CAMUS CÓ PHẢI LÀ TRIẾT GIA ?
Roger-Pol Droit
Bị trí thức khinh bỉ, cánh tả ghét bỏ, cánh hữu bỏ rơi, Camus đã là một kẻ đơn phương độc mã trong một thời gian dài. Ngày nay, sự vĩ đại của ông được tất cả mọi người công nhận và mến mộ: ông là một nhà văn thiên tài, một nhà văn nhập cuộc nhưng chưa bao giờ chịu phục tùng ai, là một nhà báo cự phách, một nhà thơ, một nhà viết kịch tài hoa… Cho dù thi hài vẫn còn ở nghĩa trang Lourmarin, con người ông giờ đây đã vào điện Panthéon. Dù gì đi nữa, có một tâm điểm vẫn còn đang bị bỏ ngỏ: chúng ta có thể đưa Camus vào điện Panthéon của các triết gia hay không?
Những luận cứ ủng hộ: những chủ đề chính trong các tiểu luận của ông - sự phi lý của thân phận con người trong Huyền thoại Sisyphe (1942), việc tố cáo những sự phục tùng cách tân trong Con người nổi loạn (1957). Ngoài ra, ở đâu trong các tác phẩm của ông, chúng ta cũng có thể thấy sự cân bằng hiếm có giữa nhận định cho rằng thế giới không cho phép ai có quyền hy vọng và quyết tâm hành động chống lại tất cả. Những luận cứ chống: con người đầy tư duy này không phải là bậc thầy của khái niệm. Vả lại, chính ông đã từng khẳng định: “Tôi không phải là triết gia và tôi chưa bao giờ tự cho mình là một triết gia.” Và: “Tại sao tôi lại là một nghệ sỹ chứ không phải là một triết gia ư? Đó là bởi tôi tư duy theo ngôn từ chứ không tư duy theo tư tưởng.”
Sẽ là một sai lầm nếu chúng ta cho rằng vụ việc đã đâu vào đấy. Chính Camus đã làm đảo lộn những khẳng định này và làm cho mọi thứ trở nên phức tạp. Trong mắt ông, viết tiểu thuyết không thua gì việc phân tích lý thuyết về mặt triết lý. Trái lại: “Người ta chỉ tư duy bằng hình tượng. Nếu bạn muốn trở thành triết gia thì bạn hãy viết tiểu thuyết.” Và, mặt khác: “những tình cảm, hình tượng làm cho tính triết lý được nhân lên mười lần.” Sẽ không phải lẽ nếu trách ông quá đơn giản. Không là một nhà lý luận, tiên liệu không cần hệ thống hay biệt ngữ, chuyển từ kịch sang báo chí và từ tiểu thuyết sang tiểu luận chẳng qua là một cách làm triết gia đặc thù trong một giai đoạn đầy thử thách và bất lực. Hơn nữa, Camus không tiên liệu bâng quơ mà hoàn toàn có kim chỉ nam định sẵn. Mối bận tâm của ông không phải là việc xây dựng một hệ thống chặt chẽ, chính xác. Nhưng con đường ông đi được xác định rõ ràng nhờ sự hội tụ của những quan điểm đầy tính xây dựng - những quan điểm ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu rõ -, trước hết là sự phi lý. Nếu như khái niệm này luôn làm nền tảng, làm hậu cảnh cho tư duy của ông, người ta thường quên nhấn mạnh cách mà ông làm mới ý nghĩa và tầm vóc của khái niệm đó. Ông không dừng lại ở việc khẳng định rằng thực tại luôn hỗn độn, phi lý và vô nghĩa. Trong Huyền thoại Sisyphe, ông nói rõ: “Sự phi lý sinh ra ở tính đối lập giữa tiếng gọi của con người và sự im lặng phi lý của thế giới.” Vì thế nên phải cùng bày tỏ niềm khát khao được hiểu vốn xói sâu vào nỗi cô đơn của con người và những câu trả lời luôn bặt vô âm tín. Rốt cuộc, đối với con người, cái gì cũng luôn khó hiểu vì phi lý: cái xấu hoành hành, tiến bộ không tồn tại và hạn định của cái chết.
Tôi nổi loạn nên chúng ta tồn tại (Con người nổi loạn)
Có nên tự sát để kết thúc hay tiếp tục chịu đựng sự phi lý? Sự tự sát trở thành vấn đề triết học đầu tiên. Phải giải quyết vấn đề này trước thảy mọi vấn đề khác, những song đề quen thuộc chỉ đến sau đó. Biết cuộc sống có đáng sống hay không sẽ là vấn đề tiên quyết của triết học. Thực ra mà nói, đó không phải là tư tưởng sang giá nhất của Camus. Vậy thì, ai đã thực sự tự đặt ra câu hỏi: trước khi suy nghĩ về một chủ đề nào đó, chúng ta có nên quyết định xem có nên tiếp tục sống hay không? Dĩ nhiên ở đây có nhiều giả tạo. Có thể nói đó là một trong những kiến tạo mà chỉ các triết gia mới nắm được điều bí mật: một kiến tạo trông bề ngoài có vẻ hiển nhiên nhưng trên thực tế không tương ứng với điều gì có thật. Dĩ nhiên, điều cốt yếu nằm trong câu trả lời: vấn đề không phải là xoá bỏ sự phi lý, mà trái lại, cần cắm rễ trong đó, duy trì nó như một số phận an bài, bị sự khinh bỉ và nỗi vui trong khoảng khắc chế ngự, bị sự phản kháng làm cho thay đổi - sự phản kháng vốn là một khái niệm chủ đạo thứ hai trong các tác phẩm của Camus. Sự phản kháng – chống lại mỗi hành động phục tùng, mỗi hành động nhục mạ, chống lại mọi điều xấu xa – là xi măng kết dính sự đồng lòng của con người, là mảnh đất phì nhiêu nơi mọi sự đoàn kết bén rễ. “Tôi phản kháng, nên chúng ta tồn tại” vang lên trong Người nổi loạn như một cogito mới. Mặc dầu sự phản kháng không bao giờ được dâng cái cogito đó cho sự thái quá, không bao giờ phản lại chính nó, biến sự xây dựng tự do thành sự khủng bố và biến nạn nhân thành những tên đồ tể. Camus vĩ đại nhất là ở chỗ này. Sartre khác Camus chủ yếu ở chỗ này. Đối với ông, sự nổi loạn cũng phải chống lại những cuộc cách tân – nhân danh phẩm cách và sự tôn trọng con người.
Cũng nhân danh khoảng khắc hiện tại và nhân danh tự nhiên nữa. Bởi vì, trong chủ nghĩa nhân bản của Camus, có sự nổi loạn chống lại sự hiện diện khắp nơi của lịch sử và sự ám ảnh của ý nghĩa lịch sử. Chỉ nghĩ đến lịch sử thôi cũng đủ bồi đắp nỗi sợ hưởng thụ và che giấu ánh sáng của thế giới. Cơ thể đòi hỏi khoảnh khắc hiện tại, cuộc sống lựa chọn hiện tại hơn là hướng đến tương lai. Những cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ luôn là những cuộc thất bại nếu chúng khiến cho chúng ta quên vẻ đẹp của biển khơi và sự dịu dàng không tên của làn da thiếu nữ. Cũng vì sự neo đậu này trong thế giới mà Camus trở thành một triết gia vừa đặc biệt vừa đơn độc. Dĩ nhiên, ông không thuộc bộ lạc của những con mọt sách, những kẻ hám viện dẫn luận cứ hay sính biệt ngữ hẹp hòi, ông cũng không giống với những kẻ trừu tượng viển vông hay những tay thợ thủ công chú giải. Những cuốn tiểu thuyết của ông đều mang dấu ấn của triết học theo một cách riêng. Người xa lạ, Dịch hạch, Sa đoạ cũng như những truyện ngắn trong tập Nơi lưu đày và Vương quốc, những vở kịch của ông, những bài xã luận của ông đều là những cách tư duy và nhập cuộc đầy sức sống mãnh liệt.
Camus tư duy từ con người và cho chính mình
Với Camus, là một triết gia đồng nghĩa với việc khước từ những niềm tin đoan chắc, chứ không phải khước từ đấu tranh, nó đồng nghĩa với việc kiên trì nỗ lực tư duy về thời đại của mình, chịu đựng sự hỗn mang và vạch ra cho mình một con đường trong sự hỗn mang đó. Điều đó đồng nghĩa với việc chịu đựng những sự hiểu nhầm như ông đã khẳng định vào ngày 10 tháng 12 năm 1957 trong một cuộc họp báo nhân dịp nhận giải Nobel văn học: “Các triết gia theo chủ nghĩa cộng sản bảo tôi là một triết gia phản động, còn các triết gia phản động cho tôi là một triết gia cộng sản. Những kẻ vô thần thấy tôi rất sùng đạo Cơ đốc, còn các tín đồ đạo Cơ đốc cho tôi là một kẻ vô thần.” Trả lời câu hỏi của một nhà báo về lập trường chính trị của mình, ông nói: “Lập trường của một kẻ cô đơn”. Chúng ta cũng có thể nói như thế về lập trường triết học của Camus. Camus là một người tư duy từ con người và cho chính mình. Đó không những là một hành động anh hùng trong thế kỷ vô nhân đạo nhất trong lịch sử loài người. Trong triết học đương đại, ông chiếm một vị trí độc tôn trong một lĩnh vực chưa có ai khai mở. Từ Heidegger đến cấu trúc luận, từ chủ nghĩa thực chứng logic đến giải kiến tạo, chủ nghĩa phản nhân đạo (antihumanisme) ngự trị dưới những hình thức rất khác nhau. Camus là người phản kháng lại sự tan rã này. Và vì thế, ông là người hướng đến tương lai nhiều hơn là tìm về quá khứ. Vào năm 1937, Paul Éluard viết: “Nhà thơ là người truyền cảm hứng hơn là người có cảm hứng.” Chúng ta cũng có thể nói như vậy về cách mà Camus đến giờ còn khuyến khích chúng ta tư duy triết học thế nào cho có phẩm cách.
Nguyễn Duy Bình dịch
Nguồn: Roger-Pol Droit. “Camus est-il un philosophe?”. Le Point. http://www.lepoint.fr/culture/2010-01-04/portrait-camus-est-il-un-philosophe/249/0/405062. Bản dịch tiếng Việt được lấy từ http://vanhoanghean.vn