Home » » KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HOÁ VIỆT NAM DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA NHÀ ĐƯỜNG

KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HOÁ VIỆT NAM DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA NHÀ ĐƯỜNG

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011 | 00:34

KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HOÁ VIỆT NAM DƯỚI ÁCH ĐÔ HỘ CỦA NHÀ ĐƯỜNG

The Birth of Vietnam (chương 5, phần 6)
Chủ Nhật 17, Tháng Mười 2010, BTV: DT
Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc
Mặc dầu sử liệu còn lại rất ít ỏi, chúng ta cũng có thể rút ra được một số kết luận về sự phát triển xã hội, kinh tế và văn hoá Việt Nam dưới ách đô hộ của nhà Đường. Thời kỳ đô hộ này có thể được chia ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là vào thế kỷ thứ 7 khi lớp cầm quyền địa phương bị nhà Đường hoàn toàn vô hiệu hoá; giai đoạn 2, vào thế kỷ thứ 8, khi nhà Đường suy yếu và tầng lớp lãnh đạo địa phương nhất tề nổi lên đứng đầu là họ Phùng; giai đoạn 3, vào thế kỷ thứ 9, khi nhà Đường cố tìm cách tái lập tầng lớp cầm quyền địa phương mới, nhưng tầng lớp này lại tìm cách chia sẻ quyền bá chủ của nhà Đường khiến phát sinh ra một cuộc đối đầu kéo dài. Mặc dù nhà Đường vẫn còn nắm được lợi thế sau các cuộc đối đầu này nhưng vai trò của họ ngày càng lu mờ để rồi lớp cầm quyền địa phương thân nhà Đường dần dần lãnh đạo Việt Nam tiến đến kỷ nguyên độc lập sau này. Sau đây chúng ta hãy cùng nhau xem xét kỹ từng giai đoạn một của thời kỳ đô hộ này.
Như đã nhắc ở phần trên, nhà Hán đổ vì ảnh hưởng ly tâm của các gia đình địa chủ có thế lực, cai quản những bất động sản lớn, và lại có quân bản bộ riêng của mình. Vấn đề làm sao để kiềm chế được thế lực của những đại gia đình ấy để tái lập vương quyền đã không được giải quyết cho mãi tới thế kỷ thứ 6 khi nhà Tùy áp đặt chế độ phân chia ruộng đất trên cả nước theo cung cách đã được các triều đại phương Bắc trước đó thực thi. Cái gọi là "chế độ quân điền" thực ra chỉ là cách để nhà cầm quyền nắm được ruộng đất và không để những nông dân đóng thuế bị rơi vào tay những đại địa chủ.
Mục tiêu của "chế độ quân điền" nhắm vào việc giao ruộng đất của nhà vua cho những người thuộc diện tuổi lao động. Làm như thế sẽ giúp giảm thiểu số nông dân trước đây vì không có tên trong sổ thuế nên đành phải chấp nhận cảnh làm mướn cho những đại địa chủ và nhiên hậu bảo đảm được nguồn lợi tức vững chắc cho nhà cầm quyền. Đối với các đại địa chủ địa phương, nhà Đường chỉ cho phép họ sở hữu vĩnh viễn đất đai ở một mức độ nào đó miễn là không vượt quá 100 lần số đất cấp cho một nông dân. Một số đại gia đình cũng có thể được chia một diện tích ruộng đất tùy theo chức vụ mà con cháu họ làm việc trong chính quyền. Những cải cách này là căn bản cho việc nới rộng quyền lực của nhà Đường vào thế kỷ thứ 7.
Không có tài liệu trực tiếp nào cho thấy "chế độ quân điền" đã được áp dụng ở Việt Nam, nhưng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng đã có việc này. Tiêu biểu là sự phát triển của khu vực Hà Nội dưới thời Tùy và Đường. “Chế độ quân điền” thường được áp dụng cho số ruộng đất nào mới được đưa vào trồng trọt. Bằng cách đặt một trung tâm hành chính ở Việt Nam, lần đầu tiên tại phía Nam sông Hồng, nhà Tùy và nhà Đường có lẽ muốn tìm cách thiết lập một trung tâm quyền lực mới bên ngoài thủ phủ truyền thống, nơi nhiều đại gia đình địa chủ đã có “thâm căn cố đế”. Nhờ hệ thống đê điều xuôi dòng sông Hồng, kể từ Hà Nội, được kéo dài thêm, nhiều đất canh tác mới đã được chia cho những nông dân trước đây chỉ biết đi làm mướn. Một đặc điểm quan trọng khác của chế độ quân điền là những nông dân đi làm mướn còn được huấn luyện quân sự và tổ chức thành từng đơn vị dân binh. Rõ ràng khu vực Hà Nội đã được phát triển thành một nguồn lợi tức và căn cứ quân sự vững mạnh để làm cột trụ chống đỡ cho chính quyền đô hộ ngõ hầu đương cự được với những làn sóng phản đối từ các hào trưởng địa phương.
Chúng ta đã thấy việc thờ cúng thời đại Khai Nguyên do một quan chức nhà Đường thiết lập thời Đường Huyền Tông bằng cách đem Hoàng Đế thờ chung với một vị thổ thần ở khu vực Hà Nội. Sau cuộc tàn phá của bọn giặc biển vào năm 767, một thành trì kiên cố với một hào lũy phòng thủ mới được dựng lên ở đấy. Trong thế kỷ 9, việc sửa sang và nới rộng các hào lũy cùng việc xây thêm hàng loạt pháo đài ở vòng ngoài biểu lộ nỗi ám ảnh thường xuyên của các quan chức nhà Đường. Việc phòng thủ khu vực Hà Nội là điều rất quan trọng về mặt chiến lược, rất có thể vì đó là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của chính sách quân điền. Các quan cai trị đã dồn một số khá lớn những nông dân làm việc tự do, có đóng thuế thành những đơn vị dân binh nhằm bảo vệ và củng cố quyền lực của nhà Đường.
