Home » » Nam phong tạp chí

Nam phong tạp chí

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012 | 20:20


Ngay trong số 1 ra tháng 7 năm 1917 của Nam Phong Văn học-Khoa học tạp chí, Phạm Quỳnh đã viết Mấy nhời nói đầu giới thiệu nội dung tạp chí mới xuất bản. Cuối phần I, ông cảm xúc thốt lên lời cảm thán: “Ôi! trong sách có câu: Gió phương nam ấm áp, khá lấy giải được cái lòng hờn giận của dân ta! (Chúng tôi nhấn mạnh – PT) Ước gì bản báo cũng khiến được các bạn đọc báo có cái cảm giác như cái cảm giác gió Nam Phong! Bởi thế, đặt tên báo.”
Đó là lần đầu tiên mà cũng là duy nhất ông trực tiếp nói rõ vì sao đã đặt tên báo là Nam Phong. Đáng chú ý là câu “Ước gì bản báo cũng khiến được các bạn đọc báo có cái cảm giác như cái cảm giác gió Nam Phong!” Mà cái cảm giác ấy, chính ông đã nói rất rõ ràng ở vế trên là “Gió phương nam ấm áp khá lấy giải được cái lòng hờn giận của dân ta!”
Nhà giáo xứ Huế Vĩnh Ba, trong bài Nhà văn hóa Phạm Quỳnh đăng trên tạp chí Huế xưa và nay số 83 (9-10/2007) viết rõ hơn, như sau:“Phạm Quỳnh đã đặt tên báo dựa trên bài phong dao (tương truyền do vua Thuấn sáng tác) trong Kinh Thi “Nam Phong ca: “Nam phong chi huân hề/ Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề/Nam phong chi thời hề/ Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề.” (Dịch thơ: Gió Nam mát mẻ vậy thay/ Giải tan sầu muộn bao ngày của dân/ Gió Nam thổi đúng lúc cần/ Sẽ mang phú quí cho dân lâu dài)”
“Qua bài thơ ta thấy được khát vọng của một nhà làm văn hóa, hay tâm tình của một trí thức Tây học trong một thời kỳ đầy khó khăn của đất nước ta. Vậy “Gió Nam” là gì mà lại đem đến cho nhân dân một ơn ích lớn lao như thế? Theo Phạm Quỳnh, “Gió Nam” chính là nền quốc văn làm nền tảng cho nền quốc học của dân tộc Việt Nam. Ông viết: “ Không có quốc văn thì không thể nào có quốc học. Không có quốc học thì không thể nào có độc lập tinh thần. Không có độc lập tinh thần thì không có độc lập chính trị” (Nam Phong tạp chí số 146, tháng 7/1931).
Còn Trần Gia Phụng, nhà sử học hiện sống ở Canada thì viết trong chú thích số 11 của bài Trường hợp Phạm Quỳnh in trong tập Giải oan lập một đàn tràng (Tâm Nguyện phát hành tại Hoa Kỳ, năm 2001) là: “ Nam Phong thường được người Pháp dịch một cách đơn giản là “gió nam” (vent du sud, vent du midi). Điều này dựa trên một bài thơ trong Kinh Thi thời vua Thuấn (trị vì 2256-2208 trước công nguyên): Nam phong chi huân hề/ Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề/Nam phong chi thời hề/ Khả dĩ phủ ngô dân chi tài hề”. Tạm dịch nghĩa: “Gió nam ấm áp sao/ Có thể giải mối lo cho dân ta/ Gió nam đúng thời sao/ Có thể giúp dân ta được no ấm.” (tiền của) (Bài thơ này trích từ Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam, Trí Đăng, Sài Gòn 1973 trang 95). Như thế chưa diễn tả được hết tinh thần của chữ Nam Phong mà Phạm Quỳnh đã chọn. Tên báo Nam Phong bắt nguồn từ ảnh hưởng tinh thần chung của Kinh Thi, một trong 9 bộ sách kinh điển của Nho giáo. Kinh Thi là bộ sách chép những bài ca, bài dao từ đời thượng cổ đến đời vua Bình Vương (thế kỷ thứ 8 trước công nguyên) và nhà Chu bên Trung Hoa. Bộ Kinh Thi gồm ba phần là “Phong”, “Nhã” và “Tụng”. Phần “Phong” là những bài ca, bài dao về phong tục dân gian như “Mân phong” nói về tục cần kiệm của nước Mân, “Vệ phong” nói về tục luyến ái của người nước Vệ, “Tần phong” nói về sự hối quá của nước Tần (Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển thượng, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu, 1971, trang 156). Lấy tên là Nam Phong, Phạm Quỳnh tỏ rõ tinh thần dân tộc muốn phổ biến và đề cao văn hóa, phong tục của người Việt Nam.”
*
* *
Phạm Quỳnh có nhiều bút danh như Hồng Nhân, Hoa Đường, Thiếu Hoa Đường… Nhưng bút danh ông thường dùng nhất là Thượng Chi. Bản thân ông chưa khi nào giải thích vì sao lại lấy bút danh đó. Cho nên nhiều người đã cố công tìm cách giải thích. Xin kể ra đây vài ý kiến để bạn đọc tham khảo.
Phan Kính Đức, trong tập Giải oan lập một đàn tràng (sách đã dẫn) viết: “bút hiệu ông thường dùng Thượng Chi có nghĩa: quí trọng đề cao những gì hay và đẹp.” mà không giải thích gì hết. Trần Huy Tiên, trong bài Các loại danh nhân Việt Nam (trên Văn hóa nguyệt san, số 62 tháng 7/1961 tại Sài Gòn) viết: “Có lẽ là do hai chữ đầu trong câu Kinh Thi có liên hệ đến chữ Quỳnh là tên ông Phạm “ Thượng Chi dĩ quỳnh hoa hồ nhi” nghĩa là: “Để thêm vào những cái ấy (những đồ trang sức của một người đàn bà trong đám cưới nói trên) nên lấy hoa tai ngọc quỳnh mà thêm”. Phải chăng ông Phạm kín đáo tự ví mình là một đóa hoa quỳnh tô điểm cho nền văn hóa Việt Nam?”.
Còn theo nhà giáo Vĩnh Ba (bài đã dẫn) thì: “Theo giáo sư Tôn Thất Quy, Thượng Chi là trích từ ba câu trong bài thơ “Trữ” thiên Tề Phong Kinh Thi (…) Thượng chi dĩ quỳnh hoa hồ nhi (Lại có thêm đá quỳnh hoa che khuôn mặt (xinh đẹp của cô gái))/ Thượng chi dĩ quỳnh vinh hồ nhi (Lại có thêm đá quỳnh vinh che mặt)/ Thượng chi dĩ quỳnh anh hồ nhi (Lại có thêm đá quỳnh anh che mặt).
Thượng Chi có nghĩa là lại có thêm, cần có thêm tức thu nhập thêm những cái hay đẹp của các nền văn minh khác (các loại đá quỳnh-Quỳnh cũng là tên của ông, một cách chơi chữ tế nhị) bên cạnh bản sắc dân tộc đáng quí của chúng ta (khuôn mặt xinh đẹp của cô gái).”
Chúng tôi nêu ra đây, mong được biết thêm nhiều ý kiến của quí bạn.
---
Thành phố Hồ Chí Minh, 11/12/2009.
D.T
Tác giả bài viết: Dã Thảo
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved