Home » » Hoàng Xuân Hãn, bước đường nghiên cứu

Hoàng Xuân Hãn, bước đường nghiên cứu

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012 | 08:56


Hoàng Xuân Hãn, bước đường nghiên cứu
 


Thụy KhuêThưa bác, chắc hẳn ngày nay rất nhiều người muốn biết tại sao giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã bỏ ngành khoa học thuần túy để bước sang ngành nghiên cứu khoa học xã hội.

Hoàng Xuân Hãn: Với câu hỏi này, tôi xin trả lời tóm tắt sự ấy: Vì cuộc chiến tranh giữa Pháp với ta, tôi phải bỏ nghề dạy toán học; cho nên cũng là một cái cớ lớn làm cho tôi có thì giờ quay lại với một ý nguyện vốn có từ xưa. Vì từ khi còn trẻ, tuy đi học các trường Pháp rồi quay ra đến khoa toán học, nhưng về đường sử học hay ngôn ngữ học Việt Nam, từ lúc chừng 10 tuổi tôi đã hiểu biết qua sự ấy là vì làng tôi, làng lớn tên là Yên Hồ, thôn Yên Phúc, cách sông Lam, núi Hồng độ 3 cây số, chung quanh đấy khoảng đất nào cũng là đất lịch sử.
Mà lịch sử đây, có lẽ đã có từ đời nhà Lý, nhà Trần. Nhất là về đời nhà Trần, chính vua Trùng Quang lúc thua ở Bắc, chạy vào miền Nam thì quân Minh đóng ở bên cạnh, ở một ngọn núi gọi là núi Rum. Núi Rum cạnh sông Lam Giang, cách nhà tôi chừng 4 cây số. Mở cửa ra, tôi thấy trước nhà có những đám đất người ta gọi là Dâm Mã Chúa, Dâm Mã Tù; thì cũng tò mò hỏi rằng tại sao đây lại có tù, có chúa, mới hiểu rằng có nhẽ hồi xưa, triều đình vua Trùng Quang có đóng ở vùng ấy. Thứ hai nữa, trong làng có đền thờ cụ Nguyễn Biểu, ta gọi là Đức Thánh Nghĩa Liệt, là một ông tổ trong họ ở làng Yên Hồ. Trong sử có chép chuyện ông Nguyễn Biểu đi sang núi Thành gặp Trương Phụ, xin nhà Minh lập lại con cháu nhà Trần. Sau vì ông có tiếng là người giỏi, cho nên Trương Phụ tìm cách giết đi, không cho về. Đấy là những nguồn gốc kích thích sự tò mò về sử học làm tôi sau này tha thiết với sử học.
 

TKVề ngành ngôn ngữ học, bác cũng là một trong những người mở đường?

HXH: Còn về đường ngôn ngữ học, có một việc hơi lạ: Lúc 10 tuổi, khi còn đang học chữ Hán, có lúc giở sách trong tủ sách gia đình, thấy những sách không phải là chữ Hán. Hỏi ra thì biết rằng đấy là chữ Nôm, cho nên tôi đã tìm cách đọc chữ Nôm từ lúc ấy. Và đã khám phá ra từ lúc đầu là có những chữ viết một cách và mình đọc một cách rất khác. Nhưng mà có một chữ ở đầu quyển sách, người ta viết như chữ khóa, nhưng không đọc được, hỏi cụ tôi thì cụ tôi đoán rằng đọc là thuở. Nhưng cụ tôi không giảng được, đó là cái thắc mắc trong đầu tôi lâu lắm. Mãi sau này, ở đại học, tôi mới tìm biết ra đấy là những di tích của tiếng Việt từ đời xưa, với chữ Nôm từ đời xưa để lại. Cho nên tôi có một quan niệm về chữ Nôm khác với người khác nhiều lắm.

 
TKThưa bác, bác đã bắt đầu con đường học vấn như thế nào?

HXH: Đầu tiên tôi học chữ Hán với chữ Quốc ngữ trong gia đình, từ 7 tuổi đến 11 tuổi. Sau đó vào trường tỉnh ở Vinh, bắt đầu học tiếng Pháp khoảng năm 1917. Thời ấy học tiếng Pháp là học tiếng Pháp từ đầu chí cuối, chứ không có lẫn tiếng Việt hay là tiếng Hán. Tiểu học ở tỉnh. Sau 4 năm thi bằng đầu tiên gọi là Enseignement Primaire, tức là bằng tiểu học. Tuy là học tiếng Pháp không, nhưng những dịp nghỉ hè, về quê ở với cha tôi, là người có đậu tú tài những khóa đời xưa, tôi học chữ Hán.

 
TKXin bác cho biết tên cụ thân sinh ra bác?

HXH: Cụ tôi tên là Hoàng Xuân Úc. Cụ đậu tú tài rồi nhà nước đổi cách thi đi: Vẫn thi bằng chữ Hán nhưng lại có bài thi bằng quốc ngữ, thì cụ không muốn học hay là không muốn thi, nên không thi nữa. Về đường chữ Hán thì tự nhiên là các cụ học một cách uyên thâm lắm. Các cụ như cuốn tự vị, mình muốn hỏi gì về đường chữ nghĩa các cụ cũng giả nhời được. Sau này tôi nghiệm thấy rằng, những người Hán học về sau, cùng trạc tuổi ấy, lúc mình có điều gì thắc mắc, các cụ không thể giả nhời được. Nhờ thế mà tôi học được một phần nào.
Học tiếng Pháp rồi sau vào trường Quốc Học Vinh. Quốc Học nghĩa là dưới Trung học một ít. Hết Quốc Học thi bằng Primaire Supérieure. Sau một năm tự học lấy khóa đầu Trung học Pháp, rồi tôi vào lớp toán ở Lycée Albert Sarraut.

 
TKThưa bác, bác đã áp dụng phương pháp khoa học Tây phương để khảo sát chữ Nôm như thế nào?

HXH: Khóa trình học chính thức hoàn toàn bằng tiếng Pháp, bằng phương pháp của Pháp. Nghĩa là học phân tích nhiều. Không học như hồi xưa của mình, học một cách quy nạp: Nghĩa là học đấy để lấy cái [đó] làm thí nghiệm để biết về chữ Nho, cách đặt câu chữ Nho. Nhưng cách đặt câu chữ Nho thế nào thì cũng không phân tích ra như học chữ Pháp.
Sau khi học tiếng Pháp và những môn khoa học với Pháp, tôi cũng nhận thấy cách học của mình thời xưa, thiếu phần phân tích. Cho nên khi xét về sử học hay văn học, tôi nghĩ rằng phương pháp phân tích của người Âu Châu sẽ làm cho mình biết sâu hơn, làm việc dễ hơn và có công hiệu hơn. Cho nên, khi sang Pháp học Lycée Saint Louis, sau vào trường Bách Khoa, tuy rất bận với đường học mới, nhưng tôi vẫn ôn lại ít nhiều sự hiểu biết hồi xưa, tuy là không có sách vở, không có thầy. Mình tự nghĩ lại về những gì đã học về văn chương trong 8, 9 năm hồi bé ở bên nhà. Nhớ lại, thì ra dần dần, không quên cái cũ đã đành song lại thấy rằng, chính hồi xưa học bên nhà, hoặc là các cụ, hoặc là các thầy, nhiều khi họ truyền cho mình những sự sai lầm, lúc ấy mới hiểu được cái sự sai lầm ấy. Cho nên, những ý -không phải là những ý mới, mặc dù đối với anh em, họ cho là mới- mà tôi có về đường văn học, sử học hay ngữ học chính là tinh thần khoa học là một và tinh thần phân tích là hai.

 
TKThưa bác, bác vào trường Polytechnique năm nào? Sau khi học xong Polytechnique, bác đã học thêm những gì nữa trước khi trở về nước? Và trong điều kiện nào, bác đã soạn cuốn Danh Từ Khoa Học?

HXH: Tôi vào trường Polytechnique năm 1930. Ra năm 32. Vào học trường Cầu Cống  hai năm. Lúc ra là năm 1934, tôi có về bên nhà 3, 4 tháng, gọi là đi du lịch nhưng thực ra về để xem có làm được công việc gì không. Thì chính những bạn cũ, người Pháp, những người cao cấp nhất bên ấy, khuyên tôi nên sang bên này học cái khác, chứ không nên về bên nhà, không làm được công việc gì đâu. Cho nên tôi sang học toán, thi thạc sĩ toán vì thế.
Nhưng ngay khi vào Polytechnique, tôi đã nhận định thấy người mình thiếu về đường khoa học nhiều. Thiếu óc khoa học nhiều. Mà thiếu óc khoa học, phần lớn là vì không có danh từ khoa học. Vì không có danh từ khoa học, nên người thường không thể nói chuyện được về khoa học. Và đến những người có học đi nữa, thì những từ học của Pháp là để học bài học của mình, chứ không thể giảng cho người khác được.
Cho nên lúc ấy tôi đã bắt đầu nghĩ đến làm cuốn Danh Từ Khoa Học. Ít ra về phần cơ bản; rồi sau sẽ tiếp tục dần. Đến khi trở về Việt Nam, dậy toán, tôi làm cho xong đi, để in được vào năm 1942-1943. Là vì lúc ấy người Nhật đã đóng ở bên mình rồi, vì tương lai của ta, tôi thấy mình cần phải có tiếng mình để học và dạy ở trung học và đại học. Đã đến lúc mình cần đến tiếng mình. Nói thì có người cho là viển vông, nhưng trong anh em, một nhóm chừng mười người với nhau, không ai nói với ai, nhưng ai cũng hiểu là đã đến lúc mình cần đến tiếng mình. Rồi y như rằng, hồi bắt đầu chiến tranh với Pháp thì ở ngoài, tuy lên rừng rú, mà chính phủ ở ngoài lúc ấy đã lập đại học bằng tiếng Việt. Vả lại cái sự sử dụng tiếng Việt cho những người làm việc, người công binh, người chiến binh... cũng là lúc ấy. Phải nói với nhau bằng tiếng Việt thì họ có một ngôn từ. Đấy!

 
TKThưa bác, xin bác nói lại trường hợp cụ thể nào đã đưa bác vào con đường nghiên cứu và những kinh nghiệm bản thân của bác, bác đã dùng khoa học trong việc nghiên cứu như thế nào?

HXH: Lúc bắt đầu chiến tranh -ở trong Nam đã đánh nhau từ đầu-, thì người Pháp đã lập lại các chính quyền ở trong Nam. Không những thế, về đường văn hóa thì các trường đều là trường Pháp hết cả. Nói thực, đầu hết, người Việt ở vùng Nam là Nam Kỳ hồi ấy, thì không thấy cần đến chuyện ấy; nhưng ở ngoài Bắc hoàn toàn cần, phải bắt buộc dùng tiếng Việt. Cho nên những ý đồ của chúng tôi hồi trước rất thích hợp.
Thế còn tôi, lúc ở Hà Nội, xẩy ra việc chiến tranh -là cuối năm 1946, tháng chạp năm 46- lúc ấy đã sửa soạn về quê; nhưng nghe tin ông Moutet  có sang Đông Dương rồi, sắp sửa ra Hà Nội, ai cũng nghĩ rằng sẽ có điều đình với chính phủ cụ Hồ, lúc ấy còn ở Hà Đông. Tôi quay về Hà Nội để nghe đài radio biết tin tức. Chính đêm hôm 19 tháng chạp năm 1946, xẩy ra chuyện chiến tranh, tôi bị kẹt ở Hà Nội, ở con đường từ trại lính Pháp gần bờ sông, vào trại lính Pháp bên cột cờ. Thành ra bị nghẹt ở đấy, không thể chạy đi được. Sự tôi ở lại là tình cờ.
Người Pháp đối với tôi lúc ấy, có nhẽ họ cũng nghĩ rằng họ đương cần những người có thể làm trung gian điều đình cho cả hai bên được, ngoài buổi đầu thì có thể có sự nguy hiểm, sau họ giữ mình, nhưng họ không bắt buộc mình làm gì. Và không khi nào họ dỗ tôi trở lại làm thầy giáo trường lycée như trước nữa. Trong giấy tờ Bộ Thuộc Địa bên này -sau này tôi có nhờ lục xem lúc ấy họ có phê bình gì không- thì tên tôi họ nói bị gạch ở trong sổ giáo sư, tức là họ không dùng nữa. Họ gọi là rayer. Thành ra một mặt tôi có đủ thì giờ để làm việc khác, vì không phải đi dạy nữa. Tôi cũng không muốn và họ cũng không bắt buộc tôi.

Trong lúc ấy... Đầu hết thì tôi cũng nghĩ, ở đấy, về mặt chính trị cũng có ích một phần nào. Bởi vì thực có lúc thư từ của tôi gửi ra ngoài, tôi gửi cho, hồi ấy, phần là giao thiệp với anh Phan Anh, giao thiệp với mấy người bạn rất thân, cả anh Võ Nguyên Giáp, các anh ấy, lúc ấy, cũng có lúc hỏi ý kiến tôi những cái này, cái kia, tôi cứ giả nhời một cách thẳng thắn.

Thư từ có lúc bị bộ đội Pháp họ ngăn chặn những trẻ con đưa thư đi, đưa về. Thì chính người cao cấp Pháp mời tôi lên, ông ấy tên là de Pereyra, nói với tôi: Il y a un accident technique hier soir . Tôi hỏi: chuyện gì đấy? Ông ấy bảo: On a arrêté le garçon qui a sorti votre courrier . Ông ấy bảo: Faites attention , là vì bấy giờ người militaire responsable  những chuyện ấy, tụi militaire nó có thể làm hại ông được. Tôi biết rằng họ cũng đương còn có cái ý muốn dùng mình; nếu có chuyện gì muốn chuyển ra cho ngoài biết, có thể qua mình.

Tôi không nghĩ gì đến chính trị, nhưng có cơ hội làm cái gì thì tôi cũng làm. Trái lại tôi nghĩ đến lúc anh em ở ngoài về, nghĩa là thành cái chính phủ của mình rồi, độc lập hay bán độc lập không biết là thế nào, nhưng có một cái trách nhiệm về đường giáo dục, về đường văn hóa, lúc ấy có những công việc gì? Mình phân tích, mình thấy chính người mình thiếu hoàn toàn về mặt ấy. Nếu độc lập, không biết làm công việc gì cho đặc sắc Việt Nam là một; thứ nữa có một giá trị quốc tế là hai.

Tôi mới nghĩ đến Việt học: Học về đường văn hóa Việt Nam. Hồi trước, chỉ một vài người Pháp sang Ecole d'Extrême Orient nghĩ tới. Hoặc là trong Huế có nhóm Amis du Vieux Huế. Những người tuy rằng về đường học lực cũng không cao đâu, chỉ trung học, đại học thấp thấp, nhưng họ có phương pháp, và lúc ấy họ lại có phương tiện nữa, họ lại có quyền, họ có thể làm những công việc không to lớn nhưng có thể ấn loát, phát hành. Bây giờ có những dấu tích như Bulletin du Vieux Huế hay Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême Orient. Tôi có người bạn là ông Nguyễn Văn Huyên, lúc ấy đã có chân ở trường Bác Cổ. Mình thấy rằng nếu người mình biết đem cái phương pháp của họ mà xét việc của mình thì có vô số là chuyện. Tôi cũng có sự mừng vì thế.

Trong những diện khảo sát ấy, về đường sử học thì đã đành rồi, nhưng về ngôn ngữ học, với tiếng Việt... Người ngoài mà có muốn để ý đến những việc ấy, họ cũng không có thể bằng mình được, nếu mình có phương pháp làm việc. Tôi lại nhớ đến chuyện chữ Nôm của tôi, mà lúc bé tôi nghĩ tới, tôi thấy rằng về đường chữ Nôm là môn học về ngôn ngữ, về cổ tự học không có ai bằng mình được. Cho nên tôi có ý đề xướng ra những vấn đề ấy, trong những sách tôi soạn hồi ấy, để làm một cái thử thách. Nói là làm một cái mẫu thì không đúng, nhưng làm một cái thử thách để anh em lúc ấy họ có về, họ thấy thế thì họ nghĩ ra. Và sự thực là đúng như thế. Quyển sách tôi viết về Lý Thường Kiệt, thì sau này có người viết về Khởi Nghĩa Lam Sơn, người viết về đánh Mông Cổ, về Nguyễn Huệ, những người đứng đắn cả. Về đường Nôm, đường sử, nghĩa là mấy vấn đề mà tôi khởi công lúc ấy, sau này có người tiếp tục một cách đi sâu.

Điểm thứ hai nữa là tôi nghĩ đến các anh em bạn tôi hay các học trò tôi. Lúc ấy tôi đã đi dạy cũng được 10 năm ở lycée, mỗi năm có hai lớp terminale về toán, tôi dạy chỉ chuyên toán thôi. Thì có thể nói tôi có 20 lớp, thì có 1000 người -mỗi lớp 50 người-. Trong đám học trò cũ đó, nhiều người giỏi lắm. Tôi sợ rằng là lúc mình độc lập rồi, tất cả những học trò ấy có được về hay không, hay là chết chóc, chiến tranh... Nếu mà họ còn để trở về với các bạn hữu khác của họ thì lúc ấy tụi trẻ có thể làm một công việc gì cho xứng đáng với một nước độc lập, nối tiếp văn hóa của mình từ xưa.
Tôi thấy rằng cái văn hóa xưa bị đứt hoàn toàn. Lúc ấy tôi không tin rằng nếu về họ có thể nối lại được... Nếu họ về, họ phải có một cái gì lập tức, có sẵn rồi, hay là đã có người khơi mào ra, rồi họ tiếp tục thì dễ hơn. Vì thế cho nên, về khoa học, tôi đã viết quyển Danh Từ Khoa Học từ trước (1942), tôi biết là hậu phương hoàn toàn dùng cuốn Danh Từ Khoa Học của tôi để dạy đại học về khoa học.

Đường khoa học thì được tin cụ Nguyễn Văn Tố  đã chết (1948) rồi. Ông Dương Quảng Hàm  -đấy là những người đại diện về khoa học xã hội đời ấy, hay các ông Lê Dư...- thì ông Dương Quảng Hàm tôi đã nghe tin bị chết ở gần Hà Nội. Tôi nghĩ sau này, học về Việt văn không nên trở lại những cái sai lầm khi trước -tôi biết là sai lầm nhiều-. Vì thế tôi mới nghĩ đến việc lập lại, sửa lại hoàn toàn về đường văn học. Cho nên tôi viết quyển Thi Văn Việt Nam, mới ra được từ quãng đầu đời Trần đến đời Mạc, trong cuốn ấy tôi không dùng những báo đời xưa -hồi đó là báo Đông Dương Tạp Chí hay Nam Phong Tạp Chí- người ta đã phiên âm từ chữ Nôm, phiên âm lầm hay không lầm thì không ai biết; mà thực ra người ta lầm nhiều vì tôi đã đọc nguyên bản.

Cho nên lúc ấy tôi mới đề xướng ra là phải truy cái gốc của mỗi chữ từ chữ Nôm mà ra. Quyển sách ấy, tôi viết rõ ràng chữ này mình lấy ở đâu ra, hay là từ chữ Nôm ra. Và chữ Nôm mình có thể đọc thế này thế kia, mình phải giải thích cho người ta. Nếu người ta không đồng ý thì người ta phải tìm cách sửa. Nghĩa là về đường ngôn ngữ học, về đường văn học, có chắc chắn hơn, khoa học hơn.

Về đường văn học hay ngữ học, hiện nay họ khảo cứu về chữ Nôm nhiều, họ lại nhờ được học các đại học bên Nga, bên Đông Đức, cho nên họ dùng ngôn ngữ học để áp dụng vào tiếng Việt, qua chữ Nôm, nên có kết quả. Tuy chưa phải là mình thích hết cả, nhưng đã có cái nền tảng như thế, nhất là nghiên cứu về chữ Nôm. Về chữ Nôm, đấy là một khoa học có mực cao, quốc tế cao. Mà ở trong quốc tế ấy, mình có thể chiếm được phần đầu, vì là tiếng mình thì thế nào mình cũng sành hơn người Nhật, người Tầu, người Úc, người Mỹ..., nhiều người nghiên cứu về vấn đề ấy. Hẳn hoi là bây giờ, những người trẻ của mình đi vào ngành ấy, có thể tương đương với quốc tế, không kém. Những ngành khác thì còn kém nhiều. Sau này tôi tiếp được nhiều bài nghiên cứu hay là sách nghiên cứu của các tuổi trẻ, trong đám ấy, như tôi có lần nói với cô, phụ nữ nhiều. Có thể nói, cái ấy là cái tôi toại chí nhất trong các việc tôi làm.

 
TKTrên đây là giai đoạn tìm tòi, nghiên cứu ở Việt Nam, còn về sau từ năm 1951 bác sang Pháp?

HXH: Tôi sang với cái cớ là sang để tìm kiếm những gì còn lại của văn chương mình hay là ngôn ngữ mình; tôi nghĩ rằng có những người Pháp, người công giáo hay các giáo sĩ qua xứ mình lâu, thì chắc cũng có người mang ít nhiều giấy má về bên này. Hơn nữa, người Âu Châu rất trọng và biết giữ cái xưa. Tôi lúc ấy cũng không chắc lắm, nhưng mong rằng sang bên này tìm được những thứ ấy.

Lúc tôi sang đến Pháp thì có hai nơi: Thư Viện Quốc Gia và Thư Viện Truyền Giáo Mission Étrangère; tôi liền đi cả hai nơi. Ở Bibliothèque Nationale tôi gặp một bà chuyên môn giữ sách về Á Đông. Lập tức bà ấy nói với tôi: "Chúng tôi có một đống sách để ở đây hàng trăm năm rồi mà không ai đọc được. Cho nên không làm catalogue  được. Nếu ông giúp được thì quý lắm." Tôi bằng lòng. Tôi lục ra thì may mắn là còn giữ được những bản Nôm của mình, về công giáo, viết từ thế kỷ XVII. Bây giờ, ở Thư Viện Quốc Gia, thư mục về những sách ấy là tôi làm. Sau này, đời ông Diệm, họ có cho microfilm về bên nhà. Bây giờ thì chắc chắn nhà vẫn còn những microfilm ấy.

Thế còn ở Hội Truyền Giáo thì có những thư từ vãng lai của người công giáo Việt Nam với các cố đạo Âu Châu, viết bằng chữ Quốc Ngữ, chữ Nôm hay chữ Hán, cũng được trữ lại. Hàng năm bao nhiêu giấy mực, họ đóng thành quyển sách, gọi volume này, volume kia, trong ấy rất nhiều tài liệu. Tôi cũng chép được nhiều lắm.

Đấy là những cái bổ ích, tôi đợi để in ra. Nhưng rồi tôi biết, sau này họ cũng cho microfilm bên nhà nhiều lắm thành ra tôi không làm nữa. Hình như có một số người trong chính phủ trong Nam, sau này có in, hoặc ở Đà Lạt, hoặc ở Sài Gòn.
Vì tôi làm cho Thư Viện Quốc gia, mới phát sinh ra những quyển sách của các giáo sĩ dòng Jésuites . Tôi thấy ở trong ấy còn giữ được rất nhiều thư từ hoặc những biên chép, đủ thứ tiếng, tiếng latin, tiếng Pháp, tiếng Espagnol , tiếng Portugais . Tiếng Việt cũng có một phần của người Việt, vào thế kỷ XVII cả. Tôi chép được một số khá nhiều, có viết một bài đăng báo Đại Học (Huế) về chuyện ấy.

Nhưng hồi Pháp sắp ký Hội nghị Genève, tôi sang Rome với tụi Jésuites. Hồi ấy tôi làm ở Bibliothèque Jésuite, sau tôi làm ở Bibliothèque Vatican, người giám đốc thư viện cũng mời tôi làm cho họ một thư mục của Việt Nam ở đấy. Ở thư viện Vatican tôi tìm ra những sách viết của một nhóm Việt Nam từ Thái Bình đi sang Rome trước 1800, trước thời Gia Long, sau bị Portugal  giam cầm, không cho về, thành ra các ông ấy chết bên ấy cả, nhưng để sách vở lại, chừng vài chục cuốn. Sách viết tay cả, tên là ông Bình, ông Philippe Bình.

Ngoài ra bên Pháp có Propagande de la Foi  cũng còn giữ được vài cuốn sách, về thư từ thì ở đấy không có. Tôi tin rằng ở Espagne  hay Portugal trong những monastère  chắc là còn có một vài tư liệu từ đời ấy, nhưng vì hồi ấy, tôi không có giấy phép nên tôi không đi được.
Tôi sang đây mấy năm ấy cũng có ích ít nhiều.

 
TKThưa bác, về những cuốn sách mà bác đã biên khảo như La Sơn Phu Tử hay là Lý Thường Kiệt, chắc là bác đã có những chủ định trước?

HXH: Có. Nó cũng nhiều cái sự định trước, như La Sơn Phu Tử đấy là người họ tôi mấy đời ngày xưa. Thứ hai nữa, khoảng năm 1938, tôi đi thăm viếng những họ xung quanh làng, tôi biết rằng còn có một ít di tích, cổ tích từ đời ấy để lại. Nếu mà viết về sử, mình viết một cách mà người Pháp cũng không có thể viết bằng như thế được, nếu họ trở lại. Người ngoại quốc cũng không có thể đi sâu được như thế. Vì cái ý muốn thích làm đã đành, nhưng để làm gương cho mấy anh em trẻ thì cũng có đấy. Trong những bài tựa, tôi có nói rõ ràng như thế. Đến lúc mình phải tự có những phương pháp viết về những vấn đề khoa học xã hội, nhiều khi mình không quan tâm đến hoặc có quan tâm đến nhưng một cách sai, ví dụ như chuyện Chinh Phụ Ngâm, ai cũng nói rằng của Đoàn Thị Điểm, mà không có ai chịu khó xét có cái lý thực không? Có cái gì trái lại không? Không đâu! Cái đó là mình duy tâm hoàn toàn! Nói Đoàn Thị Điểm vì là người đàn bà, cho nên mình thích thì cứ nói Đoàn Thị Điểm. Đến lúc tôi thấy không phải đã đành rồi; mà có nhẽ, về tác phẩm Đoàn Thị Điểm, có nhẽ vẫn còn đấy, nhưng không phải là tác phẩm mà mình thường đọc, cho nên tôi viết quyển Chinh Phụ Ngâm.

Chú thích: Những đoạn in đậm sau đây, đã bị cắt bỏ trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998.

TK: Thưa bác, có một điều là cuốn Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo bác viết cách đây đã mấy chục năm rồi, bác đã chứng minh rõ ràng như thế, tại sao dư luận quần chúng, số đông, vẫn cứ coi là của Đoàn Thị Điểm? Có gì khó hiểu không, thưa bác?
HXH: Cũng không khó hiểu lắm đâu. Dân mình thực ra duy tâm hết sức. Tuy là về cái marxiste, nó có thể ăn sâu vào chính trị, ăn sâu vào chiến tranh. Nhưng người marxiste của mình cứ nói duy vật, chứ không mấy người duy vật đâu. Tôi nói thực như thế. Duy tâm nhiều lắm, nhiều chuyện lắm nữa. Trong chiến tranh người marxiste chỉ duy vật không thì thế nào cũng thua. Staline nó đánh Đức; đến lúc phải đánh Đức, Staline nó cũng quay lại duy tâm. Lúc ấy nó phải đề xướng ra chủ nghĩa quốc gia của Russie. Nói đến chủ nghĩa quốc gia tức là duy tâm rồi. Bên nhà cũng thế. Cụ Hồ mà nói đến sự người mình yêu nước, thương nước, vì nước vì nòi, những chữ ấy là duy tâm cả. Cho nên cái sự duy tâm dân mình rất lớn từ trước tới giờ.
Cái thứ hai nữa là sau này, tôi nói cái này có nhẽ cũng mất lòng một số người, nhưng mà sự thực tôi nghĩ như thế: Sau này họ đặt ra một cái gọi là Hội Văn Học, tức là cái nhóm người cầm đầu với lại có quyền thế trong hội ấy, nếu họ không thay đổi, những người khác, có nghĩ khác cũng không dám nói.

 
TK: Hội Nhà Văn ạ?
HXH: Ừ, Hội Nhà Văn đấy. Chính Hội Nhà Văn bên nhà họ chưa nhận thức. Họ cũng máy móc lắm, ở đấy lại duy vật. Tôi nghĩ như thế, một cớ là như thế, rút cục chắc cũng có cớ khác nữa.
Về đường duy vật thì có đủ chứng cớ rằng Phan Huy Ích dịch cái bản bây giờ. Tìm được thì có anh Xuân  tìm lại được một bản có Phan Huy Ích đề tựa rõ ràng đấy. Tôi lại được họ Phan Huy cung cấp cho những tài liệu từ lúc viết đấy , cho biết rằng Phan Huy Ích làm cái này. Người ta biết rằng có nhẽ đúng đấy, nhưng mà chưa có đủ những cái về đường chính thức quyết định rằng tác phẩm này là người này viết ra, thì người khác không có thể in ra điều ấy được. Tôi nói ở ngoài thì được. Chứ những người đã có chân ở Hội mà nói như thế không được. Có thể họ nghĩ là về lâu dài rồi cũng phải nhận như thế. Nhưng phải có một hội đồng họp lại, bàn, rồi quyết định này kia. Lúc ấy nó mới thành chính thức. Đấy là cái phần máy móc ở trong sự làm việc của mình.

Sau này, đến chuyện Hồ Xuân Hương thì cô cũng biết rằng là đến bây giờ cũng thế, họ vơ hết cả những thứ gì mà hồi xưa gọi là bất chính thì họ đổ cho Hồ Xuân Hương. Bây giờ chưa ai dám đề xướng ra sự phải xét lại những bài ấy; bài nào không phải là của Hồ Xuân Hương, chắc chắn không phải, phải vứt đi. Mà không ai nghĩ tới. Không ai dám làm những việc ấy. Tôi mong rằng bây giờ, đến lúc cả những người làm văn học quốc tế người ta để ý đến văn chương của mình, và sự giáo dục của mình về đường văn chương; nếu mình không làm rồi người ngoài, người ta cũng nói ra.
Đấy là lối làm việc của mình hiện bây giờ chưa đủ những phương tiện -không hẳn là những phương tiện, chưa biết nên gọi là cái gì- chưa có phương pháp khoa học hoàn toàn, đương còn duy tâm nhiều.


 
TKVề cuốn Lý Thường Kiệt, bác đã viết cuốn Lý Thường Kiệt với một lý do chính trị?
HXH: Hồi ấy tôi ở lại Hà Nội, có thể nói là người Việt Nam ở nội thành còn ít lắm. Người ở ngoài vào trong thành, Pháp họ lại lập lại những trường như hồi trước cả, tôi thấy có nguy cơ về sự học lịch sử. Là một. Thứ hai nữa, tôi cũng muốn kích thích lòng người Việt phải biết tự trọng. Tôi có ý so sánh [thời Lý Thường Kiệt] với việc mất Hà Nội -đời Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương-. Cuốn đầu tiên tôi viết là cuốn Hà Thành Thất Thủ kể chuyện cụ Hoàng Diệu mất thành Hà Nội, bằng documents  hết cả. Lời của tôi thì cũng ít. Tôi đưa ra các bài vè của dân để chế diễu các quan không biết giữ thành, với những bài của Henri Rivière , hoặc của người thông ngôn cho Henri Rivière. Mình đưa ra cho biết rằng lúc mà nước suy thì người giỏi như Hoàng Diệu cũng chẳng làm gì được, mà những người khác yếu hèn thì tự nhiên mất nước là lỗi mình.

Quyển Hà Thành Thất Thủ sau này họ cho là vô danh bởi vì tôi không đề tên tôi ở đấy. Sau tiếp đấy là Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, cũng nhắc lại sử cũ của mình. Nhưng mà cốt thiết nhất là Lý Thường Kiệt, để cốt thấy cái dĩ vãng của mình mà so với hiện tại. Nếu ai đọc bài Tựa Lý Thường Kiệt, thì sẽ thấy rằng hồi ấy mà dám viết những câu ấy, không có mấy người đâu. Quyển sách ấy có thể nói là in -tuy là Pháp ở đấy, công an ở đấy- nhưng mà không có kiểm duyệt. Đấy là cái ý lúc đầu tôi viết vào sử, vào văn là như thế, với ý chính trị nhiều, chứ không phải là không có chính trị. Tuy tôi không làm chính trị theo thói thường.
Rồi chiến tranh kéo dài, 47, 48 đến 51, trong khoảng ấy tôi thấy tương lai, cũng mờ ám. Không biết người Pháp có trở lại như trước không, hay là dân mình lại giành được độc lập. Sự tuyên truyền thì bên nào cũng lớn cả, chứ thực người ở Hà Nội lúc ấy, ngoài lòng tin của mình không kể rồi, nhưng dùng lý trí mà suy xét thì có thể sinh ra nhiều sự khác. Đối với tôi, tôi tin rằng mình sẽ độc lập và người Pháp không thể lấy lại được.

Chú thích: Đoạn sau đây, đã bị cắt bỏ trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, sđd.

Nhưng cũng sợ mình mà được người Pháp lúc ấy thì phải cần đến người Trung Quốc. Nhất là khí giới của Trung Quốc. Mà qua Trung Quốc là khí giới của Nga, có khi là khí giới của Mỹ. Thì tương lai của mình, tôi thấy cái sợ về ngoại xâm phía người Âu Châu, hay Mỹ Châu, nhưng mà cũng sợ sự xâm lấn của người Trung Quốc nữa. Cho nên trong thời kỳ ấy, khi viết cuốn Lý Thường Kiệt, tôi nhấn mạnh cái ý là bên Trung Quốc, khi nào, thời đại nào họ đã thống nhất ở Trung Quốc, thế nào họ cũng kiếm cách lấn xuống dưới.
 

TKBác đã viết cuốn Lý Thường Kiệt như thế nào?HXH: Quyển Lý Thường Kiệt có thể gọi là bất ngờ. Thời Pháp còn đương ở thuộc địa ấy, họ rời trường Bưởi vào Thanh Hóa, tôi phải vào trong ấy một tuần ba ngày để dạy học trò. Trong lúc ấy tôi thấy một vài cái bia xung quanh trường, tôi khám phá ra -từ trước không ai biết đâu, bởi vì rất khó đọc, nhiều người sau này đọc bia thì không mấy người chăm nữa, nhưng tôi khám phá ra- tôi đọc, tôi hiểu cái bia ấy làm ra đời Lý Thường Kiệt, bởi vì có chuyện nói đến Lý Thường Kiệt. Rồi sau tôi lại hỏi thăm một vài vị sư ở trong ấy nữa. Tôi tới các chùa, tôi lại khám phá được ba bốn cái bia trong ấy có nói đến Lý Thường Kiệt.

Rồi tôi lại đến cái chỗ người ta gọi là nhà thờ Lý Thường Kiệt, rất may lại gặp được một người bạn cũ làm tri phủ, tri huyện ở đấy là đất Hà Trung. Lúc ấy tôi đến thăm chính thức đền thờ Lý Thường Kiệt, đền này còn giữ được cái bia kể lại sự tích Lý Thường Kiệt từ khi đầu. Và vị sư làm bia ấy là một người mà ta gọi, không phải là đệ tử mà là tùy thuộc; vì hồi xưa, vị sư cũng là một người công chức của nhà nước. Có thể nói là một người tùy thuộc của Lý Thường Kiệt. Với những ý ấy trong đầu, tôi nghĩ là thế nào tôi cũng viết một quyển sách về Lý Thường Kiệt.
Lúc về Hà Nội, xẩy ra chuyện chiến tranh. Tôi nghĩ nếu mình đề cao Lý Thường Kiệt, với sự khảo sát rất chặt chẽ, sẽ là một cái gương cho những anh em sau này. Hai nữa là đương thời, trong bài Tựa, tôi có viết rằng người Việt Nam nào mà không có lòng ngưỡng mộ một vị như Lý Thường Kiệt, cuộc chống ngoại xâm như đời Lý Thường Kiệt. Hồi tôi viết quyển sách, đã có sở kiểm duyệt của Pháp rồi, nhưng chính người Việt Nam làm ở đấy không dám kiểm duyệt, cho nên quyển sách lúc đó mới ra được. Tôi cũng thích lắm là bởi vì từ lúc ấy đến bây giờ cũng không ai viết hơn được nữa. Bởi vì tôi gặp, tôi lại tìm trong sách Hán văn, một vị quan đời nhà Tống, sau Lý Thường Kiệt, nhưng ông này muốn viết sử về nhà Tống thành ra ông ấy chép lại được hết cả những công văn về qua triều đình nhà Tống, có đến 500 cuốn, mà mỗi cuốn nhiều khi có đến gần một nửa về chiến tranh Việt Nam. Thành ra có thể nói rằng đấy là những tư liệu có đầu tiên từ đời nhà Tống trở lại.
 

TKThưa bác, có thể nói là sau này, cuốn sử Chống Nguyên Mông của ông Hà Văn Tấn, Khởi Nghĩa Lam Sơn của ông Phan Huy Lê, có chịu ảnh hưởng hoặc đã học được ít nhiều lối làm việc của bác trong Lý Thường Kiệt?
HXH: Có nhẽ thế. Cái đó thì phải hỏi các ông ấy mới biết. Nhưng mà tôi biết rằng, vì tôi viết Lý Thường Kiệt, cho nên các ông ấy tiếp tục viết một cách cũng như thế. Họ cố tìm lắm đấy. Nhưng phần lớn cũng có những cái mới hơn đấy. Về Khởi Nghĩa Lam Sơn thì ông Phan Huy Lê có đi tới những chỗ trong nước mà hồi xưa chống quân Minh đấy. Nhất là về ông Lê Thiện. Ông Lê Thiện, chuyện trong dã sử của mình, Hoàng Việt Xuân Thu. Về Hoàng Việt Xuân Thu, trong có vị tướng gọi là Lê Thiện, như thần như thánh, mà trong sử thì không có. Chính ông Phan Huy Lê có về Hà Tĩnh; ông ấy hỏi những người nào trong đời ấy, đền nào có quan hệ đến chuyện đời Lê Lợi không, thì khám phá ra cái họ của ông Lê Thiện có thực.

Lúc mà tôi làm việc hồi xưa, đương còn chiến tranh, không thể đi về từng làng được; chứ sau này, anh em thấy có phương pháp khoa học, làm việc như thế.
Về đường chống Mông Cổ thì ông Hà Văn Tấn đã tìm đọc những bản dịch của những người Persan  -Ba Tư- về chuyện Mongole, về histoire de mongoles, thì cái choix  rộng lắm. Tiếng nước nào cũng nói về chuyện ấy. Ông ấy tìm ra những chỗ nào có nói đến người con của Qubilai  là Thoát Hoan, sang đánh bên mình, thua mấy lần. Những điều ấy đưa cái mới về cho sử học ta và cách phân tích của họ. Tôi nghĩ rằng cuốn sách của tôi có ảnh hưởng.

 
TKTrước khi bác viết Lý Thường Kiệt, thì cuốn đầu tiên nghiên cứu của bác là cuốn La Sơn Phu Tử?
HXH: Oui. Đầu tiên là La Sơn Phu Tử. Với lại cái chuyện trong gia đình, tôi biết đã lâu rồi. Viết ra sách lúc ấy cũng chưa in được nữa. Bởi vì lúc ấy, nói thực ra, số người để ý tới không nhiều đâu. Sau này sang Pháp, tôi mới in ở nhà Minh Tân ở đây.

 
TKThưa bác, cuốn La Sơn Phu Tử đó, bác đã làm việc như thế nào? Vì ngay từ La Sơn Phu Tử, bác đã áp dụng phương thức rất khoa học rồi. Bác đã tìm kiếm tài liệu như thế nào, và làm sao bác kiếm được bút tích của vua Quang Trung? Hiện giờ thì những bút tích đó bác để đâu?
HXH: Cái chuyện vua Quang Trung, là bởi vì tôi nói đấy, tôi định viết về La Sơn Phu Tử thì có hai chỗ là làng ông ấy và chỗ mộ táng ở trên Bùi Phong, tức là chỗ ông ấy làm ruộng đấy. Tôi đi các chỗ ấy. Thăm đến đâu tự nhiên là tôi đi thăm các cụ già, đến những gia đình nào mà hồi xưa có dính líu ít nhiều, hay là có sử sách gì ở trong nhà thì tôi cũng xin xem hết cả. Mà cần thì tôi mua hay là tôi thuê viết. Lúc vào nhà thờ ông La Sơn Phu Tử, họ biết rằng bà nội tôi là dòng thứ năm, thứ sáu của La Sơn Phu Tử. Tôi cũng có thể là dòng thứ 7, thứ 8 từ La Sơn Phu Tử. Tôi nói với họ chuyện có họ hàng ấy; hồi xưa tôi nhớ chính cha tôi cũng kể chuyện rằng đời La Sơn Phu Tử có về làng để đặt mộ cho ông tổ. Chuyện ấy gần đấy. Cho nên họ tin tôi.

Ông tộc trưởng đã nghèo lắm, không có gì rồi. Nhưng ông ấy nhớ, ông bảo rằng là có cất ở trong nhà một cái ống, có giấy má đời Tây Sơn ở trong. Từ xưa đến giờ họ mở ra có một lần, hồi ông Lê Thước có về thăm, họ cho ông Lê Thước xem. Nhưng hình như họ không cho xem hết, bởi vì là ông Lê Thước có nói tới ở trong Nam Phong hồi ấy. Có một ông nữa, ông viết trong Nam Phong bằng chữ Hán, về chuyện La Sơn Phu Tử, họ cũng cho xem đấy. Tôi đang còn nhớ... Hồi ấy ông Lê Thước, các ông không có méthode  làm việc. Cái lối làm việc của ông ấy là: Như có cái thư của triều đình Nguyễn Huệ -chứ không phải là thư Nguyễn Huệ- mà ông ấy xé đi một nửa thế này để làm souvenir, ví dụ như thế. Đời xưa các cụ là thế đấy! Thấy cái gì nó hay hay thế, mà không nghĩ rằng thế là làm mất giá trị một cái thư.
Thế rồi họ đưa cho tôi xem, nhất là tôi thấy cái thư Nguyễn Huệ, thực là tôi cũng không dám nói với họ là thư của Nguyễn Huệ. Tôi chỉ hỏi những cái này làm thế nào mà giữ được đến bây giờ. Họ nói rằng, đời vua Gia Long lên, tự nhiên bắt hủy hết bao nhiêu những giấy má gì của đời Nguyễn Huệ; nhất là đời Minh Mạng, có lúc ngặt lắm, họ giấu cả, không cho ai biết trong nhà có những văn bản về đường Tây Sơn. Rồi họ để đấy, họ quên đi. Sau này, hồi Pháp sang, trường Bác Cổ cũng không ai để ý đến chuyện này, chỉ có mấy người địa phương như ông Lê Thước và một ông cụ nữa, hồi ấy đã viết báo Nam Phong, họ có tới thăm, có thấy một phần nhưng không ai nghĩ mà dùng những cái ấy hoàn toàn.
Lúc ấy, tôi biết là những cái ấy rất quý. Tôi nói: Những cái này quý lắm, mà sao ông để thế này thì nó sờn hết cả. Bó thế này rồi nhét vào ống tre thành ra các thư sờn, rách hết . Cho tôi mượn về để tôi sao lại, rồi tôi đóng hòm sơn son, thiếp vàng để vào trong ấy. Họ mừng lắm, nhất là họ rất nghèo, nhà thờ nhỏ xíu thế này, bằng tranh hết cả. Tôi đưa về, thì tôi đầu hết tôi chép -hồi ấy chưa có photocopie- tôi để giấy mỏng sát lên rồi cứ theo nét thế mà đồ lại, để cho khỏi mất chữ, khỏi sót chữ. Chữ thì hơi giông giống chứ không giống hẳn. Đấy là étape  đầu hết. Còn cái thơ Nguyễn Huệ thì tôi không nói cho họ đó là thơ Nguyễn Huệ. Thế rồi làm sao? Hồi ấy photo thì cũng hiếm ảnh lắm. Không có máy ảnh mà chụp lại liền lập tức đâu. Tôi để dành riêng đấy, tôi làm nguyên một cái hòm sơn son thiếp vàng, tôi để mấy cái thư ấy, tôi trả lại cho họ. Tôi giữ lại cái thư của Nguyễn Huệ. Bởi vì lúc ấy tôi thấy chiến tranh có thể xẩy ra được, đầu hết là tôi tìm cách nào, ít ra là préserver  được cái thư của Nguyễn Huệ. Cũng có lúc tôi nghĩ là tôi gửi vào thư viện của Pháp, thư viện của Ecole Française d'Extrême Orient  ở Hà Nội. Nhưng sau rồi nghĩ lại, đánh nhau thì cũng có thể ta lấy ra rồi vứt đi, thành tôi cứ để ở nhà. Rồi lúc tôi phải sang Pháp, tôi mang theo. Đến lúc ở bên nhà, xem chừng chính phủ đã vững vàng rồi, tôi gửi trả lại. Anh Nguyễn Khắc Viện cầm về. Tôi còn nhớ rõ ràng như thế.

 
TK: Tức là bây giờ thì ở trong thư viện Hà Nội ạ?
HXH: Chỉ còn cái thư của Nguyễn Huệ thì để ở thư viện Hà Nội, à không phải thư viện mà là ở Viện Bảo Tàng Lịch Sử Hà Nội. Thế còn những cái thư kia hình như về làng, nó cũng mất cả, không còn. Tôi hỏi nhiều lắm mà không người nào giả nhời tôi được là những thư ấy còn hay không? Thì chỉ còn mấy cái fac-similé  tôi viết thì còn.

 
TKThưa bác, trên phương diện sử học bác đánh giá vua Quang Trung như thế nào?
HXH: Với vua Quang Trung, qua cái chuyện La Sơn Phu Tử đấy, thì tôi thấy: Quang Trung, ngoài sự ông giỏi về đường võ bị, về đường thao lược, ông tuy là người không có học nhưng biết dùng người có học. Đấy là một đặc điểm của những người mà ta gọi là anh hùng đời xưa là thế. Ông Lê Lợi cũng thế, cái học của ông ấy cũng không cao đâu, nhưng ông biết dùng Nguyễn Trãi. Ông Quang Trung tự nói rằng ông có cái kiến thức của ông là vì mắt thấy tai nghe, tức là không đọc trong sách.

Nhưng ông biết dùng những người như Ngô Thì Nhậm đã đành, mà gần ông nhất là ông Trần Văn Kỷ, một người mà không mấy ai nói tới. Hiện bây giờ bên nhà đã có người viết cuốn sách về Trần Văn Kỷ. Tôi không được biết nhiều nhưng thấy những dấu tích của ông ấy để lại xung quanh Quang Trung thì biết rằng đấy là một người rất giỏi. Quang Trung là thế. Nhưng chỉ tiếc rằng đời làm vua của ông chỉ có 5, 6 năm mà thôi, thành ra chưa có một công việc gì về đường dựng nước. Về đường cứu nước thì ông ấy có, nhưng đường dựng nước thì ông chưa làm được gì. Đến các đời con thì là hư hỏng. Hư hỏng bởi vì trong triều lúc ấy lại tranh giành nhau, người tỵ nạnh cái này, cái kia, người muốn lạm quyền, rồi thì tan nát hết cả.

 
TKThưa bác, có sự khác biệt giữa một vua Quang Trung dưới mắt sử gia như bác vừa nhìn, với vua Quang Trung và những chiến thắng vĩ đại trong các thông tin đại chúng, để tôn thờ, sùng bái. Cái đó có điều gì đáng nghi ngờ?
HXH: Về Quang Trung, cái công đánh bạt Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long, cái công ấy rất to. Bởi vì nếu Tôn Sĩ Nghị không thua, để cho nhà Lê tiếp tục thì tự nhiên nhà Lê sẽ ở dưới quyền vua Thanh. Cái đó chắc chắn. Bởi vì họ [quân nhà Thanh] đi là cũng đó cái ý đồ như thế rồi, và rồi họ sang thấy người Việt bạc nhược như thế, thì đuổi họ về, khó lòng lắm. Công ấy rất to. Chứ còn trong anh em [viết sử] sau này thường cứ nói rằng là: Công thống nhất nước Việt Nam là Tây Sơn, tức là Quang Trung, đối với tôi thì tôi không đồng ý. Tây Sơn có đánh bại quân Xiêm ở Rạch Gầm, là một sự thực. Đánh bại quân Thanh ở Thăng Long cũng là một sự thực. Nhưng hai trận thắng ấy không phải là đồng thời, mà trái lại, có thể nói là hồi vua Quang Trung ở ngoài Bắc thì Nguyễn Nhạc còn đang chiếm vùng giữa, vùng trong thì lúc ấy nhà Nguyễn đã chiếm cả trong Nam rồi. Không phải là thống nhất. Đấy chỉ là đánh được giặc ở Nam, đánh được giặc ở Bắc. Nếu ông ấy sống lâu nữa, có lẽ sẽ thống nhất; nhưng vì chết sớm thành ra không thống nhất được.

Chứ trái lại, sau này Gia Long thắng trận đấy, bằng cách gì mình cũng không cần bàn, nhưng thực sự là lúc ấy, ông cầm quyền từ trong Nam ra đến ngoài Bắc; không những thế, uy tín ở bên Lào, uy tín ở bên Mên mạnh lắm. Có thể nói là nên coi Gia Long là người thống nhất đất nước; trong khuôn khổ bấy giờ thì Gia Long đúng hơn. Chứ nói cái ý đồ muốn thống nhất thì không những đến đời Tây Sơn mới có ý đồ ấy, như Trịnh Sum  đã có ý đồ thống nhất, mới sai Hoàng Ngũ Phúc vào đánh chúa Nguyễn, đuổi chúa Nguyễn vào Quảng Nam; và đấy cũng là vì sự bệnh tật của Hoàng Ngũ Phúc với Nguyễn Nghiễm -hai ông tướng ấy bị ốm cả hai- thành ra trong kia, khí thế của Nguyễn Nhạc với Nguyễn Huệ vẫn còn mạnh. Các ông ấy phải dừng lại ở Quảng Nam. Cái ý đồ muốn thống nhất vẫn có từ trước nhưng phải đến đời Gia Long mới thống nhất.

 
TKThưa bác, trong cuốn Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo bác có nhắc qua đến Ngọc Hân và bài Ai Tư Vãn , thưa bác, Ai Tư Vãn có thể không phải của Ngọc Hân viết ra?
HXH: Oui, tôi thì tôi không tin là của Ngọc Hân đâu. Bởi vì hồi xưa, người mình, văn là thế, nhất là những người có chức vị cao thì cứ đề rằng cái này do ông này làm... Nhưng thực ra "ông ấy" là có cả những người bên này gọi là "nègre" đấy, chính những người ấy viết, rồi ông ấy đọc. Ví dụ bên này họ nói bài diễn văn của Tổng Thống Mitterand, nhưng chưa chắc cái discours ấy đã do ông Mitterand viết. Bài của Ngọc Hân thì cũng thế. Tuy không có lý gì mà nói rằng Ngọc Hân không có tài. Nhưng theo cái duy tâm  ấy, thì nghĩ rằng một người công chúa như Ngọc Hân, không đủ thời gian tập làm văn, học làm văn để viết được một bài như Ai Tư Vãn. Đó chỉ là một sentiment  thôi. Cụ Lê Dư trước có nói với tôi rằng, bài văn ấy của một ông tên là Nhi, gì ấy, tôi không nhớ rõ.

 
TKKhông phải của Phan Huy Ích ạ?
HXH: Không. Không phải của Phan Huy Ích. Nói thực ra, nếu có chứng cớ gì của Phan Huy Ích, thì cũng có thể tin được. Điều này thì cụ Lê Dư có nói đến tên ông Nhi ấy, nhưng tôi không tìm thấy gốc. Bài văn rất hay, đối với Ngọc Hân, bên mình hay duy tâm, cứ gán cho một cô con gái thì thích hơn. Người ta nói thế mà mình không chối được thì cứ tạm để thế. Tôi thì tôi không tin là thực.

Một cái thí dụ khác, như bài Trận Vong Tướng Sĩ ai cũng nói là của ông Nguyễn Văn Thành, nhưng có phải của ông Nguyễn Văn Thành viết đâu. Ông Nguyễn Văn Thành lúc ấy là một ông tướng đứng đầu, có một nhóm văn sĩ xung quanh. Ông thân với nhóm ấy, trong có Nguyễn Huy Lãng  -thuộc dòng họ ông Nguyễn Huy Thiều, họ Nguyễn Huy ở bên Gia Lâm- rất hay chữ. Tôi gọi là école styliste  đấy. Về đường văn thái thì chính nhóm ấy là lớn, với nhóm Tiên Điền, tôi gọi là nhóm Hồng Sơn: Phạm Huy Hổ với Mai Đình Mộng Ký, với Kiều, Hoa Tiên. Còn nhóm Gia Lâm, thì Nguyễn Huy Lãng viết nhiều lắm, bài Tây Hồ Tụng , rồi sau Phạm Thái làm bài Tây Hồ Chiến. Tôi thu thập được một quyển sách -nếu có thì giờ tôi in ra- của ông Nguyễn Huy Lãng. Văn ông ấy rất kêu. Có khi trống. Những người trong Vinh, trong Nghệ thì họ chê, nói là văn các ông ấy kêu quá, hay quá, cho nên nhiều khi trống, nghĩ kỹ thì không có nghĩa. Ông Nguyễn Công Trứ ghét cái lối văn ấy, cho nên ông có bài hát, ông nói: Bò vàng liếm lá, caractériser  người làm văn giống như con bò vàng liếm lá cho nó trơn tru. Bài Trận Vong Chiến Sĩ rất hay, tôi chắc chắn của ông Nguyễn Huy Lãng bởi vì tôi có preuve : Những sách của ông Nguyễn Huy Lãng viết có bài ấy .

 
TKThưa bác, thế còn số phận của Ngọc Hân công chúa thì bác có biết sau ra sao không?
HXH: À! Về mặt ấy thì nói thực ra tôi cũng không suy xét kỹ lắm. Nhưng mà có một truyện là trong tập văn Phan Huy Ích, có những bài văn tế ở Phù Ninh, về bà chúa ở Phù Ninh. Bà Phù Ninh chính là mẹ của Ngọc Hân công chúa đấy. Trong ấy, hình như có hai bài văn tế nữa: Bài văn tế mẹ công chúa và một bài văn tế Ngọc Hân công chúa cuối cùng chết và chôn ở làng. Có lẽ là trước khi Gia Long về.

Còn một việc nữa là khi ông Nguyễn Thiếp, tức là La Sơn Phu Tử, vào đời Quang Toản, gặp đám tang của Bắc Phương  Hoàng Hậu, hay là Hoàng Thái Hậu, tôi cũng không nhớ rõ nữa. Nếu Hoàng Thái Hậu thì đúng hơn. Nhưng chữ Bắc Phương là Bà hoàng hậu ở ngoài Bắc. Vợ Quang Trung mà ở Bắc thì là Ngọc Hân công chúa. Hình như là chết trong đời Quang Toản. Có một thuyết nữa: Đến lúc Gia Long lên, Gia Long lại đưa Ngọc Hân vào trong cung*. Cái ấy bên nhà bây giờ có thể tra xét được một cách rõ ràng hơn. Phải tới làng, phải suy xét, xem trong làng người ta kể chuyện thế nào, trong gia phả coi có còn gì nữa không? Thì có thể biết được.


---------------------------
* Chung cục của Ngọc Hân, theo Sơn Tùng Hoàng Thúc Trâm:
Đến năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất, bài Ai Tư Vãn đã tỏ được cả một trời thương biển nhớ của Ngọc Hân đối với chồng:
Buồn xem hoa, hoa buồn thêm thẹn
Cánh hải đường đã quện gió sương!
Về cái chung cục của Ngọc Hân, như ở phần thứ nhất đã chua, trước giờ nhiều người đã đưa ra nhiều thuyết:
Có thuyết nói, về sau, nhà Tây Sơn bị diệt, vua Gia Long (1802-1819) muốn lấy bà Ngọc Hân, quần thần có người can lại vì cho thế là lấy vợ thừa của nhà Tây Sơn, nhưng vua Gia Long không nghe, cứ lấy và giải thích rằng: Giang sơn thành quách này, cái gì chẳng phải mình lấy lại từ nhà Tây Sơn, lọ là một người đàn bà?
Thuyết hai lại cho rằng sau khi nhà Tây Sơn mất, bà Ngọc Hân cùng hai con, một trai, một gái, phải giả dạng làm vợ một người lái buôn, trốn tránh vào một miền quê ở tỉnh Quảng Ngãi; được ít lâu, tung tích bại lộ, bà và hai con cùng bị triều Nguyễn gia hình bằng lối "tam ban triều điển" (được chọn lấy cái chết trong ba cách: một, thắt cổ bằng tấm lụa; hai, uống chén thuốc độc; ba, tự sát bằng gươm).
Nhưng sự thực không phải thế!
Bà Ngọc Hân mất năm Kỷ Mùi (1799), mà nhà Tây Sơn mãi đến Nhân Tuất (1802) mới đổ, thế nghĩa là bà chết trước khi Tây Sơn bị diệt vong những ba năm, thì sao còn ở lại để lấy vua Gia Long hay để chịu "tam ban triều điển" được?
Chứng cớ ấy tôi tìm được ở năm bài văn tế, do một yếu nhân đời Tây Sơn là cụ Dụ Am Phan Huy Ích đứng thảo: Một bài cho vua Cảnh Thịnh, một bài cho các con gái vua Quang Trung, một bài cho Phù Ninh từ cung là mẹ đẻ của Ngọc Hân, một bài cho cựu hoàng Sòng là những người trong tôn thất nhà Lê và một bài cho các bà con họ ngoại bên Phù Ninh để đọc trong những tuần tế điện bà Ngọc Hân tức Vũ Hoàng Hậu.
Trong bài "Cựu hoàng tông điện văn" có câu:
Hẳn non lam khí vượng đã tàn rồi?
Nên vườn lãng cảnh khơi mà vội thế!
tức là ý nói: Có lẽ cái vượng khí ở Lam Sơn là chỗ phát tích của nhà Lê đến lúc đã tàn vạc, cho nên bây giờ bà Ngọc Hân mới vội chơi cảnh tiên (sớm mất) như thế!
Đến tháng mười một (trung đông) năm Kỷ mùi (1799), triều đình nhà Tây Sơn làm lễ truy tôn miếu hiệu bà là Nhu Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Trong bài sách văn truy tôn bằng chữ Hán có câu: "Tố thập tứ niên vi việp đồng thư..." (cuốn sách rực rỡ viết bằng cây bút quản đỏ chép công đức bà trong mười bốn năm).
Như vậy rất đúng với số năm: từ Bính Ngọ (1786) bà lấy đức lệnh Nguyễn Huệ, đến Kỷ Mùi (1799) bà mất, vừa mười bốn năm theo lối tính tuổi của ta xưa.
Nếu bảo những chứng cớ trên còn chưa đủ, vì vua Quang Trung có những hai bà hậu, e rằng Vũ Hoàng Hậu ấy có thể lẫn với bà hậu họ Phạm, là mẹ đẻ của vua Cảnh Thịnh chăng?
Thì cái sử liệu này lại có thể trả lời: Ngoài bài sách văn truy tôn Vũ Hoàng hậu ấy, triều Tây Sơn còn có bài sách văn khác gia tôn miếu hiệu cho bà hậu là mẹ đẻ của vua Cảnh Thịnh, nội dung gọi là "hoàng tỉ" (mẹ đẻ mà đã chết của vua) và tôn hiệu là "Nhân - cung - đoan - tĩnh - trinh - thục - nhu - thuần Vũ hoàng - chính - hậu". Thế là hai người khác nhau hẳn từ miếu hiệu đến tiếng tôn xưng. Vậy xin nhắc lại cho rõ:
Lê Thị Ngọc Hân là "Nhu - ý - trang - thận - trinh - nhất"
Phạm thị là "Nhân - cung - đoan - tĩnh - trinh - thục - nhu - thuần"
Lê thị là "Vũ hoàng hậu"
Phạm thị là "Vũ hoàng chính hậu"
Thế là nay đã thanh toán xong cái sử sự về chung cục của Ngọc Hân.
(trích Quốc Văn Đời Tây Sơn, Sơn Tùng Hoàng Thúc Trâm, tr.80-83. Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1950)
(Tư liệu của giáo sư Tạ Trọng Hiệp)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved