Home » » Đề dẫn Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của L. Tolstoi

Đề dẫn Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của L. Tolstoi

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011 | 00:55

Đề dẫn Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của L. Tolstoi

07/12/2010 03:58
Cách đây đúng 100 năm, đại văn hào Nga Lev Nikolaievich Tolstoi (1828-1910) đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại một di sản trước tác khổng lồ và sự ngưỡng mộ lớn lao cho toàn nhân loại. Sinh thời, Lev Tolstoi đã là một tên tuổi lừng lẫy, và cùng với các tên tuổi như Puskin, Gogol, Dostoievski, Tsekhop... làm nên thế kỷ vàng của văn học Nga. Qua hơn một thế kỷ, tên tuối Tolstoi càng trở nên sáng chói. Không chỉ tại nước Nga quê hương mình, toàn bộ di sản của ông được trân trọng giữ gìn mà ở hầu hết các quốc gia phát triển và văn minh nó cũng được coi trọng giới thiệu và quảng bá sâu rộng. Tác phẩm của Lev Tolstoi luôn dẫn đầu các tác gia cổ điển về số lượng ấn phẩm ở những nơi này.

Kính thưa các vị khách quý !
Kính thưa các nhà khoa học tham dự hội thảo !

Cách đây đúng 100 năm, đại văn hào Nga Lev Nikolaievich Tolstoi (1828-1910) đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại một di sản trước tác khổng lồ và sự ngưỡng mộ lớn lao cho toàn nhân loại.

Sinh thời, Lev Tolstoi đã là một tên tuổi lừng lẫy, và cùng với các tên tuổi như Puskin, Gogol, Dostoievski, Tsekhop... làm nên thế kỷ vàng của văn học Nga. Qua hơn một thế kỷ, tên tuối Tolstoi càng trở nên sáng chói. Không chỉ tại nước Nga quê hương mình, toàn bộ di sản của ông được trân trọng giữ gìn mà ở hầu hết các quốc gia phát triển và văn minh nó cũng được coi trọng giới thiệu và quảng bá sâu rộng. Tác phẩm của Lev Tolstoi luôn dẫn đầu các tác gia cổ điển về số lượng ấn phẩm ở những nơi này. Ông không chỉ được trân trọng như một nhà văn thiên tài mà còn được thừa nhận là triết gia, tư tưởng gia lỗi lạc, với những cống hiến to lớn không chỉ cho văn học mà cho cả sự nghiệp đấu tranh vì một tương lai của nhân loại không bạo lực, không áp bức bóc lột, vì một thế giới của những giá trị nhân bản cao quý. Khoa “Tolstoi học” từ lâu đã trở thành một bộ môn của khoa học xã hội và nhân văn trên toàn thế giới, với nhiều thành tựu đạt được nhờ liên ngành hóa, toàn cầu hóa, hướng tới sự nhận chân toàn diện vai trò và ý nghĩa của “hiện tượng Tolstoi” trong văn minh nhân loại. Với những tinh thần ấy, năm 2010 đã được chọn là năm toàn thế giới kỷ niệm Tolstoi, với rất nhiều hội nghị và hội thảo khoa học về Tolstoi, với việc tái bản và tục bản tác phẩm của ông ở các quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tại Việt Nam, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, tên tuổi Tolstoi, qua các kênh ngôn ngữ khác nhau, đã đến với giới trí thức, với các nhà hoạt động chính trị xã hội. Đặc biệt, từ những năm 1960, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt và chiến tranh chống ngoại xâm khốc liệt liên tục, bên cạnh nhiều trước tác của các nhà văn Nga cổ điển khác, độc giả Việt Nam đã được đọc “Những truyện ngắn Sevastopol”, “Anna Karenina”, “Phục sinh”, và đặc biệt là bộ tiểu thuyết sử thi “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoi. Những triết lý về chiến tranh nhân dân và hình ảnh các nhân vật vừa can đảm vừa nhân hậu, bình dị, thấm đẫm tâm hồn Nga đã khiến các tác phẩm của Tolstoi đi sâu vào tâm thức của hàng vạn người Việt Nam ra trận bảo vệ tổ quốc. Tài năng văn chương lỗi lạc của Lev Tolstoi cũng đã thu phục niềm cảm kích của rất nhiều nhà văn chiến sĩ Việt Nam trong thời kỳ này, và có sức ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ vào các sáng tác của họ. Sự nghiệp văn chương của Lev Tolstoi cũng luôn được giảng dạy với một thời lượng đáng kể trong chương trình của các trường đại học, và được nghiên cứu kỹ lưỡng tại các viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam. Có lẽ, cũng không quá khi nói rằng trong những điều kiện lịch sử xã hội vô cùng khó khăn, ở Việt Nam đã có một lịch sử giới thiệu và nghiên cứu Tolstoi-nhà văn rất đáng khâm phục.

Tuy nhiên, trong khi các trước tác văn chương của Tolstoi đã được dịch ra tiếng Việt khá đầy đủ thì các tác phẩm triết học, chính luận - một phần hết sức quan trọng trong di sản của Tolstoi đã được công luận quốc tế rất trân trọng, đánh giá cao và được dịch ra hàng chục thứ tiếng - lại ít được biết đến ở nước ta. Và hệ quả là việc nghiên cứu Tolstoi ở Việt Nam vẫn còn là một bộ môn quá non trẻ, khiếm khuyết so với ‘Tolstoi học’ khu vực cũng như thế giới. Việc một số ấn phẩm về mảng di sản này của Tolstoi, như Đường sống – văn thư nghị luận chọn lọc vừa ra đời trong thời điểm này, và các tham luận sẽ được trình bày trao đổi trong cuộc Hội thảo sắp diễn ra xung quanh hai chủ đề lớn: “Tolstoi - nhà văn, nhà tư tưởng, nhà giáo dục” và “Tiếp nhận Tolstoi ở Việt Nam và các nước khác” chính là những bước đi tiếp, những nhận thức mới về toàn bộ di sản của đại tác gia Lev Tolstoi trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng như trong các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam.  
Với chủ đề “Lev Tolstoi và sự tiếp nhận di sản của ông ở Việt Nam”, cuộc hội thảo do Viện Văn học đăng cai, cùng sự phối hợp đồng tổ chức của trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây  nhằm các mục tiêu cơ bản sau đây:

1. Nhìn lại chặng đường Lev Tolstoi đến Việt Nam, trên các phương diện: dịch thuật, quảng bá, và nghiên cứu.

2.    Khám phá thêm những đóng góp và giá trị văn chương của Lev Tolstoi từ các hướng tiếp cận mới.

3.    Mở ra những hướng tìm hiểu mới về Lev Tolstoi, tập trung vào các giá trị tư tưởng, đạo đức mà ông chủ trương, như lòng khoan dung, vị tha, vô kỷ, phương thức đấu tranh bất bạo động...  trên cơ sở những tư liệu mới được (và còn cần được tiếp tục) tổ chức dịch thuật và công bố. Như đã biết, là nhà văn thiên tài, là vị thủ lĩnh tư tưởng bậc nhất của nước Nga, nhưng trong gần suốt 7 thập kỷ qua, hai phần giá trị này của Tolstoi lại được tôn vinh biệt lập bởi hai thế giới: nước Nga tôn vinh nhà nghệ sĩ nhà văn, còn phương Tây hầu như chỉ hào hứng với di sản tư tưởng của ông. Vì vậy hướng đi mới mẻ đặt ra cho giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn Việt Nam lần này không chỉ nhằm khắc phục một sự chậm chễ, thiếu hụt của học giới chúng ta mà còn tạo cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam góp phần vào sự phát triển hài hòa, toàn diện của thế giới nói chung.

Tất nhiên, trong khuôn khổ của một Hội thảo không thể đặt ra hết mọi vấn đề, và càng không thể có một kết luận sau cùng cho bất cứ vấn đề nào. Với thời gian có hạn, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học sẽ tạo ra những trao đổi dân chủ, bám sát các mục tiêu đề ra để sinh hoạt này thực sự mang tính chất của một Hội thảo khoa học xứng đáng với tầm cỡ của sự kiện.

Như bài phát biểu của ông Lev Vladimir Ilich Tolstoi – hậu duệ trực hệ của Lev Tolstoi - sẽ được trình bày trước các quý vị, với tiêu đề: Cái chết là sự bắt đầu cuộc sống khác, chúng tôi hy vọng từ cuộc Hội thảo hôm nay, Tolstoi sẽ có một cuộc sống phong phú hơn tại Việt Nam và di sản đa dạng mang căn cước nhân loại của ông cũng khiến cho đời sống tinh thần của không chỉ người dân Việt Nam mà cả nhân loại trở nên đậm chất nhân văn hơn.
Xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu!
Xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị đại biểu và nhiệt tình cộng tác của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
                                                             
  Viện trưởng Viện Văn học

                                                                           PGS.TS. Phan Trọng Thưởng

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved