Home » » Vần Điệu Tháng Giêng

Vần Điệu Tháng Giêng

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012 | 07:11



Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già... Nhà thơ Xuân Diệu từng viết như thế. Tới. Qua. Non. Già. Thời gian lặng lẽ đón đưa bao nỗi buồn niềm vui qua bao ga trạm dọc đời trước khi đến cái mốc sau cùng có tên gọi là vĩnh cửu.
Mùa này xuân đang chín rồi sẽ già. Mùa sau, năm tới xuân lại "cải lão hoàn đồng". Thiên nhiên, con người tha hồ già đi, còn thời gian cứ nhẩn nha... trẻ mãi. Mới bồi hồi gửi thiệp chúc mừng, chờ đón giao thừa, hái lộc đầu năm đó, giờ đã ra giêng. Ra giêng xuân vẫn còn non. Hương tết đã tàn. Hương xuân chưa hề vơi. Hà Tuấn Giao (Đồng Nai) mở đầu trang mục Những Giọt Nắng kỳ này bằng chút cảm nhận về sự non tơ ấy: 
Tháng giêng đâu đó trên đường 
Nồng nàn ánh mắt ai dường như say 
Gió đùa tóc rối trên tay
Nắng ươm vàng mộng duyên ai chẳng ngờ.
Cũng bị tháng giêng quyến rũ ra đường, Lê Minh Trung (Trà Vinh) dù hơi vụng về cũng "thú nhận" được sự phải lòng của mình đối với cái đẹp nhất trong năm:
Sao cứ muốn rong xe trên phố
Mặt trời xuân ấm áo ngày hồng
Mỗi vòng xe dập dồn hơi thở
Nhè nhẹ lăn vào chốn mung lung...
Chẳng theo xuân đi mà ngồi lắng nghe thời gian đi, Tuấn Anh (Đà Lạt) đắm mình vào những giọt đêm rơi thánh thót xuống cốc sương mù:
Tách... tách
Thời gian rụng xuống đáy cốc
Gõ vào môi đêm lặng thơm
Chợt bừng thức hương cà phê óng ả!
Hà Hồng Hân (Daklak) khiêm tốn nhận về mình thời cũ kỹ, nhường hết tươi mới cho... người ta, chẳng rõ là khôn hay dại: 
Anh như ngày tháng cũ
Em, năm mới vừa sang
Anh, đông tàn cuối phố
Em, xuân thắm mai vàng.
Hóa ra cảm nhận về thời gian cũng có lắm cự ly xa gần, lắm cách kiểu, nhiều hình vóc vuông tròn, góc độ rộng hẹp khác nhau. Vào thời khắc đẹp nào đó, rất có thể bạn cũng đã:
Trao em nhành hoa
Biếc xanh lộc mới
Em cười bối rối
Tôi nhìn xa xôi...
Khổ thơ trên của Bùi Văn Dũng (Hải Phòng) chẳng ngân nga, không mượt mà, lại đườm đượm chút duyên "mùa cổ điển". Bởi, bây giờ các anh các chị nếu có trao lộc - có khi chẳng phải nhành hoa mà cái đĩa C.D., cục kẹo cắn nửa, cái bánh patêsô bẻ đôi... - cho nhau hiếm ai cười bối rối, nhìn xa xôi mà hình như thường cười rất tươi, và chẳng cùng nhìn về một hướng, cũng cóc nhìn vào lòng nhau, mà dáo dác ngó quanh xem thiên hạ có lác mắt vì hạnh phúc chói chang của đôi ta không?!
Thời gian trôi, cuốn đi tất thảy, nhưng lắm lúc không thể xóa được bao dấu ấn khắc sao, ghi đậm trong ký ức hay lòng người. Cơn lũ quét qua khúc ruột miền Trung gây cơ man nào là đau thương đổ nát từ mùa đông năm trước, đến xuân nay vẫn còn "vang bóng". Lê Hồng Nguyên Chấn (Cần Thơ) viết:
Sau cơn bão lũ đi qua
Bao nhiêu là nỗi xót xa tràn về!
Lê Sơn Thạch (TP.HCM) ngậm ngùi hơn, da diết hơn:
Thế giới đón chào thiên niên kỷ
Đỏ xanh huyên náo đủ sắc màu
Miền Trung tôi chìm trong mưa lũ
Rát lòng con nước phập phồng đau!
"Rát lòng con nước": cụm từ đầy hình tượng và rất gợi. Thời gian qua thơ của Nguyên Ngọc Minh (Thái Nguyên) gói gọn trong một phút chạnh lòng nhưng không hề ngắn ngủi mà dài bằng cả một cơn mưa:
Mưa xuân khéo níu mùa hoa bưởi
Chợt nghĩ về nhau phút chạnh lòng
Trinh trắng hồn quê khi gợi nhớ
Hương thầm em đón một lời mong.
Với Trà Mỹ Ngân (Long Khánh), khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi dừng chân trước một địa chỉ thân quen, bồi hồi lắng nghe âm vọng...
Chiều xuân ra phố lơ ngơ
Tìm câu thơ cũ vấp bờ yêu thương
Lang thang về tới góc đường 
Đưa tay bấm khẽ... hồi chuông năm nào!
Đỗ Quang Thiện (Hải Phòng) thì bị cái khoảnh khắc ấy chộp phải trước lúc tan trường:
Tôi bắt gặp mắt ai
Trên hàng lang cuối lớp
Lòng bỗng dưng hồi hộp
Mùa xuân chợt kề bên!
Bâng khuâng tương tự, có điều "phụng phịu" hơn, Anh Đào (TP.HCM) lắc đầu nguầy nguậy:
Em không thể tặng anh
Một cành hồng đỏ thắm
Trăng chiêm bao đêm ấy không tròn
Em không thể tặng bài ca nồng ấm
Kỷ niệm nào rồi cũng hóa xa xăm...
Hầu hết thời gian kèm kỷ niệm đẹp bao giờ cũng đẹp y như vậy trong hoài niệm hay lúc niệm hoài:
Nhớ quá ngày xưa xanh tóc gió
Thương nhiều năm tháng thắng môi hoa
Ta thương hoa nắng thêu trên đất
Muốn hái nhành xuân cứ ngỡ là...
Đó là tâm sự của Nguyễn Tú Nhã (Hà Nội), còn Phan Khoa Nam (Huế) thì muốn quay về với thời gian đã mất:
Cho em về thuở mười lăm
Có mây trắng với trăng rằm hát ca
Khói sương quấn quít đôi tà
Qua cầu nghiêng nón, la đà gió trêu.
Cũng là ngày xửa ngày xưa, với Vũ Đình Duân (Bình Thuận) ít nhiều nhuốm màu phiêu bạt:
Ngày xưa như sông trôi đi
Trong tôi vẫn nụ xuân thì non tơ
Về đâu thương nhớ ngu ngơ
Yêu ai từ thuở bài thơ không vần.
Xuân non, xuân già. Từ đôi câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu, chợt lan man về thời gian. Đố ai níu được bước đi của thời gian? Không thể níu nên những vần điệu tháng giêng tạm dừng ở đây với chút lãng mạn rất tháng giêng và mướt rượt hương mưa của Nguyễn Tiến Như Khoa (Phú Thọ):
Chiều trở về trên lối nhỏ tìm ai
Bình yên mưa trăm nghìn hạt vỡ
Mưa lênh đênh gõ vang vòm lá nhớ
Hạt xanh nào
Trong như mắt em!?

Mường Mán
divider
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved