Hội thảo thân thế và sự nghiệp Cao Bá Quát
06/11/2009 01:13Ngày 7/10/2008 tại Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu (Quốc Tử Giám) Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về Cao Bá Quát nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ (1808-2008).
Ngày 7/10/2008 tại Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu (Quốc Tử Giám) Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về Cao Bá Quát nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh nhà thơ (1808-2008). Đến dự cuộc Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội, PGS.TS. Hồng Vinh - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam , PGS.TS. Phan Trọng Thưởng - Viện trưởng Viện Văn học, các đồng chí lãnh đạo chính quyền xã Phú Thị, huyện Gia Lâm - quê hương Cao Bá Quát và đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận phê bình.
Sau lời khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh và Báo cáo đề dẫn của GS.TS. Mai Quốc Liên - Giám đốc Trung tâm Quốc học với nhan đề: Cao Bá Quát nhìn từ thời đại chúng ta, Hội thảo đã được nghe một số tham luận nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Cao Bá Quát.
Có 14 bản tham luận đã được gửi tới Hội thảo, tập trung vào 3 chủ đề chính, như sau:
1. Về cuộc đời, cốt cách, tư tưởng người trí thức Cao Bá Quát có các bản tham luận: Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ - hai cốt cách và thân phận trí thức trong mở đầu triều Nguyễn (GS. Phong Lê); Cao Bá Quát - nhật ký trong đêm thế kỷ (nhà văn Xuân Cang); Thực chất thái độ của Cao Bá Nhạ đối với Cao Bá Quát qua Tự tình khúc và Trần tình văn (TS. Đặng Thị Hảo); Cao Bá Quát - một “hành nhân” cô độc của văn học Việt Nam thế kỷ XIX (Th.S Quách Thu Hiền).
2. Về quan niệm văn học của Cao Bá Quát có các bản tham luận: Quan niệm văn học của Cao Bá Quát (GS. Trần Đình Sử); Quan niệm văn chương, học thuật của Cao Bá Quát (PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn); Cao Bá Quát viết phê bình, lý luận (nhà thơ Ngô Văn Phú); Cao Bá Quát với hoa mai (nhà thơ Ngô Văn Phú).
3. Về giá trị thơ văn và vị trí Cao Bá Quát trong văn chương và lịch sử có các tham luận: Thơ Cao Bá Quát đồng hành cùng chúng ta (PGS.TS. Phan Văn Các; Cao Bá Quát thiên tài kỳ vỹ (PGS.TS. Mai Quốc Liên); Từ Thiên cư thuyết đến sự thể hiện con người cá nhân trong thơ Cao Bá Quát (PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn); Cao Bá Quát trong bảo tàng văn học Việt Nam (TS. Nguyên An).
Ngoài ra các đại biểu dự Hội thảo còn được nghe các nghệ sĩ của câu lạc bộ ca trù Thái Hà trình bày một số bài thơ của Cao Bá Quát theo điệu ca trù.
Ông Nguyễn Huy Thuấn thay mặt chính quyền địa phương và dòng tộc hai họ nội ngoại của Cao Bá Quát đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Ban tổ chức Hội thảo, đồng thời cung cấp thêm một số tư liệu về con người, dòng họ và quê hương nhà thơ.
Kết thúc buổi Hội thảo, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng đã phát biểu ý kiến tổng kết, khẳng định thành công của cuộc Hội thảo, đặc biệt đánh giá cao giá trị khoa học của một số bản tham luận đã nhìn Cao Bá Quát bằng con mắt của người hôm nay, gắn với xu thế giao lưu hội nhập và toàn cầu hóa. Việc phối hợp giữa các lực lượng nghiên cứu đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong việc đánh giá Cao Bá Quát. Giá trị thơ văn Cao Bá Quát đã được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, góp phần khẳng định vị trí và những đóng góp của Cao Bá Quát đối với lịch sử văn học nước nhà1