Tiểu luận triết học
Isabelle Thomas-Fogiel*
Để không lập lại những thuật truyện mơ hồ về thuở ban đầu
Hãy tìm cội nguồn trong một địa bàn liên đới dị biệt và hòa đồng cá thể
(Nguyên bản Pháp văn, Dịch giả: Ngô Văn Tao)
Luận về cội nguồn, triết gia hiện đại một là từ bỏ mọi ưu tư tìm đến tận nguồn, hai là chỉ bàn về “bản thể”. Từ bỏ mọi ưu tư vì tìm ra nguyên nhân của tất cả thật là một kỳ vọng quá xa vời, khi chính khoa học cũng không thể làm được, khoa học chỉ cho ta biết liên kết những sự kiện. Với kỳ vọng đó, chúng ta chỉ có thể lần mò bước từng bước một, “trở về cho đến tận hư vô”.
Tại sao “Có” mà không là “Hư vô”? Hãy nói vì là “Thượng Đế” hay vì là “Thiên Nhiên”, cũng chỉ là bằng một ma thuật ngữ ngừng bước lần mò, tọa định trong màn u minh. Kant là người đầu tiên biết từ bỏ cái kỳ vọng viển vông trên, những triết gia theo sau cũng đồng ý chỉ nên suy tư trên những gì đã định hình, như ngôn ngữ chẳng hạn. “Bản thể” là một từ luôn luôn được nhắc nhở trong Hiện Tượng Học. Đối với Heidegger, “bản thể” là bản chất là khai mở (alethia), một cái gì đó để nghệ thuật là nghệ thuật mà không phải là chuyện phù phiếm trần gian hay là chuyện thành tựu kỹ thuật. Nhưng thật nghĩ tới “bản thể” vẫn là đi tìm một thời quán nguyên sơ, một nguyên lý khởi đầu.
Đối với ngôn ngữ (t.d. như tiếng Đức), theo Heidegger và Merleau-Ponty “bản thể” có thể tìm ra từ những tượng hình của những con người chưa khai hóa, những khắc họa trên vách động, những ký họa ngây thơ nhi đồng. Tìm đến “bản thể” đưa chúng ta nghĩ tới thời xa xưa thuần khiết và lịch sử là một sự thăng trầm già tế. Những suy tư ẩn chứa ba vấn nạn: sự nhân danh khoa học cấm kỵ tư biện luận bàn, sự nhận ra cội nguồn trong một quá khứ chân chính nào đó và sau cùng hết sự cho tất cả là nằm trong một tương lai huy hoàng hay một quá khứ chính thống đạo giáo. Những vấn nạn phải giải tỏa?
Với quan điểm hạn định nhận thức học, triết học vẫn là lý luận tuy không rập khuôn theo phương thức của khoa học. Peter Strawson hay Karl-Otto Apel chẳng hạn nêu ra những lập luận triết lý siêu nghiệm, khảo sát những điều kiện khả thể để cho những sự kiện được nhận thức không phải là ảo tưởng. Những điều kiện không là hiện tượng, nguyên nhân, khởi điểm mà là những nguyên tố tiên nghiệm. Tìm ra những nguyên tố tiên nghiệm, có thể đây là một phương thức lần mò suy tư về cội nguồn.
Trong nhân chủng học, một sự kiện hiển nhiên là tất cả những cộng đồng nhân loại đều có thủ tục tang lễ tiễn đưa người chết, tôi tự hỏi cơ cấu ở đâu ra sự kiện phổ biến này. Thủ tục tang lễ tiềm ẩn ý nghĩa gì trong tâm thức của con người? Chúng ta nghĩ gì về cái ranh giới mờ ảo này giữa cõi sống và cõi chết, cái ranh giới cùng một lúc gợi cho chúng ta nghiệm tới một cõi ở bờ bên kia? Theo tôi nghĩ, thủ tục tang lễ là một động tác, chứ không phải là một sự kiện tự nhiên hay một quy định của sinh vật học. Một động tác xa xưa nhưng vẫn tồn lưu như nhân loại luôn luôn khai tịch chính mình. Nhận xét này giúp chúng ta vượt khỏi cái vấn nạn là đi tìm cội nguồn trong một quá khứ chân chính nào đó. Chúng ta không đi tìm quá khứ mà liên hồi tự sáng lập. Một động tác tạo dựng nhân bản, bao hàm ý nghĩa khởi đầu với tương lai trong viễn cảnh.
Cội nguồn sẽ không còn là cái gì thái cổ đã từng có mà chúng ta đi tìm di tích, mà là cái gì chúng ta biết quy định và luôn luôn phải hoàn tất. Có lẽ trong vòng tư tưởng này, chúng ta trở lại với Paul Ricoeur để nhận đinh cội nguồn như một thuật truyện, luyện từ giả tưởng (élaboration fictionnelle) để thiết lập chính mình trong tất cả thời quán suy tư. Và như thế chúng ta đã vượt qua hai vấn nạn đầu tiên, mở đường cho chúng ta đối diện với điều thứ ba. Suy tư về cội nguồn và tìm ra trong thời gian ( trong quá khứ thuần khiết và trong tương lai huy hoàng) những đáp ứng!
Nhưng có lẽ chúng ta phải biết đặt vào trong vũ trụ bốn chiều không gian và thời gian tất cả những câu hỏi của chúng ta. Chúng ta từ đâu tới? Hãy biết tự trả lời rằng: chúng ta đến từ những chân trời khác biệt, những văn học khác nhau và cùng nhau chấp nhận những dị biệt. Chúng ta là bao nhiêu là cõi, nhưng không một nơi nào là tối thượng. Đứng bên nhau (trong không gian) không bắt buộc phải có chuyện ai đến trước ai đến sau (trong thời gian). Chúng ta có thể tạo dựng một địa bàn của những cội nguồn, với những miền cõi khác nhau nhưng rất cận kề.
Một vùng lân cận với những bến bờ hội tụ và đan kết những dị biệt, tạp chủng định hình những cá biệt. Sợi dây tơ dẫn đến những miền đất, giúp chúng ta không phải nghĩ đến “ngày mai sán lạn” để quên đi sự xa lạ hay nghĩ tới “ngày xưa huyền thoại” để phủ nhận sự phải có chung một bản thể. Đặt vào không gian và thời gian vấn đề của chúng ta, tức là có mệnh đề về địa bàn của cội nguồn, hé mở những đại lộ giao lưu, những bến nước hội ngộ không phân biệt thượng lưu hay hạ nguồn, những miền cõi cá biệt nhưng luôn luôn chung sức tạo dựng và duy trì hòa điệu nhịp sống con người.
Isabelle Thomas-Fogiel, professeur de philosophie contemporaine à l’université Paris I-Panthéon-Sorbonne :
“Pour échapper à l’improbable ré cit des commencements
Il serait salutaire de penser une topologie des origines, où voisinent les différences et se construisent les identités”
(article publié dans Le Monde, journal de Paris le 21 Novembre 2008)
Ngô Văn Tao : Tôi phỏng dịch bài tiểu luận triết lý này, như nhận thấy rất phủ hợp với khái niệm căn bản của Thông Diễn Học (hermeneutics): “Để tự quy định mình, dấn thân vào biện chứng của những hình thái hữu hạn, của cái biết trực tiếp và chủ quan của cái TÔI, sẵn sàng thay đổi viễn tượng, đứng vào vị trí và quan điểm của cái khác, của NGƯỜI KHÁC”(Hegel). Ngoài ra tuy là một tiểu luận triết lý nhưng lại có một chiều sâu thi ca, một sự kiện tất yếu theo Heidegger và theo Bùi-Giáng . (20.12.2008)