Chúng ta đã nói đến cái gọi là "sự tuyển chọn nhân tài phương Nam" trong năm 676. Hãy xem xét lại việc này một lần nữa. Ngày 7 tháng 8 năm 676, một sắc lệnh của triều đình gửi xuống cho các Đô Đốc Quế Châu, Quảng Châu, Quý châu và Giao Châu, nói rằng:
"Những năm gần đây, không thấy có biểu tâu xin tuyển chọn những lãnh tụ địa phương vào các chức vụ công quyền. Kể từ nay, chiếu theo luật lệ hiện hành, cho phép cứ 4 năm một lần, tiến hành một cuộc tuyển lựa để chọn những người có nghị lực, thông minh, trong sạch và ngay thẳng, để điền vào những chỗ khuyết từ hàm ngũ phẩm trở lên. Một lần nữa, Ngự sử đài được lệnh xem xét việc này.”
Sắc lệnh cho thấy, ở một thời điểm nào đó trong năm 676, đã có chính sách để tuyển lựa những người ở địa phương vào các chức vụ công quyền, nhưng chính sách này đã không được thi hành thoả đáng. Việc đề cập đến Ngự sử đài có nghĩa là lệnh thi hành đã bị bế tắc ở khâu nào đó. Có lẽ các quan chức phía Nam đã không muốn mạo hiểm chia sẻ quyền hành của họ với những hào trưởng địa phương cho tới khi việc cải cách ruộng đất tạo được một căn bản vững chắc. Mặc dầu không có thêm chi tiết nào nữa về chuyện "tuyển lựa" này ở Giao Châu, nhưng sau năm 676, một cố gắng mạnh mẽ khác đã được thi hành nhằm tuyển người của các gia đình địa phương có thế lực vào làm việc trong hệ thống hành chánh và buộc họ phải minh chứng việc hợp tác chặt chẽ với chính quyền đô hộ.
Những hào trưởng có thế lực ở địa phương vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng không với tư cách là lớp cầm quyền địa phương tự chủ nữa. Con cháu các gia đình ấy được làm quan Lịnh hay quan chức khác; thế lực và ảnh hưởng của họ không còn dựa trên quyền kiểm soát ruộng đất và nền kinh tế địa phương nữa, mà là việc họ đã là một phần của hệ thống cầm quyền hay chưa và đang giữ những chức vụ nào. Khuynh hướng của nhà Đường trong thế kỷ 7 là làm sao thu hút hết các hào trưởng của lớp cầm quyền địa phương vào trong chính quyền, ngõ hầu dùng chính họ để kiểm soát lớp dân đen với các chính sách hà khắc của nhà cầm quyền.
Tình huống này được sáng tỏ thêm với cuộc khởi nghĩa năm 687. Việc tăng thuế gấp đôi lên những tầng lớp dưới (lí hộ) đã đưa đến cuộc nổi dậy đó và chính những người thuộc tầng lớp này đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Đây là "cuộc khởi nghĩa nông dân" duy nhất được ghi lại trong suốt quá trình lịch sử từ khi Trung Quốc áp đặt chế độ châu, quận lên đất nước Việt Nam. Lý do của cuộc nổi dậy này chỉ đơn giản là vì những tầng lớp dưới đã không còn được giới trung lưu địa phương làm cầu nối giữa họ với các quan chức đô hộ Trung Quốc như từng làm trong quá khứ. Tầng lớp thượng lưu địa phương trước đây nay đã bị vô hiệu hoá vì bị cuốn hút vào vòng quan chức của giới cai trị mất rồi.
Câu chuyện "thần linh phù hộ đất nước" trong những năm 650 có thể nói lên cái ý hướng muốn thay đổi của những gia đình cầm quyền cũ. Như đã biết, câu chuyện giải thích tại sao "quan Lịnh địa phương" lại ở trên chân bậc "Đại vương" để thành một đấng thần linh phù hộ. Lớp gia đình cũ thuộc hạng "chúa tể" có căn bản quyền lực riêng, đang bị biến thành một lớp "quan Lịnh địa phương" làm bầy tôi cho vương triều.
Đến thế kỷ thứ 8, nhà Đường bị mất đà bành trướng lúc đầu và bắt đầu rơi vào thế cầm cự. Một sự thật là sau cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn vào giữa thế kỷ, binh sĩ nhà Đường ở miền Nam đã phải rút về phương Bắc. Mặc dầu sự liên tục của thời Đường Huyền Tông đã giúp cho chính quyền đô hộ tại Việt Nam hồi phục sau cuộc bạo loạn năm 722, nhưng dường như sau cuộc cướp phá của bọn giặc biển năm 767, chính quyền này đã mất tinh thần và suy sụp. Chẳng bao lâu các lãnh tụ địa phương lại nổi dậy ở châu Phong và châu Diễn. Sự suy yếu chung của nhà Đường đã khiến chính quyền đô hộ phải lùi bước cho đến khi Phùng Hưng tiến vào trị phủ Giao Châu với một đạo quân được tuyển mộ ở châu Phong và Trường.
Những biến cố vào thế kỷ 8 cho thấy các hào trưởng ở địa phương không còn đóng vai trò chính trị độc lập có ý nghĩa nữa, Thứ Sử châu Phong là Bì An cùng với chỉ huy quân sự châu Diễn là Lý Mạnh Thu và cả phụ tá Lý Nguyên Độ, có lẽ là những người của các đại gia đình địa phương có thế lực đã từng làm việc cho chính quyền, lại chính là những người nổi dậy vào năm 780. Tuy nhiên sự lãnh đạo của họ dường như ít nhận được sự hậu thuẫn của dân chúng địa phương nên mau chóng bị dẹp yên. Trái lại, Phùng Hưng đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy bình dân, phát động từ nền tảng chính trị làng xã của chính Việt Nam.
Họ Phùng cũng có thể được gọi là một hào trưởng, nhưng không thuộc lớp các gia đình đã bị cuốn hút vào trong chính quyền của nhà Đường. Dưới con mắt các quan chức Đường, Phùng Hưng là một tên "lãnh đạo man di đồn biên thùy". “Man di” có lẽ vì họ Phùng duy trì một khuynh hướng văn hóa không lệ thuộc vào Trung Hoa. Vì xuất thân từ một vùng phụ cận nơi người Mường cư ngụ, có thể cho rằng Phùng Hưng thuộc thành phần xã hội Việt Nam, ngoài tầm văn hoá Trung Quốc nên bị nhà Đường dè bỉu như dân man di mọi rợ.
Sự kiện một người như Phùng Hưng giành được quyền lực tối cao ở Việt Nam thời đó đặt ra một câu hỏi: "Tất cả những đại gia đình địa chủ cũ từng khống chế xã hội Việt Nam từ khi nhà Hán đổ, bây giờ ở đâu? Câu trả lời: có lẽ họ đã bị thu hút vào guồng máy chính quyền nhà Đường và đánh mất gốc rễ trong xã hội địa phương rồi. Khi giới cầm quyền nhà Đường bị buộc phải rời Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 8, những gia đình quan chức địa phương ấy đã đi theo họ. Thế là có chỗ cho các lãnh tụ tương đối có màu sắc bản xứ hơn nổi lên. Anh em họ Phùng, Đỗ Anh Hàn, và Bồ Phá Lặc, những nhân vật chính của thời đại Phùng Hưng, chẳng phải là ở Phong Châu cả đó sao?
Tất nhiên điều này lại nêu lên câu hỏi khác nữa: Việc gì đang xảy ra ở các vùng nông thôn trong trung tâm Giao Châu? Câu trả lời có lẽ nằm trong sự bành trướng của Phật Giáo. Đệ tử truyền y bát của Tì Ni Đa Lưu Chi, Sư Pháp Hiền, đã truyền dạy được hơn 300 học trò trước khi ông viên tịch năm 626. Một nhà sư quan trọng nữa mà tài liệu vẫn còn ghi lại là sư Thanh Biện (viên tịch năm 686). Lúc 12 tuổi, sư Thanh Biện quy y tại chùa Phổ Quang. Sau khi sư phụ của ông là nhà sư Pháp Đăng mất, suốt 8 năm ròng ông nghiên cứu kinh Kim Cương, vốn đã được Cưu ma la thập dịch ra tiếng Hán vào năm 405 ở Tràng An.
Ban đầu, sớm nhất là vào thời Hán, Kim Cương Kinh đã được dịch sang tiếng Hán (tính đến đời Đường thì có 6 bản dịch tất cả). Những kinh này đã có ảnh hưởng khá mạnh mẽ ở Trung Quốc trong thế kỷ 4, thời nhà Tấn. Tư tưởng căn bản trong kinh là “Không tánh” của “Pháp”, có nghĩa rằng tất cả “Pháp” (hiện thực) đều là ước định, hoặc không mang bản chất tự tồn của chính mình. Tư tưởng này dẫn đến một niềm tin rằng không có một bản thể đơn lẻ nào cả và việc cố gắng xác lập bản ngã của riêng mình là một cố gắng bất khả thi; nhiên hậu, những kinh này đã rao giảng thái độ vô ngã. Thái độ này rất gần gũi với lý tưởng vô vi của Huyền học, vốn đã được phổ biến sâu rộng sau khi nhà Hán sụp đổ. Trong thời Tấn, một loạt hệ phái của Kim Cương Tông đã xuất hiện từ việc hấp thụ những tư tưởng trong kinh này, và đồng thời vừa ảnh hưởng, vừa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Huyền học.
Sự có mặt của Bát Nhã Kinh tại Việt Nam ở thế kỷ 7 cho thấy rằng các lời giáo huấn trong kinh có một tầm quan trọng đặc biệt với những người Việt có học. Sau khi đã nghiên cứu kỹ Kim Cương Kinh trong 8 năm, sư Thanh Biện đi tới chùa Sùng Nghiệp để bàn luận về Kinh ấy với Đại Sư Huệ Nghiêm. Sau đó, ông về trụ trì ở chùa Kiến Dương và thuyết pháp ở đấy cho đến khi ông viên tịch vào năm 686. Chúng ta có thể cho rằng các vị sư nói trên, cũng như các sư ở Trung Quốc, thường xuất thân từ những gia đình danh giá, vì lai lịch của họ đều được giữ lại. Cả hai sư Pháp Hiền và Thanh Biện đều mang họ Đỗ. Pháp Hiền, gốc ở huyện Chu Diên, là quê hương của họ Đỗ từng cai trị Việt Nam vào đầu thế kỷ 5. Các nhà sư khác ở thế kỷ 6 và 7 rất có thể đều có liên hệ đến họ Đỗ này. Sự vắng mặt của những hào trưởng từng có thế lực trước đây trên vũ đài chính trị ở thế kỷ 7 và 8 cho ta cảm nghĩ rằng họ đã hướng nghị lực sáng tạo của họ vào nơi khác. Có người làm Tổng Quản với nhà Đường, có người lại rút vào ở chùa ở ẩn. Có thể vì đã quá chán nản khi bị ép buộc ra làm quan chức cho nhà Đường mà một số con cháu của những đại gia đình này đã bày tỏ thái độ bằng cách quy ẩn, chú trọng học Kinh Kim Cương và dạy những điều rất gần với tinh thần thoát tục của Huyền học.
Tất cả những chùa chiền nói trên đều ở trung tâm Giao Châu, mạn Bắc sông Hồng. Khu vực này vốn là cái nôi của Phật Giáo Việt Nam, và cho đến những thế kỷ gần đây, vẫn bảo tồn các đặc tính Phật Giáo mạnh hơn tất cả những nơi khác ở Việt Nam. Hầu hết những nhân vật Phật Giáo quan trọng của Việt Nam trong thời Bắc thuộc đều xuất thân hoặc cư ngụ ở những vùng này. Khi anh em Phùng Hưng tụ tập dân chúng ở những làng bỏ trống không người lãnh đạo thuộc châu Phong và Trường và bao vây trị phủ, Giao Châu có thể đang được cai trị bởi một số lãnh tụ Phật Giáo tại các chùa làng.
Nhân vật Phật Giáo duy nhất có tên tuổi ở Việt Nam vào thế kỷ 8 là Định Không. Ông sinh ở làng Cổ Pháp năm 729, trụ trì ở chùa Thiền Chúng trong làng Đình Bảng cách Cổ Loa về phía Đông một quãng ngắn. Trong thời kỳ Trinh Nguyên (785-805) ông xây chùa Quỳnh Lâm ở quê nhà. Người ta nói Định Không rất nổi tiếng trong dân chúng và họ gọi ông là “lão” (tăng). Sau khi ông mất năm 808, đệ tử của ông là Thông Thiện lại xây một ngôi chùa khác gần chùa Lục Tổ, trên núi Tiêu Sơn, chỉ cách Đình Bảng vài dậm về phía Đông Bắc để thờ Định Không mà trong đó những lời dạy cuối cùng của ông đã được tạc ghi vào bia đá.
Từ sự nghiệp của Định Không, chúng ta có thể cho rằng Phật Giáo đã tiếp tục nảy nở và phát triển ở Giao Châu trong suốt thời đại Phùng Hưng. Việc có nhiều chùa chiền ở các làng và một số lớn sư sãi hàm ý rằng nền kinh tế và xã hội ở Giao Châu được tổ chức để phục vụ quyền lợi của các cơ cấu Phật Giáo. Không có gì ngạc nhiên về điều này vì Phật Giáo đã ăn sâu trong sinh hoạt ở khu vực này từ đầu thế kỷ 3. Nhưng vào đầu thế kỷ 8, khi một số người thuộc lớp thượng lưu bị áp bức phải đứng về phe cầm quyền đô hộ thì việc quy y theo Phật Giáo là một lối thoát rất hấp dẫn mà nhiều người muốn noi theo.
Trong thời bình, con số sư sãi Trung Quốc bị hạn chế và hoạt động của họ bị giám sát chặt chẽ. Nhưng các vị sư sãi tại Việt Nam, vì ở xa những trung tâm quyền lực, nên không bị kiểm soát chặt chẽ như ở Trung Quốc. Dân chúng Việt Nam coi chùa chiền giống như một hình thức bất động sản mới của tập thể. Các đại gia đình có thể đem dâng cúng tất cả đất đai của cải vào các chùa nơi con cháu hay thân quyến của họ đang tu hành.
Một thí dụ điển hình là vào đầu thế kỷ thứ 9 có gia đình họ Nguyễn ở làng Phù Đổng đã dâng cúng tất cả đất đai nhà cửa của họ vào chùa Kiến Sơ, rồi mời sư Cảm Thành đến trụ trì ở đó. Năm 620, sư Cảm Thành nghênh đón một vị sư già Trung Quốc từ Bắc đến và cũng ở lại đó. Rồi hai nhà sư này cùng nhau lập một hệ phái Phật giáo mà có vẻ như đã đóng một vai trò chính trị nhân danh các gia đình địa phương có khuynh hướng nghiêng về phe nhà Đường, hầu chống lại giới lãnh đạo địa phương lúc nào cũng manh nha nổi dậy. Hệ phái Phật Giáo này sẽ được nói đến ở chương sau.
Trong suốt thế kỷ 7 và 8, các đại gia đình địa chủ ở Giao Châu đã cúng quả cho cả các cơ sở Phật Giáo lẫn đóng góp cho chính quyền cai trị nhà Đường. Sự thất bại của nhà Đường vào cuối thế kỷ 8 có lẽ đã khuyến khích các chùa chiền, tu viện Phật Giáo quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính trị, ít ra cũng ở địa phương. Trong suốt cuộc đối đầu ở thế kỷ 9, lớp sư sãi có vẻ như đã ngả hẳn về phe thân nhà Đường. Các đại gia đình ủng hộ các tu viện và chùa chiền có lẽ cũng là những gia đình đã có con cháu ra làm quan với nhà cầm quyền.
Vào cuối thế kỷ 8, sự khác biệt giữa Phật Giáo ở Giao Châu với những nơi hẻo lánh hơn ở vùng biên giới càng trở nên rõ nét, và càng rõ nét hơn với các biến cố chính trị vào thế kỷ thứ 9. Mặc dầu Giao Châu muốn hợp tác với nhà Đường, nhưng tất cả những nhân vật lãnh đạo địa phương quan trọng của Việt Nam trong thế kỷ 9 ở châu Hoan, châu Ái và châu Phong đều nóng lòng nổi dậy.
Trong thời kỳ hồi phục ngắn ngủi của nhà Đường, tiếp theo sau kỷ nguyên Phùng Hưng, các quan chức nhà Đường khuyến khích một lớp cầm quyền mới gồm những gia đình có thế lực ở địa phương. Một chính quyền chính thức được tổ chức, nhưng nhà Đường đã quá suy yếu, nên không lấy lại ảnh hưởng được nữa. Chính những người ở địa phương được đưa ra làm thứ sử ở các châu trước đó thì sau này lại thường trở thành các lãnh tụ nổi dậy. Quyền hành của nhà Đường thậm chí còn bị thách thức bởi ngay cả những binh sĩ nhà Đường đóng tại khu vực Hà Nội.
Cuộc cải cách "lưỡng thuế pháp" (đánh thuế gấp đôi) được ban hành từ năm 780 đã thúc đẩy sự hưng thịnh của lớp người mới ấy. Các triều đại cai trị trước đó thường thâu hầu hết các thứ thuế lợi tức tính trên đầu người. Những nông dân nào trở thành tá điền làm công cho các đại địa chủ thì không phải ghi tên vào sổ thuế vì họ đã được coi như là một thành phần của điền trang. Đó là lý do tại sao “chế độ quân điền” trước đó nhắm mục đích giữ các nông dân ở nguyên vị trí miễn thuế của người đi làm mướn. Nhưng bây giờ với “lưỡng thuế pháp” này thì đất đai, thay vì đầu người, lại nghiễm nhiên trở thành căn bản chính để được tính thuế và do đó không còn rào cản pháp lý nào ngăn cản nổi việc thâu tóm và tích lũy đất đai bởi những gia đình giàu và có thế lực nữa.
Không hiểu ảnh hưởng của cuộc cải cách "lưỡng thuế pháp" được tiếp nhận tới mức độ nào ở Giao Châu, nhưng rõ ràng luật này khi được áp đặt ở Việt Nam trong thế kỷ 9 đã dẫn đến việc xuất hiện những đại gia đình địa phương mới. Việc sửa đổi luật thuế này dường như đạt được hiệu quả hơn ở vùng biên giới hơn là ở Giao Châu, có lẽ vì ở biên giới có nhiều đất hơn để khai hoang trồng trọt trong khi tại Giao Châu thì các đất tư hữu trước đó đã được nhập vào các cơ sở như đất của các chùa chiền. Dù sao đi nữa, các chùa chiền vẫn được lợi nhiều nhất từ luật “lưỡng thuế pháp” đó của nhà Đường.
Thế thì lớp địa chủ mới này là hạng người nào? Lãnh tụ nổi dậy đầu tiên ở thế kỷ 9 là Dương Thanh. Theo một nguồn sử liệu của Việt Nam, tổ tiên của Dương Thanh làm Thứ Sử châu Hoan từ thời Khai Nguyên (713-741). Như vậy, họ Dương đã đến châu Hoan theo sau vụ nổi dậy của Mai Thúc Loan vào năm 722. Cũng có thể cho rằng một trong những tổ tiên của Dương Thanh đã làm quan trong triều đình Trung Quốc và sau đó được cử đến châu Hoan cùng với quân đội để dẹp vụ nổi dậy bất thành. Những thế hệ sau đó, gia đình họ Dương dần dần bị Việt Nam hoá mặc dầu vẫn còn giữ được địa vị quan chức trong chính quyền. Như thế, chúng ta lại có thể kết luận rằng một số người của lớp địa chủ mới là những người Trung Quốc di cư vào thời kỳ đầu nhà Đường và sau đó dần dần hội nhập vào xã hội Việt Nam.
Như đã nói trước đây, các con số thống kê đều nhắc đến số dân di cư rất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam trong nửa đầu của thế kỷ 8. Như đã thấy, con số binh sĩ Trung Quốc đến Việt Nam năm 722 để dẹp loạn Mai Hắc Đế đã lên đến 100.000 người, phần lớn được tuyển mộ tại vùng Lưỡng Quảng ngày nay. Phải cần một đạo quân lớn như thế vì quân nổi dậy dưới trướng của Mai Thúc Loan được biết là lên tới 400.000 người, gồm phần chính là nhóm người võ trang từ vùng núi và cả vùng bên kia biên giới phía Nam. Cuộc nổi dậy năm 722 chắc chắn lớn hơn vụ nổi dậy năm 687 rất nhiều. So sánh cho thấy năm 687, những nhóm nông dân vùng lên bao vây và chiếm thành, nhưng bị dẹp tan ngay. Trong khi đó vào năm 722, quân nổi dậy lúc đầu dường như không gặp sự chống cự hoặc phản công. Sau cuộc nổi dậy bất thành năm ấy của Mai Hắc Đế, binh sĩ nhà Đường có thể đã ở lại Việt Nam để giúp xây dựng lại nền kinh tế và chính quyền. Một số lớn chắc chắn đã được bố trí ở châu Hoan, nơi cuộc nổi dậy năm 722 từng khơi mào để đề phòng những bất ổn trong tương lai. Họ Dương có thanh thế ở châu Hoan từ đó.
Một gia đình quan trọng thứ nhì ở thế kỷ 9 là họ Đỗ. Trong những năm 850, Đỗ Tồn Thành và con trai là Đỗ Thủ Trừng, là những lãnh tụ chống đối nhà Đường có tiếng. Cả hai đều bị Trung Quốc bắt và xử chém. Đỗ Tồn Thành là Thứ Sử châu Ái, bị các quan chức Trung Quốc rất ghét vì ông luôn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với những bộ tộc chống nhà Đường ở vùng núi. Theo sách Trung Quốc, họ Đỗ rất có thế lực ở Việt Nam từ thời đại nhà Tề và Lương (479-556). Có thể họ Đỗ này với họ Đỗ đã cai trị Việt Nam ở đầu thế kỷ 5 không phải là một, nhưng có thể đoán rằng đây là một họ di cư đến Việt Nam từ Trung Quốc, bởi vì một nguồn sử liệu Trung Quốc có nói rõ về thời gian gia đình này bắt đầu tạo dựng sự nghiệp ở Việt Nam. Lai lịch về gia đình họ Đỗ cho thấy rằng một số người thuộc lớp địa chủ mới là những đại gia đình đã đến Việt Nam từ lâu trước đời nhà Đường, nhưng về sau lại nổi lên là những lãnh tụ địa phương quan trọng.
Dương Thanh ở châu Hoan, còn họ Đỗ ở châu Ái. Trong những năm 820, Thứ Sử châu Phong là Vương Thăng Triều làm phản, nhưng sau bị bắt và xử chém. Tuy không tìm được bất kỳ tài liệu gì nói về ông này, nhưng ta có thể tưởng tượng được rằng, cũng như hai họ Dương và Đỗ, họ Vương cũng là một gia đình Trung Quốc di cư và đã bị Việt Nam hoá. Tất cả các gia đình này đều ở trong các địa hạt thuộc miền Nam hay ở chính ngay tại vùng biên giới. Một thí dụ tiêu biểu khác là về một gia đình Trung Quốc di cư đến Giao Châu là gia đình Võ Hỗn, một Đô Hộ Sứ giữ vị trí quan trọng vào những năm 840, bị đánh đuổi trong một cuộc nổi dậy, nhưng sau lại trở lại định cư vĩnh viễn, và lập nên một gia đình danh tiếng ở các triều đại Việt Nam những thế kỷ sau đó. Võ Hỗn định cư ở phía Đông Giao Châu, nơi dường như đã có một cộng đồng người Trung Quốc khá đông. Do đó, ta thấy là trong khi những châu khác đánh đuổi những người bị coi là chó săn của nhà Đường thì những người Trung Quốc đến định cư ở Giao Châu lại được yên ổn nhờ cái gọi là “lá chắn hay khiên đỡ” của nhà Đường.
Chiến tranh của nhà Đường với nước Nam Chiếu trong những năm 860 dẫn đến sự tan rã của "lá chắn nhà Đường” mà kết quả là những quan chức và binh sĩ Đường phải lếch thếch kéo nhau về Bắc bỏ lại quyền hành ở Việt Nam về tay họ Khúc, một lãnh đạo địa phương quê ở phía Đông Giao Châu, nơi Võ Hỗn định cư. Mặc dầu không có chứng liệu trực tiếp nào nhắc đến việc này, nhưng tư cách của họ Khúc ở thế kỷ 10 sẽ được nói đến trong Chương 7, chứng tỏ họ cũng chỉ là một trong những gia đình Trung Quốc mới di cư đến Giao Châu mà thôi.
Ngoài binh sĩ và những ông Tổng Quản, nhiều thương nhân Trung Quốc cũng đến định cư ở Việt Nam. Không có chứng liệu nào nói là họ trở thành có tiếng tăm về chính trị cho mãi tới thế kỷ 10, khi các nhóm người xuất thân từ những gia đình thương nhân Trung Quốc đã nổi lên như những "chiến sĩ địa phương" trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền quân chủ Việt Nam độc lập.
Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng có khá nhiều sư sãi Phật Giáo Trung Quốc đến trụ trì tại các chùa chiền ở Việt Nam. Năm 820, nhà sư Vô Ngôn Thông đến Việt Nam và sáng lập một hệ phái Phật Giáo mới. Cũng như nhà sư Vô Ngôn Thông nhiều nhà sư khác cũng đến Việt Nam vào những thời gian khác nhau và cũng trở nên nổi tiếng về chính trị vào thế kỷ 10. Không thể đoan quyết về sự đóng góp của những người di cư từ Trung Quốc đối với giới sư sãi Việt Nam vì thiếu chứng liệu.
Một trong những gia đình di cư Trung Quốc có nhiều tiếng tăm ở Việt Nam, theo cái nhìn của người Trung Quốc – là gia đình họ Khương. Khương Công Phụ là Hàn Lâm Viện học sĩ, và trong một thời gian ngắn, ông được thăng lên ngôi vị Tể Tướng dưới thời Hoàng Đế Đức Tông (780-804). Em ông là Khương Công Phục cũng từng là Lang trung bộ Lễ đời Đường. Hai anh em rất siêng học, và để lại nhiều tác phẩm lúc sinh thời. Theo những tài liệu còn lưu truyền, ngoài bản tiểu sử cho biết các ông là người gốc ở châu Ái, hai ông này liên quan rất ít đến Việt Nam. Hai anh em họ Khương làm quan ở kinh đô nhà Đường và lên đến địa vị cao không phải chỉ vì hai ông thông minh mà còn vì họ xuất thân từ những gia đình rất quyền thế.
Ông nội của hai ông là Khương Thần Dực, cũng được biết là sinh ra ở châu Ái và từng làm Thứ Sử châu Thư tại An Huy, Trung Quốc ngày nay. Còn thân phụ hai ông, có lẽ làm huyện lệnh nhưng không biết ở đâu. Một trong những người viết tiểu sử Khương Công Phụ cũng không biết quê ông ở quận nào. Một người khác nói rằng ông “là người Nhật Nam, châu Ái”. Một người nữa khi viết về Công Phục lại bảo ông "người ở Thiên Thủy rồi sau đó dời xuống Cửu Chân". Huyện Thiên Thủy ở tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc Trung Quốc. Khương Công Phụ mất năm 805 khi sắp sửa đi nhậm chức Thứ Sử châu Cát ở Giang Tây.
Theo chứng liệu ấy, chúng ta có thể nói rằng gia đình họ Khương có thể đã có chút ít liên hệ đến châu Ái. Có lẽ họ đã phục vụ ở đấy một thời gian và sau được giữ chức quan mặc dù không có mặt trực tiếp ở đó. Nhưng rõ ràng là gia đình họ Khương nhiều đời làm quan và tạo lập được quan hệ rộng khắp đế chế, bởi thế mối quan hệ của họ với Việt Nam không có vẻ gì quan trọng lắm.
Gia đình họ Khương không phải là trường hợp điển hình ở Việt Nam. Năm 845, một quan chức nhà Đường tâu về triều rằng: "Xứ An Nam đã không có quá 8 người làm quan trong triều; những người đỗ cao không quá số 10." Trừ họ Khương ra, một người Việt Nam duy nhất được biết đã đỗ tiến sĩ là ông Liêu Hữu Phương. Chúng ta biết thế vì ông đã viết một bài thơ mà các nhà sưu tập thơ đã giữ lại được. Bài thơ đó được viết lên để bày tỏ tâm tư hoài vọng của các sĩ phu Việt Nam thời đó. Dưới đây là lời ông :
"Năm 815, tôi thi trượt [ở Tràng An, kinh đô nhà Đường tận phía Bắc]. Tôi du hành ở miền tây và đến một quán trọ bên ngoài thành Bảo Kê ở đất Thục, nay là tỉnh Tứ Xuyên. Ở đó, ngạc nhiên khi nghe thấy có tiếng một người đàn ông đang than thở, nên tôi tìm đến và hỏi thăm về nỗi đau khổ của ông ta. Ông ta đã trả lời tôi rằng: "Tôi đã dày công đi thi, nhưng vẫn chưa được toại nguyện!” Rồi ông ta đập đầu xuống sàn. Hàn huyên với ông ta một hồi lâu tôi nhận được những câu trả lời thật là mau mắn nhưng đầy chua chát. Sau đó ông ta im lặng một lát rồi đột nhiên ngoẹo đầu sang một bên rồi chết. Tôi vội vàng bán con ngựa của tôi cho một ông hào trưởng và mua một cỗ áo quan để lo chôn cất ông ta. Hỡi ôi! Đến lúc đó tôi cũng không biết tên ông ta là gì! Lần theo một con đường mòn tôi đi vào trong núi và đào huyệt rồi buồn rầu đặt thi hài ông xuống để ông an nghỉ giấc ngàn thu. Về sau, tôi có làm cho ông ta một tấm bia mộ mà trên đó tôi có khắc mấy câu thơ của mình như sau: [1]
Ôi bác từ trần, túi nhẵn không!
Bao phen khoa cử hóa long đong.
Sơ giao luống nặng lòng thương xót,
Quê bác nơi nào mà ngóng trông?"
(Bài thơ này nhan đề "Đề trên quan tài nơi quán trọ: Thơ làm lúc an táng người hàn sĩ nơi quán trọ thành Bảo Kê.")
Thái độ đầy nhiệt tình của Liêu Hữu Phương đối với người xấu số rõ ràng nói lên sự đau buồn của chính ông đối với gánh nặng trường thi. Nhưng ông đã vượt qua được sự buồn rầu chán nản để qua năm sau, năm 816, ông lại đi thi, đỗ Tiến Sĩ, được bổ nhiệm làm quan tại triều và lấy hiệu là "Du Khanh" (người quân tử lãng du).
Liêu Hữu Phương gốc ở Giao Châu mà đi từ Giao Châu lên tận Trường An để thi cử ở thời Đường, phải đi bằng thuyền, vượt qua 250 dặm đường sông và biển mới đến được Hải Môn, một hải cảng ở phía Tây Quảng Đông, rồi từ đó theo đường bộ lại phải mất thêm 1200 dặm nữa mới tới được kinh đô. Vì thế, tính đến lúc ông Liêu Hữu Phương thi đỗ Tiến Sĩ, thì ông đúng là một “người quân tử lãng du”.
Khi một sĩ tử Việt Nam quyết tâm lên kinh đô ứng thí, vì mục đích thực tiễn, người ấy rõ ràng phải chấp nhận ngảnh mặt với quê hương, với nơi chôn nhau cắt rốn. Rất ít có cơ may là người ấy sẽ trở về với bất cứ chức vị phẩm hàm nào; hoặc là sẽ lập sự nghiệp hẳn ở miền Bắc, hoặc là sẽ biến mất ở đâu đó bởi vì không mấy người muốn mất mặt mà trở về trong thất bại. Không biết chính xác bao nhiêu chàng trai trẻ đã từng quyết định như thế, nhưng chắc chắn là nhiều hơn rất nhiều con số ít ỏi những người thành công. Ngoài học hành thi cử, những người khao khát được ra làm quan còn cần có sự giúp đỡ của những người có thế lực, có tầm ảnh hưởng. Hiếm người ở Giao Châu xa vời kinh đô Đường mà được may mắn như Liêu Hữu Phương. Người đã chết trên tay Liêu Hữu Phương và được ông chôn cất tử tế có thể là một trong số hàng ngàn, hàng vạn sĩ tử xuất phát từ Giao Châu, và có thể đó là nguyên do khiến Liêu Hữu Phương đứng ra chôn cất người xấu số. Một học giả Việt Nam gần đây viết: "Khi lo chôn cất người ấy, Liêu Hữu Phương đã đề tặng tất cả những tài năng Việt Nam không được biết đến hoặc đã mai một trong khi lận đận với trường thi ở phương Bắc." Nhận định này chỉ có thể được cảm nhận một cách mơ hồ nhưng không thể đánh giá sự thương cảm ấy chính xác đến mức độ nào.
Tuy nhiên chúng ta có thể cho rằng con số những người biết chữ Hán ở Việt Nam thời đó phải rất nhiều. Những từ ngữ Trung Quốc được vay mượn vào tiếng Việt đều mang tính chất văn chương kể từ đời Đường. Tuy nhiên, khác với những từ hành chánh du nhập từ thời Hán mà vẫn giữ âm cũ của thời Hán, những từ được du nhập vào thời nhà Đường sau này lại được nói theo âm Việt sau khi đã qua một quá trình chi tiết hoá rồi đơn giản hoá để dùng trong giới những người Việt có học.
Vào thời đó, người Việt Nam cũng bắt đầu thí nghiệm cách dùng chữ Hán để viết ra tiếng nói của mình. Thí dụ đầu tiên của tiếng Việt như đã nói trước đây là hai chữ "Bố" và "Cái", tước hiệu của Phùng Hưng. Mặc dầu văn tự Việt (chữ Nôm) đã được phát triển sau này để dùng trong văn chương từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18, nhưng nói chung các triều đại Việt Nam vẫn còn nhiều hoài nghi, coi chữ Nôm như là một thứ “mách qué” mà thôi. Quan điểm này của họ có lẽ bắt đầu từ thời nhà Đường.
Những người có học đi lên kinh đô để ứng thí phải để cả tuổi trẻ vào việc dùi mài kinh sử từ những sách giáo khoa của Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng để có được một vị trí trong xã hội Việt Nam thời ấy thì dân chúng Việt Nam phải suy nghĩ theo những sách giáo khoa Trung Quốc ấy. Chứng liệu về cung cách đạo đức và giáo dục gia đình theo kiểu Trung Quốc được truyền bá trong xã hội Việt Nam từ thế kỷ 8 vẫn còn tồn tại phần nào trong xã hội Việt Nam.
Theo sách Trung Quốc chép lại, có một người mẹ của một lãnh tụ nổi loạn ở An Nam luôn răn dạy con trai ương ngạnh của bà về chuyện phải cư xử như thần dân trung thành đối với vương triều Trung Quốc. Thấy con rất bướng bỉnh không nghe lời, bà liền từ con, tự làm ruộng lấy thóc ăn, tự dệt vải may áo mặc. Tất cả những người hàng xóm đều cảm phục đức tính ngay thẳng của bà và họ cũng bắt chước tôn trọng pháp luật! Vào đầu triều đại Đại Lịch (766-799), vua Đường biết chuyện này bèn ban chiếu cho hai người đến hầu hạ bà.
Việc phái hai người đến hầu hạ bà lão họ Kim là một áp dụng của chế độ thị đinh tức là cách tổ chức gia đình do pháp luật nhà Đường ban hành. Theo đó, những người già yếu mà có công lao đều được nhà nước phái người đến nhà hầu hạ. Những đinh thị (người hầu nam) được miễn lao động cưỡng bách.
Luật pháp Việt Nam do các triều đại Việt Nam đặt ra sau này đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của luật pháp nhà Đường. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần nhiều luật nhà Đường được áp dụng thuộc về nghi thức triều đình, sự trung thành với quân vương, tư cách đạo đức của các quan lại, trật tự công cộng và những thủ tục hành chánh như kiểm tra dân số và thu thuế. Còn những phần luật nhà Đường nói về tư pháp hình sự, hôn nhân, thừa kế, tổ chức gia đình hay các phong tục, tục lệ hành xử được thay thế hay thay đổi bằng những điều khoản riêng biệt mang sắc thái Việt Nam. Từ sự kiện đó, chúng ta có thể thấy rằng những cố gắng của Đường triều để cải cách xã hội Việt Nam không được thành công lắm, và chế độ thị đinh (người hầu) có lẽ chỉ được áp dụng trong thiểu số những người Trung Quốc di cư đến Việt Nam.
Tuy nhiên cũng phải nhận rằng văn hoá và xã hội Việt Nam đã bị thay đổi ít nhiều sau gần 3 thế kỷ dưới ách thống trị của nhà Đường. Chính trong thời gian này mà ngôn ngữ Việt Nam được phong phú hơn. Văn chương của Trung Quốc đã đem đến một kiến thức rõ rệt về giáo dục cổ điển và khả năng áp dụng kiến thức ấy vào tư tưởng dân gian. Vào thời đó một số thể lệ pháp lý và hành chánh theo kiểu Trung Quốc cũng đã được hình thành và trở nên đặc thù trong chính quyền Việt Nam vào thời kỳ độc lập.
Lại nữa, nếu tính đến giữa thế kỷ 9, mà Việt Nam chỉ "sản sinh được không quá 8 quan đại thần và những người đỗ cao không quá 10 người" thì chúng ta không nên đánh giá quá cao ảnh hưởng của nền giáo dục cổ điển của nhà Đường đối với Việt Nam. Mặc dầu Giao Châu tương đối dễ bảo dưới chế độ nhà Đường, những châu còn duy trì được phần nhiều truyền thống Việt Nam như châu Phong, châu Ái và châu Hoan đã sản sinh được hàng loạt những lãnh tụ nổi dậy và kế tục nhau đưa phần lớn thế kỷ 9 vào một cuộc đối đầu kéo dài và nhiều bạo động với nhà Đường. Những biến cố trong thế kỷ 9 đã kết liễu quyền bá chủ của Trung Quốc trong một thời kỳ dài tại Việt Nam. Mặc dầu tinh thần độc lập của người Việt Nam đã tạm thời bị kìm nén do sự đàn áp khốc liệt của nhà Đường tại vùng biên cương phía Nam, nhưng sự đối đầu Đường-Việt ở thế kỷ 9 là tiếng chuông báo hiệu cho thế kỷ thứ 10 khi tinh thần độc lập ấy được thắp sáng thêm lên và dần dần chuyển sang thế thượng phong.
Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved