Home » » PHẠM CÔNG THIỆN

PHẠM CÔNG THIỆN

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011 | 01:07

Một thoáng nhớ về Phạm Công Thiện
Được viết bởi: Jeffrey Thai | 25/06/2011
Vào cái ngày mà cả thế giới hân hoan vinh danh những người phụ nữ  (08/03/2011) thì ở cái tiểu bang của những chàng cao bồi, có một người lặng lẽ ra đi.  Người đó là Phạm Công Thiện.  Đọc thấy dòng tin trên mạng mà tôi thoáng ngỡ ngàng và tự thẳm sâu trong đáy lòng mình, tôi cảm nhận một nỗi mất mát mơ hồ.  Mất ông, đời mất đi một nhà tư tưởng vĩ đại.  Mất ông, tôi như mất một người thân.  
Tôi bắt đầu làm quen với thế giới tư tưởng của Phạm Công Thiện từ tác phẩm "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của ông.  Ông viết tác phẩm này vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi ông đang ở lứa tuổi đôi mươi. Tôi đọc nó vào nửa sau của thập niên 80, khi tôi cũng đang ở lứa tuổi đôi mươi.  Có lẽ vì người viết và người đọc cùng ở một độ tuổi nên dễ có nhiều sự cảm thông.  Tôi đã nuốt từng chữ trong tác phẩm với cái cách người ta cố hứng từng giọt mưa rào lên đôi môi khô khát sau cơn dài hạn hán.
 
Thuở ấy, tôi vừa đến tuổi hai mươi, ngu ngơ bước vào đời, chợt nhận ra rằng mình đã đang sống những ngày tháng dài tuyệt vọng, nỗi tuyệt vọng tàn phá tuổi trẻ của tôi hơn bất kỳ điều gì khác. Tôi đã đang sống mòn mõi, "mòn" hơn cả cái "mòn" của Nam Cao.  Và ở tận cuối đường hầm đó, tôi đã bắt gặp một ánh sáng le lói - tư tưởng của ông, tư tưởng Phạm Công Thiện.  Nó cho tôi biết rằng tôi không cô độc, lẻ loi trong thế giới suy nghĩ của riêng mình; rằng ít ra trên cõi đời này còn có ít nhất một người khác có cùng những suy tư.  
Bài học đầu tiên tôi học được từ ông là cách "tròng đầu vào bế tắc", "nhảy dây cùng bế tắc" và "làm tình cùng bế tắc".  Cái điều tưởng như đơn giản nhưng trên cõi đời này có bao nhiêu người có thể ngộ ra và ứng dụng thành công. Khi chúng ta không thể thay đổi nghịch cảnh thì há chẳng phải tốt hơn là nên tập làm quen với nó, kết bạn với nó, rồi vẫy vùng bơi lội trong nó hay sao.  Một đằng là sự đầu hàng diệt vong.  Còn đằng kia là sự thoả hiệp vinh thăng.  Với tư tưởng thỏa hiệp, "đồng vọng" với bế tắc đó của ông, tôi đã tồn tại và sống qua những ngày dài đen tối nhất của đời mình.
 

Thuở là một thanh niên mới lớn, tôi đã ngưỡng mộ Trịnh ở lối viết thanh tao, lối dùng từ vô cùng độc đáo và ở những triết lý thật thâm thuý về kiếp phận con người, về sự vô thường của cuộc sống. Văn Trịnh bao giờ cũng buồn man mác như những nhạc phẩm của Trịnh, như cái cách Trịnh bước qua đời sống, như những cuộc tình của Trịnh cứ đến rồi đi. Ở Trịnh không có sự dữ dội, giằng xé và những mâu thuẫn nội tại của Trịnh cũng không quá mãnh liệt, đối kháng. Tôi đã bắt gặp cái sự dữ dội, giằng xé, mãnh liệt, đối kháng đó ở Phạm. Và cũng ở Phạm, tôi còn đã bắt gặp những đồng cảm rất đời, rất riêng. 
Ông và tôi đã từng sống qua những chiều mưa buồn như ngày tận thế.  Tôi nhớ mãi câu chuyện ông kể trong tác phẩm đầu tay đó về một buổi chiều mưa.  Đó là một buổi chiều, mưa như trút nước, ông lang thang  trên những con đường của thành phố Đà Lạt, không nón, không dù, không áo mưa. Ông cứ lầm lũi bước đi với một cõi lòng côi cút, bơ vơ và một thế giới tâm tưởng đơn côi, tuyệt vọng.  Một người đàn ông đứng tuổi biết ông, khi nhận ra ông đã tiến đến và trao cho ông cây dù.  Ông lặng lẽ đưa nó lên che đầu và rồi bất ngờ bật khóc như một đứa trẻ thơ.  Trái tim tuổi trẻ cô đơn của ông đã bật lên những nấc reo vui của nó khi chợt nhận ra rằng vẫn còn hiện diện đâu đó trên cõi đời bóng dáng của chút tình người còn sót lại. 
Tôi cũng từng lang thang như thế trong những chiều mưa tận thế của cuộc đời, trên những con đường quanh co của một phố thị bé nhỏ. Cũng không nón, không dù, không áo mưa.  Chỉ trơ trọi một nổi cô đơn tuổi trẻ giống như ông. Tôi cứ lầm lũi đi giữa mịt mù mưa gió và thấy trước mắt mình một khoảng không gian hư ảo, nhoà nhạt không có dấu vết của sự sống.  Thoáng hoảng sợ, tôi quay lại, định lùi về phía đằng sau, chỉ để nhìn thấy một hố sâu thăm thẳm, ghê rợn ngay dưới chân mình.  Không có sự lựa chọn, tôi tiếp tục lầm lũi đi cho đến khi cơn mưa không còn rơi nữa.  Không được may mắn như ông, đã không có ai đến để trao cho tôi một cây dù.
Tôi đã thấy rằng mình bất hạnh, mang cùng chung số phận như ông, khi đã trở nên già nua quá sớm, trong khi người ta đang mơn mởn, xuân tươi.  Khi ở lứa tuổi hai mươi, tôi vật vã với thế giới tư tưởng của mình, quắt quai, quay cuồng với nổi cô đơn tuổi trẻ và hình dung tương lai là những chuỗi ngày tận thế.  Nhưng giờ đây, tôi lại thấy mình may mắn, mang cùng chung số phận như ông.  Giờ đây, trong khi mà mọi người đang dần trở nên già cỗi, thì tôi, cũng như ông, lại thấy mình tươi trẻ, tinh anh.  Giờ đây, khi mà mọi ngừơi đang ngồi rầu rĩ ,tính lại xem họ đã "đóng thuế" cho cuộc đời này hết thảy bao nhiêu, thì tôi lại cứ vô tư phiêu lãng và nói chuyện tình yêu.
 
Có một số người không thích đọc những tác phẩm của ông.  Họ bảo rằng chúng ngông cuồng, mâu thuẫn và khó hiểu. Họ nói không sai. Những tác phẩm của ông đa số đều được viết với những lời lẽ rất ngông cuồng và chứa đựng toàn những điều tưởng như mâu thuẫn, rối rắm, khó hiểu. Nhưng thế thì sao nào?  Đó chính là chân dung thực của ông, chân dung thực của cuộc đời. Vẫn có vô số người miệt mài thưởng thức và say mê.  Tôi thuộc vào nhóm người thứ hai. Sau "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học", tôi lại phiêu lưu cùng ông vào "Hố thẳm của tư tưởng", cùng ông "Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất"... để biết được rằng "Mặt trời không bao giờ có thực", để thấy rằng " Trên tất cả đỉnh cao là Im Lặng".
Tôi viết những dòng chữ này xem như một cách để tưởng niệm chuyến đi của ông về cõi vĩnh hằng. Thường thì các nhà tư tưởng không sống thọ vì mỗi giây phút trôi qua, họ đã sống, đã nghĩ suy, đã vắt kiệt trái tim, khối óc mình gấp đôi người bình thường.  Với cách tính như thế thì xem ra ông cũng đã thọ lắm.  Và ngay cả đến cái cách ông chết, ông cũng để lại cho tôi một bài học cuối cùng đáng giá:  Chẳng có gì là ầm ĩ.  Dường như biết trước được phút cuối của đời mình, ông vào phòng, lặng lẽ nhập thiền rồi.... ra đi vĩnh viễn trong trạng thái đó. 
Ừ thì, chỉ là.... chết thôi mà! Có gì mà ầm ĩ chứ, phải vậy không ông?


Những ngày mưa nhỏ. Đôi bàn tay hong hơ những tháng ngày bên đó và bên đây. Những ngày mưa ướt sũng hạ niềm và mắt nâu, nheo một vòng gầy khiu, bàng bạc. Mắt em còn hồng, bàn tay còn xanh xao đưa buồn vào tuổi lãng nữa không?
Người ta nói cứ nghe mãi âm nhạc một người thì ta sẽ tưởng tượng ra khuôn mặt của người đó. Rồi lúc nào đó, ta cũng mang một nỗi buồn và nỗi vui giống họ. Và rồi ta sẽ nhớ rất lâu. Những nỗi niềm thẳng tắp, theo một chiều hẹn hò về khơi sâu bao câu kinh bến trầm. Và ngày sẽ lên men, âm nhạc là rượu, ta chỉ là người say. Ừ thì là người say nên đôi bàn chân líu ríu, chân nọ xọ chân kia, người này xọ người kia, mượn nhau hơi ấm. Đó là những mùa cô đơn dài, tôi biết mắt Trịnh của tôi rất buồn. ..
Chiều nay, mưa ghé qua và Lệ của tôi, hát bằng giọng hát chưa bao giờ cũ như thế:
Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, Từng ngón tay buồn, 
Em mang, em mang, đi về giáo đường. 
Ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai ? 
Ðóa hoa hồng, cài lên tóc mây, 
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài,
Ngàn năm, ngàn năm,
Ru em nồng nàn, ru em nồng nàn 
Tôi vẫn thích những ca khúc của Trịnh (cũng như thời Tân nhạc) thu âm trước 1975. Lúc đó, ca khúc chưa được gọt đẽo và chỉnh sửa nhiều, phần nhạc còn nhiều thô mộc, các loại nhạc cụ lẫn vào nhau nghe không thể nào biết được đâu là loại gì loại gì. Còn giọng người ca sỹ thì hơi khàn và như hòa vào nhạc khiến khi nghe, ta có cảm giác văng vẳng và xa vắng, nhất là vào những chiều mưa buồn thì…thôi rồi, giống như cái buồn buồn tự năm nào, tự nhiên đến bất chợt rồi tự nhiên ngấm vào lòng ta .. rất vô duyên và đầy tình cờ.
Cùng với “Diễm xưa”, “Tuổi đá buồn” là bài đưa tôi đến với nhạc Trịnh thuở mười tám, thuở mà chưa nghe “Đóa hoa vô thường”, “Ca dao mẹ”, “Hoa vàng mấy độ”… long đong những tháng ngày ngồi lại. Hồi đó nghe bài này, chỉ biết cảm giác buồn buồn sao đó.. rất khó lý giải. Có một cô gái nào đó đi về xứ Đạo ngày Chủ nhật mưa, trên tóc mây cài một đóa hồng và bỏ sau lưng là đường phố dài với lời ru miệt mài. Hồi đó, tôi chỉ có thể tưởng tượng được vậy. Chắc vì thuở hồn nhiên, đời tôi còn trẻ và ước mơ còn đẹp. Tôi không biết “Tuổi đá buồn” là tuổi tôi mai này đây. Tôi không biết cô gái đi về trong ngày mưa phiêu bồng tóc thả trôi vào tuổi ấy lại u uẩn giòng mắt một thuở đau vùi của người nhạc sỹ kia. Tôi không biết, sau bận đó, tôi cũng nghe miết một tình khúc của một mùa của một người, người tình lơ đãng hay đến thăm tôi vào “buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua” (1)..
  Trời còn làm mây, mây trôi lang thang, Sợi tóc em bồng, 
Trôi nhanh trôi nhanh, như giòng nước buồn, 
Ngày Chủ Nhật buồn, còn ai, còn ai? 
Ðóa hoa hồng, vùi quên trong tay, 
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài.
Ngàn năm, ngàn năm,
Ru em giận hờn, ru em giận hờn
Ca từ của Trịnh thật lạ, giống như giòng mưa miệt mài đầy bâng khuâng. Nó có thể khiến một người đang vui bỗng trở nên bần thần, lơ đãng. Nó cũng có thể làm cho một người đang buồn buồn thêm. Khi ta buồn, chỉ có nỗi buồn  mới là điều thật nhất. Ta ngắm nghía nó, ta nhìn thấu nó và soi vào mình những “vết thương tỉnh thức” (2) rồi đôi khi ta buông ra một cái cười thật nhẹ vì một sự thấu hiểu đặc biệt. Sự thấu hiểu đó đôi khi làm ta ngậm ngùi và đầy xa xót.
Người con gái mà nhạc sỹ gọi là “em” này đầy thương mến. Em làm tôi liên tưởng tới người con gái có chiếc vai gầy guộc đi về nơi xa xôi trong “Như cánh vạc bay”. Trong các ca khúc của mình, Trịnh hay viết về hình ảnh người con gái gắn với những vẻ đẹp mong manh, tồi tội và đầy kiếm tìm. Và ánh mắt thường dao dác và đầy xa vời. Thỉnh thoảng tôi cũng tìm thấy được những ánh mắt khác, vui tươi hơn, ấm áp hơn nhưng đó là ánh mắt của những ngày yêu dấu cũ mà thôi.
Và tôi thấy em đi giữa nắng, giữa mưa, đi giữa cuộc chuyển giao của đất trời. Ấy là lần em vào mùa thật lạ, không son phấn, không cả lời ru của mẹ bên đời hiền từ. Ấy là lần, “sợi tóc em bồng, trôi nhanh, trôi nhanh như giòng nước buồn” bỏ phía sau là dãy phố dài với lời ru miệt mài của ngày hôm qua.
Trời còn làm mưa, mưa rơi, mưa rơi, Từng phiến băng dài, trên hai tay xuôi. 
Trời còn làm mưa, mưa rơi, mưa rơi, 
Từng phiến mây hồng, em mang trên vai.
Tuổi buồn em mang, đi trong hư vô ngày qua hững hờ.
Tuổi buồn như lá, gió mãi cuốn đi, quay tận cuối trời. 

Những cơn mưa lắc rắc như tuổi em nhỏ xinh buồn khều. Cái buồn nồng nàn làm ướt cả tim tôi những ngày mưa cuối. Cái buồn mà rồi đây, những ngày Chủ nhật về sau, tôi chỉ còn thấy bờ cô liêu và u tịch giăng giăng những tháng ngày thiết tha.
Em đã đi về tuổi giã bỏ lại phía sau là mộng hoang đường những ngày chúm chím hồng xinh. Em đã đi về tuổi giã bỏ lại gió cuốn, mây bay, bỏ lại miền giáo đường nay trỏ thành xa thẳm và những bài kinh ướt nhoem nhoép. Và bỏ cả tôi, lơ đãng nhìn mây trôi và "khóc tiếc thương những ngày vui ngắn ngủi” (3) .
Rồi chẳng còn giòng tóc nào đi về xứ Đạo những ngày mưa. Em sẽ quên những ngày thơ ngây nhiều mộng đẹp. Rồi em sẽ vào tuổi không hẹn hò, không báo trước. Và tôi ngồi nơi này đang “ru em muộn phiền, ru em bạc lòng”.
Trời còn làm mưa, mưa rơi thênh thang, Từng gót chân trần,
Em quên, em quên, ôi miền giáo đường,
Ngày Chủ Nhật buồn, còn ai, còn ai?
Ðóa hoa hồng tàn hôn trên môi,
Em gầy ngón dài, lời ru miệt mài.
Ngàn năm, ngàn năm,
Ru em muộn phiền, ru em bạc lòng.
Ru em muộn phiền, ru em bạc lòng 
Lâu rồi tôi mới để em sống lại rất hồn nhiên trong mình. Có lẽ trời đang mưa và lòng tôi đang tha thiết. Có lẽ tôi cũng đang vào một mùa mới nữa, ưu tư hơn em, đầy nỗi buồn hơn em. Và có lẽ tôi đang thấy nhớ khuôn mặt của người nhạc sỹ ấy như nhớ một người tình. Người tình già nua, cũ rích nhưng khiến đôi lần trái tim tôi muốn nở nụ cười trả lại những ngày hoang tiêu điều đầy dấu vết. Người tình ấy, cũng đang ở một miền xa thẳm giống như em, cô gái thời mười tám, đôi mươi của tôi ạ.
Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi nơi em về ngày ấy, có gì vui không?
Mục.choem.lanman.net
9;43 pm, 14/7/2011
P/s 1: Tặng em ngày cũ
P/s 2: Viết để đòi nợ người hứa tặng tôi một CD Trịnh gồm những ca khúc thu âm trước 1975.
-------------------------------------------

Phạm Công Thiện là một trong vài tác giả cũ trước 1975 thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại. Và vẫn thấy thích. Có điều hiếm khi nào tôi đọc lại trọn vẹn một tác phẩm nào đó từ đầu đến cuối. Thường, tôi chỉ đọc lóc cóc từng đoạn. Như đọc thơ. Mỗi lần cầm sách ông lên, cứ mở đại một trang nào đó, đọc; xong, gấp sách lại mà không cần làm dấu. Lần sau, lại mở sách một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, không chọn lọc. Tôi để ý: hình như, trong văn xuôi, ngoài Võ Phiến, chỉ với Phạm Công Thiện, tôi mới đọc như thế. Điều đó chứng tỏ cách đọc ấy không đến từ thói quen đọc sách của tôi mà chủ yếu đến từ phong cách viết văn của ông. Nói cách khác, theo tôi, cách viết của Phạm Công Thiện không đòi hỏi, thậm chí, không khuyến khích người ta đọc trọn. Có cảm tưởng ông không quan tâm nhiều đến tính hệ thống và cấu trúc chung của cuốn sách. Rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, cuốn nào của ông có môt bố cục thật chặt chẽ. Phần lớn, nếu có, chỉ chặt chẽ được phần đầu. Sau đó, là những ý rời, những đoạn rời. Là phóng bút. Là viết theo sự đưa đẩy của cảm hứng.
Mà cảm hứng của Phạm Công Thiện thì hình như bao giờ cũng dào dạt. Nó cuồn cuộn. Nó tràn bờ; nó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ quen thuộc. Nó tạo nên đặc điểm đầu tiên và rất dễ nhận thấy trong văn phong Phạm Công Thiện: nồng nhiệt. Trong văn như có lửa. Lúc nào ông cũng ném hết tâm hồn và nhiệt huyết vào câu chữ. Không cần dè dặt. Đã tin, tin hết lòng. Đã thích, thích hết mực. Khen ai, ông khen không tiếc lời. Những từ ngữ như “đại thi hào”, “đại văn hào” “hay nhất”, “lớn nhất”… được dùng một cách thật hào sảng. Năm 1967, trong cuốn Im lặng hố thẳm, ông xem Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương Đông; năm 1996, trong cuốn Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, ông đi xa hơn một chút nữa, cho Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại, bên cạnh Hoelderlin và Walt Whitman. Ngoài ba nhà thơ ấy, có còn ai đáng kể nữa không? Hình như là không. Đó là “ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất.” Với Nguyễn Du, viết thế, dù sao, cũng được: Ở Việt Nam, Nguyễn Du là một biểu tượng; mà đối với một biểu tượng, người ta không cần đặt ra những giới hạn. Nhưng với nhiều nhà thơ khác, Phạm Công Thiện cũng hào sảng như thế. Trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng, xuất bản năm 1967, Phạm Công Thiện viết về Quách Tấn: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ Đọng bóng chiềuMộng ngân sơn”. Hơn nữa, “Quách Tấn là một thi sĩ duy nhất của Việt Nam, đã thành tựu tất cả những gì mà Nguyễn Du còn để dở dang; còn tất cả những thi sĩ khác, kể cả Hàn Mặc Tử, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, v.v. đều là những thi sĩ thiên tài, nhưng không có đủ tất cả tính kiện hay kiện tính trong thơ họ để tính dưỡng và thành tựu thi cuộc mà Nguyễn Du đã mở đầu cho thi ca Việt Nam”. Cũng trong cuốn ấy, Phạm Công Thiện viết về Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay sà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa.” Những kiểu phát ngôn như thế này rất phổ biến trong văn chương Phạm Công Thiện: “Chỉ một câu thơ của Nguyễn Du cũng đủ phá huỷ trọn tư tưởng Nam hoa kinh của Trang Tử. Một bài thơ của Trần Cao Vân (bài Vịnh tam tài) đủ thu gọn tất cả Tống Nho. Một vài câu thơ Hàn Mặc Tử đủ nói hết trọn sự nghiệp tư tưởng thánh Thomas d’Aquin và thánh Augustin. Một câu thơ của Rimbaud hay một dòng văn của Henry Miller đủ nói hết Kierkegaard, Paul Tillich hay Heid gger.” Với những tên tuổi lớn, Phạm Công Thiện vung bút như thế, kể cũng dễ hiểu. Với một số nhà thơ có tầm vóc nhỏ hơn, chỉ hơn mức trung bình một tí, Phạm Công Thiện cũng rất hào phóng lời khen ngợi. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, giải Nobel văn chương 1995, nhắc đến hai câu thơ của Hoài Khanh “Con sông nào đã xa nguồn / Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi”, ông hạ bút: “Câu thơ bất hủ”; nhắc đến bốn câu “Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng / Thương về con nước ngại ngùng xuôi / Những người con gái bên kia ấy / Ai biết chiều nay có nhớ tôi” của Hoàng Trúc Ly, ông bình: “bốn câu thơ bát ngát như đất trời quê hương” (tr. 29).
Phạm Công Thiện là như thế. Lúc nào cũng nồng nhiệt. Lúc nào cũng rộng rãi. Lúc nào cũng cực đoan.
Có người cực đoan vì đần. Phạm Công Thiện cực đoan nhưng vẫn toát lên vẻ thông minh và rất thông thái. Sự cực đoan ở nhiều người khác gợi lên ấn tượng hẹp hòi và hung bạo. Phạm Công Thiên cực đoan một cách hồn nhiên và vô hại. Bao trùm lên tất cả, ông cực đoan một cách chân thành và duyên dáng. Đọc, thấy ngay ông cực đoan, nhưng không ai nỡ bắt bẻ. Bắt bẻ, tự nhiên có cảm giác là mình tỉnh táo một cách nhỏ nhen.
Một trong những đặc điểm nổi bật khác của Phạm Công Thiện là ám ảnh về hình ảnh và ám ảnh về chữ. Văn Phạm Công Thiện có nhiều hình ảnh và ẩn dụ. Đoạn văn viết về Hàn Mặc Tử ở trên là một ví dụ. Phượng hoàng và hoả diệm sơn. Ở những nơi khác, hết núi lửa thì đến hố thẳm, hết ngày sinh của rắn thì đến những con chim biết nói tiếng Phạn, hết đòi giết các con kiến trong ý thức thì đến giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng, v.v... Đâu đó, Phạm Công Thiện tự nhận “ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.” Là ngôn ngữ của thi sĩ, giọng văn của Phạm Công Thiện lúc nào cũng thơ mộng. Thơ mộng ngay cả khi ông bàn chuyện triết lý hay Phật pháp. Thơ mộng ngay cả khi ông hục hặc gây hấn phản kháng, thậm chí, chửi bới ầm ĩ. Sự thơ mộng ấy đến, một phần, từ hình ảnh, nhưng phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, từ nhạc điệu. Văn của Phạm Công Thiện rất giàu nhạc tính. Câu văn của ông biến hoá đa dạng, thường thì dài hơn mức cần thiết. Để cho chữ có âm vang. Ông không ngại lặp lại, dưới hình thức này hay hình thức khác, dường như để những âm vang ấy không bị tắt quá sớm. Thấy rõ nhất là qua các câu văn dịch của Phạm Công Thiện. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, ông dịch chữ “recollections” của Yeats thành “hồi tưởng, truy tưởng, hoài tưởng, mặc tưởng, nhớ tưởng”; (tr. 14); câu “The end of art is peace” thành “Cứu cánh của nghệ thuật là sự hoà bình, sự an bình, thanh bình” (tr. 46). Dịch, như thế. Ông viết cũng thế. Thiếu một chút cô đúc. Bù lại, câu văn trở thành nhẹ nhàng và vang hưởng.
Tôi có cảm tưởng một trong những ám ảnh lớn nhất của Phạm Công Thiện là chữ. Rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, chẳng hạn, trong cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988), ông nói về sự say mê học tiếng và học chữ của ông. Quả thật, khả năng học tiếng và học chữ của Phạm Công Thiện là một kỳ tích ở Việt Nam. Cho đến nay có lẽ cũng chưa có ai vượt qua ông được. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi văn chương: ở Phạm Công Thiện, ám ảnh về chữ có thể thấy rõ trong cách viết văn. Có thể nói văn Phạm Công Thiện có khi chỉ là một dòng liên tưởng bất tận gợi lên từ những con chữ. Chữ này gọi chữ nọ. Ngỡ như chữ chứ không phải là ý đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc của đoạn văn. Nhưng chữ, dưới ngòi bút của Phạm Công Thiện, thật ra, cũng tức là ý. Chữ đẩy đưa, luyến láy nhưng không thừa thãi. Cũng trong cuốn Khơi mạch… ông viết: “Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc; hình ảnh của Thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh: hiện hình và hiện ảnh của Thơ chính là hiện cảnh linh động và hiện thực hơn tất cả cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền” (tr. 7). Xin lưu ý: những chữ “hiện” trong đoạn này cũng như các đoạn sau là do tôi in nghiêng. Để độc giả dễ thấy. Ám ảnh về từ tố “hiện” ấy kéo dài sang mấy trang sau: “Một bài thơ hốt nhiên xuất hiện, đột hiện; một tia chớp ngang trời, một sự xuất hiện thình lình như tiếng sét bất ngờ. Thơ là xuất nhập, tất cả rạng ngời của một sự Xuất Hiện, tất cả oai lực lặng lẽ của sự Linh Hiện. Sự Xuất Hiện, Linh Hiện là suối nguồn của tất cả mọi ý nghĩa, ban bố ý nghĩa và khai mở vạch đứt giữa mọi ý nghĩa và mọi vô nghĩa. Từ đó có vô hạn nghĩa” (tr. 9). Chưa hết, sau đó, nhắc đến mấy câu thơ của Archibald MacLeish: “… wordless / as the flight of birds… / A poem should not mean / but be.” Ông viết: “Cái chữ ‘be’ đơn sơ ở trên xuất đầu lộ diện như một tiếng sét, cái ‘là’ hiện hữu, nói lên sự xuất hiện của Tính thể và Thể tính: sự hiện thể, hiện tính, hiện tính thể của chính tính thể, sự hiện thân nguyên vẹn, sự hiện diện sung mãn của cái ‘là’, cái ‘có’; sự hiện diện ở đây chính là sự thị hiện bất ngờ từ cái không đến cái có, từ cái không là đến cái là, thoáng hiện, thoáng mất như tia chớp. […] Bài thơ là sự hiện diện, hiện tính, thị hiện; sự hiện diện chẳng những là hiện diện của chính sự hiện diện mà lại còn hiện diện ngay cả sự khiếm diện, ngay cả sự mất tích và xa vắng.” (tr. 10-11). Cách viết như thế đã xuất hiện ngay từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Sau khi nêu lên năm chữ: chay, cháy, chày, chảychạy trong tiếng Việt, Phạm Công Thiện viết:
“Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần tuý, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả, vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đầu đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY), vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY).

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc UpanishadsBhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (tr.xi-xii)
Thì cũng yêu chữ, nhưng ở nhiều cây bút khác, chúng ta chỉ được dẫn đến những điệu ầu ơ cũ rích. Ở Phạm Công Thiện, chúng ta bắt gặp những ý tưởng thật thâm trầm và thú vị. Rõ ràng bên cạnh tình yêu đối vối chữ, ông còn có một tình yêu gì khác nữa. Đó là tình yêu gì? Giới hạn trong phạm vi văn học, không chừng đó là tình yêu đối với cái khó, cái phức tạp và cái trừu tượng. Trong tập Mặt trời không bao giờ có thực (1967) của ông, tôi thích hai đoạn này:
“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” (Số XXXVI)
và:
“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.” (Số XXXVIII).
Nói đến chuyện khó hiểu, không thể không nghĩ ngay đến chính các cuốn sách của Phạm Công Thiện. Không ít người vẫn cho văn của Phạm Công Thiện là tối tăm. Tôi nghĩ ngược lại. Vấn đề không chừng là ở cách đọc. Có thể vận dụng kinh nghiệm đọc Kafka của Phạm Công Thiện vào việc đọc chính Phạm Công Thiện: “Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.” Lâu nay, tôi vẫn đọc Kafka từ góc độ của một nhà nghiên cứu và nhà phê bình. Và tôi không chắc các nhà thơ trung bình có thể biết và hiểu Kafka nhiều hơn tôi. Nhưng riêng với Phạm Công Thiện thì tôi tin cách đọc từ góc độ một nhà thơ sẽ có hiệu quả lớn.
Tôi đã đọc (lại) các tác phẩm của Phạm Công Thiện như đọc những bài thơ. Với một tâm cảm thơ. Và tôi thấy mọi thứ đều dễ dàng. Trong vắt.

Melbourne 5 tháng 1.2009


________
Trích dẫn:

Phạm Công Thiện (1965), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ ba (1966). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1967), Mặt trời không bao giờ có thực, Sài Gòn: An Tiêm. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1967), Hố thẳm của tư tưởng, Sài Gòn: Phạm Hoàng xuất bản. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1967), Im lặng hố thẳm, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ hai (1969). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].

Phạm Công Thiện (1988), Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, California, USA: Trần Thi.

Phạm Công Thiện (1996), Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.

Phạm Công Thiện (1996), Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, Giải Nobel Văn Chương 1995, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.


----------------
Những tác phẩm của Phạm Công Thiện đã đăng trên Tiền Vệ:
I-VIII  (truyện / tuỳ bút) 
Đường trước là đường sau, đường trên là đường dưới, đường cao là đường tháp và đường thấp, đường thẳng là đường tròn. Trước đường hay đường trước? Đường hay đàng? Đàng trong và đường ngoài. Lên đường hay trên đường? Lạc đường không hẳn là lộn đường. Liệng ra ngoài đường, liệng ra trong đường, tự quăng lên đường, thảy ra một cái, phải liệng rồi, có con én nào nó liệng? Những con đường liệng ngang qua trí nhớ. Ném lên một mối liên tố giữa con đường và con chim... (...)

“... Trong 22 năm trời (với mấy trăm ngàn triệu người đã chết im lặng trên mặt đất) mà chỉ cho xuất hiện có một tập thơ mong manh với 12 bài thơ thực ngắn, như thế thì cũng đã nói quá nhiều đối với một người đang còn sống sót trong đôi phút phù du nữa và đang học hoài học mãi sự im lặng nào đó trên cao?”...

Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ “Ruhe”, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: “Trên tất cả đỉnh cao...” (...)

Bôn ba ngoài vạn dặm / Cũng chỉ một trăng rằm / Bao nhiêu là hố thẳm / Xoáy về nốt ruồi đậm...

Thôi nôi con trường giang mọi rợ / tôi mọi mãi mỗi trường an / con diều hâu chạy bắt con chim / con chim lòn qua kẽ núi / lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn / nước trường giang mẹ ru chim ngủ / con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa...

Anh sẽ hiện  (thơ) 
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện / Cả rừng cây không ai lên tiếng / Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang / Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến...

Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ. Vùng núi cao thổ phồn sinh sôi nẩy nở phôi châu của ngút ngàn bông đậu tía. Cơn giông tố rã rượi trên thiên đảnh tuyết sơn, hốt nhiên vùng dậy tung hoành, làm sụp ngã những cây tùng lạc diệp, và bao dong con chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài...



Vĩnh biệt Phạm Công Thiện
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved