Home » » Đồng tình, Đồng ý,Đồng thuận

Đồng tình, Đồng ý,Đồng thuận

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012 | 22:59


PHẠM NGỌC QUANG(*)

Trên cơ sở phân tích những quan niệm khác nhau về sự đồng nhất và khác biệt giữa đồng ý, đồng tình và đồng thuận, trong bài viết này, tác giả đưa ra quan niệm của mình để trao đổi với độc giả về ba vấn đề: 1/ Đồng ý mà không đồng tình, đồng thuận với tư cách một biểu hiện của tình trạng thiếu dân chủ, có tác động tiêu cực tới đoàn kết; 2/ Sự cần thiết phải tiến từ đồng ý đến đồng tình, đồng thuận trong Đảng; 3/ Làm thế nào để tiến từ đồng ý đến đồng tình, đồng thuận trong Đảng.

Dân chủ, đoàn kết, đồng thuận là những phạm trù thuộc lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tinh thần. Trạng thái tư tưởng đó được hình thành, thiết định, củng cố và phát triển trên những tiền đề quan hệ lợi ích khách quan; trong đó, sự hài hoà, tôn trọng những nhu cầu, lợi ích vật chất đa dạng và chính đáng của con người, của các cộng đồng người khác nhau có vai trò quyết định. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh giá thấp vị trí của việc tôn trọng những nhu cầu, lợi ích tinh thần đa dạng và chính đáng của con người, của các cộng đồng người khác nhau đối với sự phát triển xã hội nói chung, đối với sự phát triển của dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội nói riêng; trong đó có dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng.
1. Sự đồng nhất và khác biệt giữa đồng ý, đồng tình và đồng thuận
Về mặt hình thức, dân chủ, đoàn kết, đồng thuận được biểu hiện ra bên ngoài ở sự đồng ý, đồng tình của mọi thành viên trong cộng đồng với chủ trương, biện pháp… nào đó được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề này hay vấn đề khác đã nảy sinh trong thực tiễn có tác động tới cuộc sống của cả cộng đồng ấy. Thế nhưng, hàng ngày, chúng ta lại không ít lần nghe những câu đại thể: "Nói vậy nhưng không phải vậy"; "bằng mặt mà không bằng lòng";... Thực tế đó đòi hỏi phải làm sáng tỏ sự đồng nhất và khác biệt giữa đồng ý, đồng tình và đồng thuận; làm rõ vị trí, hình thức biểu hiện của các trạng thái tư tưởng đó đối với dân chủ, đoàn kết, đồng thuận.(*) 
Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, "đồng tình" là: 1- cùng có một ý, một lòng như nhau; 2- tán thành và có cảm tình. Cũng theo từ điển này, "đồng ý" là có cùng ý kiến như ý kiến đã nêu(1).
Tham khảo thêm Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như ý chủ biên, thì “đồng tình" là: 1- cùng chung một ý chí, một lòng ; 2- tán thành và ủng hộ; "đồng ý” là có cùng ý kiến, bằng lòng, nhất trí với ý kiến đã nêu(2).
Như vậy, giữa “đồng tình” và “đồng ý” có điểm chung là “cùng có một ý”,  “có cùng ý kiến”. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai khái niệm đó chỉ là ở chỗ, khi nói về “đồng tình”, tác giả không đề cập tới đối tượng của sự đồng tình đó là gì, còn khi nói về “đồng ý”, tác giả nói rõ: đồng ý là có cùng ý kiến như ý kiến đã nêu. Thoáng qua, đó chỉ là một tiểu tiết, không cơ bản, không quan trọng; nhưng xét kỹ hơn thì lại là đại vấn đề, bởi nó liên quan tới phương thức đạt tới sự “đồng tình” và “đồng ý”; từ đó, nó cũng xác lập vị trí quan trọng, vai trò khác nhau giữa chúng trong việc thực hiện và hình thức biểu hiện của dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội.
Xét về mặt “kỹ thuật” của vấn đề,  “đồng tình” là khái niệm dùng để chỉ trạng thái nhất trí về mặt tư tưởng, tinh thần được xác lập thông qua thảo luận, tranh luận một cách dân chủ. Trong quá trình đó, mỗi người đều có chủ kiến của mình về vấn đề này. Các chủ kiến ấy có thể rất khác nhau. Thông qua trao đổi, thảo luận, tranh luận, mọi người đi tới nhất trí với một quan niệm, một ý kiến nào đó. Quan niệm hay ý kiến này được mọi người đồng tình thì nó đóng vai trò là đối tượng của sự đồng tình. Đối tượng của sự đồng tình có thể được hình thành trong chính quá trình trao đổi, tranh luận; nó thường là sự kết tinh những nhân tố có giá trị của tất cả các ý kiến khác nhau do các chủ thể khác nhau đưa ra; trong trường hợp hãn hữu, đối tượng của sự đồng tình đó chính là ý kiến của một chủ thể đưa ra.(1)
Từ đó, có thể hiểu: “Đồng tình” là khái niệm dùng để chỉ một trạng thái tư tưởng, tinh thần của cộng đồng người mà ở đó, cả cộng đồng ấy đồng tâm, nhất trí với một cách nghĩ, cách làm phản ánh đúng tâm tư, tình cảm của cả cộng đồng, do cộng đồng đó thiết định thông qua thảo luận dân chủ.
Trong quan niệm này có một số điểm nhấn sau đây:
Thứ nhất, đồng tình là một phương diện trong quan hệ xã hội giữa người với người; chủ thể của sự đồng tình là cộng đồng lớn, nhỏ khác nhau.
Thứ hai, chỉ trong một quan hệ xã hội thực sự dân chủ mới mang lại sự đồng tình chân chính (đối lập với nó là đồng tình giả tạo, đồng tình bề ngoài mà về thực chất, là bất đồng tình, là sự thiếu nhất trí, sự bất đồng).
Thứ ba, đồng tình mang lại cho cộng đồng đó một trạng thái tư tưởng thoải mái, không bị ức chế, do nó dựa trên sự cùng nhau thoả mãn về một cái gì đó mà chính các thành viên của cộng đồng ấy tạo lập nên, không phải do ai, do bất kỳ quy tắc nào áp đặt, bắt buộc.
Thứ tư, đoàn kết trên cơ sở đồng tình sẽ là sự đoàn kết mang tính vững chắc, bền chặt, tự giác của mọi thành viên trong cộng đồng. 
Gần với “đồng tình” là “đồng thuận”.
Hiểu một sách sơ giản, mang tính phổ thông, “đồng thuận” là khái niệm dùng để chỉ sự cùng nhau chấp nhận, cùng nhau đồng ý, thống nhất về cái gì đó(3).
Hiểu một cách đầy đủ hơn, toàn diện và sâu sắc hơn, đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí trong suy nghĩ và hành động của một cộng đồng xã hội (cộng đồng này có thể rộng hẹp khác nhau, từ cộng đồng gia đình, làng xóm... đến cộng đồng giai cấp, dân tộc, nhân loại) về một (hay một số) vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng về nhu cầu, lợi ích…, trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện là, những khác biệt này không làm tổn hại đến mục tiêu chung, hành động chung của cộng đồng đó.
Từ quan niệm này, khi nói tới sự đồng thuận, cần lưu ý một số điểm dưới đây:
Thứ nhất, mức độ, phạm vi đồng thuận xã hội đạt được tùy thuộc vào nhiều vấn đề, nhưng cơ bản nhất là đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của tất cả các thành viên trong cộng đồng đó.
Thứ hai, sự đồng tình, nhất trí này không phải đạt được bằng bạo lực, cưỡng bức mà phải trên cơ sở tự nguyện.
Thứ ba, khó có thể đạt được đồng thuận một cách toàn diện và triệt để, tức là với tất cả mọi người về mọi vấn đề. Do đó, xây dựng sự đồng thuận ở một cộng đồng xã hội nhất định, điều quan trọng là xác định cho được những điểm tương đồng mà cộng đồng đó có trong điều kiện cụ thể khi đó, lúc đó; phải làm sao để các thành viên trong cộng đồng ý thức rõ điểm chung này và lấy đó làm cơ sở cho suy nghĩ và hành động của mình.
Thứ tư, sự đồng tình, nhất trí giữa các thành viên, các nhóm xã hội phải dựa trên cơ sở những điểm tương đồng, nhưng vẫn chấp nhận những sự khác biệt, nếu những khác biệt đó không ảnh hưởng đến mục tiêu chung(4).
Trong 4 điểm nêu trên, chúng tôi đặc biệt lưu ý đồng thuận đạt được nhờ sự đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của chủ thể đồng thuận, nhờ vậy, sự đồng thuận đạt được không phải là bằng cưỡng bức mà trên cơ sở tự nguyện.
Xét trên nội dung căn bản, đồng thuận và đồng tình không có khác biệt cơ bản nào - đều là cùng nhau thoả thuận, nên chúng đều là kết quả của dân chủ.
Còn “đồng ý” ?
Như trên đã đề cập, “đồng ý” là có cùng ý kiến như ý kiến đã nêu(5). ở đây, “ý kiến đã nêu” đóng vai trò là đối tượng của sự đồng ý. Chủ thể đưa ra ý kiến đó có thể là cá nhân, nhưng cũng có thể là tổ chức. Chủ thể nêu ra ý kiến đó có thể là một thành viên bình quyền trong cộng đồng, nhưng nhiều trường hợp thường là những người, những tổ chức có cương vị lãnh đạo cộng đồng. Trong trường hợp thứ hai, sự đồng ý của các thành viên khác trong cộng đồng với ý kiến mà lãnh đạo, cơ quan lãnh đạo đưa ra có thể đạt được bằng con đường dân chủ, tự nguyện, xuất phát từ sự tương thích thực sự giữa ý kiến của người lãnh đạo, của cơ quan lãnh đạo và tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chính các thành viên đó. Trong trường hợp này, “đồng ý” đã trở thành sự đồng thuận, đồng tình. Nhưng, sự đồng ý của các thành viên trong cộng đồng đối với ý kiến mà người lãnh đạo, cơ quan lãnh đạo đưa ra cũng có thể đạt được do nhiều nguyên nhân khác. Đó có thể do quyền uy của thủ trưởng, bề dày của truyền thống vẻ vang mà cá nhân hay tổ chức đó có được; do áp lực của nhu cầu cuộc sống, áp lực của công việc; do phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của tổ chức mà người đó là thành viên; do sự chuyên quyền độc đoán của cá nhân thủ trưởng hay của tổ chức, cơ quan lãnh đạo; do áp lực của tâm lý sợ bị trù úm; do năng lực hạn chế trong việc bày tỏ chính kiến khác của mình;… Cho nên, có thể có đồng ý mà không thật đồng tình, đồng thuận. Điều đó do cả nhân tố khách quan lẫn chủ quan tạo ra.
2. Đồng ý mà không đồng tình, đồng thuận là một biểu hiện của tình trạng thiếu dân chủ, có tác động tiêu cực tới đoàn kết
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, bất kỳ ở đâu, lúc nào, có đồng ý mà không có đồng tình, đồng thuận thì đều không thể có đoàn kết thực sự được. Có đồng ý mà không có sự đồng tình, đồng thuận thì việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cá nhân có ý kiến đồng ý đó sẽ hết sức khó khăn; muốn có tính tự giác cao của cá nhân có ý kiến đồng ý với quyết định mà người lãnh đạo, cơ quan lãnh đạo đưa ra trong việc thực hiện quyết định đó là điều không thể có. Thực tế chứng minh rằng, bất kỳ sự đồng ý nào được xác lập do những áp lực bên ngoài, không xuất phát từ những nhân tố nội tại của người đó đều gây cho họ sự ức chế, dễ dẫn tới sự phản ứng, thậm chí còn ngấm ngầm chống lại bằng những hình thức tinh vi. Khi đó, khó có sự đoàn kết thực sự.
Thực tế nước ta ở thời kỳ trước đổi mới đã mang lại cho chúng ta không ít bằng chứng về những điều vừa nêu.
Hợp tác hoá nông nghiệp nhằm phát huy ưu thế của lao động tập thể, nhờ vậy, hy vọng sẽ mang lại năng suất lao động cao, đời sống của nông dân sẽ được cải thiện,... là chủ trương lớn của Đảng ta, được hầu hết nông dân đồng tình. Nhưng, cách làm hợp tác xã như những năm trước đổi mới lại không hợp lòng dân. Do nhiều áp lực khác nhau, hầu hết nông dân đã vào hợp tác xã. Về hình thức, ở đây có sự đồng ý nhưng không có sự đồng tình. Bởi lẽ, hầu hết các trường hợp, người ta vào hợp tác xã không phải do tự họ nhận thấy vào là có lợi cho mình, mà họ vào phần nhiều vì những áp lực bên ngoài. Có thời kỳ, bằng công tác tuyên truyền rất tích cực, rất ráo riết của mình, chúng ta đã hình thành trong đại đa số nhân dân quan niệm xem cán bộ, công nhân viên nhà nước là công dân loại một, xã viên là công dân loại hai, người làm ăn cá thể là công dân loại ba. Sự phân biệt, sự kỳ thị đó không dừng lại ở lĩnh vực tư tưởng, tâm lý, mà còn được cơ chế hoá thành hệ thống chính sách. Con cái gia đình làm ăn cá thể không được kết nạp vào đoàn, càng khó được đi du học nước ngoài; bản thân hầu hết những người làm ăn cá thể cũng như con cái họ đã trưởng thành đều không được đảm đương những trọng trách trong bộ máy nhà nước, mặc dù người đó có khả năng. Không phải là xã viên thì bị coi là người thấp kém không chỉ về ý thức chính trị, mà cả phẩm chất đạo đức, là phần tử không đáng tin cậy. Đó là một áp lực cực kỳ lớn khiến cho nhiều người dù không đồng tình với cách làm hợp tác xã, nhưng vẫn đồng ý vào hợp tác xã. Nguyên tắc tự nguyện - một trong 3 nguyên tắc cơ bản của hợp tác hoá nông nghiệp - đã bị vi phạm nghiêm trọng.
Ngày nay, trước việc dạy thêm, học thêm tràn lan, cơ quan chức năng có đưa ra một số quy định nhằm hạn chế tình trạng này, trong đó có nhấn mạnh việc này phải do phụ huynh đề nghị, phụ huynh phải làm đơn tự nguyện cho con em đi học... Song, với “cơ chế” trong giờ học thêm, thày cô lại dạy một số kiến thức thuộc phần cứng của chương trình hoặc nhớ mặt em nào không đi học thêm để cho điểm, thì hầu hết phụ huynh đều đồng ý làm đơn “tự nguyện” cho con em đi học thêm. Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, một số cơ quan, doanh nghiệp đồng ý cho đến thử việc vài tháng không lương. Đa số các em “đồng ý” cơ chế đó. Một lượng không nhỏ các em sau vài tháng thử việc vẫn không được nhận vào làm. Đó là sự đồng ý trong điều kiện không có con đường nào lựa chọn tốt hơn. Hầu hết tình trạng phải bỏ tiền ra để chạy lớp, chạy trường, chạy việc, chạy chức tước hiện nay đều là sự đồng ý nhưng không có sự đồng tình. Điều đó giải thích vì sao đương sự luôn thấy bức xúc, khó chịu, khi có cơ hội thì “xì” ra với người này hay người kia, thậm chí tố cáo đối tượng tham nhũng, đối tượng ăn của đút lót.
3. Trong Đảng cũng cần tiến từ đồng ý đến đồng tình, đồng thuận
Lâu nay, khi đề cập tới sinh hoạt nội bộ Đảng, chúng ta thường chỉ dùng khái niệm “đoàn kết thống nhất”, không dùng từ “đồng thuận”. Từ tổng kết thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, chúng ta thấy sự cần thiết bảo đảm sự đồng thuận ngay trong Đảng. Đề cập vấn đề này từ giác độ mục đích góp ý bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh... cho rằng, vấn đề này phải dựa trên cơ sở bảo đảm giữ vững nguyên tắc và phát huy dân chủ để “tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân”(6).
Việc làm rõ sự đồng nhất và khác biệt giữa đồng ý với đồng tình, đồng thuận làm nảy sinh một gợi ý đáng suy nghĩ có liên quan tới Đảng ta sau đây:
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động căn bản của Đảng ta, đó cũng là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.
Để hoàn thành trách nhiệm nặng nề của mình trước giai cấp và toàn thể dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là một tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, kỷ cương, trăm người hoạt động như một, tất cả phải lấy lợi ích chung của dân tộc làm trọng; khi lợi ích cục bộ, tạm thời, trước mắt của cá nhân đảng viên không thật phù hợp với lợi ích chung, đảng viên đó phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung... Vào Đảng, mỗi người đã tự nguyện chấp nhận đòi hỏi đó của Đảng. Mỗi người vào Đảng đều phải hy sinh một phần nhu cầu, lợi ích cá nhân của mình, khi nhu cầu, lợi ích đó không thật phù hợp với nhu cầu, lợi ích của Đảng. Do vậy, không phải mọi điều đảng viên đồng ý với ý kiến của lãnh đạo Đảng đưa ra đều dựa trên cơ sở của sự thống nhất, hài hoà giữa nhu cầu cá nhân với nhu cầu của Đảng. ở đây, do đòi hỏi của sự nghiệp chung mà Đảng đang gánh vác, đảng viên phải chấp nhận sự hy sinh đó. Trong trường hợp này, giữa ý kiến riêng của đảng viên xuất phát từ nhu cầu trực tiếp, cụ thể của mình với ý kiến của lãnh đạo Đảng xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chung là không hoàn toàn phù hợp, nhưng với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, đảng viên đó phải đồng ý, mặc dù không hẳn đã đồng tình, đồng thuận với nghĩa như trên đây đã trình bày. Thực tế cho thấy, trong trường hợp này, nếu hy vọng ngay từ đầu người đảng viên đó hoàn toàn thoải mái, hồ hởi phấn khởi, nhiệt tình đón nhận và hăng hái thực hiện với tính chủ động, sáng tạo cao quyết định đó của lãnh đạo cũng là ảo tưởng; chưa nói rằng, trong một số trường hợp quyết định của lãnh đạo Đảng không thật khoa học, không thật hợp lòng đảng viên, một số đảng viên còn tìm cách lách để thực hiện nhu cầu, lợi ích của mình khác với nhu cầu của Đảng.(6)Trước Đại  hội X của Đảng, thái độ của một số đảng viên có tiềm lực và có năng lực làm kinh tế tư nhân trước quyết định của Đảng không cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đã mang lại nhiều bằng chứng cho trường hợp này. Một số đảng viên đó vẫn lập doanh nghiệp tư nhân, nhưng đội lốt con, cháu, họ hàng không phải là đảng viên, trong thực tế, chính đảng viên đó mới thực sự là người chủ điều hành doanh nghiệp. Đoàn kết giữa những đảng viên không làm kinh tế tư nhân với những đảng viên làm kinh tế tư nhân ở một số nơi bị sứt mẻ, đoàn kết nội bộ Đảng ở những nơi đó trở thành vấn đề. Đại hội X cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân với một số quy định do Trung ương nêu ra đã tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và xã hội, tình hình nêu trên được khắc phục.
4. Để tiến từ đồng ý đến đồng tình, đồng thuận trong Đảng
Thực tiễn trên đây cho thấy, việc hình thành cho được những quyết định mà ở đó, có sự thống nhất cao giữa nhu cầu chung của Đảng với nhu cầu của đảng viên là tốt nhất. Các quyết định như vậy chỉ có thể ra đời trên cơ sở có sự đồng tình, đồng thuận của mọi đảng viên trên nền tảng dân chủ hoá sinh hoạt nội bộ Đảng. Song, cơ cấu đảng viên trong Đảng cũng hết sức đa dạng, từ đó, nhu cầu, lợi ích của đảng viên cũng rất phong phú. Để nâng từ đồng thuận bộ phận lên đồng thuận toàn bộ, cần coi trọng công tác giáo dục và tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi đảng viên, làm cho mỗi đảng viên giác ngộ được lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và trở thành nhân tố thường trực mang tính chi phối mọi nhu cầu, lợi ích của cá nhân đảng viên. Khi đó, tình trạng khác nhau giữa nhu cầu chung với nhu cầu riêng sẽ được giảm tới mức tối thiểu, nếu có, cũng không quá gay gắt.
Như thế vẫn chưa đủ. Để tiến tới sự đồng thuận toàn phần, cơ quan lãnh đạo của Đảng cũng phải không ngừng vươn lên để mọi quyết định của Đảng đều phản ánh đúng nhu cầu phát triển khách quan của xã hội, phù hợp với quy luật của sự phát triển, đáp ứng đúng nhu cầu, lợi ích chính đáng của đảng viên. 
Sự phân tích trên đây cho thấy, việc thực hiện được đồng thuận toàn phần là một bước tiến hết sức quan trọng trong năng lực lãnh đạo của Đảng. Bước tiến đó cũng là thước đo đánh giá trình độ chín muồi của dân chủ trong nội bộ Đảng. Nhờ bước tiến đó, đoàn kết trong Đảng được tăng cường; tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đảng viên trong việc thực hiện các quyết định của Đảng được phát huy...
Với những nội dung như được trình bày trên đây, chúng tôi cho rằng, do yêu cầu thực hiện sứ mệnh nặng nề của mình, Đảng Cộng sản phải có sự đồng thuận toàn phần, mọi đảng viên phải hoạt động trên cơ sở một cương lĩnh duy nhất. Sự đồng thuận như vậy chỉ có được khi cả tổ chức đảng lẫn từng đảng viên có sự giác ngộ cao về lý tưởng, tính tự giác cao trong việc lấy lý tưởng, cương lĩnh của Đảng làm cơ sở cho mọi suy tư về nhu cầu, lợi ích cá nhân mình, dân chủ trong Đảng phải đạt trình độ chín muồi. Khi các tiền đề đó chưa được xác lập đầy đủ, sẽ chỉ đạt được đồng thuận bộ phận. Trong trường hợp này, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ là hết sức cần thiết.
****************
(*) Giáo sư, tiến sĩ, Đại học Quốc tế Bắc Hà.
(1) Xem: Hoàng Phê (Chủ biên). Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển, Hà Nội - Đà Nẵng, 1995, tr.333, 334.
(2) Xem Nguyễn Như ý (Chủ biên). Đại từ điển tiếng Việt. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.556.
(3) Xem: Nguyễn Như ý (Chủ biên). Sđd., tr.555.
(4) Xem: Nguyễn Thị Lan. Mặt trận Tổ quốc với việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay (Luận án Tiến sĩ, bảo vệ năm 2008).
(5) Hoàng Phê (Chủ biên). Sđd., tr.334.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Tiểu ban Tổng kết bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991. Báo cấo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.11. (Người trích nhấn mạnh).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved