HOÀNG VĂN THẮNG (*)
Trong quan niệm của Gi.P.Xáctơrơ, tự do trước hết là cái tuyệt đối, là hành vi mang tính độc đáo, duy nhất và riêng biệt của con người. Với luận điểm xuất phát – Hiện hữu có trước bản chất, Gi.P.Xáctơrơ đã khẳng định tự do của con người là tự do cá nhân và với sự tự do này, con người được quyền tự do lựa chọn, tự do sáng tạo, con người là sự tự do. Tự do, theo Gi.P.Xáctơrơ, còn là trách nhiệm lớn lao mà con người phải thực hiện. Trong đời sống xã hội, tự do của cá nhân phải được đặt trong mối liên hệ với tự do của người khác. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song quan niệm của Gi.P.Xáctơrơ về tự do đã góp phần thúc đẩy con người hành động và kích thích khả năng sáng tạo của con người.
G. P.Xáctơrơ là một trong những nhà triết học hiện sinh lớn của phương Tây thế kỷ XX. Sau nhiều năm hoạt động trên lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, ông đã để lại một kho tàng đồ sộ gồm nhiều tác phẩm thuộc các thể loại, như triết học, văn học, kịch, v.v.. Các tác phẩm của ông xoay quanh việc lý giải sự tồn tại của con người theo quan điểm hiện sinh. Một trong những “điểm sáng” trong triết học của ông là tư tưởng về tự do của con người.
Trong lịch sử triết học, khái niệm “tự do” đã được hầu hết các nhà triết học trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến, song quan điểm của Gi.P.Xáctơrơ nói riêng, quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh nói chung về tự do là một hướng tiếp cận mới, đòi hỏi chúng ta cần phải làm rõ hơn.
Khát vọng tự do của con người từ bao đời nay vẫn là khát vọng lớn nhất. Vì thế, việc tìm hiểu tư tưởng triết học của Gi.P.Xáctơrơ về tự do cũng góp phần làm sáng tỏ những giá trị mà con người đang hướng tới, đồng thời đóng góp vào sự nghiệp xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay.
Trước khi tìm hiểu quan niệm của Gi.P.Xáctơrơ về tự do, chúng ta cần chú ý tới bối cảnh xã hội Tây Âu đầu thế kỷ XX, bởi đây là yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng hiện sinh của ông. Vào thời kỳ này, xã hội Tây Âu có nhiều biến động trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, v.v.. Nguyên nhân chính của những biến động đó là do sự bành trướng của khoa học - kỹ thuật và đặc biệt, về mặt lý luận, là sự thống trị của chủ nghĩa duy lý. Xã hội duy lý đã tước mất mọi giá trị đích thực của con người, con người bị duy lý hóa tới mức trở thành một “mắt xích” trong dây chuyền sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như trong chính trị. Con người trong xã hội không ý thức được mình là ai, có ham muốn gì, v.v., mà ngược lại, họ trở thành những công cụ, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho những mục tiêu chính trị.
Về mặt tôn giáo, con người bị lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ngay cả giáo lý Thiên Chúa giáo cũng bị duy lý hóa để rồi con người phải răm rắp tuân theo những mệnh lệnh của Chúa Trời. Gi.P.Xáctơrơ đã nói rằng: nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì con người có quyền làm bất cứ cái gì.
Trước hoàn cảnh đó, chủ nghĩa hiện sinh đã đi tìm cho mình một lối thoát riêng nhằm “giải mã” tồn tại người – tồn tại của những cái Tôi đích thực trong mỗi con người. Quan niệm của Gi.P.Xáctơrơ về tự do của con người là sự kế tục tư tưởng của các nhà triết học hiện sinh tiền bối, trong đó phải kể đến tư tưởng của E.Huxéc và M.Haiđơgơ.
Cơ sở lý luận cho quan niệm của Gi.P.Xáctơrơ về sự tự do được khởi nguồn từ hiện tượng học của Huxéc. Huxéc chủ trương xây dựng hiện tượng học thành một khoa học chính xác và vì thế, ông đã đưa ra các phương pháp quy giản: quy giản bản chất, quy giản hiện tượng, v.v.. Bằng các phương pháp quy giản của hiện tượng học, ý thức đã giành được quyền năng của mình. Lý thuyết về “liên khách - chủ thể” (Relation sujet - objet) hay còn gọi là “sự tương hỗ giữa chủ - tri và khách - tri” cho thấy vai trò to lớn của ý thức cá nhân trong quan hệ với thế giới.
Tiếp thu hiện tượng học của Huxéc, Haiđơgơ đã khai thác tính tích cực của ý thức để từ đó, nhận thức tồn tại của vũ trụ. Ông cho rằng, khái niệm tồn tại nói chung là khái niệm tối nghĩa nhất và do vậy, muốn nhận thức tồn tại của vũ trụ thì không có cách nào khác ngoài nhận thức bản thể người. Bản thể người là “bản thể - đó” (Dasien) - một bản thể độc đáo, tự do. Sự tự do của con người được thể hiện trong thời gian (tính thời gian) để tạo ra ý nghĩa của tồn tại. Như vậy, có thể nói, so với Huxéc, Haiđơgơ đã tiến xa hơn một bước khi thấy được giá trị trong sự hiện hữu của chủ thể như một nhân vị mang tính độc đáo, duy nhất. Tuy nhiên, tư tưởng của ông chưa tiếp cận tới sự hiện hữu của con người trong cuộc sống với đầy rẫy những đam mê, khát vọng, cùng những lo âu, xao xuyến khi phải đối diện với ngoại cảnh cũng như với chính mình.
Nhận thức được hạn chế của các nhà tư tưởng đi trước, Gi.P.Xáctơrơ khai thác con người với cuộc sống đích thực của mình, con người tồn tại trong thế giới như một chủ thể tự do.
Kế thừa hiện tượng học của Huxéc, Gi.P.Xáctơrơ đã đi sâu phân tích bản thể luận hiện sinh. Trong tác phẩm nổi tiếng Hữu thể và hư không (L’Être et le Néant), ông đã cho rằng, có hai loại hữu thể: cái tự nó (En-soi) và cái vị nó (Pour-soi).
Cái tự nó là hữu thể sự vật và hữu thể người ở trạng thái “hiện hữu thô sơ”; nó chẳng khác nào cái cây, ngọn cỏ; nó tĩnh tại và cố định; nó là một bản thể im lìm, bất biến và vô nghĩa. Loại hữu thể này đã được Gi.P.Xáctơrơ khắc hoạ một cách tài tình trong tiểu thuyết Buồn nôn. Trái lại, cái cho nó là hữu thể người ở trạng thái không ngừng hiện hữu, không ngừng siêu việt. Hữu thể này có tính năng động, sáng tạo và tự do; nó là khai mở ra và hướng tới tương lai. Sở dĩ cái cho nó có đặc tính đó là do con người có ý thức và bản tính của ý thức là không ngừng dự phóng, không ngừng siêu việt. Con người không phải là tồn tại tự nó (Être - en - soi), mà là tồn tại cho nó (Être - pour - soi). Do vậy, con người luôn trong quá trình hư vô hóa cái tự nó để trở thành cái cho nó - phương thức để con người đạt được tự do.
Với bản năng của ý thức, con người có quyền lựa chọn bất cứ cái gì và hành động theo những điều mình chọn lựa để đạt được tự do. Đề cao tự do của con người, Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, tự do là cái tuyệt đối, không ai có thể định nghĩa được sự tự do hết mức của con người, tự do là hành vi mang tính độc đáo, duy nhất và riêng biệt. Trong Hữu thể và hư không, Gi.P.Xáctơrơ khẳng định con người “bị kết án” là tự do, con người tự do gánh vác sức nặng của thế giới trên đôi vai của mình; anh ta phải có trách nhiệm với thế giới và với chính bản thân mình với tư cách một phương thức hiện hữu. Trách nhiệm này không thể bị chối bỏ; nó là đòi hỏi có tính tất yếu của sự hiện hữu của con người.
Điểm xuất phát trong quan niệm về tự do của Gi.P.Xáctơrơ gắn liền với luận điểm của ông: “Hiện hữu có trước bản chất” (Existence précède essence). Theo ông, con người khi sinh ra chẳng là gì cả; con người là “không thể định nghĩa được”. Con người chỉ có thể tự tạo nên bản chất của mình thông qua những dự phóng. Bản chất con người không phải là cái bất biến, cố định, mà là cái rất cụ thể, là cái: này – kia - đó, v.v., và như thế, con người luôn trong quá trình hình thành, cuộc sống con người không có điểm dừng, con người không ngừng hướng về phía trước để tìm thấy bản chất của mình.
Trong quan niệm của Gi.P.Xáctơrơ, tự do của con người là tự do cá nhân. Dưới ánh sáng của cái Tôi ý thức, con người gạt bỏ tất cả những tác động của yếu tố ngoại cảnh cùng sự “can thiệp” của Thiên Chúa. Trên thế giới chỉ còn lại con người đối diện với chính mình, con người không bị ràng buộc bởi bất cứ cái gì và khi đó, con người được quyền tự do lựa chọn, tự do sáng tạo theo cách riêng của mình. Trong vở kịch Ruồi, trước mệnh lệnh của Jupiter bắt con người phải phục tùng, Oreste khẳng khái đáp: “Không cần ngài tạo dựng, tôi là một người tự do… Ngay khi ngài tạo dựng tôi xong thì tôi đã không phụ thuộc vào Ngài nữa rồi… Trên đời này chẳng có gì, chẳng có thiện, chẳng có ác, chẳng ai ra lệnh cho tôi cả. Tôi sẽ không theo luật của Ngài và chỉ có một luật là luật của tôi. Vì tôi là một người, hỡi Jupiter, và mỗi người phải tìm con đường riêng của mình”(1).
Trong Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân đạo(**), Xáctơrơ viết: “Thật vậy, ta sẽ được phép làm tất cả nếu không có Thiên Chúa. Và do đó, con người sẽ bị bơ vơ trơ trọi, vì không tìm thấy ở nội tâm hoặc ở bên ngoài một cái gì khả dĩ bấu víu vào. Trước hết, con người sẽ không tìm được một lời bào chữa nào cả. Quả vậy, nếu hiện hữu có trước yếu tính, ta sẽ không bao giờ giải thích được gì cả bằng cách quy chiếu việc ấy với một bản tính nhân loại đã có đấy, và đã được cô đọng lại. Nói cách khác, không thể có một định mệnh thuyết, con người được tự do, con người là sự tự do”(2).
Như thế, tiền đề cho sự tự do chính là ở chỗ con người không chịu ràng buộc bởi bất cứ cái gì. Sẽ không có sự hiện hữu của Thiên Chúa, cũng không có bất cứ một giá trị tiền lập nào, con người luôn đối chọi với cuộc sống bơ vơ, đơn độc, một mình tiến về phía trước, con người phải tự chịu trách nhiệm, tự định đoạt về sự tự do của bản thân mình. Sự cô đơn được kết thúc bởi cái chết. Cái chết gắn liền với nhân vị. Bởi lẽ, nếu cái sống là của riêng tôi thì cái chết cũng mang tính độc đáo của riêng tôi.
Tự do là trách nhiệm vô cùng lớn lao mà mọi người cần phải thực hiện, vì thế, trong cuộc sống, con người không thể tránh khỏi những lo âu, xao xuyến. Lo âu là có đó, lo âu đeo đẳng người ta suốt cuộc đời, làm sao có thể tránh khỏi lo âu. Gi.P.Xáctơrơ trình bày sự lo âu như sau: “Trước hết người ta hiểu sự lo âu là thế nào? Triết gia hiện sinh sẵn sàng tuyên bố rằng: “Con người là sự lo âu”. Điều đó có nghĩa rằng: Khi con người tham dự một công việc gì thì con người biết rằng không những mình sẽ là con người mình sẽ lựa chọn nhưng lại còn là kẻ lập luật. Cái khó của vị lập luật đó là đồng thời phải lựa chọn con người cho mình đồng thời phải lựa chọn cho toàn thể nhân loại. Như vậy làm sao tránh khỏi ý thức về một trách nhiệm “toàn diện sâu xa”. Chắc chắn, có nhiều người không tỏ chút gì băn khoăn lo lắng như vậy. Nhưng chúng tôi cho rằng họ cố che đậy nỗi lo âu của họ và cố trốn tránh khỏi cảnh lo âu”(3).
Lo âu mà Gi.P.Xáctơrơ đề cập ở đây chính là sự lo âu có tính cách triết học. Bởi lẽ, thứ lo âu này không phải dẫn con người ta đến chỗ “bất động” mà ngược lại, nó thúc đẩy con người phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm với những điều mình lựa chọn: “Lo âu không phải là bức màn ngăn cách ta khỏi hành động, nhưng chính nó lại dự phần vào hành động”(4).
Nhiều người cho rằng, triết học hiện sinh bao trùm một màu sắc bi quan, chán nản. Tuy nhiên, chính cuộc sống đơn độc của con người là một yếu tố, là “điểm tựa” khơi nguồn cho sự tự do sáng tạo, tự do lựa chọn. Chỉ khi sống trong hoàn cảnh đơn độc thì con người mới có điều kiện vươn tới tự do.
Con người đã là tự do thì không thể tồn tại như một thực thể im lìm, bất biến (cái tự nó), mà phải luôn vươn tới cái mình “sẽ là”, tức là tới cái mình hiện “chưa là”. Hành động con người lựa chọn phải là một hành động hết sức độc đáo, mang bản sắc riêng của mình. Nhưng điều gì giúp ta lựa chọn và đưa ra những quyết định cho sự chọn lựa của cá nhân? Theo Gi.P.Xáctơrơ, đó chính là bản năng. Bản năng là xung lực bắt nguồn từ chiều sâu của cái thể xác. Ông cho rằng, bản thể người trong thế giới này là thân xác; thân xác hoàn toàn không phải là sự thêm vào ngẫu nhiên cho tâm hồn tôi, trái lại là một cơ cấu bền vững, trường tồn của sự hiện hữu của tôi và là điều kiện thường xuyên về khả năng của ý thức của tôi như là ý thức về thế giới.
Ở mỗi hoàn cảnh cụ thể, sự lựa chọn phụ thuộc vào bản năng trực giác tức thời của chủ thể. Bản năng chối bỏ tất cả thế giới ngoại tại, chối bỏ những định luật bất biến của loài người. Trong thế giới chỉ còn lại tôi đối diện với chính mình, bản năng luôn mách bảo tôi phải làm gì và làm như thế nào và như thế, sẽ không có nền luân lý tổng quát nào để mách bảo con người phải lựa chọn ngoài việc phải tuân theo luân lý của chính bản thân ta cùng sự dẫn dắt của bản năng. Điều này hoàn toàn đối lập với quan điểm mácxít về tự do. Theo quan điểm mácxít, không có thứ tự do nào nằm ngoài sự tác động của quy luật; tự do chính là nhận thức và hành động theo quy luật tất yếu. Chỉ có nhận thức và hành động theo các quy luật tự nhiên và xã hội thì con người mới trở thành “người chủ” đích thực của tự nhiên, của xã hội.
Tự do mà Gi.P.Xáctơrơ nêu ra là thứ tự do của cá nhân, tự do của mỗi chủ thể người, đó là thứ tự do rất cụ thể, tự do biểu hiện trong các hoàn cảnh riêng biệt. Tuy nhiên, trong xã hội, con người không thể tồn tại một cách biệt lập, con người tồn tại trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong sự “liên hệ với”, “chung sống với” tha nhân (autrui) và do vậy, tự do của cá nhân phải được đặt trong mối liên hệ với tự do của người khác (tự do của tha nhân). Nói đến tha nhân là nói đến sự liên thông của các ý thức (tính liên chủ thể). Về vấn đề này, Gi.P.Xáctơrơ có một cái nhìn cực đoan khi khẳng định rằng, sự hiện hữu của tha nhân là “tội tổ tông” và vì thế, để tránh được tha nhân chỉ có một cách là “kín cửa”, sống một cuộc sống riêng. Tự do của tôi là sự phủ nhận tự do của tha nhân.
Tuy nhiên, đến Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân đạo thì quan niệm trên đã có sự thay đổi. Theo Xáctơrơ, tự do của tôi gắn liền với tự do của tha nhân, tôi muốn mình tự do thì phải tôn trọng tự do của tha nhân. Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, “chắc chắn sự tự do cũng như định nghĩa về con người, nó không tuỳ thuộc vào tha nhân, nhưng một khi có sự gia nhập nào đó, tôi phải đồng thời muốn sự tự do cho tôi và muốn sự tự do cho kẻ khác. Tôi chỉ có thể lấy tự do của tôi làm mục đích, nếu tôi cũng lấy sự tự do của tha nhân làm mục đích”(5). Và như thế, “trong khi tự mình lựa chọn thì con người cũng lựa chọn tất cả mọi người”(6)
Là một nhà triết học theo khuynh hướng phi duy lý, Gi.P.Xáctơrơ đã đề cao sự tự do của con người với tư cách là tự do cá nhân – tự do siêu vượt khỏi hoàn cảnh thực tại, song con người không thoát khỏi sự chi phối, sự tác động của yếu tố ngoại cảnh mà trước hết, là sự hiện hữu của tha nhân. Kết quả là, ông buộc phải thừa nhận việc tự do của tôi chung sống với tự do của tha nhân, tôi mong muốn mình được tự do thì cũng phải tôn trọng tự do của người khác.
Mặc dù quan điểm của Gi.P.Xáctơrơ có phần cực đoan khi phủ nhận vai trò của hoàn cảnh, song quan niệm về sự tự do của ông đã kêu gọi con người dấn thân vào hành động, hơn thế nữa, đó là hành động mang tính độc đáo, đơn nhất, không lặp lại. Trong cuộc sống, con người chỉ có thể biểu đạt được tình cảm hoặc ý định của mình thông qua hành động, có như vậy thì con người mới đem lại cho mình và sự vật một ý nghĩa. Vì quan niệm đó, người ta thường gọi triết học của ông là triết học hành động.
Tóm lại, tự do vừa là phương thức, vừa là mục đích sống của con người. Chủ nghĩa hiện sinh nói chung, quan điểm của Gi.P.Xáctơrơ nói riêng không bàn tới bản thể luận phổ quát như triết học truyền thống, mà nó quan tâm tới tồn tại người như một nhân vị. Gi.P.Xáctơrơ đã có đóng góp trong việc chỉ ra giá trị của cuộc sống. Đành rằng triết học hiện sinh của Gi.P.Xáctơrơ khai thác con người ở khía cạnh chủ quan tính, xem xét chiều sâu ý thức tâm linh, nhưng những tư tưởng mà ông nêu ra không phải là không có lý. Quan niệm của ông về tự do đã góp phần kích thích khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của con người…r
Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
(1) Dẫn theo: Nguyễn Tiến Dũng. Chủ nghĩa hiện sinh: lịch sử, sự hiện diện ở Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.121
(**) Tác phẩm này được Thụ Nhân dịch ra tiếng Việt là Hiện sinh - một nhân bản thuyết. Nxb Nhị Nùng, Sài Gòn, 1968, tr.26.
|