Home » » Day dứt

Day dứt

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012 | 09:33


Day dứt

June 8, 2012
By admin


Hắn được sinh ra ở một tỉnh cao nguyên, nơi có dã quỳ vàng rực, vương vấn bụi hồng của đất đỏ bazan. Gia cảnh của hắn cũng tầm tầm bậc dưới. Bố hắn là thương binh nên cũng không lao động được nhiều, nhất là khi trái gió trở trời, những vết thương cũ trong người trỗi dậy hành hạ ông. Mẹ hắn là cô giáo nên đồng lương cũng eo hẹp, chẳng dư dả gì. Được cái, những năm học phổ thông, hắn cũng học hành vào loại khá. Rồi hắn vào thành phố học đại học. Mẹ hắn khuyên hắn học ngành sư phạm. Bà vẫn thường nói, nghề sư phạm khó mà giàu nhưng cuộc sống cũng chẳng đến nỗi thiếu thốn, mà có thiếu đi chăng nữa thì đối với chung quanh cũng bình thường thôi.

Còn bố hắn cứ khăng khăng: “Con phải học kinh tế, ngành nào cũng được, kế toán, kiểm toán càng tốt. Thời buổi kinh tế thị trường mà”. Có lẽ bố hắn luôn mơ ước có nhiều tiền để cuộc sống đỡ phải dè sẻn chật vật. Cuộc sống sao cho cũng phải bằng bạn bằng bè. Kẻo người ta xênh xang, không phải băn khoăn lắm vì tiền bạc nhưng mình sao cứ thấy thiếu hoài, thiếu hoài. Nhất là mỗi khi đau yếu thì lại rất cần tiền. Nghe lời bố, hắn đã chọn ngành tài chính. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên những năm học đại học hắn cũng phải vừa học vừa kiếm việc làm thêm để kiếm thêm chút đỉnh trang trải học hành.
Thôi thì, trải qua khá là nhiều việc, nào là bưng bê mỗi dịp đám cưới tổ chức tại nhà hàng, khi ở quán cà phê mỗi tối; rồi cũng có lúc hắn đi làm gia sư. Cực ghê lắm! Nhẫn nhục lắm! Nhưng cái được là hắn vỡ lẽ ra nhiều điều mà trong sách vở ít khi được đề cập. Rồi nhận thức về bạn bè cũng thế. Việc kiếm tiền thêm của hắn cũng có đứa cảm thông, chia sẻ, có đứa tỏ vẻ thương hại nhưng cũng có đứa coi thường. Hắn biết chứ! Nhưng thôi tùy bọn bay. Tao chẳng làm phiền gì bọn bay cả, tao không làm gì trái đạo đức xã hội chi cả, tao cũng chẳng vi phạm điều cấm của pháp luật. Chẳng qua hoàn cảnh đẩy đưa, tao nó thế. Thân tao, tao phải thương chứ. Hắn luôn nghĩ thế và phớt.
Ngay chuyện bước vào năm thứ hai, cả dãy nhà hắn trọ, đứa nào cũng vòi vĩnh gia đình trang bị xe máy để điệu đàng hàng ngày đi học, đi chơi, còn hắn thì cứ vò võ độc hành cùng xe đạp. Kệ. Hắn cứ lùi lũi, mặc cho ai rỗi mồm châm chọc, thậm chí khích bác nữa. Thế rồi, bốn năm học vèo trôi và hắn cũng giành được tấm bằng loại giỏi để bước vào hành trình gian nan kiếm việc làm. Bố hắn có lần khuyên: Cố gắng học con ạ. Học xong, cố kiếm việc làm ở thành phố, chứ về tỉnh lẻ thì xin việc khó lắm mà lại hao phí nhiều nữa chứ. Dẫu sao, ở thành phố gần chục triệu dân, kiếm việc làm cũng dễ hơn. Chỗ này không được thì xin chỗ khác. Chả lẽ học xong lại quạ quay đầu về núi à. Sài Gòn là nơi kinh tế phát triển năng động và có thu nhập cao, chứ ở tỉnh lẻ thì cựa quậy kiếm việc đã khó, cơ hội thăng tiến còn khó hơn. Lúc ấy, hắn thiên về ý nghĩ nơi bố.
Hắn bắt đầu hành trình lang thang kiếm việc làm, đúng hơn là tìm nơi bán sức lao động của mình sau mấy năm ăn học. Bố hắn giới thiệu cho hắn một lô địa chỉ mà những đứa con – bạn của bố hắn đang làm việc ở Sài Gòn. Hắn hỏi han và tiếp cận để được tư vấn kinh nghiệm quý báu của người đi trước. Trong số các anh, các chị trụ lại Sài Gòn cũng làm khá nhiều nghề. Người là giảng viên đại học, người làm việc ở văn phòng, làm việc ở công ty trong nước và công ty nước ngoài đều có cả.
Đúng là mỗi người mỗi vẻ, nhưng có điểm chung là hình như mọi người đều luôn tất bật không được thoải mái cho lắm. Họ, sau ngày làm việc cật lực lại về các nhà trọ rẻ tiền, để nghỉ ngơi và để tái sản xuất sức lao dộng. Chỉ có một hai người được bố mẹ hỗ trợ mua cho căn hộ chung cư là có vẻ ra dáng công chức, viên chức thôi. Có người, việc được giao ở cơ quan làm chưa hoàn thành thì tối đến lại mày mò máy tính đến khuya. Đúng là áp lực công việc thời kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Còn hắn, cũng thế. Hắn xin vào làm ở một công ty tư nhân. Cũng bộn bề công việc nhưng thường hắn hoàn thành tại nhiệm sở, không đến nỗi phải ôm việc về nhà. Lương tháng tròm trèm vài triệu, tháng nào nhiều đám cưới thì hắn sớm phải tạm ứng tại phòng tài vụ. Hắn vẫn trọ căn phòng thời hắn còn là sinh viên. Được cái bà chủ nhà cũng tốt bụng và có lẽ cũng thương hại nữa. Bà luôn lấy giá cả phải chăng, mặc cho giá thuê phòng đối với người khác tăng vùn vụt. Có lúc bà còn vui vẻ: “Cậu là mối của tôi mà! Tôi mà có con gái thì gả phắt cho cậu là yên tâm nhất”. Những lúc ấy, hắn nghĩ cũng vui vui. Lại nói chuyện vợ con. Với hắn, thì chưa dám nghĩ tới việc lấy vợ vì cái tính cả nghĩ của hắn. Lấy vợ rồi thì ở đâu và còn kiếm kế sinh nhai như thế nào nữa chứ.
Đôi lần về thăm bố mẹ, khi hỏi han chuyện vợ con của hắn, có người cứ tưng tửng: “Cháu muốn nhàn cái thân thì bây giờ cứ tìm đến con các quan mà lấy, cháu ạ. Đôi khi xấu tí cũng được, còn tính nết không hợp trước thì hợp sau, lo gì. Miễn là có chỗ dựa đã. Còn nếu cứ đơn thương độc mã, thu nhập không cao thì làm sao bảo đảm cuộc sống gia đình được?”. Lúc ấy, hắn chỉ lắc đầu: Cháu không thích thế! Chính vì cái tính gàn của hắn mà có cô gái con nhà khá giả thích hắn nhưng hắn cứ tảng lờ mà lại ra vẻ không thèm đoái hoài nữa chứ.
Bây giờ, người ta đã có chồng rồi. Chồng người ta lại còn hơn hẳn hắn nhiều phương diện nữa chứ. Nghĩ mà nát cả ruột. Hắn chỉ sợ mình lệ thuộc vào người ta sẽ mất đi quyền tự chủ. Hay là hắn lạc mốt mất rồi? Bạn bè hắn cũng có đứa có vợ có chồng cả rồi. Nhất là đám con gái, ra trường được một hai năm, có việc làm là tếch lên xe hoa… Còn hắn sao cứ bâng khuâng trước ngã ba đời. Cái nghèo đeo bám hắn làm cho hắn tụt hậu với thời cuộc ư? Nếu thế thì phải làm gì chứ? Nhất là chiều nay, em gái hắn gọi cho hắn nói rằng dạo này bố không được khỏe mà mẹ hắn thì cũng sắp nghỉ hưu rồi. Mẹ hắn đã cậy cục nhờ người quen xin cho hắn được một suất làm việc ở ngân hàng gần nhà.
Với cái lý của mẹ hắn là: “Anh mày ra trường mấy năm nay, cứ vật vờ ở thành phố làm gì, kiếm được tiền nhưng rồi lại chi trả hết từ tiền nhà trọ cho đến muôn khoản chi tiêu nơi thành phố. Có tiết kiệm được đồng nào đâu. Chưa kể, lần nào về mẹ cũng dúi cho ít tiền. Sao bằng về cao nguyên mà công tác, vừa gần nhà, lại gần bố mẹ chẳng phải thuê nhà, hơn nữa mọi sinh hoạt so với thành phố còn rẻ chán! Gần bố, gần mẹ vẫn hơn”. Hắn hỏi: “Thế bố có nói gì không?”. “Bố không nói gì cả, nhưng nhìn vào mắt bố, em thấy bố buồn và bất lực, thương cho anh. Hình như bố cũng muốn anh quay trở lại vùng đất đã sinh ra anh để công tác, để được gần mẹ, gần cha. Anh đỡ phải vật vờ nơi nhà thuê, quán trọ. Rồi, anh cũng phải lấy vợ nữa chứ”.
Nghe em gái giãi bày mà hắn thấy rưng rưng như cảm thấy mình có lỗi với cha, với mẹ. Nhà chỉ có hai anh em thôi. Em gái hắn cũng đã là cô giáo và mới lấy chồng. Thôi thì anh em “kiến giả nhất phận”. Thế là ổn rồi! Còn hắn, sao đây? Đã có lần hắn bàn với bố mẹ là bán toàn bộ vườn tược đất cát đi xuống Sài Gòn mua nhà để ở. Nhưng rồi tính đi, tính lại thì thấy rằng toàn bộ gia tài nhà hắn có bán đi, xuống Sài Gòn cũng không mua nổi nhà, có chăng chỉ đủ mua căn hộ chung cư mức trung bình. Nhưng nói tới chung cư thì cả bố lẫn mẹ đều không thích, phản đối ầm ầm. Còn đi vay? Vay ư? Lấy gì mà trả. Thế là, việc mời bố mẹ di cư vào Sài Gòn sinh sống thất bại hoàn toàn…
Hắn miệt mài suy nghĩ, trăn trở cả đêm. Lần giở lại từng trang, từng trang từ ngày xuống núi học hành đến giờ. Hắn tự thấy mình khôn hơn trước nhiều. Cái tính thích độc lập tự chủ, không muốn phiền lụy ai khiến hắn cảm thấy kiêu hãnh và tự hào. Và, lần này cũng thế. Hắn quyết rồi! Ngày mai hắn trở lại cao nguyên.
(Theo SGGP)

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved