Home » » khổng tử thế gia

khổng tử thế gia

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012 | 04:38

KHỔNG TỬ THẾ GIA
1. Khổng Tử sinh ở ấp Trâu, thuộc làng Xương Bình nước Lỗ. Tổ tiên trước kia là người nước Tống, tên là Khổng Phòng Thúc. Phòng Thúc sinh Bá Hạ, Bá Hạ sinh Thúc Lương Ngột. Lương Ngột khi đã quá tuổi [1], lấy Nhan Thị, hai người cầu tự ở núi Ni Khâu sinh Khổng Tử. Khổng Tử sinh ở nước Lỗ năm thứ 22 đời Lỗ Tương Công (55 trước công nguyên). Khi sinh ra, trên đầu gồ giữa lõm cho nên đặt tên là Khâu (tức là cái gò), tên tự là Trọng Ni, họ Khổng. Khổng Khâu sinh thì Thúc Lương Ngột chết, chôn ở núi Phòng Sơn. Núi Phòng Sơn ở phía đông nước Lỗ. Khổng Tử, do đó, không biết mộ cha ở đâu, vì mẹ của ông kiêng không nói điều đó. Khi còn nhỏ, Khổng Tử thích chơi trò bày các khay để cúng và chơi trò tế lễ. Đến khi mẹ chết, Khổng Tử chôn tạm mẹ ở con đường Ngũ Phụ vì ông cẩn thận [2]. Mẹ của Văn Phụ, người đất Trâu, nói cho Khổng Tử biết nơi mộ của cha, cho nên về sau Khổng Tử hợp táng cả cha và mẹ ở núi Phòng Sơn.

Chân dung Khổng Tử - Nguồn ảnh: Internet
Trong khi Khổng Tử còn để tang thì họ Quý thết đãi những kẻ sĩ, Khổng Tử cũng đến đấy. Dương Hổ mắng Khổng Tử:

- Họ Quý thết kẻ sĩ chứ không phải thết nhà ngươi đâu.

Khổng Tử bèn rút lui.

Khi Khổng Tử mười bảy tuổi có quan đại phu là Mạnh Ly Tử ốm sắp chết, dặn người con cả sẽ thay mình là Ý Tử: “Khổng Khâu là con cháu của bậc thánh nhân [3], tổ tiên bị giết ở Tống, người ông sáu đời là Phất Phụ Hà lại được nối ngôi làm vua, nhưng nhường ngôi cho Lệ Công. Đến đời Chính Khảo Phu giúp Đái Công, Vũ Công và Tuyên Công, ba lần được làm thượng khanh, nhưng lại càng cung kính. Cho nên trên cái vạc của ông ta có khắc mấy chữ “Được bổ lần thứ nhất thì ta cúi xuống, được bổ lần thứ hai thì ta khom lưng, được bổ lần thứ ba thì ta cuối thấp xuống men theo tường mà chạy. Nhưng cũng không ai dám khinh ta. Ta ăn cơm ở vạc này, nấu cháo ở vạc này để nuôi miệng ta!” Ông ta là người cung kính như thế đấy. Ta nghe nói con cháu bậc thánh nhân tuy không làm vua, nhưng về sau, thế nào cũng có người sáng suốt. Nay Khổng Khâu ít tuổi, thích lễ, có lẽ là con người sáng suốt như người xưa nói. Khi ta chết rồi thế nào cũng phải thờ ông ta làm thầy”.

Đến khi Ly Tử chết, Ý Tử và người nước Lỗ là Nam Cung Kính Thúc đến học lễ với Khổng Tử. Năm ấy Quý Vũ Tử chết, Bình Tử lên thay [4].

2. Khổng Tử nghèo hèn, đến khi lớn lên làm lại cho họ Quý. Việc tính toán đo lường đứng đắn cho nên được làm chức coi súc vật. Súc vật đông đúc sinh đẻ nhiều, nên được làm tư không. Được ít lâu, Khổng Tử rời khỏi nước Lỗ, bị ruồng bỏ ở nước Tề, bị đuổi ở nước Tống và nước Vệ, bị nguy khốn ở giữa miền nước Trần và nước Thái, cuối cùng lại trở về nước Lỗ.

Khổng Tử người cao chính thước sáu tấc, ai cũng cho là con người cao lớn và lấy làm lạ. Vì nước Lỗ lại đối đãi với ông tử tế nên ông bỏ về Lỗ. Nam Cung Kính Thúc ở nước Lỗ nói với vua Lỗ:

- Xin nhà vua cho tôi cùng Khổng Tử đến đất Chu.

Vua nước Lỗ cho ông ta một cỗ xe, hai con ngựa, một người đầy tớ, cùng Khổng Tử đến đất Chu hỏi về lễ. Khổng Tử yết kiến Lão Tử ở đấy. Khi Khổng Tử cáo từ ra về, Lão Tử tiễn Khổng Tử và nói:

- Tôi nghe nói “người giàu sang lấy tiền bạc để tiễn nhau, người nhân đức dùng lời nói để tiễn nhau”. Tôi không thể làm người giàu sang nhưng trộm lấy tiếng là người nhân đức, xin có lời này tiễn ông: “Kẻ thông minh và sâu sắc là gần cái chết vì họ khen chê người ta một cách đúng đắn. Kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng làm nguy đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác. Kẻ làm con không có cách gì để giữ mình. Kẻ làm tôi không có cách gì để giữ mình” [5].

Khi Khổng Tử ở Chu về nước Lỗ, học trò càng nhiều. Lúc bấy giờ Tấn Bình Công hoang dâm, sáu khanh chuyên quyền, phía đông đánh các nước chư hầu. Quân của Sở Linh Vương mạnh lấn át Trung Quốc. Nước Tề lớn, lại ở gần nước Lỗ. Lỗ thì nhỏ và yếu. Nếu theo Sở thì nước Tấn nổi giận; theo nước Tấn thì nước Sở đến đánh. Nếu không phòng bị nước Tề thì quân Tề xâm chiếm.

Năm thứ hai mươi đời Lỗ Chiêu Công, Khổng Tử đã ba mươi tuổi. Vua Tề Cảnh Công cùng Án Ánh đến nước Lỗ. Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử:

- Ngày xưa Tần Mục Công nước nhỏ, ở nơi hẻo lánh, nhưng tại sao lại làm được nghiệp bá?

Khổng Tử đáp:

- Nước Tần tuy nhỏ, nhưng chí của nó lớn. Tuy nó ở nơi hẻo lánh nhưng chính trị của nó đúng đắn. Nhà vua thân hành cử Bách Lý Hề cho làm đại phu dùng ông ta từ chỗ bị trói, nói chuyện với ông ta ba ngày rồi trao chính sự cho ông ta. Nếu làm như thế thì nghiệp vương cũng có thể làm được, chứ nghiệp bá vẫn còn nhỏ đấy.

Cảnh Công bằng lòng.

Khi Khổng Tử ba mươi lăm tuổi, thì Quý Binh Tử và Hậu Chiêu Bá vì việc chọi gà mà có tội với Lỗ Chiêu Công. Lỗ Chiêu Công đem binh đánh Quý Bình Tử. Quý Bình Tử cùng họ Mạnh và họ Thúc Tôn, ca ba nhà hợp lực đánh Lỗ Chiêu Công [6]. Lỗ Chiêu Công thua chạy sang nước Tề. Vua Tề cho Lỗ Chiêu Công ở ấp Can Hầu. Sau đó ít lâu, nước Lỗ có loạn. Khổng Tử đến nước Tề làm tôi ở nhà họ Cao Chiêu Tử để được yết kiến Tề Cảnh Công. Khổng Tử nói chuyện âm nhạc với quan thái sư (chức quan lo về nhạc – N.D) nước Tề, nghe nhạc “thiều” và học nhạc ấy, say mê ba tháng không biết đến mùi thịt. Người Tề khen ngợi.

Cảnh Công hỏi Khổng Tử làm chính trị phải như thế nào. Khổng Tử đáp:

- Vua phải theo đúng đạo làm vua, tôi phải theo đúng đạo làm tôi, cha phải theo đúng đạo làm cha, con phải theo đúng đạo làm con.

Tề Cảnh Công nói:

- Thật đúng lắm! Nếu như vua không theo đúng đạo làm vua, cha không theo đúng đạo làm cha, tôi không theo đúng đạo làm tôi, con không theo đúng đạo làm con thì tuy có thóc đấy, ta có thể ăn được không?

Một hôm khác, Tề Cảnh Công lại hỏi Khổng Tử làm chính trị phải như thế nào. Khổng Tử đáp:

- Muốn làm chính trị thì phải lo tiết kiệm trong việc tiêu dùng.

Tề Cảnh Công bằng lòng, lấy ruộng Ni Khê phong cho Khổng Tử. Án Ánh tiến lên nói:

- Bọn nhà nho chỉ là kẻ ba hoa mà không thể noi gương theo họ được. Họ kiêu ngạo, tự cho mình là phải nên không thể để cho họ làm tôi. Họ chú trọng việc chôn cất, thương xót, làm mất gia sản để chôn cất cho được đầy đủ, không thể cho điều đó thành phong tục. Họ đi du thuyết hết nơi này đến nơi khác để kiếm ăn, không thể cho họ trị nước được. Sau khi các bậc đại hiền ra đời, nhà chu đã suy, lễ nhạc thiếu sót. Nay Khổng Tử bày ra nhiều điều hình thức bên ngoài, ông ta làm cho cái lễ đi lên đi xuống, thành phiền phức, bày chuyện đi rảo bước và đi giơ tay, cứ như thế thì học mấy cũng không biết được lễ. Nếu nhà vua dùng ông ta để thay đổi phong tục nước Tề thì đó không phải là điều lo lắng trước tiên đến dân vậy.

Sau đó, Tề Cảnh Công tiếp Khổng Tử một cách kính cẩn, nhưng không hỏi ý kiến của Khổng Tử về lễ. Một hôm khác, Cảnh Công giữ Khổng Tử lại nói:

- Tôi không thể tôn quý ông như vua Lỗ tôn quý họ Quý mà chỉ được như giữa họ Quý và họ Manh mà thôi [7].

Các quan đại phu nước Tề muốn giết Khổng Tử. Khổng Tử nghe tin ấy. Tề Cảnh Công nói:

- Ta đã già rồi không thể dùng nhà ngươi được.

Khổng Tử bèn ra đi, trở về nước Lỗ. Bấy giờ Khổng Tử bốn mươi hai tuổi. Vua Lỗ Chiêu Công chết ở ấp Can Hầu. Lỗ Định Công lên ngôi. Năm thứ năm đời Lỗ Định Công (506), mùa hạ, Quý Bình Tử chết, Hoàn Tử nối nghiệp. Quý Hoàn Tử đào giếng được một cái vại bằng đất, trong đó có một con vật giống như con cừu. Quý Hoàn Tử nói với Trọng Ni:

- Tôi bắt được con chó.

Trọng Ni nói:

- Theo như Khâu này biết thì đó là con cừu. Khâu này nghe nói: quái vật do gỗ và đá sinh ra là con “quỷ” và con “võng lưỡng”, quái vật do nước sinh ra là con “rồng” và con “vọng tượng”, quái vật do đất sinh ra là con “phần dương” [8](8).

Khi nước Ngô đánh nước Việt, phá hủy Cối Kê, có người lấy được một cái xương, chở đầy một xe. Vua Ngô sai sứ giả hỏi Trọng Ni:

- Tại sao xương lại lớn như vậy?

Trọng Ni nói:

- Vua Hạ Vũ triệu tập những người làm chủ núi sông ở núi Cối Kê. Phòng Phong đến sau bị vua Vũ giết phơi thây, mỗi cái xương của ông ta chở đầy một xe. Xương này là của Phòng Phong cho nên lớn như vậy.

Người khách nước Ngô nói:

- Ai làm thần?

Trọng Ni nói:

- Thần của núi ông có thể làm giường mối cho thiên hạ [9], lo việc thờ cúng thần núi thần sông là những người thầy cúng, những người tế thần đất và thần mùa màng là các công hầu. Họ đều lệ thuộc vào nhà vua.

Người khách nói:

- Phòng Phong cai quản việc gì?

Trọng Ni đáp:

- Ông ta là vua Uông Vọng giữ nước Phong Ngu, họ Ly; trong đời Ngu, đời Hạ đời Thương gọi là Uông Vọng; trong thời Chu gọi là Trưởng Dịch, ngày nay gọi là Đại Nhân.

Người khách nói:

- Con người ta dài hay cao bao nhiêu?

Trọng Ni đáp:

- Họ Tiêu Nghiêu cao ba thước đó là hạng người thấp nhất, người lớn nhất cũng không gấp mười lần ba thước.

Người khách bèn nói:

- Đúng lắm! Đây là một thánh nhân!

Người tôi yêu của Quý Hoàn Tử là Trọng Lương Hoài có hiềm khích với Dương Hổ. Dương Hổ muốn đuổi Trọng Lương Hoài, nhưng Công Sơn Phất Nữu ngăn lại. Mùa thu năm ấy, Trọng Lương Hoài lại càng kiêu ngạo. Dương Hổ bắt Hoài. Quý Hoài Tử nổi giận, Dương Hổ liền bỏ tù Hoài Tử, ăn thề với ông ta, rồi tha ông ta ra. Dương Hổ do đó càng khinh họ Quý. Họ Quý cũng lấn át nhà vua, các bồi thần [10](10) cầm quyền chính trị trong nước. Do đó, nước Lỗ từ đại phu trở xuống đều vượt quyền và rời khỏi con đường chính đạo. Cho nên Khổng Tử không làm quan mà rút về nhà sửa lại thi, thư, lễ, nhạc. Học trò càng nhiều, có cả những người từ phương xa đến. Năm thứ tám đời Lỗ Định Công (502) Công Sơn Phất Nữu giận họ Quý, bèn theo Dương Hổ làm loạn. Hai người muốn bỏ con trưởng của ba gia đình Hoàn Công để lập những người con thứ từ lâu quen thân với Dương Hổ. Công Sơn Phất Nữu bèn bắt Quý Hoàn Tử. Quý Hoàn Tử lừa trốn được. Năm thứ chín đời Định Công, Dương Hổ thua bỏ chạy sang Tề. Lúc bấy giờ Khổng Tử đã năm mươi tuổi.

Công Sơn Phất Nữu sau khi làm chủ thành Phi thì nổi lên chống lại họ Quý. Y sai người mời Khổng Tử. Khổng Tử tuy từ lâu vẫn noi theo đạo, rất am hiểu việc chính trị nhưng vẫn không có dịp thực hành cái học của mình vì không ai biết dùng mình. Khổng Tử nói:

- Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu đều nổi lên từ đất Phong, đẩt Cảo mà làm vua thiên hạ. Nay đất Phi tuy nhỏ, biết đâu cũng sẽ như vậy?

Khổng Tử muốn đi. Tử Lộ không bằng lòng, giữ lại. Khổng Tử nói:

- Người ta mời ta đến có phải là vô cớ đâu? Nếu họ dùng ta, ta sẽ làm cho đất họ thành nhà Đông Chu chăng?

Nhưng rốt cuộc, Khổng Tử cũng không đi [11].

3. Sau đó, Lỗ Định Công cho Khổng Tử làm quan cai trị thành Trung Đô. Được một năm, cả bốn phương đều noi theo xem là mẫu mực. Từ chức quan cai trị thành Trung Đô, Khổng Tử được thăng làm tư không, rồi được làm đại tư khấu [12].

Mùa xuân năm thứ mười đời Lỗ Định Công (500), Lỗ giảng hòa với Tề. Mùa hạ, quan đại phu nước Tề là Lê Sử nói với Tề Cảnh Công:

- Nước Lỗ dùng Khổng Khâu thế nào cũng nguy hại cho nước Tề.

Tề Cảnh Công bèn sai sứ giả mời vua Lỗ lại họp ở Giáp Cốc. Lỗ Định Công sắp sửa lên xe đến họp thân mật, Khổng Tử bây giờ giữ chức tướng quốc nói:

- Tôi nghe nói trong nước có làm việc văn thì thế nào cũng phải lo việc vũ, có việc vũ thì thế nào cũng phải lo chuẩn bị việc văn [13]. Ngày xưa các chư hầu ra khỏi biên giới thế nào cũng có các quan võ đi theo. Xin nhà vua mang theo các quan tả tư mã và hữu tư mã.

Định Công nói:

- Phải.

Bèn mang theo tả tư mã và hữu tư mã, họp mặt với Tề Hoàn Công ở Giáp Cốc. Ở đấy dựng lên một cái đàn có ba bậc tam cấp bằng đất và hai người gặp nhau theo nghi lễ. Sau khi chào và nhường bước cho nhau, hai người lên đài rót rượu mời nhau theo đúng lễ gặp gỡ, một viên quan nước Tề rảo bước tiến lên nói:

- Xin tấu nhạc bốn phương.

Cảnh Công nói:

- Được.

Và ngay đó, những người cầm cờ lông thú và lông chim mang lông chim, sáo, dáo, kích, kiếm và khiên bước ra trong tiếng trống và tiếng hò hét và bước lên đài [14](14). Khổng Tử rảo bước tiến ra, bước lên các bậc tam cấp, nhưng không qua bậc trên cùng, giơ ống tay áo lên nói:

- Vua hai nước chúng tôi hội họp nhau thân mật, chơi thứ nhạc Di, Địch làm gì? Xin ra lệnh cho quan đương sự để họ đuổi những người kia đi.

Vì những người múa không chịu đi, các quan hầu nhìn Án Ánh và Cảnh Công. Cảnh Công lấy làm xấu hổ, giơ tay đuổi họ ra.

Một lát sau, có một vị quan nước Tề rảo bước tiến ra nói:

- Xin tấu nhạc trong cung!

Cảnh Công nói:

- Được.

Bọn con hát và bọn lùn nhún nhảy bước ra. Khổng Tử rảo bước tiến ra trước cái bậc tam cấp, nhưng không quá bực trên cùng, nói:

- Bọn thất phu chế nhạo chư hầu, tội đáng giết! Xin ra lệnh cho các quan đương sự trị tội.

Họ bèn bị chặt chân tay. Cảnh Công run sợ, biết mình không làm theo nghĩa. Trở về, Cảnh Công lo sợ nói với các quan:

- Người Lỗ dùng đạo của người quân tử để bênh vực cho nhà vua của họ; trái lại, các người chỉ lấy cái đạo của bọn Di, Địch để dạy quả nhân, làm cho quả nhân có lỗi với vua Lỗ. Bây giờ làm thế nào?

Một viên quan tiến ra nói:

- Người quân tử có lỗi thì dùng việc làm để xin lỗi, kẻ tiểu nhân có lỗi thì dùng lời nói suông để xin lỗi. Nếu bệ hạ buồn về việc đó thì nên dùng việc làm để xin lỗi.

Tề Cảnh Công bèn trả cho nước Lỗ các thửa ruộng Vận, Vấn Dương, Quỳ Âm trước kia đã lấy của Lỗ để xin lỗi.

Mùa hạ năm thứ ba mươi đời Lỗ Định Công, Khổng Tử nói với Định Công:

- Bầy tôi thì không được tàng trữ binh khí, quan đại phu thì không được có cái thành một trăm trĩ [15].

Khổng Tử sai bon Trọng Do (tức Tử Lộ, học trò Khổng Tử N.D) làm quan tể của họ Quý, toan phá hủy ba thành lũy của ba họ. Vì vậy Thúc Tôn trước tiên phá thành Hậu. Họ Quý sắp sửa phá thành Quý. Nhưng Công Sơn Phất Nữu và Thúc Tôn cầm đầu những người thành Phí đánh úp nước Lỗ. Định Công cùng ba người cầm đầu ba họ vào cong Quý Thị, lên đài của Vũ Tử. Người thành Phí đánh họ nhưng không được, tuy có người đã tiến đến gần đài. Khổng Tử sai Thân Câu tu và Nhạc Kỳ xông xuống đài đánh, người đất Phí thua. Người nước Lỗ đuổi đánh họ thua to ở Cô Miệt. Công Sơn Phất Nữu và họ Thúc Tôn chạy trốn sang Tề. Cuối cùng, thành Phí bị phá. Khi sắp phá thành lũy đất Thành, Công Liễm Xử Phụ nói với Mạnh Tôn:

- Nếu thành bị phá thì quân Tề thế nào cũng đến cửa phía bắc. Vả lại thành này che chở cho họ Mạnh, nếu không có nó tức là họ Mạnh không còn. Tôi sẽ không phá.

Tháng 12, Lỗ Định Công vây thành nhưng không lấy được. Năm thứ 14 đời Định Công, Khổng Tử 56 tuổi, rời chức tư khấu, quyền giữ chức tướng quốc. Thấy Khổng Tử có vẻ mừng rỡ, một người học trò nói:

- Tôi nghe thầy nói “người quân tử khi tai họa đến thì không sợ, khi phúc đến thì không mừng”.

Khổng Tử nói:

- Câu nói ấy cũng có đấy. Nhưng chẳng có câu: “vui vì ở địa cị cao quý mà khiêm tốn đối với mọi người” hay sao?

Khổng Tử giết quan đại phu nước Lỗ làm rối loạn chính sự là Thiếu Chính Mão. Sau khi tham dự chính quyền trong nước ba tháng, những người bán cừu bán lợn không dám bán thách, con trai con gái ở trên đường đi theo hai phía khác nhau, trên đường không nhặt của rơi. Những người khách ở bốn phương đến thành ấp không cần phải nhờ đến các quan bởi vì người ta đều xem họ như người trong nhà.

Người Tề nghe vậy sợ hãi nói:

- Khổng Tử cầm đầu chính sự thì thế nào cũng làm bá chủ chư hầu. Nếu Lỗ làm bá thì đất nước ta ở gần, sẽ đầu tiên bị thôn tính. Tại sao ta không đem đất nộp cho Lỗ?

Lê Sử nói:

- Trước tiên xin hãy tìm cách cản trở, nếu không được thì nộp đất cũng chưa muộn.

Vua Tề bèn chọn tám mươi người con gái đẹp ở trong nước Tề, đều cho mặc quần áo đẹp, tập múa điệu “khang nhạc” và ba mươi cổ ngựa, mỗi cổ bốn con rất đẹp để đưa cho vua nước Sở. Vua Tề sai bày bọn con gái và những con ngựa đẹp ở ngoài cửa cao phía nam kinh đô nước Lỗ. Quý Hoàn Tử ăn mặc thường dân đến xem hai ba lần, toàn thu nhận và nói với vua Lỗ đi một vòng để đến xem. Vua Lỗ đến chơi xem đến trọn ngày. Vua Lỗ bỏ việc chính sự. Tử Lộ nói:

- Thầy nên đi thôi.

Khổng Tử nói:

- Vua Lỗ sắp làm lễ tế giao, nếu nhà vua đem thịt tế đến cho các quan đại phu thì ta còn có thể ở lại.

Cuối cùng, Quý Hoàn Tử nhận nữ nhạc của Tề, ba ngày không nghe việc chính sự. Khi làm lễ tế giao cũng không đưa thịt tế đến cho các quan đại phu. Khổng Tử bèn ra đi.

Khổng Tử ở đêm tại đất Đồn. Sư Dĩ tiễn Khổng Tử nói:

- Thầy không có tội gì.

Khổng Tử nói:

- Tôi hát có được không?

Bèn hát:

“Miệng của bọn đàn bà kia có thể làm cho ta phải bỏ chạy.
Những người đàn bà kia đến thăm, có thể làm cho nước mất, nhà tan!
Ta đi lang thang phiêu bạt cho đến hết đời.”

Khi Sư Dĩ trở về, Quý Hoàn Tử hỏi:

- Khổng Tử có nói gì với ông không?

Dĩ kể lại tất cả. Hoàn Tử thở dài than:

- Phu tử bắt tội ta vì bọn đàn bà hèn hạ kia [16].

4.Khổng Tử bèn đến nước Vệ ở trọ tại nhà Nhan Trọc Trâu, anh vợ của Tử Lộ. Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử:

- Khi ông ở nước Lỗ, ông được hưởng Lộc bao nhiêu?

- Tôi được sáu vạn đấu lúa.

Người Vệ cũng cung cấp cho Khổng Tử sáu vạn đấu.

Khổng Tử ở đấy được ít lâu, có người dèm Khổng Tử với Vệ Linh Công. Vệ Linh Công sai Công Tôn Dư Giả luôn luôn đi theo Khổng Tử. Khổng Tử sợ mắc tội. Khổng Tử ở đấy mười tháng, đoạn rời khỏi đất Vệ, định đi qua đất Khuông, để đến nước Trần. Nhan Khắc làm người đánh xe cho Khổng Tử, ông ta cầm roi chỉ thành phố này và nói:

- Ngày xưa con đã vào thành này ở chỗ thành bị phá đằng kia!

Người nước Khuông nghe vậy, tưởng Khổng Tử là Dương Hổ, người nước Lỗ, vì Dương Hổ đã có lần xâm phạm đến họ. Người đất Khuông bèn giữ Khổng Tử lại vì Khổng Tử mặt mày giống Dương Hổ. Năm ngày sau, Nhan Uyên mới đến. Khổng Tử nói:

- Ta tưởng là anh chết rồi!

Nhan Uyên nói:

- Thầy còn sống, con đâu dám chết!

Người đất Khuông càng giữ Khổng Tử cẩn mật hơn trước. Các đệ tử đều sợ. Khổng Tử nói:

- Sau khi Văn Vương chết đi, cái “văn” không phải ở ta hay sao? Nếu trời muốn làm mất cái “văn” ấy đi thì ta là người sinh sau đã không được biết đến nó. Vì trời chưa muốn làm mất cái “văn” ấy thì người đất Khuông làm gì được ta? [17]

Khổng Tử sai một người đi theo là tôi của Ninh Vũ Tử ở nước Vệ, sau đó Khổng Tử mới đi lọt. Khổng Tử đi qua đất Bồ, sau hơn một tháng lại trở về nước Vệ, ở trọ tại nhà Cừ Bá Ngọc. Trong số những người vợ của Vệ Linh Công có Nam Tử. Nam Tử sai người nói với Khổng Tử:

- Những người quân tử bốn phương nếu không xấu hổ về việc làm anh em với nhà vua thì thế nào cũng đến yết kiến tôi. Tôi muốn gặp mặt Khổng Tử.

Khổng Tử từ chối không được, đành phải yết kiến Phu nhân ở trong cái màn là. Khổng Tử bước vào cửa ngoảnh mặt về phía bắc cúi lạy. Phu nhân ở trong màn lạy hai lạy. Các vòng ngọc và những viên ngọc mang trên người kêu lanh tanh. Khổng Tử nói:

- Trước kia ta định không đến thăm. Nhưng khi đến thăm thấy tiếp đãi theo đúng lễ.

Tử Lộ không bằng lòng [18]. Khổng Tử thề nói:

- Nếu ta làm sai thì trời bỏ ta! Trời bỏ ta!

Khổng Tử ở Vệ hơn một tháng. Vệ Linh Công cùng phu nhân ngồi trên xe, viên hoạn quan là Ung Cứ cùng ngồi đi ra, sai Khổng Tử ngồi trên cái xe đằng sau. Mấy người lượn qua chợ trước mặt đông người. Khổng Tử nói:

- Ta chưa hề thấy có người nào yêu đức như yêu sắc đẹp.

Khổng Tử cảm thấy xấu hổ về việc đó và rời khỏi nước Vệ, đi qua nước Tào. Năm ấy Lỗ Định Công chết. Khổng Tử rời khỏi nước Tào đến nước Tống, cùng đệ tử tập lễ ở dưới một gốc cây lớn. Quan tư mã của nước Tống tên là Hoàn Khôi muốn giết Khổng Tử, chặt cây ấy đi. Khổng Tử ra đi, các đệ tử nói:

- Phải đi nhanh đi!

Khổng Tử nói:

- Trời sinh đức ở ta. Hoàn Khôi làm gì được ta?

Khổng Tử đến nước Trịnh, thầy trò lạc nhau. Khổng Tử đứng một mình ở phía đông cửa thành. Có một người nước Trịnh bảo Tử Cống:

- Ở cửa phía đông có một người trán giống Nghiêu, cổ có vẻ Cao Dao, vai ông ta giống Tử Sản [19], nhưng từ lưng trở xuống thì kém vua Vũ ba tấc, có vẻ băn khoăn lo lắng như con chó ở nhà có tang.

Tử Cống nói thực với Khổng Tử. Khổng Tử mừng rỡ cười mà rằng:

- Hình dáng bên ngoài là chuyện vụn vặt, nhưng nói “giống như con chó của nhà có tang” thì đúng làm sao! Đúng làm sao!

Khổng Tử bèn đến nước Trần, ở trọ tại nhà viên quan giữ thành là Trịnh Tử được hơn một năm. Vua Ngô là Phù Sai đánh nước Trần lấy ba ấp, rồi rút lui. Triệu Ưởng đánh Triều Ca, quân Sở vây đất Thái. Vua Thái sang Ngô. Nước Ngô đánh bại vua Việt là Câu Tiễn ở Cối Kê.

Có con cắt chết ở cung đình vua Trần, bị một mũi tên bằng gỗ hỗ đâm qua mình. Đầu mũi tên bằng đá, dài một thước tám tấc. Trần Mẫn Công sai sứ giả hỏi Trọng Ni. Trọng Ni đáp:

- Con cắt từ nơi xa đến. Đó là mũi tên của người Túc Thận. Ngày xưa vua Vũ Vương đánh nhà Thương, tiếng vang đến cả Cửu Di và Bách Man, họ đều đem sản vật địa phương đến cống để không quên nhiệm vụ của mình. Người Túc Thận bèn cống tên hỗ có mũi tên bằng đá, dài mỗi cái một thước tám tấc. Tiên Vương muốn nêu tỏ cái đức sáng của mình cho nên chia những mũi tên này cho Đại Cơ [20]. Đại Cơ lấy Hồ Công, Hồ Công được phong ở đất Trần. Ngày xưa, người ta đưa ngọc quý cho những người cùng họ của mình để tỏ lòng trọng người thân. Người ta chia cho những người khác họ những đồ cống từ các nơi xa lạ để cho họ đừng quên phục tùng. Vì vậy cho nên nước Trần nhận được tên của người Túc Thận.

Nhà vua sai thử tìm xem ở trong kho cũ, quả nhiên tìm thấy có cái tên ấy …

Khổng Tử ở Trần ba năm. Lúc bấy giờ, các nước Tần, và Sở tranh cường với nhau và lần lượt đánh bại Trần; nước Ngô cũng đánh Trần. Trần luôn luôn bị đánh phá. Khổng Tử nói:

- Ta về thôi! Ta về thôi! Bọn học trò của ta hăng hái nhưng nông nổi, lo tiến thủ nhưng không quên bản tính của mình.

Khổng Tử bèn rời khỏi đất Trần, đi qua đất Bồ. Vừa lúc ấy họ Công Thúc cầm đầu người đất Bồ nổi loạn. Người đất Bồ giữ Khổng Tử lại. Trong số học trò của Khổng tử có Công Lương Nhu đem năm cỗ xe của mình đi theo Khổng Tử. Ông là người đứng tuổi, tài giỏi, có sức mạnh. Ông ta nói:

- Xưa kia con theo thầy gặp nạn ở đất Khuông, nay lại gặp nạn ở đây, đó là mệnh! Con lại cùng thầy gặp nạn, con quyết chiến đấu mà chết.

Ông ta chiến đấu rất hăng. Người đất Bồ sợ hãi, bảo Khổng Tử:

- Nếu ông không đến nước Vệ thì chúng tôi sẽ cho ông đi.

Khổng Tử cùng họ ăn thề. Họ cho Khổng Tử đi ra phía cửa đông. Khổng Tử liền đến đất Vệ. Tử Cống hỏi:

- Có thể phụ lời thề được sao?

Khổng Tử nói:

- Đó là vì ta bắt buộc phải thề cho nên quỷ thần không nghe.

Vệ Linh Công nghe Khổng Tử đến, mừng rỡ ra ngoại ô đón hỏi:

- Có thể đánh đất Bồ được không?

Khổng Tử nói:

- Được.

Vệ Linh Công nói:

- Các quan đại phu của ta cho là không được. Nay đất Bồ là nơi nước Vệ dùng để chống lại các nước Tần và Sở. Đem nước Vệ mà đánh Bồ có lẽ là không nên chăng?

Khổng Tử nói:

- Đàn ông trong thành có chí quyết chết vì nhà vua. Đàn bà có chí bảo vệ Tây Hà [21]. Những người chúng ta phải đánh chẳng qua chỉ bốn năm người.

Vệ Linh Công nói:

- Phải đấy.

Tuy vậy vẫn không đánh Bồ. Vệ Linh Công già, lười biếng việc chính sự, không dùng Khổng Tử. Khổng Tử thở dài than:

- Nếu có người dùng ta thì sau một tháng đã kha khá, sau ba năm thì tốt.
Khổng Tử ra đi. Phật Bật là quan cai trị đất Trung Mâu, Triệu Giản Tử đánh họ Phạm, họ Trung Hàng, và đánh Trung Mâu. Phật Bật làm phản sai người mời Khổng Tử, Khổng Tử muốn đến. Tử Lộ nói:

- Do này nghe thầy nói: “người làm việc không phải thì người quân tử không vào nước của họ”. Nay chính Phật Bật làm quan cai trị đất Trung Mâu làm phản, tại sao thầy lại muốn đến?

Khổng Tử nói:

- Ta có nói như vậy thật đấy. Nhưng chẳng phải ta có nói rằng “cái mà thật cứng thì mài cũng không mòn; cái mà thật trắng thì bỏ vào thuốc nhuộm cũng không đen. Ta không phải vỏ quả bầu, sao chỉ có thể treo lên mà không thể ăn?”

Khổng Tử gõ khánh. Có người mang sọt đi qua cửa nói:

- Con người gõ khánh kia thật là có lòng suy nghĩ. Người sao mà ương ngạnh! Không ai biết mình cả thì nên bỏ mà đi thôi!

Khổng Tử học đánh đàn cầm với thầy dạy nhạc là Tương Tử. Học mười ngày không tiến. Tương Tử nói:

- Ông có thể tiến nữa.

Khổng Tử đáp:

- Khâu đã quen khúc nhạc này rồi, nhưng chưa nắm được cái quan hệ về số.
Được ít lâu, Tương Tử nói:

- Ông đã nắm được quan hệ về số rồi đấy! Có thể tiến hơn nữa.

Khổng Tử đáp:

- Khâu chưa hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nó.

Được ít lâu, Tương Tử nói:

- Ông đã nắm được ý nghĩa sâu sắc của nó rồi đấy! Có thể tiến nữa.

Khổng Tử đáp:

- Khâu chưa biết người làm bản nhạc này là ai?

Được ít lâu, Tương Tử nói:

- Ông có vẻ oai nghiêm, suy nghĩ sâu, có hoài bão lớn và cao xa.

Khổng Tử nói:

- Khâu này đã biết người ấy là ai rồi. Ông ta lặng lẽ mặt đen, người cao. Mắt như con cừu nhìn xa, như con người làm vua bốn phương, nếu không phải là Văn Vương thì ai có thể như vậy được.

Tương Tử rời khỏi chiếu, lạy hai lạy nói:

- Các vị thầy dạy nhạc vẫn nói điệu nhạc này là do Văn Vương làm ra.

Vì không được dùng ở nước Vệ, Khổng Tử định đi về phía tây yết kiến Triệu Giản Tử, nhưng khi đến sông Hoàng Hà thì nghe tin Đậu Minh Độc và Thuấn Hoa đã chết. Khổng Tử đến bờ Hoàng Hà than:

- Nước sông mênh mông đẹp thay! Khâu không qua được con sông này là do mệnh vậy.

Tử Cống rảo bước tiến đến nói:

- Xin hỏi tại sao lại nói như vậy?

Khổng Tử nói:

- Đậu Minh Độc và Thuấn Hoa là những quan đại phu tài giỏi ở nước Tấn. Khi Triệu Giản Tử chưa thỏa mãn được ý chí của mình thì cần hai người này để nắm được quyền chính. Nhưng khi đã đạt được ý nguyện của mình thì giết đi và lên cầm quyền chính. Khâu nghe nói khi người ta mổ thai giết đứa trẻ trong bụng thì kỳ lân không đến bờ cõi; khi người ta làm cho nước ao khô để bắt cá thì con giao long không điều hòa âm dương [22]; khi người ta lật đổ tổ chim thì phượng hoàng không bay lượn. Tại sao lại thế? Đó là vì người quân tử tránh những người làm hại đến những kẻ giống mình. Chim chó thú vật kia còn biết tránh những kẻ bất nghĩa huống gì Khâu?

Khổng Tử bèn quay lại, nghĩ ở làng Trâu, làm bài ca “Làng Trâu” để tỏ nỗi buồn của mình. Sau đó trở về đất Vệ, ở tại nhà Cừ Bá Ngọc.

Một hôm Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử về cách bài binh bố trận. Khổng Tử nói:

- Việc tế lễ thì tôi thường nghe, còn việc quân thì tôi chưa học.

Hôm sau Vệ Linh Công đang nói chuyện với Khổng Tử, thấy con ngỗng trời bèn ngẩng đầu lên nhìn, sắc mặt có vẻ không để ý gì đến Khổng Tử, Khổng Tử lại đi đến đất Trần.
Mùa hạ năm ấy, Vệ Linh Công mất, lập người cháu tức là Xuất Công của nước Vệ. Tháng sáu, Triệu Ưởng đưa thái tử vào thành Thích [23]. Dương Hổ sai thái tử mang mũ trụ và tám người mặc đồ tang giả vờ đi từ nước Vệ đến đón thái tử, khóc và vào thành Thích, rồi ở đấy. Mùa đông vua đất Thái dời đô đến Châu Lai. Năm ấy là năm thứ ba đời Lỗ Ai Công, Khổng Tử 60 tuổi. Nước Tề giúp nước Vệ vây đất Thích và thái tử nước Vệ là Khoái Ngoại ở đấy. Mùa hạ, ngôi miếu của Hoàn Công và Ly Công ở nước Lỗ bị đốt cháy. Nam Cung Kinh Thúc cứu hỏa. Khổng Tử lúc ấy đang ở đất Trần, nói:

- Hỏa hoạn thế nào cũng đang xảy ra ở miếu của Hoàn Công và Ly Công.

Sau đó quả nhiên đúng.

Mùa thu, Quý Hoàn Tử ốm, người ta chở ông ta trên một cái xe đi thăm thành nước Lỗ. Quý Hoàn Tử thở dài than:

- Xưa kia nước này đáng lẽ hưng thịnh! Vì ta có tội với Khổng Tử cho nên nước mới suy đồi.

Quý Hoàn Tử quay lại bảo người con nối nghiệp mình là Khang Tử:

- Khi ta chết, thế nào con cũng làm tể tướng nước Lỗ; nếu làm tể tướng nước Lỗ thế nào con cũng phải mời Trọng Ni.

Sau đó mấy ngày, Quý Hoàn Tử chết, Khang Tử lên thay. Sau khi chôn cất xong, Khang Tử muốn mời Trọng Ni nhưng Công Chi Ngư nói:

- Ngày xưa tiên quân của ta dùng ông ta không trót cho nên bị chư hầu chê cười. Ngày nay, nếu ngài lại dùng ông ta không trót thì sẽ bị chư hầu cười lần nữa.

Khang Tử nói:

- Như thế thì nên mời ai?

- Thế nào cũng phải mời Nhiễm Cầu.

Khang Tử bèn sai sứ mời Nhiễm Cầu. Nhiễm Cầu sắp ra đi, Khổng Tử nói:

- Người Lỗ mời anh Cầu không phải để dùng vào việc nhỏ mà sẽ dùng vào việc lớn.
Ngày hôm ấy, Khổng Tử nói:

- Về thôi! Về thôi! Bọn học trò của ta hăng hái nhưng nông nổi, họ đã khá về mặt đạo đức, nhưng chưa biết giữ mình theo đúng đạo.

Tử Cống biết Khổng Tử nghĩ đến việc trở về nước Lỗ, nên khi tiễn Nhiễm Cầu, nhân dặn ông ta:

- Khi anh được dùng thì phải làm thế nào cho nhà vua mời thầy.

Nhiễm Cầu ra đi. Năm sau, Khổng Tử từ đất Trần đến đất Thái. Thái Chiêu Công đang định đến đất Ngô vì vua Ngô mời. Trước đấy, Thái Chiêu Công lừa dối bầy tôi dời đô đến Châu Lai. Sau đó, ông ta lại định đi. Các quan đại phu sợ ông ta dời đô lần thứ hai. Vì vậy Công Tôn Phiên bắn Chiêu Công chết. Quân Sở xâm chiếm nước Thái.

Mùa thu, vua Tề Cảnh Công chểt. Năm sau, Khổng Tử từ đất Thái đi đến đất Diệp. Diệp Công hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng Tử nói:

- Làm chính sự cốt ở chỗ làm cho người ở xa đến và người ở gần theo mình.
Một hôm, Diệp Công hỏi Tử Lộ:

- Khổng Tử là người như thế nào?

Tử Lộ không biết trả lời ra sao. Khổng Tử nghe vậy nói:

- Này anh Do, tại sao anh không trả lời như thế này: con người ấy học đạo không biết mỏi, dạy người không biết chán. Khi chưa biết đạo thì phát phẫn đến nỗi quên ăn. Khi biết đạo thì vui đến nỗi quên lo, không biết tuổi già sắp đến.

Khổng Tử rời bỏ đất Diệp trở về đất Thái. Trường Thư và Kiệt Nịch đánh đôi cùng cày. Khổng Tử cho họ là những người ở ẩn, bèn sai Tử Lộ đến hỏi họ xem bến đò ở đâu. Trường Thư nói:

- Con người cầm dây cương ấy là ai thế?

Tử Lộ đáp:

- Khổng Khâu đấy.

Trường Thư nói:

- Khổng Khâu nước Lỗ đấy à?

Tử Lộ đáp:

- Phải.

Trường Thư nói:

- Thế thì ông ta biết bến đò rồi !

Kiệt Nịch bảo Tử Lộ:

- Anh là ai?

Tử Lộ đáp:

- Tôi là Trọng Do.

Kiệt Nịch hỏi:

- Anh là học trò Khổng Khâu phải không?

- Vâng ạ.

Kiệt Nịch nói:

- Thiên hạ như nước chảy cuồn cuộn đều như thế cả, ai mà thay đổi được? Vả lại ông theo một kẻ sĩ lo tránh người chi bằng theo một kẻ sĩ lo tránh đời [24].

Rồi hai người cứ cày miết mà không nói. Tử Lộ nói lại với Khổng Tử. Khổng Tử bùi ngùi nói:

- Ta không thể cùng sống với chim muông. Nếu thiên hạ có đạo thì ta cần sửa nó làm gì?
Một hôm, Tử Lộ đi đường gặp một ông già đang mang trên lưng một cái sọt. Tử Lộ hỏi:

- Cụ thấy thầy của tôi không?

Ông già nói:

- Chân tay anh không lo làm lụng, ngũ cốc anh không phân biệt được, Ta biết thầy của anh là ai?

Cụ già cắm gậy xuống đất rồi cắt cỏ. Tử Lộ nói với Khổng Tử. Khổng Tử nói:

- Đó là một người ở ẩn.

Tử Lộ quay lại thì cị già đã đi mất.

Khổng Tử dời đến ở đất Thái được ba năm. Nước Ngô đánh nước Trần, nước Sở cứu người Trần, đóng quân ở Thành Phụ. Nghe tin Khổng Tử ở miền đất Trần, đất Thái, vua Sở sai người đem lễ mời Khổng Tử đến nước Sở. Khổng Tử sắp đến chào sứ giả theo đúng lễ. Các quan đại phu đất Trần và đất Thái bàn nhau:

- Khổng Tử là người hiền. Những điều ông ta chê bai đều nhằm đúng vào những chỗ xấu của chư hầu. Nay ông ta ở lâu miền Trần, Thái mà những điều các quan đại phu làm đều sai trái không đúng ý của ông ta. Nước Sở là một nước lớn đem lễ đến mời. Nếu ông ta được dùng ở nước Sở thì các quan đại phu đang được dùng ở đất Trần, đất Thái sẽ nguy mất.

Họ bèn bàn nhau cho bọn đầy tớ vây Khổng Tử ở ngoài đồng, không cho đi. Khổng Tử hết lương ăn, những người đi theo đều ốm không ai dậy được, nhưng Khổng Tử vẫn giảng giải, vẫn ngâm thơ, đánh đàn và ca hát không tỏ ra suy yếu. Tử Lộ có vẻ giận, đến hỏi:

- Người quân tử cũng có lúc cùng khốn ư?

Khổng Tử nói:

- Người quân tử trong lúc cùng khốn thì giữ vững, còn kẻ tiểu nhân trong lúc cùng khốn thì làm bậy.

Tử Cống mặt nổi nóng. Khổng Tử nói:

- Này anh Tứ! Anh cho ta học nhiều mà biết phải không?

Tử Cống nói:

- Dạ, đúng thế. Không phải thế hay sao?

Khổng Tử nói:

- Không phải đâu! Ta lấy một điều để quán triệt tất cả [25].

Khổng Tử biết học trò có vẻ tức tối, bèn gọi Tử Lộ đến hỏi:

- Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy [26]) chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?

Tử Lộ nói:

- Theo ý của con, có lẽ vì chúng ta chưa “nhân” chăng nên người ta chưa tin chúng ta. Có lẽ chúng ta chưa “trí” chăng nên người ta không cho chúng ta đi? [27]

- Nào phải thế đâu! Này anh Do, nếu như người nhân thế nào cũng được người ta tin thì làm gì có chuyện Bá Di, Thúc Tề nữa, nếu như người trí gặp việc gì cũng thông suốt thì làm gì có Vương Tử, Tỉ Can nữa [28].

Tử Lộ đi ra, Tử Cống vào yết kiến. Khổng Tử nói:

- Này anh Tứ, Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này ?

Tử Cống nói:

- Đạo của thầy hết sức lớn cho nên thiên hạ không ai dung nạp được. Thầy phải hạ thấp một chút.

- Này anh Tứ! Người giỏi nghề nông có thể biết vãi giống nhưng không chắc là gặt được. Người thợ giỏi có thể làm khéo nhưng không thể làm cho người ta vừa lòng. Người quân tử trau dồi đạo đức của mình theo những đường lối chính và giữ nó, điều chỉnh nó mà không thể làm cho nó được người ta theo. Anh không lo trau dồi đạo của mình mà chỉ lo người ta dung nạp mình. Cái chí của anh Tứ không phải là xa.

Tử Cống đi ra. Nhan Hồi vào yết kiến. Khổng Tử nói:

- Này anh Hồi, Kinh Thi nói: “Chẳng phải con trủy chẳng phải con hổ ở ngoài đồng vắng”. Đạo của ta phải chăng là sai? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?

Nhan Hồi nói:

- Đạo của phu tử hết sức lớn lao nên cả thiên hạ không ai dung nạp được. Nhưng phu tử cứ theo đó mà làm, người ta không dung nạp thì có hại gì? Người ta không dung nạp nhưng sau này người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử. Đạo không được trau dồi, đó là cái điều ta lấy làm xấu hổ. Đạo đã trau dồi mà vẫn không được dung nạp thì đó là điều xấu hổ của kẻ làm vua một nước. Người ta không dung nạp phu tử thì có hại gì? Về sau người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử?

Khổng Tử hớn hở cười:

- Đúng lắm! Hỡi người con họ Nhan, nếu nhà ngươi lắm của cải thì ta sẽ làm người quản lý của cải cho nhà ngươi.

Sau đó, Khổng Tử sai Tử Cống sang Sở. Sở Chiêu Vương đem binh đón Khổng Tử, kết quả Khổng Tử mới được thoát. Chiêu Vương định phong cho Khổng Tử miếng đất trong sổ sách có 700 lý [29]). Quan lệnh doãn nước Sở là Tử Tây nói:

- Trong số các sứ giả nhà vua phái đến các nước chư hầu có ai bằng Tử Cống không?

- Không.

- Trong số những người giúp đỡ nhà vua có ai bằng Nhan Hồi không?

- Không.

- Trong số các tướng của nhà vua, có ai bằng Tử Lộ không?

- Không.

- Trong số các quan của nhà vua có ai bằng Tề Dư không?

- Không.

- Không những thế, tổ tiên nước Sở cũng chỉ được nhà Chu phong với cái tước hiệu là “tử” và năm mươi dặm đất [30]. Nay Khổng Khâu theo phép tắc của Tam Vương, làm sáng cả cơ nghiệp của Chu Công, Thiệu Công. Nếu dùng ông ta thì nước Sở làm thế nào mà được đời đời đường hoàng có đất vuông ngàn dặm? Văn Vương ở đất Phong, Vũ Vương ở đất Cảo đều chỉ là những ông vua có trăm dặm đất, thế mà rốt cục lại làm vương thiên hạ. Nay Khổng Khâu có được miếng đất làm cơ sở, lại có bọn học trò giỏi giúp đỡ thì đó không phải là cái phúc của nước Sở.

Chiêu Vương bèn thôi. Mùa thu năm ấy, Sở Chiêu Công chết ở Thành Phu.
Một người cuồng nước Sở tên là Tiếp Dư đi qua trước mặt Khổng Tử hát:

Phượng ơi, chim phượng kia ơi
Đạo đức suy đồi còn biết tính sao?
Việc qua can chẳng được nào
Việc sau họa biết cách nào lần xoay
Thôi, thôi chim hãy về ngay
Con đường chính trị rắc đầy chông gai!

Khổng Tử bước xuống xe muốn nói chuyện, nhưng Tiếp Dư đã rảo bước đi mất, không sao nói chuyện được. Khổng Tử bèn rời nước Sở trở về nước Vệ. Năm ấy, Khổng Tử sáu mươi ba tuổi và là năm thứ sáu đời Lỗ Ai Công. Năm sau, vua Ngô và vua Lỗ gặp nhau ở huyện Tăng. Vua Ngô đòi một trăm con bò để tế. Quan thái tể là Phỉ mời Quý Khang Tử , Quý Khang Tử sai Tử Cống đến, việc mới thu xếp xong. Khổng Tử nói chính trị hai nước Lỗ và Vệ giống nhau như anh với em. Lúc bấy giờ người cha của Thủ, vua nước Vệ vẫn chưa được làm vua, vẫn phải ở nước ngoài [31]. Vua các nước chư hầu mấy lần trách vua Vệ. Học trò Khổng Tử lại có nhiều người làm quan ở Vệ, nên vua Vệ muốn trao chính trị cho Khổng Tử. Tử Lộ nói:

- Nếu vua Vệ giao chính trị cho thầy thì thầy sẽ làm cái gì trước?

Khổng Tử nói:

- Chắc chắn phải chính danh trước.

Tử Lộ nói:

- Sao thầy viển vông thế, chính danh để làm gì?

Khổng Tử nói:

- Anh rõ thực là quê mùa quá! Cái danh mà không chính thì lời nói không đúng với sự thực, lời nói không đúng với sự thực thì việc không thành, việc không thành thì không làm cho lễ, nhạc phồn thịnh, lễ nhạc không phồn thịnh thì hình phạt không đúng, hình phạt không đúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu. Phàm người quân tử đã làm điều gì có thể nói tên cái việc đó, và nhất định làm được việc đó. Người quân tử chớ cẩu thả trong lời nói của mình.
Năm sau Nhiễm Hữu (tức Nhiễm Cầu) làm tướng quân của họ Quý mang quân đánh nhau với quân Tề ở đất Lang và đánh bại quân Tề. Quý Khang Tử hỏi:

- Cái tài cầm quân của ông do ông học gay do bản tính mà có?

Nhiễm Cầu nói:

- Tôi học ở Khổng Tử.

Quý Khang Tử hỏi:

- Khổng Tử là người như thế nào?

Nhiễm Cầu nói:

- Nếu dùng ông ta thì có danh, nếu ông ta báo với trăm họ và hỏi quỷ thần về việc ông ta đã làm thì không ai không bằng lòng. Điều ông ta mong muốn là đạt đến cái đạo của người quân tử. Dù nhà vua có cho ông ta một nghìn xã [32], ông ta cũng không mưu lợi cho mình [33].

Quý Khang Tử hỏi:

- Ta muốn mời ông ta có được không?

- Muốn mời ông ta thì chớ đãi ông ta chật hẹp như đãi người hèn kém mới được.

Khổng Văn Tử làm quan nước Vệ, sắp đánh Thái Thúc hỏi Trọng Ni về cách đánh. Trọng Ni từ chối không biết. Khi rút lui, Khổng Tử cho đánh xe ra đi, nói:

- Con chim có thể chọn cây, chứ cây kia làm sao mà chọn chim được?

Khổng Văn Tử nài ở lại. Gặp lúc Quý Khang Tử sai Công Hoa, Công Tân, Công Lâm mang lễ vật đến đón Khổng Tử. Khổng Tử trở về nước Lỗ. Khổng Tử đi đã 14 năm, bây giờ mới trở về nước Lỗ.

Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng Tử đáp:

- Làm chính cốt ở chỗ chọn bầy tôi.

Quý Khang Tử hỏi về chính sự. Khổng Tử đáp:

- Chính sự cốt ở chỗ cử những người thẳng và gạt bỏ những kẻ gian xảo. Làm như thế thì những kẻ gian xảo cũng sẽ thẳng.

Quý Khang Tử lo lắng về bọn trộm cắp, Khổng Tử nói:

- Nếu ngài không ham muốn thì dù ngài thưởng cho họ, họ cũng không lấy trộm [34].

Tuy vậy, nước Lỗ chung quy vẫn không dùng Khổng Tử. Khổng Tử cũng không xin làm quan [35].

5. Trong thời Khổng Tử, nhà Chu đã suy, lễ nhạc bị bỏ. Kinh Thi, Kinh Thư cũng thiếu sót. Khổng Tử theo dấu vết của lễ thời Tam Đại, đề tựa Kinh Thư, kinh này chép sự việc từ thời Đường, Ngu cho đến thời Tần Mục Công. Khổng Tử sắp đặt lại các sự việc và nói:
- Ta có thể nói về lễ nhà Hạ, nhưng nước Kỷ (con cháu nhà Hạ – N.D) không đủ chứng minh những điều ta nói. Ta có thể nói về Lễ của nhà Ân, nhưng nước Tống (con cháu của nhà Ân - N.D) không đủ để chứng minh những điều ta nói; nếu họ có đủ thì ta đã có thể lấy ra làm dẫn chứng.

Khi xem những điều nhà Ân thêm hay bớt về lễ của nhà Hạ, Khổng Tử nói:

- Tuy một trăm đời sau cũng có thể biết được : cứ thời trước chuộng văn hoa thì thời sau chuộng thực chất. Nhà Chu noi gương hai triều đại trước, lễ nghi nhà Chu rực rỡ làm sao! Ta theo nhà Chu.

Vì thế, phần truyện trong Kinh Thư và Lễ Ký là do Khổng Tử làm.

Khổng Tử nói chuyện với quan thái sư nước Lỗ:

- Có thể biết phải chơi nhạc như thế nào. Thoạt tiên thì dồn dập; khi đã bắt nhịp thì hòa hợp, rõ ràng, tiếp tục mà đi đến kết thúc.

Khổng Tử nói:

- Ta sau khi rời nước Vệ về nước Lỗ thì mới chỉnh đốn được nhạc, Nhã và Tụng mới được xếp đặt đâu vào đấy.

Ngày xưa Kinh Thi có tất cả hơn ba ngàn thiên. Đến thời Khổng Tử, Khổng Tử bớt những thiên trùng điệp, lấy những thiên có thể có ích cho lễ nghĩa. Những bài này bắt đầu từ Tiết, Hậu Tắc [36], giữa thuật lại thời thịnh trị nhà Ân, Chu, cho đến thời U, Lệ kém cỏi. Kinh Thi bắt đầu từ nơi giường chiếu cho nên người ta nói “Quan thư” nghiêm chỉnh mở đầu “Phong”, bài “Lộc minh” mở đầu “Tiểu nhã”, bài “Văn vương” mở đầu “Đại nhã”, bài “Thanh miếu” mở đầu “Tụng” [37]. Tất cả ba trăm linh năm thiên này đều được Khổng Tử đánh đàn và hát để làm cho nó phù hợp với điệu nhạc Thiều, Vũ, Nhã, Tụng. Từ đó người ta mới có thể thuật lại lễ nhạc đời trước để làm cho vương đạo đầy đủ và lục nghệ trọn vẹn. Về sau Khổng Tử thích Kinh Dịch, thích các phần tự, thoan, hệ, tượng, thuyết quái, văn ngôn [38]. Khổng Tử đọc Kinh Dịch làm cho cái dây da để buộc các thẻ tre đứt ba lần. Khổng Tử nói:

- Nếu cho ta thêm vài năm nữa thì ta sẽ hiểu Kinh Dịch một cách toàn vẹn.

Khổng Tử lấy thi, thư, lễ, nhạc dạy học trò. Số học trò đến ba ngàn người. Có 72 người thông thạo cả lục nghệ [39]. Còn những người chỉ học một phần như Nhan Trọc Trâu thì rất nhiều. Khổng Tử dạy bốn điều: văn học, đức hạnh, trung thành, tín nghĩa; bỏ bốn điều: không có định kiến trước, không nhất thiết phải theo một mặt, không cố chấp, không chỉ thiên về mình. Khổng Tử cẩn thận trong việc trai giới, chiến trận, ốm đau; ít nói về lợi, mệnh và nhân. Khi người ta chưa cảm thấy tức tối muốn biết, thì Khổng Tử chưa giảng, khi nêu một góc mà người ta chưa thấy cả ba góc kia thì Khổng Tử chưa dạy. Lúc ở trong làng xóm thì có vẻ thận trọng như không nói được. Lúc ở tôn miếu, triều đình nói với các quan thượng đại phu thì nghiêm trang, nói với các quan dưới thì hòa nhã. Đi vào cửa công thì lom khom rảo bước, hai tay dang ra như hai cánh. Khi nhà vua gọi đến để tiếp khách thì sắc mặt thay đổi, khi nhà vua mời thì đi không đợi thắng xe. Cá ươn, thịt hôi, hay không cắt ngay ngắn thì không ăn, chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi. Khi bên cạnh có người có tang thì không bao giờ ăn no. Ngày nào khóc thì không ca hát, thấy người để tang hay người mù thì tuy đó là trẻ em cũng tỏ ra kính trọng.

Khổng Tử nói:

- Trong ba người cùng đi thế nào cũng có người thầy của ta. Những người không lo trau dồi đạo đức, lúc học không bàn bạc, nghe điều nghĩa không hướng về điều nghĩa, nghe điều không hay không biết sửa đổi thì đó là điều ta lo.

Khổng Tử sai người ta hát, nếu hát hay thì bảo hát lại và sau đó họa theo. Khổng Tử không nói những điều quái đản, việc dùng sức mạnh, những người làm loạn và chuyện quỷ thần. Tử Cống nói:

- Văn Chương của thầy tôi đã được nghe, nhưng tôi chưa hề nghe thầy nói về đạo trời, bản tính của con người và số mạng.

Nhan Uyên thở dài than:

- Đạo của Phu Tử ngẩng lên nhìn thì nó càng cao; đào sâu thì nó càng chắc. Đang nhìn nó ở đằng trước, chợt thấy nó ở đằng sau. Phu Tử khéo dạy người ta một cách tuần tự; lấy văn chương để làm cho đầu óc ta mở rộng; lấy lễ để ước thúc. Ta muốn bỏ không được; nhưng đem hết tài sức của mình ra học cũng vẫn còn cái gì vòi vọi, đứng sừng sững trước mặt, dù có muốn vươn tới cũng không sao đạt đến được.

Một đứa trẻ trong làng Đạt Hạt nói:

- Khổng Tử thực là to lớn! Khổng Tử học rộng, nhưng không nổi tiếng chuyên về một mặt nào.

Khổng Tử nghe vậy nói:

- Ta biết chuyên về nghề gì? Vào nghề đánh xe chăng? Vào nghề bắn tên chăng? Ta chuyên về nghề đánh xe vậy.

Tử Lao nói:

- Khổng Tử nói: Ta không được dùng cho nên lo về lục nghệ.

Năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công, mùa xuân săn ở ngoài đồng hoang, người đánh xe của Thúc Tôn Thị là Sử Thương bắt được một con thú, anh ta cho đó là điềm không lành, Trọng Ni thấy thế nói:

- Đây là con lân.

Người ta đem nó đi. Khổng Tử nói:

- Sông Hà không thấy xuất hiện Hà Đồ [40], sông Lạc không thấy xuất hiện Lạc Thư, ta thế là hết.

Nhan Uyên chết. Khổng Tử nói:

- Trời giết ta!

Đến khi đi săn ở phía tây bắt được con lân, Khổng Tử nói:

- Đạo ta hết rồi!

Thở dài và than:

- Không ai biết ta.

Tử Cống nói:

- Tại sao không ai biết thầy?

Khổng Tử nói:

- Không oán trời, không trách người, học điều thấp mà biết được điều cao, biết ta chỉ có trời chăng? Những kẻ không hạ thấp cái chí của mình, không làm nhục cái thân của mình đó là Bá Di, Thúc Tề. Liễu Hạ Huệ và Thiếu Liên, thì hạ thấp cái chí của mình, làm nhục cái thân của mình. Ngu Trọng, Di Dật ở ẩn, không nói gì về việc đời, khi làm quan thì giữ được sự thuần khiết, khi bị bỏ thì theo đúng hoàn cảnh. Ta thì không phải như họ, ta không chủ trương cứng nhắc phải thế này, hay không thể như thế này.

Khổng Tử nói:

- Không, không! Người quân tử lo rằng mình chết rồi mà cái tên của mình không được nhắc đến, nếu đạo của ta không được dùng thì ta biết lấy gì để làm đời sau thấy ta.

Bèn dựa vào Sử Ký làm ra Kinh Xuân Thu, chép từ thời Lỗ Ân Công (722-712) đến năm thứ 14 đời Lỗ Ai Công (481) bao gồm 12 đời vua. Căn cứ vào chỗ vua Lỗ là họ với nhà Chu cho nên Khổng Tử đưa vào đấy những việc của thời Tam Đại. Lời nó tuy ngắn, nhưng ý rộng: Các vua Sở và Ngô tự xưng là “vương”, nhưng Xuân Thu hạ thấp gọi là “tử”, thực ra là thiên tử nhà Châu bị gọi đến dự hội nghị ở Tiễn Thổ, nhưng Xuân Thu che giấu lại nói là “thiên vương đi tuần ở Hà Dương”. Căn cứ vào những thí dụ như vậy ta thấy một phép tắc để ràng buộc những người làm vua ngày nay. Cái nghĩa của những lời khen chê ở đấy [41] sẽ rõ khi có bậc vương giả xuất hiện. Cái nghĩa của Kinh Xuân Thu được thi hành thì bọn bầy tôi làm loạn và bọn làm giặc trong thiên hạ sợ. Khi Khổng Tử làm quan, những điều người nói hay xét các vụ kiện cũng gần như lời nói chung của mọi người chứ không có gì chỉ riêng một mình người mới có. Trái lại, khi làm Xuân Thu thì viết cái gì phải viết, bỏ cái gì phải bỏ, những người như Tử Hạ [42] không thể có một lời bàn góp. Học trò học Xuân Thu, Khổng Tử nói:

- Đời sau biết Khâu là căn cứ vào Xuân Thu, bắt tội Khâu cũng căn cứ vào Xuân Thu [43].

6. Năm sau, Tử Lộ chết ở Vệ. Khổng Tử ốm, Tử Cống đến thăm, thấy Khổng Tử chống gậy đi dạo ở trước cửa nói:

- Anh Tứ, sao anh lại đến muộn thế?

Nhân đấy hát:

- Núi Thái Sơn sắp đổ, cột trụ nhà sắp gãy, kẻ triết nhân sắp tàn.

Trong khi hát, nước mắt chảy ròng ròng. Khổng Tử bảo Tử Cống:

- Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi; không ai biết theo ta. Người đời Hạ đặt cái hòm ở phía tây, người đời Ân đặt nó ở giữa hai cái cột. Đêm qua ta nằm mơ thấy ngồi giữa hai cái cột. Chắc vì ta là con cháu nhà Ân.

Bảy ngày sau Khổng Tử mất. Khổng Tử mất năm 73 tuổi ngày kỷ sửu, năm thứ 16 đời Lỗ Ai Công (479). Ai Công thương viếng nói:

- Trời xanh không thương ta, không để lại cho ta cụ già duy nhất có thể che chở cho con người duy nhất như ta. Ta ở ngôi vua bơ vơ, đau buồn. Ô hô! Thương thay! Mất ông Ni, ta không có ai để noi theo.

Tử Cống nói:

- Nhà vua có lẽ không chết ở nước Lỗ chăng? Phu Tử nói: “Sai về Lễ thì tỏ ra mờ tối, dùng chữ sai tức là lạm dụng. Sai về chí là mờ tối, sai về việc làm là lạm dụng”. Lúc Phu Tử sống thì nhà vua không biết dùng, đến khi chết lại thương viếng. Thế là trái lễ, thương viếng lại nói “ta con người duy nhất” thế là dùng chữ sai [44].

Khổng Tử chôn ở phía bắc kinh thành nước Lỗ, trên bờ sông Từ. Học trò đều để tang ba năm. Sau khi để tang ba năm, họ khóc và từ giã nhau, ai cũng khóc hết sức đau xót. Có người ở lại. Riêng Tử Cống làm nhà ở bên mộ sáu năm mới đi. Học trò và những người nước Lỗ đến làm nhà bên mộ hơn một trăm nhà nên người ta gọi là “làng Khổng” .

Các vua Lỗ đời đời nối tiếp nhau tế Khổng Tử theo những thời nhất định. Các nhà nho cũng giảng lễ về lễ hương ẩm và lễ bắn tên ở bên mộ Khổng Tử. Mộ Khổng Tử rộng khoảng một khoảnh, cái nhà trong đó ngày xưa học trò ở, đời sau dùng làm miếu giữ áo mũ, đàn cầm, xe, sách của Khổng Tử. Việc tế tự kéo dài hơn hai trăm năm đến đời Hán không hề dứt. Cao Tổ đi qua đất Lỗ dùng cỗ thái lao để tế Khổng Tử. Chư hầu, khanh tướng đến nước Lỗ thường trước tiên đến thăm mộ rồi sau mới làm việc chính sự.

Khổng Tử sinh Lý tên tự là Bá Ngư. Bá Ngư thọ năm mươi tuổi chết trước Khổng Tử. Bá Ngư sinh Cấp, tên tự là Tử Tư, thọ 62 tuổi, có lần bị khốn ở đất Tống, làm sách Trung Dung. Tử Tư sinh Bạch, tên tự là Tử Thượng thọ 47 tuổi. Tử Thượng sinh Cầu, tên tự là Tử Gia, thọ 45 tuổi. Tử Gia tên Cơ, tự là tử Kinh, thọ 46 tuổi. Tử Kinh sinh Xuyên, tự là Tử Cao, thọ 51 tuổi. Tử Cao sinh Tử Thận, thọ 57 tuổi có lần làm tướng quốc nước Ngụy. Tử Thận sinh Phụ, thọ 57 tuổi, làm bác sĩ của Trần Vương là Thiệp, chết gần thánh Trần. Con trai của em trai Phụ là Tương Thọ, 57 tuổi, là bác sĩ thời Hiếu Huệ Đế, đổi đi làm thái thú Trường Sa, người cao chín thước sáu tấc. Tử Tương sinh Trung, thọ 51 tuổi. Trung sinh Vũ, Vũ sinh Diên Niên và An Quốc. An Quốc làm bác sĩ của đức kim thượng làm đến thái thú Lâm Hoài chết sớm. An Quốc sinh Ngang, Ngang sinh Hoan [45].

7. Thái Sử Công nói:

- Kinh Thi nói:

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi
Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về

Tôi đọc sách của họ Khổng, tưởng tượng như thấy người. Đến khi đến Lỗ xem nhà thờ Trọng Ni, nào xe cộ, nào áo, nào đồ tế lễ, học trò tập về nghi lễ ở nhà Khổng Tử theo đúng từng mùa, tôi bồi hồi nán lại bỏ đi không dứt. Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí Thánh vậy [46].


Nguồn: Tư Mã Thiên. Sử ký. Nhữ Thành dịch. Hà Nội: Nxb. Văn học, 1988. Bản điện tử: http://vnthuquan.net


[1]
Thúc Lương Ngột đã quá sáu mươi tư tuổi mới lấy Nhan Thị. Đàn ông quá 64 tuổi lấy vợ, đàn bà quá 48 tuổi lấy chồng là quá tuổi.
[2] Phải chôn tạm để sau này biết mộ cha sẽ hợp táng, chôn tạm thì dễ dời.
[3] Chỉ Thành Thang, vua đầu tiên nhà Ân.
[4] Thời niên thiếu của Khổng Tử.
[5] Lão Tử chống lại sự thông minh, trung và hiếu là những nguyên lý của Khổng Tử. Có trí khôn thì dễ nguy, nếu cứ theo trung và hiếu thì cứ hoàn toàn bị lệ thuộc vào cha vào vua, khó lòng sống.
[6] Lúc bấy giờ nước Lỗ có ba gia đình lớn, uy quyền lấn át nhà vua là họ Mạnh, họ Thúc Tôn, họ Quý. Cả ba gia đình này là con cháu Hoàn Công. Ở đây nói gia đình họ Mạnh tức là nói người cầm đầu gia đình họ Mạnh.
[7] Ý nói vua Tề hậu đãi Khổng Tử, nhưng không thể trao chính quyền cho ông như vua Lỗ đã làm đối với Quý Thị.
[8] Quỷ trong Quốc Ngữ chỉ con vật chỉ có một chân sống trên núi, con võng lưỡng thích bắt chước tiếng người. Vọng tượng là thứ thú vật ăn thịt người. Phần dương hình con cửu do đất tự sinh ra.
[9] Vì có thể làm mây và làm mưa.
[10] Người bầy tôi hai lần.
[11] Đoạn 2 – Những điều Khổng Tử trải qua trước khi làm quan ở nước Lỗ.
[12] Tư không coi việc xây dựng, tư khấu coi về pháp luật.
[13] Khổng Tử nói trong khi lo việc giao hiếu không thể xao nhãng việc chiến sự. Khổng Tử nghĩ nước Tề không thành thực. Quả nhiên Tề Cảnh Công nhân dịp hội họp để đâm chết Lỗ Định Công.
[14] Cảnh Công định nhân dịp ồn ào, huyên náo, giết Lỗ Định Công.
[15] Bề cao một trượng dài một trượng là một đổ, ba đổ là một trĩ. Đây nói chu vi thành không được quá 3000 thước, nếu thành rộng quá thì sẽ thành cơ sở để làm loạn.
[16] Đoạn 3 – Những việc Khổng Tử làm khi làm quan ở Lỗ.
[17] Khổng Tử tin rằng mình có nhiệm vụ thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng nên không thể bị nguy khốn.
[18] Vì Nam Tử có tiếng dâm loạn.
[19]Cao Dao là viên quan giỏi của Thuấn. Tử Sản làm tướng quốc ở Trịnh rất có đạo đức.
[20] Đại Cơ là con gái đầu của Vũ Vương.
[21] Ý nói nhân dân đều theo nhà vua. Tây Hà là miếng đất trong ấy có thành Bồ.
[22] Giao Long có thể làm mây làm mưa cho nên điều hòa được âm dương.
[23] Ngoại là con Vệ Linh Công, vì giết Nam Tử nên bỏ trốn ở nước Tấn, được Triệu Ưởng che chở. Dương Hổ cũng ở đấy sau khi bị đuổi khỏi nước Lỗ (xem đoạn 3). Thấy con của Ngoại là Xuất Công được làm vua, Triệu Ưởng tìm cách đưa Khoái Ngoại vào thành Tích, để sau đó làm vua nước Vệ. Dương Hổ bày mưu như vậy để tỏ ra thái tử được nhân dân mời về. Thái tử cũng tỏ ra khóc lóc để nói rằng mình là người thừa kế chân chính.
[24] Ý nói Khổng Tử muốn tìm vị vua hiền, tránh vị vua dở không bằng những người ở ẩn trốn đời.
[25] Nhà triết học khác người thường chính là ở đấy.
[26] Tức con Tê Ngưu.
[27] Ý trách Khổng Tử còn có khuyết điểm. Ở trên thấy Tử Lộ nhiều lúc không phục Khổng Tử.
[28] Bá Di, Thúc Tề can Vũ Vương đừng đánh Trụ. Vũ Vương không nghe. Sau đó hai người nhịn đói chết. Tỷ Can can Trụ bị Trụ giết.
[29] Lý ở đây là một nhóm gia đình gồm 25 nhà.
[30] Ý nói Sở trước kia chỉ có 50 dặm và chỉ có tước “tử” thế mà sau thành lớn mạnh.
[31] Tức là Khoái Ngoại vẫn ở thành Thích.
[32] Mỗi xã gồm 25 gia đình.
[33] Nhiễm Cầu bác lại ý kiến của Tử Tây nói với vua Sở, sợ Khổng Tử sẽ được lòng dân chúng rồi làm vương.
[34] Ý nói nếu người cai trị ngay thẳng thì nhân dân noi theo và đều ngay thẳng.
[35] Đoạn 4 – Cuộc đời bôn ba của Khổng Tử.
[36] Tiết là tổ của nhà Ân. Hậu Tắc là tổ của nhà Chu.
[37] Phong, Tiểu nhã, Đại nhã, Tụng là những bộ phận trong Kinh Thi.
[38] Kinh Dịch có phần bổ sung gọi là thập dực tương truyền là do Khổng Tử làm gồm có những mục: thoan, tượng, hệ từ, văn ngôn, thuyết quái, tự quái, tập quái. Chú ý: ở đây không nói Khổng Tử làm Kinh Dịch và có lẽ đúng sự thực.
[39] Lục nghệ: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu, Dịch. Ý nói sáu môn học.
[40] Theo truyền thuyết, Hà Đồ là hình vẽ người ta thấy trên thân con long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, còn Lạc Thư là do một con rùa mang ở dưới sông Lạc lên. Hà Đồ và Lạc Thư cũng như bát quái là những hình ảnh tượng trưng được dùng trong bói toán.
[41] Phải chăng đây là ám chỉ thời Hán Vũ Đế vì lúc ấy việc nghiên cứu ý nghĩa của Xuân Thu phát triển rất mạnh?
[42] Học trò của Khổng Tử, nổi tiếng học rộng.
[43] Đoạn 5 – Cách giáo huấn của Khổng Tử về mặt văn hóa.
[44] Ý Tử Cống nói nhà vua ăn nói hồ đồ nên việc làm cũng sẽ hồ đồ. Năm 468, Ai Công bị trục xuất, trốn sang Việt.
[45]Đoạn 6 – Khổng Tử chết và dòng dõi Khổng Tử.
[46]Nhận xét của tác giả. Trong số các sử gia thời cổ đại của tất cả các nước, Tư Mã Thiên gần như là người duy nhất thấy tầm quan trọng của những sự kiện văn hóa tư tưởng. Ông xếp Khổng Tử vào thế gia xem ngang một vị vua của chư hầu và dành cho Khổng Tử một tiểu sử rất kỹ, rất công phu. Dưới con mắt ông, Khổng Tử không phải là một người thần kỳ, làm những việc hoang đường, mà là một con người ôm một lý tưởng lớn, bôn ba suốt đời để thực hành cái đạo của mình, bị chê bai, bị nhục, có những tình cảm, những khuyết điểm của con người. Ông xây dựng được đứng đắn hình tượng Khổng Tử và thấy rõ tác dụng của Khổng Tử đối với các dân tộc. Các sử gia đời sau có người như Ban Cố trách ông xem nhẹ Nho giáo nhưng không đúng. Khổng Tử là người duy nhất được xếp vào thế gia vì học thuật và được xếp thành một thiên riêng, còn tất cả những người khác đều ở vào liệt truyện và ba bốn người gộp vào một truyện. Theo tác giả, Khổng Tử là một thứ vua, một thứ vua về tinh thần. Ý kiến ấy rất táo bạo và đúng khi nói đến Trung Quốc cổ. Trong bài này có nhiều câu trong Luận ngữ, nhưng có một số chữ khác, có một vài câu nghĩa khó hiểu.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved