VŨ MINH TÂM (*)
Trên cơ sở phân tích sự phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam đầu thế kỷ XX, tác giả đưa ra một số nhận xét cơ bản sau: thứ nhất, tư tưởng triết học Việt Nam đầu thế kỷ XX chịu sự quy định của những điều kiện vật chất xã hội mang tính lịch sử – cụ thể; thứ hai, sự tiếp nhận triết học Mác - Lênin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; thứ ba, sự phát triển tư tưởng triết học dân tộc giai đoạn này là một quá trình tiếp biến biện chứng; thứ tư, nội dung chủ đạo của tư tưởng triết học Việt Nam đầu thế kỷ XX là vấn đề độc lập dân tộc và dân chủ xã hội; thứ năm, hình thái biểu hiện của nó mang tính tổng hợp.
1. Xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một xã hội đầy biến động. Từ chỗ là quốc gia phong kiến tự chủ, Việt Nam lúc này trở thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội tồn tại gắn liền với nhau: mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam, chủ yếu là nông dân, với giai cấp phong kiến bản địa; mâu thuẫn giữa toàn dân Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược, thống trị. Mặt khác, sự hiện diện của truyền thống tư tưởng, văn hoá dân tộc, trong đó nổi bật là tinh thần nhân ái, ý thức độc lập, tự cường và tình cảm cố kết cộng đồng, giữ vai trò quy định trực tiếp mọi quan hệ xã hội. Đồng thời, sự tiếp nhận một cách sáng tạo những tinh hoa văn hoá phương Đông và văn minh phương Tây được xem như một nhân tố cần thiết để phát triển đời sống tư tưởng của dân tộc. Vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, cùng với ảnh hưởng vang dội của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại, sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc trên mặt trận đấu tranh chính trị giành độc lập dân tộc và dân chủ xã hội có ý nghĩa đặc biệt to lớn, tạo ra bước nhảy về chất, đem lại “chiếc cẩm nang thần kỳ” cho cách mạng Việt Nam. Cũng cần lưu ý rằng, con người đất Việt là con người có nhân cách đặc sắc: tồn tại trong thực tiễn; coi trọng thiết thực, hữu ích; sống theo chuẩn mực đạo đức Thật – Tốt – Đẹp; lập thân bằng tự lực, kiên trì, dũng cảm, trí tuệ, sáng tạo; tôn vinh học vấn, triết lý và hiền tài. Đức tính cao cả nhất, thiêng liêng nhất của con người Việt Nam là quên mình vì nước, vì dân theo tinh thần của chủ nghĩa yêu nước mang tính nhân văn.
Tất cả những điểm nêu trên chính là nền tảng và nguồn sức sống để triết lý – triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX xuất hiện và phát triển.
2. Như trên đã nói, sự biến đổi của đời sống hiện thực đã tạo nên sự biến chuyển của bức tranh triết lý – triết học dân tộc trong suốt nửa đầu thế kỷ vừa qua. Sự biến chuyển này diễn ra qua hai giai đoạn nhỏ: Giai đoạn triết học của phong trào duy tân (1905 – 1924) và giai đoạn triết học của phong trào mácxít (1925 – 1945). Ở giai đoạn thứ nhất, tư tưởng triết học tư sản dân chủ tạo nên khuôn mặt mới của tư tưởng dân tộc. Còn ở giai đoạn thứ hai, tư tưởng triết học Mác - Lênin là ngọn cờ và cốt lõi của ý thức dân tộc và cách mạng. Trong cả hai giai đoạn trên, triết học Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo (Công giáo) vẫn tồn tại và ít nhiều chịu ảnh hưởng, tác động của tư tưởng triết học chủ yếu thuộc từng giai đoạn. Có thể thấy rằng, việc chuyển đổi trên đây, một mặt, là do những điều kiện vật chất và văn hoá của hiện thực xã hội; mặt khác, không thể không tính đến nhân tố tiếp nhận hệ tư tưởng triết học từ phương Tây, Nhật Bản và chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc truyền về nước. Đồng thời, sự chuyển đổi tư tưởng triết học từ dân chủ tư sản sang tư tưởng triết học mácxít đã diễn ra một cách “lịch sử – tự nhiên”. Rõ ràng là, khi chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc xuất hiện và được truyền bá ở nước ta thì ngay lập tức, nhiều phong trào, tổ chức yêu nước đã tự giác tiếp nhận, coi những tư tưởng đó như là con đường đúng đắn nhất, triệt để nhất để giải phóng dân tộc, giải phóng người dân nô lệ, đem lại độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Không ít nhà tư tưởng dân tộc ở giai đoạn trước đã chuyển sang thừa nhận tư tưởng cộng sản và, bằng cách này hay cách khác, đã tham gia vào việc phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Trong lịch sử phát triển tư tưởng, triết lý của dân tộc, sự dung hợp các xu hướng tư tưởng khác nhau vừa bảo đảm cho sự phong phú những giá trị chung của ý thức dân tộc, vừa làm cho mỗi xu hướng trở nên đặc sắc hơn trong tính riêng biệt, độc đáo của mình trên cái nền của sự phát triển toàn xã hội, toàn dân tộc.
3. Về mặt nội dung, tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX dường như chỉ tập trung vào những vấn đề thuộc triết học xã hội, hay là những vấn đề thuộc dân tộc, dân chủ, dân sinh nếu xét ở góc độ chính trị – xã hội. Đương nhiên, do xuất phát từ những lập trường triết học khác nhau, các xu hướng tư tưởng triết học đã giải quyết những vấn đề trên theo các quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
- Phong trào Duy tân với những đại biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp và Đông Kinh nghĩa thục đã chủ trương hoạt động theo mục tiêu Chấn dân khí – Khai dân trí – Hậu dân sinh. Những mục tiêu mang tinh thần dân tộc và phù hợp với xu thế thời đại lúc bấy giờ đều dựa trên nền tảng của triết học dân chủ tư sản, thuyết tiến hoá, lý luận biến pháp, chủ nghĩa tam dân của các nhà triết học tư sản phương Tây và phương Đông (Vônte, Điđơrô, Môngtéxkiơ, Rútxô, Spenxơ, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn). Mặc dù các tư tưởng triết học trên đây đề cao tự do – bình đẳng – bác ái, tiến bộ xã hội, dân chủ, nhân văn; song, tư tưởng duy tân, triết học duy tân đã không có được một hệ tư tưởng, một ý thức giai cấp, một cơ sở triết học nhất quán, khoa học, triệt để, một thực tiễn cách mạng - điều mà sau đó chỉ có được ở phong trào cộng sản và ở những người cộng sản. Mặt khác, lập trường, đường lối và mục đích cứu dân, cứu nước của các nhà duy tân đã không thoát ra khỏi các quan điểm triết học tư sản vốn ngay từ khi ra đời đã mang nhiều khuyết tật, thậm chí là bệnh tật vô phương cứu chữa và đang đi vào khủng hoảng. Đồng thời, dù là “bạo động” hay “cải cách”, triết học duy tân cũng không nhận ra được cái gốc rễ của xã hội là vấn đề “kinh tế – xã hội”, cùng với bản chất của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc đang thống trị nước ta lúc bấy giờ.
- Khi chủ nghĩa Mác được truyền bá vào Việt Nam cũng là lúc, cùng với mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa và mâu thuẫn giữa các nước tư bản, đế quốc với nhau, mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc, thực dân đã xuất hiện và ngày càng trầm trọng cả bề rộng lẫn bề sâu, trở thành một mâu thuẫn hết sức sâu sắc của thời đại. Ở nước ta lúc đó, song song với hoạt động phổ biến những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin là phong trào tuyên truyền tư tưởng Nguyễn Ái Quốc với tư cách là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Như vậy, có thể nói, ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, sức sống của triết học Mác – Lênin đã được khẳng định ở Việt Nam thông qua sự kết hợp nhuần nhuyễn, biện chứng giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Sự kết hợp đó không nhằm mục tiêu nào khác là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc nằm trong hệ tư tưởng Mác - Lênin - đỉnh cao của tư tưởng nhân loại; đồng thời, cũng là một “học thuyết” với những quan niệm, quan điểm, luận điểm khoa học, nhất quán, triệt để cách mạng, đã phát triển một cách sáng tạo và làm phong phú thêm, sinh động thêm chủ nghĩa Mác – Lênin.
Trước hết, Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản Việt Nam đã xác định dứt khoát rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên có cống hiến lớn lao trong việc nghiên cứu chủ nghĩa thực dân, chế độ thuộc địa và giải phóng dân tộc. Người đã đưa ra một tư tưởng quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cách mạng hết sức to lớn - đó là luận điểm cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và tác động trở lại, thúc đẩy cách mạng chính quốc; rằng, cách mạng Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng chủ động, tự tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Đồng thời, học thuyết trên cũng đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Nắm vững lý luận về cách mạng vô sản, về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin và xuất phát từ đặc điểm, điều kiện lịch sử – cụ thể của xã hội Việt Nam trước cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những luận điểm sáng tạo về con đường cách mạng Việt Nam và đã giành được thắng lợi vẻ vang, cũng như đóng góp xứng đáng vào kho tàng lý luận triết học của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng tiên tiến của thời đại.
- Đến nửa đầu thế kỷ XX, kinh sách nhà Phật, thánh thư của Nho giáo cổ điển, Đạo giáo nguyên thuỷ vẫn được lưu truyền, song không còn được tôn sùng như dưới thời phong kiến Đại Việt. Không ít nhà trí thức, nhất là giới Tây học, đã giải thích, đánh giá lại, thậm chí phê phán Tam giáo truyền thống theo tinh thần “ái quốc luận”, “dân quốc luận”, “duy tân luận” hoặc “dân chủ luận” (dân chủ tư sản). Có thể nói, giá trị tư tưởng triết học của Nho, Phật, Lão lúc này bị phụ thuộc trực tiếp vào sự biến đổi chính trị, phân hoá xã hội và sự xuất hiện của những tư tưởng triết học mới. Triết học Công giáo khi xâm nhập vào Việt Nam đã đem lại một dạng khác lạ của chủ nghĩa duy tâm đậm màu sắc phương Tây. Vì không ăn khớp với tâm thức cố hữu của người Việt, một số nhà truyền đạo Tây dương đã cố thuyết giảng tính hợp lý trong lời dạy của Chúa đối với tinh thần nhân bản của con người; đề cao tính khai hoá văn minh của chủ nghĩa tư bản và chế độ thực dân, xem thường tinh thần dân tộc và đả phá chủ nghĩa cộng sản. Trong thực tế, khi du nhập vào Việt Nam, Thiên Chúa giáo chỉ được một thiểu số người tiếp nhận, chủ yếu là ở các vùng nghèo khổ, dân trí thấp. Nhìn chung, thứ giáo lý mới mẻ này chưa có vị thế đáng kể trong đời sống ý thức chung của toàn xã hội.
- Dẫu sao thì cũng phải kể đến một số xu hướng tư tưởng khác từng có mặt chính thức trên văn đàn và chính trường, như nhóm Đông Pháp thời báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Quốc Dân Đảng, Tự Lực Văn Đoàn… Về thực chất, các nhà tư tưởng chính trị – xã hội thuộc các nhóm nói trên đều không có một cơ sở triết học rõ ràng, nhất quán để có thể thuyết phục và phổ biến rộng rãi. Các quan điểm lý luận của họ thường vụn mảnh, hỗn tạp, thiếu tính khoa học, không triệt để và đặc biệt, chúng không phù hợp với nhu cầu thực tiễn cách mạng, với hiện thực của dân tộc. Vì vậy, các xu hướng tư tưởng trên dần dần cũng tự đánh mất tiếng nói trong công luận, trong dân chúng.
4. Có thể nêu ra một số nhận xét chung về tình hình tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như sau:
- Nằm trong quy luật chung của hình thái ý thức xã hội, tư tưởng triết học dân tộc chịu sự quy định của những điều kiện vật chất xã hội có tính lịch sử – cụ thể, tính tất yếu, tính khách quan của xã hội Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Nền kinh tế thuộc địa, thực dân và nửa phong kiến là cơ sở để tạo ra những biến dộng xã hội; đồng thời, sự tác động của biến chuyển chính trị trở thành nhân tố trực tiếp tạo ra sự phát triển của tư tưởng triết học đương thời. Ở đây, có sự tương ứng giữa quá trình vận động của những điều kiện vật chất xã hội, của đời sống tinh thần dân tộc và tiến trình nảy nở, phát triển của những tư tưởng triết học tiến bộ, cách mạng. Nếu ở những năm đầu của thế kỷ trước, cùng với bước đầu khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và phong trào cách mạng của các nhà duy tân là sự đề xướng triết học dân chủ tư sản; thì, từ những năm 30 về sau, triết học mácxít tăng tiến ưu thế khi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật ngày càng đè nặng lên người dân nô lệ nước ta, cùng với sự bất lực của những tư tưởng triết học, chính trị không đáp ứng được những yêu cầu mới của dân tộc.
- Sự tiếp nhận các tư tưởng triết học phương Đông hay phương Tây đã khơi nguồn cho tư tưởng triết học Việt Nam thời kỳ này và chúng trở thành một nhân tố đóng góp vào nội dung tư tưởng triết học dân tộc. Những nhân tố bên ngoài được đưa vào Việt Nam, nếu muốn phát huy được tác động của chúng đối với tư tưởng triết học trong nước, bao giờ cũng phải thông qua sự “cho phép” của thực tiễn cách mạng Việt Nam, của nhu cầu, lợi ích và mục đích xã hội của nhân dân một nước thuộc địa, nửa phong kiến đang đấu tranh để tự giải phóng. Mọi học thuyết dân chủ tư sản hay cải lương xã hội từ “xứ người” đã được các nhà Duy Tân chuyển thành “của ta”, của “quốc dân” mang tính dân tộc (độc lập, tự cường), tính xã hội (dân chủ, tiến bộ), tính quốc tế (chống chủ nghĩa thực dân, đề cao văn minh nhân loại). Đó là “Khuyên nhau lấy chữ đồng bào, lấy câu ích quốc, lấy điều lợi dân”(1) làm nguyên tắc tư tưởng và mục tiêu hành động. Trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ viết năm 1924 gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã thấy rằng, “Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống như ở phương Tây” và nhiệm vụ của những người cách mạng là “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(2). Xuất phát từ thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ ra con đường cách mạng phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (giai cấp), giải phóng con người ở nước ta. Đó cũng là những minh chứng cho quy luật tiếp nhận văn hoá nhân loại của tâm thức dân tộc vốn đã có trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước mà lúc này, được những người mácxít Việt Nam phát huy, sáng tạo lại với nội dung mới, yêu cầu mới của thực tiễn cách mạng.
- Sự phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một quá trình tiếp biến biện chứng; trong đó, xu hướng triết học tiến bộ hơn, cách mạng hơn thay thế vai trò “ngọn cờ đầu” của xu hướng triết học cũ để đi đến vị thế độc tôn trên mặt trận tư tưởng của dân tộc. Tuy nhiên, sự chuyển giao, tiếp nối đã diễn ra một cách tự giác, dung hợp trên nguyên tắc và mục tiêu vì độc lập dân tộc, dân chủ xã hội và nhân văn hoá con người. Sự thắng thế của triết học Mác - Lênin - triết học tiên tiến nhất, đỉnh cao của tư tưởng nhân loại đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo và làm phong phú thêm, là biểu hiện sinh động và thuyết phục về sự phát triển của tư tưởng triết học ở nước ta. Đó là một bước chuyển về chất của đời sống ý thức xã hội Việt Nam. Mặt khác, tính “tự giác”, “dung hợp”, “ảnh hưởng” và “tiếp nhận” lẫn nhau nói trên là kết quả của sự đấu tranh giữa các quan điểm triết học (và chính trị, tư tưởng nói chung) trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau. Những cuộc tranh luận, phản bác về lịch sử dân tộc, về đường lối cách mạng, về giáo lý (tôn giáo), về triết học cổ đại, về văn minh, về văn chương, nghệ thuật… trên quan điểm “duy tâm”, “duy vật”, hoặc “đứng giữa”, dù diễn ra thế nào đi nữa thì rốt cuộc, “chủ nghĩa dân tộc”, “chủ nghĩa cách mạng” vẫn chiếm ưu thế, có sức quy tụ tâm huyết đối với đại đa số người trong xã hội. Đó cũng là quá trình tư tưởng triết học Việt Nam chuyển đổi từng bước từ lập trường “quốc gia”, “dân tộc cổ truyền”, “dân chủ tư sản” sang lập trường “cách mạng vô sản, kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội” của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Nội dung triết học thời kỳ này được biểu hiện tập trung ở yêu cầu giải quyết những vấn đề về độc lập dân tộc và dân chủ xã hội. Đó là những vấn đề cấp thiết, chủ yếu, có tính quyết định đối với vận mệnh đất nước, buộc mọi hoạt động tư tưởng phải giải quyết. Chính từ nội dung trên, các tư tưởng triết học đã được thử thách, kiểm nghiệm và được xác định tính đúng đắn, tính tích cực cùng với giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của chúng. Nói cụ thể hơn, tư tưởng triết học của dân tộc lúc này tập trung giải quyết những vấn đề sau: một là, những nhân tố nội tại quyết định vận mệnh, lợi ích dân tộc và sự phát triển của xã hội: tiến bộ dân trí, văn minh xã hội, cải cách dân quyền, giành quyền trực trị hay độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội (?); hai là, định hướng, mục đích, lý tưởng xã hội: quốc gia tự chủ, xã hội dân chủ tư sản, xã hội văn minh phương Tây hay xã hội cộng sản chủ nghĩa (?); ba là, con đường cứu nước, cứu dân, sách lược chính trị – xã hội, đường lối phát triển xã hội: ý thức dân tộc cổ truyền, tinh thần Tam giáo, niềm tin tôn giáo, thực hành duy tân, cổ động cải lương, hoạt động bạo động, cách mạng quốc gia hay cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng vô sản (?); bốn là, động lực, lực lượng giải phóng dân tộc, thay đổi, phát triển xã hội: Nho sĩ thức thời, trí thức tân tiến, quốc dân ái quốc, ái quần, cá nhân anh hùng hay khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (?); năm là, con người Việt Nam, phẩm chất, diện mạo, thân phận và giá trị của nó trong hiện tại và trong tương lai: “Dân vong quốc”, “Dân nô lệ”, “Người nước Nam”, “Nhân dân Việt Nam”, “Quần chúng cách mạng”… là “chủ đề thường xuyên” được các nhà tư tưởng quan tâm đặc biệt, coi đó là điểm xuất phát và mục tiêu của mọi quan điểm chính trị – xã hội, của mọi lập trường triết học. Tư tưởng về con người Việt Nam cũng là thước đo giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của bất cứ một xu hướng triết học, chính trị – xã hội nào. Năm vấn đề nói trên, trong thực tế, không phải lúc nào cũng được nêu lên một cách riêng rẽ để “chuyên sâu”; chúng thường được thể hiện ở dạng tổng hợp, nằm trong các quan niệm triết học chung của từng xu hướng.
- Các tư tưởng yêu nước và cách mạng của giai đoạn này, về mặt triết học, hoặc là xuất phát từ chủ nghĩa duy tâm, hoặc là từ chủ nghĩa duy vật, cũng có thể là nhị nguyên, thậm chí có thể “đa nguyên”. Trong thực tế, các xu hướng tư tưởng duy tâm hay duy vật thường xen kẽ, xâm nhập lẫn nhau với ranh giới nhiều khi mỏng manh, mờ nhạt. Ngay ở một xu hướng nhất định, hay ở một nhà tư tưởng nhất định, sự chuyển đổi về thế giới quan (vũ trụ quan), về phương pháp luận, về quan niệm, lập trường triết học vẫn thường xảy ra trước sự vận động, phát triển của điều kiện vật chất và đời sống tinh thần của xã hội. Trên cái nền của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, các nhà Nho thức thời vừa thừa nhận cái khả thủ của Nho, Phật, Lão cổ điển, vừa cổ vũ tinh thần dân chủ tư sản, văn minh phương Tây, cũng như đề cao phẩm chất cao quý, khí phách anh hùng của người dân đất Việt. Không ít trí thức đi ra từ cái nôi Nho giáo và văn hoá làng quê lại hướng tới tư tưởng cách mạng của những người cộng sản. Cũng có thể thấy rằng, ngay trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, có thời kỳ một số luận điểm của nó được nhận thức một cách giáo điều, duy ý chí(3). Nhìn chung, từ nửa đầu thế kỷ XX trở đi, tư tưởng triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng được khẳng định trong đời sống thực tiễn cách mạng Việt Nam, trở thành “cẩm nang thần kỳ”, “kim chỉ nam”, “mặt trời soi sáng”, ngọn cờ tập hợp sức mạnh của toàn dân vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
- Ở góc độ hình thái biểu hiện, tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thường hiện diện dưới dạng tư tưởng văn hoá, tư tưởng chính trị – xã hội, tư tưởng triết lý và tư tưởng văn học, thẩm mỹ (những dạng mang tính truyền thống ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam). Hình thái biểu hiện mang tính tổng hợp như vậy vừa thoả mãn nhu cầu chuyển tải thông tin nhiều mặt, đa dạng và sinh động của tư tưởng cách mạng, vừa phù hợp với năng lực nhận thức và trình độ tiếp nhận những tư tưởng mới của đông đảo quần chúng lao động. Rõ ràng, bên trong các hình thái biểu hiện trên là cái nền tảng, cái cốt lõi, cái hạt nhân triết học. Vì vậy, việc nắm bắt những luận điểm triết học trong văn hoá Việt Nam bằng con đường “duy lý”, “lôgíc” như triết học phương Tây sẽ không thể là một phương pháp tiếp cận khoa học thích hợp.
Tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một mốc son đánh dấu chặng đường mới của sự phát triển tư tưởng triết học dân tộc. Đó là một “nấc thang đổi mới”, một bước phát triển đột biến từ tư tưởng triết học thời đại phong kiến dân tộc sang tư tưởng triết học cận đại – một bước đệm cần thiết để tiến tới triết học hiện đại với vai trò chính thống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động thực tiễn cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta./.
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ.
(1) Chương Thâu, Triêu Dương, Nguyễn Đình Chú (Biên soạn). Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX. Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr.381.
(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 465.
(3) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.88 – 103, 104 – 117, 110 – 111, 112 – 113; t.6, tr.157 – 158, 285, 293; Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên). Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.26 – 36.
|