TỪ TƯ TƯỞNG “NHÂN NGHĨA” ĐẾN ĐƯỜNG LỐI “NHÂN CHÍNH” TRONG HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA MẠNH TỬ
BÙI XUÂN THANH
Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Dựa trên nền tảng đức “nhân” của Khổng Tử, Mạnh Tử đã chủ trương hiện thực hoá đức “nhân” trong xã hội, xây dựng nên tư tưởng “nhân nghĩa” và vận dụng tư tưởng đó vào hiện thực xã hội. Theo Mạnh Tử, “nhân nghĩa” là phẩm chất cần thiết cho tất cả mọi người và khi nó được ứng dụng vào việc trị nước sẽ trở thành “nhân chính”. Có thể nói, khi đi từ tư tưởng “nhân nghĩa” đến đường lối “nhân chính”, Mạnh Tử đã làm cho đạo đức hoá thân vào chính trị, làm cho tư tưởng đức trị trở nên sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn đối với xã hội Trung Quốc đương thời.
Khi nghiên cứu tư tưởng triết lý, chính trị, đạo đức của Nho gia Tiên Tần qua các nhà tư tưởng lớn, với các tác phẩm lớn mà sau này được xếp vào hàng kinh điển của Nho gia, có thể nói, điểm đặc sắc nhất trong học thuyết chính trị - xã hội của Mạnh Tử là tư tưởng nhân nghĩa và dùng nhân nghĩa trong chính trị. Trên cơ sở kế thừa và cải biến các phạm trù đạo đức của Khổng Tử, Mạnh Tử đặc biệt đề cao vai trò của nghĩa, kết hợp nhân với nghĩa thành phạm trù nhân nghĩa. Xuất phát từ đó, ông vận dụng nhân nghĩa vào công việc chính trị của nhà cầm quyền hình thành nên tư tưởng nhân chính với những nội dung cơ bản: xây dựng đường lối chính trị nhân nghĩa, hoàn thiện đạo đức vua quan, đề cao vai trò của dân theo tinh thần dân bản, dưỡng dân gắn liền với giáo hóa dân, cùng với những quan điểm về kinh tế, chiến tranh,… Tư tưởng ấy chính là tâm điểm của toàn bộ triết học Mạnh Tử nói chung và học thuyết chính trị - xã hội của ông nói riêng.
Trong lịch sử tư tưởng Nho gia, Mạnh Tử không phải là người đầu tiên đề xuất đường lối đức trị. Khổng Tử (551 - 479 TCN) chính là người đặt nền móng cho chủ trương chính trị ấy với quan điểm “vi chính dĩ đức”, tức là lấy đức để làm chính trị. Đến thời Chiến quốc, xã hội Trung Hoa chuyển biến mạnh mẽ từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến, Mạnh Tử kế thừa tư tưởng đức trị của Khổng Tử và cụ thể hóa tư tưởng ấy bằng đường lối nhân chính nhằm phản đối phương pháp “pháp trị” của giai cấp địa chủ mới lên. Vẫn dựa trên nền tảng đức nhân của Khổng Tử nhưng Mạnh Tử chủ trương hiện thực hóa đức nhân trong đời sống xã hội, xây dựng nên tư tưởng nhân nghĩa và vận dụng nhân nghĩa vào hiện thực xã hội thành nhân chính. Do vậy, muốn hiểu tư tưởng nhân chính của Mạnh Tử phải hiểu tư tưởng nhân nghĩa của ông, và để hiểu nhân nghĩa lại cần phải hiểu tư tưởng nhân của Khổng Tử mà ông đã kế thừa.
Trong triết học Khổng Tử, nhân là phạm trù luân lý đạo đức căn bản nhất mang nhiều nghĩa khác nhau. Khổng Tử gắn liền nhân với thiên mệnh và ông cho rằng, tất cả những gì thuộc về tiên nghiệm đều là cái trời phú cho con người, nó là hạt nhân của hệ thống tri thức và đạo đức của con người.
Chữ nhân trong tiếng Hán bao gồm bộ “nhân” đứng và chữ “nhu” hàm nghĩa chỉ bản chất, đức tính là nhân ái, nhân đức của con người khác với chữ nhân, với ý nghĩa là con người, nhân hình. Có lúc Khổng Tử giải thích chữ nhân một cách trừu tượng, nhưng cũng có lúc ông nói về nhân rất cụ thể. Tuy nhiên, dù hiểu theo nghĩa trừu tượng hay cụ thể, xét tới cùng, nhân cũng là đạo làm người và do đó, nhân chính là cái đích của sự tu thân sửa mình của mỗi người trong xã hội. Có thể nói, nhân là phạm trù xuất phát mang tính nền tảng của Khổng Tử trong quan niệm về đạo trị nước và trong chính sách cai trị của nhà cầm quyền, bởi ông chủ trương xây dựng một học thuyết chính trị lấy nhân làm tư tưởng chủ đạo, dùng đức và chính danh để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, do đứng trên lập trường của giai cấp quý tộc thị tộc, Khổng Tử đã gắn cho học thuyết nhân một nội dung giai cấp khá rõ nét. Luận điểm: “Người quân tử có khi phạm điều bất nhân, chứ chưa từng thấy kẻ tiểu nhân mà làm được điều nhân”(1) của Khổng Tử cho thấy ông không thừa nhận đức nhân của quần chúng lao động. Trong suy nghĩ của ông, các đức đều có sẵn mầm mống và đầu mối như nhau trong tính trời, lòng người, nhưng chỉ kẻ quân tử biết mệnh trời nên mới có thể tự tu thân sửa mình giữ gìn tâm tính để có đạo cao, đức sáng. Trái lại, kẻ tiểu nhân vì không hiểu mệnh trời nên không biết tồn tâm dưỡng tính, đưa đến hậu quả hư cả tâm, mất cả tính; do vậy, họ không có đức. Điều đó có nghĩa, đức nhân chỉ là đức của người quân tử và triết lý tu thân sửa mình mà Khổng Tử đưa ra chỉ dành riêng cho giai cấp thống trị.
Xuất phát từ quan niệm như vậy, Khổng Tử chủ trương dùng lễ để đưa mỗi người, đưa cả nước và cả thiên hạ trở về hữu đạo. Trong học thuyết chính trị của mình, ông gắn chặt nhân với lễ, coi nhân là nội dung của lễ, còn lễ là hình thức của nhân. Sở dĩ Khổng Tử đề cao lễ vì lễ chính là lễ nghi, nghi điển, phép tắc quy định quan hệ gia tộc, trật tự thể chế xã hội. Theo ông, dựa vào lễ có thể hình thành tập quán đạo đức, định ra lẽ phải trái, trên dưới theo trật tự phân minh, góp phần hàm dưỡng tính tình con người và tiết chế được những hành vi buông lơi, thả lỏng của họ trong cuộc sống. Trong suy nghĩ của ông, nếu xã hội không có lễ, con người sẽ không có đạo đức nhân nghĩa và do đó, không có trật tự trên dưới trong quan hệ vua - tôi, cha - con…, không có sự uy nghiêm, không có lòng thành kính. Khổng Tử nhấn mạnh “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, bởi ông cho rằng, “cung kính quá lễ thành ra lao nhọc thân hình; cẩn thận quá lễ thành ra nhát gan; dũng cảm quá lễ thành ra loạn nghịch; ngang thẳng quá lễ thành ra gắt gỏng, cấp bách”(2).
Tuy nhiên, lễ mà Khổng Tử nói tới trên đây là lễ của nhà Chu, nghĩa là các thể chế, quy phạm đạo đức thời Tây Chu. Đứng trên lập trường của giai cấp quý tộc thị tộc, Khổng Tử không thấy (hoặc không muốn thấy) sự suy tàn của lễ dưới thời nhà Chu là một tất yếu lịch sử nên ông đã đưa ra những biện pháp nhằm cứu vãn tình trạng “lễ nhạc hư hỏng”, chẳng hạn như tuyên truyền tư tưởng “lấy hòa làm quý”, “nghèo mà vui”,… Để thủ tiêu đấu tranh giai cấp, ông cũng đòi hỏi kẻ trên phải tôn trọng kẻ dưới, kẻ dưới phải kính trọng kẻ trên và phải thành kính trong khi thực hiện lễ. Việc Khổng Tử đề cao lễ của nhà Chu chứng tỏ ông là người theo chủ nghĩa cải lương phục cổ, muốn duy trì chế độ đẳng cấp, danh phận. Tuy nhiên, do điều kiện xã hội thời Xuân thu đã thay đổi so với giai đoạn Tây Chu nên ông không thể vận dụng y nguyên lễ nhà Chu mà không có sự cải biến, thêm bớt cho phù hợp với tình hình mới. Thực ra, học thuyết về lễ của Khổng Tử nhằm bổ sung vào chỗ thiếu sót của tư tưởng đức trị nên xét tới cùng, tư tưởng “lễ trị” của ông không phải là cái gì đó nhân từ. Trong “lễ trị” đã bao hàm cả hình phạt, chế độ đẳng cấp phân phong thế tập cùng với những nghi thức, lễ tiết khắt khe của các quan hệ xã hội. Với tư tưởng “lễ trị” và lập trường “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, Khổng Tử đã thể hiện hoài bão muốn phục hồi lại chế độ nô lệ và bảo vệ địa vị cầm quyền của giai cấp quý tộc chủ nô. Do đó, về thực chất, “lễ trị” chỉ là nền chuyên chính của giai cấp chủ nô đối với quần chúng nhân dân lao động.
Trong bối cảnh xã hội thời Chiến quốc, Mạnh Tử đã phát triển và làm rõ hơn nội dung của nhân. Ông khẳng định: “Hễ làm người thì phải làm nhân. Nói cho hợp nghĩa, nhân tức là đạo làm người vậy”(3). Ông cũng chỉ rõ: “Nhân tức là thương người, còn lễ tức là kính người. Mình thương người ta thì người ta thường thương lại mình; mình kính người ta thì người ta thường kính lại mình”(4). Vẫn khẳng định nhân là thương người, nhưng Mạnh Tử chú trọng hơn đến nền tảng của đức nhân. Theo ông, đầu mối của nhân là “lòng trắc ẩn”, nhân đứng đầu trong tứ thiện đức và là đỉnh cao của tháp ngà đạo đức con người, từ đó làm nảy sinh các đức tính khác. Nhân hay nhân tâm là thiên bẩm, là biểu lộ đầu tiên của tính thiện sơ khai, là tình cảm trìu mến âu yếm của mỗi người với cha mẹ…, là lòng trắc ẩn tự nhiên của ta khi nhìn thấy cảnh đứa bé ngã xuống giếng. Chính vì vậy, trong tư tưởng Mạnh Tử, đức nhân không chỉ là đức của riêng người quân tử như quan niệm của Khổng Tử. Mạnh Tử cho rằng, đức nhân vẫn luôn ở bên cạnh ta. Nếu ta đối xử thành thật với nhà nước, trong quan hệ cha con, chồng vợ… và lòng ta không muốn hoạn nạn cho người khác, khi ấy ta đã là người có nhân. Ông nhấn mạnh: “Các lý của muôn vật đều có đủ nơi tâm tính mình đó. Nếu mình xét lại nơi mình, thấy mình thành thật đối với các chức vụ làm người (…) thì chẳng có chi làm cho mình vui thích bằng. Mình ráng sức mình mà đãi người có lượng thứ (…) như vậy được thì mình thấy điều nhân ở gần mình rồi đó”(5). Như vậy, Mạnh Tử đã đặt lòng tin mãnh liệt vào sự hiện hữu của đức nhân ở mọi người và vai trò của nó trong cuộc sống. Theo ông, “điều nhân thắng điều bất nhân, cũng như nước thắng lửa”(6). Xuất phát từ quan điểm “nhân chi sơ tính bản thiện”, ông còn tin vào sự chiến thắng của đức nhân đối với sự bất nhân ngay trong tâm mỗi người cũng như trong một nước và trong cả thiên hạ. Trong suy nghĩ của ông, sự hiện hữu và tỏa sáng của đức nhân sẽ chi phối mọi suy nghĩ, hành vi của con người, cũng giống như dòng sữa mẹ nuôi ta khôn lớn. Chính vì lẽ đó, Mạnh Tử không gắn chặt nhân với lễ và cũng không đề cao lễ như Khổng Tử. Nếu Khổng Tử dùng lễ để bổ sung cho chỗ thiếu sót của tư tưởng đức trị thì Mạnh Tử lại coi đức trị là liều thuốc vạn năng để nhà cầm quyền trị nước, an dân, bình thiên hạ. Điều đó cắt nghĩa tại sao trong tư tưởng của ông, “kính người” và “thương người” không đồng nhất với nhau và cũng không quy định nhau, ràng buộc nhau chặt chẽ.
Theo Mạnh Tử, nhân là lương tâm của con người, nhân gắn chặt với nghĩa. Nghĩa là con đường chính đại, là làm việc theo lẽ phải, không lầm đường, lạc lối. Ông nói: “Nhân là lương tâm của con người, nghĩa là con đường chính đại của người. Những ai bỏ con đường chính đại của mình mà chẳng theo, những kẻ để thất lạc lương tâm của mình mà chẳng biết tìm nó lại, thật đáng thương hại thay!… Người học vấn đạo lý chỉ có cái mục đích này mà thôi: tìm lại cái lương tâm thất lạc của mình”(7). Từ đó cho thấy, Mạnh Tử muốn dùng nghĩa để khôi phục nhân, bởi nếu “mục đích duy nhất” của con người là tìm lại cái lương tâm (nhân) đã thất lạc, thì khi con người ta “theo con đường chính đại” (nghĩa) cũng chính là nhằm thực hiện mục đích đó. Bản tính của con người là thiện nhưng sở dĩ bất thiện là do hoàn cảnh, nhất là do không biết tồn tâm dưỡng tính để dục vọng tầm thường, tức cái phần ti tiện nhỏ nhen như thú tính, che lấp mất phần cao đại, quý báu là tính thiện. Vì điều kiện, hoàn cảnh và những ham muốn của mỗi người sẽ ảnh hưởng xấu tới việc giữ gìn đức nhân của họ, nên sự giáo hóa đạo đức cho con người là hết sức cần thiết để họ trở về với tính thiện bẩm sinh. Muốn giữ gìn đức nhân, con người phải có nghĩa. Nếu như đức nhân thể hiện trong những mối quan hệ của ta với người khác thì đức nghĩa thể hiện trong khi ta tự vấn lương tâm mình.
Mạnh Tử rất quan tâm đến nghĩa và đề cao nghĩa nhằm thi hành đức nhân. Theo ông, lòng hổ thẹn là đầu mối của đức nghĩa. Nghĩa là điều nên nói, là việc nên làm. Nói điều gì đó, làm việc gì đó mà lương tâm không cắn rứt thì điều nói, việc làm đó là điều nghĩa. Trái lại, điều gì đó, việc gì đó không hợp với đạo lý nên không nói, không làm, cảm thấy lương tâm thoải mái, thì điều đó, việc đó là bất nghĩa. Như vậy, nghĩa được hiểu là những gì hợp đạo lý mà con người phải làm, cho dù điều đó có hay không đem lại lợi ích cho người thực hiện. Từ đó cho thấy, nghĩa không chỉ là đức tính cá nhân, mà còn là một đức tính xã hội. Với tư cách đức tính cá nhân, nghĩa bao hàm tình cảm và phẩm cách cá nhân, nhờ đó người ta biết tự hổ thẹn khi làm việc bất thiện. Còn với tư cách đức tính xã hội, nghĩa là con đường ngay thẳng mà mỗi người cần phải đi theo nhằm tránh đau khổ cho đồng loại.
Tuy nhiên, khi xem xét nghĩa với tư cách một đức tính xã hội, chúng ta nhận thấy nghĩa và nhân không tách rời nhau. Bởi lẽ, một mặt, nhân là để yêu người thì nghĩa là để chính mình. Vậy nên, nếu không chính mình thì sao có thể yêu người? Mặt khác, nói đến nhân là nói đến quan hệ của ta với người khác, nói đến nghĩa là nói với chính bản thân mình; do đó, quan hệ giữa nhân với nghĩa là quan hệ giữa con người “chính tôi” với con người “không phải tôi”. Khi tách rời mối quan hệ ấy, xã hội chỉ còn là một mớ hỗn độn của những phần tử không theo trật tự.
Về vai trò của đức nghĩa, Mạnh Tử cho rằng, trong tâm tính của con người đức nghĩa có vai trò hết sức quan trọng. Lòng hổ thẹn là đầu mối của nghĩa. Những ai không có lòng hổ thẹn thì không xứng đáng làm người vì như vậy họ không biết nghĩa vụ làm người, tức là không có nghĩa. Đức nghĩa đã không có thì các đức khác như nhân, lễ, trí, tín cũng mất theo và khi ấy, người ta là kẻ bất thiện.
Gắn chặt nhân với nghĩa, Mạnh Tử khẳng định, kẻ tự xưng là người nhân nhưng chẳng thi hành điều nhân thì chẳng qua như một hạt lúa lép vô dụng: “Trong các thứ hột, lúa ngũ cốc là quý nhất. Nhưng lúa mà hột chẳng chín, thì chẳng bằng thứ cỏ đề bái. Cũng như thế, người ta chỉ quý điều nhân ở chỗ công phu thành thục mà thôi”(8). Nhân gắn liền với nghĩa nên bất nhân gắn liền với bất nghĩa. Đạo làm người không được phạm điều bất nhân và bất nghĩa: “Người ta trước phải phân định những việc mình không nên làm, sau mới cần biết tới những việc mà mình phải làm”(9). Theo Mạnh Tử, cái quan trọng với mỗi người không phải là chức vụ và quyền lợi, mà là tu dưỡng điều nhân, làm điều nghĩa. Do đó, kẻ sĩ dù không làm quan cũng có thể thành sự nghiệp của bậc đại nhân nếu biết “ở nơi đức nhân, noi theo đức nghĩa”. Ông viết: “Kẻ sĩ ở nơi nào? ở nơi đức nhân vậy. Kẻ sĩ đi đường nào? Noi theo đức nghĩa vậy. Ở nơi đức nhân, noi theo đức nghĩa, dẫu cho mình chẳng làm quan chức, nhưng sự nghiệp của bậc đại nhân đã được đầy đủ rồi”(10). Kế thừa tư tưởng nhân của Khổng Tử nhưng Mạnh Tử đặc biệt nhấn mạnh vấn đề xã hội hóa nhân. Với ông, nhân không chỉ là đức tính của con người, mà còn là hành động của họ. Người có nhân đã quý, nhưng điều quan trọng hơn là phải biết chuyển hóa nhân vào hành động của bản thân mình. Nói cách khác, nếu mỗi người chỉ hiểu biết về nhân, thấm nhuần đức nhân trong suy nghĩ nhưng lại không biết lấy đó làm cơ sở cho hành động của mình thì cũng chỉ là sự hư văn, sáo rỗng, hình thức. Những người như thế không phải là người có nhân. Mà không có nhân thì không có nghĩa. Mặt khác, khi đã thấm nhuần nhân trong suy nghĩ và trong hành động thì khi ấy người ta đã hiểu việc nào nên làm, việc nào không nên làm, tức là đã có nghĩa. Một kẻ không phân biệt được việc nào nên làm, việc nào không nên làm, tiến hành những việc lẽ ra chẳng nên làm là không có nghĩa. Kẻ đó không thể là người có nhân. Ông cho rằng, “người ta ai cũng có lòng thương xót chẳng nỡ đối với việc này hoặc việc khác; nhưng nếu mình biết đem tấm lòng ấy mà phổ cập đến những việc mà mình chưa thương xót chẳng nỡ, thì mình mới thật là người nhân vậy; người ta ai cũng có những việc mà mình chẳng thèm làm, nhưng nếu mình biết nới rộng khí tiết ấy mà chẳng thèm làm những việc mình đương làm, thì mình mới thật là người nghĩa vậy.
Nếu mình biết làm cho sung túc tấm lòng chẳng cố ý hại người, thì lòng nhân của mình trở nên vô tận, mặc sức cho mình làm nhân. Nếu mình biết làm cho sung túc tấm lòng chẳng cố ý khoét vách trèo tường, thì khí nghĩa của mình trở nên vô tận, mặc sức cho mình làm nghĩa. Nếu mình biết làm cho sung túc tấm lòng tự trọng của mình, đừng làm điều đê tiện mà bị người ta gọi là mày, ngươi, thằng, thì dẫu đi đến đâu, mình cũng vẫn làm điều hợp nghĩa.
Kẻ sĩ nếu chẳng nên nói mà nói, tức thị dùng lời nói mình mà mua lòng người. Và lúc nên nói mà chẳng chịu nói, tức thị dùng sự nín thinh của mình mà mua lòng người. Kẻ sĩ phạm hai điều ấy, chẳng qua như bọn khoét vách trèo tường mà thôi”(11).
Như vậy, trong bốn đức lớn của con người, do tư đoán, vốn có ở tâm con người là nhân, nghĩa, lễ, trí, Mạnh Tử ít đề cập tới trí và lễ, mà đặc biệt đề cao nhân và nghĩa, kết hợp chúng thành phạm trù nhân nghĩa. Theo ông, trên mọi lĩnh vực của đạo làm người cũng như trong mọi mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, xét tới cùng, đều có hai mặt nhân nghĩa. Nhân nghĩa cần thiết cho tất cả mọi người từ quần chúng nhân dân đến nhà cầm quyền. Khi nhà cầm quyền đem nhân nghĩa ứng dụng vào việc trị nước thì thành nhân chính. Nếu đem lòng nhân mà thi hành nhân chính thì mọi việc sẽ trôi chảy, xã hội sẽ ổn định, thái bình.
Về phạm trù chính, các nhà Nho Tiên Tần nói chung và Mạnh Tử nói riêng không nêu rõ nội hàm của phạm trù này. Trong các kinh sách của triết học Trung Quốc, từ chính có các nghĩa gốc sau đây: 1) Chính là ngay thẳng, đúng đắn, không nghiêng không lệch, là điều bên dưới lấy làm chuẩn mực để noi theo; 2) Chính là việc công làm ở công đường; 3) Chính là phép tắc, hiệu lệnh; 4) Chính là tiêu chuẩn, quy tắc, hiệu lệnh, cấm lệnh; 5) Chính là quan chức (ra làm quan là xuất chính).
Ngoài ra, chính còn có nghĩa là chính sách, chính thể, chính quyền.
Khổng Tử nói nhiều tới chính, vi chính, chính sự. Trong sách Luận ngữ còn có cả một thiên vi chính. Ông viết: “Dùng chính trị mà khiến, dùng hình pháp mà tề - nhất thì dân khỏi tội, nhưng không có lòng hổ thẹn, dùng đức mà khiến, dùng lễ mà tề - nhất, thì dân có lòng hổ thẹn, mà lại cố làm điều hay”(12). Theo đó, chính gắn liền với hình, đức gắn liền với lễ. Mặc dù Khổng Tử không giải thích rõ từ chính nhưng ông đã gán cho nó tính áp đặt và vai trò hướng dẫn. Mặt khác, trong học thuyết chính trị của Khổng Tử, ông cho rằng đối với người làm chính sự, điều cốt yếu nhất là mình phải nêu gương tốt bằng chính bản thân mình. Nếu “chính được bản thân” thì “làm chính sự không khó”. Để ổn định trật tự xã hội, ông đưa ra thuyết chính danh. Chính danh là làm việc cho ngay thẳng, trên dưới theo trật tự phân minh.
Trong học thuyết chính trị - xã hội của Mạnh Tử, chính gắn liền với chính sự. Khi nói đến báu vật của các vua chư hầu, Mạnh Tử nêu rõ: “Chư hầu chi bảo tam: thổ địa, nhân dân, chính sự (một vị vua chư hầu nên quý trọng ba việc này: Đất đai, nhân dân và chính sự)”(13). Từ đó cho thấy, con người có hai loại: con người nhân dân và con người chính sự. Con người thi hành chính sự là vua, nói rộng ra là nhà cầm quyền – đó là những con người đảm đương công việc trị nước, an dân, bình thiên hạ. Họ có nhiệm vụ đề ra đường lối trị quốc, dẫn dắt quần chúng nhân dân, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng nhân dân vào việc giải quyết những vấn đề then chốt nhằm đạt đến những mục tiêu cụ thể.
Cũng như Khổng Tử, Mạnh Tử thường xuyên đề cập đến phạm trù chính. Trong sách Mạnh Tử, chính là một trong những phạm trù được nói đến nhiều nhất. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, chính được hiểu là chính sự hay trị nước, là hành chính hay quan chức,… Tuy nhiên, dù theo nghĩa nào, chính cũng có tính chất hướng dẫn.
Trong xã hội hiện đại, phạm trù chính trị được sử dụng một cách phổ biến. Chính trị là sự tham gia vào các công việc của nhà nước, việc quy định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước. Lĩnh vực chính trị bao hàm các vấn đề chế độ nhà nước, quản lý đất nước, lãnh đạo các giai cấp, vấn đề đấu tranh đảng phái, v.v.. Chính trị biểu hiện qua lợi ích căn bản và quan hệ qua lại của các giai cấp, các quốc gia, dân tộc.
Theo quan điểm mácxít, chính trị và những thể chế tương ứng của nó được xây dựng trên cơ sở hạ tầng, nhưng chính trị không phải là hệ quả thụ động của kinh tế. Khi chính trị phản ánh đúng đắn những nhu cầu phát triển của đời sống vật chất của xã hội, nó có thể trở thành lực lượng cải tạo xã hội có hiệu quả. Do đó, nói tới chính trị, người ta thường nói đến đường lối chính trị, nghĩa là thừa nhận vai trò soi đường dẫn lối của nó đối với hoạt động của con người trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục…
Từ đó cho thấy, dù Khổng Tử và Mạnh Tử không nói tới từ chính trị, nhưng các từ chính, vi chính hay chính sự mà các ông sử dụng đều có nghĩa là chính trị theo cách hiểu của chúng ta ngày nay. Như vậy, nhân chính là dùng nhân nghĩa trong chính trị hay nói cách khác, là lấy nhân nghĩa làm gốc trong công việc chính trị của nhà cầm quyền.
Tuy nhiên, nhân chính không chỉ có nghĩa là dùng nhân nghĩa trong chính trị. Trong học thuyết chính trị – xã hội của Mạnh Tử, công việc trị nước của nhà cầm quyền còn thể hiện ở các chính sách kinh tế, giáo dục…; trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến việc đưa ra các chính sách kinh tế chi tiết, cụ thể, nhằm cứu vớt dân chúng. Tư tưởng nhân nghĩa của ông cũng thấm đẫm trong từng chính sách kinh tế mà ông đề xuất với nhà cầm quyền, chẳng hạn như các chính sách phân chia ruộng đất công bằng, hợp lý, làm cho dân “có hằng sản”, thu thuế của dân có chừng mực…
Tóm lại, trong toàn bộ các phạm trù đạo đức của Nho giáo, Mạnh Tử chủ yếu nói tới các phạm trù nhân và nghĩa. Với phong cách tư duy độc đáo của mình, ông đã thêm vào các phạm trù nhân, nghĩa những nội hàm, những ý tưởng mới mẻ, trên cơ sở đó kết hợp chúng thành phạm trù nhân nghĩa. Chính sự kế thừa mang tính sáng tạo đó đã làm cho các phạm trù đạo đức của Nho giáo mang những diện mạo và sắc thái mới. Có thể nói, bằng việc đi từ tư tưởng nhân nghĩa đến đường lối nhân chính, Mạnh Tử đã mở rộng đạo đức đến chính trị, làm cho đạo đức hóa thân vào chính trị và các chính sách kinh tế. Chính vì thế, đường lối chính trị nhân nghĩa của ông chẳng những không phải là bản sao tư tưởng đức trị của Khổng Tử, mà còn làm cho tư tưởng đức trị sâu sắc hơn, rõ ràng hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn đối với xã hội Trung Quốc đương thời.
________________________________________
(1) Luận ngữ (Đoàn Trung Còn dịch). Nxb Trí Đức Tòng Thơ, Sài Gòn, 1950, tr.216.
(2) Luận ngữ. Sđd., tr.121.
(3) Mạnh Tử – Quyển hạ (Đoàn Trung Còn dịch). Nxb Trí Đức Tòng Thơ, Sài Gòn, 1950, tr.265.
(4) Mạnh Tử. Sđd., tr.60.
(5) Mạnh Tử. Sđd., tr.219.
(6) Mạnh Tử. Sđd., tr.177.
(7) Mạnh Tử. Sđd., tr.168.
(8) Mạnh Tử. Sđd., tr.177.
(9) Mạnh Tử. Sđd., tr.45.
(10) Mạnh Tử. Sđd., tr.243.
(11) Mạnh Tử. Sđd., tr.243.
(12) Luận ngữ. Sđd., tr.15.
(13) Mạnh Tử. Sđd., tr.270.
Nguồn: Tạp chí Triết học