Home » » BÙI GIÁNG VÀ PHẠM CÔNG THIỆN

BÙI GIÁNG VÀ PHẠM CÔNG THIỆN

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011 | 02:01

lun đ Bùi Giáng
và Ph
m Công Thin

tản mạn

Trong một ngày gần đây ở Toulouse (France) có một buổi hội thảo về Phạm Công Thiện, tôi góp một ý kiến, nên có một luận trình tương quan của hai văn nghệ sĩ Bùi Giáng và Phạm Công Thiện, có thể đây chính là một đề án cho tiến sĩ văn học hay cho tiến sĩ triết học nhân văn. Một luận án có thể cho chúng ta tìm hiểu trí thức miền Nam Việt nam vào những năm 1960, dù đang chìm đắm trong tao loạn, chiến tranh Việt Nam 1960-1975. Và còn có thể mang theo một cái gì xa xôi hơn nữa để nhận ra trí thức Việt nam sẽ đi về đâu vượt qua cái hệ thống xã hội hiện nay áp đảo một chiều của chủ nghĩa Marx-Lenine.

Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là hai nhà thơ tiền phong đưa vào văn học Việt Nam trào lưu tư tưởng thế giới cận đại: tìm hiểu tư tưởng của Nietzsche, hiện tượng học Husserl-Heidegger, sáng tác cho tự do nhân bản của Henry Miller…Trước hết, BG và PCT đều nhập cuộc với tiêu chỉ của Nietzsche: “Chúng ta có nghệ thuật để không chết chìm trong sự thật!”.  Với  BG và PCT, nghệ thuật cốt yếu là thi ca; và sự thật chính là thân phận con người với những hoài bão vô vọng như của tình yêu, như của cái đẹp, cùng thâm trầm ẩn dụ thời cuộc chính trị, chiến tranh tương tàn đang lôi kéo cả dân tộc mình vào thống khổ tang tóc.

Vào những năm 1960, BG và PCT xuất hiện như hai ngôi sao. Nước Việt nam vừa ra khỏi sự cô lập của chiến tranh thế giới 1939-1945, và vừa đoạt được hòa bình với thực dân đế quốc Pháp (hiệp định Genève 1954), Miền Nam Việt nam đặc biệt có dịp mở rộng để tiếp thụ tư tưởng Tây Phương. Hai nhà thơ tận lòng vùi đầu trong ngàn ngàn trang sách, tìm hiểu trào lưu tư tưởng âu tây cận đại. Để rồi với những trang viết vô vàn từ từ ngữ ngữ, thuyết trình những tư tưởng đó qua quan điểm độc đáo sáng tác của chính mình. Những trang viết vô vàn tư từ ngữ ngữ theo như Heidegger, theo như Henry Miller, để lại trong giới trí thức Việt nam cùng thời không ít dấu ấn tuyệt tác sâu xa của người này hay vô cùng bông lơi thoát tục của người kia. Những dấu ấn hứa hẹn một ngày nào đó văn học Việt nam sẽ theo đà mở rộng tầm nhìn, tầm nghĩ trong mọi sáng tác nghệ thuật.

BG và PCT có nhiều điểm tương đồng. Hai nhà thơ đều tự nhận mình là “phật tử”. Họ cùng đi tìm dấu ý niệm của Phật học trong văn bản của Heidegger và trong tiểu thuyết của Henry Miller. BG và PCT đều giảng dạy triết học trong những năm 1960 ở Đại Học Vạn Hạnh, đại học mở đón bất cứ ai muốn tìm hiểu Phật Giáo. Họ sáng tác và luận giảng triết học một cách an nhiên tự tại, âm thầm phủ nhận, không màng tới chủ nghĩa xã hội Marxit hay nào khác, những chủ nghĩa đưa đến tang thương tao loạn, chiến tranh đang bao trùm đất nước quê hương.

Điểm chính nên nhắc lại, BG và PCT đều là hai nhà thơ. BG thì thật là thi sĩ với một công trình thi ca đồ sộ, lưu trong “tinh tuyển lục” của thi ca Việt Nam. PCT để lại rất ít bài thơ, nhưng PCT là thi sĩ trong ý chí và tâm hồn, với ý thơ luôn luôn mãnh liệt bộc phát trong mọi luận văn của ông. Một điểm thật khác nhau, PCT khi bàn luận về một tư tưởng hay một tác giả thì thường kết cục là bàn luận về suy tư độc đáo của chính mình, có thể bắt nguồn từ một văn bản tiền nhân nào đó, mà độc giả chỉ có thể phỏng đoán. Trái lại, những luận văn của BG thường chất chứa nguyên văn những đoạn thơ ngắn hay dài nên cũng vô cùng bông lơi bay bổng, nhưng vẫn là luận đề trên một đề tài sắc bén rõ rệt, luôn luôn trích dẫn những văn bản ngoại ngữ, mà BG đã tự dịch ra việt ngữ với tài hoa độc đáo sâu xa của thi nhân.

Những điểm đồng nhau! Những điểm khác nhau hay đúng hơn chính là những tương phản hệ trọng. BG là văn nghệ sĩ có cả một sự nghiệp lớn lao để tìm hiểu và khai thác. PCT cốt yếu sáng tác trong một thập niên, từ 18 tuổi đến 28 tuổi (những năm 1960); văn của PCT là sự đắm say triết học, đột phá của tuổi trẻ với những ý thơ mãnh liệt của nhựa sống, hoài bão siêu thoát không nhân nhượng, khẳng định tự do ý chí của bản thân, PCT đã có ảnh hưởng sâu rộng thời thượng tới thanh niên của thế hệ mình. BG và PCT chắc chắn có những quan niệm đối nghich về nghệ thuật. Nhưng chính vì những tương phản đó nhiều hơn là những điểm đồng nhau hứa hẹn cho chúng ta một luận trình tương quan BG và PCT sinh động và đầy màu sắc.

Với những gì mà BG đã để lại, với những ảnh hưởng vang dội của PCT trong giới thanh niên trước kia và có lẽ cả bây giờ, một luận trình về BG và PCT sẽ mang cho chúng ta những ý niệm sâu xa đa dạng về nghệ thuật về thi ca, và hơn nữa chúng ta sẽ có những quan niệm khác nhau về sứ mạng của nghệ sĩ trong xã hội cùng với thế nào là tự do ý chí nhân bản trong sáng tác nghệ thuật.

11. 5. 2011

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved