Home » » GS PHONG LÊ

GS PHONG LÊ

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:23

Vài nét về Giáo sư Phong Lê
Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình Phong Lê tên thật là Lê Phong Sừ. Sinh ngày 10/11/1938. Quê quán: xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Bên cạnh công việc nghiên cứu, Phong Lê còn tham gia giảng dạy và đóng góp vào công tác đào tạo ở bậc Đại học và Sau Đại học. Trong nhiều năm, ông từng là Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành xét phong chức danh Giáo sư Văn học ở Việt Nam.
Năm 1959, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ cuối 1959 đến 2003, làm công tác nghiên cứu tại Viện Văn học, từng giữ các chức vụ Trưởng phòng nghiên cứu rồi Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (1988-1995 ). Giáo sư văn học (1991), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học xã hội và nhân văn (2006). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1979, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Hội Nhà văn Việt Nam khóa III (1985-1993).
Kể từ bài viết đầu tiên đăng trên tập san Nghiên cứu văn học năm 1960, cho đến nay Phong Lê đã hoạt động văn học trải dài trên nửa thế kỷ. Ông đã cho in hàng trăm bài phê bình, tiểu luận trên các báo, tạp chí chuyên ngành, xuất bản trên 20 đầu sách đứng tên riêng, chủ biên hơn 20 cuốn sách là công trình tập thể của nhóm nghiên cứu là cán bộ Viện Văn học, chủ trì một số công trình khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ, sau khi nghiệm thu đã xuất bản thành sách.
Là một trong những chuyên gia hàng đầu bền bỉ nghiên cứu sâu về văn học Việt Nam hiện đại, sự nghiệp khoa học về văn học của Phong Lê có thể chia thành 2 thời kỳ:
- Thời kỳ đầu khoảng 25 năm, từ 1960 đến đầu những năm 80 của thế kỷ 20: tìm tòi, thể nghiệm hướng nghiên cứu về tác phẩm, tác giả thuộc thể loại tự sự của văn học Cách mạng Việt Nam sau 1945, theo phương pháp tiếp cận xã hội học văn học mác-xít. Các công trình đáng ghi nhớ của ông trong thời kỳ này là: Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970 (chuyên luận- 1972); Văn và người (phê bình, tiểu luận, 1976); Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa (chuyên luận, 1980).
- Thời kỳ sau, từ giữa những năm 80 trở lại đây. Bắt nhịp với sự chuyển động đổi mới của xã hội và đời sống văn học đương đại, Phong Lê từng bước đổi mới tư duy nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các góc nhìn học thuật từ văn học so sánh, thi pháp học, phong cách học và tiếp nhận văn học. Ông mở rộng đối tượng nghiên cứu, bao quát toàn bộ sự vận động của tiến trình văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa trải dài từ đầu thế kỷ XX đến nay, qua nhiều cột mốc của lịch sử - xã hội, với các trào lưu xuất hiện kế tiếp nhau trong sự phong phú, đa dạng thể loại do nhiều thế hệ tác giả xuất thân từ cội nguồn ít nhiểu khác biệt về tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ và bút pháp nghệ thuật. Khắc phục sự lược quy, xơ cứng của cách tiếp cận quen thuộc, cũ, giờ đây ông lưu ý hơn đến mặt bản thể thẩm mỹ đặc trưng của văn chương qua cơ cấu nghệ thuật và ngôn ngữ thể loại đặc thù; các nguồn ảnh hường nội sinh và ngoại sinh tác động vào văn học; văn bản như một thông điệp thẩm mỹ và biến đổi tiếp nhận tác phẩm trong công chúng qua các thời đại; cái riêng trong bút pháp, giọng điệu của các cá tính sáng tạo đơn nhất… Tóm lại, văn học như một chỉnh thể hữu cơ, trong các mối quan hệ biện chứng tương tác giữa mặt khách quan và chủ quan, đều  được xem xét kỹ lưỡng, không  xem nhẹ một yếu tố nào.
Cây bút Phong Lê vẫn say sưa, mạnh mẽ nhưng uyển chuyển, mềm mại nhiều ưu tư, trăn trở mà phóng khoáng hơn. Ông đề xuất qua các Hội thảo do ông chủ trì hoặc tham gia, qua loạt bài viết tâm huyết, về việc cần xem xét đánh giá lại các trào lưu văn học, tác gia trước 1945 sao cho khách quan, công bằng, có sức thuyết phục. Vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, văn nghệ và chính trị, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng cần được tiếp cận dưới nhiều góc độ, khắc phục sự một chiều độc tôn một góc nhìn, một kiểu tiếp cận, để nhận ra sự phong phú, phồn tạp của thực tiễn sáng tác và đời sống văn học. Một cái nhìn cởi mở, bao dung, đề cao tính dân chủ, đối thoại bình đẳng trong sáng tạo và tiếp nhận văn học, hướng vào tiến bộ xã hội và nhân đạo hóa con người, đáp ứng những đòi hỏi tự thân của văn học trong bối cảnh xã hội hiện đại, giao lưu và hội nhập, từng bước được thể hiện rõ nét trên những trang viết của ông.
Các công trình: Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại (2001); Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu (2001); Văn học Việt Nam hiện đại - lịch sử và lý luận (2003) đã kết tinh sự sắc sảo, chín mùi trong tư duy học thuật của ông, xứng đáng là cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn năm 2006. Văn học giờ đây không chỉ là lĩnh vực của tư tưởng, đạo đức, ý thức hệ chính trị, mà từ căn cốt, nó là một cơ cấu nghệ thuật, sản phẩm của lao động sáng tạo đặc thù nơi nhà văn, nhằm thực hiện giao tiếp thẩm mỹ, thỏa mãn khát vọng của con người hướng về cái Đẹp, cái cao cả của Chân - Thiện - Mỹ.
Bên cạnh công việc nghiên cứu, Phong Lê còn tham gia giảng dạy và đóng góp vào công tác đào tạo ở bậc Đại học và Sau Đại học. Nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học do ông trực tiếp hướng dẫn đã bảo vệ thành công các Luận án Tiến sĩ, Luận văn Thạc sĩ thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam và Lý luận văn học. Trong nhiều năm, ông từng là Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành xét phong chức danh Giáo sư Văn học ở Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Thiện
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved