Những tiền đề triết học của thời đại tân kỳ
Vào cuối thế kỷ 18, Kant là người đầu tiên trong truyền thống triết học, giật mình đặt lại vấn đề tương quan giữa triết học và tư tưởng. Điều làm cho Kant đặt vấn đề là làm sao dung hợp được kiến thức triết học luận lý - siêu hình học truyền thống và kiến thức khoa học không những hiểu biết suông mà còn tác dụng trên các sự vật của thiên nhiên. Lối đặt vấn đề đó được ông gọi tên là một sự kiểm thảo lại lý tính, xét kỷ lại khả năng và qui luật của sự hiểu biết. Công trình kiểm thảo của Kant khám phá ra rằng hai tiền đề từng được xem như đã là đương nhiên (= tiên thiên) về triết học kỳ thực không dựa trên những nền tảng vững chắc; chúng chỉ là nhũng tiền kiến hồ đồ, một giấc ngủ võ đoán. Điều được gọi là tất yếu, Định mệnh, Cần thiết...trong bài ca của Parménide để làm bàn đạp chuyển thân phận con người lên địa vị của một kẻ hiểu biết bản chất của hữu thể, vượt qua những hạn định của không gian thời gian, chỉ là một ảo tưởng. Lấy nhân vật Platon như tiêu biểu cho truyền thống triết học cũ, Kant diễn tả sự thiếu nền tảng của bộ môn nầy qua bao thế kỷ như sau:
"Con chim bồ câu nhẹ nhàng bay lượn tự do lướt qua làm không khí đang cản nó, có thể tưởng tượng rằng một khoảng không nào đó không có không khí còn giúp nó bay lượn thoải mái hơn nữa. Cũng thế Platon đã vứt bỏ thế giới khả giác vì thế giới nầy tạo nhiều hạn chế cho trí năng, và bằng đôi cánh của những ý tưởng, ông phiêu lưu vào cõi bên kia trong một khoảng không của trí năng thuần túy. Ông không lưu ý rằng tất cả nổ lực của ông không giúp ông đạt được một lãnh vực nào cả, vì ông không có một điểm nào để dựa, không có một điểm nào để vận dụng sức lực của mình hầu phát triển trí năng. Nhưng định mệnh thông thường của lý trí con người trong tiến trình suy tư là hoàn tất vội vã căn nhà của mình, rồi sau đó mới truy tìm xem nền tảng của nó có thật sự đã xây dựng hay chưa" [1].
Qua kiểm thảo nầy, Kant gián tiếp cho thấy: lý trí mà triết học truyền thống tuyên dương như tiềm năng vô tận của sự hiểu biết là một tên gọi mơ hồ, không ăn nhập gì với lý trí của con người trong thân phận thực tế gắn liền với bản tính hữu hạn của nó.
Và khả năng lý trí hữu hạn thực sự đã thành công một cách hữu hiệu trong việc nối kết được trí năng và sự vật, theo Kant đó là các ngành khoa học, đặc biệt là toán học và vật lý học.
"Từ những môn khoa học đó, vì chúng thực sự có đó rồi, nên cần đặt vấn đề làm thế nào chúng có thể xây dựng được; và sự kiện chúng phải có thể xây dựng được và được chứng thực bởi thực tại của chúng" [2].
Khi nhận định về các nguyên lý xây dựng nên các kiến thức của các bộ môn khoa học, Kant khám phá rằng
"trong tất cả các loại khoa học lý thuyết thuộc lý trí, luôn có những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Các phán đoán toán học, tất cả, đều tổng hợp" [3].
Nên
"Vấn đề cá biệt của lý trí thuần túy nằm ở trong câu: Làm thế nào để có thể xây dựng được các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm ?"[4].
Suy tư triết học luôn dựa trên lý trí và có phận vụ đặc biệt là kiểm thảo về lý trí nầy. Nói thế nghĩa là gì? Theo Kant, việc triển khai lý trí để có những kiến thức là việc làm của khoa học, nhưng triết học, nay được ông gọi là "triết học tiên nghiệm" phải được đồng hóa với công việc kiểm thảo của lý trí. Nền triết học mới đó có tên là "môn khoa học cá biệt".
"Từ những phân tích đó cho ta ý tưởng về một môn khoa học cá biệt, có thể gọi tên là kiểm thảo lý trí thuần lý...Tôi dùng chữ siêu nghiệm để chỉ tất cả kiến thức một cách tổng quát không phải hướng đến các đối tượng, nhưng hướng đến phương cách hiểu biết của chúng ta về các đối tượng được xét xem là khả dĩ thực hiện được một cách tổng quát"[5].
Nói một cách khác, suy tư triết học nay là truy nguyên những khả năng của lý trí con người để giải thích được nền tảng xây dựng nên các kiến thức về các đối vật thuộc lãnh vực của các bộ môn khoa học.
Theo Kant, điều tất yếu không còn phải như Parménide nêu lên trong bài thơ của ông, là con người có được định mệnh cao quí quán thông được bản chất sự vật, nhưng điều tất yếu là con người bị ràng buộc chấp nhận có được một lý trí hữu hạn để hiểu biết được hiện tượng của các sự vật. Từ tiền đề mới nầy, mỗi lần nói đến chữ lý trí gắn liền với bản tính con người, thì cũng tiên thiên nói đến suy tư như sự thụ đắc các kiến thức về các hiện tượng của các sự vật và sự kiểm thảo về các điều kiện tổng quát về các kiến thức đó. Suy tư đầu gọi là sự hiểu biết khoa học, suy tư thứ hai là sự hiểu biết của một môn cá biệt gọi là triết học siêu nghiệm. Mỗi một kiến thức nào của lý trí con người, trong điều kiện hữu hạn của bản tính con người đều cần có hai yếu tố.
"Nếu đặc tính tiếp nhận của trí khôn chúng ta nhằm thâu lượm những biểu tượng mỗi khi trí khôn bị tác động một cách nào đó bất kỳ, được gọi là cảm năng, thì khả năng tự tạo ra các biểu tượng hoặc là sự bộc phát tự nhiên của sự hiểu biết, là trí năng...Hai đặc tính đó, không có cái nào ưu tiên hơn cái nào. Không có cảm năng, không có vật nào có thể cống hiến cho chúng ta được; không có trí năng, không đối vật nào được suy tư" [6].
Cảm năng ở đây hẳn nhiên có liên quan đến giác quan, nhưng đối với Kant khi nói đến cảm năng là nói đến khả năng của lý trí hay bản tính con người không những tiếp nhận các cảm giác đa biệt, hỗn tạp, mà biến những dữ kiện nhất thời, hỗn độn đó thành những biểu tượng có thể làm đối tượng cho trí năng khai thác. Ông gọi những điều kiện tiên thiên, nghĩa là vốn sẵn có trong bản tính con người rồi, để có thể tiếp cận và thu nhận các kiến thức của con người về sự vật bên ngoài, là thời gian và không gian.
"Không gian không gì khác hơn là một mô thức thuần túy của tất cả những hiện tượng của các giác quan hướng ra bên ngoài, nghĩa là điều kiện cảm nhận khả giác của chủ tri, nhờ đó chúng ta mới có thể có một trực giác về thế giới chung quanh" [7].
Và
"Không gian được biểu tượng như một lượng số vô tận được cống hiến" [8].
"Thời gian không gì khác hơn là mô thức cảm nhận bên trong, nghĩa là trực giác về chính chúng ta và trạng thái bên trong của chúng ta...Thời gian là điều kiện hình thức tiên thiên của tất cả các hiện tượng. Không gian, như mô thức thuần túy của trực giác thế giới bên ngoài nên chỉ được giới hạn như một điều kiện tiên thiên chỉ hướng đến các hiện tượng bên ngoài mà thôi " [9].
Và
"Thời gian chỉ có một chiều kích..." [10].
"Sự vô tận của thời gian không có ý nghĩa gì hơn là tất cả độ lớn có hạn định của thời gian chỉ có thể xuất hiện được do những giới hạn của một thời gian duy nhất làm nền tảng cho chúng. Nên biểu tượng nguyên ủy của thời gian phải được cống hiến cho ta như là vô tận"[11].
Trước đây các triết gia truyền thống khởi từ Parménide đã vội vàng nhảy vào sự vô tận vượt không gian thời gian nhờ lý trí có tiềm năng thần thánh, nên sớm lãng quên thế giới hữu hình, nay còn mai mất xảy ra trước mắt.
Nay Kant khởi đầu bằng những kiến thức thực tế mà lý trí con người hữu hạn đã đạt được qua các bộ môn khoa học để kiểm thảo khả năng của lý trí đó. Kỳ cùng, tuy phương pháp có khác nhau, nhưng những tiền đề nền tảng của suy tư triết học nơi Parménide và Kant không hề thay đổi:
- Suy tư là hiểu biết về sự vật: sự tương hợp giữa trí năng và đối vật.
- Con người tự mình đạt đến cõi vô tận qua suy tư triết học(trong bài thơ Hữu thể học của Parménide) hay tự mình hoàn thành vô tận như tiềm năng có sẵn trong mình (qua triết học siêu nghiệm của Kant).
Thực thế, vì mặc nhiên chấp nhận sự tương ứng giữa bản chất và hiện tượng như một tiền đề tiên thiên nên cuộc cách mạng tư tưởng của Kant là một sự cập nhật tư tưởng triết học truyền thống trước sự xuất hiện của khoa học, hơn là một sự xét lại tận căn về nền móng tư tưởng như Kant mong muốn: Kant nhận chân được thân phận hữu hạn của lý trí, nhưng đồng thời Kant tiền kiến rằng tiềm năng của hữu hạn tính đó song hành và ăn khớp với vô hạn. Như thế suy tư triết học từ nay không phải vội vàng nhảy vào lý trí thần thánh và thế giới của sự thật uyên nguyên, của bản chất sự vật, cũng không phải sự ưu tư dằn vặt về sự giằng co ngột ngạt giữa vô hạn và hữu hạn, nhưng là mạnh dạn khai thác những kiến thức càng ngày càng nhiều, càng sâu xa từ khả năng hữu hạn của mình. Việc khai thác các kiến thức nầy tuy được thực hiện trong thời gian hạn chế nhưng sẽ có ý nghĩa vững chắc của nó vì được bao trùm bằng một thời gian vô tận mà con người hữu hạn đã có được một cách tiên thiên. Vì thế không những kiến thức khoa học, sự tiến bộ của khoa học, mà tiến trình toàn bộ lịch sử của nhân loại nói chung là vận hành sinh hoạt từng giai đọan liên tục của thời gian vô tận được thực hiện do chính nỗ lực của lý trí con người.
" Lịch sử...làm...ta hy vọng rằng khi nhìn (trong những nét lớn) cuộc chơi của tự do nơi ý chí của con người thì có thể sẽ khám phá ra nơi ấy một giòng trôi chảy đều đặn; và mặc dù nơi cuộc sống của các cá nhân giòng đời còn rối rắm và bất chừng, thì trong toàn bộ nhân loại vẫn có thể thấy có một sự phát triển liên tục của các khả năng bẩm sinh của mình " [12].
Do đó đặc tính cá biệt của triết học nay gọi là môn khoa học đặc loại, là quay nhìn lại xét xem làm thế nào lý trí thuần túy có thể khai triển chính mình để xây dựng các phán đoán tổng hợp tiên thiên [13].
Một khi tổng hợp tiên thiên hàm ngụ đặc tính nối kết những hiện tượng đa tạp, hữu hạn vào nhất thống toàn bộ có tính cách vô hạn, thì bấy giờ khoa học là triển khai khả năng nhận thức của lý trí trên đối vật; còn triết học là một khoa học đặc loại, vì có đối tượng đặc loại của nó, đó chính là lấy chính khả năng của lý trí của con người nhận thức làm đối tượng. Nhưng cả hai bộ môn nầy đều có một vận hành chung đặt nền tảng trên các phán quyết tổng hợp tiên thiên.
Suy tư theo Kant là sự hiểu biết được kết hợp vào một nhất thống đưa hữu hạn qui chiếu vào vô hạn. Sự hiểu biết khoa học có được sự nhất thống là do sự nối kết các biểu tượng của cảm năng vào các nhận thức của trí năng. Sự nối kết nầy do một khả năng kỳ bí, mà triết học truyền thống không lưu ý đến đó là trí tưởng tượng tiên nghiệm. Trí tưởng tượng tiên nghiệm còn gọi là trí tưởng tượng sản xuất (imagination productrice) để phân biệt với trí tưởng tượng trong kinh nghiệm về các đối tượng vật chất cá biệt (imagination reproductrice).
"Chúng ta có một trí tưởng tượng thuần túy, như là một khả năng nền tảng của tâm hồn con người. Nó là nguyên lý tiên thiên cho bất cứ một nhận thức nào. Nhờ khả năng nầy, chúng ta nối kết một bên là cái đa tạp của trực giác với bên kia là điều kiện của sự nhất thống cần thiết nơi tự thức (Aperception) thuần túy " [14].
Nhưng khả năng kỳ lạ của con người là trí tưởng tượng tiên nghiệm còn có một địa vị đặc biệt hơn nữa.
"Nguyên lý về sự thống nhất cần thiết của tổng hợp thuần túy của trí tưởng tượng, trước tự thức, đó là nguyên lý của khả tính của tất cả mọi sự hiểu biết, nhất là của kinh nghiệm " [15].
Tự thức tiên nghiệm được hiểu là cái tôi suy tư "nền tảng tạo sự nhất thống cho sinh hoạt của lý trí". Nhưng nói rằng trí tưởng tượng tiên nghiệm còn trước cả tự thức, như thế nghĩa là gì?
Phải chăng, chữ trước có nghĩa là điều kiện tiên thiên để nối kết thời gian và tự thức, vì:
"Trí tưởng tượng là một khả năng tự biểu tượng hóa một đối vật cho mình trong trực giác mà không cần sự có mặt của nó" [16].
Nói cách khác nếu "tự thức" lại là một đối tượng của lý trí linh hoạt như một tổng hợp tiên thiên, thì trí tưởng tượng tiên thiên là tên gọi cho tác năng tổng hợp của chính "cái tôi lý trí đó".
Kỳ cùng theo lối nhận xét của M. Heidegger về thời gian của Kant thì :
"Thời gian và "cái tôi suy tư" nay không còn bất tương hợp, không đối nghịch nhau bởi một sự khác biệt về bản tính, nhưng chúng đồng nhất "[17].
Và chính Heidegger đã nhận định rằng trong Kant, "trí tưởng tượng tiên nghiệm là thời gian uyên nguyên " [18].
Nên cũng có thể nói thêm rằng:
"Trí tưởng tượng tiên nghiệm là ngã uyên nguyên". Rốt ráo, kiểm thảo về nền móng lý trí thuần lý của con người hữu hạn mà Kant dày công suy tư một cách hết sức chu đáo, thì nền móng đó lại chính là trí tưởng tượng tiên nghiệm. Vấn đề là "ngã hiểu biết sự vật", trí tưởng tượng tiên thiên có phải là chân tính con người, hay đây là một chặng đường phải vượt qua để mở ra với cõi người ta.
Trước hết tại sao chúng ta đã dài dòng một cách bất tương xứng khi bàn đến Kant trong khung cảnh của vấn đề tư duy triết học một cách tổng quát?
Chúng ta dừng lại lâu với tư tưởng Kant vì nỗ lực của Kant là hệ thống hóa lại trào lưu tư tưởng của Tây phương khởi từ Phong trào Phục hưng, còn gọi là nhân bản, nhằm cập nhật truyền thống triết học; mặt khác từ cách đặt vấn đề tư tưởng và khai triển hệ thống của mình, Kant tạo ra cái khung văn hóa của Tây phương kéo dài từ đầu thế kỷ 19 cho đến cuối thế kỷ 20 nầy được gọi chung là thời Tân kỳ.
Thời Tân kỳ đó khác gì với thời Thượng cổ và Trung cổ?
Theo cách trình bày của G. Gusdorf về tiến trình lịch sử triết học ta có thể gọi thời Thượng cổ là thời của Văn hóa Hy-lạp, La-mã, trước thời ảnh hưởng của Kitô giáo trong thế giới Tây phương. Và thời Trung cổ là thời kéo dài tư tưởng đó khi tiếp nhận và đồng hóa những ngôn ngữ và nội dung của sứ điệp Kitô giáo. Tại sao nói là sự nối dài của tư tưởng Hy-lạp, La-mã? Vì đúng như nhận xét của E. Bréhier, không có sự can thiệp của Socrate, không thể có cái gọi là triết học Kitô giáo. Phải chăng có một khoảng cách rất xa giữa sứ điệp Kitô giáo và truyền thống triết học Tây phương - Hy Lạp mà một số các tác giả người Kitô giáo ứng dụng? Câu hỏi cần phải nêu lên, vì ta thấy có một sự xa lạ khó giải thích giữa sự thẩm định một thánh nhân theo tiêu chuẩn của sứ điệp Phúc âm, và một mẫu người lý tưởng theo tiêu chuẩn của triết học Kinh viện. Trong khuôn khổ của lịch sử triết học Tây phương, không suy tư và diễn tả theo đúng mẫu mực của siêu hình học - luận lý truyền thống thì không thể gọi là suy tư triết học; và tiền đề đó không thay đổi, ngay cả trong nội dung triết học thường được xếp loại là chịu ảnh hưởng Kitô giáo; điển hình là những nhà tư tưởng như Phanxicô thành Assisi, Blaise Pascal dường như không phải là những triết gia.
Những nhà tư tưởng tiên phong cho Thời Tân kỳ manh nha từ thời phục hưng của Âu châu, còn được gọi là nghiên cứu gia nhân bản, đã chuyển đổi từ cái cũ (cổ) qua mới (kim) như thế nào?
Sự biến đổi đó được thực hiện trong nhiều lãnh vực, chính trị, kinh tế, nghệ thuật và cả trong các ngành khoa học. Trên bình diện lịch sử, thần quyền gắn bó với thế quyền đồng thời với hiện tượng ưu thắng của vai trò của tổ chức giáo hội trong sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là triết học; tất cả những sự kiện đó giải thích tại sao cuộc đổi mới của thời Phục hưng được hiểu một cách chung là nỗ lực trần tục hóa. Về mặt tư tưởng triết học, song song với sự xa cách ảnh hưởng ưu thắng của triết học kinh viện, người ta truy tìm lại nguyên bản những tài liệu Hy-lạp, La-mã cổ xưa đồng thời cập nhật với những khám phá mới về khoa học thiên nhiên. Triết học Tây phương như tách làm hai từ dạo nầy: một bên là triết học kinh viện vẫn tiếp tục đóng khung theo khuôn khổ truyền thống của mình và dè dặt, đôi lúc còn lên án, hay xung đụng với nền triết học có thể gọi là thế tục đang ảnh hưởng dần trên cuộc sống xã hội. Và bên kia, sau một thời kỳ truy cứu các bản văn xưa của Hy-lạp, La-mã đã tìm được phương thức chuyển từ hai tiền đề của truyền thống luận lý - siêu hình học của triết học vào khung cảnh xã hội mới. Nhưng phải đợi đến tài năng đặc biệt của René Descartes (1596-1650) mới có được một lối diễn tả cô động và triệt để làm nền móng cho tư tưởng triết học Thời đại Tân kỳ. Nền tảng đó tóm gọn trong câu "Cogito, ergo sum = tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu". Tiền đề nầy được xem là (Fundamentum absolutum inconcussum veritatis) nền tảng tuyệt đối không thể bàn cãi của chân lý.
Cái mới ở đây so với cái cũ của truyền thống triết học như thế nào?
Trước hết, René Descartes đã nói rõ ra một điều mà truyền thống cũ đã miệt mài thực hiện mà không truy rõ căn nguồn: Truyền thống cũ đã nhân danh Socrate để khai thác giấc mơ của Parménide về hữu thể và lý trí. Nhưng cái mới của Thời-tân-kỳ cô đọng trong câu của Descartes là đưa suy tư ở cõi không hạn định của thời gian - không gian (cogitare) đồng tính với một hữu thể (esse) nơi vùng trời vô định của Parménide vào cái tôi của một thời gian hiện tại mà Socrate đã nêu lên trong câu: "người ơi hãy tự biết mình". Nhưng điểm tựa mong manh của một giây phút hiện tại của một "cái tôi", dù tôi đó là tôi suy tư, làm sao có thể thiết định được tính phổ quát và sự nhất thống của tư tưởng?
Và phải đợi đến Kant, hơn một thế kỷ sau đó, mới khai triển một cách rốt ráo hơn như chúng ta lược qua ở phần trên.
Do đó, về mặt lịch sử triết học thời tân kỳ có thể nói được, là khởi phát từ René Descartes, nhưng có được những mấu móc nơi tư tưởng của Kant.
Nếu nhìn từ thắc mắc về bản chất của suy tư, thì Thời-tân-kỳ như chúng ta phân tích không phải là một cuộc vượt thoát ra khỏi các tiền đề nơi Bài Thơ Về Hữu Thể Học của Parménide, nhưng là nỗ lực khai thác tận căn nội dung của chúng và ứng dụng vào lịch sử. Những thắc mắc tiên khởi đặt ra cho Kant, đó là sự vướng mắc của thân phận hữu hạn và chân lý tuyệt đối, cũng như cái lạ lùng nơi trí tưởng tượng tiên nghiệm, một khả năng tiên thiên xây dựng nên toàn bộ kiến thức, thì dường như lại không còn đáng làm cho con người của thời mới bận tâm, trước những khám phá liên tục của khoa học và hiệu năng của tiến bộ kỹ thuật.
Phần còn lại được Thời Tân kỳ lưu ý về triết học đó là việc triển khai "các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm" trong mọi địa hạt của cuộc sống. Triết học nay xem như đã hết phận vụ của mình khi cống hiến một trời mới đất mới tức là khoa học, nhờ đó con người ý thức được mình có sẵn những khả năng tiên thiên để khai thác các hiện tượng thiên nhiên luôn cống hiến cho mình để làm chất liệu. Trời mới đất mới đã sẵn có mô thức là vô cùng - vô tận trong khả năng con người (thời gian, không gian là trực giác tiên thiên có độ lớn vô tận đã nằm sẵn trong con người và thuộc quyền năngcủa nó); nên với những tổng hợp liên tục trong mỗi thời gian, con người tự làm nên mình, hoàn thành bản tính vô tận trong lịch sử của mình. Làm người (thành nhân) nay rõ ràng đồng hóa với thành công trong việc hiểu biết dần hồi các sự vật và sử dụng chúng. Vì mọi sự hiểu biết được quan niệm là phán đoán tổng hợp tiên thiên, vừa hàm ngụ việc triển khai kiến thức về các đối vật, vừa qui kết vào sự nhất thống của lý trí, tức là bản thể con người.
Trong nỗ lực suy tư dựa trên phán đoán tổng hợp tiên nghiệm nầy, con người không còn phải tìm một chân lý nào khác ngoài những gì được tiền kiến là đã nằm trong khả năng thực sự của thân phận hữu hạn nơi mình. Chân lý theo quan niệm tân kỳ nầy nay dựa trên các sự kiện xảy ra trong thực tế của thời gian không gian kèm theo tính tiến bộ của nó, và có tên là sự hữu hiệu (efficacité). Và nếu có sự sai trật vì không có sự tương ứng giữa khả năng tiên thiên của trí năng và kinh nghiệm thực tế, thì chân lý còn được gọi là sự điều chỉnh, hay biện minh (vérification, justification).
Cập nhật với Thời đại Tân kỳ, các bộ môn trước đây có ít nhiều liên quan đến suy tư triết học thì nay chuyển dần thành những môn khoa học đặc loại, tóm kết vào ngành khoa học nhân văn. Nên nhiều phân khoa thần học của Kitô giáo cũng chuyển dần thành một lãnh vực của bộ môn khoa học tôn giáo nói chung. Suy tư trước đây được truyền thống triết học đồng hóa vào tên tuổi của mình, nay mang một tên gọi mới hết sức phổ quát là khoa học; sự kiện đó không phải là một sự lạm dụng về phía khoa học, nhưng là một điều mà M, Heidegger cho là định mệnh của chính dòng suy tư ấy.
Nhưng Thời Tân-kỳ có đặc điểm khác nữa đi song hành. Bên cạnh Ánh-sáng tràn đầy đã mọc lên trên trái đất và con người chỉ biết bước đi một cách lạc quan, không dè dặt, còn có Bóng-tối của hư vô chủ nghĩa.
Thực vậy, Descartes và Kant đã đưa Chân-lý trường cửu xuống tầm tay hữu hạn của con người dựa trên tiền kiến lạc quan quá mức về sự tương hợp giữa lý trí hữu hạn và chân lý.
Descartes cũng như Kant đều tiên thiên cho rằng có một trật tự thường hằng vững chãi của lý trí tuyệt đối, song song với sự điều hành của vũ trụ đổi thay. Và hai cảnh vực Đất - Trời đó đều có trong con người như những hạt mầm. Sự kiện đó như hiển nhiên đã được chứng thực trong việc ứng dụng toán học vào vật lý. Ý niệm về sự tương hợp nầy hoàn toàn xa lạ với người Hy-lạp xưa và cả những nhà khoa học thời Trung cổ[19]. Do đó khi con người nhận thức rõ rệt và chắc chắn, dù trong một giây phút có thể qua đi thì nó phải là một chân lý trường cửu. Nếu thực sự đã có các kinh nghiệm bảo chứng sự tương hợp giữa toán học và vật lý như một dữ kiện hiển nhiên, thì cũng tiền kiến được một cách dễ dàng rằng phải có sự tương hợp giữa bản thể và hiện tượng, hay trật tự thuần lý trí và thế giới bên ngoài. Đó là cái khung của suy tư gọi là lý trí tự nhiên nơi mỗi người; và khai triển lý trí đó là suy tư triết học. Ngoài cái khung đầy hứa hẹn và sáng chói nầy của ánh-sáng lý trí, những lệch lạc bất thường của đời sống cá nhân, hay sa sẩy của lịch sử, những đam mê cuồng loạn vô lý, những khắc khoải về sự hữu hạn, cái chết của mình, của người...thì được đánh giá rằng hoặc do những khuynh hướng thấp kém còn vướng mắc sự sống của thân xác, lệch lạc của trí tưởng tượng (nơi Descartes), hoặc đó là một lãnh vực riêng của lòng tin tôn giáo không liên quan đến tư duy triết học.
Nhưng bên cạnh nổ lực vừa muốn quán triệt Đất - Trời qua lý trí con người, thì "mảnh vườn nhân sinh" có những mặt trái đã thực sự diễn ra, còn trước cả khám phá ra khoa học và cũng không biến dần đi với những tiến bộ của kiến thức khoa học. Trước thực tế nầy, con người lại hoài nghi về "Cái hiểu biết" của Descartes.
Bên cạnh hứng khởi của cuộc cách mạng 1789 thắp sáng ngọn đuốc của tư tưởng Thời-đại Ánh-sáng, người ta cũng khó lòng che dấu nỗi hãi hùng trước từng triệu cái chết bất chừng và phi lý. Người ta ngỡ ngàng về sự mâu thuẫn của ước mơ thực hiện tình huynh đệ với cảnh người giết người một cách tàn ác, ước mơ tự do trong tù ngục của hận thù và lo sợ.
Tuy thế giấc mơ của Ánh-sáng lý trí vẫn lên đường với lịch sử qua các cuộc cách mạng liên tục trong mọi lãnh vực. Tiếp theo Kant, các triết gia cố nới rộng các phương cách ứng dụng của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, để khai triển những nội dung còn bỏ dở trong tư tưởng của Kant: Fichte, Schelling, Hegel, Comte, Marx...Nhưng bóng đêm, nghĩa là những gì triết lý ánh sáng xem là tiêu cực cũng bắt đầu khởi phát.
Ở Pháp, vùng đất thắp lên bó đuốc cách mạng Ánh-sáng chứng kiến bóng đêm của phong trào văn chương lãng mạn, đề cao vai trò của tình cảm, trí tưởng tượng, muốn thoát ly khỏi ràng buộc của lý trí khô khan để trầm mình vào thế giới mông lung, huyền bí của thiên nhiên .
Ở Đức bóng đêm đi vào suy tư tôn giáo, triết học nhiều hơn. Triết gia triệt để khai thác bóng đêm nầy là F. Nietzsche.
Khả năng tổng hợp tiên nghiệm mà Kant xem là nền tảng dần dà được khai triển sâu rộng. Một mặt người ta thắc tại sao Kant buộc phải dừng lại ở trí tưởng tượng tiên nghiệm; và tại sao lý trí hữu hạn lại phải cần đến những Ý niệm Điều-hành Tối cao chỉ được nêu lên như một giả thiết? Nếu lý trí con người đã dựa trên một vài khám phá khoa học đã xảy ra trong thời gian như một sự hiển nhiên để thắc mắc về cái có thể và phải có thể của khả năng lý trí, thì tại sao cuối cùng lại phải dựa trên một ý tưởng điều hành như lý tưởng của lý trí để làm gì? Sự hiển nhiên của kinh nghiệm hay lý tưởng điều hành, cái gì trong hai yếu tố đó là nền tảng cho lý trí con người? Nếu dựa trên sự hiển nhiên của kinh nghiệm khoa học, thì không có gì bảo chứng cho sự tuyệt đối vượt thời gian làm nền tảng cho cái gọi là tiên thiên của cảm năng và sự vững chắc của trí năng suy tưởng cả. Nếu lấy nguyên lý điều hành làm điểm tựa, thì lý trí hữu hạn làm sao có thể có được chiếc cầu để thiết định có sự tương hợp giữa nguyên lý điều hành nầy, vốn chỉ được xem như giả thiết, đối chiếu với Bản-chất của tuyệt đối?
Đến giới hạn nầy Kant lại nhảy vào lãnh vực niềm tin tôn giáo. Nhưng trong tiến trình phân tích kiểm thảo lý trí, Kant lại hàm ngụ dự kiến tách rời niềm tin tôn giáo và suy tư triết học.
Như thế suy tư triết học mắc cạn vì tự nó chưa giải quyết tận căn nền tảng của mình như Kant mong muốn. Một mặt việc kiểm thảo chưa bao hàm hết các hiện tượng xảy ra trong thực tế của cuộc sống vì đã bỏ lửng những yếu tố được xem là phi lý; và mặt khác việc kiểm thảo nầy xác minh được trí tưởng tượng tiên nghiệm nền tảng vững chắc của lý trí con người, nhưng không có gì bảo chứng được rằng trí tưởng tượng tiên nghiệm như khả năng tác tạo kiến thức con người lại cũng có thể chỉ là một ảo giác mà thôi?
Hegel (1770-1831) triệt để hơn Kant, không dừng lại nơi một vài tổng hợp tiên nghiệm đứt đoạn của mỗi lý trí của con người trong những khoảng thời gian nhất định, và để sót lại những sa sẩy bất chừng mà lý trí hữu hạn không làm sao giải thích được, do đó còn kêu cầu đến tôn giáo như một lãnh vực ngoại tại đối với tư duy triết học. Đối với Hegel, toàn bộ biến chuyển của vũ trụ thiên nhiên là một tiến trình hình thành của một Hữu-thể tối cao, tự đặt mình ra trong thời gian bằng cách tự phủ định mình, rồi triển nở chính mình trong một tổng hợp mới. Sinh lực nầy có tên là Lịch sử Phổ quát vừa thuộc về lý trí vừa mang tính chất hữu hình của vật chất. Lý trí cũng là cuộc sống trong sự "tự phủ định", chết đi rồi lại có thể tiếp tục hiện hữu thành tiền đề mới trong bộ máy biện chứng, nối kết giữa Hữu-thể tinh thần và thời gian trôi chảy. Từ đó không còn có gì hiện hữu trong thời gian gọi là bất ngờ, sơ sẩy, nhưng tất cả đều hữu lý, vì tất cả đều là những hiện tượng có tính cách biện chứng của một lý trí vô tận đang hình thành.
Giới hạn của lý trí con người đặt ra lúc ban đầu nơi Kant, cũng như thắc mắc người ta đặt cho Kant về tính cách bấp bênh của sự tương hợp giữa các ý niệm điều hành tối cao và bản chất của Tuyệt đối, và ngay cả sự hiện diện của những sai trật, sa sẩy trong việc sử dụng khả năng lý trí qua kinh nghiệm về thế giới vật chất cũng như trong hành vi đạo đức, giới hạn đó nay không còn là những vướng mắc cho suy tư biện chứng nơi Hegel.
Tất cả đều được bao trùm trong vận hành toàn bộ của Lịch sử phổ quát vừa hữu lý, vừa sinh động của Tinh thần nhập thể: Chân lý là biến hóa để hình thành, và có thể nói ngược lại mọi biến hóa đều là chân lý.
Mọi sự nay là ánh sáng của lý trí đang thắp sáng hơn lên nữa trong tiến hóa không ngừng của lịch sử; và nguồn năng lực là những xung đụng của có - không, ngày - đêm, sự sống - sự chết..., được gọi là biện chứng tinh thần đang triển nở. Kỳ cùng, điều ta không thể hiểu là tại sao Hegel ở trong một giai đoạn đang hình thành của toàn bộ Tinh thần, lại cập nhật được tình trạng hoàn tất của lịch sử phổ quát để lạc quan (hay ngây ngô!)xây dựng toàn bộ hệ thống của tinh thần, vốn chưa ở vào giai đoạn kết thúc?
[1] KANT, Critique de la Raison pure, in Emmanuel Kant, Oeuvres Philosophiques, Ed Gallimard, Paris 1982, trg. 746.
[2] Sđd., tr. 773.
[3] Sđd., tr. 768.
[4] Sđd., tr.772.
[5] Sđd., tr. 776-777.
[6] Sđd., tr. 812.
[7] Sđd., tr. 788.
[8] Sđd., tr. 786.
[9] Sđd., tr. 794 - 795.
[10] Sđd., tr. 792.
[11] Sđd., tr. 793.
[12] Kant, La philosophie de l'histoire (Opuscules), trd. S. Piobetta, Paris 1947, tr. 59.
[13] Xem Sđd Kant Critique de la Raison pure, tr. 772.
[14] Sđd. A. 24, trích dẫn trong Kant et le problème de la Métaphysique của M. Heidegger, trad. A. de Waelhens et W. Biemel, Gallimard, Paris 1965, tr. 142.
[15] Sđd., A. 118.
[16] KANT, Critique de la Raison pure, tr.. 867.
[17] M. Heidegger, Kant et le prolème de la métaphysique, tr. 246.
[18] Sđd., tr. 242.
| |
Nguyễn Đăng Trúc |
Home »
TRIẾT VIỆT
» Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 4