Obama và sự cản đường trí thức
LND: Chủ nghĩa chống trí thức là quan niệm bài trí thức, nhất là của giới lãnh đạo, vì cho rằng trí thức đồng nghĩa với tinh thần phê phán, phản biện và do đó, không có tính thực dụng tức thời. Quan niệm này đã xuất hiện từ lâu trong hệ thống chính trị nước Mỹ. Năm 1963, Richard Hofstadter, đoạt giải Pulitzer cùng với tác phẩm “Chủ nghĩa chống trí thức trong xã hội Mỹ”, cho rằng vai trò của trí thức đã suy yếu và căn nguyên của vấn đề chính là nền giáo dục mang nặng tính dân chủ hóa. 45 năm sau với vị tổng thống da màu đầu tiên, thời cuộc nước Mỹ dường như đã thay đổi. Nicholas Kristof, cũng là một nhà báo đoạt giải Pulitzer, cho rằng việc Obama thắng cử sẽ đưa nước Mỹ rẽ sang một hướng khác, ngày càng tách xa khỏi thứ chủ nghĩa “phản-trí thức” đó.
Sự thắng cử của Obama là một dấu mốc lịch sử không chỉ vì màu da của ông. Điều đáng ghi nhận nữa về cuộc bầu cử này là cử tri Mỹ đã chọn được một vị tổng thống cởi mở, gần dân, và là một trí thức lão luyện.
Có thể, chỉ là phỏng đoán mà thôi, kết quả này sẽ là một bước đưa nước Mỹ thoát khỏi chủ nghĩa chống trí thức, vốn đã là tâm lý cố hữu trong xã hội Mỹ. Một nhà lãnh đạo thông minh và có học vấn không phải là thuốc trị bách bệnh, nhưng gần đây chúng ta cũng thấy rằng mặt khác, một Nhà trắng ghét bỏ giới hàn lâm và xem thường sự phản biện cũng không hẳn một phương thuốc hữu ích.
Chúng ta không thể giải quyết những khó khăn trong giáo dục khi mà theo kết quả thăm dò, hầu như người Mỹ tin vào đĩa bay cũng như cách họ tin vào sự tiến hóa, và một phần năm người Mỹ tin rằng Mặt trời quay quanh Trái đất.
Gần một nửa số thanh niên Mỹ trong một cuộc khảo sát năm 2006 cho rằng không nhất thiết phải biết một quốc gia nằm ở đâu khi nghe tin thời sự về quốc gia ấy. Điều đó cũng chữa cháy phần nào cho Sarah Palin khi bà, theo hãng tin Fox, không biết rằng châu Phi là một lục địa chứ không phải một quốc gia.
Có lẽ John Kennedy là vị tổng thống cuối cùng không cảm thấy đắn đo về vị trí trí thức của mình và về những học giả thông thái nhất đã được ông cất nhắc vào nội các. Gần đây hơn, chúng ta đã có những vị tổng thống thông minh và học vấn cao cố che đậy trí tuệ. Richard Nixon là một trí thức khắt khe với bản thân, còn Bill Clinton thì che giấu bộ óc thông thái ẩn sau chất giọng bình dân vùng Arkansas.
Còn với tổng thống Bush, ông đã đưa chủ nghĩa chống trí thức trở thành đường lối điều hành đất nước, không ngừng bác bỏ ý kiến của các nhà chuyên môn (như các chuyên gia về vấn đề Trung Đông, khí hậu, bệnh lý sinh sản). Ngài Bush tuy nhanh nhạy trong việc ghi nhớ những dữ kiện và khía cạnh khác nhau, nhưng tôi không thể nghĩ ra một ai khác mà tôi từng phỏng vấn lại quá thờ ơ với những vấn đề thời sự như thế.
Ít nhất là từ sau chiến dịch tranh cử của Adlai Stevenson năm 1950, sẽ là bất lợi cho nền chính trị nước Mỹ nếu quá đề cao học vấn. Sự minh mẫn bị đánh giá là yếm thế, sự suy nghĩ cẩn trọng bị xem là nhu nhược. Nhà phản biện xã hội William Burroughs từng thẳng thừng tuyên bố rằng “những người trí thức là những kẻ tứ cố vô thân ở nước Mỹ.”
(Điều đó không có nghĩa là những trí thức thì thường đầy ắp ý tưởng. Sau một trong những bài phát biểu hùng hồn của Stevenson, một người ủng hộ gào lên đại để rằng, “Ngài sẽ được bầu bởi mọi người Mỹ biết suy nghĩ!”, và người ta nói Steveson đã trả lời là: “Điều đó chưa đủ đâu. Tôi cần sự ủng hộ của số đông người Mỹ cơ!”)
Tuy nhiên thời cuộc đã thay đổi. Chúng ta giải thích cho cuộc bầu cử năm 2008 thế nào đây về một giáo sư luật được đào tạo từ một trường thuộc Ivy League1, và còn là một người luôn ngưỡng mộ các triết gia và thi sĩ?
Phải thừa nhận là ngài Obama đã tránh được những xét nét về một học vấn ưu việt bởi vì ông là một người da màu. Điều đó làm lãng trí tất cả mọi người, và vì là người da đen ông không nằm trong thiên kiến về việc phải là một học giả tư duy sắc bén ngồi trong tháp ngà. Nhưng điều đó cũng nói lên rằng tổng thống Bush có một sự kém cỏi đến đáng xấu hổ.
Trí thức là người say mê những luồng tư tưởng và không ngại sự phức tạp. Người trí thức đọc những tác phẩm kinh điển, ngay cả khi không ai để mắt tới, bởi họ biết cảm thụ những bài học của Sophocles và Shakespeare khi cho rằng thế giới bị vây quanh bởi những sự bất định, mâu thuẫn và, ngài tổng thống Bush hãy ghé tai nghe tôi nói này, những người lãnh đạo sẽ tự thoái ngôi khi họ trở nên quá cứng nhắc và say sưa trong cơn mê ngủ của sự trong sáng phẩm hạnh.
(Trí thức là người đối diện với thực tế. Ngược lại, kẻ thông thái nửa mùa là một gã hợm mình ưa trích lời của Sophocles và che lấp sự nông cạn của mình bằng những đại ngôn như “rực rỡ” hay “kiêu kỳ”.)
Khác với hầu hết chính trị gia khi đứng trước micro, ngài Obama ưa diễn thuyết phức tạp. Ông không hạ cố hay đơn giản hóa như nhiều chính trị gia thường làm, và ông nói chuyện bằng nhiều trường đoạn hơn là những câu ngắn. Trang web Global Language Monitor, chuyên bám sát những vấn đề ngôn ngữ, thống kê rằng trong cuộc tranh luận trên truyền hình cuối cùng, phần nói chuyện của Obama có độ phức tạp bằng 9, trong khi của John McCain đạt mức 7.
Trước khi Obama nhậm chức, tôi muốn nói rằng những người thông thái sẽ đạt đến vinh quang của quyền lực. Họ không thể ư? Hãy nghĩ về vị hoàng đế La Mã Nero, một trong những nhà thông thái bậc nhất đế chế cổ đại, người giết em mình, mẹ và người vợ đang mang thai; sau đó thiến một gã nô lệ và lấy về làm vợ; và nhiều khả năng là đã đốt thành Rome, rồi thiêu những người Thiên chúa giáo trong những cây đuốc sống để thắp sáng khu vườn của mình.
Tổng thống James Garfield có thể đồng thời viết chữ Hy Lạp bằng một tay và tay kia viết chữ La tinh. Thomas Jefferson là một học giả đáng ngưỡng mộ và còn là nhà phát minh, và John Adams là người luôn mang bên mình một quyển thơ. Nhưng tất cả họ đều không được tôn vinh bằng George Washington, một trong những tổng thống đầu tiên kém trí thông minh nhất.
Tuy nhiên khi ngài Obama trở thành tống thống ở Washington, tôi hy vọng rằng trí tuệ của ông sẽ mang đến một sắc thái mới cho nước Mỹ. Có thể vào một ngày không xa, những vị lãnh đạo của chúng ta sẽ không phải ngượng ngùng rằng họ là những nhà thông thái thật sự.
Nicholas D. Kristof
Dịch từ Op-Ed, The New York Times (9/11/2008)
http://www.nytimes.com/2008/11/09/opinion/09kristof.html?hp