Trong lịch sử Việt Nam có những vị vua ngoài tên huý, tên tự, niên hiệu, miếu hiệu... còn có cả những biệt danh thú vị.
Những biệt danh này do dân gian đặt ra, có tốt có xấu, gắn liền với đặc điểm, chiến tích hoặc mang hàm ý phê phán phẩm chất, tư cách đạo đức của vị vua đó. Dưới đây là biệt danh của một số vị vua mà lịch sử và giai thoại dân gian đã ghi nhận:
Dạ Trạch Vương
Ông tên thật là Triệu Quang Phục, con trai của Triệu Túc, hào trưởng huyện Chu Diên (nay là vùng tiếp giáp giữa Hà Tây và Vĩnh Phúc). Năm Nhâm Tuất (542) khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, hai cha con ông liền đem quân hưởng ứng và có đóng góp tích cực trong cuộc chiến lật đổ ách đô hộ của giặc Lương.
Năm Giáp Tý (544) khi nước Vạn Xuân được thành lập, Lý Nam Đế (Lý Bí) phong cho Triệu Quang Phục chức Tả tướng quân... Đến giữa năm Bính Dần (546), sau trận kịch chiến ở hồ Điển Triệt (nay thuộc Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đánh giặc Lương xâm lược, lực lượng của Lý Nam Đế bị thiệt hại nặng, vua liền giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục và rút vào vùng động Khuất Lão (nay thuộc Tam Nông, Phú Thọ) rồi sau lâm bệnh mất ở đó.
Năm Mậu Thìn (548), khi nghe tin Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên làm vua xưng là Triệu Việt Vương nhưng nhân dân vẫn quen gọi ông là Dạ Trạch Vương bởi đầm Dạ Trạch nơi ông đóng quân gắn liền với sự tích về mối duyên kỳ ngộ giữa nàng công chúa Tiên Dung, con vua Hùng thứ 18 với chàng đánh cá nghèo Chử Đồng Tử. Đến năm Đinh Sửu (557) sau khi đánh bại giặc Lương, giành độc lập cho đất nước, Triệu Quang Phục mới rút quân khỏi đầm Dạ Trạch về đóng đô ở Long Biên (Hà Nội ngày nay). Tuy nhiên Dạ Trạch Vương (vua đầm một đêm) vẫn là tên gọi gần gũi trong giai thoại dân gian của Triệu Quang Phục.
Mai Hắc Đế
Tên thật là Mai Thúc Loan, ông còn có tên khác là Mai Huyền Thành, quê ở Mai Lâm (nay thuộc Thạch Hà, Hà Tĩnh). Năm Nhâm Tuất (722) không chịu được sự áp bức, bóc lột nặng nề, tàn bạo của bọn quan quân đô hộ nhà Đường, Mai Thúc Loan đã kêu gọi nhân dân nổi dậy. Nghĩa quân do ông chỉ huy đã xây dựng đại bản doanh ở Hùng Sơn (tức núi Đụn, nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An), xây thành Vạn An và lập căn cứ dọc theo sông Lam.
Lăng mộ vua Mai Hắc Đế ở Nam Đàn, Nghệ An
Để quy tụ lòng người, Mai Thúc Loan đã lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Mai Đại Đế rồi cho sứ đi thông hiếu, liên kết với các tù trưởng của 32 châu xung quanh và quân của các nước Champa, Chân Lạp, Kim Lân. Do Mai Thúc Loan có sức vóc to khoẻ, nước da đen bóng nên người đời thường gọi ông là Mai Hắc Đế (vua đen họ Mai)… Ít lâu sau, 10 vạn quân nhà Đường do Quang Sở Khách cầm đầu đã kéo vào đàn áp cuộc khởi nghĩa, do chênh lệch về lực lượng nên nghĩa quân thua to, Mai Thúc Loan phải rút chạy vào rừng núi rồi mất ở đó. Trước tinh thần bất khuất của ông, lòng tri ân, sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với công lao của Mai Thúc Loan vẫn còn mãi mãi.
Lệ chi tuyệt cống Đường như hậu
Dân đáo vu kim thụ trứ trường
(Vải không phải cống cho nhà Đường nữa
Dân đến nay vẫn chịu mãi ơn ông)
Dân đáo vu kim thụ trứ trường
(Vải không phải cống cho nhà Đường nữa
Dân đến nay vẫn chịu mãi ơn ông)
Bạch Đầu Đế
Ông tên thật là Mai Kỳ Sơn, con thứ 3 của Mai Hắc Đế. Tháng 10 năm Qúy Hợi (723), khi nghe tin căn cứ Hùng Sơn thất thủ (Hùng Sơn còn gọi là Núi Đụn nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An), em trai là Mai Thiếu Đế tử trận nên ông được nhân dân tôn lên làm vua ở Điều Yêu (nay thuộc An Hải, huyện An Lão, Hải Phòng) để tục lãnh đạo cuộc chiến chống giặc Đường ở vùng duyên hải miền Đông Bắc. Do có mái tóc bạc bẩm sinh nên nhân dân thường gọi ông là Bạch Đầu Đế (Hoàng đế đầu bạc). Về sau trong một trận đánh cuối năm Qúy Hợi (723), Mai Kỳ Sơn trúng tên độc mà mất.
Vạn Thắng Vương
Đây chính là biệt danh của Đinh Bộ Lĩnh, ông là con thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ, quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay thuộc Hoa Lư, Ninh Bình). Sau khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn chết trận năm Ất Sửu (965), đất nước rơi vào trạng thái hỗn loạn, các hào trưởng, sứ quân nổi lên khắp nơi, đánh giết lẫn nhau, sử gọi là “loạn 12 sứ quân”. Đinh Bộ Lĩnh theo về với sứ quân Trần Lãm và đóng góp nhiều công lao nên dần dần được Trần Lãm tin yêu, sau đó giao hết binh quyền lại cho ông.
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng (hay Vạn Thắng Vương), thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, Ninh Bình
Là một người mang hoài bão lớn, khi có lực lượng trong tay, Đinh Bộ Lĩnh thể hiện ý chí thống nhất đất nước, đáp ứng được sứ mệnh lịch sử và lòng mong mỏi của nhân dân nên quân của ông đánh đâu thắng đó, các sứ quân lần lượt bị tiêu diệt hoặc quy phục, người đời suy tôn gọi là Vạn Thắng Vương. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lập ra nhà Đinh.
Ngọa Triều
Tên thật là Lê Long Đĩnh, còn có tên khác là Chí Trung, con trai thứ 5 của vua Lê Hoàn, được phong tước là Khai Minh Vương… Năm Ất Tị (1005) Lê Long Đĩnh sai người ngầm lẻn vào cung giết anh là Lê Long Việt rồi cướp ngôi. Theo sử sách mô tả thì Lê Long Đĩnh là người “làm việc càn rỡ”, “thích dâm đãng, tàn bạo” (Đại Việt sử ký toàn thư), thi hành những hình pháp ác độc, bạo ngược, áp dụng nhiều cách hành hình dã man…
Lê Long Đĩnh là người hoang dâm vô độ, mắc bệnh trĩ nặng không thể ngồi được, phải nằm để thiết triều do đó sử sách thường gọi là Lê Ngọa Triều. Đến tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lê Ngọa Triều ốm chết, triều Tiền Lê đến đây chấm dứt.
Tượng vua Lê Ngọa Triều ở đền vua Lê (Ninh Bình)
Vua Quỷ
Đó là vua Lê Uy Mục, tên thật là Lê Tuấn, ngoài ra còn có tên khác là Huyên. Lên ngôi cuối năm Giáp Tý (1504), Lê Uy Mục đã bộc lộ ngay bản tính bạo tàn của mình bằng việc giết hại tổ mẫu là Thái hoàng thái hậu cùng nhiều đại thần đã không ủng hộ việc lên ngôi của mình như Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật…
Từ khi lên ngôi, Lê Uy Mục chỉ ham rượu chè, gái đẹp và giết chóc; triều chính bỏ bê cho bọn hoạn quan và bên họ ngoại khuynh đảo, lộng hành. Đêm nào Lê Uy Mục cũng cùng với cung nhân uống rượu vô độ, đến khi say thì giết đi; có khi lại bắt quân sĩ lấy gậy đánh nhau để mua vui.
Sứ nhà Minh là Hứa Thiên Tích khi sang, thấy tướng mạo đã làm thơ gọi Uy Mục là “Vua Quỷ” (Quỷ vương). Sự tàn bạo quá đáng của ông “vua quỷ” này đã dẫn tới cuộc nổi dậy của một số người trong tôn thất cùng sự hỗ trợ của nhiều quan lại. Tháng 12 năm Kỷ Tị (1509), Lê Uy Mục bị giết, quân nổi dậy đặt xác vào miệng súng bắn tan cả hài cốt.
Vua Lợn
Người mang biệt danh xấu này là Lê Tương Dực, ông tên thật là Oánh, còn có tên khác là Trừ; sau khi Lê Uy Mục bị giết, được triều thần tôn lên làm vua. Lê Tương Dực cũng là một người chơi bời xa xỉ, cho xây dựng nhiều cung điện, bắt quân lính làm trong nhiều năm, tiền của hao tổn, chết hại nhiều người.
Lê Tương Dực còn là ông vua dâm đãng, gian dâm với các cung nhân của triều trước, đóng thuyền bắt cung nữ cởi truồng chèo thuyền chơi ở Hồ Tây, lấy đó làm thích thú…
Chánh sứ nhà Minh là Trần Nhược Thuỷ khi sang nước ta đã nhận xét: “Quốc vương nước Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn; loạn vong sẽ không bao lâu”. Rất nhiều triều thần đã ra sức can ngăn, khuyên vua sửa mình nhưng không được; thậm chí có người còn bị đánh đòn như trường hợp của Trịnh Duy Sản. Chính vì vậy một số quan lại đã bàn mưu lật đổ; tháng 5 năm Bính Tý (1516) Lê Tương Dực bị giết chết.
Sử sách phê rằng: “…gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít, mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt thuế khoá nặng nề, giết hết các thân vương, giặc giã nổi lên khắp nơi, đương thời gọi là vua Lợn; điềm nguy vong đã hiện ra vậy!” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Chúa Chổm
Tức vua Lê Trang Tông, tên thật là Lê Duy Ninh, còn có tên khác là Huyến, ông là con của vua Lê Chiêu Tông. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông mới 11 tuổi được viên quan Lê Quán ẵm chạy sang Ai Lao (Lào), sau được Nguyễn Kim đón về đưa lên ngôi lúc 19 tuổi.
Theo giai thoại dân gian Lê Trang Tông hồi nhỏ có tên tục là Chổm, mẹ là cô bán rượu xinh đẹp người làng Lủ (Kim Lũ) gần bên sông Tô Lịch, bố cô trước là một viên quan nhỏ của nhà Lê đau lòng trước cảnh vua gặp bước suy vong mà chưa có con nối nghiệp, nên đã bày cho con gái đem hàng đến bán ở chỗ giam, chuốc rượu cho quân canh, chờ dịp lẻn vào tình tự với vua.
Khi được tin cô đã có thai, vua Chiêu Tông lén giao cho cô chiếc ấn ngọc và dặn trốn đi sau này đẻ con trai sẽ có ngày phục thù. Sau đó nhà vua bị họ Mạc giết chết, cô gái làng Lủ lánh đi nơi khác, sinh ra một con trai đặt tên là Chổm. Nhà nghèo, Chổm phải đi làm thuê và kiếm củi nuôi mẹ, những lần vào thành bán củi thường la cà vào ăn ở các quán cơm cửa ô. Chổm ăn hàng nào là hàng ấy hôm đó bán đắt như tôm tươi. Người ta cho là Chổm nhẹ vía, vậy nên các hàng thi nhau chèo kéo mời Chổm ăn, uống rượu chè và sẵn sàng cho chịu. Ðược thể, Chổm đánh chén hoang tàn tiêu pha bạt mạng, nợ đìa khắp nơi; ai đòi Chổm cũng chỉ bảo: Chờ lúc tôi làm nên sẽ trả!...
Sau khi nhà Mạc bị diệt, triều đình nhà Lê trở lại Thăng Long, khi kiệu vua đến cửa ô, tiếng đồn vang khắp nơi, các chủ hàng cơm rượu ùn ùn kéo đến chào đón và đòi nợ cũ của đời vua trước. Vua sai quan lính lấy tiền trả họ; thấy thế, nợ một họ đôn lên gấp mười và khối kẻ cũng mạo nhận là chủ nợ đến đòi khống. Quan hầu cận đếm tiền mãi, trả mỏi tay chưa hết nợ, mà người đòi vẫn kéo đến, bèn tung tiền cho ai nhặt được bao nhiêu thì lấy. Ðến gần cửa Ðại Hưng, đám chủ nợ ngày càng đông, chẳng còn ra thể thống gì, một viên tướng thấy vậy bèn hạ lệnh “Cấm Chỉ” không ai được đòi nữa. Chỗ ấy gần một ngã tư, sau thành tên ngã tư Cấm Chỉ (nay là phố Tống Duy Tân, Hà Nội). Ngày nay còn có câu tục ngữ “Nợ như chúa Chổm” và câu ca dao:
Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm mắc nợ tì tì
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm mắc nợ tì tì
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô
Tác giả bài viết: Lê Thái Dũng