Home » » BINH THƯ YẾU LƯỢC-5

BINH THƯ YẾU LƯỢC-5

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012 | 23:30

132.- VIỆC CỦA TƯỚNG SÚY:

Việc của tướng quân là yên tĩnh để được sâu kín, ngay thẳng để sửa trị, bịt tai bịt mắt của sĩ tốt để chúng không biết gì, thay đổi mưu để chúng không hiểu, thay chỗ ở đổi đường đi để không ai tính toán được điều gì.

Thời kỳ dấy binh cũng giống như trèo cao mà vứt thang đi. Đem quân đi sâu vào đất chư hầu cũng giống như bắn tên, giống như xua đàn dê, xua đi thì đi, xua lại thì lại mà chẳng biết phải đi đâu. Nhóm họp ba quân đông đảo, ném chúng vào nơi nguy hiểm, đó là việc của tướng quân.

Luận về việc làm thì việc xưa khác việc nay. Việc nhiều thì phép tắc cũng nhiều, thời thay đổi thì lý cũng thay đổi. Cho nên giỏi đọc binh pháp ngàn xưa, thấy có chỗ không thích hợp thì chớ chấp nhận, thấy lời nói bậy thì biết sai lầm, như thế cũng chưa đủ để biết quyết đoán, để phân biệt điều nào đúng, điều nào sai.

Vật gì nổi phồng thì đi lên, nên đoạt lấy để mà thoát. Ngăn cấm mà lại thi hành, răn đe mà lại làm ra, xét thưa mà đặt dầy, do một bên mà được toàn thể, khi làm ra thì thấy kỳ diệu, bộ máy biến hóa tuần hoàn. Người ta câu nệ vì phép tắc mà ta thì bày ra phép tắc. Ai đặt phép hay thì thần linh làm sáng phép ấy.

133.- HỌC HỎI:

Xét tính mệnh để rõ nguồn gốc việc binh. Tìm tòi sử xưa để thấy dấu vết của việc binh. Biết hết tượng số để thấu triệt tượng trưng của việc binh. Biết thời vụ để thông suốt qui tắc của việc binh. Khảo sát khí cụ để biết rõ các vật dụng trong nghề binh. Khi tĩnh có thể lập mưu mà không để tiết lộ ra ngoài. Khi ra ngoài ắt tìm tòi điều mong muốn của người để sửa trị thiên hạ.

134.- LỄ TƯỚNG:

Tướng mùa đông không mặc áo cầu, mùa hè không phẩy quạt, gặp mưa không che lọng, đó gọi là lễ tướng, chẳng tự mình theo lễ thì không thể biết sự nóng rét của sĩ tốt. Ra khỏi nơi quan ải, gặp đường bùn lầy, tướng phải xuống bước đi bộ, đó gọi là lực tướng, nếu chẳng ráng sức thì chẳng biết sự lao khổ của sĩ tốt.

Khi đóng quân, chờ quân đã sắp đặt xong, tướng mới vào quán nghỉ, chờ thức ăn quân sĩ nấu chín xong, tướng mới ăn, quân không đốt lửa thì tướng cũng không đốt lửa, đó gọi là ngăn điều muốn. Nếu tướng không ngăn điều thèm muốn thì không biết sự no đói của sĩ tốt.


CHỌN LỰA ĐỂ HUẤN LUYỆN


135.- CHIA LOẠI ĐỂ LUYỆN TẬP:

Hỏi: Phép luyện tập sĩ tốt phải như thế nào?
Đáp: Trong quân nếu có những kẻ mạnh dạn, liều chết, không sợ bị thương tích thì gom họ lại thành một toán gọi là quân xông pha gươm giáo (quân cảm tử).

- Nếu có những kẻ trèo cao, vượt xa, nhanh chân, chạy giỏi, thì gom họ lại thành một toán gọi là quan binh.

- Nếu có hạng vương thần thất thế muốn được lập công trở lại thì gom họ thành một toán gọi là quân tử đấu (liều chết).

- Nếu hạng con em của tướng chết trận muốn báo thù cho tướng ấy thì gom lại thành một toán gọi là quân tử phẫn (phẫn uất mà liều chết).

- Nếu có những kẻ nghèo khó tức giận muốn được thỏa chí thì gom họ lại thành một toán gọi là quân tất tử (quyết chết).

136.- QUI CỦ:

Vua Đường Thái Tôn nói: Gia Cát Lượng nói là binh có quy củ mà tướng bất tài cũng sẽ không thể thất bại, binh không có quy củ mà tướng tài giỏi cũng không thể thắng được. Trẫm nghi ngờ rằng bàn luận ấy chưa được chí lý.

Lý Tịnh đáp rằng: Võ Hầu nói như thế hơi quá đáng. Thần xét Tôn Tử có nói rằng: Răn dạy và tập luyện không sáng suốt, lại và tốt thay đổi không thường, bày trận ngang dọc, đó gọi là rối loạn. Từ xưa các trường hợp nhờ quân ta rối loạn mà địch được thắng lợi không thể đếm xuể. Răn dạy không sáng suốt có nghĩa là giáo huấn và kiểm soát không đúng theo phép xưa. Lại và tốt không thường có nghĩa là tướng tá và quan lại giữ chức được lâu. Quân ta loạn đem lại thắng lợi cho địch có nghĩa là quân ta tự tan vỡ, chớ không phải địch đánh thắng ta. Bởi thế cho nên Võ Hầu nói là sĩ tốt có qui củ thì dầu tướng súy là người tầm thường, binh ấy cũng không thất bại. Nếu sĩ tốt tự rối loạn, dầu là tướng tài cũng phải chịu nguy hại, như thế không còn nghi ngờ gì nữa.

Vua Thái Tôn nói: Về phép giáo duyệt thì phải tín thực, không thể sao nhãng.

Tịnh nói: Dạy mà đúng đạo thì quân sĩ vui lòng làm theo. Dạy mà không đúng phép thì tuy sáng thúc giục, chiều quở trách cũng không ích gì cho công việc. Hạ thần thường xuyên xét qui chế đời cổ, soạn được nhiều đồ hình nhờ đó tổ chức được đạo binh có qui chế.

Vua Thái Tôn nói: Khanh hãy vì ta mà kể lại các trận pháp, nhất là các đồ hình.

137.- TRẬN LỤC HOA:

Vua Thái Tôn nói: Trẫm cùng Lý Tích bàn luận về binh pháp phần nhiều cũng giống với ý kiến của khanh, chỉ có khác là Lý Tích không cứu xét đến xuất xứ. Hỏi khanh chế trận pháp lục Hoa từ thuật nào mà ra?

Tịnh nói: Tôi vốn học theo phép Bát Trận của Gia Cát Lượng, trận lớn bọc trận nhỏ, các góc các cạnh đều liền nhau, khúc chiết đối diện nhau. Đời xưa bày ra như thế, hạ thần theo đó mà vẽ đồ hình, cho nên bên ngoài vẽ hình vuông, bên trong vẽ vòng tròn, do đó mà có tên trận là Lục Hoa.

Vua Thái Tôn hỏi: Trong tròn, ngoài vuông, vì sao gọi như thế?

Tịnh đáp: Vuông sinh ở bộ, tròn sinh ở kỳ, dùng vuông làm qui củ cho bộ, dùng tròn để nối vòng quanh, Như thế bộ số định ở đất, hàng nối ứng với trời. Khi bộ được định, vòng nối được tề chỉnh thì sự biến báo không loạn. Bát trận mà làm sáu là phép cũ của Võ Hầu.

Vua Thái Tôn nói: Vẽ hình vuông để thấy bộ, điểm vòng tròn để thấy binh. Về bộ thì dạy phép dùng chân, về binh thì dạy phép dùng tay. Khi tay chân đều được tiện lợi, như thế là quá nửa rồi chăng?

Tịnh nói: Ngô Khởi nói rằng: Xa mà không lìa, lui mà không tan, đó là bộ pháp. Dạy quân sĩ cũng giống như bày cờ trên bàn, nếu không vẽ đường cho cờ đi, thì làm sao đánh cờ được? Tôn Tử nói rằng: Đo đất đai để biết rộng hẹp, dài ngắn, đo rồi thì phải ước lượng để biết nhiều ít, ước lượng rồi thì phải tính số, tính số rồi thì phải cân nhắc để biết nặng nhẹ, cân nhắc rồi thì sự thắng bại có thể quyết đoán được. Binh thắng giống như lấy quả dật (20 lạng) so với quả thù (1/24 lạng). Binh bại giống như lấy quả thù so với quả dật, tất cả đều do sự đo lường vuông tròn cả.

Vua Thái Tôn nói: Sâu sắc thay lời nói của Tôn Tử. Không đo lường thế đất xa hay gần, hình dạng rộng hay hẹp thì làm sao đặt ra tiết độ được?

Tịnh nói: Tướng quân tầm thường có thể biết tiết độ được. Kẻ đánh giỏi có thế đánh rất nguy hiểm, thời nhịp hành động của họ thật chớp nhoáng, thế đánh giống như giương nỏ, thời nhịp giống như phóng tên.

Hạ thần theo thuật ấy, phàm khi lập đội đều để cách nhau mười bước, trú đội cách sư đội hai mươi bước, mỗi khoảng cách một đội, lập một chiến đội, phía trước tiến lên lấy năm bước làm tiết, nghe một tiếng giốc thì các đội đều tản ra, đứng không cách nhau quá mười bước. Đến tiếng giốc thứ tư thì những quân cầm thương đều quì xuống. Bấy giờ đánh ba tiếng trống, hô lên ba tiếng, để chế ngự sự biến hóa của quân địch từ ba mươi đến năm mươi bước. Đến khi gặp việc thì xếp đằng trước là chính, đằng sau là kỳ, để xem địch ra sao. Đến khi đánh trống lần nữa thì sắp kỳ ở đằng trước, sắp chính ở đàng sau, chờ địch đến để xem chỗ sơ hở, yếu ớt của địch. Trận Lục Hoa đại để là như thế.

138.- CỜ XÍ:

Vua Thái Tôn hỏi: Về phương sắc lấy năm cờ làm chính chăng? Dùng cờ phan vẫy xông vào đánh làm kỳ chăng? Lấy phân hợp làm biến, lấy số đội cho thích nghi chăng?

Tịnh nói: Hạ thần dùng theo phép xưa, phàm ba đội hợp lại thì cờ dựa vào nhau mà không tréo nhau, năm đội hợp thì hai cờ tréo nhau, mười đội hợp thì năm cờ tréo nhau. Thổi tiếng giốc, mở năm lá cờ tréo nhau thì một lại tản ra làm mười, mở hai lá cờ tréo nhau thì một lại tản ra làm năm, mở thứ cờ dựa nhau mà không tréo nhau thì một lại tản ra làm ba. Binh tản thì lấy hợp làm kỳ, binh hợp thì lấy tản làm kỳ.Dặn dò đôi ba phen rằng ba tản năm hợp rồi trở về chính. Như thế bốn sư, tám đuôi có thể tập hợp được, phép sử dụng đội ngũ mới thích nghi được.

Vua Thái Tôn khen hay.

139.- PHÉP HOẠCH ĐỊA:

Vua Thái Tôn hỏi: Sách Thái Công nói rằng: Đất vuông hoặc 600 bước, hoặc 60 bước, đều tiêu biểu cho 12 giờ, thuật ấy như sao?

Tịnh đáp: Vạch đất vuông 2200 bước, là hình khai phương. Mỗi bộ chiếm đất vuông vức 20 bước, bề ngang 5 bước đặt một người, bề dọc 4 bước đặt một người. Tất cả 2500 người chia ra 5 phương, là không địa và bổn xứ. Cái gọi là khoảng trận là chỗ chứa trận vậy. Võ Vương đánh Trụ, dùng quân hổ bôn là 3.000 người, mỗi trận 6.000 người, cộng lại là 3 vạn quân, đó là phép hoạch địa (chia đất) của Thái Công.

*
* *
Vua Thái Tôn hỏi: Trận Lục Hoa của khanh chiếm bao nhiều đất?

Tịnh đáp: Đất Đại Duyệt vuông vức 1300 bước, nghĩa là Lục Trận chiếm 400 bước chia ra hai khu đông tây. Không địa 1200 bước là chỗ dạy đánh. Hạ thần thường dạy 3 vạn quân sĩ, mỗi trận 5.000 người, lấy một trận để dạy phép cất dinh trại, lấy năm trận để xếp đặt hìnhn thế vuông, tròn, cong, thẳng, nhọn. Mỗi trận có năm lần biến, tổng cộng là 25 lần biến trở lên.

Vua Thái Tôn hỏi: Trận Ngũ Hành như thế nào?

Tịnh đáp: Vốn theo 5 phương, sắc mà đặt ra tên ấy, còn 5 trận vuông, tròn, cong, thẳng, nhọn là do địa hình mà ra.Nếu không tập sẵn 5 thứ trận ấy, làm sao có thể gặp địch được? Thuật cầm binh là thuật dả dối, nên tạm gọi là ngũ hành. Bề ngoài thì lấy nghĩa ở thuật số là tương sinh, tương khắc, mà thực ra bề trong hình thế của binh là giống như nước, tùy theo hình dạng của đất đai mà tìm đường chảy, ý nghĩa là như thế.

140.- CÁCH TẬP LUYỆN:

Người ta thường chết ở chỗ mà mình bất lực, thường thất bại ở chỗ bất tiện cho mình. Cho nên trong phép dùng binh, sự tập luyện phải đứng đầu.

- Một người học đánh, dạy lại vạn người biết đánh.
- Vạn người học đánh, dạy lại thành ba quân biết đánh.

Lấy ta ở gần chờ đánh địch từ xa tới.
Lấy ta nhàn chờ đánh địch mệt.
Lấy ta no chờ đánh địch đói.

Binh ta đang bày viên trận, ta buộc chúng đổi thành phương trận.
Binh ta đang ngồi, ta buộc chúng đứng dạy đi.
Binh ta đang đi, ta buộc chúng đứng lại.
Binh ta đang đi qua trái, ta buộc chúng đi qua phải.
Binh ta đang quay ra trước, ta buộc chúng quay ra sau.
Binh ta đang phân tán, ta buộc chúng tụ hợp lại.
Binh ta đang kết hợp, ta buộc chúng giải tán.

Mỗi việc biến dịch ấy đều phải tập luyện cho quen thuộc rồi mới sử dụng binh ấy được, đó là phận sự của tướng súy.

141.- KIỂM SOÁT VIỆC TẬP LUYỆN:

Binh sĩ thường ngày chìm đắm trong cảnh tiện nghi, an lạc, không được tập quen sự cần lao. Nay muốn sửa lại sự đồi trụy, luyện gân cốt, làm cho mạnh khỏe thì không gì bằng thi hànhphép tắc then chốt sau này.

Từ nay trở về sau phải kiểm soát xem các quan đốc phủ, đề trấn có theo lệ cử hành việc tập luyện cho đều hay không? Mỗi năm vào khoảng thu đông, phải cử hành hai ba lần để tập cho lính quen việc lao khổ và khuyến khích sĩ khí, phép ấy rất hay.

142.- THƯỞNG PHẠT TRONG KHI TẬP LUYỆN:

Về giáo lệnh trong việc binh, việc chia dinh lập trận, nếu có ai không nhận được lệnh mà cứ tùy ý tới lui, thì buộc họ vào tội trái lệnh. Ai cần đi trước, hoặc đi sau, hoặc đi bên phải, hoặc đi bên trái, thì nên dạy họ phải đi như thế nào. Việc răn dạy được chu đáo, thì người thủ lãnh được thưởng. Không răn dạy cũng đồng một tội như là trái lời dạy vậy.

Khi lâm trận, một ngũ (toán 5 người) phải hành động như một người. Nếu có một người không chịu liều chết tiến đánh quân địch thì người răn dạy cũng có tội như kẻ phạm pháp. Mỗi thập (toán 10 người)phải tự giữ gìn, nếu mất một người mà chín người không liều chết tiến đánh quân địch thì người răn dạy cũng có tội như kẻ phạm pháp. Từ thập trở lên cho tới tỳ tướng nếu có ai trái phép thì người răn dạy cũng có tội như kẻ phạm pháp.

Người ngũ trưởng (cầm đầu ngũ) dạy bốn người kia, lấy ván làm trống, lấy ngói làm chiêng, lấy trúc làm cờ. Nghe đánh trống thì tới, thấy hạ cờ thì chạy, nghe đánh chiêng thì lui. Thấy vẫy cờ thì quay qua trái, vẫy cờ thì quay qua phải. Nghe chiêng trống cùng đánh thì ngồi. Ngũ trưởng luyện tập xong thì hợp với tốt trưởng, toết trưởng luyện tập xong thì hợp với bá trưởng, bá trưởng luyện tập xong thì hợp với binh úy, binh úy luyện tập xong thì hợp với đại tướng, đại thướng luyện tập xong thì bày trận ở đồng giữa, đặt bảng lớn, cứ 300 bước một bảng. Bày xong thì đi gấp rút cách bảng 100 bước, phóng gấp 100 bước. Tập đánh cho đúng tiết độ rồi bày ra thưởng phạt.

143.- CHIA THỨ HẠNG SANG HÈN:

Ngày xưa muốn răn dạy dân chúng, người ta phải chia thứ hạng sang hèn, để cho những kẻ học kinh sử chẳng tranh giành nhau, những kẻ đức nghĩa chẳng lấn lướt nhau, những kẻ tài nghề chẳng che giấu nhau, những kẻ mạnh dạn chẳng xúc phạm nhau, nhờ đó mà ý chí đồng nhất, tâm ý hòa hợp.

144.- TRIỀU ĐÌNH VÀ QUÂN NGŨ:

Ngày xưa, khách của triều đình không được vào quân ngũ, khách trong quân ngũ không được vào triều đình cho nên tài đức chẳng lấn nhau.

145.- KHUA ĐỘNG:

Về các cách khua động, thì có phất cờ xí, đập xe, đập ngựa, khua binh khí, vỗ đầu, dậm chân: bảy cách khua động đều phải thực hành một lần.

146.- KHUYẾT ĐIỂM:

Nếu đông cũng như ít, hơn cũng như thua, binh khí chẳng sắc bén, giáp trụ chẳng bền bỉ, xe không vững chắc, ngựa không chạy hay, đông mà chẳng tự mình có nhiều, như thế là chưa được đạo.

147.- TÁM TRẬN, CHÍN QUÂN:

Khí thế mạnh mẽ đều do tám trận Thiên, Địa, Phong, Vân, Long, Hổ, Điểu, Xà mà ra. Lại lập ra chín quân, để phân biệt rõ, và xây đắp khí thế của trận hình.

Một là thân quân gồm những gia đinh mạnh mẽ để hộ vệ đại tướng.
Một là phẫn quân gồm những người muốn báo thù, nguyện đi trước.
Một là thủy quân có thể xông pha sóng nước, lật thuyền, trộm chèo.
Một là hỏa quân có thể phi ngựa xông pha lửa đạn, từ xa đến hãm trận địch.
Một là cung nỗ quân có thể ẩn nấp chỗ hang hầm, kéo dây cung cùng buông tên một lượt, chế ngự được quân địch ngoài trăm bước.
Một là xung quân có sức mạnh lay chuyển núi non, khí thế hiện ra ở cờ xí, dùng để hãm trận người, bắt bọn giặc mạnh.
Một là kỵ quân, kiêu dũng khác thường, phóng ngựa qua lại giữa hai trận, đuổi đánh quân địch ở chốn xa xôi.
Một là xa quân, tài sức khéo léo nhanh nhẹn, tới thì xông pha tên đá, lui lấn át quân kỵ, khiến địch không thể đụng đến ta.
Một là du quân qua lại lanh lẹ để tuần phòng, cứu ứng ba quân, mọi cử động đều liên hệ đến ba quân, có những kẻ leo trèo nhanh nhẹn, đi như rắn, nấp như chuột, leo đèo, xuống vực, vượt thành, khoét vách…

Chín toán quân nói trên chạy đi chạy lại để che chở trung quân, còn dư thì chia ra tám góc. Ở các góc để chế ngự, hợp lại để cùng ra quân. Có thể co, có thể dãn, khiến cho trong một trận tất cả huyết mạch đều liên lạc với nhau, liên kết chằng chịt mà thông suốt hết thảy.

148.- HÒA HIẾU VÀ THÀNH TÍN:

Kết hợp ba quân thì được đông đảo vậy. Chỉ nhờ vào sự hòa hiếu để kết hợp mà thôi. Kẻ trí xét nó, kẻ dạn dùng nó, kẻ muốn thỏa mãn nó, kẻ bất khuất nuôi sống nó. Làm bộc lộ sự căm tức, làm sống lại hận thù. Thấy mụt nhọt của người như của mình, bắt tội người mà trừ giết thì như tỏ lòng bất nhẫn. Kẻ có công lao nhỏ nhặt cũng phải ghi chép. Kẻ làm được việc thì ban cấp chẳng thường. Được tiền của thì chia đều. Đối với kẻ theo hầu giúp việc thì thương xót. Vỗ về dân chúng, tìm mời kẻ thành tín. Bắt địch chớ giết nhiều. Nếu thành tín như thế, há chỉ có ba quân tuân theo sự chỉ huy của ta thôi đâu? Tất cả thiên hạ sẽ trông ngóng ta như đón gió mát vậy.

149.- CẦM BINH:

Việc binh chẳng phải là việc hay. Cái tài làm lợi cho mình cũng là cái tài chuốc hại vào mình. Kẻ mạnh ắt phải giết, kẻ dạn ắt có lòng lang sói. Kẻ trí ắt phải giả trá, kẻ mưu đồ ắt phải nhẫn nhịn. Việc binh không thể bỏ sót những kẻ mạnh, dạn, trí, mưu mà không dùng, tức là không thể bỏ sót những kẻ lang sói, ham giết, giả trá, nhẫn nhịn. Cho nên kẻ cầm binh giỏi thì dùng được tài năng, bỏ điều bất lợi, thâu thập điều bổ ích, trừ khử điều tổn hại, như thế thiên hạ không khi nào thiếu kẻ tài năng. Kẻ cựu thù cũng có thể chiêu vời, kẻ làm giặc cũng có thể vỗ về, kẻ trộm cướp cũng có thể cất nhắc. Kẻ quả cảm khinh thường pháp luật, kẻ theo hùa với quân địch, và kẻ xa lạ đều có thể dùng được cả.

150.- RÈN LUYỆN:

Ý khởi mà sức yếu, đó là khí suy. Sức dư mà lòng sợ trở ngại, đó là thiếu gan mật. Lúc khí đã suy, gan mật đã mất, thì trí dũng cũng hết mà không thể dùng. Cho nên cần phải lập thế để luyện khí, coi nhẹ thắng lợi để luyện mật, bày tỏ lòng mình để luyện tình, tập tành để luyện trận.

151.- KHÍCH LỆ:

Khi khích lệ quân sĩ, chẳng nên nhờ cậy vào pháp luật. Danh vọng được thêm thì kẻ cương dũng phấn khởi. Đem lợi lộc mà dẫn dụ thì kẻ nhẫn nại, quả quyết sẽ phấn khởi. Dùng thế lực mà bức bách, lấy nguy nạn mà vây hãm, dùng xảo thuật mà lừa dối thì kẻ nhu nhược cũng phấn khởi. Nếu tướng biết thi ân, thị uy thì lòng quân hòa hiệp, việc mưu đồ sẽ thành tựu, ắt là sĩ tốt trong ba quân sẽ giống như rồng cọp rình mồi, khi gặp địch thì khắc chế ngay mà lại có thể lập thế giúp oai nêu cao tiết khí, nếu có thua chạy cũng không mất nhuệ khí, tuy gặp nguy nan vẫn không sờn lòng, như thế bất kỳ ai, ở lúc nào cũng được phấn chấn.

152.- PHÁP LỆNH:

Ràng buộc ngựa thì lấy giàm mà đóng vào đầu, muốn ràng buộc binh sĩ thì dùng pháp lệnh. Cho nên muốn hơn thiên hạ thì không thể bỏ pháp luật. Nhưng phải thi ân trọng hậu rồi mới có thể thi hành pháp luật. Hình phạt phải thi hành rồi sau mới lập uy được. Như thế kẻ giỏi dùng binh lấy tiêu chuẩn được, thua để định công tội, biết rõ ai đánh, ai chạy để cứu giúp kẻ tổn thương. Giết một người mà mọi người khiếp uy, phạt kẻ hèn nhát, chém kẻ thất bại, mà quân sĩ càng thêm phấn khởi. Đứng nghĩ lặng lẽ như núi non, chuyển động mau lẹ như băng đổ, khiến cho quân sĩ không dám khinh lờn phép tắc, cho nên chỉ thắng lợi mà không thất bại.

153.- DÙNG TÀI:

Than tiếc rằng trời khó sinh nhân tài mà có kẻ sĩ trí mưu đến nhờ vả lại không được trọng dụng, có tướng chịu đi đánh địch mà ta lại ngăn cản.

154.- LO NGHĨ ĐẾN QUÂN SĨ:

Kẻ làm tướng phải hỏi thăm việc hư hại, chẳng bao giờ sai khiến mà không thông cảm, đó là cách lo nghĩ bậc nhất đến quân sĩ. Khi quân sĩ phải mang giáp trụ trải nắng dầm sương, đói khát thiếu thốn, thân thể bị thương tích mà chẳng dám than khổ, gặp cơn hiểm nạn mà chẳng dám kêu mệt, cho nên kẻ giỏi dùng binh chẳng để quân sĩ của mình bị địch vây hãm, ai theo thì dùng, ai bỏ thì giết, đó là cách lo nghĩ bậc hai đến quân sĩ.

155.- NHUỆ KHÍ:

Nuôi uy thì quý ở sẵn có, ứng biến thì quý ở mưu cao. Hai quân đang đánh nhau, nghe hô một tiếng thì phấn khởi, đó chỉ nhờ nhuệ khí mà thôi. Quân địch đông đảo đánh tới dữ dội, còn ta ít quân mà tới ngăn chặn chúng được, đó cũng là nhờ nhuệ khí. Giữa đám quân địch, quân ta ra vào, lui tới, xông xáo dọc ngang được, đó cũng là nhờ nhuệ khí. Tướng kiêu dũng, mạnh mẽ, dữ tợn, đó là tướng có nhuệ khí. Như gió, như mưa, làm rung chuyển núi rừng, đó là có nhuệ khí. Tướng đánh tới dữ dội, quân nhảy tới xông xáo, đó là tướng, quân đều có nhuệ khí. Dùng nhuệ khí không đúng chỗ thì vấp ngã, không có nhuệ khí thì suy. Có cơ trí mà có thể chu toàn, phát ra mà thâu lại được thì nhuệ khí không bao giờ hết.

156.- PHÉP CHIẾN ĐẤU:

Phép chiến đấu là so sánh đạo nghĩa, lập tốt ngũ, định hàng cột, chỉnh đốn đường ngang lối dọc, xét danh thực. Khi đứng mà đi tới thì cúi xuống, khi ngồi mà đi tới thì quỳ gối. Sợ thì sắp cho dày, thấy nguy hiểm thì ngồi xuống. Ở xa mà nhìn thì không sợ, ở gần đứng nhìn thì không tan rã. Dưới ngôi vua, quân hai bên trái phải bỏ giáp ngồi xuống, thong thả thề nguyền.

157.- HỔ BÔN:

Trong một toán quân, ắt có hạng hổ bôn (dõng sĩ) có sức gánh nổi vạc, khỏe chân chạy hơn ngựa nhung, đều đủ sức giựt cờ giết tướng. Nếu được như thế, nên chọn riêng họ ra để mà thương yêu quí mến họ, đó gọi là quân lệnh. Chia họ ra năm thứ binh, có tài năng, có sức mạnh, có sức khỏe, nhanh nhẹn, nuôi chí nuốt địch. Ban thêm phẩm tước cho họ, để họ quyết thắng, chăm nom cha mẹ vợ con của họ, thưởng để khuyến khích họ, phạt để họ sợ uy, đó là phép bày trận vững chắc, có thể giữ gìn lâu dài. Biết xét liệu việc ấy thì có thể dấy binh gấp bội.

158.- CONG THẲNG:

Võ Hầu nói rằng: Biết trước được cái kế cong thẳng thì sẽ thắng, đó là phép tranh giành.

159.- HIỆU LỆNH:

Sách Quân Chính nói rằng: Nói mà không nghe nhau nên mới bày ra chiêng trống. Nhìn nhau mà không thấy nên mới bày ra cờ xí. Mọi người đã chuyên nhất nên kẻ mạnh dạn không được tiến tới một mình, kẻ khiếp sợ không dám đi lui một mình, đó là phép sử dụng số đông vậy.

160.- ĐIỀU TRÔNG MONG:

Năm điều trông mong:

- Mong sĩ tốt được tráng kiện
- Mong cung tên bắn trúng
- Mong tập luyện dao, dáo được tinh thục
- Mong bộ ngũ bày trận được hợp độ
- Mong dùng chiêng trống cờ xí cho đúng tiết

Không được làm điều gì bậy bạ vô ích. Cho nên nếu không trông mong ở công việc thì có thể trông mong thắng trận được sao?

161.- PHÂN CÔNG:

Theo phép giao chiến thì kẻ ngắn cầm mâu kích, kẻ dài cầm cung nỏ, kẻ mạnh cầm cờ xí, kẻ dạn cầm chiêng trống, người yếu làm việc vặt vãnh và nuôi ăn, người trí làm chủ mưu, hàng xóm nương nhau, các đội thập đội ngũ che chở nhau.

162.- CHIÊNG TRỐNG:

Nghe một tiếng trống thì sắp binh chỉnh tề, nghe hai tiếng trống thì tập trận, nghe ba tiếng trống thì đi ăn, nghe bốn tiếng trống thì làm việc nghiêm chỉnh, nghe năm tiếng trống thì vào hàng, nghe trống và chiêng cùng đánh một lần rồi mới đưa cờ lên.

QUÂN LỄ VÀ THƯỞNG PHẠT


163.- LỄ NGHI:

Muốn trị quân thì dùng lễ và giữ đầu cán trong tay mình. Theo phép trị quân thì nhỏ hay lớn đều phải giữ lễ nghi, lòng biết đủ phải thực hành ra. Trị quân mà không nhờ vào lễ nghi thì kẻ trợ tá sẽ xúc phạm tướng suý, tướng suý sẽ xúc phạm thiên tử, do đó sinh ra các việc họa hoạn. Quyền bính tối cao không thể không ở trong tay mình. Nếu quyền bính bị rơi vào tay kẻ dưới thì trên dưới có thế lực bằng nhau, trên chẳng sai khiến được dưới, dưới chẳng trình bẩm người trên, đó là bởi quyền bính tối cao không ở trong tay mình. Đời Hậu Đường quân sĩ giết Tiết Độ Sứ rồi giành luôn chức vụ của người bị giết.

(Gần đây nhà Trịnh suy yếu không kiềm chế được người dưới, quân sĩ sinh kiêu căng đem đến cảnh loạn vong, trường hợp này cũng giống như trường hợp trước)*.

* Đoạn này do người đời sau thêm vào, nhắc tới loạn "kiêu binh" thời Trịnh Khải.

164.- SĨ KHÍ:

Trao kiếm dấy binh, giết trâu bò để đãi quân sĩ, an ủi và khích lệ sĩ tốt thì sĩ khí sẽ tăng gấp bội. Nên trọng thưởng công lao giữ gìn biên giới.

165.- GHI CHÉP CÔNG LAO NHỎ NHẶT:

Nghe giặc xâm phạm biên giới, bọn gian bèn âm mưu làm loạn. Bậc nhân thần phụng mệnh ra quân để chỉnh đốn vương quốc, bảo tồn vương nghiệp, lập công trạng lớn lao. Binh pháp nói rằng: công lao nhỏ nhặt mà không được ghi chép thì chẳng nên thưởng công lao ngoài biên giới.

166.- MIỄN LỄ NGHI CHO QUÂN SĨ:

Trong quân thì ráng sức mà tiến lên, trong hàng ngũ thì thi đua lấy thành quả. Mang giáp trụ thì không lạy, ngồi binh xa thì không làm lễ. Nên việc thì chẳng để sai chệch, gặp cảnh nguy nan chẳng sờn lòng. Cho nên lễ nghi và phép tắc là bề ngoài và bề trong, văn và võ là tay phải tay trái.

167.- TIẾP ĐÓN BỀ TRÊN:

Nếu bề trên đi kiệu mà đến, thì đạo tôi con là phải giết trâu bò, rót rượu mà đãi đằng trăm quan, há dám vin cớ có giặc mà thiếu lễ với bậc vua, cha hay sao?

168.- TRỄ NÃI, ĐÀO NGŨ:

Lính đến trại của đại tướng trễ sau tướng và lại sĩ một ngày thì cha mẹ vợ con cũng mang tội như nhau. Lính trốn về nhà một ngày mà cha mẹ vợ con chẳng bắt nộp hay không báo cáo thì mang tội như nhau.

169.- BỎ RƠI ĐỒNG NGŨ:

Ham đánh mà quên cả tướng súy và lại sĩ hay là tướng súy và lại sĩ bỏ rơi quân lính mà chạy trốn một mình thì phải đem chém hết.

Lại sĩ trước bỏ lính mình mà chạy, lại sĩ sau chém được lại sĩ trước và giữ lính lại thì được trọng thưởng.

170.- LIÊN ĐỚI TRÁCH NHIỆM:

Ba quân đang đánh lớn, nếu đại tướng chết mà có trên 500 quân theo lại sĩ không chịu liều chết đánh lại quân địch thì phải chém hết, các quân lính theo hầu gần đại tướng ở giữa trận cũng phải chết chém. Ngoài ra các sĩ tốt có công trạng phải bị giáng xuống một cấp, sĩ tốt không có công trạng thì phải đi lính thú ba năm.

Trong một ngũ có người thất lạc hay chết mà không lấy được thây, thì mọi người trong ngũ đều mất hết công trạng, nếu tìm được thây thì xá tội hết thảy.

171.- BA THẮNG LỢI:

Nay dùng pháp luật để trừng trị sự bỏ trốn, ngăn ngừa sự giảm quân số, đó là thắng lợi thứ nhất về việc binh.

Thập và ngũ nối liền nhau. Khi chiến đấu, lính và lại sĩ cứu nhau, đó là thắng lợi thứ hai của việc binh.

Tướng giữ uy võ, lính giữ tiết độ, hiệu lệnh tính thực, đánh hoặc giữ đều thành công, đó là thắng lợi thứ ba của việc binh.

172.- LỆNH NGĂN CẤM QUÂN SĨ:

Nghe rằng người xưa trị quân, khi trời mưa, trong quân có người lấy của dân một cái nón để che đầu thì người ấy phải bị chém đầu để rao cho mọi người biết. Huống là chặt phá cây cối, dẫm nát ruộng nương của dân, phá hủy nhà cửa của dân, gian dâm, trộm cắp, chặt đầu của binh sĩ chết (?), giết con trai của giặc, làm nhục vợ của giặc, thậm chí giết thường dân bừa bãi rồi chặt đầu bào là đầu giặc, như thế lý trời chẳng dung, phép vua chẳng tha. Ai mang tội ấy thì sẽ bị xét xử theo quân pháp.

173.- THƯỞNG NGƯỜI NHỎ, PHẠT NGƯỜI LỚN:

Tướng lấy việc giết người lớn làm uy, thưởng người nhỏ làm sáng suốt. Bởi vì giết người đang ở địa vị quý trọng, đó là hình pháp cực nghiêm vậy. Thưởng cho kẻ chăn trâu, giữ ngựa, đó là sự tưởng thưởng thông suốt tới người dưới. Do đó mà tướng suý xây dựng được uy tín cho mình.

174.- DÙNG NGƯỜI:

Lính chưa thân thiết với mình mà đã phạt chúng thì chúng không phục, nếu chúng không phục thì khó dùng. Khi lính đã thân thiết với mình mà sự trừng phạt không thi hành thì cũng không dùng được. Cho nên lấy văn mà sai khiến chúng, lấy võ mà sửa trị chúng, đó là phép dùng người. Mệnh lệnh mà mình đã tự thi hành rồi đem ra dạy dân thì dân sẽ phục, mệnh lệnh mà mình tự thi hành rồi đem ban bố cho dân thì sẽ được hợp ý.

MẠC HẠ 

175.- CHỌN LỰA NHÂN VIÊN CHO MẠC PHỦ (BỘ TƯ LỆNH): 

Chọn hai người cho việc thiên văn: Xem sao, xem lịch, xét phong thổ, khí hậu, chọn ngày giờ, quan sát các việc thiên tai quái dị. 

Chọn hai người coi việc địa lợi: xét hình thế đất đai lợi hại, xa gần, khó dễ. 

Chọn hai người coi việc coi việc binh pháp: giảng luận binh pháp, luyện tập việc binh. 

Chọn hai người coi việc thư toàn (kế toán): ghi chép lương hướng, quân số, khí giới. 

Chọn hai y sĩ: để điều trị quan nhân. 

Chọn ba du sĩ (điệp viên hay thám tử): để làm việc gián điệp, tuần thám. 

Chọn bốn người coi việc thư từ (công văn): để soạn thảo các từ, trát, chương, sớ, viết các bài tấu, biểu. 

176.- DÙNG PHÉP KỲ (TRÁI VỚI PHÉP CHÍNH): 

Cầm quân mười vạn, biết bao nhiêu là sĩ tốt phải chết vì xông pha nguy hiểm, cho nên không thể dùng phép kỳ. 

Đem quân đi đường ngàn dặm, gặp biết bao nhiêu là gián điệp tài nghề thần diệu nên cũng không thể dùng phép kỳ. 

Ta xem các nhà chuyên dùng phép kỳ, hễ mưu kế lập sẵn rồi thì thành công, còn nếu gặp đánh bất ngờ thì phải thất bại, thực có trường hợp như thế. 

Há chẳng phải quân cảm tử chẳng giúp tướng súy, gián điệp chẳng được tưởng thưởng công khai! Ân huệ đã cảm động được lòng người, nghĩa khí đã kết thành, thế mà thường phải lo sợ không rằng được, huống hồ là tướng súy chẳng từng trải gian lao, huống hồ là lương hướng không sẵn sàng, bấy giờ gặp lúc cần kíp, nháy mắt còn chưa kịp, dẫu có dùng phép kỳ, đâu có thể mình tự dùng được hay sao?

177.- DÙNG NHÂN TÀI: 

Bậc vương giả có nhiều người làm tay chân, tai mắt, bậc đại tướng có lắm kẻ làm vây cánh giúp rập. Cho nên quân đội dùng nhân tài giống như triều đình. 

Có hạng trí sĩ (kẻ sĩ có mưu trí) coi việc tham mưu, việc tán hoạch, việc mưu lược, dùng ngay dưới trướng để quyết định việc quân cơ. 

Có hạng dũng sĩ (kẻ sĩ mạnh dạn) như là kiêu tướng, kiện tướng, mãnh tướng … chuyên lo việc quyết chiến, xung đột, dẫn quân đảm đương các việc nguy hiểm trước mọi người. 

Có hạng thân sĩ (kẻ sĩ thân cận) như là tư tướng, ốc tướng, nha tướng, cốt để hầu gần ở hai bên mình, tuyên bố mệnh lệnh, nắm giữ cơ quyền. 

Có hạng thức sĩ (kẻ sĩ biết rộng) hiểu trận nghi, biết biến hóa xem cảnh trí, thăm dò mây, nước, gió, mưa, xét đất đai, thấy rõ địch tình, biết được điều sâu kín, nhỏ nhặt, quyết định việc quân tới, lui, ngừng nghỉ. 

Có hạng văn sĩ (kẻ sĩ văn học) thông suốt việc xưa nay, hiểu rõ dịch lý, giữ gìn nghi tiết, soạn thảo các tờ hịch sớ, từ, chương … 

Có hạng thuật sĩ (kẻ sĩ biết pháp thuật) thông thạo các việc thần linh, âm dương, ngày giờ tốt xấu, bói toán, pháp thuật, để làm lợi cho mình, tổn hại cho địch. 

Có hạng số sĩ (kẻ sĩ coi về toán số), coi sổ sách kế toán, quân số, việc bổ dụng, thăng thưởng, quân nhu … 

Có hạng kỹ sĩ (kẻ sĩ khéo léo) như kiếm khách, cảm tử, giỏi việc trộm cướp, giỏi việc du thuyết, gián điệp, ra vào thành lũy của địch một cách dễ dàng… 

Có hạng nghệ sĩ (kẻ sĩ có nghề riêng) lo về tiền của, khí cụ, đào hào rãnh, tu bổ vật hư hỏng, sáng chế các máy móc lạ lùng… 

Ngoài ra, mỗi người đều có biệt tài, thí dụ như cười đùa, nhảy múa, chưởi mắng, ca hát, nấu nướng, giả dạng, chạy nhanh … 

178.- TRÍ VÀ LỰC: 

Trời sinh ra người, nếu khí tụ tại trung hư thì sinh ra trí tuệ, nếu khí tan ra bốn tay chân thì mộc mạc. Mộc mạc thì có nhiều sức. Kẻ trí thì yếu ớt. Những kẻ trí dũng kiêm toàn ở trên đời không có nhiều. Cho nên ai hơn được một trăm người thì đứng đầu một trăm người, ai hơn được một ngàn người thì đứng đầu một ngàn người. Hơn một ngàn người thì thành một quân. Ai có tài ứng biến với thời cơ, có thể đương đầu với một cuộc tấn công thì đủ sức làm trưởng quân (cầm đầu một quân). Quân có lúc bị cô đơn, sai khiến tướng quân ắt mong dùng lấy một mình, cho nên nếu giỏi dùng nhân tài thì kẻ trợ tá cũng có thể làm đại tướng.

BINH CỤ 
179.- CÔNG DỤNG CỦA MỖI ĐỒ VẬT: 

Móc, dùi dùng để làm đất 
Búa, rìu, dao, cưa dùng để làm cây gỗ 
Thợ rèn dùng để làm đồ kim chất 
Trâu ngựa dùng để chuyển vận 
Gà chó dùng để dò xét 
Thợ may dùng để may áo trận 
Thuốc men dùng để chữa bệnh 
Chông gai để phòng lót đường bẫy giặc 
Giày da để phòng chạy gấp 
Lương khô đề phòng thiếu thức ăn 

180.- PHÉP DỤ BẮT NGỰA GIẶC: 

Ngày xưa đời Hậu Đường, Sử Tư Minh làm phản. Hắn có ngàn ngựa hay, mỗi ngày đem ra sông Hà Chữ mà tắm rửa, làm tuần hoàn như thế để tỏ rằng mình có nhiều ngựa. 

Lý Quang Bật khiến tìm trong năm quân trăm ngựa đực, đánh vào đầu chúng ở trong thành, chờ khi ngựa giặc đến sông Hà Chữ, thì cho ngựa của mình đi ra hết. Đàn ngựa hí mãi không thôi. Ngựa giặc nghe tiếng hí bèn bơi qua sông đi hết vào trong thành. 

182.- HỎA TIỄN: 

Hỏa tiễn có thế rất mạnh, quân địch sợ nó hơn là cung nỏ. Nếu chế hay, mỗi chiếc có thể bắn xa sáu bảy trăm bước. Phải nện thuốc súng chừng ba vạn cái mới dùng được, đầu trên dùng chất mồi lửa chừng hai phần mười. 

Gặp trường hợp hỏa tiễn quá mạnh mà buồm chiếu quá mỏng, hỏa tiễn bắn vào thì xuyên lút qua mà đi luôn thành thử không cháy được. Nếu sợ đi xuyên qua luôn, thì cách miệng chừng hai ba tấc, ta gắn một chữ thập bằng tre để chận nó lại. Chỗ tre và sắt tiếp nhau, người ta dùng giây vấn và sơn một lớp sơn cho kín. Dưới lớp sơn có thể dùng linh hoa để ngăn ẩm thấp. Ở phuơng nam người ta dùng tới ba trăm chiếc cho vào một ống, gọi là oa phong hay hỏa lung. Dùng chín chiếc thì gọi là cửu lung đồng. Thứ nhỏ gọi là dũng tiễn. 

Có thể ngồi trên ngựa mà phóng hỏa tiễn. 

183.- HẦM CHÔNG GAI DÙNG ĐỂ BẪY NGỰA GIẶC: 

Đào hố vuông sâu chừng bốn thước, rồi đặt chông gai ở dưới, mặt trên gác cây, phủ cỏ và đất cho bằng phẳng như là đất hoang. Nếu giặc xông tới đánh dinh trại thì sẽ sụp vào hố chông ấy. Người và ngựa của giặc bị thương sẽ bị phục binh của ta bắt giữ.

HIỆU LỆNH 
184.- QUÂN LỆNH: 

Một khi hiệu lệnh được phát ra, ba quân đều chấn động sợ sệt. 
Nghe trống thì tiến, nghe chiêng thì dừng. 
Nghe súng bắn thì đứng dậy, nghe chuông đánh thì ăn. 
Nghe đánh phẫu thì ráng sức, thấy vẫy cờ thì chạy mau. 
Gặp mưa không núp, gặp nóng không cởi giáp. 
Mệt không buông vũ khí. 
Thấy nguy nan không trở lui. 
Gặp tiền của không lấy. 
Hãm thành không giết bừa bãi. 
Có công trạng không khoe khoang. 
Dong ruỗi thì lặng lẽ. 
Bị đánh cũng không rúng động. Bị chấn áp cũng không sợ hãi. 
Bị đánh úp không bỏ chạy, bị đánh cắt ngang mà không phân tán. 

Đó gọi là binh nghiêm chỉnh. 

185.- VIỆC QUẤY: 

Thánh hiền không thấy sai quấy thì miễn lỗi, binh pháp không thấy sai quấy thì ghi công. Cho nên kẻ giỏi dùng binh thì thi hành dối trá trái ngược, dấy nghịch lấy bậy. 

Trời luân hành theo thời, quỷ thần mượn thời mà hành động, mộng mị cũng theo thời mà hiện ra, các vật lạ cũng theo thời mà sinh ra, câu ca dao, lời sấm cũng theo thời mà nói, mọi việc sắp đặt cũng theo thời mà chia riêng, tiếng lời cũng theo thời mà phát biểu. 

Khuyến khích lòng quân, ngăn trở khí thế của địch, khiến người không thể liệu lường. Luân chuyển trừ bỏ điều quấy rồi lại dùng điều quấy. Vả lại điều hư quấy, ngay thẳng nhờ cậy vào nó thì không đủ, dả dối mượn dùng nó thì thường có dư. 

186.- DÙNG PHỤ NỮ: 

Thường nghe bậc đại tướng ngày xưa cũng từng nhờ cậy vào sự mềm yếu của phụ nữ. Khi dùng văn thì khiến cho giặc vui chơi sướng khoái, khi dùng võ thì cỡi xe chiến đấu, cứu nạn giải nguy, tùy cơ ứng biến, đều có lợi cả. 

187.- DÙNG VĂN ĐỂ DẠY ĐỀU ƯỚC CẤM LỆNH: 

Nghề võ chuyên luận về tánh dũng, nhưng cáo, hịch … thì cần văn. Có khi một lời nói mà có thể cứu nước, làm cho quân giặc phải đầu hàng. Sĩ tốt thì ít biết văn chương, chữ nghĩa. Bởi thế cho nên, khi nhàn hạ nên buộc sĩ tốt tập hò, tập hát, truyền tai nhau các điều ước, cấm lệnh, các bài chiếu giảng giải các điều nghĩa dũng và cái đạo của quân tử, của nho sĩ, tức là chẳng làm tổn hại người bề trên. Đó là binh pháp vậy. 

188.- BAN BỐ ĐIỀU LỆNH: 

Con người lấy tâm mà định lời, định lời để ra lệnh. Bởi thế nên phấn khích tánh hào hùng, mưu lược, nói lời cứng cỏi, mạnh mẽ, giữ lòng sắt đá, chịu trải phong sương, sau đó mới ban bố hiệu lệnh, lập quân pháp nghiêm minh. 

Trước ba ngày, treo lệnh tại quân môn, khiến viên quan quân chính cầm ban tuyên bố giữa sáu quân. Nếu có ai trái lệnh thì khiến quan quân chính tập họp quân nhân, rồi theo lệnh mà hành hình để cho sáu quân đều biết rõ.

189.- TRỪNG PHẠT KẺ PHẠM QUÂN LỆNH (QUÂN PHÁP): 

Khi bậc đại tướng quân đã nhận mệnh, cầm hết quyền chinh chiến trong tay, làm lễ khao quân xong rồi mới ban bố mệnh lệnh. Ai trái lệnh sẽ bị giết. 

Nghe trống mà không tiến, nghe chiêng mà không dừng, thấy đưa cờ lên mà không đứng dậy, thấy hạ cờ mà không nằm nấp, đó là quân bội nghịch, phải chém chúng. 

Nghe gọi tên mà không đáp, được vời mà không tới, hoặc tới mà trễ nãi, cử động sai quy luật, đó là quân ngạo mạn, phải chém chúng. 

Ban đêm thì kháo chuyện gian dối, thường biếng nhác không hăng hái, trù tính sai lầm, hiệu lệnh không rõ ràng, đó là quân lười biếng, phải chém chúng. 

Thường nói lời oán vọng, không được thưởng thì giận hờn, được chủ tướng dùng thì tỏ ra cứng đầu khó trị, đó là quân ngang dọc, phải chém chúng. 

Tự xưng tên họ phẩm chức mà cười nói, như là trên mình chẳng có ai, bị ngăn cấm vẫn không chừa, đó là quân kiêu căng, phải chém chúng. 

Giữ khí giới mà để cung nỏ đứt dây, tên thì thiếu mũi hay thiếu lông đuôi, kiếm kích thì đùi lụt, cờ xí rách nát, đó là quân lừa dối, phải chém chúng. 

Nói lời dối trá bày đặt việc qủy thần, mượn chuyện mông mị, phỉnh gạt lại sĩ, đó là quân yêu nghiệt, phải chém chúng. 

Đến nơi nào thí phá phách nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, đó là quân gian tà, phải chém chúng. 

Miệng lưỡi sắc bén, hay bàn phải trái, gieo oán giữa các lại sĩ, khiến họ chẳng hòa hiệp, đó là quân dèm pha, phải chém chúng. 

Trộm tiền của người để làm của mình, đoạt thủ cấp của người khác để dành công lao về phần mình, đó là quân trộm cắp, phải chém chúng. 

Khi tướng quân tụ họp để bàn mưu, mà đến gần trướng để nhìn trộm, nghe trộm sự tình, đó là quân dọ thám, phải chúng. 

Khi nghe được mưu kế và hiệu lệnh của quân mình, mà bắn tiếng ra ngoài để địch quân nghe được, đó là quân bội phản, phải chém chúng. 

Khi được sử dụng, mà câm miệng chẳng đáp, gục đầu ủ rũ làm ra vẻ khó nhọc, đó là quân hèn yếu, phải chém chúng. 

Chẳng giữ hàng ngũ, tranh giành trước sau, nói năng ồn ào, chẳng theo cấm lệnh, đó là quân lộn xộn, phải chém chúng. 

Giả vờ bị thương hoặc mang bệnh để tránh việc khó nhọc, giả vờ cứu giúp kẻ thương vong để lẩn xa, đó là quân dối trá, phải chém chúng. 

Khi giữ tiền của, đến lúc ban thưởng lại tây vị những người thân thuộc khiến cho lại và tốt hờn oán nhau, đó là quân thối nát, phải chém chúng. 

Thấy giặc mà không xét, xét giặc mà không biết rõ, giặc động mà nói không, giặc không động mà nói có, giặc nhiều mà nói ít, giặc ít mà nói nhiều, đó là quân lầm lạc, phải chém chúng. 

Tại chốn đồn trại, chẳng phải lúc khao quân mà bày ra uống rượu, đó là quân phóng đãng, phải chém chúng.

Khi pháp lệnh trên đã lập xong, trong lại sĩ có ai phạm phép thì cứ theo phép mà xử chém. 

190.- DÙNG BINH TRÊN TÁN ĐỊA (ĐỊA PHẬN CỦA MÌNH): 

Quân địch vào sâu trong nước ta, mà thành quách chưa hoàn bị, cỏ lương thiếu thốn, cố thủ thì không lơi. Bên ta nên hẹn nhau quyết chiến, còn nếu sợ sệt mà thối lui thì ắt chết. Ai bắt được gì, lấy được gì thì ban thưởng. Ai làm tướng quay lui cũng đem chém, gặp địch mà thân không định, số mục thay đổi cũng chém; có sắc mặt lo buồn, nghiêng ngả nhìn nhau mà nháy mắt bỏ bê chiêng trống chẳng ứng đối, đều phải chém hết. Được một thủ cấp cũng trọng thưởng, như thế mới có thể dùng binh trên tán địa được.

191.- THƯỞNG PHẠT THEO LỄ NGHI: 

Nếu bậc đại tướng cũng dùng lễ nghi để thi hành việc thưởng phạt thì sĩ tốt không hờn oán mà mọi người sẽ lo sợ. 

Một là các điều quân lệnh phải thật nghiêm khắc khi ra quân lần đầu để cho tai mắt quân sĩ phải thấm nhuần, khiến chúng phải tránh né không dám phạm vào. 

192.- XỬ CHÉM: 

Một là giả vờ có bệnh, có ý muốn trốn. Đi nửa đường rồi bỏ trốn, thì phải chém. 
Một là cướp tiền của của nhân dân và hiếp dâm phụ nữ, thì phải chém. 
Một là đào bới mồ mả để lấy tiền của thì phải chém. 
Một là tự ý vào các đền, miếu để lấy các đồ vật thì phải chém. 
Một là ngầm giao thiệp riêng với quân địch, làm tiết lậu quân cơ thì phải chém. 
Một là bỏ đội ngũ, tự ý vào nhà dân mà ngủ nghỉ thì phải chém. 
Một là trong đêm vô cớ la ó khiến quân sĩ lo sợ, thì phải chém. 
Một là trong đêm đốt lửa không cẩn thận làm cháy dinh trại, thì phải chém. 
Một là canh giữ, tuần phòng sơ xuất để quân địch thừa cơ lẻn vào thì phải chém. 
Một là tự ý giết tướng và lính đến đầu hàng, thì phải chém. 
Một là làm cho cha con, chồng vợ của tướng lính đến đầu hàng phải xa nhau thì phải chém. 
Một là hiếp bức nhau, đánh nhau đến nỗi chết người, thì phải chém, quản viên cũng bị phạt. 

193.- ĐÁNH ĐÒN: 

Một là cướp tiền của, chọc phá phụ nữ, thì phải đánh nhiều bằng gậy. 
Một là chửi bới nhau, trái với quân lễ thì phạt đánh bằng gậy. 
Một là trên dưới tranh giành nhau làm mất thứ tự, thì phải đánh nhiều bằng gậy. 
Một là nhận riêng rượu và thức nhắm đến nỗi ăn nhằm thuốc độc của quân địch thì quản viên chịu trọng tội. 
Một là giao thiệp riêng với thầy phù thủy, thầy bói, đồng cốt, bày đặt ra việc họa phúc, gieo nghi ngờ trong quân ngũ, thì phải đánh bằng gậy. 
Một là say rượu, nói bậy, chẳng giữ vị thứ, chờ tỉnh rượu xong sẽ đánh bằng gậy và giảng luận cho nghe. 
Một là phá phách nhà cửa của nhân dân, bẻ hái hoa quả thì phải đánh bằng gậy. 

194.- KHẨU HIỆU: 

Một là phát hiệu lệnh: Buổi chiều trong quân ngũ hãy xét chung các nhân viên. Tề hầu, Tham tán tới biên lãnh khẩu hiệu. Mỗi canh đổi một khẩu hiệu. Một khẩu hiệu có hai chữ. Hỏi chữ này phải đáp chữ kia. Thí dụ: Hỏi võ thì đáp cường, hỏi dũng thì đáp an. 

195.- ÁM HIỆU: 

Quân đi mà không thông đồng với nhau, ắt những nhóm bị phân chia không thể kết hợp với nhau, những nhóm ở xa không thể cứu ứng, đây đó đâu có thể hiểu nhau được, đó là đường lối thất bại. Nhưng thông đồng với nhau mà không kín đáo thì ngược lại bị địch mưu toan phá hoại. Cho nên nếu không dùng chiêng, cờ, không dùng ngựa chạy mang lệnh tiễn, không đốt lửa, phun khói, thì lấy gì mà thông báo những việc kinh động cấp bách? 

Hai quân gặp nhau thì nên dùng ám hiệu để liên lạc với nhau, đi xa ngàn dặm thì liên lạc bằng thư trắng (không đọc được) viết bằng chữ không ra chữ, dùng lời văn không hiểu được, không viết trên giấy. Kẻ mang thư cũng không hiểu gì, dầu có tìm tòi cũng không ra gốc tích. Thần diệu thay! Thần diệu thay! Hoặc bị địch ngăn cách, hoặc bị mất liên lạc, hoặc ở quá xa không kịp gặp nhau, ắt phải dùng cơ mưu để thông tin theo cách trên. 

196.- HIỆU LỆNH LÀ GỐC: 

(Ngày xưa) Võ Vương hỏi rằng: Nếu binh của ta bị phân ra ở nhiều nơi, muốn chúng tụ hội đúng kỳ hạn, phải làm thế nào? 

Thái Công đáp: Theo phép dùng binh thì ba quân đông đảo phải biết cách biến hóa phân hợp. Bậc đại tướng trước hết phải định chỗ đánh và ngày đánh rồi mới truyền hịch cho tướng sĩ biết ngày hẹn đánh thành vây ấp, phải tụ hội nơi nào, ngày đánh phải nói rõ, giờ khắc phải đúng đắn. Đại tướng lập dinh, bày trận, xây dựng viên môn, dọn đường để chờ tướng sĩ tới, xem thử ai tới trước, ai tới sau. Ai tới trước hẹn thì thưởng, ai tới sau hẹn thì chém, như thế xa gần đều chạy lại, ba quân đều tới đủ để góp sức cùng đánh. 

Vua hỏi: Thái Công giảng bày sách Cấm Thư, phép thắng bại ngũ âm như thế nào? 

Thái Công đáp: Theo phép dùng binh, hiệu lệnh là tai mắt. Kẻ dùng binh mà không rõ hiệu lệnh cũng như người mù đi đêm. Hạ thần xem phép dùng binh trong kinh đều lấy hiệu lệnh làm gốc vậy. 
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved