắn... thậm chí bé như cây kim để gài vào tai đều được như ý. Sau này nó là món bửu bối lợi hại nhất được Tề Thiên sử dụng trừ tà, diệt quỷ, bảo hộ thầy đi thỉnh kinh thắng lợi. Bởi vậy nó còn có tên là Như Ý Kim Cang. Điều này tượng trưng cho công phu nhất niệm (hay niệm Phật tam muội) chỉ ở thể thực chứng khi thiền nhân thực hành trong tình trạng đắc khí với toàn bộ năng lượng sống của mình và với một độ định tâm khá cao. Nếu chỉ niệm Phật ngoài đầu môi chót lưỡi để cầu lợi thì nhất định hoài công và vô ích.

Tề Thiên ngồi trên ngai Long Vương (Khai luân xa 3, thể nhập thân thứ 3): Hình ảnh Tề Thiên ngồi trên ngai Long Vương. Tượng trưng cho nội hỏa đã khai mở luân xa 3 (Swadhisthana). Thiền nhân thể lập trạng thái thân thanh tịnh thứ 3.

Tề Thiên mặc áo giáp, cầm thiết bản (Khả năng của thiền nhân tại thân thứ 3): Hình ảnh Tề Thiên mặc áo giáp và cầm thiết bản. Tượng trưng cho thiền nhân sau khi thực chứng trạng thái thiền của thể thứ 3, luôn được bảo vệ bởi giới luật và có phương tiện thiện xảo là công phu nhất niệm.

Xuống Thủy cung trở về: Tượng trưng cho năng lượng của thiền nhân tại luân xa 3. Đến giai đoạn này, ngoài pháp Cân Đẩu Vân và 72 phép thần thông biến hóa. Tề Thiên còn được thêm Như ý Kim Cang côn và áo giáp. Hình ảnh này tượng trưng cho thiền nhân sau khi khai mở luân xa 3, phải thực chứng một số khả năng sau: Dùng ý điều khí, tùy duyên hiển tướng, phương tiện thiện xảo, giữ được giới luật trong lúc thức cũng như trong cơn thiền định.

Nhất trụ kình thiên: Tề Thiên làm phép cho cây kim cang như ý vươn lên mãi đụng đến Thiên Đình, thọc xâu xuống mãi đụng đến âm ty địa ngục. Hình ảnh này tượng trưng cho giác tánh của thiền nhân nếu được phát triển không ngừng sẽ có công năng chấn động càn khôn, là phương tiện thiện xảo đưa đến bờ giác ngộ. Giác tánh của Như Lai có một. Nhưng phương cách vận dụng tùy lúc thay đổi theo mức độ tu chứng của thiền nhân. Có khi trụ vào chánh niệm để tiêu dung vọng niệm. Có khi trụ vào cái tịnh để làm chứng nhân cho mọi vọng động. Có khi trụ ở Phật hiệu để phát triển tâm từ, diệt trừ các ác niệm... Đến giai đoạn này thiền nhân phải dùng công phu nhất niệm để gia tăng định tâm nhằm thăng hoa nội hỏa (khí) lên đến (Đại chùy + Thiên Đột) hay luân xa 5. Cũng có nghĩa thiền nhân phải dùng công phu niệm Phật tam muội để thăng hoa năng lượng đồng thời đi sâu vào thiền định. Để có thể từ chánh định tiến về đại định là trạng thái thực chứng của người khai mở được luân xa 5. Đạt Ngã không, kết thúc trạng thái nhất nguyên của tâm thức.

Hình ảnh Tề Thiên xuất hồn theo quỷ sứ đến U Minh giới. Tượng trưng cho nội hỏa (Kundalini) đã thăng hoa đến luân xa 4 (Anahata), hay khí âm của huyệt Đản Trung giao hòa cùng khí dương của huyệt Tâm Du tại Đan Điền Khí. Trong cơn thiền định, thiền nhân thể nhập trạng thái thiền thứ 4. U Minh giới với quỷ sứ, âm ty địa phủ, Phán Quan, Thập Điện Diêm Vương ... tượng trung cho huyễn cảnh trong tâm thức thiền nhân lúc thiền định ở trạng thái thứ 4. Hình ảnh Tề Thiên mình mặc giáp trụ, tay cầm Như ý kim cang côn đánh thắng tất cả quỷ sứ ở địa phủ, thu phục Phán Quan và thập Điện Diêm Vương tượng trưng cho thiền nhân ở giai đoạn này do công phu nhất niệm đã vững chắc, do đã quen trụ vào giác tánh làm chứng nhân cho mọi biến hiện sinh diệt trong tâm lúc ý thức cũng như trong cơn thiền định. Nên giờ đây thiền nhân hoàn toàn có khả năng trụ vào công phu nhất niệm (chánh định), diệt trừ mọi ác niệm, giữ được giới luật cả trong lúc vô thức (lúc ngủ). Toàn bộ quá trình Tề Thiên xuống Địa phủ chiến thắng trở về đã minh họa một cách sâu sắc tiến trình tập khí công trong giấc ngủ và khả năng thiền nhân có thể thường trụ chánh niệm. Nghĩa là luôn giữ được giới luật, luôn trụ được vào giác tánh không phan duyên theo vọng niệm trong cả 3 trạng thái: lúc thức, lúc thiền định và lúc ngủ. Đạt tình trạng này thiền nhân được gọi là người tỉnh giác. Nghĩa là người thực.

Nếu chấp nhận khái niệm, thực nghĩa là lúc mới biểu hiện đều do ý thức ta làm chủ. Còn ngủ là lúc mọi biểu hiện của cơ thể đều là vô thức ta không thể làm chủ được. Thì đối với thiền, người ta chỉ có thể ở một trong hai trạng thái: thức hay ngủ. Người đã thức thì không bao giờ ngủ. Vì ngay trong giấc ngủ vẫn tỉnh giác, họ vẫn làm chủ bản thân chống lại mọi ác niệm. Ngược lại nếu người ấy còn ngủ thì thật sự họ chưa thức bao giờ. Vì lúc được gọi là thức, thực sự họ vẫn làm một cách vô thức cho những đòi hỏi bản năng. Họ không có ý muốn riêng, quan điểm riêng, lối sống riêng và nhu cầu đích thực của con người thật. Họ chỉ bắt chước ý muốn kẻ khác một cách vô thức, họ chỉ lập lại quan điểm của kẻ khác một cách vô thức, cả đời họ chỉ lao vào thỏa mãn những nhu cầu giả tạo mà xã hội và kẻ khác đã áp đặt một cách vô thức vì cứ tưởng là nhu cầu của mình. Thương thay!... người ấy thật sự chưa bao giờ cả. Lúc được gọi là thức, thực ra họ đang ngủ mở mắt mà thôi!

Tề Thiên thu phục Diêm Vương: Diêm Vương là chủ của cõi Âm (Vô thức). Hình ảnh Tề Thiên thu phục Diêm Vương, minh họa cho trạng thái năng lượng của thiền nhân lúc khai mở luân xa 4. Nó cũng minh họa trạng thái tâm thức chánh định trong vô thức của thiền nhân. Hai trạng thái tâm thức của người tỉnh giác.

Tề Thiên xóa sổ sinh tử (Dứt vọng niệm, đắc an lạc thiền): Hình ảnh Tề Thiên thu phục Phán Quan và Diêm Vương, xóa sổ sinh tử của dòng họ khỉ. Tượng trưng cho nội hỏa sau khi thăng hoa đến luân xa 4 (Anahata), hoặc Tinh Khí Thần đã hợp nhất tại Đan Điền Khí. Trạng thái nhị nguyên của tâm thức chấm dứt. Thiền nhân đạt trạng thái tâm thức nhất nguyên. Đó là giai đoạn tâm luôn chánh định và một nhất niệm. Thiền nhân không còn bị khổ đau vì luôn phan duyên theo sự sinh thành biến diệt của các vọng niệm nữa. Thay vào đó thiền nhân thọ dụng được hạnh phúc của trạng thái an lạc thiền. Bởi vậy nên được gọi là thoát vòng sinh tử.

Bài 4 : Đại náo Thiên Cung.

C/ Giai đoạn thiền tịnh: thiền nhân thực chứng chánh định

I/ Ngọc Hoàng Thượng Đế và Thiên Đình: (Cái TÔI chủ trì tâm chánh định).

Hình ảnh Ngọc Hoàng Thượng Đế tượng trưng cho cái Tôi chủ trì sự chánh định của thiền nhân. Từ cái tâm vô minh của chúng sanh thường nô lệ cho ác niệm, nên tạo nhiều đau khổ. Người tu định tâm thấy được thiện ác đúng sai, nên khuyến thiện trừng ác. Sau đó trụ vào một nhất niệm là thiện niệm. Khi thiện niệm này choán đầy tâm thức khiến không một ác niệm nào có thể khởi sinh, gọi là đạt chánh định. Cho đến giai đoạn này thiền nhân luôn phải dùng ý thức để tu tập. Tình trạng chánh định bằng ý thức này được minh họa trong Tây Du Ký qua nhân vật Ngọc Hoàng Thượng Đế. Nhân vật này cũng tượng trưng cho hóa thân của thiền nhân khi nội hỏa (khí) thăng hoa đến luân xa 5 (Vishusdda). Đó cũng là cái tôi chủ trì tâm thức trong cơn thiền định, khi thiền nhân thể lập trạng thái thiền thứ 5. Ngọc Hoàng Thượng Đế là nấc thang chót của thiền Tịnh mà thiền nhân bắt buộc phải vượt qua để lập đại định (Samadhi) lần thứ nhất, thực chứng ngã không. Hình ảnh Thiên Đình với Thiên binh Thần tướng, với các vị Tiên, với lâu đài, điện phủ huy hoàng tráng lệ .... tượng trưng cho trạng thái an lạc thiền và huyễn cảnh trong tâm thức thiền nhân khi thực chứng trạng thái thường trụ chánh định. Nghĩa là khi năng lượng đã thăng hoa đến luân xa 5 (theo Yoga). Hay khi khí âm của huyệt Thiên Đột giao hòa với khí dương của huyệt Đại Chùy (theo khí công và tiên đạo). Tình trạng chánh định sẽ làm tâm ý thức đứng yên không chao đảo. Do đó hình ảnh và âm thanh từ giác quan đưa vào hiện rõ rệt hơn, tinh tế hơn. Thiền nhân sẽ có sức cảm nhận tốt hơn trung thực hơn trước, nên gọi là Thuận Phong Nhĩ và Thiên Lý Nhãn. Hình ảnh Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ xem xét việc trần gian rồi báo cho Ngọc Hoàng Thượng Đế biết, minh họa rất rõ quá trình hình thành ý thức. Theo đó do ngũ căn tiếp xúc, thọ nhận sắc trần tạo ra tiền ngũ thức. 5 thức này tổ hợp lại thành ý thức. Ý thức phát triển thành mạt na thức. Sau đó các kinh nghiệm tạo thành được cất giữ trong Tạng thức (thức thứ 8). Khi có một tác nhân cảm thọ, tác nhân này sẽ được so sánh với các kinh nghiệm của tạng thức để tâm thức đưa ra quyết định chung cuộc. Quá trình này hình thành tâm thức nhị nguyên và cái tôi. Bởi vậy trong thiền, ý thức đồng nghĩa với vô minh, vì bản chất hiện tượng thông qua lăng kính nhị nguyên của nó trở thành sai lệch không như thật. Do vậy sẽ đưa đến hành không như thật. Đó là nguyên nhân của sự khổ. Bởi vậy thiền nhân muốn đạt giác ngộ nhất thiết phải vượt qua ý thức, dù đó là ý thức đã thăng hoa thành tâm chánh định (xiềng sắt hay xiềng vàng, tội nhân vẫn bị câu thúc). Làm như vậy nhằm diệt cái tôi giả tạo của mình, để tiến về trực giác siêu thức là trạng thái Bát Nhã Ba La Mật Đa của tâm không tịch lặng phản ánh như thật. Tây Du Ký minh họa việc này qua hình ảnh Tề Thiên đại náo thiên cung.

II/ Quán niệm:

Tề Thiên lên Thiên Đình: Tượng trưng cho nội hỏa (khí) đã thăng hoa đến luân xa 5. Thiền nhân chấm dứt trạng thái tâm thức nhị nguyên của giai đoạn thiền động (từ luân xa 1 đến luân xa 4). Để chuyển sang trạng thái tâm thức nhất nguyên của thiền tịnh. Nhằm tiêu dung chủng thức đạt chánh định. Để sau đó tiến tới tâm không nhập đại định (samadhi) lần thứ nhất, thực chứng ngã không.

Hình ảnh ngựa của Thiên Đình, tương trưng cho vọng niệm của thiền nhân khi bắt đầu bước vào trạng thái thiền thứ 5. Nghĩa là khi nội hỏa đã thăng hoa vượt qua luân xa 4. Trạng thái tâm thức nhị nguyên bắt đầu chuyển hóa để trở thành nhất nguyên (luân xa 5). Khi ấy tâm bất định với vọng niệm trở thành chánh định với nhất niệm. Trong kỹ thuật thiền tịnh của bản môn. Để tạo ra bước phát triển tâm thức như trên, thiền nhân phải lần lượt thực chứng các pháp môn sau: quán niệm, quán không, trung quán song chiếu, tâm không và nhập định (Samadhi). Hình ảnh Tề Thiên trong giai đoạn đầu tiên mới lên Thiên Đình, giữ nhiệm vụ cai quản đàn ngựa trời, minh họa rất rõ giai đoạn đầu tiên của thiền tịnh. Thiền nhân phải tập làm chủ ý nghĩ của mình, tập từng bước làm chủ tâm thức mình. Bài tập đầu tiên, thiền nhân phải tập là trụ vào giác tánh của mình, làm chứng nhân cho mọi vọng niệm trong tâm thức. Không để cho các niệm này lôi đi, cũng không phát ý muốn diệt chúng. Như sương tan dưới ánh mặt trời, vọng niệm sẽ tự tiêu dưới ánh sáng của giác tánh, khi thiền nhân trở thành chứng nhân cho chính tư tưởng của mình.

Hình ảnh Tề Thiên chăn ngựa, tượng trưng cho giai đoạn thiền nhân quán niệm, tập làm chủ các ý nghĩ của mình. Còn hình ảnh Tề Thiên điều khiển được ngựa, tượng trưng cho giai đoạn thiền nhân thực chứng pháp môn quán niệm. Độ định của tâm ngày càng cao hơn.
III/ Quán Không:

Tôn Ngộ Không sau khi làm Bật Mã Ôn, về Hoa Quả Sơn tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Được Thiên Đình chấp thuận chức danh và cho xây phủ Tề Thiên ở Thiên Đình. Hình ảnh cờ hiệu Tề Thiên Đại Thánh tung bay tại Hoa Quả Sơn và Thiên Đình minh họa rất rõ giai đoạn nội hỏa đã thăng hoa từ luân xa 1 đến luân xa 5. Nên tiềm năng của luân xa 5 hiển thị sáng lạng trong đời sống tâm thức của thiền nhân. Cái tôi chánh định vươn lên để dần dần thống lĩnh tâm thức, khiến thiền nhân từng bước không còn bị phan duyên bởi những vọng niệm về bản năng lẫn những niệm phức tạp của tâm thức nhị nguyên là dạng thăng hoa của tâm thức bản năng. Hình ảnh Tề Thiên làm quan chỉ có chức danh nhưng không giữ nhiệm vụ nào tượng trưng cho giai đoạn thiền tịnh Quán Không. Đến giai đoạn này thay vì quán sát các niệm đang vẫn đọng trong tâm thức, Thiền nhân trụ vào giác tánh trở thành chứng nhân quan sát các khoảng không trong tâm hồn mình. Đó là khoảng giữa 2 niệm. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi khi tâm thức nghỉ ngơi, không bị giằng xét bởi lưỡi dao vọng niệm cọ xát vào da thịt của nội tâm mình.

IV/ Trung Quán Song chiếu:

Tề Thiên kết bạn với các vị Tiên và Tinh tú trên trời: Hình ảnh Tề Thiên làm quan không giữ nhiệm vụ gì, suốt ngày chỉ rong chơi kết bạn với mọi người. Tượng trưng cho giai đoạn Trung Quán song chiếu. Thiền nhân khi ấy trở thành giác tánh của mình chẳng những làm chứng nhân cho các ý niệm trong tâm, mà còn chứng kiến được những khoảng trống trong tâm hồn mình. Dòng sông ý niệm trong tâm thức dường như chảy chậm lại. Khoảng trống giữa các ý niệm sẽ ngày càng nhiều hơn và dài hơn. Các đám mây tượng trưng cho niệm, khoảng trời xanh không mây tượng trưng cho Không. Thiền nhân như người nhìn trời, thấy cả mây bay lẫn nền trời xanh.

V/ Vượt khỏi những giới hạn của cái tôi chánh định để thể nhập giác tánh vô giả chí thiện của Như Lai:

Thiên Đình tượng trưng cho tâm chánh định; Thiên binh, Thần tướng và các quan tượng trưng cho những giới hạn của cái thiền nhị nguyên. Ngọc Hoàng Thượng Đế tượng trưng cho cái thiện hữu hạn. Vì chân lý khi được phóng chiếu qua lăng kính của cái tôi, liền bị quy định bởi những quan niệm, định kiến, nhân sinh quan, ý thức hệ về nhất niệm được dùng làm phương tiện cho chánh định... Bởi vậy thiền nhân muốn trở thành bậc giác ngộ hoàn toàn, nhất định phải từng bước vượt qua những rào cản của cái tôi, dù cái tôi đó là cái tôi chánh định. Để cuối cùng thực chứng trạng thái vô ngã thể nhập với cái chí thiện là bản thể của sự vật. Tề Thiên Đại Thánh tượng trưng cho năng lượng sống liên tục thúc đẩy cái thiện hữu hạn tiến về cái chí thiện vô hạn (thành Phật). Bởi vậy Tề Thiên phải liên tục chiến đấu chiến thắng Thiên binh, Thần Tướng, phá hội Bàn Đào, đại náo Thiên Đình, muốn dụng tâm truất ngôi của Thượng Đế, để sau cùng bảo hộ thầy đi về đất Phật, gặp Phật và được thành Phật (hiệu là Đấu Chiến Thắng Phật).

Sau đây là một số hình ảnh gợi ý về sự liên tưởng này:





Thọ hưởng an lạc thiền khi định thành chánh định, tâm nhị nguyên thành nhất nguyên. Nội hỏa tiến đến cực điểm của Tiên đạo, nên gọi là luyện thành Tiên đan hay được uống Tiên đan (Giả kim thuật).

Do tâm chánh định, thiền nhân diệt trừ được huyễn cảnh trong tâm thức.

Lên Thiên Đình ăn Đào Tiên, uống Linh Đan trở về: Hình ảnh Tề Thiên lên Thiên Đình ăn đào Tiên, uống Linh đan trở về, tượng trưng năng lượng dục đã thăng hoa thành năng lượng thanh tịnh ở trạng thái thiền thứ 5 (khai mở luân xa 5, thực chứng tâm chánh định). Đến giai đoạn này thiền nhân phải thực chứng một số công năng sau: Dùng ý điều khí, công phu niệm Phật tam muội, giữ được giới luật trong cả 3 trạng thái: ý thức, thiền thức (trong cơn thiền định) và vô thức (trong lúc ngủ), khai mở luân xa 5, thực chứng tâm chánh định. Từ trạng thái nhị nguyên tâm thức tiến về nhất nguyên, đắc an lạc thiền.

VI/ Phá Ngã: ( Diệt trừ cái Tôi)

Đến lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân: Hình ảnh Tề Thiên đến lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, tượng trưng cho nội hỏa (khí) đã thăng hoa trong kênh sushuma đến luân xa 5 (vishusdda). Hay khí âm của huyệt Thiên Đột giao hòa với khí dương của huyệt Đại Chùy. Thiền nhân thể nhập hóa thân thứ 5.

Tề Thiên bị đốt trong lò luyện Đan: Hình ảnh Tề Thiên bị đốt trong lò luyện đan tượng trưng cho năng lượng dục đã thăng hoa thành nội hỏa. Tâm chánh định của thiền nhân giúp cho tinh khí thần hợp nhất. Bởi vậy nội hỏa cháy mạnh tại luân xa 5. Năng lượng dục được trui rèn tại đây. Tâm thức nhị nguyên với bản năng dục tiềm ẩn được trui rèn để trở thành tâm chánh định hợp nhất âm dương (thái cực).

Lão Quân phát công đốt Tề Thiên trong lò luyện đan: Lửa trong lò luyện đan tượng trưng cho nội hỏa (nội khí). Thái Thượng Lão Quân phát công tượng trưng cho kênh năng lượng vũ trụ mà thiền nhân đang giao hòa vận dụng (ngoại khí) Kỹ thuật luyện công vượt qua luân xa 5, cần phải hợp nhất với nội hỏa và kênh năng lượng vũ trụ thích ứng trong trạng thái tâm thức chánh định.

Hình ảnh Tề Thiên đập ngã lò luyện đan, tượng trưng cho giai đoan thiền nhân vượt qua luân xa 5 để tiến về luân xa 6 (Ajna). Từ cái tôi chánh định tiến lên thực chứng ngã không. Nhờ bị đốt trong lò luyện đan nên khi ra khỏi lò Tề Thiên đắc kim thân kim nhãn. Điều này tượng trưng cho thiền nhân khi khai mở luân xa 5, công năng tăng tiến nên cơ thể cường tráng khỏe mạnh. Bởi vậy có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ trên con dường tu tập thành đạo. Tâm đạt thế chánh định, nên trí huệ gia tăng. Nhận định và xử lý tình huống chính xác hơn, nên việc hành đạo tu tập chóng đạt kết quả hơn.

Đại náo thiên cung: Tề Thiên đại náo Thiên cung, tượng trưng cho việc thiền nhân phải phá vỡ các phạm trù hữu hạn của cái tôi chánh định. Diệt trừ cái tôi giả tạo, thể nhập trạng thái chân không thường trụ tịch lặng của trực giác siêu thức là Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnaparamita) . Đây là giai đoạn thiền nhân phải can đảm vứt bỏ phương tiện nhất niệm, vứt bỏ các hình tướng mà bao lâu nay đã giúp thiền nhân thực chứng chánh định (Qua sông bỏ bè).

Hình ảnh Tề Thiên ngồi trên ngai Thượng Đế và Ngọc Hoàng Thượng Đế phải trốn chạy tượng trưng cho tâm chánh định hoàn toàn thống lĩnh tâm thức và nội hỏa đã khai mở luân xa 5. Thiền nhân đến giai đoạn này có thân thể khỏe mạnh, cường tráng, có công năng tốt, tâm không nghĩ đến điều ác, thân không làm điều ác. Nhưng mọi hoạt động đều xoay quanh cái tôi của mình, không cầu lợi nhưng cầu danh, còn muốn mọi người suy tôn ca ngợi, còn ngã mạn, tâm từ chưa phát triển nên không thể chấp nhận các quan điểm ngược với mình. Trong thiền, đây là trở ngại vô cùng lớn lao mà thiền nhân nhất định phải vượt qua, nếu thật sự muốn chứng giác ngộ (đại náo Thiên Đình).

VII/ Thực chứng Ngã Không: (Nhập đại định lần thứ nhất đắc vô ngã)

Tề Thiên Đại Thánh và Phật Tổ

Tề Thiên tượng trưng cho năng lượng vận hành của tâm thức nhị nguyên, hay cái biết hữu hạn của ý thức. Phật tổ Như Lai tượng trưng cho bản thể tuyệt đối của vạn pháp, hay trí tuệ tối thượng không ngằn mé của trực giác siêu thức. Đó là tự nhiên trí của chư Phật luôn phản ánh như thật mà không phan duyên mọi sắc tướng của pháp giới.



Bàn tay của Như Lai tượng trưng cho một phạm trù tương đối của cái Dụng. Đó là một phạm trù bất kỳ của bản thể hiển thị. Việc Tề Thiên tự phụ vào thần thông, đánh cược với Phật Tổ Như Lai minh họa đặc tính của chúng sanh luôn tự phụ vào kiến thức nhị nguyên góp nhặt. Lấy cái Tôi của mình làm trung tâm vũ trụ. Không tin và không chấp nhận bất kỳ cái gì ngoài cái vốn hiểu biết hữu lậu của mình. Việc Tề Thiên bay mãi không ra ngoài bàn tay của Phật. Nhưng lại tưởng mình đã đến tận cùng trời. Tượng trưng cho con người với cái biết nhị nguyên chỉ có thể tiếp cận một mảng nhỏ chân lý mà thôi. Nhưng giống như Tề Thiên thấy ngón tay Phật tưởng là cột chống trời. Trước những việc chưa biết, cái tôi ngã mạn thường sẽ giải thích sự kiện này theo sai lầm chủ quan của mình. Bởi nhận thức không đúng như thật nên dẫn đến hành động không đúng như thật. Đi ngược với qui luật biến dịch khách quan của tự nhiên nên cuối cùng sẽ dẫn đến thất bại đau khổ. Tây Du Ký minh họa việc này qua sự kiện Tề Thiên bị đè dưới núi Ngũ Hành.

Ngũ Hành (Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) là năm yếu tố cấu thành sắc tướng. Núi ngũ hành tượng trưng cho sắc tướng của pháp giới. Trong con người núi ngũ hành tượng trưng cho thể xác vật lý, và linh phù trên đỉnh tượng trưng cho phần phi vật lý (hay nói cách khác núi ngũ hành là ý thức, còn linh phù trên đỉnh là vô thức). Như vậy núi ngũ hành có linh phù trên đỉnh tượng trưng cho cái Tôi (Ngã). Tề Thiên cho tới giai đoạn này năng lượng thăng hoa do cái tôi ý thức chủ trì. Việc Tề Thiên thách thức với Phật Tổ Như Lai, cuối cùng bàn tay Ngài lật úp hóa thành núi ngũ hành đè Tề Thiên ở dưới minh họa quá trình cái tôi duy ý chí là trở ngại lớn làm cho năng lượng thăng hoa của con người không thể vượt qua để thể nhập trạng thái Niết Bàn an lạc của chư Phật. Núi Ngũ Hành như vậy là giới hạn mà tâm thức không thể nào vượt qua để thực chứng trạng thái siêu thức của bậc giác ngộ. Nó là ranh giới giữa ý thức và siêu thức, giữa tư duy và trực giác, giữa trạng thái nhị nguyên và đặc tính phản ảnh như thật, giữa thái cực và vô cực, giữa ngã và vô ngã. Việc Tề Thiên vùng vẫy làm nứt núi ngũ hành, tượng trưng cho cái biết của ý thức tuy ở trong sự chi phối của các quy luật tự nhiên nhưng có khả năng khám phá vận dụng các quy luật tự nhiên để phục vụ cho yêu cầu của mình. Thế nhưng khi núi ngũ hành được dán linh phù trên đỉnh, Tề Thiên không thể vùng vẫy nữa, đành chịu câu thúc 500 năm ở đây. Linh phù tượng trưng cho trạng thái bất tư nghì, là phần mà cái biết ý thức chưa vươn tới được. Điều này tượng trưng cho việc thiền nhân từ đây trở về sau không thể dùng ý thực nhị nguyên để thực chứng giác ngộ là trạng thái bất tư nghì vượt ra ngoài luân lý thông thường. Mà phải dùng khả năng trực nhận của tâm Bát Nhã Ba La Mật Đa để tự thế nhập.

VIII/ Bất lực của cái Tôi khi thực chứng giác ngộ (khả năng hữu hạn của tâm thức nhị nguyên trước trạng thái bất tư nghì của siêu thức).

Tề Thiên không thể vươn tới trái đào: Hình ảnh Tề Thiên do bị núi Ngũ Hành đè không thể vươn tới để nhặt quả đào, tượng trưng cho sự bất lực của tâm thức nhị nguyên khi muốn vươn tới chân lý bằng cái tôi. Núi ngũ hành tượng trưng cho ngũ uẩn (sắc thân vật lý, sắc tướng). Hình ảnh Tề Thiên bị đè dưới núi ngũ hành, tượng trưng cho sự phát triển của năng lượng khí không thể vượt qua giới hạn vật lý, sự thăng hoa hay tiến hóa của thiền nhân sẽ bị hạn chế bởi cái tôi. Bởi vậy muốn tiếp tục tiến tới chân lý thiền nhân nhất định phải phá ngã (diệt cái tôi). Đây là giai đoạn năng lượng khí của thiền nhân phải trụ vào Phật tánh, ủng hộ cái thiện vô ngã tiêu trừ ác niệm vi tế trong tàng thức, khiến tàng thức trở thành trong suốt phản ánh như thật, như tấm gương phản ánh mọi sự trung thực nên gọi là đại viên cảnh trí. Minh họa cho giai đoạn này là hình ảnh Tề Thiên sau khi được thầy là Đường Tăng gỡ lá bùa trên đỉnh núi. Lập tức phá tan núi ngũ hành và được giải thoát (A La Hán). Sau đó hộ trì thầy đi thỉnh kinh gặp Phật và thành Phật.


Huệ Hải

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved