Home » » THÔNG DIỄN LUẬN TRIẾT HỌC CỦA HEIDEGGER - P5

THÔNG DIỄN LUẬN TRIẾT HỌC CỦA HEIDEGGER - P5

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011 | 01:20

Trong Phần II của giáo trình Ontologie: Hermeneutik der Faktizität Mùa Hè 1923 với tựa đề Con Đường Hiện Tượng Luận của Thông Diễn Luận Kiện Tính Heidegger đã cho thấy một quan niệm về Hiện Tượng Luận khác biệt với Hiện Tượng Luận của Husserl. Chúng tôi bỏ qua không đi vào chi tiết Phần II này ở đây và sẽ chỉ nhắc tới trong phần trình bày tổng quát quan niệm về Hiện Tượng Luận của Heidegger sau này. Thật ra ngay từ trong giáo trình Mùa Đông 1921-1922 Phanomenologische Interpretationen zu Aristoteles (G63) ở Phần III Heidegger đã phác thảo những ý tưởng để triển khai một Hiện Tượng Luận về đời sống kiện tính (factical life). Đúng ra chúng ta có thể coi hai giáo trình này như những ghi chú phác thảo (working notes) quan niệm của Heidegger về Thông Diễn Luận và Hiện Tượng Luận để sau này sẽ khai triển sâu rộng hơn trong những tác phẩm khác. Có thể nói Hiện Tượng Luận là vấn đề triết học quan trọng hàng đầu trong thời trẻ của Heidegger, được Heidegger đề cập đi đề cập lại nhiều lần. Sau hai giáo trình sơ khảo nói trên vào Mùa Đông 1923/1924 ở đại học Marburg Heidegger tiếp tục trình bày cặn kẽ hơn quan niệm của ông về Hiện Tượng Luận trong giáo trình Einfürung in der phanomenologische Forschung (GA 17). Kế đến, Mùa Hè 1925 Heidegger quay lại chủ đề Hiện Tượng Luận trong loạt bài giảng Prolegomena zur Geschite des Zeitbegriffs (G21)[Theo Petra Jaeger, người biên tập bản thảo quyển sách, loạt bài giảng này là bản thảo ban đầu của Sein und Zeit.] Và cuối cùng, để kết thúc, Heidegger, vào Mùa Hè năm 1927 đưa ra loạt bài giảng Die Grundprobleme der Phanomenologie (G24)[được chính Heidegger cho phép xuất bản lần đầu năm 1975, gần nửa thế kỷ sau khi được đem giảng dạy.] Vì trong quyển này Heidegger khai triển khái niệm Thời Gian Tính để đặt nền tảng cho Hữu Thể Luận cho nên Die Grundprobleme cần thiết cho việc đọc Sein und Zeit. Vì vậy nếu chỉ căn cứ vào tiết 7 trong Chương II của Phần Nhập Đề của quyển Sein und Zeit SZ bàn về Phương Pháp Khảo Sát Hiện Tượng Luận thì chúng ta sẽ chỉ có những nét tuy căn bản nhưng rất sơ lược quan niệm của Heidegger về Hiện Tượng Luận. Nhưng trước khi khảo sát kỹ chủ đề này, thiết tưởng cũng nên tóm tắt những sự kiện chính trong quan hệ đời sống cá nhân cũng như tư tưởng giữa Edmund Husserl và Martin Heidegger căn cứ trên những thư từ, tài liệu của/về hai triết gia này và những giáo trình của Heidegger mới được xuất bản/công bố cách đây không lâu.
Theo Thomas Sheehan và Richard E. Palmer trong quyển Psychological and Transcendental Phenomenology and The Confrontation with Heidegger (1927-1931) [Edmund Husserl Collected Works V.VI, Kluver Academic Publishers, 1997] lược trình diễn tiến mối quan hệ lâu dài cuối cùng đi đến chấm dứt cay đắng vào giữa năm 1928-1929 giữa Edmund Husserl (1859-1938) và Martin Heidegger (1889-1976) như sau:
- Giai đoạn 1909-1918: Theo chính lời của Heidegger (trong thư viết tháng Tư 1962 gửi cho William J. Richardson) ông đã “vô tình” đọc Husserl vào mùa Thu 1909 khi bắt đầu nghiên cứu thần học ở đại học Freiburg. Chủng sinh 20 tuổi Martin Heidegger khi đó đang trăn trở vấn đề ý nghĩa của hữu, đọc Aristotle và suy ngẫm ẩn ngữ đa nghĩa của từ öν và những cách chỉ khác nhau của động từ εϊναι hay danh từ ούσία trong tác phẩm Siêu Hình Học, Г,2, 1003 a 33 & K,3,1061 a 11 của Aristotle sau khi đọc tác phẩm Bàn Về Một Vài Ý Nghĩa của Hữu trong Aristotle của Franz Brentano. Sau đó qua một bài báo Heidegger được biết Husserl là học trò của Brentano nên tìm đọc quyển Logischen Untersuchungen của Husserl nhưng quyển sách này không giúp ích gì cho vấn đế ý nghĩa của hữu Heidegger đang quan tâm.Tuy nhiên Heidegger lại rất tâm đắc với câu nói “zu den Sachen selbst” (“Hãy tiếp cận chính sự vật”) của Husserl. Kế đó vào năm 1911 Heidegger đọc bài luận văn Triết học như một Khoa học Chính xác của Husserl đã rất hứng khởi vì câu “Động cơ thúc đẩy nghiên cứu phải lấy khởi điểm không phải từ những triết lý mà từ những chủ đề và những vấn đề.” cho nên có ý định chấm dứt theo thần học để theo học Husserl ở đại học Göttingen nhưng vì có những khó khăn vế tài chính nên không thực hiện ý định này được nên từ 1911-1913 đành học ở Freiburg với giáo sư Heinrich Rickert. Trong thời gian này Heidegger đọc kỹ hơn tập thứ nhì quyển Logischen Untersuchungen (Heidegger ghi ơn Husserl trong SZ trang 38) và đệ trình luận án tiến sĩ Học Thuyết về Phạm Trù và Ý Nghĩa của Duns Scotus năm 1915. Việc gặp nhau thực sự giữa hai người chỉ xảy ra khi Husserl chuyển về dạy ở đại học Freiburg vào tháng Tư 1916. Ban đầu chỉ là giao thiệp thư từ, Heidegger gửi biếu Husserl một bản luận án tiến sĩ của mình, sau đó Husserl viết thư mời Heidegger đến nhà vào ngày Chủ nhật 23 tháng 7-1916. Mấy tháng sau Heidegger trình với Husserl bài đọc chuẩn bị cho việc xin một ghế giáo sư đã đọc vào ngày 27 tháng 7-1915 với chủ đề Khái niệm Thời gian trong Khoa học Lịch sử và được Husserl trân trọng cảm tạ. Sau đó Husserl cố gắng giúp đỡ để luận văn này được xuất bản, và tìm cách xếp đặt để vị Privatdozent trẻ tuổi này được dạy một lớp về Luận lý học khóa Mùa Đông 1916 ở Phân Khoa Triết của Freiburg. Khóa Mùa Thu 1917 khi đó Husserl còn nghỉ hè nên chỉ viết thư hứa giúp đỡ. Nhưng vào ngày 8 tháng 10-1917 trong một bức thư trả lời giáo sư Paul Natorp hỏi về Martin Heidegger của đại học Marburg liệu có đủ tư cách nhận chức giáo sư ở đại học này, theo ông dù cho Heidegger đã xa lánh tác phẩm của Rickert nhưng Heidegger quá trẻ, chưa đủ trưởng thành cho chức giáo sư. Về luận án Duns Scotus, theo Husserl đó chỉ là một nỗ lực khởi đầu. Ngoài vấn đề học thuật tư tưởng, chướng ngại niềm tin tôn giáo cũng là một yếu tố quan trong trong mối liên hệ Husserl-Heidegger: trong khi Husserl là một người “Thiên chúa giáo tự do” như ông vẫn từng tuyên bố, Husserl nghi ngại Heidegger là một triết gia Thiên chúa giáo theo hệ phái St. Thomas có đầu óc giáo điều. Một chứng cớ khác cho sự nghi ngại này là từ tháng 11-1914 cho đến tháng 6-1916 Heidegger là một ứng viên năng nổ tranh ghế giáo sư Triết học Thiên chúa giáo ở đại học Freiburg và được giáo sư Sử Heinrich Finke, một tay theo Thiên chúa giáo bảo thủ, nhiệt thành ủng hộ. Mãi đến tháng 11-1917, qua một đệ tử là Heinrich Ochner vốn là bạn thân của Heidegger cho biết Martin Heidegger đã từ bỏ chủ nghĩa giáo điều từ năm 1914 và từ tháng 2-1916 đến tháng 3-1917 Heidegger đã trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng, kết quả là đổi đạo sang Tin Lành. Nhưng chính vì bức thư của Husserl gửi cho Natorp mà Heidegger đã hụt mất ghế giáo sư ở Marburg. Sau khi hết nghi ngại Heidegger về mặt tôn giáo Husserl mới cởi mở hơn với Heidegger. Nhưng rất tiếc mối liên hệ vừa bắt đấu thuận buồm xuôi gió thí ngày 17 tháng Giêng Heidegger bị gọi nhập ngũ.
- Hầu như suốt trong năm 1918 mối liên hệ Husserl-Heidegger bừng nở dù chỉ qua trao đổi thư từ (Heidegger phải theo đơn vị quân đội).
- Giai đoạn 1919-1923: Heidegger được giải ngũ và trở về Freiburg đầu tháng 12-1918. Ngày 21 tháng 1-1919 Husserl chọn Heidegger là giáo sư phụ tá – một chức vụ có lương bổng - (thay thế ghế của Edith Stein đã bỏ trống từ lâu). Heidegger giữ ghế này suốt đến Mùa Hè năm 1923. Nhưng ngay từ những giáo trình đầu tiên Heidegger đã cho thấy có những khác biệt căn bản vế tư tưởng với Husserl, điểm rõ ràng nhất là Heidegger công kích Husserl đã cho “cái ngã siêu việt thuần túy” (pure transcendental ego) vị trí ưu việt hơn kinh nghiệm sống ở đời tức “cái ngã lịch sử” (historical ego) hoặc “cái ngã của hoàn cảnh”. Heidegger công khai tuyên bố với học trò, bước khởi đầu để làm triết lý tồn tại là phải minh bạch vế đâu là vấn đề đích thực của triết lý, chống lại chủ nghĩa tự nhiên chưa đủ, mà phải hoàn toàn loại bỏ sự thống trị của tính lý thuyết (theoretical). Rõ ràng quan điểm này đi ngược hẳn lại quan niệm “ngã thuần túy” của Husserl. Heidegger giải thích tiết 24 trong quyển Ideen I một cách triệt để hơn bậc tôn sư. Husserl xác lập “Nguyên lý của Mọi Nguyên lý” cho Hiện tượng Luận như sau: “mọi trực giá nguyên ủy đang có mặt đếu là nguồn suối hợp thức hóa của sự nhận biết, rằng mọi vật từ nguyên ủy (nói cách khác, là ở trong hiện thời tính “cá biệt” của nó) được cung cấp cho chúng ta trong “ trực giác” đều được chấp nhận một cách giản đơn như cái được trình ra như hữu thể, nhưng cũng chỉ trong những giới hạn trong đó nó được trình ra ở đó.” (Edmund Husserl, Ideas Pertaining to a Pure Phenomenology, 1st Book, translated by F.Kersten, Kluver Academic Publishers, p.44). Theo Heidegger cái trực giác đó không thể là một hành cử lý thuyết (theoretical comportment) như Husserl hiểu, nhưng là một thứ “trực giác am hiểu, trực giác thông diễn (understanding intuition, hermeneutical intuition). Trực giác thông diễn này đã am hiểu thế giới trước bất kỳ một sự lập thuyết nào và Hiện Tượng Luận phải đặt nền tảng từ đó. Heidegger trong những lần gặp mặt ông thầy Husserl cũng đã thẳng thắn nói về sự khác biệt trong quan điểm của mình. Nhưng trong những bức thư viết cho Karl Löwith và Karl Jaspers là những triết gia cùng trang lứa vào năm 1923 Heidegger đã “huênh hoang”cho rằng nay thì Heidegger không còn cho rằng Husserl là một triết gia nữa, Heidegger đã độc lập hẳn với thày cũ, và không còn vấn đề kế thừa ghế giáo sư của Husserl nữa.
- Giai đoạn 1927-1928: Anh đi đường anh, tôi đường tôi…Nhờ sự giúp đỡ của Husserl ngày 8 tháng 7-1925 Heidegger được chấp nhận kế thừa ghế giáo sư của Nicolai Hartman ở đại học Marburg (Nicolai Hartman đi dạy ở một đại học khác) Nhưng vào ngày 27 tháng 1-1926 Bộ Trưởng Quốc gia Giáo dục Carl Heinrich Becker bác việc bổ nhậm này, lý do vì Heidegger chưa có đủ số tác phẩm xuất bản. Theo lời khuyên của Khoa Trưởng Khoa Triết Max Deutschbein hãy xuất bản ngay một cái gì đó, Heidegger qua sự can thiệp của Husserl với nhà xuất bản Max Niemeyer nhận sẽ in sách cho Heidegger, bản thảo phần đầu tác phẩm Sein und Zeit được Heidegger hoàn tất vào cuối tháng 3-1926. Chi tiết này cho thấy Heidegger đã viết SZ rất cấp bách, rất có thể chỉ trong vòng 2 tháng. Khi trao bản thảo cho nhà xuất bản Heidegger dành trang đầu sách in lời đề tặng Edmund Husserl nhân dịp sinh nhật thứ 67 của thày. SZ ra mắt vào tháng 4-1926 dưới dạng in nháp chừng 240 trang. Nhưng Bộ Trưởng Giáo Dục Becker khi xem SZ cho rằng đó là một tác phẩm không đầy đủ nên từ chối bổ nhậm Heidegger. Thời gian sau đó mối liên hệ giữa hai người ngoài mặt xem ra vẫn bình thường tuy trong lòng Husserl vẫn nghi ngờ giá trị của SZ, nhưng cũng chưa nhận thức rõ ràng được sự khác biệt tư tưởng giữa mình và Heidegger, đúng ra là Heidegger rõ ràng đối nghịch hẳn Husserl. Nhưng sau đó Husserl cũng hiểu ra là trong cả SZ lẫn trong những giáo trình của Heidegger người học trò này khi thì công khai khi thì che đậy đã tấn công mình, phủ nhận tất cả những điều căn bản trong tác phẩm của mình. Nhưng khi Husserl nói về những điểm công kích ông của Heidegger một cách thân thiện với Heidegger thì Heidegger lại giả lả không nhận khiến Husserl hết sức phân vân. Để trắc nghiệm lần chót vụ việc, nhân nhận được giấy mời viết mục “Hiện Tượng Luận” cho bộ đại tự điển Encyclopaedia Britanica EB (hạn nộp bài vào tháng 10-1927) Husserl nhờ Heidegger đọc và cho ý kiến bản thảo của mình. Xem những ghi chú ý kiến của Heidegger, Husserl đề nghị Heidegger giúp ông viết lại bản thảo. Hai người làm việc mất 11 ngày ở nhà riêng của Husserl. Nhưng Heidegger không thỏa mãn với bài viết này vì Husserl đã gắn chức năng tạo dựng (function of construction) cho cái ngã siêu việt trong khi Heidegger lại cho rằng chức năng tạo dựng này nằm trong “Hiện thể kiện tính.”. Như vậy ngả chia rẽ về tư tưởng đã quá rõ rệt. Sau khi viết lại lần thứ tư văn bản vào tháng 12-1927 để nộp cho EB, Husserl quyết định dành thì giờ đọc kỹ lại SZ của Heidegger và tỏ ra rất thất vọng nên đề nghị một cuộc gặp gỡ thảo luận thật nghiêm túc về SZ với Heidegger. Cuộc họp mặt diễn ra vào Chủ Nhật 8 tháng 1-1928 ở tư gia Husserl nhưng cho đến nay không có một tài kiệu nào tiết lộ nội dung những vấn đề được đem ra tranh luận cũng như những kết quả đạt được giữa hai người. Ta chỉ biết về phần Heidegger trong một bức thư viết ngày 11 tháng 1-1928 gửi cho Elisabeth Blochmann đã kể lại: “Chủ Nhật trước tôi đi bộ xuống Freiburg (từ Todnauberg) và lại có thêm một ngày đẹp đẽ, phong phú nữa với Husserl.” Một sự việc khác cũng cho thấy sự rạn nứt giữa Husserl và Heidegger. Có thể từ giữa năm 1926 Husserl đã thúc hối Heidegger biên tập lại những bài giảng khóa Mùa Đông 1904-1905 Zur Phänomenologie desinneren Zeitbewusstseins (Về Hiện Tượng Luận của Ý Thức Thời Gian Nội Tại) của ông ở đại học Göttinger trước đây để in thành sách nhưng Heidegger cứ lần lữa không chịu làm. Theo Heidegger việc Husserl nhờ này bắt đầu ngay từ ngày Heidegger viết lời đề tặng quyển SZ cho Husserl và Heidegger đã miễn cưỡng nhận lời. Thật ra sự ngần ngại của Heidegger cũng dễ hiểu nếu chúng ta đọc loạt giáo trình Prelegomena zur Geschichte des Zeitbegriffs (Khai đề về Lịch sử Khái Niệm Thời Gian) của Heidegger năm 1925 sẽ thấy quan niệm về Thời Gian của Heidegger khác hẳn Husserl. Qua năm 1927, rồi mãi tới tháng 2-1928 Heidegger mới bắt tay vào việc biên tập dựa trên bản đánh máy của Edith Stein. Sau khi đọc kỹ không những Heidegger để nguyên không sửa đổi gì mà còn đề nghị đổi tựa sách là Ý Thức Thời Gian và viết bài Giới Thiệu ngắn đặt ở đầu sách ngầm ý thận trọng về quyển sách nên Husserl tỏ ra không hài lòng. Tuy vậy Husserl sẽ nghỉ hưu vào năm 1928 vẫn giữ ý định để Heidegger kế thừa ghế giảng dạy ở Freiburg. Thật ra, cho đến thời gian này, ngoài SZ ra, nếu chúng ta đọc các quyển Vom Wesen des Grundes, Was ist Metaphysik, nhất là quyển Kant und das Problem der Metaphysik của Heidegger thì thấy về tư tưởng triết học Heidegger và Husserl không những không còn gần gũi mà còn đối nghịch hẳn. Nhưng rồi vào Mùa Thu 1928 Heidegger cũng về nhận ghế giảng dạy Husserl để lại nhưng sự giao tiếp cá nhân rất hạn chế. Vào ngày sinh nhật thứ bảy mươi của Husserl, Heidegger trao tặng Husserl một tuyển tập khảo luận của mình mới xuất bản nhưng thẳng thừng tuyên bố mình không phải là đệ tử của Husserl. Được nghỉ hưu có thì giờ từ năm 1929 Husserl sau khi đọc kỹ, duyệt xét lại SZ và Kant und das Problem der Metaphysik đi đến kết luận: “rằng tôi không có thể nào chấp nhận tác phẩm của hắn trong khung khổ của hiện tượng luận của tôi, và rủi thay, tôi cũng phải loại bỏ hoàn toàn tác phẩm của hắn về mặt phương pháp, và quan trọng hơn hết, là nội dung của tác phẩm.”Husserl giận dữ tới mức viết ngay trên trang Heidegger đề tặng mình năm 1926 trong quyển SZ “Amicus Plato, magis amica veritas” (Là bạn của Plato, nhưng còn cũng là bạn của chân lý). Từ đây Husserl đã nhận thức rõ rệt không những Heidegger đối nghịch mình mà tư tưởng của Heidegger còn tác hại Hiện Tượng Luận của Husserl nên bắt đầu chính thức công khai chỉ trích tư tưởng Heidegger trong những bài diễn thuyết và trong quyển Ideen của ông xuất bản năm 1930. Thế nhưng, tuy mối liên hệ về tư tưởng coi như đã chấm dứt nhưng mối liên hệ cá nhân tuy lỏng lẻo nhưng vẫn kéo dài suốt những năm 1927-1931 trong những cuộc hội họp đông người. Husserl tỏ ra rất cay đắng. Cho đến năm 1932 Husserl không còn thể chịu được lời lẽ bài Do thái của Heidegger (Husserl là người gốc Do thái) và việc Heidegger công khai tham dự Đàng Quốc xã nên mối quan hệ đi đến chỗ đoạn tuyệt.
(còn tiếp)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved