Home » » Việt Nam khai quốc: Sự đối đầu

Việt Nam khai quốc: Sự đối đầu

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011 | 00:35

Việt Nam khai quốc: Sự đối đầu

The Birth of Vietnam (chương 6, phần 3)
Thứ Tư 2, Tháng Ba 2011, BTV: DT
Xem mục lục ở sau Lời mở đầu sách Việt Nam khai quốc
Mặc dầu Quế Trọng Vũ tái chiếm được Đại La thành nhưng rõ ràng các cuộc nổi loạn đã giáng cho chính quyền nhà Đường tại miền Nam một đòn chí tử. Hậu quả từ thất bại của Bùi Hành Lập trong chiến dịch tấn công "Man Hoàng Động" còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vụ nổi dậy nghiêm trọng hơn nữa và tập trung ở Ung Châu, phía Bắc An Nam những năm sau đó khiến việc nhà Đường đương đầu với "Man Hoàng Động" phải tạm thời gác sang một bên.
Năm 822, phó Đô Hộ An Nam là Thôi Kết được phong chức Kinh Lược Sứ Ung Châu, với trọng trách tái lập quyền hành của nhà Đường ở đó (21). Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, Quế Trọng Vũ lại thay thế Thôi Kết ở Ung Châu. Vương Thừa Biện lên thay Quế Trọng Vũ ở An Nam nhưng chỉ đến cuối năm Lý Nguyên Hỉ lại thay thế ông (22). Sở dĩ có sự thay đổi nhân sự liên tiếp như thế là vì nhà Đường tìm mọi cách tổ chức lại vùng biên cương phía Nam đã bị vỡ vụn ra từng mảnh. Suốt thập niên sau đó, những khó khăn ở biên giới cùng với tình hình ly loạn lúc nào cũng âm ỉ ở An Nam khiến các quan chức nhà Đương luôn luôn ở thế phòng ngự.
Đầu mùa hè năm 823, Lý Nguyên Hỉ tâu về triều rằng các bộ tộc Lão trong châu Lục đã tấn công và cướp phá các khu định cư nông nghiệp (23). Vài tháng sau lại báo cáo "Man Hoàng Động" đánh phá Ung Châu (24); rồi đến mùa thu năm ấy "Man Hoàng Động" lại tấn công cướp phá An Nam (25). Sang năm sau, "Man Hoàng Động" mở cuộc đánh phá khắp nơi. Tiết độ sứ Quảng Châu tâu trình rằng một viên tướng của ông đã bị chúng giết mất (26). Mùa thu năm 824, chúng lại xâm nhập để cướp phá ở An Nam. Lần này "Man Hoàng Động" lại kết hợp với một toán giặc đi đường biển từ Nam Chiếu lên tham gia cướp phá. Sau đó, chúng lại chiếm luôn châu Lục và giết chết viên Thứ sử ở đấy (27). Những hoạt động này được khuyến khích và hỗ trợ của những người từng theo Dương Thanh trước kia (28).
Hết khó khăn này đến khó khăn khác cùng với việc phải đương đầu với những cuộc cướp bóc và phá phách của “Man Hoàng Động” khiến Lý Nguyên Hỉ bỏ thành Đại La. Năm 825, ông tâu với triều đình là ông đã dời trị phủ lên bờ Bắc sông Hồng. Theo thư tịch Việt Nam, quân nổi dậy địa phương đã phá hủy thành Đại La. Rõ ràng Nguyên Hỉ phải dời về thành Long Biên nhưng rồi cũng chỉ lưu lại ở đó một thời gian ngắn ngủi vì, ngoài việc sợ xui xẻo do dòng sông chảy qua ngay nơi cổng thành phía Bắc, lại còn bị đe doạ bởi "nhiều người nuôi dưỡng ý định làm loạn" cận kề nên hẳng bao lâu, ông lại quay trở về vùng phụ cận thành Đại La. Sau khi dựng được một cái thành nhỏ, nhiều người công khai chế giễu rằng "khả năng của Lý Nguyên Hỉ chỉ có thể xây được một cái thành cỏn con như thế" (29).
Việc xây cái thành nhỏ lại được đặt tên là "La Thành" này, đã được ghi lại trong một truyền thuyết liên quan đến một vị thổ thần. Truyện này được trích trong một cuốn sách, được viết không đầy nửa thế kỷ sau đó, nên chúng ta có thể tin được ít nhiều vào giá trị lịch sử của nó (30).
Theo như câu chuyện được kể lại thì La Thành có “cửa kép tường đôi, bốn hướng vây tròn, nhà cửa san sát”. Nguyên Hỉ tin rằng địa điểm ông đã chọn lựa để xây thành là nơi sinh ra của một vị thần địa phương rất linh thiêng. Thần địa phương này chính là Tô Lịch, người mà năm xưa từng làm quan Lịnh dưới triều nhà Tấn.
Theo truyền thuyết thì Tô Lịch “gia tư không hào phú lắm, tề gia lấy sự hiếu đễ làm trọng”. Khi Tô Lịch đỗ “Hiếu liêm, có lời chiếu biểu dương môn lư của ngài, gặp năm mất mùa thiếu ăn, chiếu đong lúa kho cho ông, lấy tên ông là Tô Lịch đặt tên thôn” và dòng sông chảy qua đó.
Khu vực sông Tô Lịch, ngày nay vẫn còn chảy qua Hà Nội, đã là vùng đất rất quan trọng về mặt chính trị vào thế kỷ 6 vì được dân chúng cho là đất kiểu "Long Đỗ" (Rốn Rồng) mà theo phong thủy là tiêu biểu cho trung tâm địa lý và tinh thần của non sông Việt Nam. Và việc Tô Lịch được phong làm thành hoàng ở đó, chắc chắn là vì giới cầm quyền đã hiểu được quan niệm về vương quyền bản địa. Để gia tăng niềm tin của dân chúng địa phương vào thổ thần Tô Lịch, Lý Nguyên Hỉ còn có hàng loạt các động thái để chứng tỏ lòng tín phục các phong tục và tập quán địa phương của ông.
Trước hết, Lý Nguyên Hỉ mở một đại tiệc và cho xây một điện thờ. Sau đó, ông cất một ngôi đền và lại mở một đại tiệc nữa, “trăm điệu múa đều có, đàn địch vang trời”. Tương truyền rằng sau lễ hội, “đêm ấy, Nguyên Hỉ đang yên lặng nằm bên cửa sổ, hốt nhiên một trận thanh phong ào ào thổi đến, bụi cuốn cát bay, rèm lay án động, có một người cỡi một con hươu trắng từ trên không chạy xuống, mày râu bạc phơ, áo xiêm sặc sỡ, nói với Nguyên Hỉ rằng:
- Mông được Sứ quân uỷ cho ta chủ thành, nếu Sứ quân có giáo hóa cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thì mới sung được nhiệm vụ của quan thú mục, mới xứng với trách nhiệm của một bậc tuần lương.”
Câu chuyện hàm ý rằng Lý Nguyên Hỉ đã biết dựa vào các cố vấn địa phương khi họ khuyên ông là hãy thực thi quyền hành cho thích hợp với thực tế văn hoá và chính trị của Đô Hộ Phủ. Vì lẽ đó, Lý Nguyên Hỉ đã tạo được những quan hệ tốt với một số các quan chức địa phương. Tuy nhiên tình hình ngày càng biến chuyển vượt ra khỏi tầm tay ông nên đầu năm 827 ông lại bị Hàn Ước thay thế vì lý do "Giao Chỉ đang nổi loạn". Cầm đầu loạn quân là Thứ Sử châu Phong, Vương Thăng Triều. Nhưng đến mùa hè năm 828, Hàn Ước bắt được Thăng Triều và đem xử chém. (31).
Việc bổ nhiệm Hàn Ước được đi đôi với việc đơn giản hóa bộ máy hành chánh ở Đô Hộ Phủ. Các thanh tra cấp châu bị bãi chức và quyền hành của họ được tập trung vào tay Đô Hộ Phủ. Nhà Đường đã quyết định như thế, có lẽ vì vai trò của "các Thanh tra châu" đã trở nên thừa, vì càng ngày Đường triều càng lui vào thế thủ. Tuy nhiên Hàn Ước cũng vẫn còn quyền kiểm soát được một vùng lãnh thổ khá rộng đủ để thu thuế, vừa cho ngân quỹ nhà nước, vừa cho vào túi riêng. Đó chính là lý do tại sao vào mùa thu 828, quân địa phương lại nổi dậy và tống cổ Hàn Ước ra khỏi Đô Hộ Phủ (32).
Bẵng đi đến ba năm không có một thông tin gì cho mãi đến năm 831 thì Trịnh Xước được bổ Đô Hộ (33) nhưng thông tin về ông này chẳng có gì. Năm 833, Tiết độ sứ Quảng Châu trình rằng các chức vụ chính thức trong các vùng biên phía Nam đã bị bỏ trống từ một đến hai năm rồi và yêu cầu triều đình bổ nhiệm người mới (34). Năm 834, Hàn Uy được bổ xuống làm Đô Hộ(35), nhưng, cũng như Trịnh Xước, thông tin về ông này cũng chẳng có gì. Có thể giả thiết rằng, sự lơ là của nhà Đường đối với miền Nam đã khiến các quan chức địa phương phải tự đưa ra các giải pháp chính trị cho chính họ thay vì phải đợi các quan chức nhà Đường đang phải bó tay vì những xung đột giữa các phe phái mới mọc lên.
Năm 835, Đô Hộ Điền Tảo cho trồng một hàng rào bằng cây tươi cùng với một hệ thống rào bằng gỗ để ngăn ngừa các nhóm nổi dậy đột nhập vào kinh thành nhưng vì thiếu ngân quỹ nên công việc không được hoàn tất (36). Phải chăng các rối ren chính trị trong Đô Hộ Phủ đã mời chào các cuộc tấn công; hay có lẽ đúng hơn, đó chỉ là một khía cạnh của tình hình đấu tranh chính trị nội bộ vào lúc đó.
Hệ thống rào gỗ của Điền Tảo cũng nói lên được quyết tâm của triều đình nhà Đường nhằm đưa miền Nam trở lại quĩ đạo kiểm soát của họ. Năm 835, nhà Đường gửi xuống thêm 3 vị tướng quân đến các châu nhiều manh động nhất ở biên giới. Hai tướng được phái đến vùng núi non trong tỉnh Quảng Tây ngày nay, còn một tướng tên là Dương Thừa Hòa thì được bổ nhiệm xuống châu Hoan để "bình định và tái lập trật tự" (37) với ngụ ý là châu này đang ở trong tình trạng phản loạn. Năm sau, một Tiết độ sứ khác vì đòi giữ một chức cao hơn quyền hạn tại triều đình mà không được, nên bị giáng chức xuống châu Hoan (38), có lẽ là để trợ giúp cho Dương Thừa Hòa.
Trong khi các binh lính được phái xuống châu Hoan để giữ gìn an ninh, một giải pháp mới lại được ban hành ở vùng trung tâm nông nghiệp của An Nam. Trước sự kháng cự ngoan cường của các nông dân đóng thuế, Dương quay sang áp dụng một chính sách hoà giải. Một sắc chỉ tháng Tư năm 836 nói rằng: "Về việc thu thuế của các dân tộc vùng xa; mỗi năm, khi đi thu thuế nếu thấy dân chúng kêu ca về sự khổ sở hay thiếu thốn, hãy tạm miễn cho họ. Đối với An Nam, cũng áp dụng như thế và hãy miễn cho họ vụ thuế mùa Thu năm nay. Nay truyền lệnh cho Đô Hộ Điền Tảo, trừ khi quân sĩ thiếu thốn lương thực mà phải đói, hãy họp dân lại và loan báo về việc miễn thuế này" (39).
Sắc chỉ còn tiếp rằng triều đình sẽ thỏa mãn các nhu cầu tài chính của Đô Hộ Phủ bằng cách gửi tiền trong kho xuống cho. Mặc dầu An Nam đang trở thành một gánh nặng về tài chính, triều đình vẫn nhất quyết duy trì quyền hành mình ở đó vì những lý do chiến lược. Vì Nam Chiếu đang có ý bành trướng từ Vân Nam, Đô Hộ Phủ đã thành một khu vực trọng điểm ở vùng biên giới phía Nam. Để thực hiện được chiến lược cơ bản này nhà Đường đã có những nỗ lực, mặc dù ngắn ngủi, nhằm lấy lại lòng tin của người Việt Nam bằng việc phái Mã Thực, một người tài giỏi, xuống An Nam vào tháng 9 năm 836 để thay thế Điền Tảo thực thi chương trình này. Sắc chỉ năm 836 cho thấy sự đối đầu trực diện giữa binh lính nhà Đường với dân chúng địa phương và nguy cơ các binh lính nhà Đường bị bao vây là có thực. Tình hình thực tế kể trên dường như đã là nguyên nhân trực tiếp cho việc miễn thuế cũng như việc nhanh chóng bổ nhiệm một người tài giỏi như Mã Tổng.
Thư tịch nói rằng Mã Thực là người học thức, rất tài giỏi về công việc hành chánh, có văn hoá, rất liêm khiết và hết sức tao nhã lịch sự. Những đức tính đó khiến nhiều người Việt Nam tôn trọng và hợp tác với ông. Tôn chỉ hành động của Mã Thực là "đứng đắn và lương thiện ". Ông không bao giờ phiền hà dân chúng bằng những luật lệ thất nhân tâm và thuế má hà khắc. Điều đáng chú ý là ngay cả các lãnh tụ bộ lạc trong những vùng sâu, vùng xa đều quy thuận ông. Họ sai con em mang nhiều tặng phẩm đến dâng ông để xin được quyền thu thuế và cai trị vùng đất mà họ đang cai quản. Mã Thực đã có công tái sinh châu Lục từ chốn u tối kể từ năm 824 khi mà Tiết độ sứ ở đó bị một lực lượng hỗn hợp gồm "Man Hoàng Động" và quân sĩ Hoàn Vương giết chết. Sau đó Mã Thực bổ nhiệm một lãnh tụ địa phương làm Thứ Sử. Một dấu hiệu của sự phồn thịnh thời ấy là các ao nuôi trai ngọc bấy lâu bỏ hoang nay sản xuất ngọc trở lại (40).
Mã Thực chủ trương vãn hồi hoà bình và thịnh vượng để không phải bận tâm với các vụ rối loạn chính trị tại Đô Hộ Phủ từ sau vụ nổi dậy của Dương Thanh. Chứng liệu cho thấy Mã Thực được hưởng cảnh thái bình nhiều trong thời gian ông ở Việt Nam (41) vì một nền hành chính được thực thi êm ả trong Đô Hộ Phủ tùy thuộc rất nhiều vào tư cách và tài năng của Đô Hộ trong việc áp đặt các tư duy vương triều vào thực tế bản xứ. Mã Thực là một trường hợp ngoại lệ vì sau khi ông rời khỏi An Nam thì tình hình lại xấu đi ngay.
Chính sách hoà hoãn của những năm 830 được thi hành vào triều đại Đường Văn Tông (827-840), một vị hoàng đế nhà Đường là người đã cho thi hành những chính sách tế nhị và bổ nhiệm những quan chức lương thiện. Sau cái chết của Đường Hiển Tông năm 820, Hoàng Đế Văn Tông có lẽ là ông vua nhà Đường cuối cùng được chú ý vì đã có một chế độ cai trị hợp lòng dân. Mã Thực đã đem cái kỷ nguyên ngắn ngủi nhưng sáng suốt ấy sang Việt Nam. Cả ông lẫn chính sách mà ông theo đuổi đã làm lắng dịu được khuynh hướng đối đầu kháng cự đang lan tràn trước đó.
Người kế nhiệm Mã Thực là Vũ Hồn. Năm 843, Vũ Hồn ra lệnh cho các tướng địa phương sửa sang lại những bức tường quanh La Thành nhưng họ đã bất tuân, nổi loạn, đốt những chòi canh và cướp phá cả nhà kho. Vũ Hồn trốn thoát được về Bắc. Sau đó Giám quân Đoạn Sĩ Tắc thuyết phục được các viên tướng địa phương thôi không nổi loạn nữa (42). Biến cố này cũng giống như cuộc nổi dậy năm 803, khi Bùi Thái ra lệnh tăng cường phòng thủ các tường bao quanh thành và nó chứng tỏ rằng quan hệ giữa các quan chức nhà Đường và các lãnh tụ địa phương vẫn còn mong manh lắm.
Cách thức hữu hiệu nhất để thuyết phục dân chúng địa phương chấp nhận quyền đô hộ của nhà Đường là gia tăng phòng thủ chống các cuộc tấn công cướp phá từ trên rừng núi tràn xuống. Việc phòng thủ này đã vượt quá khả năng của các quan chức địa phương, nên năm 846, tướng Bùi Nguyên Hữu phải kéo một đạo quân xuống và đánh đuổi được bọn cướp đi (43). Các nhóm cướp phá này rất có thể là đồng minh của những lãnh tụ phản loạn ở An Nam. Một số quan chức Giao Châu ngày càng ngả theo nhà Đường vì họ cảm thấy làm như thế là an toàn. Nhưng ngược lại cũng có những quan chức địa phương khác lại muốn liên minh với các phần tử trong núi như là một phương cách để có thể đuổi hết người Trung quốc đi một lần cho xong hẳn.
Một đoạn văn mô tả An Nam vào giữa thế kỷ 9 nay còn tồn tại chứa đựng những chi tiết được ghi lại tại triều đình khi bàn đến việc bắt đầu làm quan ở Đô Hộ Phủ như sau: "Cần phải phòng thủ đường bộ và ngăn không cho bọn Khmer đến mua vũ khí và ngựa; phải dẹp yên bọn man di cứng đầu ở trong các thôn bản vùng núi… Cứ 3 năm phải đem binh sĩ đi tuần tra, đánh dẹp, và tâu trình tình hình về triều. Các quan chức vùng biên thùy phải lo tìm cách thân thiện với các lãnh đạo địa phương và dạy họ cách ứng xử sao cho thích đáng. An Nam có chưa đến 300 kỵ binh…. Có những thị tộc và các dân bộ lạc khá mạnh do đó vấn đề trọng yếu là việc phân phối các vũ khí và quân cụ. Mỗi năm phải lấy tên tuổi các bậc huynh trưởng nào có tính tình tốt, văn hay võ giỏi, để cất nhắc họ vào những chức vụ công quyền…" (44).
Việc mô tả này thật là thích hợp với những phần đất nằm ở ngoài ven đô hộ phủ hay các vùng sâu, vùng xa. Vấn đề cơ bản là an ninh biên giới và tình trạng biên giới sẵn sàng bùng nổ vào những năm 850. Dường như có rất nhiều mối liên hệ giữa những khu nông nghiệp ở vùng đất thấp với vùng núi. Những người buôn bán muối, gia súc, ngựa và vũ khí đã phân tán khắp nơi và len lỏi vào những khu dân cư ở vùng núi đang bị dao động vì sự cai trị cứng rắn hà khắc của nước Nam Chiếu. Thậm chí cả những người Khmer ở lưu vực sông Mekong cũng bị lôi kéo vào vòng buôn bán ấy. Điều này gợi lại trong trí nhớ các quan chức nhà Đường từng ở miền Nam và quen thuộc với hình ảnh các đoàn người hỗn độn của Mai Hắc Đế năm 722. An Nam đã trở thành một vùng biên yếu ớt có nguy cơ đến sự toàn vẹn của đế chế. Cảnh giác cao độ và nhu cầu phải tuần tiễu và đánh dẹp luôn luôn đã trở thành các hoạt động thường nhật.
Tại vùng nông nghiệp trọng điểm của Giao Châu, đời sống đã được ổn định hơn. Điều này được thấy rõ ràng đối trong thời gian cai trị của các hậu duệ của Vũ Hồn là người đã bị đánh đuổi khỏi An Nam với cuộc binh biến năm 843. Gốc ở Phúc Kiến, Vũ Hồn sau đó quay lại An Nam và định cư ở phía Đông Giao Châu. Theo lời một hậu duệ của ông, một học giả kiêm quan chức Việt Nam viết ở thế kỷ 18, Vũ Hồn rất yêu thích Việt Nam. Vùng đất nơi ông ở tọa lạc ngay trên hải lộ từ Trung quốc tiến vào tận khu vực đông dân cư ở Giao Châu, nơi mà sau này vẫn là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung quốc trong những thế kỷ Việt Nam độc lập. Từ đầu thế kỷ 14, các cháu chắt thuộc dòng họ Vũ Hồn đã trở thành nhũng quan chức danh tiếng trong chính quyền Việt Nam (45).
Mặc dù Vũ Hồn có thể đã phải đợi cho đến khi chiến tranh Nam Chiếu kết thúc mới dám mạo hiểm quay trở lại Việt Nam, nhưng ta cũng cần thận trọng không nên vơ đũa cả nắm khi nhận định về những sự đàn áp và kháng cự. Vì ảnh hưởng của nhà Đường không được đồng đều nên đã khơi mào cho những khó khăn chính trị trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 9 mà kết quả là việc tạo ra những cảm nghĩ trái ngược bên trong Đô Hộ Phủ: một bên nghiêng hẳn về Đường triều, một bên sẵn sàng liên minh với các bộ tộc ở vùng núi để chống nhà Đường. Hai toan tính trái nghịch này đã không lọt qua được sự chú ý của Nam Chiếu.
Trong phần tư thứ nhì của thế kỷ 9, việc thế lực Nam Chiếu mạnh lên càng làm gia tăng sự đối đầu và kình chống giữa một bên là phe thân nhà Đường và bên kia là các lãnh tụ địa phương chống nhà Đường ở Đô Hộ Phủ. Nhiều người Việt Nam có học chắc chắn đã cảm thấy dễ dàng hơn khi chọn thế đứng về phe thân nhà Đường thay vì chấp nhận những nguy hiểm bất ngờ nếu phải đứng về phe “Man quốc” (Nam Chiếu). Sau hơn 200 năm dưới ách đô hộ của nhà Đường, ý tưởng độc lập của người Việt Nam đã bị giải thích một cách sai lạc. Tuy nhiên phong trào chống nhà Đường vẫn phát triển mạnh mẽ dưới lớp vỏ của một cuộc sống bề ngoài có vẻ ổn định. Phong trào chống Đường được lãnh đạo bởi các gia đình quân nhân và những quan chức bất mãn đã đặt hy vọng ngày càng lớn vào Nam Chiếu để cân bằng sức ép của nhà Đường. Như vậy là bối cảnh chính trị đã chín muồi cho một trong những cuộc chiến tranh lâu dài và tổn hại nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam với tư cách là một châu dưới ách thống trị của Trung quốc.
Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương, Chiêu Ly (damau.org)

Ghi chú
(21) Cựu Đường thư (CĐT), 16, 16a; Tư trị Thông giám (TTTG), 242, quyển 13, 239, 240.
(22) CĐT, 16, 13a, 17a, 18a.
(23) TTTG, 243, q.13, 250.
(24) TTTG, 243, q.13, 251.
(25) Tân Đường thư (TĐT), 8, 36; TTTG, 243, q.13, 253.
(26) TTTG, 243, q.13, 256.
(27) TĐT, 8, 4a; CĐT, 17a, 4b; TTTG, 243, q.13, 263.
(28) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT), 5, 7b.
(29) CĐT, 17a, 6a và An Nam chí lược (ANCL), 100, chép rằng Lý Nguyên Hỉ tâu xin di chuyển đô hộ phủ sang bờ sông phía Bắc, tuy không nói rõ sông nào nhưng chỉ có thể là sông Hồng mà thôi. Theo ĐVSKTT, 5, 7b, Dương Thanh lẩn trốn trong vùng các bộ tộc người Lão, xúi giục nổi loạn và đã phá được thành Đại La; việc này dẫn đến các cuộc xâm lấn của Man Hoàng động và Hoàn vương. Nguồn sớm nhất nói về Long Biên trong bối cảnh của những sự kiện này là Giao Châu Ký, được dẫn lại trong Việt Điện U Linh Tập (VĐULT). Đây không phải cuốn sách của Triệu Thường, mà là sách cùng tên của Tăng Cổn, một quan chức nhà Đường ở An Nam từ 865 đến 880; xem Gaspardone, “Thư mục”, trang 127. ĐVSKTT (5, 7b), VSL (1, 10b), và các nguồn sách tiếng Việt khác (xem Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh chú giải, ĐVSKTT, 1:325) căn bản cũng cho những thông tin như nhau, trong khi có thêm chi tiết về cuộc bạo loạn, được cho là bởi có dòng nước chảy ngược ngoài cửa bắc thành Long Biên. VĐULT, 18, còn nói rõ rằng Đại La không có cửa Bắc và nằm trên bờ Bắc sông Tô Lịch, một nhánh của sông Hồng; xem H. Maspero, “An Nam Đô hộ phủ thời nhà Đường”, trang 555-556. ĐVSKTT, 5, 7b, ghi ngày tháng dời trị phủ về khu vực Đại La là tháng 11 năm 824; VĐULT, 18, chỉ đề cập là Lý Nguyên Hỉ được bổ nhiệm vào năm 822. TĐT, 43a, 9b, lại ghi rằng thời gian chuyển trị phủ trở lại về vùng Đại La là năm 825; CĐT, 17a, 6a, nói ngày bỏ Đại La là tháng 5 năm 825. Trích dẫn về việc chế riễu tòa thành mới của Lý Nguyên Hỉ, xem ĐVSKTT, 5, 7b, và VSL, 1, 10b. Toàn bộ trích dẫn bao gồm cả lời tiên tri rằng năm mươi năm sau sẽ có người họ Cao xây thành tại chỗ đó; chuyện này ám chỉ Cao Biền và cho thấy rằng toàn bộ lời trích có thể đã có từ cuối thế kỷ.
(30) VĐULT, 18; Giao Châu Ký của Tăng Cổn.
(31) CĐT, 17a, 12a, có chép ngày tháng bổ nhiệm Hàn Ước. Tiểu sử Hàn Ước (TĐT, 179, 10a) chép: “Giao Chỉ có loạn. An Nam Đô hộ phủ được giao cho Hàn Ước”. Về Vương Thăng Triều, xem TTTG, 243, quyển 13, 293; ANCL, 100; ĐVSKTT, 5, 8a.
(32) Về các “quan thanh tra châu”, xem Việt Sử Lược (VSL), 1, 10b. Về những công trạng của Hàn Ước trong việc thu thuế, xem TĐT, 179, 10a. Về cuộc nổi dậy năm 828, xem CĐT, 17a, 15a, TĐT, 8, 5b; TTTG, 243, quyển 13, 294; ĐVSKTT, 5, 8a; ANCL, 100.
(33) CĐT, 17c, 6a.
(34) Bản tâu về triều của Tiết Độ Sứ năm 833 có trong CĐT, 17c, 8b.
(35) Cùng trong chương này, 17c, 14a.
(36) TĐT, 167, 9b; ANCL, 101.
(37) TTTG, 245, q.13, 356.
(38) CĐT, 17c, 20a.
(39) Xem Katakura Minoru, “Chugokū Shihaika no Betonamu”, trang 35.
(40) Nguồn chính về tiểu sử Mã Thực là TĐT, 184, 1a, còn ANCL, 101, chỉ ghi tóm tắt.
(41) Trần Nghĩa, “Một số tác phẩm mới phát hiện có liên quan tới giòng văn học Việt bằng chữ Hán của người Việt thời Bắc thuộc”, trang 96-97.
(42) TĐT, 8, 10a, và ANCL, 101 chỉ đề cập qua đến cuộc nổi dậy. TTTG, 247, q.13, 460 và ĐVSKTT, 5, 8a, có miêu tả đầy đủ. VSL, 1, 11a chỉ nói Vũ Hồn là Đô Hộ thời Đường Vũ tông (841-846).
(43) TĐT, 8, 11a thì chép rằng quân Man từ Vân Nam tràn vào An Nam nhưng bị Kinh Lược Sứ Bùi Nguyên Hữu đánh bại. ĐVSKTT, 5, 8a viết rằng Bùi Nguyên Hữu được cử ra đối phó với tình hình và có quyền điều động binh lính từ các quận lân cận. VSL, 1, 11a, thì chỉ nêu Bùi Nguyên Hữu là quan cai trị thời Vũ tông (841-846).
(44) ANCL, 153.
(45) Vũ Phương Đề, Công Dư Tiệp Ký, 1:1.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved