Home » » Những ông nghè hiển vinh nhờ vợ

Những ông nghè hiển vinh nhờ vợ

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012 | 20:10


Lịch sử Việt Nam đã chứng minh có không ít nho sinh, học trò đạt được ước mơ khoa bảng, vinh quang với đời cũng là nhờ vào công lao người vợ.
Từ bao đời nay, trong gia đình, người phụ nữ luôn có vai trò vô cùng quan trọng, Người phụ nữ không chỉ sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình, giữ vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ gia đình, còn góp phần hỗ trợ đối với sự nghiệp học tập, thành đạt, thăng tiếng của người chồng.
Trong học tập, công việc, có những lúc người chồng thất bại, giảm sút ý chí và tinh thần, thì người vợ phải thật sự thông cảm, khéo léo động viên và tạo mọi điều kiện để người chồng lấy lại niềm tin, thêm nghị lực. Đó là những biểu hiện của sự khôn ngoan, chín chắn, có bản lĩnh và có văn hóa ở người phụ nữ. Dân gian có câu:
Xin chàng kinh sử học hành
Để em cày cấy cửi canh kịp người
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn trời lộc nước đời đời hiển vinh
Hay như câu nhắc nhở:
Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm.
Bước sang cái trống canh năm,
Trình anh dậy học còn nằm làm chi
Nữa mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên sắm bút cho anh học hành.
Họ sẵn sàng gánh vác những lo toan, cực nhọc, bươn trải nuôi chồng nuôi còn để người đàn ông mình yêu thương có thời gian dành cho học hành.
Anh mau thức dậy học bài
Mong cho anh sớm thành tài
Trước làm đẹp mặt nở mày mẹ cha
Sau là không phụ tình ta bao ngày
Anh về đi học cho ngoan
Để em cửi vải kiếm quan tiền xài.
Ông đồ dạy học (tranh khắc gỗ dân gian)
Hoặc như câu:
Em thời canh cửi trong nhà
Nuôi anh đi học chiếm khoa bảng vàng
Trước là vinh hiển tổ đường
Bỏ công đèn sách lưu gương đời đời.
Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người vợ ngoài việc làm đồng áng cho nhà còn vất vả làm thuê, gặt mướn để có thêm tiền bạc, miễn sao chồng mình có ý học tập mà họ thấy mừng vui, hạnh phúc:
Tháng giêng lúa mới chia vè
Tháng tư lúa đã đỏ hoe đầy đồng.
Chị em đi sắp gánh gồng
Đòn càn tay hái ta cùng ra đi
Khó nghèo cấy mướn gặt thuê
Lấy công đổi của chớ hề luy ai
Tháng hai cho chí tháng mười
Năm mười hai tháng em ngồi em suy
Vụ chiêm em cấy lúa đi
Vụ mùa lúa ré, sớm thì ba giăng.
Thú quê rau cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan.
Việc nhà em liệu lo toan
Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà.
Nhiều người vợ ngoài động viên chồng học hành chăm chỉ còn bày tỏ sẽ hoàn thành tốt nghĩa vụ của người con dâu hiếu thảo, của người vợ hiền tần tảo. Vừa lo toan lao động, làm việc để có tiền gạo nuôi chồng ăn học, phụng dưỡng cha mẹ chồng:
Xin anh đi học cho ngoan
Để em dệt cửi kiếm quan tiền dài.
Quan tiền dài em ngắt làm đôi
Nửa thì giấy bút nửa nuôi mẹ già.
Trong số những câu chuyện nhờ vợ mà học hành giỏi giang, thành đạt nên người, quan cao chức trọng có lẽ nổi tiếng nhất là câu chuyện của vợ chồng Tiến sĩ Lê Quát đời Trần.
Lê Quát (có tên khác là Lê Bá Quát) tự là Bá Đạt, hiệu là Mai Phong, người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, lộ Thanh Hoa (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) nổi tiếng về tài thơ văn, chuộng chính học, ghét mê tín dị đoan. Năm Giáp Dần (1314) đời Trần Minh Tông ông thi đỗ Thái học sinh, sau làm quan đến chức Thượng thư hữu bật, Nhập nội hành khiển.
Lê Quát vốn là người mặt mũi khôi ngô nhưng do nhà nghèo nên không có điều kiện đi học, phải làm nghề quét chợ để kiếm sống, mọi người quen gọi là anh Quét. Do cơ duyên, Lê Quát lấy được người vợ thông minh, tài giỏi, con gái một viên quan trong vùng; muốn chồng lập lên danh nghiệp, bà đã cùng mẹ chồng lo toan, gánh vác công việc, tần tảo làm ăn buôn bán để có tiền cho chồng đi học.
Thời gian đầu Lê Quát học rất tối dạ, dạy mãi không thấy tiến bộ nên thầy đồ đành gọi vợ ông đến trả chồng. Trên đường về nhà gặp một cụ già đang mài thanh sắt để làm kim khâu, qua cây cầu đá thấy nước chảy ăn mòn chân cầu, vợ ông đã lấy những hình ảnh này để động viên, khích lệ chồng. Hiểu được điều đó, Lê Quát quay lại nhà thầy xin tiếp tục học, cố công gắng sức và rồi những nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng.
Bên cạnh việc khuyên nhủ có những trường hợp người vợ còn sử dụng những biện pháp cương quyết để khích lệ, thức tỉnh chồng trong việc học hành, nhờ đó mà người chống quyết chí thành tài, có thể kể ra dưới đây hai tấm gương tiêu biểu, đó là vợ của Tiến sĩ đời Mạc là Đồng Đắc và Tiến sĩ đời Hậu Lê là Trần Văn Trứ.
Đồng Đắc, quê ở xã Triều Dương, huyện Chí Linh (Hải Dương) đỗ Tiến sĩ năm 1568 đời vua Mạc Mậu Hợp; ông là em của Hoàng giáp Tiến sĩ Đồng Hãng. Khi người anh đã đỗ Tiến sĩ và làm quan to trong triều thì Đồng Đắc học hành không tốt, thi mãi cũng chỉ đỗ Sinh đồ nên đâm ra chán nản. Vợ ông thấy thế mới nói rằng:
- Nếu ông không chăm học, thi đỗ Tiến sĩ để rửa nhục thì tôi xin trở về nhà bố mẹ đẻ. Trong nhà này, hai chị em dâu, người chồng đỗ cao, người chỉ là sinh đồ, tôi bị người trong họ nói, nhục không chịu nổi.
Đồng Đắc ngẫm nghĩ lời vợ nói cũng thấy xấu hổ bèn đến hỏi anh việc thi cử, được anh động viên, khuyến khích nên ông đã tự tin vào sức mình, quyết chí học ngày học đêm để mở mày mở mặt với làng xóm, họ hàng. Kết quả thành công của ông đã không phụ mong đợi, tin tưởng của mọi người, nhất là vợ ông.
Còn Trần Văn Trứ, quê ở làng Từ Ô, huyện Thanh Miện (Hải Dương) là người nổi tiếng thanh liêm và nhân hậu. Ông đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ năm 1743 hay sáng tác thơ văn, giữ nhiều chức quan to ở trong triều Lê-Trịnh như Hàn lâm viện đãi chế, Thự thiêm đô ngự sử kiêm Quốc Tử Giám trực giảng. Từ trẻ ông đã đỗ Hương cống nên sinh ra kiêu ngạo, chểnh mảng học hành, ham chơi bời; cha ông làm quan trong triều đã nhiều lần nhắc nhở, mắng mỏ nhưng Trần Văn Trứ vẫn không thay đổi tính nết.
Người vợ của ông thấy cha chồng đau khổ, lo lắng vì việc đó nên cũng bao phen khuyên nhủ ân cần, phân tích điều hay lẽ thiệt nhưng không xoay chuyển được, bà liền lễ phép đến lạy cha chồng, làm lễ từ tạ tại bàn thờ gia tiên của nhà chồng rồi về ở với gia đình mẹ đẻ. Biết sự việc như vậy, Trần Văn Trứ rất hối hận, từ đó chuyên tâm dốc chí học hành, chăm chỉ đến nỗi khiến ai ai cũng kinh ngạc. Tay ông không lúc nào rời quyển sách, miệng luôn nhẩm đọc hoặc bàn luận, bình phẩm về kinh sử mê mải như quên hết mọi sự trên đời.
Bấy giờ mọi người đều cho rằng việc học hành, thi cử đỗ đạt của ông có được cũng là nhờ người vợ hiền đã biết thức tỉnh chồng không sa đà, tuột dốc.
Có thể thấy, để có một nền văn hóa phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc có cống hiến của biết bao thế hệ người Việt Nam gây dựng hàng ngàn đời nay trong đó có phần cống hiến không nhỏ của nhân tài. Nhân tài xuất hiện nhờ giáo dục, mà ở đó, vai trò của những người mẹ, người vợ là vô cùng to lớn. Từ truyền thống “Hiếu học” và “Tôn sư trọng đạo”, sự nghiệp khuyến học khuyến tài đó đã đóng góp đắc lực vào sự phát triển giáo dục đào tạo nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung; xây dựng lên một xã hội học tập; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Tác giả bài viết: Lê Hùng Phong
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved