VÔ THẦN, HỮU THẦN VÀ VŨ TRỤ HỌC BIG BANG
Nguyễn Austin chuyển ngữ từ Atheism, Theism and Big Bang Cosmology (1991)
QUENTIN SMITH
Từ sachhiem.net
Đăng 19 tháng 10, 2009
LTS: Đối với người Á đông, nhất là ở thế hệ ngày nay, khái niệm về tôn giáo và khoa học là hai khái niệm khác biệt, khái niệm về khoa học không ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin tôn giáo, ngay cả tôn giáo tin vào Thượng đế mà họ mới quen biết trong mấy thế kỷ gần đây. Vô Thần hay Hữu Thần không có nghĩa gì với người Á Đông. Trái lại, người Âu Châu, vì toàn bộ nền văn hóa đã bị ảnh hưởng bởi niềm tin Thượng Đế cả mấy ngàn năm, hai khái niệm tôn giáo và khoa học thường đi đôi với nhau. Người ta lớn lên trong sự giao phó cho "bàn tay vô hình của một Thượng đế".
Vì tôn giáo của họ từ lâu đã chễm chệ trên ngai vàng, thống trị độc quyền tất cả mọi giải thích về vũ trụ, cho nên mỗi khi khoa học tiến đến một bước xa ra ngoài hệ thống Thái Dương Hệ, thì người ta lại đặt vấn đề với tôn giáo. Chẳng may, mỗi ngày, khoa học cứ tiếp tục tiến tới gần tâm điểm của vũ trụ, và tôn giáo của họ cứ phải đương đầu với các bài tường trình khoa học. Để chống lại sự thắng thế của khoa học, tôn giáo của họ phân biệt và kỳ thị những người Vô Thần. Và do đó vấn đề Vô Thần, Hữu Thần trở nên rất quan trọng đối với họ.
Bên lề của sự phát triển về khoa học, và đứng giữa các nhu cầu tôn giáo, triết học tồn tại như một thảo chương trung gian giữa sự vận hành vũ trụ và nhu cầu tư duy trừu tượng của con người. Bài viết sau đây đầu tiên đã được công bố trên tờ Triết học Australasian Journal tháng ba năm 1991 (Volume 69, No. 1, pp. 48-66). Bài này cũng đã đăng ở web Infidels.org. Đây là một công trình rất đáng ghi nhớ của dịch giả, vì có nhiều từ thuộc về cả hai lãnh vực triết học lẫn khoa học. Tuy nhiên, tòa soạn hoan hỉ đón nhận cao kiến của các học giả trong phạm vi chuyên môn của mình nếu cần để cho bài dịch hoàn hảo hơn. (SH)
I. Mở đầu
Ý tưởng mà thuyết Big Bang cho phép chúng ta luận đoán rằng vũ trụ bắt đầu tồn tại khoảng 15 tỷ năm đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều nhà thần học. Lý thuyết này có vẻ như khẳng định hay ít ra là hỗ trợ cho luận thuyết thần học về sự sáng tạo ex nihilo. Thật vậy, sự gợi ý về một sự sáng tạo thần thánh dường như thuyết phục đến nỗi ý niệm về “ Thượng đế sáng tạo ra Big Bang” đã nằm trong nhận thức phổ thông và trở nên chủ yếu trong yếu tố thần học của một thứ “ lẽ thường tình đã được giáo dục (a)”. Ngược lại, câu trả lời của những người vô thần và những người theo thuyết bất khả tri đối với sự phát triển này lại ít nhiều khiếm khuyết, qùe quặt. Trong khi sự thuyết minh thần học về Big Bang nhận được cả sự tán thành phổ thông lẫn sự bào chữa nghiêm túc mang tính triết học (đặc biệt bởi William Lain Craig và John Leslie) thì sự diễn giải theo xu hướng vô thần vẫn còn nghèo nàn và chưa được phổ biến rộng rãI. Phần việc của bài viết này là lấp đầy khiếm khuyết đó và triển khai sự diễn giải vô thần này. Tôi sẽ lập luận rằng sự diễn giải theo xu hướng vô thần về Big Bang không chỉ là một ứng viên thay thế mà còn chính đáng, hợp lý hơn lối thuyết minh thần học. Thật vậy, tôi sẽ chứng tỏ rằng vũ trụ học Big Bang thực sự không tương thích với thần học Lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ được gắn với lối diễn giảng thần học là lý thuyết cổ điển về Big Bang (còn được biết dưới tên gọi” Lý Thuyết Chuẩn về Big Bang”) dựa trên mô hình của Friedmann với ước đóan về nguồn gốc Big Bang là một điểm dị thường.Trong bài viết này tôi cũng sẽ lập luận trên lý thuyết này, bổ sung thêm Định lý Về Những Điểm Dị Thường và Nguyên Lý Hawking về Sự Không Biết Được. Nhưng chúng ta phải thận trọng về cách chúng ta xem xét ý nghĩa của lý thuyết cổ điển này. Chúng ta không thể nói rằng đây là ‘sự thực cuối cùng’ về vũ trụ, bởi vì nhiều nhà nghiên cứu về vũ trụ cho rằng lý thuyết cổ điển này một ngày nào đó sẽ bị thay thế bằng một lý thuyết lượng tử về vũ trụ dựa trên sự phát triển đầy đủ về lý thuyết hấp dẫn lượng tử. Trên cơ sở đó những lập luận trong bài viết này của tôi không thể được xem là ‘ Nếu lý thuyết cổ điển về Big Bang là đúng, Thượng đế không hiện hữu; lý thuyết cổ điển đúng, do đó Thượng đế không hiện hữu’. Đúng hơn, lý luận của tôi chỉ là sự hiện hữu của Thượng đế không tương thích với lý thuyết cổ điển về Big Bang. Tôi nhắm đến việc đưa ra một lập luận có gía trị về sự không hiện hữu của Thượng đế [và đó], không phải là thứ một lập luận hình thức bề ngoài.
Cũng có một lý do thứ hai tại sao lý thuyết cổ điển về Big bang không thể xem là lý thuyết cuối cùng về vũ trụ. Có rất nhiều lý thuyết có tính cạnh tranh khác về vũ trụ hiện nay đang được xem xét, và một số trong những lý thuyết này ít ra cũng được khẳng định tốt như lý thuyết cổ điển khi nó được xem như ‘lý thuyết tốt nhất hiện nay đang có ’ và ‘ lý thuyết mà chúng ta tạm thời chấp nhận cho đến khi lý thuyết lượng tử về vũ trụ được khai triển hoàn tất’. Những lý thuyết cạnh tranh này bao gồm
a/ Lý thuyết về nguồn gốc lạm phát vũ trụ của Guth,
b/ Lý thuyết mới về lạm phát vũ trụ của Linde, Albrecht và Steinhardt,
c/ Lý thuyết về lạm phát hỗn loạn của Linde,
d/ Lý thuyết của Tryon,Gott, và những người khác về đa vũ trụ (trong đó vũ trụ của chúng ta chỉ là một) nổi lên như những ‘thăng giáng của chân không’ từ những trạng thái cơ bản của không- thời gian trống rỗng,
e/ Lý thuyết của Hartle và Hawking trong đó hàm sóng vũ trụ là một hàm số của hình học 3 chiều không gian và không phụ thuộc vào chiều thứ tư-thời gian,
f/ Lý thuyết của Everett về vũ trụ phân nhánh và nhiều lý thuyết khác đang được quan tâm.
Để giữ cho bài viết này nằm trong giới hạn cho phép, tôi sẽ không xem xét đến những lý thuyết mới có tính cạnh tranh này mà chỉ hạn chế trong phạm vi lý thuyết cổ điển. Sự hạn chế này thích hợp với mục đích giới hạn của tôi là phản bác sự diễn giải thần học về lý thuyết cổ điển Big Bang.
Trong phần II, tôi sẽ đi thẳng, theo cách thức không thiên về kỹ thuật, vào những khái niệm trong vũ trụ học. Trong phần III, tôi sẽ đưa ra những lập luận rằng những khái niệm này không tương thích với thần học. Trong phần IV-VI, tôi sẽ khẳng định và trả lời những phản biện về những lập luận này.
II. Lý thuyết Big Bang về vũ trụ.
Lý thuyết Big Bang phần lớn dựa vào lời giải của Friedmann cho cái gọi là phương trình Einstein là trọng tâm của Lý Thuyết Tương Đối Tổng Quát. Chi tiết của lý thuyết này có thể tìm thấy trong nhiều sách giáo khoa và chúng ta chỉ cần lướt qua (3).Những ý tưởng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Định lý về Những Điểm Dị Thường của Hawking-Penrose và đặc biệt là Nguyên Lý về sự Không Biết Được của Hawking.
Định lý về Những Điểm Dị Thường được sử dụng để chứng tỏ rằng vũ trụ thực sự bắt đầu hiện hữu trong một vụ nổ Big Bang, vì kết luận này không thể chỉ được rút ra từ những lời giải của Friedmann và những khẳng định từ quan sát thực nghiệm. Lời giải của Friedmann chứng tỏ rằng nếu vũ trụ là đồng nhất một cách hoàn hảo (vật chất được phân bố hoàn toàn như nhau tại mọi điểm) và giãn nở, thì vũ trụ phải được giãn nở từ một trạng thái ban đầu trong qúa khứ khi bán kính của nó là zero và mật độ vật chất, nhiệt độ và độ cong là vô cùng lớn. Trạng thái ban đầu này là một dị thường, nó hàm ý rằng đó là điểm bắt đầu của không-thời gian; không có thời điểm trước thời điểm của dị thường vì thời điểm của dị thường (theo định nghĩa) là điểm bắt đầu của thời gian. Dị thường tồn tại trong thời gian rất ngắn rồi bùng nổ trong một vụ nổ lớn, vào lúc này vũ trụ có bán kính khác zero và một nhiệt độ, mật độ vật chất, độ cong nhất định. Sự dự đoán của Friedmann về một dị thường Big Bang đòi hỏi, như tôi nhấn mạnh, sự giả định về một vũ trụ đồng nhất tuyệt đốI. Vì vũ trụ của chúng ta không hoàn toàn đồng nhất nên dự đoán về một dị thường trong qúa khứ dường như không có gì bảo đảm mà giả định hợp lý hơn có vẻ như là vũ trụ của chúng ta bắt đầu giãn nở sau một giai đoạn co lại trước đó. giả định này được đa số các nhà nghiên cứu vũ trụ chấp nhận cho đến cuối thập niên 1960, khi Hawking và Penrose khai triển những Định Lý về Điểm Dị Thường của họ,những định lý này đưa ra những luận điểm chứng tỏ rằng vũ trụ của chúng ta ngay cả nếu như không đồng nhất một cách tuyệt đối cũng bắt đầu từ một điểm dị thưòng. Những định lý này khẳng định rằng một vụ nổ lớn dị thường là không thể tránh được vì 5 điều kiện sau đây, tất cả chúng đã được biện giải có gía trị đúng đắn trong vũ trụ:
a. Lý thuyết Tương Đối tổng quát của Einstein có giá trị cho vũ trụ.
b. Không có đường cong thời gian khép kín (nghĩa là thời gian du hành ngược về qúa khứ của một người là bất khả thi và nguyên lý nhân quả không bị xâm phạm)
c. Trường hấp dẫn luôn luôn là lực hút (5) .
d. Không-thời gian không có đối xứng qúa cao (nghĩa là bất kỳ một lộ trình không- thời gian nào của một hạt hay của ánh sáng cũng gặp vật chất hay có một độ cong có định hướng một cách ngẫu nhiên(6) .
e. Có một số điểm p nào đó sao cho tất cả các lộ trình không -thời gian hướng về qúa khứ (hay tương lai) từ p sẽ bắt đầu hội tụ lạI. Điều kiện này hàm ý rằng trong vũ trụ có đủ lượng vật chất để hội tụ tất cả các đường không-thời gian hướng về qúa khứ (hoặc tương lai) xuất phát từ những điểm p nào đó.
Lời giải của định lý Hawking-Rose trong trường hợp tổng quát chứng tỏ rằng có một điểm dị thường là giao điểm của tất cả các đường không- thời gian hướng về qúa khứ và tạo nên sự bắt đầu của thời gian. Như thế, những định lý này chứng tỏ rằng, theo chữ của Hawking, ngay cả những vũ trụ không hoàn toàn đồng nhất, ‘lý thuyết tương đối tổng qúat cũng tiên đoán một điểm bắt đầu của thời gian’ (7) .
Định lý về các dị thường là cái nôi của vũ trụ học Big Bang nó ủng hộ sự khẳng định rằng có một Big Bang dị thường .Nhưng một phần của big bang vũ trụ học làm nền tảng cho những lập luận vô thần của tôi lại là những khái niệm về bản chất của điểm dị thường này. Khái niệm này nằm trong Nguyên Lý về Sự Không Biết Được của Hawking, nó khẳng định rằng những điểm dị thường này vốn đã hỗn loạn và không thể tiên đoán được. Theo cách nói của Hawking, dị thường là nơi mà tất cả những khái niệm cổ điển về không gian và thời gian cũng như các định luật Vật lý đã biết bị phá vỡ bởi vì tất cả đều hình thành dựa trên nền tảng của không-thời gian cổ điển. Trong bài viết này, điều được xác nhận là sự phá vỡ này không chỉ là kết quả của sự không biết một lý thuyết đúng mà nó còn biểu hiện cho thấy giới hạn cơ bản đối với khả năng tiên đoán tương lai của chúng ta, [giống như] một giới hạn tương tự nhưng bổ sung đã áp đặt bởi nguyên lý bất định của Cơ học lượng tử thông thường (8) . Một trong số những nguyên lý bất định của cơ lượng tử là :
Δ p.Δq ≥ћ /4л
Nó hàm ý rằng nếu vị trí q của một hạt được tiên đoán chính xác thì xung lượng của hạt đó sẽ không xác định và ngược lạI. Nguyên lý về sự Không Biết Được hàm ý rằng người ta không thể tiên đoán chính xác được cả vị trí lẫn xung lượng của các hạt phát ra từ những điểm dị thường (9) . Tất cả những gía trị khả dĩ của vị trí và xung lượng tương thích với những thông tin có giới hạn (nếu có) về vùng tương tác đều có xác suất như nhau. Nhưng Nguyên lý về Sự Không Biết được còn có những hệ quả sâu xa hơn. Nó cho biết rằng không có một giá trị vật lý nào của những hạt phát ra được tiên đoán chính xác. Điểm dị thường Big bang ‘ sẽ phát ra tất cả các cấu hình của những hạt với một xác suất như nhau’(10) .
Nếu sự phát xạ từ điểm dị thường hoàn toàn không thể tiên đoán được thì chúng ta nên trông đợi sự tuôn phát ra hoàn toàn hỗn độn từ nó. Sự trông đợi này hoàn toàn tương thích với sự hiểu biết về nguồn gốc big bang của vũ trụ vào lúc khởi thủy, vì vũ trụ vào thời điểm này được biết như là đang ở trong một trạng thái có mức độ hỗn loạn tối đa (entropy cực đại) .Các hạt được phóng thích trong các trạng thái vi mô ngẫu nhiên, rồi dẫn đến một trạng thái vĩ mô toàn cục của sự cân bằng nhiệt.
Hiểu được toàn bộ ý nghĩa của Nguyên Lý về sự Không Biết Được là một điều quan trọng . Nếu điểm dị thường Big bang cư xử theo một cách thức hoàn toàn không tiên đoán được, thì không có một định luật vật lý nào khống chế cách cư xử này.Không có định luật nào áp đặt những ràng buộc trên những gì nó có thể phát ra .Paul Davies đưa ra lời bình giải xác đáng ‘ mọi thứ đều có thể đi ra từ điểm dị thường trần trụi- [và trong] trong trường hợp Big bang thì vũ trụ đã xuất hiện’. Sự sáng tạo của nó biểu hiện sự đình chỉ nhất thời của các định luật vật lý, cái ánh chớp vô luật lệ loé lên đột ngột, bất ngờ đã cho phép mọi thứ xuất hiện từ chỗ không có gì (12) . Ở đây, ‘không có gì’ nên được hiểu một cách ẩn dụ như muốn ám chỉ một cái gì đó không thuộc về thể liên tục không-thời gian bốn chiếu; điểm dị thường không phải là một phần của thể liên tục này bởi vì nó chỉ chiếm ít hơn ba chiều không gian.Nhưng Davies đã chính xác theo nghĩa đen khi ám chỉ rằng điểm dị thường đã dẫn đến một trạng thái không luật lệ (vật lý) nhất thờI. Điểm dị thường này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi và trong khoảng thời gian này không thu được một định luật vật lý nào liên kết điểm dị thường này với những thời điểm sau đó. Cho trước những điều kiện ban đầu của dị thường cũng không có gì được tiên đoán về trạng thái tương lai của vũ trụ. Mỗi một cấu hình khả dĩ của các hạt đều có cùng xác suất được phóng ra từ điểm dị thường. (Nếu có vô hạn những cấu hình khả dĩ, thì thay vì phải nói đến mật độ xác suất cho mỗi cấu hình chúng ta phải nói và gán xác suất cho mỗi một số đếm được của những khoảng cấu hình khả dĩ ứng với một hàm phân bố thích hợp).Tại bất kỳ một thời điểm nào gần với thời điểm mà tại đó điểm dị thường hiện hữu, các định luật vật lý có mặt và chi phối những hạt thửc sự phát ra từ điểm dị thường. Điều này có nghĩa là đối với mọi cấu hình vật lý C nào đó có mặt tại một thời điểm gần với thời điểm có mặt của điểm dị thường mà từ đó C được phát ra, chúng ta sẽ thu được các định luật liên kết C với bất kỳ cấu hình nào có mặt sau đó, mà không thu được một định luật nào liên kết C với điểm dị thường trước đó. C sẽ thu nhận một sự tiến hóa theo qui luật nhưng nó có điểm khởi thủy trong trạng thái sơ khai không theo một qui luật nào cả.
III. Những biện giải vô thần
Tôi sẽ sử dụng những nội dung đã được gỉai thích ở phần trên của vũ tru học Big Bang làm cơ sở cho những lập luận vô thần của tôI. Trong phần này với sự bổ sung thêm 2 giả định thần học, tôi sẽ dẫn đến khẳng định rằng Thượng đế không hiện hữu. Theo sau cấu trúc của biện giải này, tôi sẽ xác nhận và trả lời cho những phản biện đối với những lập luận này (phần IV-VII) . Sức mạnh thật sự của những lập luận này chỉ trở nên hiển nhiên khi phần đáp trả cho những phản biện này được đưa vào.
Hai giả định thần học tôi cần đến là:
(1) Nếu Chúa hiện hữu và có một trạng thái trước E của vũ trụ, thì Chúa là kẻ sáng tạo ra E.
(2) Nếu Chúa đã sáng tạo ra E, thì E phải chắc chắn hoặc là chứa sự sống trong đó hoặc sẽ dẫn đến những trạng thái mang sự sống.
Gỉa định (2) là hệ quả của hai giả định thần học cơ bản khác :
(3) Thượng đế là toàn trí, toàn năng và tuyệt đối nhân từ .
(4) Một vũ trụ có sinh vật có gía trị hơn một vũ trụ không có sinh vật.
Thật vậy, theo giả định (4) nếu Chúa đã tạo ra một vũ trụ mà không chắc nó sẽ hàm chứa những sinh vật trong đó, thì Chúa đã tạo ra một vũ trụ không chắc là loại vũ trụ có gía trị và như thế Chúa đã bị giới hạn trong lòng nhân từ, sức mạnh và sự toàn trí của mình. Điều này mâu thuẫn với giả định (3). Do đó giả định (2) là hệ quả của (3) và (4).
Một số những ý tưởng khoa học như đã được trình bày trong phần trên, nhất là những định lý về các điểm dị thường của Hawking-Penrose đã cung cấp cho chúng ta một giả định chung sau đây:
(5) Có một trạng thái sớm hơn của vũ trụ và đó chính là điểm dị thường Big Bang.
Giả định (5) đòi hỏi một sự minh bạch về thuật ngữ ‘vũ trụ’. Bằng từ ngữ này, tôi muốn nói đến thể liên tục không-thời gian 4 chiều và bất kỳ một trạng thái n-chiều nào sớm hơn hoặc trễ hơn thể liên tục 4 chiều này. Vì vũ trụ có bán kính zero tại điểm dị thường, nên nó không là 4 chiều, nhưng vì điểm dị thường là một trạng thái sớm hơn thể liên tuc 4 chiều nên nó có thể xem như là trạng thái đầu tiên của vũ trụ (điều này sẽ được thảo luận sâu hơn trong phần VI).
Những ý tưởng khoa học cũng cho chúng ta những giả định tóm tắt sau:
(6) Trạng thái sớm nhất của vũ trụ là vô sinh vật vì điểm dị thường liên quan đến những điều kiện không ủng hộ sự sống như nhiệt độ, mật độ và độ cong vô cùng lớn.
Một ý tưởng khoa học khác đã được đề ra trong phần trước, Nguyên lý về Sự Không Biết, cung cấp cho chúng ta một giả định tóm tắt khác:
(7) Điểm dị thường BigBang vốn đã không tiên đoán được và không tuân theo một định luật nào và hệ quả là không có gì bảo đảm nó sẽ phát ra những cấu hình cực đại của các hạt sẽ tiến hóa thành những trạng thái ban đầu của sinh vật trong vũ trụ. (Một cấu hình cực đại của các hạt là một trạng thái đầy đủ của vũ trụ, vũ trụ như là một toàn thể vào một thời điểm)
Giả định (5) và (7) đưa đến gỉa định sau:
(8) Trạng thái sớm nhất của vũ trụ không chắc chắn dẫn đến một trạng thái có sinh vật của vũ trụ.
Bây giờ chúng ta đến điểm then chốt của biện giảI. Dựa trên (2), (6) và (8) chúng ta có thể suy ra rằng : Thượng đế không thể tạo ra trạng thái sớm nhất của vũ trụ. Và do dó, theo giả định (1) : Thượng đế không hiện hữu.
Bây giờ tôi sẽ đáp trả 4 phản biện đối với những biện giải vô thần này.
IV. Phản biện 1: Chúa không đòi hỏi một vũ trụ có sinh vật.
Phản biện này dựa trên một nguyên lý cho rằng không có một vũ trụ nào là tốt nhất trong số những vũ trụ khả dĩ. Bởi vì đối với mỗi vũ trụ U1, sẽ có một vũ trụ tốt hơn U2. Như vậy, sự kiện có một vũ trụ hiện hành tốt hơn những vũ trụ khác không chỉ tương thích với sự sáng tạo thần thánh mà còn là hệ quả của sự sáng tạo này. Và như vậy, phản biện này cho rằng, sự kiện một vũ trụ có sự sống thì tốt hơn vũ trụ vô sinh hoàn toàn tương thích với việc sáng tạo của Chúa như [đã làm trong] trạng thái sớm nhất của vũ trụ, rồi một điều gì đó tình cờ dẫn đến một vũ trụ không có sự sống.
Giả định (3) và (4) không dẫn đến (2) và như thế lập luận vô thần thất bại.
Để trả lời, trước tiên tôi lưu ý rằng nhiều nhà thần học đã khẳng định rằng có một vũ trụ tốt nhất trong số những vũ trụ khả dĩ và rằng Chúa bảo đảm rằng vũ trụ được Ngài tạo ra là tốt nhất. Lập luận của tôi hàm ý rằng ít nhất những lý thuyết thần học này đã sai lầm nhưng nó còn chống lại những lý thuyết thần học nào dẫn đến việc không có vũ trụ khả dĩ nào tốt nhất. Những lý thuyết thần học này, nếu tất cả chúng đều tương thích với cái điều bình thường vẫn được gọi là ‘Chúa’ và cái mà hầu hết các nhà thần học và triết học gọi là ‘Chúa’, đều phải áp đặt một điều kiện tối thiểu nào đó lên giá trị của vũ trụ do Chúa tạo ra. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số các nhà thần học hoặc công khai hoặc hàm ý chấp nhận một điều kiện tối thiểu là vũ trụ chứa những sinh vật. Ý tưởng cho rằng Chúa không có lý do gì để tạo ra một vũ trụ có sự sống hơn là một vũ trụ vô sinh hoàn toàn không thích hợp với loại nhân vật mà chúng ta vẫn hình thành trong đầu là ‘Chúa’. Chúa trong truyền thống Do Thái- Kitô-Hồi giáo hiển nhiên là người bảo đảm rằng có sự sống trong vũ trụ mà ông ta sáng tạo. Đòi hỏi này phù hợp với những lý luận thần học của Swinburne, Craig, Leslie, Plantinga, Adams, Morris và tất cả hay hầu như tất cả những nhà thần học đương thời khác. Chẳng hạn như Swinburne đã định nghĩa ‘ vũ trụ có trật tự’ là những vũ trụ có đòi hỏi sự có mặt của những sinh vật và khẳng định rằng ‘ Chúa có lý do quan trọng hơn bất kỳ lý do nào khác để tạo ra một vũ trụ có trật tự nếu ông ta tạo ra một vũ trụ mà thôi’ (13) . Dựa theo khái niệm chuẩn về Chúa, giả định (3) và (4) cùng với giả định sau đây:
(4A) Nếu Chúa chọn lựa để sáng tạo một vũ trụ, ông ta sẽ chọn tạo ra một vũ trụ có sự sống hơn là vũ trụ vô sinh.
Như vậy dựa vào (4A), giả định (3), (4) suy ra (2) và lập luận vô thần vẫn có gía trị.
V. Phản biện 2: Chúa có thể can thiệp để bảo đảm một vũ trụ có sự sống
Phản biện 2 cho rằng sự không tuân theo một qui luật nào của điểm dị thường Big bang không tương thích một cách logic với sự hình thành của nó khi chính nó được bảo đảm bởi Chúa để phát ra những cấu hình cực đại của các hạt với mục đích tạo nên sự sống.Vì Chúa có thể can thiệp và áp đặt một cách siêu nhiên vào thời điểm của dị thường để nó phát ra một cấu hình tạo nên sự sống.
Tôi tin rằng phản biện này không thích hợp với tính hợp lý của Thượng đế. Nếu Chúa có ý định tạo ra một vũ trụ có sinh vật vào một giai đoạn nào đó của lịch sử, thì đối với ông ta không có lý do gì lại bắt đầu một vũ trụ với điểm dị thường vốn đã không tiên đoán được. Thật vậy, điều này tuyệt đối không hợp lý. Đây là dấu hiệu của một kế hoạch thiếu năng lực để sáng tạo ra một cái gì đó như là trạng thái tự nhiên đầu tiên; và rồi đòi hỏi một sự can thiệp siêu tự nhiên ngay tức khắc để bảo đảm rằng nó sẽ đưa tới kết quả mong muốn. Điều hợp lý nhất phải làm là tạo ra một trạng thái nào đó dẫn đến một vũ trụ sản sinh ra sự sống bằng chính bản chất theo qui luật của trạng thái này.
Câu trả lời cho phản biện 2 này có thể được khai triển trong bối cảnh của cuộc thảo luận về sự diễn giải về vũ trụ học Big bang của John Leslie. Leslie đã chỉ ra những số liệu hay những minh họa (‘những sự trùng hợp trong thời kỳ con người tồn tại’) để gợi ý rằng một vũ trụ có sự sống từ điểm dị thường Big Bang là điều hầu như không xảy ra (14). Có rất nhiều cấu hình cực đại khả dĩ của những hạt có thể phát ra từ điểm dị thường và chỉ có một số cực nhỏ của chúng, Leslie gợi ý, dẫn ngay đến những trạng thái có sự sống. Nhưng Leslie lập luận rằng tính chất không xảy ra này ủng hộ hơn là chống đối giả thiết về sự sáng tạo thần thánh (tôi muốn lưu ý rằng Leslie lập luận với khái niệm Thượng đế trong thuyết Plato mới (15) nhưng nó không tạo nên một sự khác biệt thực sự cho sự hiệu lực của những lập luận mà tôi sẽ dùng). Ông ta ám chỉ rằng, nếu chúng ta giả định rằng Thượng đế áp đặt sự bùng nổ của điểm dị thường theo hướng có xác suất cao- không có sự sống, hơn là hướng có khả năng thấp- dẫn đến sự sống, thì chúng ta có thể ‘minh bạch’ cái tính chất không xảy ra rất rõ ràng của một vũ trụ có sự sống tiến hóa từ điểm dị thường. Sự đơn giản đã dẫn của cách giải thích, gía trị đặc biệt của sự sống, và những tiền đề thích hợp khác được xét đến đã cho cách giải thích này một sự tin cậy. Nhưng nó thất bại khi xem xét đến những vấn đề đã được đề cập ở trên liên quan tới tính hợp lý và năng lực của Thượng đế, xuất hiện như những vấn nạn ở đây. Đối với tôi, có vẻ như giả định của Leslie rằng, điểm dị thường bigbang dẫn đến (nếu để tự nó tiến hoá một cách tự nhiên) một vũ trụ có sự sống là một điều gần như không thể xảy ra, lại không tương thích với kết luận rằng Thượng đế đã tạo nên điểm dị thường. Nếu Thượng đế đã tạo nên vũ trụ với mục đích làm cho nó có sự sống, thì thật là không logic chút nào khi ông ta đã tạo nên một cái gì đó như là trạng thái ban đầu của vũ trụ mà sự tiến hóa tự nhiên của nó sẽ chắc chắn dẫn đến những trạng thái không có sự sống. Nó không tương hợp với ý tưởng về một sự sáng tạo có hiệu qủa để tạo nên một thế giới sinh động trong đó sự sống xuất hiện khi trạng thái đầu tiên được hình thành và trạng thái này có xu hướng tự nhiên hướng đến một vũ trụ không có sự sống .Thông qua xu hướng này trạng thái đó đã bị mất tác dụng và bị bỏ qua bởi chính cái động lực tạo cho nó xu hướng đó. Hai định đề sau đây tỏ ra không tương thích một cách logic:
(1) Thượng đế là người sáng tạo hợp lý, có năng lực và ông ta muốn tạo nên một thế giới có sự sống.
(2) Thượng đế đã tạo ra một điểm dị thường như là trạng thái ban đầu của vũ trụ mà xu hướng tự nhiên của điểm dị thường này là hướng đến một thế giới không có sự sống.
Vấn đề liên quan ở đây là vấn đề cốt lõi về sự can thiệp của Thượng đế, hay là một’sự hiệu chỉnh’ vào những sự sáng tạo thần thánh. Leslie đã ‘chống lại ‘ ý tưởng về ‘sự can thiệp thần thánh’ vào những qúa trình tự nhiên và không đồng tình với ý tưởng ‘ Thượng đế đôi khi can thiệp [vào thế giới tự nhiên] bằng sự thô bạo hữu ích (17) với ý định bảo đảm cho sự sống tiến hóa. Leslie cho rằng giả thuyết về sự can thiệp như thế có liên hệ đến một lý thuyết không đơn giản và chính vì lý do đó nó bị đánh gía thấp. Nhưng sự can thiệp như thế hoàn toàn lại là điều cần phải có cho chính những lập luận của ông ấy về sự tiến hóa của vũ trụ ban sơ. Lập luận của ông ấy không chỉ giả định rằng Thượng đế không chỉ can dự vào vụ nổ của điểm dị thường mà còn can thiệp vào sự tiến hóa sau đó của cấu hình cực đại các hạt được phát ra từ điểm dị thường này. Chẳng hạn như Leslie đề cập đến lý thuyết trong đó vũ trụ ban sơ đã trải qua một số ‘giai đoạn phá vỡ đối xứng tự phát’ trong khoảng 10-4 giây ban đầu sau Big Bang và trong những pha này 4 lực (hấp dẫn, tương tác mạnh, tương tác yếu và điện từ) trở nên tách biệt. Trong thời kỳ GUT (b.)(từ 10-43 giây sau dị thường đến 10-35 giây) lực hấp dẫn tách ra khỏi lực tương tác mạnh-yếu. Trong giai đoạn tương tác yếu (từ 10-35 đến 10-10 giây) lực tương tác mạnh tách ra khỏi lực tương tác yếu. Trong thời kỳ hạt quark tự do hình thành (từ 10-10 đến 10-4 giây) lực điện từ tách ra khỏi lực tương tác yếu. Mỗi sự phân tách như vậy là một phá vỡ đối xứng (sự thống nhất của hai hay nhiều lực) và mỗi đối xứng bị phá vỡ theo cách thức ngẫu nhiên. Thực ra mà nói, điều này có nghĩa là độ lớn của bốn loại lực được xác định theo cách thức ngẫu nhiên vào thời điểm mà chúng tách ra. Điều này có ý nghĩa, Leslie đã chỉ ra rằng, bởi vì chỉ có một phạm vi rất nhỏ những gía trị của các lực này là tương thích với một vũ trụ ủng hộ sự sống. Chẳng hạn như, nếu gía trị hiện thời của hằng số tương tác yếu (aW# 10-11) nhích lên một tí thì, các siêu lân tinh sẽ không thể phóng ra những vật chất nặng rất cần thiết cho những cơ thể sinh vật. Nếu các gía trị này nhỏ hơn một chút thì khí hydrô sẽ không hình thành và hệ quả là không có một ngôi sao và hành tinh nào có thể tiến hóa. Những xem xét tương tự cho các lực hấp dẫn, điện từ và tương tác mạnh cũng đều đúng như thế. Trong những điều kiện này, Leslie tiếp tục, tuyệt đối không thể xảy ra trường hợp(18) những giai đoạn phá vỡ đối xứng này lại dẫn đến phạm vi rất hẹp của các giá trị được đòi hỏi cho một vũ trụ ủng hộ sự sống. Tính chất không thể xảy ra này chỉ có thể bị loại bỏ nếu chúng ta giả định rằng những gía trị này không được chọn lọc bởi những qúa trình tự nhiên mang tính ngẫu nhiên mà được ‘chọn lọc bởi Thượng đế’. Nhưng điều này đòi hỏi sự can thiệp thần thánh trên tầm mức sâu hơn vào sự tiến hóa của vũ trụ. Thượng đế phải can thiệp vào chính sự sáng tạo của mình ở điểm dị thường Big Bang để bảo đảm nó phóng ra những cấu hình cực đại của các hạt có khả năng trải qua những giai đoạn phá vỡ đối xứng, và rồi trong suốt giai đọan thống nhất lớn để chắc chắn rằng lực hấp dẫn khi tách biệt phải có một độ lớn đúng, và rồi lại can thiệp trong giai đoạn tương tác yếu để bảo đảm rằng lực tương tác mạnh có giá trị đúng, và rồi lại, lại nữa trong giai đoạn hình thành hạt quark tự do phải chắc chắn rằng lực điện từ và lực tương tác yếu phải nhận được gía trị đúng của chúng. Đây chỉ là một số những can thiệp bị đòi hỏi (tôi không nói đến, chẳng hạn như, những can thiệp phải có để bảo đảm cho những hạt cơ bản nhận được khối lượng đúng của chúng). Nhưng tại sao Leslie lại nghĩ rằng lập luận của ông ta đã tránh được những lý thuyết phức tạp, đáng ngờ về sự can thiệp thần thánh được lập đi lập lại vào những qúa trình tự nhiên? Bởi vì ông ta đã qui định rằng sự ấn định của Thượng đế trên những gía trị của các hằng sốkhông phải là những trường hợp được gọi là can thiệp. Ông ta định nghĩa can thiệp như là thêm, bớt vào những khía cạnh không cơ bản của thiên nhiên (chẳng hạn như tạo ra những cơ quan động vật riêng lẻ) (19) .Nhưng qui định này qúa hàm hồ. Nếu sự can thiệp của Thượng đế vào sự phát xạ các hạt của điểm dị thường và vào những giai đoạn phá vỡ đối xứng không phải là những thí dụ về sự can thiệp của Thượng đế vào những trạng thái và những qúa trình tự nhiên, thì tôi hoàn toàn không biết nó là cái gì.
Leslie gợi ý rằng ý niệm sự can thiệp thần thánh vào các qúa trình tự nhiên là không rõ ràng vì nó không đơn gỉan bằng ý tưởng rằng Thượng đế để cho thiên nhiên tiến hóa theo cách của nó. Nhưng đối với tôi dường như có một vấn đề cơ bản hơn với ý niệm này, ít ra là khi áp dụng vào kịch bản của Leslie. Ý niệm này, trong kịch bản của Leslie, hàm ý rằng vũ trụ mà Thượng đế sáng tạo ra vụng về đến nỗi mà nó cần đến sự can thiệp nhiều lần của Ngài để lèo lái nó ra khỏi những tai họa và hướng nó đến những trạng thái tạo ra sự sống như mong đợI. Thượng đế đã tạo ra một vũ trụ vào lúc đó và rồi lại hướng đến một kết quả hoàn toàn trái ngược với cái mà Ngài muốn và chỉ bằng sự can thiệp vào sự tiến hóa tự nhiên Ngài mới chắc chắn rằng nó sẽ dẫn đến kết quả Ngài mong muốn. Tuy nhiên điều này mâu thuẫn với nguyên lý rằng Thượng đế không phải là một kẻ vụng về (‘ một nhà Sáng Tạo có năng lực không tạo ra những thứ mà ngay tức khắc hoặc sau đó ông ta cần phải chỉnh đốn’)
Tôi cũng nên làm rõ rằng ý tưởng chủ đạo trong lập luận của tôi rằng không phải Thượng đế không có năng lực nếu Ngài tạo ra một vũ trụ mà chính Ngài phải vi phạm những qui luật của nó một khi những ý định của Ngài được thực hiện, mà tôi cho rằng Ngài thiếu năng lực nếu tạo ra một vũ trụ đòi hỏi sự can thiệp của chính Ngài một khi những ý định của Ngài được thực hiện. Một sự can thiệp thần thánh vào những biến cố tự nhiên được suy ra từ, nhưng không dẫn đến, một sự vi phạm thần thánh vào các định luật tư nhiên, bởi vì Thượng đế có thể can thiệp vào những biến cố (chẳng hạn như vụ nổ của điểm dị thường) không bị chi phối bởi các luật tư nhiên. Như vậy phản biện khả dĩ đối với lập luận của tôi là ‘nếu các định luật vật lý chi phối sự tiến hóa của vũ trụ, thì Thượng đế có thể áp đặt vũ trụ tiến hóa đến trạng thái có sự sống mà không vi phạm đến các định luật vật lý’ đã hiểu sai ý chính, đó là sự can thiệp chứ không phải sự vi phạm mới là vấn đề. Tuy nhiên nếu chúng ta thừa nhận kịch bản của Leslie, thì chúng ta có thể nói không những có sự can thiệp mà còn có sự vi phạm, bởi vì trong kịch bản của ông ta có những định luật mang tính xác suất chi phối sự tiến hóa sơ khai của vũ trụ (bao gồm những giai đoạn phá vỡ đối xứng) và Thượng đế đã đình chỉ (nghĩa là vi phạm) các định luật này để đảm bảo cho những kết quả tạo ra sự sống.
Kết luận của tôi là thế này .Có vô số trạng thái ban đầu khả dĩ hợp lý của vũ trụ dẫn đến những trạng thái có sự sống bằng sự tiến hóa tự nhiên, theo qui luật và nếu Thượng đế tạo ra vũ trụ thì ông ta có thể chọn lọc một trong những trạng thái này. Vì rằng trạng thái ban đầu được ấn định bởi vũ trụ học Big Bang không phải là một trong những trạng thái này, điều này dẫn đến sự kiện là vũ trụ học Big Bang không tương thích với giả thuyết về một sự sáng tạo thần thánh (20).
VI. Phản biện 3: Điểm dị thường là một hư cấu lý thuyết.
Những nhà thần học có thể cố gắng tránh né những khó khăn về một trạng thái ban đầu không tiên đoán được và một sự can thiệp thần thánh bằng cách cho rằng trạng thái ban đầu của vũ trụ không phải là một điểm dị thường không tiên đoán được. Nhà thần học vẫn tiếp tục công nhận vũ trụ học Big Bang với qui định cho sự diễn giải của lý thuyết này là : thực tại bị cấm trong điểm dị thường. Những qui định này dựa trên một tiêu chuẩn về sự tồn tại vật lý mà điểm dị thường không thoả tiêu chuẩn đó và chỉ có vụ nổ Big bang mới đúng là một thực tại vật lý. Những tiêu chuẩn này cho phép nhà thần học chỉ xem vụ nổ Big bang, mà không phải là điểm dị thường, như là trạng thái đầu tiên của vũ trụ. (Nhưng bây giờ thì chữ ‘trạng thái’ phải được hiểu như là một trạng thái tạm thời được kéo dài trong một thời gian nào đó hơn là một trạng thái nhất thời vì vụ nổ Big bang kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định). Vụ nổ Big bang bị chi phối bởi các định luật vật lý và vụ nổ này được dẫn dắt bởi sự tiến hóa tự nhiên, theo qui luật để đưa đến một trạng thái khác của vũ trụ có chứa sinh vật. Vấn đề Chúa đã sáng tạo ra một trạng thái nào đó hoàn toàn không tiên đoán được như là trạng thái đầu tiên, bây giờ đã được tránh né và các nhà thần học đã có khả năng gán cho Thượng đế những cư xử hợp lý trong việc sáng tạo ra một cái gì đó như là trạng thái đầu tiên ; nó tiến hóa một cách tự nhiên để trở thành một vũ trụ có sự sống.
Để đáp trả phản biện 3 này tôi sẽ bỏ qua những vấn đề về những giai đoạn phá vỡ đối xứng không tiên đoán được mà Leslie đã đưa vào trong kịch bản của ông ấy và việc này dường như làm hồi sinh giả thuyết cho rằng vụ nổ Big Bang tiến hóa đến những trạng thái có sự sống một cách có thể tiên đoán được. Mặc dù ngày này các giai đoạn phá vỡ đối xứng này được chấp nhận rộng rãi- nhưng không phải là toàn bộ; nhưng những giai đoạn này không được suy ra từ vũ trụ học Big bang cổ điển và như thế việc đưa những giai đoạn này vào [những lập luận ] để phê phán những lối diễn giải thần học về vũ trụ học là hoàn toàn không thích đáng [vì] bản thân những diễn giải này không dùng đến chúng. Do đó để trả lời cho phản biện 3 tôi sẽ không lập luận rằng vẫn có những sự bất khả tiên đoán ngay cả khi điểm dị thường bị bỏ qua và thay vào đó tôi sẽ lập luận rằng không có sự biện minh nào cho việc chối bỏ điểm dị thường với sự bất khả tiên đoán của nó.
Tôi xin bắt đầu bằng việc lưu ý rằng sự mô tả và định nghĩa điểm dị thường Big Bang, như là một sự lý tưởng hóa, không thuộc về chính Vũ trụ học Big Bang và như thế cần phải có những lập luận triết học độc lập, mạnh mẽ biện minh cho quan điểm này về điểm dị thường [đã bị bỏ qua]. Vũ trụ học Big bang giới thiệu điểm dị thường như là một loại duy nhất về thực tại, điểm dị thường vật lý, nhưng dù vậy nó cũng là thực. Điều này được chứng tỏ bởi sự kiện rằng những đường không-thời gian hướng về qúa khứ trong vũ trụ sơ khai không được vẽ trên những khoảng nửa mở [trên khoảng đó] có thể tiến đến gần bất kỳ nhưng không bao giờ đến được giới hạn lý tưởng, mà nó được dựng trên những khoảng đóng mà một trong những điểm biên chính là điểm dị thường. Theo ngôn ngữ của Penrose, ’ nét đặc trưng chủ yếu của điểm dị thường không gian ở qúa khứ [điểm dị thường Big Bang] đó là nó cung cấp một điểm biên kỳ dị ở qúa khứ cho những đường cong thời gian kéo dài ở vô tận khác’(21).(đường cong thời gian chính là các qũi đạo không gian của các hạt). Theo cách nói của Geroch và Horowitz, những lộ trình không-thời gian hướng về qúa khứ hội tụ không như người ta nghĩ là chỉ tiến đến cùng một điểm kỳ dị với một khoảng cách nhỏ tùy ý, mà thật ra chúng’ hội tụ tại cùng một điểm dị thường’(22) và điều này đòi hỏi sự tồn tại vật lý của điểm dị thường.Hơn nữa, điểm này được các nhà vật lý cho rằng đã có mặt sớm hơn thời điểm của vụ nổ Big Bang. Penrose đã nói rõ ràng về quan điểm chung này rằng trong trường hợp một vũ trụ xác định chúng ta có thể nghĩ đến sự di thường ban đầu như là một điểm duy nhất....[nó] sinh ra vô số những miền không có liên hệ nhân quả vào thời điểm kế tiếp (23), một khái niệm rõ ràng đã dẫn đến những thực tại vật lý, mang yếu tính thời gian của sự dị thường ban đầu.
Từ sự biểu thị mang tính chất thực của dị thường, các nhà thần học quả thực phải có những lý do mạnh mẽ để ủng hộ cho sự diễn giải sự dị thường chỉ đơn thuần là một sự lý tưởng hóa. Họ phải thiết lập một tiêu chí thuyết phục nào đó về sự hiện hữu vật lý và phải chứng tỏ rằng dị thường không thỏa mãn tiêu chí này. Điều này đã được William Lane Craig cố gắng làm thử. Craig lập luận rằng không có một đối tượng vô cùng phức tạp nào có thể được xem là thực và sự dị thường không thể thực vì nó có những gía trị vô hạn, chẳng hạn như mật độ vật chất vô hạn, ‘ không có một vật thể nào trong thế giới thực có mật độ vô hạn, bởi vì nếu nó đã có một khối lượng nào đó thì nó không thể có mật độ vô hạn’(24). Những lập luận của Craig chống lại những thực thể vô hạn trong tác phẩm của ông ta nhắm vào việc chứng tỏ rằng không có một thực thể nào có thể tương ứng với những phần tử trong tập hợp siêu hạn của Cantor © . Trong một bài viết trước đây (23) tôi đã phản bác lập luận này của Craig nhưng ở đây tôi xin phép được chứng tỏ rằng ngay cả như nếu những lập luận của ông ta có cơ sở, chúng cũng không được xem là chống lại thực thể của dị thường Big bang. Khi nói rằng dị thường Big Bang có mật độ vô hạn, nhiệt độ vô hạn và độ cong vô hạn cũng không nói được rằng sự dị thường có những phần hoặc những tính chất tương ứng với một tập hợp có lực lượng aleph-zero (d) hay aleph-một. Đúng hơn ba đại lượng này được bao hàm và từng đại lượng tương thích với sự loại trừ của Craig về các thực thể [trong lý thuyết của ] Cantor : Lý thuyết trong đó có một dị thường vô hạn hàm ý, trước tiên, rằng tại một thời điểm bất kỳ nào rất gần với dị thường Big bang mật độ, nhiệt độ và độ cong của vũ trụ có những gía trị xác định rất lớn nào đó. Những gía trị này trở nên ngày càng cao khi ta càng đi ngược trở lại dị thường, sao cho đối với mỗi gía trị cao xác định này luôn luôn có một thời điểm mà tại đó mật độ, nhiệt độ, độ cong của vũ trụ nhận những giá trị đó.
Kế đến, lý thuyết về dị thường vô hạn hàm ý rằng khi tiến đến dị thường thì các gía trị này tiến đến vô hạn. Nhưng điều này không có nghĩa là mật độ, nhiệt độ, độ cong có những gía trị liên quan đến các số N0,N1 . Hãy xem xét mật độ, đó là tỷ số của khối lượng cho một đơn vị thể tích (mật độ = khối lượng/thể tích). Nếu vũ trụ xác định và dị thường là một điểm duy nhất, thì vào thời điểm ban đầu toàn bộ khối lượng của vũ trụ bị nén lại trong một vùng không gian có thể tích là zero. Mật độ của điểm này là n/0 trong đó n cực kỳ lớn nhưng là số kilôgam xác định khối lượng của vũ trụ. Bởi vì chia một số cho 0 là không có ý nghĩa, nên tỷ số khối lượng cho một đơn vị thể tích có một gía trị không có ý nghĩa và không đo được và trong ý nghĩa này nó là vô tận. Cho dù các triết gia thường hay hiểu lầm về cách sử dụng từ ‘vô hạn’ này của các nhà vật lý. Cách dùng thông thường này được Milton Munich nắm bắt thật rõ ràng trong bài thảo luận gần đây của ông ta về lý thuyết Big bang. Ông ta lưu ý rằng- mật độ của vật chất đồng nhất là tỷ số khối lượng ứng với một đơn vị thể tích-chẳng hạn như- gam ứng với một cm3, cho thể tích của vũ trụ bằng không và sự bảo toàn của khối-năng lượng của vũ trụ [ vào dị thường Big bang], thì không có gía trị xác định nào cho tỷ lệ này (việc chia cho 0 bị cấm) . Đó là cách diễn đạt bình thường khi nói rằng mật độ trở nên vô hạn . Chính xác hơn có lẽ phải nói là ý nghĩa chuẩn mực của ‘mật độ’ không được sử dụng trong tình huống này. Mật độ không được gán cho một gía trị xác định đo được như trong mọi trường hợp chuẩn mực khi áp dụng khái niệm này (26).
Thứ ba là, lý thuyết về dị thường vô hạn hàm ý rằng, không gian của dị thường theo phép biến đổi tôpô đã biến thành không gian ba chiều của vũ trụ vào lúc nổ Big bang. Một khái niệm quen thuộc trong ngành toán học về tôpô là một không gian với tính chất tôpô của một điểm có thể biến đổi thành một không gian tôpô 3 chiều xác định. Phép biến đổi tôpô của không gian 0-chiều thành không gian 3-chiều chính xác là vụ nổ big bang. Nhưng ở đây tôi không nói rằng không gian 0-chiều là đồng phôi (homeomorphic) với không gian 3-chiều, trong đó nếu X là một không gian đồng phôi với Y khi tồn tại một ánh xạ song ánh f liên tục từ X vào Y sao cho ánh xạ ngược f-1 cũng liên tục. Đúng hơn tôi muốn nói rằng không gian với tính chất tôpô của một điểm được giả định rằng, vào một thời điểm sau đó, sẽ có tính chất tô pô của một không gian 3 chiều xác định. Một phép biến đổi tôpô như thế là khả dĩ nhưng không thể nào tồn tại một không gian với tính chất tô pô của một điểm lại có thể biến đổi thành một không gian 3 chiều vô hạn vào một thời điểm sau đó (ở đây chữ ‘vô hạn’ được dùng trong ý nghĩa trong tập hợp của Cantor). Nếu vũ trụ của chúng ta là vô hạn, thì dị thường big bang phải chứa vô hạn các điểm và như thế nó ít nhất phải là không gian 1-chiều, với mỗi một điểm sẽ bùng nổ theo một phép biến đổi tôpô thành những miền 3-chiều xác định khác nhau. Paul Davies nhận xét rằng, nếu vũ trụ là xác định, người ta có thể giả sử rằng toàn bộ vũ trụ bắt đầu bị nén từ một điểm. Ngược lại, nếu không gian là vô hạn, chúng ta sẽ có một vấn đề toán học rất tế nhị về sự xung đột của các vô hạn, vì một không gian gĩan nở một cách vô hạn lại bị nén một cách vô hạn tại điểm khởi đầu Big bang. Điều này có nghĩa là, với mỗi một thể tích xác định trong vũ trụ hiện nay mà người ta có thể chọn kích thước của nó lớn bất kỳ, đều có thể được nén thành một điểm đơn nhất vào thời điểm bắt đầu. Tuy nhiên hoàn toàn không đúng nếu nói rằng tất cả các vũ trụ đã cùng ở một điểm, rồi thì một không gian với tô pô của một điểm bỗng dưng biến đổi và nhận tính chất tô pô của một không gian vô hạn.
Phải thừa nhận rằng ý niệm trong đó điểm dị thường là thực không nằm trong sự phê bình của Craig, bởi vì nó không phải là ‘vô hạn’ theo ý nghĩa của Cantor, nhưng có thể biện giải rằng khái niệm về dị thường bị khiếm khuyết vì những lý do khác. Chẳng hạn như, làm thế nào để toàn bộ khối lượng của vũ trụ xác định lại có thể bị nén thành một điểm? Khối lượng 3 -chiều còn điểm thì 0-chiều, điều này gợi lên mâu thuẫn. Nhưng đây là một sự hiểu saI. Khối lượng bị nén thành một điểm không phải là khối lượng 3-chiều thông thường, mà là khối lượng bị nén một cách vô hạn, điều này hàm ý rằng nó đã mất đi thuộc tính 3 chiều của nó và được gán cho số chiều của điểm. Khẳng định rằng vào thời điểm của dị thường, n kilôgam khối lượng bị nén một cách vô hạn vào thể tích zero, một phần hàm ý rằng:
(i) vào thời điểm đó không tồn tại khối lượng 3-chiều,
(ii) vào thời điểm đó chỉ tồn tại khối lượng 0-chiều,
(iii) điểm này sau đó nhận tính chất tôpô của không gian 3 chiều’
(iv) không gian 3 chiều này sau đó được lấp đầy bởi n kilôgam khối lượng.
Dĩ nhiên điểm dị thường này có thể có tính chất tôpô của không gian 3 chiều chứa bất kỳ khối lượng xác định nào-số kilôgam hiện thời n chỉ được ‘chọn lựa’ một cách ngẫu nhiên từ một số khả năng- và đó chính là một trong những lý do tại sao mà dị thường này hoàn toàn không tiên đoán được.
Như vậy, tôi tin rằng, không có lý do chính đáng nào để chối bỏ điểm dị thường Big Bang và thuộc tính không thể tiên đoán được của nó. Nếu Craig biện minh cho giả định này là đúng, thì đó là một vấn đề không hợp lý thuộc ‘bản thể” của cấu trúc toán học. Ông ta phải cung cấp một lý do nào đó để củng cố cho khẳng định này hơn là những lập luận chống những đại lượng vô hạn của Cantor. Khẳng định có liên hệ, gần đây nhất của ông ta là ‘ một trạng thái vật lý trong đó tất cả chiều không gian và thời gian là zero là một sự lý tưởng hoá trong tóan học và không có ý nghĩa về bản thể học’(28) để ủng hộ cho giả định của mình [nhưng] đó là một khẳng định dễ dãi và đáng bị từ bỏ vì sự nghi ngờ này không có cơ sở về những luận đề khoa học đã được chấp nhận rộng rãi.
VII. Phản biện 4:
Từ tính chất "không tiên đoán được" không thể suy ra rằng không có cái biết của Chúa.
Tôi nói rằng dị thường Big bang là không tiên đoán được. Điều sau đây đã bị phản bác: Sự kiện mà chúng ta không thể tiên đoán những gì sẽ sản sinh ra từ dị thường là tương thích với việc Thượng đế có khả năng biết trước được những gì sinh ra từ nó. Chúa là toàn trí, hàm ý rằng ông ta có thể biết mọi sự mà con người không thể biết được.
Tuy vậy, phản biện 4 này lại dựa trên một số giả định đáng ngờ mà một trong những giả định này có liên quan đến ý nghĩa của chữ ‘ khCác tiên đoán được’ khi nó được sử dụng trong việc xây dựng Nguyên Lý Không Biết Được của Hawking. Ý nghĩa chính ở đây là sự không thể tiên đoán được về nguyên tắc và nó dẫn đến, nhưng hoàn toàn khác biệt, sự không thể tiên đoán được bởi chúng ta . Cụm từ ‘ về nguyên tắc’ được thêm vào để chỉ rằng tính chất không thể tiên đoán được là do sự kiện là không có luật tự nhiên nào chi phối (những) trạng thái . Nếu điều gì đó đơn giản không tiên đoán được chỉ bởi chúng ta thì điều này tương thích với cách nói rằng nó bị chi phối bởi một luật tự nhiên mà con người không thể biết được .Tuy nhiên, nếu có một sự không thể tiên đoán được ‘về nguyên tắc’, thì [phải hiểu là] không có luật tự nhiên nào được biết đến, bởi Chúa hay bởi bất kỳ một kẻ nào. Bởi vì không có luật tự nhiên nào chi phối dị thường, Chúa cũng không có cơ sở nào để tính toán xem cái gì sẽ nổi lên từ dị thường. Như Davies đã nói, sự tồn tại nhất thời của dị thường và vụ nổ Big bang sau đó chỉ là ‘ánh chớp đột ngột của sự vô luật lệ’.
Một số người cho rằng’sự không thể tiên đoán được về nguyên tắc’ như đã được dùng trong Cơ luợng tử (và ngay trong lý thuyết của Hawking một phần dựa trên Cơ lượng tử) nên được diễn giải cùng ý nghĩa với ‘ sự không thể tiên đoán được bởi chúng ta’, bởi vì sự diễn dịch đáng tin cậy nhất trong cơ lượng tử (theo trường phái Copenhagen ) lại là phản thực tế (anti-realist) . Nhưng khẳng định này, mặc dù có lẽ đã được biện minh dựa trên một giả định cũ rằng sự diễn giải của Everett là sự diễn giải thực tế duy nhất tương thích với cơ lượng tử, nhưng ngày nay nó không còn được biện minh nữa, bởi vì đã có một số diễn giải hợp lý, thực tế được khai triển gần đây, chẳng hạn như sự diễn giải ‘mô hình phân nhánh’ của Storrs McCall(29) .
Tuy nhiên sự tham dẫn về một sự diễn giải [mang tính chất ] thực cho sự không thể biết được của dị thường đã không tạo nên công lý cho phản biện rằng ‘ [từ] sự không thể tiên đoán được [ ta ] không suy ra rằng không có cái biết của Chúa’ . Vì những người đưa ra phản biện này đã cho rằng Chúa có thể ‘ biết trước’ kết quả của vụ nổ dị thường ngay cả như không có định luật nào mà Ngài có thể dựa vào đó để hình thành một tiên đoán . Họ nói rằng khi Chúa biết, môt cách logic là trước sự sáng tạo, những quyết định tự do mà con người có thể đưa ra nếu họ ở trong một hoàn cảnh như thế, thì Ngài [phải] biết, một cách logic ngay trước sự sáng tạo, cái cách mà dị thường bùng nổ nếu nó đúng là trạng thái đầu tiên của vũ trụ. Nhà thần học có thể viện dẫn rằng bên cạnh những loại quen thuộc về mệnh đề nhân quả giả định(e), chúng ta có thể đưa vào một kiểu ‘ mệnh đề nhân quả giả định mới về những dị thường’, một trong những mệnh đề này là :
(1) Nếu một dị thường Big Bang là trạng thái đầu tiên của vũ trụ, thì dị thường này phải phóng ra những hạt có cấu hình tạo nên sự sống.
Nhà thần học cho rằng một cách logic (1) là đúng trước sự sáng tạo, và rằng sự hiểu biết ngay trước sự sáng tạo của Chúa về (1) được dùng như lý do của Ngài cho sự sáng tạo một vũ trụ với dị thường Big Bang.
Nhưng lập luận này không hợp lý, vì giả thiết rằng (1) đúng một cách logic trước sự sáng tạo hoàn toàn không tương thích với những thuộc tính về ngữ nghĩa của những mệnh đề nhân quả gỉa định. Jonathan Bennett và Wayne Davies đã chứng tỏ rằng (30)những mệnh đề nhân quả giả định là đúng nếu và chỉ nếu tiền đề và hậu đề đều đúng trong một thế giới khả dĩ giống với thế giới hiện hành nhất, trước thời gian được chỉ rõ trong tiền đề . Điều này cho thấy rằng không một điều kiện khả dĩ nào trong (1) được thoả , vì thời gian được chỉ rõ trong tiền đề của nó là thời điểm sớm nhất.
Tuy vậy, các nhà thần học không cần phải chấp nhận lý thuyết của Bennett-Davies về những mệnh đề nhân quả giả định .Họ có thể chấp nhận một trong những lý thuyết của Robert Stalnaker, Richmond Thomason và Frank Jackson (31), theo đó thì một mệnh đề nhân quả giả định là đúng khi và chỉ khi cả hai tiền đề và hậu đề của nó đều đúng trong một thế giới khả dĩ mà toàn bộ lịch sử của nó giống với thế giới hiện nay nhất. Hoặc là họ có thể chấp nhận lý thuyết của David Lewis (32) rằng, một mệnh đề nhân quả giả định là đúng nếu và chỉ nếu một thế giới nào đó có cả tiền đề và hậu đề đều đúng và trong toàn bộ lịch sử, nó giống thế giới hiện nay hơn bất kỳ một thế giới nào có tiền đề đúng nhưng hậu đề sai.
Nhưng những lý thuyết về mệnh đề nhân quả giả định này chẳng có hiệu quả nào bởi vì toàn bộ chúng đều dẫn ra rằng một mệnh đề là đúng chỉ khi có một thế giới hiện hành được dùng như một ‘đối tượng có liên hệ’ (f) của mối quan hệ tương đồng. Theo lý thuyết của Bennett-Davies, đối tượng có liên hệ là tất cả những trạng thái của thế giới hiện nay cho đến một thời điểm nào đó và theo lý thuyết của Stalnaker, Lewis và những người khác thì đối tượng có liên hệ là tất cả những trạng thái của thế giới hiện nay. Bởi vì (1) được giả định là đúng một cách logic vào trước sự sáng tạo, những điều kiện về sự đúng đắn của nó không bao gồm tất cả trạng thái (hay là tất cả các trạng thái vào một thời điểm nào đó) của thế giới hiện nay và điều này mâu thuẫn với những đòi hỏi về những điều kiện đúng đắn của một mệnh đề nhân quả giả định.
Tuy vậy những nhà thần học quen với những bài viết của William Le Craig có thể đưa ra một câu trả lời cho lập luận này. Craig không thảo luận về ‘mệnh đề nhân quả giả định cho những dị thường’ mà lại thảo luận về mệnh đề nhân quả giả định cho sự tự do và một số lập luận của ông ta đã được những người bảo vệ (1) vay mượn . Để đáp trả phản bác rằng không có một thế giới hiện hành, có trước sự sáng tạo một cách logic có liên hệ đến những mệnh đề nhân quả giả định về sự tự do lại có thể được đánh gía là thực, Craig cho rằng trước sự sáng tạo một phần thế giới của chúng ta là thực, chẳng hạn như phần có chứa những tình huống hợp lý cần thiết và những mệnh đề nhân quả giả định có liên quan đến những quyết định tự do của sinh vật. ’ Bởi vì những tình huống thích hợp là có thực, [nên] người ta có thể khẳng định cả hai điều: triết thuyết về sự hiểu biết trung gian của Chúa [ nghĩa là Chúa biết những mệnh đề nhân quả giả định về sự tự do trước sự sáng tạo] và sự giải thích hiện nay về những gì có ý nghĩa để một mệnh đề nhân quả giả định là đúng đắn : trong những thế giới khả dĩ giống với thế giới hiện hành nhất (đến mức độ như là nó hiện hữu vào lúc [hợp lý] trước [ sự sáng tạo] và trong mệnh đề đó tiền đề đúng, và hậu đề của nó cũng đúng ‘ (33) .Nhưng câu trả lời này không đứng vững, bởi vì những gỉai thích hiện nay về mệnh đề nhân quả giả định là những điều kiện đúng của chúng phải bao gồm hoặc là tất cả các trạng thái của thế giới hiện thực hoặc là tất cả các trạng thái của thế giới hiện thực sớm hơn một thời điểm nào đó, và những mệnh đề nhân quả giả định đuợc cho là đối tượng của sự nhận thức trung gian của Chúa không thỏa mãn bất kỳ điều kiện nào trong hai điều kiện này. Một cách logic chúng được giả định là đúng trước sự sáng tạo ra trạng thái sớm nhất và như thế trong điều kiện về sự đúng đắn, chúng không thể bao gồm tất cả trạng thái của thế giới hiện hành hay tất cả các trạng thái sớm hơn một thời điểm nào đó.
Dĩ nhiên, nhà thần học có thể từ chối cách gỉai thích hiện nay về mệnh đề nhân quả giả định. Họ có thể lập luận rằng những mệnh đề về sự tự do (hay về những dị thường) là đúng nếu và chỉ nếu những tiền đề và hậu đề của nó đều đúng trong một thế giới khả dĩ giống với thế giới hiện thời nhất đến mức như là thế giới hiện nay tồn tại một cách logic vào một thời điểm trước sự sáng tạo.Dường như đây là quan điểm của Craig, mặc dù ông ta khẳng định một cách lầm lẫn rằng nó tương thích với ‘sự giải thích hiện nay về những điều kiện để cho một mệnh đề nhân quả giả định là đúng’. Giờ đây Craig cho rằng, như chúng ta đã thấy, một cách logic vào thời điểm trước này đã có tất cả những tình huống cần thiết một cách logic và tất cả những tình huống của mệnh đề về những quyết định tự do của sinh vật. Để trả lời cho những phản đối rằng những mệnh đề nhân quả giả định về tự do không thể đúng đắn vào thời điểm trước này một cách logic vì thế giới hiện hành thì không hiện thực [vào thời điểm đó], ông ta nói rằng nó hiện thực một phần bởi vì nó bao hàm một phần những tình huống của mệnh đề, nghĩa là, ’ những hoàn cảnh tương ứng với những mệnh đề đúng đắn về sự tự do của sinh vật’ (34). Nhưng lập luận này là một vòng lẩn quẩn. Để chứng tỏ rằng những mệnh đề về sự tự do là hoàn toàn đúng đắn một cách logic vào trước thời điểm sáng tạo lại phải giả định rằng có những mệnh đề về sự tự do đúng đắn vào thời điểm trước sáng tạo, nghĩa là, trước sự sáng tạo đã có những’ hoàn cảnh tương ứng với những mệnh đề nhân quả giả định đúng đắn về sự tự do của sinh vật’. Để tránh cái vòng lẩn quẩn này chúng ta phải cho phép một giả đề duy nhất rằng đã có những hoàn cảnh cần thiết một cách logic trước sự sáng tạo. Nhưng giả đề này lại không đủ để thiết lập một kết luận như ý muốn bởi vì những hoàn cảnh này không thể làm nền tảng cho mối liên hệ về sự tương tự giữa các thế giới được đòi hỏi một cách logic bởi các mệnh đề nhân quả giả định có tính ngẫu nhiên, những mệnh đề nhân quả giả định về sự tự do. Tương tự như những lập luận của Craig về những mệnh đề về sự tự do, điều này cũng không dẫn đến một lập luận hợp lý nào được xây dựng cho luận đề rằng ‘những mệnh đề nhân quả giả định về sự dị thường (1)’ là đúng đắn trước sự sáng tạo. Không có một sự chặt chẽ, hợp lý nào để giả định rằng (1) là hoàn toàn đúng đắn một cách logic trước sự sáng tạo và như thế sự kiện rằng Thượng đế là toàn năng sẽ không dẫn đến một điều là ông ta biết, một cách logic trước sự sáng tạo, rằng điểm dị thường Big Bang sẽ tiến hóa đến một thế giới có sự sống.
VIII. Kết luận
Nếu những lập luận trong bài viết này hợp lý, thì Thượng đế không hiện hữu nếu vũ trụ học Bigbang, hay một lý thuyết tương tự thích hợp nào đó đúng đắn. Nếu vũ trụ học này đúng, vũ trụ của chúng ta hiện hữu không nguyên nhân và không có sự giải thích(35) . Có rất nhiều vũ trụ khả dĩ mà cũng có thể không có một vũ trụ nào cả và cũng không có một lý do nào để giải thích tại sao thế giới này hiện thực hơn một thế giới (hoặc là không có ) khác nào đó. Giờ đây, những người có xu hướng thần học có thể nghĩ rằng điều này là nỗi thất vọng bởi vì nhu cầu của con người về lý do của sự hiện hữu và những nhu cầu được viện dẫn khác, đã không được thoả mãn. Nhưng tôi gợi ý rằng, loài người sở hữu hay có thể nắm giữ những kinh nghiệm ở tầng mức sâu sắc hơn nỗi thất vọng như thế. Chúng ta có thể quên đi chính chúng ta trong một lúc để mở lòng với những tác động đáng sửng sốt của chính thực tế. Chúng ta hãy để cho chính mình ngạc nhiên sâu đậm bởi sự kiện là vũ trụ tồn tạI. Một sự thật về một ‘cảm giác siêu hình’ mà người ta có thể cho rằng sự kiện này thực sự đang làm kinh ngạc và hầu như được tán thưởng với những kinh nghiệm được viện dẫn trong đoạn văn sau (36) .[Thế giới này] hiện hữu không tất yếu, không chắc thực và vô cớ. Nó tồn tại tuyệt đối không vì một lý do nào cả . Không giải thích được và hiện thực một cách tuyệt vời ... Tác động của một sự nhận thức đầy quyến rũ tràn ngập trong tôI. Tôi hoàn toàn sửng sốt. Tôi bước đi loạng choạng trong cánh đồng u tối và ngã xuống giữa những cành hoa. Tôi nằm thẫn thờ, đầu óc xoay mù không còn nhận biết gì trong thế giới này và qua vô vàn những thế giới khác. (37)
Cleveland Heights, Ohio
========================================
Chú thích của người dịch
a/ Nguyên văn :’ educated common sense’
b/ GUT: Grand Unified Theory: Lý thuyết Thống Nhất Lớn: lý thuyết có mục đích thống nhất 4 loại tương tác trong tự nhiên: hấp dẫn, tương tác mạnh, tương tác yếu, và điện từ
c/ Cantor: Georg Ferdinand Ludwig Phillip Cantor (1845 –1918) là một nhà toán học người Đức, sinh ở Nga. Ông được biết đến như là người lập nên lý thuyết tập hợp, đã trở nên một trong những lý thuyết cơ bản trong toán học
d/ Lực lượng alep zero: Trong lý thuyết về tập hợp số, số aleph là một chuỗi những con số được dùng để biểu diễn cho lực lượng (hay kích thước) của những tập hợp vô hạn. Chúng được đặt tên theo những ký tự Do thái aleph (). Lực lượng của tập hợp các số tự nhiên là (đọc là aleph-zero), lực lượng lớn hơn kế tiế p là aleph-one , v à ....
e/ Nguyên ngữ: Counterfactual-tạm dịch là mệnh đề nhân quả giả định.
f/ Nguyên ngữ: relatum- theo định nghĩa là những phần có liên hệ được đề cập đến trong một mệnh đề. Tạm dịch là ‘đối tượng có liên hệ’.
========================================
Chú thích của tác gỉa
- Vide, William Lane Craig, The Kalam Cosmological Argument (New York: Harper and Row, 1979); 'God, Creation and Mr Davies', British Journal for the Philosophy of Science 37 (1986) 163-175; 'Barrow and Tipler on the Anthropic Principle vs. Divine Design', British Journal for the Philosophy of Science 39 (1988) 389-95; 'What Place, Then, for a Creator?', British Journal for the Philosophy of Science, forthcoming; 'The Caused Beginning of the Universe: A Response to Quentin Smith', mimeograph (1989). Also see John Leslie, 'Anthropic Principle, World Ensemble, Design', American Philosophical Quarterly 19 (1982) 141-151, 'Modem Cosmology and the Creation of Life', in E. McMullin (ed.), Evolution and Creation (South Bend: University of Notre Dame Press, 1985) and numerous other articles.
- See (a) A. Guth, 'Inflationary Universe: A Possible Solution to the Horizon and Flatness Problems', Physical Review D 23 (1981) 347-356; ( A.D. Linde, 'A New Inflationary Universe Scenario', Physical Letters 108B (1982) 389-393, and A. Albrecht and P.I. Steinhardt, Physical Review Letters 48 (1982) 1220ff.; © A.D. Linde, 'The Inflationary Universe', Reports on Progress in Physics 47 (1984) 925-986; (d) E.P. Tryon, 'Is the Universe a Vacuum Fluctuation?', Nature 246 (1973) 396-397, and J.R. Gott, 'Creation of Open Universes from de Sitter Space', Nature 295 (1982) 304-307; (e) J.B. Hartle and S.W. Hawking, 'Wave Function of the Universe', Physical Review D 28 (1983) 2960-2975; (f) H. Everett '"Relative State" Formulation of Quantum Mechanics', Reviews of Modern Physics 29 (1957) 454-462.
Some of these theories are discussed in Quentin Smith, 'World Ensemble Explanations', Pacific Philosphical Quarterly 67 (1986) 73-86 and 'The Uncaused Beginning of the Universe', Philosophy of Science 55 (1988) 39-57.
- The Einstein equation reads
Rab - ½*R*gab + lamda*gab = (8*pi*G/c2)*Tab
Rab is the Ricci tensor of the metric gab, R is the Ricci scalar, lambda is the cosmological constant (probably zero), c is the velocity of light and G is Newton's constant of gravitation. See Einstein's 'The Foundation of the General Theory of Relativity' and 'Cosmological Considerations on the General Theory of Relativity' in Einstein et al., The Principle of Relativity (London: Dover 1923).
The Friedmann solutions, with the cosmological constant omitted are
-3*(d2a/dt2 = 4*pi*G*(p+3*P/c2)*a
3*(da/dt)2 = 8*pi*G*pa2 - 3*k*c2
In these equations a is the scale factor representing the radius of the universe at a given time. da/dt is the rate of change of a with time; it is the rate at which the universe expands or contracts. d2a/dt2 is the rate of change of da/dt; it is the acceleration of the expansion or the deceleration of the contraction. G is Newton's gravitational constant and c the velocity of light. P is the pressure of matter and p its density. k is a constant which takes one of three values: 0 for a flat Euclidean space, -1 for a hyperbolic space, or +1 for a spherical space. See Alexander Friedmann, 'Uber die Krummung des Raumes', Zeitschrift für Physik 10 (1922) 377-386; a translation of this paper appears in A Source Book in Astronomy and Astrophysics: 1900-1975 (eds.) K.R. Lang and O. Gingerich (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1979). Friedmann's second paper on models with negative curvature was first published in Zeitschrift für Physik 21 (1924) 326.
- See, for example, B.G. Schmidt, 'A New Definition of Singular Points in General Relativity' General Relativity and Gravitation 1 (1971) 269-280, and S.W. Hawking and G.F.R Ellis, The Large Scale Structure of Space-Time (Cambridge: Cambridge University Press, 1973).
- That is, for any timelike vector Va, the energy momentum tensor of matter satisfies the inequality (Tab- 1/2gabT)VaVb >=0.
- That is, any timelike or null geodesic contains some point at which
V{a Rb}cd{eVf}VcVd not equal 0.
- SW. Hawking, 'Theoretical Advances in General Relativity', Some Strangeness in the Proportion, (ed.) H. Woolf (Reading, MA: Addison-Wesley, 1980) p. 149.
- S.W. Hawking 'Breakdown of Predictability in Gravitational Collapse', Physical ReviewD 14 (1976) 2460.
- See S.W. Hawking, 'Is the End in Sight for Theoretical Physics?', in Stephen Hawking's Universe, by John Boslough (New York: William Morrow and Co.) p. 145.
- S.W. Hawking, 'Breakdown of Predictability in Gravitational Collapse', op. cit., p. 2460.
- Ibid., p. 2463.
- P. Davies, The Edge of Infinity (New York: Simon and Schuster, 1981 ) p. 161.
- R. Swinburne, The Existence of God (Oxford: Clarendon Press, 1979) p. 147. Swinburne's full definition is that orderly universes are those required by both natural beauty and life. Cf. p. 146.
- See Leslie's articles mentioned in footnote 1.
- For Leslie, 'God' means one of two things. God 'may be identified as the world's creative ethical requiredness [I. e. the ethical requiredness that created the universe] . . . Alternatively [God may be identified] as an existing person, a person creatively responsible for every other existence, who owed his existence to his ethical requiredness.' See his 'Efforts to Explain All Existence', Mind 87 (1978) p. 93. On the second conception of God, God as a person, it is appropriate to refer to him with a personal pronoun ('he'). But on the first conception, the impersonal pronoun 'it' is more appropriate. For simplicity's sake, I use 'he' in the main body of the paper.
- Leslie, 'Modern Cosmology and the Creation of Life', op. cit., p. 112.
- Ibid., p. 92.
- Ibid., p. 95.
- Ibid., pp. 91 and 112.
- I would add that my argument does not require that God create an animate universe in the most efficient way possible, since there may be no 'most efficient way possible', but merely that he create it in an efficient way (which minimally requires that no interventions be needed). Somewhat analogously, Keith Chrzan has soundly argued that 'there is no best possible world' does not entail 'there is no world without evil' and therefore that the 'no best possible world' theodicy fails to demonstrate that evil is a necessary implication of creation and thus fails to explain how God's existence is compatible with the actual world. See Keith Chrzan, 'The Irrelevance of the No Best Possible World Defence', Philosophia 17 (1987) 161-167. The analogy can be seen if we substitute 'most efficient' for 'best possible' and 'without divine intervention' for 'without evil' in the above sentences. I also reject the supposition that the Hawking-Penrose theorems and the principle of ignorance are metaphysically necessary laws of nature and therefore that God had no alternative to creating a singularity that required his intervention. In his interesting article on 'Explaining Existence', Canadian Journal of Philosophy 16 (1986) 713-22, Chris Mortensen entertains the supposition that the laws governing the beginning of the universe are necessary, but concludes, soundly I believe, that this supposition is not particularly credible. I would add that the Kripke-Putnam argument that some laws are necessary (e.g. that water is H2O), even if sound, does not apply to the singularity theorems, for the Kripke-Putnam argument applies only to laws involving ostensively defined terms (e.g. 'water') and 'singularity' is not ostensively defined. See Jarrett Leplin, 'Is Essentialism Unscientific?', Philosophy of Science 55 (1988) 493-510 and 'Reference and Scientific Realism', Studies in History and Philosophy of Science 10 (1979) 265-85.
- R. Penrose, 'Singularities in Cosmology', in Confrontation of Cosmological Theories with Observational Data (ed.) M.S. Longair (Dordrecht: Reidel, 1974) p. 264. Penrose shows how the zero dimensional singularity can be conformally resealed as a three dimensional singularity, which testifies further to the fact that the singularity is thought of as something real.
- R. Geroch and G. Horowitz, 'Global Structure of Spacetime', in General Relativity (eds.) S.W. Hawking and W. Isreal (New York: Cambridge University Press, 1979) p. 267. Geroch and Horowitz go on to argue for the nonstandard position that a study of the global properties of singular spacetimes is a more fruitful line of research than attempts to provide constructions of local singular points.
- Penrose, op. cit., p. 264; the italics are mine. Penrose is best interpreted as speaking loosely in this passage, for strictly speaking there is no 'next instant' after the instant of the singularity (if time is dense or continuous) and the singular point does not topologically transform to an 'infinite' number of causally disconnected regions but to an arbitrarily large finite number.
- W.L. Craig The Kalam Cosmological Argument, op. cit., p. 117.
- Vide, 'Infinity and the Past', Philosophy of Science 54 (1987) 63-75 and section 6 of 'A New Typology of Temporal and Atemporal Permanence', Noûs 23 (1989) 307-330. For a correction to one of my arguments in 'Infinity and the Past' see Ellery Eells, 'Quentin Smith on Infinity and the Past', Philosophy of Science 55 (1988) 453-455.
- Milton Munitz, Cosmic Understanding (Princeton: Princeton University Press. 1986) p. 11l.
- Paul Davies, The Edge of Infinity, op.cit., p. 159.
- W.L. Craig, 'The Caused Beginning of the Universe: A Response to Quentin Smith', op. cit., p. 8.
- Storrs McCall, 'Interpreting Quantum Mechanics Via Quantum Probabilities', mimeograph, 1989.
- Jonathan Bennett. Counterfactuals and Possible Worlds', Canadian Journal of Philosophy 4 (1974) 381-402: Wayne Davies, 'Indicative and Subjunctive Conditionals'. The Philosophical Review 88 (1979) 544-64.
- Robert Stalnaker, 'A Theory of Conditionals' in N. Rescher (ed.) Studies in Logical Theory (Oxford: Blackwell, 1968) 92-112; Richmond Thomason and Robert Stalnaker, 'A Semantic Analysis of Conditional Logic', Theoria 36 (1970) 23-42: Frank Jackson. On Assertion and Indicative Conditionals'. The Philosophical Review 88 (1979) 565ff.
- David Lewis, Counterfactuals (Cambridge: Harvard Univ. Press, 1973).
- W.L. Craig, The Only Wise God: The Compatibility of Divine Foreknowledge and Human Freedom (Grand Rapids: Baker Book House, 1987) p. 144.
- Ibid., p. 143.
- Big Bang cosmology may be modified in certain fundamental respects so that our universe has an explanation in terms of other universes, but the set of all universes will nonetheless remain unexplained. See Quentin Smith, 'A Natural Explanation of the Existence and Laws of Our Universe', Australasian Journal of Philosophy 68 (1990) 22-43.
- Quentin Smith, The Felt Meanings of the World: A Metaphysics of Feeling (West Lafayette: Purdue University Press, 1986) pp. 300-301. In an important study, Milton Munitz has plausibly argued that it is possible that there is a reason for the existence of the universe, such that this reason is not a 'reason' in the sense of a purpose, cause, scientific explanation or evidence (justification) for a belief or statement, but in some unique sense not fully comprehensible by us. This argument is consistent, of course, with the position that there actually is no reason for the existence of the big bang universe and that it is not possible that this universe has a cause or purpose. See his The Mystery of Existence: An Essay in Philosophical Cosmology (New York: Appleton-Century-Crofts, 1965) especially Part Four and the Conclusion.
- I am grateful to Richard Fallon and two anonymous referees for helpful comments on an earlier version of this paper.