Home » » Viện Đại Học Đông Phương LINH SƠN Thế Giới

Viện Đại Học Đông Phương LINH SƠN Thế Giới

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012 | 04:57



Cơ sở giáo dục Viện Đại Học Đông Phương LINH SƠN Thế Giới tọa lạc trên một vùng đất rộng  gần 3299 thước vuông tại Vitry sur Seine (94400), ngoại ô, cách Paris khoảng 4 cây số hướng đông nam, gồm một toà nhà chính ba tầng, mỗi tầng trên 300 m², một ký túc xá khang trang cho sinh viên và một hầm đậu xe rộng rãi.
Thư Viện Đại Học Đông Phương Linh Sơn Thế Giới có đầy đủ những tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu Phật học, bằng  nhiều ngôn ngữ : Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Pali.
Đặc biệt thư viện có Đại Tạng Kinh chữ Việt gồm gần 200 quyển, mổi quyển khoãng 1000 trang khổ 17 cm x 24 cm. Công trình nầy do Hoà Thượng Viện Trưởng chủ trì và tài trợ với sự hợp tác của Hội Đồng Dịch Thuật và sự tham gia tích cực của hơn 150 vị cao tăng và học giả cư sĩ và đã hoàn thành sau gằn 20 năm.

Ngoài ra thư viện còn có bộ Phật Quang Đại Tự Điển do Hoà Thượng Thích Quảng Độ phiên dịch, tạo thêm phương tiện cho tăng ni, sinh viên và đồng bào Phật tử nghiên cứu học hỏi.
Dai Tang Kinh
LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH CHỮ VIỆT
Đạo Phật truyền đến Việt Nam từ thế kỷ thứ II. Trong khi Trung Quốc đang loạn lạc thời Tam Quốc, Giao Châu là nơi yên ổn tiếp nhận các nhà sư Tây Trúc (Ấn độ ) sang truyền giáo, dịch kinh Phật ra chữ Hán, và các nhà sư người Việt đến học  và truyền đạo sang Trung Quốc. Trong gần  hai ngàn năm, chùa là trường học, là nơi dạy đạo lý, dạy văn, dạy võ, đã đóng góp vào công cuộc dành độc lập tự chủ dân tộc và lập quốc với Lý Bí, Lý Phật Tử.., và xây dựng các triều đại Đinh, Lê, Lý Trần huy hoàng với Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông... Kiến tạo một nước Việt Nam văn hiến, thịnh vượng. Từ đời Đinh Tiên Hoàng nhà vua đã thỉnh Đại Tạng Kinh chữ Hán về Đại Việt.
Trải qua các thời đại, nhiều thiền sư Việt Nam đã để lại những tác phẩm văn hoá Phật Giáo có giá trị cao nhưng nước ta vẫn chưa có được một bộ Đại Tạng Kinh bằng quốc ngữ !
Đến đầu thế kỷ 20, phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo từ 1920, đã nhanh chóng dịch thuật kinh điển để truyền bá Phật Pháp bằng chữ quốc ngữ, nhưng mãi đến gần cuối thế kỷ chúng ta  vẫn chưa được hạnh phước có một Bộ Tam Tạng Kinh Điển hoàn chỉnh bằng tiếng Việt.
Năm 1994, Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh trở về Việt Nam sau 25 năm du học và hành đạo tại Đài Loan. Ngài dùng số tiền lương giáo sư giảng dạy ở Đại Học Đài Loan tích lủy và  tịnh tài của tín đồ cúng dường tự mình đơn độc phát nguyện  tổ chức lại việc phiên dịch có hệ thống Bộ Đại Tạng Kinh chữ Hán ra chữ quốc ngữ, nối tiếp công việc của  các bậc tiền bối như cố Bác sỹ Lê Đình Thám, Chư Đại lão Hoà Thượng Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quang, Thích Minh Châu... Để hoàn chỉnh thành bộ Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh chữ Việt. Hòa Thượng đã được sự hưởng ứng của các vị Đại đức, Cao tăng Bắc, Trung, Nam  và huấn luyện được hàng trăm người phiên dịch.
Hội Đồng Phiên Dịch gồm hơn 150 vị Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni và  học giả cư sĩ như :
HT Thích Phổ Tuệ, HT Thích Quảng Độ, HT Thích Đổng Minh, HT Thịch Thiện Hạnh, HT Thích Phước Sơn, TT Thích Minh Cảnh, TT Thích Tuệ Sỹ, TT Thích Phước Viên, TT Tiến sĩ Thích Trí Dũng, TT Thích Định Tuệ, TT Thích Phước Cẩn. Đại Đức Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Thich Đức Thắng, Thích Tâm Khanh, Thích Tâm Hạnh, Thích Bảo Quang, Thích Nữ Như Lộc, Thích Nữ Huệ Hướng ... Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (Trí Siêu) GS Tiến sĩ Lý Kim Hoa, cư sĩ Nguyên Huệ, Viên Hạnh, Lý Việt Dũng, Trương Ngọc Mai...

Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh làm Tổng Giám Tu.
Đại Tạng Kinh gồm : Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận. Tạng Kinh và Luật ghi lại diệu lý sâu xa của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni giảng thuyết trong 45 năm... Tạng Luận  tuyển chọn những lời diễn giảng  của các vị tổ sư và cao tăng về kinh và luật.
Người chủ trì đại công tác phiên dịch Đại Tạng Kinh phải thông thạo vừa Trung văn vưa Việt ngữ mới có thể xuất nhập vô ngại mà không hiểu sai Phật pháp, cần phải thông suốt Phật pháp mới có thể phân biệt chính xác, tiến hành phiên dịch có hệ thống, và cần phải có đức hạnh cao siêu mới có thể cảm động lòng người để hoàn thành sự nghiệp lớn.
Hoà Thượng Thích Tịnh Hạnh gồm cả ba ưu điểm đó lại thêm tấm lòng thiết tha vì tương lai dân tộc và đạo pháp, không quản ngại mọi hy sinh, không màng danh lợi, sau gần 20 năm kiên trì đã hoàn tất công việc phiên dịch vào năm 2004.
Hoà Thượng đã hoan hỷ tặng 250 Bộ Đại Tạng Kinh cho các phật học viện mọi cấp và các cơ sở văn hoá giáo dục ở Việt Nam, đồng thời một số Bộ khác cho các tự viện và  thư viện tại hải ngoại trong đó có Đại Thư Viện Quốc Gia Pháp François Mitterrand, Paris.

Huy Hiệu Đại Học Đông Phương Linh Sơn Thế Giới
Là hoa sen sáu cánh chuyển vận theo chiều của bánh xe Pháp luân, bánh xe Đạo lý, ở giữa là hai chữ Linh Sơn (LS)được nâng đỡ bằng 4 chữ Phúc Tuệ Song Vận.
Pháp Luân, Bánh Xe Pháp, Dharmacakra (Sanscrit), Dhammacakka (Pali), roue de la loi : là giáo pháp Đức Phật đã vận hành, chuyển pháp ; như Hoa sen tượng trưng cho quả vị của Phật. Bánh Xe Pháp quay theo chiều kim đồng hồ, tượng trưng cho sự vận hành tiến tới chảng bao giờ thối lui, đưa chúng sanh
lên đường đến cõi giải thoát. Bánh Xe Pháp lăn đến đâu thì diệt sạch gai cỏ phiền não u mê đến đó.
Sau khi Đức Phật thành đạo, lần đầu tiên thuyết pháp tại thành Bénarès (Ba la nại), kinh điển ghi là Phật chuyển Pháp Luân, tức chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.Khi Pháp Luân chuyển vận thì những tư tưởng u mê lầm lạc không còn. Năm vị chân tu vườn Lộc Uyển thành Ba la nại, giác ngộ và đã chứng quả A La Hán. Kể từ khi Phật chuyển Pháp Luân, đã có hằng hà sa số vị giác ngộ, chứng quả.
Hoa sen sáu cánh tượng trưng cho lục độ, sáu hạnh lớn cần thiết để chứng quả thành Phật : Bố thí - Trì giới - Nhẫn nhục - Tinh tấn - Thiền định - Trí tuệ.
Bố thí: diệt trừ lòng tham lam vị kỷ của cá nhân.
Trì giới : diệt trừ tà ác, mê muội của thân, khẩu, ý.
Nhẫn nhục diệt trừ lòng giận hờn, oán ghét.
Tinh tấn : diệt trừ lòng biếng nhác, buông thùa.
Thiền định diệt trừ lòng tán loạn và mang đến yên tĩnh, tự tại.
Trí tuệ là do năm căn đã điều phục mà ngộ được chân lý vũ trụ và nhân sinh.
Linh Sơn : ( LS ) là núi Linh Thứu (Gridhrakuta) tượng trưng cho Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới đã được Cố Đại Lão Hòa thương Thích Huyền Vi sáng lập để hoằng dương chánh pháp. Linh Sơn, theo huyền thoại Ấn Độ là nơi các Chư Thiên và Thần Linh thường hiện đến, núi giống hình chim thứu. Đây là nơi Đức Phật thường ở kể từ 50 tuổi về sau và đã thuyết giảng Diệu Pháp Liên Hoa kinh, bộ kinh đại thừa cao diệu nhất.


Phúc Tuệ Song Vận :
Phúc 福 (Punya) là thuận yên, tốt lành, vừa ý. Phúc thể hiện bằng cách : Bố thí, Trì giới và Thiền định.
Tuệ là sáng suốt, thông hiểu sự và lý, chấm dứt lầm lạc, mê muội, có lòng quyết định, hết mọi nghi ngờ. Tuệ nhờ đọc kinh, nghe kinh, nghe thầy, bạn, do suy xét trầm tư và do thiền định.
Phúc Tuệ Song Vận là Phúc và Tuệ vận hành chung với nhau. Đó là đường hướng giáo dục của Viện Đại Học Đông Phương Linh Sơn Thế Giới do Hoà Thượng Viện Trưởng chủ trương thực hiện.

Tiểu sử Hòa Thượng Giáo Sư Tiến Sĩ Thích Tịnh Hạnh.
Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương Linh Sơn Thế Giới.
Thich Tinh Hanh
Sinh năm 1934 tại Ninh Thuận.
Xuất gía năm 1950 tại chùa Thiên Hưng, thôn Vân Sơn, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42 và sau đó tu học tại Phật Học Đường Ninh Thuận.

Năm 1952 vào tu học tại Phật Học Đường Nam Việt, chùa Ấn Quang.
Năm 1963 trụ trì chùa Giác Tâm tỉnh Gia Định và giữ chức chủ tịch Ủy ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tỉnh Gia Định trong cuộc tranh đấu Phật Giáo năm 1963.
Năm 1966 đậu Cử Nhân Phật Học Viện Đại Học Vạn Hạnh và làm giáo sư dạy trường Trung Học Bồ Đề.
Năm 1969 được học bổng du học Đài Loan tại trường Đại Học Quốc Lập Sư Phạm Đài Loan.
Năm 1972 đậu Cao Học Văn Học với tiểu luận "Trung Việt tự âm tỉ giáo nghiên cứu" (Nghiên cứu so sánh âm chữ Hán Việt với âm chữ Trung Quốc).
Năm 1979 thành lập giảng đường Linh Sơn Đài Bắc - khai sáng nguyệt san Hiện Đại Phật Giáo.
Năm 1980 thành lập lớp Cao học Phật học tại Đài Bắc.
Năm 1981 trình luận án Tiến sĩ Triềt học và Văn học với đề tài "Nghiên cứu về Hàn Dũ phê bình Phật Giáo".
Năm 1983 giảng sư diễn giảng trên đài truyền hình Đài Bắc, liên tục nhiều năm về chủ đề tư tưởng Phật Giáo, mỗi tuần một giờ.
Năm 1985 sáng lập và trở thành Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Trung Quốc. 


Từ năm 1986 tham dự nhiều hội nghị và hội thảo quốc tế.
Năm 1988 qua Mỹ vận động thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được Đại Hội bầu làm chủ tịch.
Khai sơn chùa Thiền Lâm Linh Sơn trên 18 mẫu đất tại Thạch Định, Đài Bắc.
Năm 1990 giảng dạy môn Đại cương triết học và tỷ giáo tôn giáo tại Trường Quốc Lập Cao Đẳng Sư Phạm Đài Bắc.
Năm 1992 được phong chức Giáo sư trường Đại Học Quốc Lập Trung Hưng và trường Đại Học Phùng Giáp.
Năm 1994 trở về Việt Nam, đứng ra huy động, tổ chức, đài thọ mọi chi phí, tìm nhân tài, huấn luyện dịch Đại Tạng Kinh từ Trung văn sang Việt ngữ.
Năm 1997 được Đại Hội Phật Giáo Đài Bắc bầu làm Ủy viên Thường Trực Hội Phật Giáo Đài Bắc.
Năm 2001 nhận chức Xử lý thường vụ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn thế giới.
Năm 2005 sau khi Hoà Thượng Thích Huyền Vi viên tịch được Giáo Hội suy tôn ngôi Đệ Nhị Tăng Thống lảnh đạo toàn bộ GHPGLSTG.
Năm 2008 tiếp nối hoài bảo giáo dục của Cố Đại Lão HT Thích Huyền Vi, xây dựng Viện Đại Học Đông Phương Linh Sơn Thế giới.

Tác phẩm :
- Nhiều bài viết đăng trong Phật Giáo Hiện Đại,
- Trung Việt tự âm tỉ giảo nghiên cứu,
- Nghiên cứu về Hàn Dũ phê bình Phật Giáo,
- So sánh sự tương đồng và dị biệt giữa Pháp tướng Duy thức học và Pháp tánh Bắt nhã học,
- Luận lý học Phật Giáo.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved