Home » » THÔNG DIỄN LUẬN TRIẾT HỌC CỦA HEIDEGGER - P4

THÔNG DIỄN LUẬN TRIẾT HỌC CỦA HEIDEGGER - P4

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011 | 01:21

Trong chiều hướng thông diễn Hiện thể trong Chương 3 & 4 (Chương 4 quảng diễn thêm Chương 3) quyển Ontologie: Hermeneutik der Faktizität, sau khi đã định rõ đối tượng của thông diễn luận là từ phân tích Hiện thể để đi tìm Hữu và đưa ra định nghĩa am hiểu và diễn giải, có lẽ đây là lần sớm sủa nhất Heidegger đưa ra khái niệm Destruktion (giải cấu/hủy triệt/diệt) hiểu như việc thu tập, thông diễn lịch sử triết học nhằm vượt qua Siêu hình học Tây phưong, trong trường hợp này là giải cấu/hủy triệt tư tưởng “hôm nay” về Hiện thể trên hai chủ đề: (1) Hiện thể được diễn giải trong ý thức lịch sử ở thời điểm đặc biệt hôm nay và: (2) Hiện thể được diễn giải trong triết lý ở thời điểm đặc biệt hôm nay. Phép destruktion/giải cấu này sẽ được Heidegger dùng lại trong tiết 6, Phần II của Chương Dẫn Nhập quyển Sein und Zeit “Nhiệm vụ của một Giải cấu/triệt hủy Lịch sử Hữu thể luận”.
Coi ý thức lịch sử như một tiêu biểu diễn giải của hữu-được-diễn-giải ở thời điểm đặc biệt hôm nay theo chuẩn mực là cách thế một thời điểm quan nhận và tra hỏi quá khứ (của Hiện thể bản thân hay Hiện thể của tha nhân), trụ trên đó và duy trì hay vứt bỏ quá khứ này, là một chỉ dấu của hiện tại đối diện chính nó như thế nào, của tại-hữu hiện hữu trong “tại” của nó. Chính chuẩn mực này cũng chỉ là một biểu hiện của đặc tính nền tảng của kiện tính mà thôi. Heidegger nhận thấy quan điểm nhìn quá khứ này thấy rõ trong những khoa học xã hội đương đại đã tự biến thành con đường trên đó kinh nghiệm lịch sử làm cho cuộc sống quá khứ có thể tiếp cận được, đối tượng hóa quá khứ, coi quá khứ lịch sử là một cái đã hoàn thành, quá khứ lịch sử này đã được quan nhận theo một cách thế và được biện luận trên một quan điểm cố định. Quá khứ trở thành một phạm vi các đối tượng khoa học. Hiện thể quá khứ trong tư cách đối tượng được nắm bắt như “sự biểu lộ ra ngoài” của chủ quan tính phóng ngoại, đời sống của một nền văn hóa được ép cứng vào một dạng thức trong những diễn trình đối-tượng-hóa này và sau cùng được coi như phong cách của một thời. Văn hóa như thế được coi như một cơ chế, có một đời sống hữu cơ tự trị: xuất hiện, bừng phát, và tàn lụi. Cung cách nhìn quá khứ kiểu này hiện giờ (hiểu là những năm 1920 ở Âu châu) thấy rõ nhất trong tư tưởng của Oswald Spengler. Tuy khen ngợi Spengler là người đầu tiên đã đưa ra được một cách nhìn quá khứ có tính cách luận lý và ưu việt, là người tiên phong, can đảm bất chấp hậu quả trong việc mô tả hiện thực những khả hữu rõ rệt tìm thấy trong nguồn gốc và sự phát triển của ý thức lịch sử hiện đại, nhưng Heidegger đặt câu hỏi : quá khứ một khi đã được đối tương hóa và có cái hữu của những biểu hiện, thì từ đó sẽ xuất hiện mô thức lý thuyết nhận thức, minh giải, và triển khai quá khứ nào? Khi đã trở thành “biểu hiện” tức là có sự thay thế dùng cái này để bày tỏ một cái gì khác cũng có nghĩa là đã triệt hủy cái hiện tại, tức là thời gian tính.
Sang đến chủ đề thứ hai: hữu-được-diễn-giải ra sao trong triết lý hôm nay, Heidegger không nêu rõ triết lý hay triết gia nào mà chỉ muốn đưa ra một phân tích nhằm tiến tới một đánh giá thông diễn luận (hermeneutical assessment) về những bộ môn triết học truyền thống như đạo đức học, triết học lich sử, tâm lý học v.v…Theo Heidegger khi ta coi triết lý như một mô thức diễn giải Hiện thể kiện tính tức là ta căn cứ trên một tính chất hình thức nào đó của chính triết học truyền thống vốn theo khuynh hướng đặt cho mình nhiệm vụ định nghĩa toàn thể những hữu (totality of beings) trong các phạm vi khác nhau, với nhũng loại ý thức riêng của mỗi phạm vi, và thống nhất bao trùm cả hai vào những nền tảng tối thượng là những nguyên lý. Tuy nhìn nhận triết học truyền thống tuy không nói rõ nhưng những vấn đề được thảo luận, đưa ra diễn ngôn, đều bao hàm đời sống con người nhìn từ một quan điểm nào đó. Cho nên điều quan trọng là đọc từ triết học truyền thống để xem triết học truyền thống đã nắm bắt cái gì của Hiện thể của đời sống như thể đã được quan niệm từ trước, nghĩa là đã tùy thuộc vào một quan điểm hướng dẫn chủ đạo. Heidegger chỉ ra trong việc diễn giải hữu triết học truyền thống khi cứu xét toàn thể các hữu đã thiết lập những tương quan phân hạng các hữu và “tính chất tương quan” đã được đẩy tới cùng mức và trở thành một đối tượng riêng biệt. Tính chất tương quan này vượt lên trên thời gian, và như vậy Hiện thể đã bị tước bỏ tính cụ thể ở thời điểm đặc thù”(jeweils) và trong một “hoàn cảnh” lịch sử những “phạm trù” là những sinh hiện (Exitenzialien/existentials) trong đó đời sống thực sự, hiểu như “hữu khả” (Mőglichsein/being-possible) rộng mở và vô lượng đang hiện hữu (trong chốc lát ở một thời điểm đặc thù) và “thông dịch” hữu của khả hữu đó cùng với hữu của thế giới . Tuy không chỉ rõ ra, chúng ta cũng thấy được Heidegger muốn phê phán triết lý thời bấy giờ vẫn còn mang nặng dấu ấn Hegel, kể cả Kierkegaard là người ông nêu đích danh. Heidegger cũng phê phán kịch liệt khuynh hướng nối kết hiện tượng luận với biện chứng pháp đang thời thượng nhằm đạt được tính chất khách quan, gọi khuynh hướng này là “chủ nghĩa Plato của những kẻ mọi rợ” vì họ đã không nắm được cỗi rễ tư tưởng của Plato.
Để kết thúc Chương 3 này Heidegger tóm lược đề tài diễn giải Hiện thể trong tại hữu của nó trong thời khoảng ở một thời điểm nào đó và nhiệm vụ của việc diễn giải này đưa ra để quan nhận, có một cái nhìn, và hiểu chủ đề này trong cách thế sao cho, trong chính nó, những đặc tính cơ bản của hữu của Hiện thể được làm nổi rõ. Heidegger nhấn mạnh: “Hiện thể không phải là một “sự vật” như một miếng gỗ, cũng không phải là một vật như cái cây – cũng không gồm những kinh nghiệm, và càng không phải là một chủ thể (một ego) đứng đối nghịch với một đối tượng (không phải là ego). Hiện thể là một hữu riêng biệt (Seindes), chính trong chừng mực nó “tại hữu” cho chính nó trong một cách thế công chính, không phải là một đối tượng.” Trong lịch sử và ttriết học, Hiện thể nói vế chính minh một cách trực tiếp hay gián tiếp, điều này có nghĩa Hiện thể có sự am hiểu về chính mình và tiếp tục làm rõ từng chi tiết trong những mô thức như đã được diễn giải theo một cách thế nào đó. Cho nên câu hỏi đich thực của thông diễn luận nay là: đặc tinh nào của hữu của Hiện thể xuất hiện trong những mô thức của chính tự hữu của Hiện thể một cách khách quan, không tùy thuộc một quan điểm nào.
Kết thúc Chương 4 Heidegger đề nghị thêm những nhiệm vụ của Thông diễn luận: đưa Hiện thể kiện tính ra cứu xét, nhìn kỹ, và có được một sự am hiểu tính chất của hữu của Hiện thể. Tương ứng với điều này, lộ trình tiến tới của phân tích thông diễn luận được vạch ra trước, và tò mò như hiện tượng căn bản cần được khám phá một cách quyết định: (1) như chuyển động của chính Hiện thể; (2) tò mò như một chuyển động trong cách thế như thể Hiện thể “là” chuyển động đó “có” tại hữu trong chuyển động. Nghĩa là những đặc tính của hữu-được-diễn giải có thể được phơi mở như những phạm trù của Hiện thể (những sinh hiện/Exitenzialien/existential); (3) làm sáng tỏ hiện tượng nền tảng của “ở đó” và đưa ra một sự định tính có tính cách phạm trù-hữu thể luận của tại hữu của Hiện thể; và (4) trở lại khởi điểm ban đầu và đặt câu hỏi thông diễn luận: vậy thì, Hiện thể trong tư cách như thế đó, có phải ở đó cho chính bản thân trong hai mô thức diễn giải đã nêu trên (ý thức lịch sử và triết lý đương thời), và đâu là đặc tính của hữu của Hiện thể tìm thấy trong cách thế của hữu-tại-đó-trong-một-cách-thế-như-vậy?
Trước khi đi xa hơn trong việc tìm hiểu sự hình thành thông diễn luận của Heidegger, thiết tưởng cần “dừng chân nghỉ ngơi” và rà xét hai điểm quan trọng của thông diễn luận là “am hiểu” và “diễn giải” xem quan niệm của Heidegger diễn tiến ra sao. Chủ đề “am hiểu” chúng tôi sẽ trình bày sau. Về “diễn giải”, vấn đề “vòng tròn thông diễn” cần được xét đến trước.
Như chúng ta thấy trong Ontologie: Hermeneutik der Faktizität , lộ trình “vòng tròn thông diễn” của Heidegger khá phức tạp. Để hiểu quan niệm của Heidegger về “vòng tròn thông diễn” cách tốt nhất là trở lại với quyển Sein und Zeit. Heidegger ngay từ phần Dẫn Nhập của Sein und Zeit (trang7-8) đã nhận rõ khi phân tích Hiện thể để tìm về ý nghĩa của Hữu là đã giả thiết có Hữu, Hữu có ý nghĩa, nhưng khởi điểm lại là Hiện thể, lộ trình lý luận vòng tròn này có vẻ như đi vào một circulus vitiosus/vòng luẩn quẩn, nhưng thực ra: “ ‘Lý luận xoay vòng’ không diễn ra trong câu hỏi về ý nghĩa của hữu. Đúng hơn, ở đây có một “tương-hệ lui và tới” giữa cái được tra hỏi (hữu) với sự tra hỏi như là một cách thế của hữu của một hữu (asking as a mode of being of a being). Cái cách điều được tra hỏi thiết yếu đẩy sự tra hỏi của chúng ta tham dự vào thuộc về ý nghĩa nội tại của vấn đề/tra hỏi hữu. Nhưng điều này chỉ có nghĩa rằng cái hữu có tinh chất của Hiện thể có một mối quan hệ với chính câu hỏi về hữu, có lẽ đó còn là một câu hỏi đặc biệt nữa. Nhưng có phải chúng ta cũng đã chứng minh rằng một hữu đặc thù có một ưu tiên đối với hữu và rằng cái hữu được lấy làm thí dụ đó có chức năng như là cái được tiên khởi tra vấn là một cái gì đã được cho trước?” Tới Chương V của Phần I Sein und Zeit ở trang 152 Heidegger giải thích về “vòng tròn thông diễn luận” chi tiết hơn trong dịp giải thích ý nghĩa của diễn giả Hiện thể nhằm tránh diễn giải của mình bị coi là không khoa học vì không khách quan. Không phủ nhận lý luận của mình là vòng vo nhưng Heidegger không cho đó là “vòng luẩn quẩn” vì “Nếu như thấy sự luẩn quẩn trong cái vòng này và tìm cách tránh nó, ngay cả để “cảm thấy” rằng đó là một sự bất toàn không thể tránh khỏi, tức là đã hiểu lầm sự am hiểu từ một vị thế bên trên.” Không tránh vòng tròn, Heidegger cho rằng phải “đi vào vòng tròn đúng lối” vì “Cái vòng tròn của am hiểu không phải là một vòng tròn trong đó bất cứ một loại kiến thức nào đó cũng hoạt động, nhưng đúng ra là sự biểu tỏ của sinh hiện tiền-cơ cấu (Vor-Struktur) của chính Hiện-thể. Vòng tròn này không phải bị hạ cấp xuống thành một sự luẩn quẩn, ngay cả cho rằng đó là một sự luẩn quẩn có thể dung thứ được cũng không đúng.” Nói cách khác “Cái vòng tròn trong am hiểu thuộc về cấu trúc của ý nghĩa, và hiện tượng này được ăn xâu trong sự tạo lập sinh hữu của Hiện thể, trong am hiểu diễn giải. Hữu (số nhiều) trong cách thế hữu-trong-thế-giới quan tâm về chính hữu của chúng có một cấu trúc hữu thể luận của một vòng tròn. Thế nhưng, nếu chúng ta lưu ý rằng cái “vòng tròn” thuộc về một loại hữu của hiện diện khách quan (Bestehen) về mặt hữu thể luận, thì một cách tổng quát chúng ta sẽ phải tránh định tính một cái gì đó giống như Hiện thể theo cách hữu thể luận với hiện tượng này.” Để kết luận, trong phần IV bàn về “Thời gian tính và hàng-ngày-tính”, tiết 63 “Hoàn cảnh thông diễn…” Heidegger vạch rõ: “Chúng ta đã chỉ ra, trong cấu trúc của am hiểu nói chung, cái bị cho là lỗi lầm bằng một từ không thích đáng “vòng tròn”, là thuộc về yếu tính và sự đăc thù của chính am hiểu. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của chúng ta giờ đây phải quay trở lại một cách minh bạch về luận cứ “vòng tròn” này nếu như vấn nạn về hữu thể luận nền tảng phải có hoàn cảnh thông diễn được làm rõ.” Kế tiếp Heidegger luận giải rằng trong phân tích sinh hiện một ‘vòng tròn’ trong chứng cớ là không thể tránh được bởi vì phân tích đó hoàn toàn không cung cấp bất kỳ cái gì theo những quy tắc của luận lý về nhất quán cả.
Đào Trung Đạo (Gio-o)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved