Home » » Thế giới mình thấy là có thực hay không?

Thế giới mình thấy là có thực hay không?

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012 | 05:44

Thế giới mình thấy là có thực hay không?


Bài viết này trích từ cuốn sách “LƯỚI TRỜI AI DỆT“ của TS NGUYỄN TƯỜNG BÁCH, một nhà khoa học chuyển sang kinh doanh và trở về VN sau hơn 40 năm xa cách. Nguyên văn trong sách khá dài nên ở đây chỉ tóm lược những gì quan trọng.
Như chúng ta đã biết vấn đề lớn nhất của triết học là câu hỏi "thế giới này từ đâu mà có, thực chất nó là cái gì". Nhà triết học băn khoăn thế giới có thật hay không, tự tính của nó là gì. Ngược lại phần lớn các nhà vật lý đều tự động hiểu rằng thế giới tồn tại độc lập với con người, ý thức con người có thể hiểu được thế giới đó, thế giới đó chính là đối tượng nhận thức của vật lý. Những người đó đều theo quan điểm duy thực cả.
Trong lịch sử nhận thức, bản thân phái duy thực cũng có nhiều bước phát triển, từ thô sơ đến tinh tế. Phần lớn con người đều cho rằng thế giới mình thấy là có thực. Hoa lá cỏ cây trong vườn chính là thực tại độc lập. Họ cho rằng khi mắt thấy tai nghe thì đó là những giác quan thụ động. Màu sắc âm thanh là có thật trong thiên nhiên đúng như họ cảm nhận. Đó là quan niệm “DUY THỰC ĐƠN GIẢN“.
Thế nhưng chỉ cần suy nghĩ sâu hơn một chút, ta sớm thấy rằng màu sắc hay âm thanh ta nghe là sự cảm nhận của con người, còn thực tại tự nó phải là cái gì khác. Nếu cho rằng thực tại tự nó là một có thật, độc lập, nằm sau bức màn của hiện tượng thì ta thuộc về trường phái “DUY THỰC SIÊU VIỆT“. Theo trường phái này, muốn nhận thức được thực tại con người phải vượt lên hiện tượng do giác quan mang lại, mới hòng đạt được nó.
Còn nếu ta nghĩ màu sắc, âm thanh là do giác quan cảm nhận, nhưng cái có thật, độc lập với giác quan là những thể tính vật lý như sóng ánh sáng, sóng điện từ, sóng âm thanh…. thì như thế ta có quan niệm của “DUY THỰC KHOA HỌC“.
Từ xưa tới nay, quan niệm duy thực ngự trị trong đầu óc của nhà vật lý. Trong các giáo trình vật lý, điều đó hiển nhiên tới mức mà người ta cũng không mấy khi thảo luận tới nó. Đối với họ những khái niệm cơ bản như khối lượng, năng lượng, lực, điện tích … đều là có thật trong tự nhiên. Nhà duy thực khoa học cho rằng, lý thuyết vật của vật lý nói lên sự vận hành đích thực của sự vật trong tự nhiên. Nó nói về bản chất của sự vật, nó có tính bản thể học.
Trong quá trình phát triển của vật lý, các khái niệm nói trên cũng không đứng yên, nội dung của chúng cũng thay đổi. Thí dụ những mô hình hay khái niệm mới được phát sinh, như không gian cong trong thuyết tương đối hay electron, các hạt cơ bản trong vật lý hạt nhân. Thế nhưng nhà duy thực vẫn dễ dàng thay đổi theo, họ cho rằng mình đã làm tinh tế các khái niệm và tin rằng có không gian cong, có electron thực sự. Thậm chí có một thời người ta tin tưởng có chất e-te; và nhiều mô hình cũng như lý thuyết được xây dựng dựa trên tính chất của một chất liệu giả định là e-te. Ngày nay vật lý khẳng định không có e-te, tất nhiên các mô hình đó bị đào thải.
Trong khoảng giữa thế kỉ 20, lúc mà người ta háo hức sắp khẳng định đâu là chất liệu cuối cùng cấu thành nên thế giới vật chất thì lạ thay, bộ mặt của một thế giới khách quan bỗng nhiên lu mờ. Sự phái hiện các quy luật lượng tử làm cho ngừời ta đặt lại vấn đề. Đó là thiên nhiên đuợc quan sát dường như không phải là một thực tại độc lập mà nó đang tương tác với ý thức vốn đã tra hỏi về nó. Những đơn vị cuối cùng của thế giới vật chất như nguyên tử, các hạt cơ bản… hành xử rất kì lạ. Chúng có nhiều bộ mặt và tính chất hoàn toàn mâu thuẫn lẫn nhau, nếu lấy phép tư duy thông thường của chúng ta mà xét. Heisenberg nói : "Nguyên tử không phải là vật!“. Bohr nhà vật lý lượng tử xuất sắc, tổng kết sau nhiều năm làm việc với nền khoa học này “Không hề có một thế giới lượng tử, chỉ có một sự mô tả lượng tử trừu tượng“. Với nhận định này. Bohr cũng như trường phái Copenhagen đã từ bỏ thái độ duy thực trong khoa học mà lấy thái độ công cụ. Đó là thái độ xem lý thuyết chỉ là phương tiện để giải thích hiện tượng, nó không thể nói gì về tự tính của hiện tượng, tự tính của thế giới.
Trong quan niệm công cụ, tất cả mọi khái niệm như khối lượng, năng lượng, điện tích, sóng, hạt … đều chỉ là những cấu trúc của tư duy. Theo triết gia xuất sắc nhất hiện nay của trường phái này - Bas van Fraassen - thì “mục đích của khoa học là cho ta những lý thuyết tương thích với thực nghiệm ; và khi chấp nhận một lý thuyết là tin rằng nó tương thích với thực nghiệm. Một lý thuyết là tương thích với thực nghiệm nếu những gì nó nói về những vật thể và biến cố quan sát được trong thế giới là đúng đắn“.
Nền vật lý hiện đại cho thấy rằng, ta có thể giải thích một hiện tượng duy nhất bằng nhiều mô hình khác nhau và điều đó làm cho quan niệm duy thực thêm thuyết phục. Các khái niệm cổ điển của vật lý dần được thay đổi về nội dung, thậm chí bị xem xét lại một cách cơ bản. Nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman cho thấy mọi sự đều : ”có thể hiểu như là các nguyên tử đang tương tác với nhau theo đúng quy luật của vật lý“. Ông còn cho rằng quy luật bảo toàn năng lượng - một quy luật được xem như “bất khả xâm phạm“ trong vật lý - chỉ là một nguyên lý toán học, chứ không phải là “một sự mô tả cơ học hay bất kì cái gì cụ thể cả“. Ông còn đi xa hơn và nói rằng “Thật là quan trọng khi biết rằng trong nền vật lý ngày nay ta không biết năng lượng là gì cả“. Cả Feynman cũng xem năng lượng chỉ là một sự trừu tượng. Đã thế quy luật bảo toàn năng lượng còn có ý nghĩa gì nữa ? Nhà thiên văn danh tiếng Sir A. Eddington cho rằng “Trong thế giới bên ngoài không có quy luật nào có khuynh hướng giữ gìn không cho thay đổi các thực thể nằm trong nó cả ; nhưng ý thức trong lúc miệt mài tìm hiểu đã lựa ra những cấu trúc khả dĩ, chúng chỉ có tính bất biến trong các cấu trúc này, và bằng cách cho chúng một trị số, bằng cách bỏ qua những cái còn lại, ý thức đã dựng lên một quy luật bảo toàn các trị số đó“.
Trong nền vật lý hiện đại, khi con người đang nêu lên những mô hình mới nhất về thế giới, ta bắt đầu thấy các khái niệm cũ về vật chất dường như mất dần giá trị. Khi đã thấy rằng thế giới mà ta đang nhận thức chỉ là phản ánh của một thực tại to lớn lên thế giới ba chiều của con người, thì nhiều nhà vật lý phân vân không biết liệu con người - với không gian ba chiều và cách tư duy đặc biệt do không gian đó sinh ra - ngày nào sẽ có thể nhận thức được thực tại “như nó là“ hay không. Liệu các khái niệm vật lý có tính bản thể học, thực sự hiện hữu trong thiên nhiên hay chúng chỉ là do con người bày ra. Nói cách khác, quan niệm duy thực đang bị thử thách nặng nề và thái độ công cụ - một quan niệm hết sức khiêm tốn cho rằng, con người chúng ta chỉ nhận thức và lý giải được thế giới đang trình diễn trước mắt ta, còn tự tính của nó thế nào tầm nhìn của con người không thể vươn tới - dần dần được mọi người thừa nhận.
(Source: vatlyvietnam.org/forum/archive/index.php?t-1508.html)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved