Người làng Gió
Tôi đã rời làng vào mùa gió. Năm ấy, gió lại về sớm hơn. Ngày đầu, ngoài vườn mới xào xạc những tán lá vàng vung vãi cả hoa cau nhưng hôm sau gió cuồn cuộn đổ về, ào ạt thổi đến, tràn qua, kéo vào hẻm núi rồi thốc ngược trở lại. Làng vật vã, từng căn nhà mái ngói xám xịt hay mái tranh được bao bọc luỹ tre đan xen thành bức tường chắn gió đang nghiêng ngả, nghiến rít. Sân rơi đầy lá rụng và những con đường đất quanh làng bắt đầu khô cong, rũ bụi cùng những dáng người lom khom ngược gió. Đêm trước ngày đi, tiếng cha nhỏ giọng trong ánh đèn vừa phụt tắt lẫn tiếng gió đập vào phên cửa đều đều: “Gió về sớm, lúa chưa kịp gặt, đồng làng chắc vào vụ trễ…”. Trong đêm đen, đốm lửa lập loè từ đầu thuốc chao đảo bởi cánh võng và bởi cả tiếng thở dài. Gió vẫn đổ vào hẻm núi rồi thốc ngược trở lại…
Quê tôi trong một cái eo của miền Trung dằng dặc. Một góc eo nhỏ nhoi là làng Gió. Bên kia dãy núi là Tu Bông, bên này là Đá Bia để gió về chia đều hai dãy núi cho hai vùng. Tôi đi, chưa về để mẹ lên thăm thấy tôi và hai đứa bạn đang hì hục viết bài cho toà soạn, người ướt đẫm mồ hôi trong căn phòng mười tám mét vuông với hai chiếc quạt bắt chéo đang quay vùn vụt tạo gió. Bà cười: “Tụi bây về dưới tao, mát phải biết…”. Thằng bạn nhe răng: “Xa quá mẹ ơi, đến hơn ngày đường”. Bà quay nhìn tôi một lúc khẽ nói: “Con độ này mập ra, phố nuôi tốt hơn ở làng…”. Tôi nín lặng, nhẩn nha nhai khoai mẹ dỡ từ bao cói bạc thếch đất làng đỏ quạch. Ngòn ngọt, bùi bùi xen cùng miếng gừng cay nồng đến ứa nước mắt.
Ảnh minh họa
Đêm. Mẹ ở lại. Ngoài đường đã im lắng. Tạm qua sự xô bồ náo nhiệt thì gần như ngày mới bắt đầu. Tôi buông bút, vươn vai định nhoài người ra giường thì mẹ sát cạnh: “Mẹ không ngủ được, xa nhà…”. Ừ phải – khi xa nhà, những ngày đầu tôi không ngủ nổi. Quê tôi là làng Gió mà – gió tứ mùa chuyển dịch, gió chuyên cần, phóng túng, gió ào ạt đi ngang đi dọc. Gió hè thổi dữ dội đầy hào phóng đến khắc nghiệt, đến ram ráp, nóng rực. Gió xuân thì lào thào khô hanh. Gió thu tạt qua bờ tre trong tiếng ầu ơ kẽo kẹt võng đưa bóng xế đổ dài. Còn gió mùa đông bắc mang cả màn mưa bụi và cái lạnh cắt da thịt bao phủ đồi núi lẫn mây mù. Gió đã làm tôi bíu sừng trâu để khỏi ngã hồi bé, nó đã cho tôi co ro trong áo tơi lá và ngâm mình đến tím tái dưới đồng sâu tìm bắt từng con rô, con sặc và cũng chính nó ru tôi thành trai làng mà ra phố thị.
Mẹ vuốt tóc tôi nhè nhẹ như lúc lên mười bị cha đánh đòn nên dúi vào đống rơm khóc tức tưởi chờ mẹ đi chợ làng bên trở về. Bên ngoài đã có tiếng xe vào chợ sớm. Tiếng mẹ ngắt quãng buồn buồn: “Thằng Thìn chết rồi. Nó đào phế liệu rồi cưa trái đạn bị nổ. Con Nga sắp lấy chồng, thằng Bá bỏ xứ đi biệt, thằng Cò sắp có đứa con thứ hai…” Những đứa bạn thiếu thời chăn trâu, câu cá, đi học trường làng, quần áo bạc thếch, khuôn mặt đen gầy vì nắng gió, cơm chỉ ăn no buổi chiều, tối ê a đánh vần dưới ánh đèn tù mù mà ráp chữ, miệng ngáp ngắn ngáp dài lại lăn ra ngủ trên phản gỗ đến mờ sáng; lại tất tả lùa bò, thả vịt, lấy củi. Vòng quay của công việc và cuộc sống, của thời gian trôi qua khiến con người vụt lớn. Nhà Nga sẽ treo biển vu quy bọc lá dừa và chữ song hỷ bằng bẹ thiên tuế bao bọc những cụm hoa dủ dẻ vàng, cô dâu chân bước lên bùn lầy mùa nước, người tựa vào vai chú rể, đằng sau bọn nhỏ áo cánh quần cộc, chân trần vỗ tay hò reo. Họ có mái ấm, có con, lao động giữa mùa nắng cháy da và gió mùa đông bắc buôn buốt. Nhưng hạnh phúc đó là một ngọn lửa, ngọn lửa vùng gió, dù gió thổi ngang, chạy dọc sôi rít reo réo, dù mưa dài tạo bao triều cường đổ về sông bên lở bên bồi, dù trôi cả quãng đồi sau làng.
Mẹ nắm tay, lắc nhẹ: “Hiền chờ con, nhưng con gái có thì…”. Tôi khẽ gật đầu. Hiền học cùng tôi đến hết cấp 2 rồi nghỉ. Ngày tôi rủ em sang trường mới em đã khóc, còn tôi đã lầm lũi băng đồng một mình. Những người bạn khác như Thìn, Sáu cũng ở bên này con mương váng đục và đặt trên vai chiếc cày để ra đồng. Tôi đi khi trời mờ sáng trở về lúc trời chập tối. Hiền đã chờ những buổi học cuối tuần, em đón tôi từ xa tận cây đa già buông rễ. Em lao đến trong gió lộng thổi với thân thể phô căng từng đường nét bởi gió. Tôi nhìn ngơ ngẩn để em thèn thẹn quay đi. Tôi vuốt tóc em như nội từng âu ơ trên cánh võng mỗi mùa gió thu để nhận ra rằng tóc em cũng đón gió và nhân cả mây chiều lằng lặng trôi.
Tôi chưa có niềm vui nào kể từ khi lên phố bằng niềm vui những ngày được ở bên Hiền nơi làng Gió, cho dù vùng đất sau mùa lũ còn trơ cát trắng đến não lòng. Chưa có thứ nào ngọt bằng những trái bắp ven soi mà em nướng vội để tôi cầm đi học khi gió đồng xa thổi về rào rạt. Chưa có vật nào ấm nóng bằng củ khoai em vùi trong tro bếp để đưa tôi lúc trở về qua cánh đồng làng hun hút gió lạnh. Cũng chưa có nụ cười nào đẹp đến phô cả lợi của nội khi thấy tôi và Hiền tranh nhau soi đầu nơi giếng nước và cũng chưa có đôi mắt nào thăm thẳm của Hiền như ráng chiều sẫm màu phía triền dốc đá mỗi khi hạ về. Em vẫn đón và chia tay lần cuối dịp lên đồi gánh củi chuẩn bị cho đợt gió mùa đông bắc. Những quả đồi nhấp nhô có những trảng sim trải dài cây nọ cách quãng cây kia với những cành lá vươn ra phủ lấy nhau và đan xen như một tấm thảm. Từng đợt gió ào ạt hanh khô thổi đến xuống tận chân đồi, cả tấm thảm tím hoa sim rùng rùng chuyển động trong gió. Tôi đứng cùng em trong màu tím sẫm của núi đồi cô quạnh, trong hoang sơ cây cỏ và trong cả đôi mắt rưng rưng, buồn buồn để tôi rời làng.
Cuộc sống đất phố cũng lắm nghiệt ngã. Chén cơm bụi để lên giảng đường mong giảm được đồng tiền chắt chiu của mẹ là một sự khó nhọc của sinh viên gốc rạ. Thư cha gửi lên câu chữ nhọc nhằn: “… điện bắt dìa làng, dẫn dìa nhà ta dui lắm, nhưng dó làm chổng gộng, đội bắt đóng tiền, quê mình chưa có cúm gà, con mà dìa sẽ được ăn căng bụng khỏi thèm như trước…”
Mẹ không tiễn ra ga vì buồn khi lẳng lặng thu xếp gói trầu, bao cói vào trong giỏ tre. Tôi hứa mẹ sẽ về sau khóa học như vẫn thầm nhủ trước đây cho dù trở lên đất phố, cho dù Hiền đã lấy chồng, cho dù tới một ngày nào đó tôi hoàn toàn quên đi ngõ quê đầy dấu chân trâu, vương vãi rơm rạ, đỏ hoa dâm bụt dưới bóng cau già. Quên hẳn tiếng gà gáy buồn buồn buổi trưa, tiếng nghé ban chiều xôn xao khói lam bảng lảng và quên về cái eo miền Trung dằng dặc với góc nhỏ nhoi là làng Gió, vùng đất của gió thênh thang, miệt mài chuyển dịch của gió Nam non, Nam mái, Nam cồ. Nó xuất hiện trong thi ca, nó đi vào lịch sử, nhắc thì nhớ … và cho dù cái làng Gió nhỏ nhoi ấy đi lên từng bước một như những đôi chân trần bám bùn lầy để bước đến bờ đất khô ráo thênh thang.
Mờ sáng mẹ đi, hàng cây tuôn lá ào ạt, dáng mẹ nhỏ nhoi, gầy cong như một dấu hỏi, dấu hỏi cho tôi, cho người đi xa có nhớ về vùng đất của gió, ngõ quê mùa này đã không còn dấu chân một người ra phố, ở phố.
Huỳnh Thạch Thảo (VNQĐ