Home » » NGHỆ THUẬT

NGHỆ THUẬT

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011 | 01:56


tranh: Que Anh - acrylic on canvas 50x70cm - 2009


Ngô Văn Tao

N G H Ệ   T H U Ậ T



Cái gì “hợp lý tính” thì là hiện thực
và cái gì là “hiện thực” thì là hợp lý tính.

Khi đưa ra câu này, Hegel có nói những người tôn giáo, tin ở Thượng Đế thì sẽ hoàn toàn cảm nhận, tức là nói một cách khác chúng ta có thể nghĩ “lý tính” như là toàn năng Thượng Đế. Nhưng triết học Hegel không phải là tôn giáo, “lý tính” mà Hegel đặt ra, chính là toàn năng của nhân loại, với cái nghĩa là khả năng hiểu biết, suy tư, lý luận, triển khai…của con người. “Lý tính” là văn học, nghệ thuật, khoa học…là tất cả những sách văn học đã từng in ra, những thành tựu khoa học tự nhiên, những tác phẩm nghệ thuật…Nhưng câu này cũng chỉ là sự quy định “hiện thực hóa” của “lý tính”, một khái niệm tự nó và cho chính nó, ngụ ý như “Thượng Đế”, “lý tính” đối với nhân loại cũng là cái bản năng mà chúng ta mỗi người phải tự “ngộ” cho chính mình.(http://www.gio-o.com/NgoVanTaoTrietHocPhapQuyen.htm ).

Thuộc về lý tính, có ba khái niệm căn bản: khoa học, triết lý, nghệ thuật. Ba đỉnh của hình tam giác ba cạnh, nhắc nhở sự liên đới của ba khái niệm. Nói về khoa học, là nói tới trí tuệ bản năng khảo sát, lý luận, tìm ra những căn cơ hiện trình của sự vật. Triết lý là tôn giáo, đạo đức, triết học pháp quyền, mỗi người chúng ta tự lý giải ý nghĩa của chính đời mình, của cuộc sống xã hội…Nghệ thuật là “cảm thức hồn nhiên bẩm sinh của ý chí tự do”. Đó là những quy định sơ lược và hữu hạn của ba khái niệm.


Cảm thức của ý chí tự do

Bàn tới nghệ thuật, tất nhiên phải nghĩ tới “Aesthetics”, những bài giảng triết học cuả Hegel. “Aesthetics” của Hegel thường được dịch là “Mỹ học”, một giáo trình lý luận, suy tư diễn giải “Nghệ Thuật” và tiêu chí tác phẩm phản ảnh tư duy, văn học, kiến thức của nghệ sĩ trong sự “thẩm mỹ” phổ quát của chúng ta.

Nhưng  luận đề “Aesthetics” của Kant về Nghệ Thuật là xác định quy định tiên thiên “cảm năng siêu nghiệm” cuả lý tính; Bùi Văn Nam Sơn dịch “Aesthetics” của Kant là “Cảm năng học”. Chính với ý niệm này, tôi muốn nói “Nghệ thuật trước hết là cảm thức hồn nhiên bẩm sinh của ý chí tự do”; “cảm thức” bao gồm bản năng của lý tinh cảm nhận những hiện tượng với sự nhận thức của lý tính qua “giác tính” cùng ý thức thành biểu tượng và đối xứng tự ý thức chủ thể bản thân ý chí tự do.

Để hiểu sao là “hồn nhiên bẩm sinh” ( hay siêu nghiệm theo Kant), ta nên nghĩ đến sự hiện thành (becoming) của đứa bé bảy tám tháng nhận thức được không gian và thời gian, cho đến khi lên bốn năm tuổi đi học mẫu giáo, ăn nói rõ ràng, biết biểu lộ tình ý bằng lời nói. Một sự triển khai thiên phú, bắt đầu  từ “ý thể tính siêu nghiệm: không gian và thời gian” (Kant, theo bản dịch của Bùi Văn nam Sơn), của lý tính trong sáng, không một tỳ vết của đời, quá khứ và học hỏi, chỉ riêng với những cảm thức hồn nhiên, vô tư không ý đồ, tự do và tự tại tuyệt đối ngây thơ,  mà thức tỉnh cảm nhận tình yêu, tình yêu của người mẹ, tình thân đối với  con chó của gia đình như “đối với một người anh em chia sẻ vui chơi, giận hờn”. Thức tỉnh biết biểu tượng những hiện tượng, như nhìn đồ chơi nào đó (một búp bê, một con hổ bông…) sinh động, thân thuộc, đáp ứng một khát khao bí ẩn cảm thông tương đồng. Thức tỉnh tự thao tác với bản năng siêu nghiệm thu nhận mà chỉ sau vài năm đã biết nói ngôn ngữ mẹ đẻ, biểu lộ tình ý bằng lời nói. Thật là một sự triển khai nghệ thuật, ba bốn tuổi biết lắng nghe hát, biết vẽ những bức tranh linh động, có chiều sâu và chiều rộng, thể hiện trên trang giấy vũ trụ hiện sinh bốn chiều.

“Nghệ thuật là cảm thức bẩm sinh của ý chí tự do”, ta có thể nói một cách khác rằng: “tâm hồn nghệ sĩ là bản năng của lý tính”. Những người hoang sơ tiền sử đã biết điêu khắc trên đá, bích họa trên vách núi. Bà mẹ mù chữ cũng biết trình bày bữa cơm nghèo nàn thanh bạch sao cho người chồng mệt mỏi đi làm về vẫn cảm thấy sự quan tâm tha thiết (chén đũa tươm tất, đĩa cá tô điểm một ngọn rau xanh…), Những nông phu, không từng đọc qua một quyển sách, chiều về với ly rươu nhạt cùng nhau ngâm nga những câu vè. Đó là “tâm hồn nghệ sĩ” thiên phú của mọi người, con người lý tính, con người hơn thú vật là biết suy tư.


Tâm hồn nghệ sĩ

Tâm hồn nghệ sĩ” chủ yếu là cảm nhận và đáp ứng trong thế giới hiện sinh của bản thân. Khi cha mẹ ồn ào cãi nhau, đứa con ba bốn tuổi khóc thét lên phản kháng. Khi người cha say rượu bệ rạc về ồn ào, người con bé nhỏ ấm ức buồn bã để lòng. Hiển nhiên trong cái cảm thức bẩm sinh của mỗi người, có sự khát khao yên hòa, lễ độ. Có sự khát khao tình yêu, tình bạn. Như khi hai đứa bé chửi thề tục tằn riêng với nhau, đó chính là chúng muốn chân thành tỏ cho nhau tình thân. Có khi chúng ta đóng cửa lại để riêng tư một mình tìm hiểu chính mình hay để thoát ly sự có mặt áp chế của tha nhân, theo ý tôi đó là những khi chính những nghệ sĩ, nhà thơ nhà văn, bắt buộc cần phải có để đối diện chính mình và tự hỏi về những vấn nan của cuộc đời.

Với những khát khao đó, và vô cùng những khát khao khác, “tâm hồn nghệ sĩ” cũng là “bản năng thẩm mỹ” của lý tính. “Thẩm mỹ” là cảm nhận những hiện tượng dù có thể ngẫu nhiên và bất tất, khích động tư duy, giải cấu ra những biểu tượng của “quy luật thiên nhiên hay nhân sinh bản chất”, của “hòa điệu âm thanh, nhịp nhàng màu sắc”, của “tình ý tâm tư”…, những biểu tượng của “cái đẹp”, theo cái nghĩa chính thống của Hegel. Tìm ra những biểu tượng của sự siêu thoát, trong một thời khắc quên đi những nhỏ nhen vật chất, những ham muốn hệ lụy trần gian.

Như vậy, “tâm hồn nghệ sĩ” chính là “ý chí tự do chọn sống”. Sống có lý lẽ là từ chối tuyệt vọng. Ngay trong khi biểu lộ sự giận dữ, sự phản kháng, sự nổi loạn trước bất công hay đen tối mù quáng của sự đời, bằng những lời nguyền rủa mà vẫn âm thầm ẩn dụ lòng tha thiết độ lượng với đối tượng và đối với chính mình. Chọn sống là dù cuộc đời mình có sa cơ nhục nhằn đến bao nhiêu, dù có bị giam hãm trong nhà tù khổ sai cải tạo, vẫn từ chối làm kẻ vô hồn vô linh cảm, chọn làm người để có những phút an nhiên hưởng thụ một tia sáng mặt trời, một tiếng chim hót, đôi mắt liếc nhìn nhân hậu…Chính vì những phút an nhiên tự tại đó, mà chúng ta thường nói những thiền sư đắc đạo là nghệ sĩ của đời. Cái thành công của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng chính là chân phương tả những cuộc đời tối tăm, bần cùng cho đến đâu (như kẻ cả đời ăn xin, ngủ đất ngoài chợ làng trong truyện ngắn: “Quét lá đa”), nhưng cho ta biết cảm nhận thấy bản chất làm người vẫn còn nguyên đó, lung linh sống không tiêu tán với những niềm vui nhỏ nhoi siêu thoát.

Người ta nghĩ con người sống là phải có khoa học và triết lý. Nhưng theo những điều trình bày qua trên, thì rằng trong “thế giới hiện sinh” của mỗi người chúng ta điều cốt yếu nhất là “tâm hồn nghệ sĩ”. “Bản năng hồn nhiên chọn sống” của mọi người từ lúc sơ sinh cho đến cuối đời. Cái chọn lựa tuyệt vời là chỉ một bông hoa, chỉ một lời nói nhẹ, một quan tâm gọn gàng thu xếp căn phòng cô lánh tỏa ra cho chủ thể sự thư thái, sự ôn hòa cùng xã hội và cùng trời đất. Còn hơn nữa, cho con người chủ thể, trong bể khổ trần gian, tìm ra lý nghĩa thăng hoa ngay qua sự mất mát, đau khổ hay tang thương. Cái trạng thái mà triết gia cũng thường gọi là thi ca! Với cái giá trị nhân sinh mà F.Nietzsche đã từng nói: “Chúng ta có nghệ thuật để khỏi chết chìm trong sự thật”, sự thật của bản thân trong cái phận làm người, mệnh đời nặng những oan trái và dục vọng, những mất mát và nuối tiếc.


Nhân sinh và tác phẩm nghệ thuật

Sự thật thời hiện đại, thống trị tuyệt đối của khoa học và kỹ thuật, từng qua sự phá sản của đại ngôn lý thuyết triết lý, xã hội và nhân sinh, chúng ta chứng kiến sự phản kháng ‘hậu hiện đại”, đòi hỏi con người và xã hội duy trì và triển khai “bản năng nghệ thuật của mỗi người”. Ta có ước mộng “hoang tưởng” một “vương quốc trí tuệ” trưởng giả và đài các, chú trọng thẩm mỹ, kiểu cách phủ nhận những nhu cầu xô bồ bình dân, biết thưởng thức cao sang với tư duy từng nắm xôi, từng ly rượu nhạt…Hoang tưởng nhưng sự thật là vô cùng cần thiết thể hiện trước nguy cơ trái đất đắm chìm dưới những đồ phế thải, trước nguy cơ tàn phá môi trường vì kinh tế bội thu bội dụng của nhân loại, cùng lúc nhân số càng ngày càng tăng trưởng tràn lan. Phải! chúng ta hãy tưởng tượng đi một thành phố không có chen đua, mọi người đều từ tốn ôn hòa, kiểu cách sống như thi nhân, như nghệ sĩ (đầu óc viển vông), ai cũng làm tròn bổn phận vật chất sinh hoạt nhưng lo vun xới một cây hoa, trang trí giản dị thôi khoảng trời hiện sinh của bản thân, duy trì thế giới tự do nội tâm trong một vương quốc trí tuệ với pháp quyền triết lý (http://www.gio-o.com/NgoVanTaoTrietHocPhapQuyen.htm )!
Đó chính là địa đàng vương quốc của Lão Tử.  Minh triết của Không Tử cũng không nói gì hơn sự lập thân của kẻ sĩ là duy trì và triển khai tinh thần siêu thoát qua lời văn, di ngôn của thánh hiền, câu ca và nhạc điệu của dân tộc và của chính mình. Minh triết thông diễn học của Heidegger-Gadamer cũng rất hậu hiện đại đặt nhân sinh quan vào viễn cảnh của nghệ thuật và ngôn ngữ (thi ca).

Nhưng ngoài khái niệm bản năng cảm thức của lý tính, nghệ thuật cũng là sự sáng tạo của lý tính, trong sự tự do tuyệt đối ý chí bộc lộ tư duy, mỹ cảm, tâm tình nghệ sĩ. Hegel nhấn mạnh, sự sáng tạo đó đòi hỏi nghệ sĩ một tài năng thiên phú mà ta thường chỉ thấy ở những người như Nguyễn Du, Shakespear, Beethoven, Picasso hay Lê Phổ, Bùi Xuân Phái…Tuy nhiên dù có tài hay không, con người với tâm hồn nghệ sĩ thường vẫn ôm mang hoài vọng hay khích động bộc lộ nhân sinh quan và thế giới quan của chính mình như một sự cần thiết khẳng định bản thân hay thoát ly một ám ảnh nội tâm…Chúng ta đều là nghệ sĩ nghiệp dư. Chúng ta đều muốn vẽ, muốn hát, muốn làm vè, muốn viết văn….Nhà văn Linda Lê rất khiêm tốn nói “mỗi khi tôi ngồi xuống tả tác, tức là tôi tự khích động ảo tưởng rằng tôi có điều mà riêng tôi phải nói ra”. Đó là cái khiêm tốn tự ý thức, mà những nghệ sĩ nghiệp dư cần phải có. Trong bất cứ sáng tác nghệ thuật nào, dù tầm thường đến đâu, có dấu ấn con người tức là lung linh đâu đó một tia sáng. Nhưng nghệ sĩ nghiệp dư hay không cũng thường mang một khía cạnh tự kỷ, phản bội minh triết là luôn luôn cởi mở, tâm hồn thanh thoát, để thu nhận và cảm thức những đóng góp của đối tượng, của tha nhân. Trong một xã hội ai ai cũng bận tâm làm vè, thì chắc chắn là tiếng thơ trong cái nghĩa sâu xa của nó không vang dội và sẽ chìm đắm trong cô lánh.

Hegel có đặt tiêu chí cho tác phẩm nghệ thuật, một tiêu chí là tác phẩm phải khích động sự suy tư thâm trầm sâu xa về cuộc đời, về xã hội, về bản thân, nghĩa là như  những bức tranh của Raphaël, như những kịch bản của Shakespear… Nhưng gần đây, bức tranh “Coca-cola” cua A.Warhol, không cần bút pháp, không cần bố cục, không cần cả “chuyện đời”, chân phương trong nghĩa bóng và nghĩa đen, duy nhất một ý là “bông lơi trước văn minh xã hội hiện đại, không kêu gọi con người phải suy tư, phải bận lòng với những đại ngôn mà hãy trắng trợn vô tư, vô cảm hưởng thụ những vật liệu mà kỹ nghệ máy móc thực dụng cống hiến.” Bức tranh của A.Warhol đã âm vang, đại phú gia tranh mua hầu như coi giá trị trọng hơn cả bức “Thiên đàng đã mất” cuả Gaugin, cả những bức đầy phận đời của Toulouse-Lautrec. Một tỉ dụ chứng tỏ trong tự do tuyệt đối thẩm mỹ của lý tính, không có một tiêu chí gì về tác phẩm nghệ thuật là quy định tất yếu.

Ngay tài năng của nghệ sĩ là điều tất yếu, nhưng không cần quá bộc lộ để không rơi vào cảnh tài hoa khéo tay của nghệ nhân.  Điều chắc chắn là tác phẩm nghệ thuật được người đời suy tưởng tới, thường là những tác phẩm phản ảnh tư duy của thời đại. Tranh của A. Warhol có giá trị chính là phản ảnh tư duy “hậu hiện đại” của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tôi vẫn tự hỏi một khi thời thượng đó qua rồi, còn ai tìm lại A.Warhol. Tranh “Phố Phái” của Bùi Xuân Phái, tôi nhớ đã âm vang trong lòng của những thế hệ người Hà Nội sống  thời “bao cấp”, phủ định tình người, áp chế tư tưởng, kinh tế nghèo nàn ngăn sông cấm chợ; tranh “Phố Phái” thể hiện sự buồn thảm lạnh lẽo, bằng những cảnh phố cổ không một bóng người. Tranh Bùi Xuân Phái nặng bối cảnh lịch sử của thời đại. Nay cái thời đó đã xa xưa, thế hệ sau này còn ai biết tới cái thời qua ấy, với Hà Nội đang thành đô thị sầm uất, nhà cao trọc trời, nhưng tranh “Phố Phái” vẫn còn nguyên vẹn giá trị nhân bản, vì những bức tường cổ loang lổ siêu vẹo được phác vẽ bằng bút pháp, bằng màu sắc tỏa ra cả một hoài niệm, nhớ nhung cái gì đó đang mất dần đi mang theo bản chất cô đơn trầm lắng của con người. Nhắc nhở như vậy, cũng là là một cách gián tiếp nói lên chính tôi chờ đợi gì ở những nghệ sĩ với những tác phẩm để đời của họ.


Ngô Văn Tao
8.12.2010
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved