C. Tiếng trống đồng Mê Linh
1. Thời Hai Bà Trưng, mẫu hệ hay mẫu quyền?
Rất nhiều sử gia đã đồng tình rằng theo Thủy Kinh Chú, chồng bà Trưng Trắc tên Thi. Ông chẳng những không hề bị Tô Định sát hại, mà còn sát cánh bên phu nhân của mình trong cuộc nổi dậy năm 40. Khi Mã Viện tấn công, đuối sức, ông bà bỏ chạy vào Kim Khê, ba năm sau mới bị bắt. Chuyện tiếp theo như thế nào thì Thủy Kinh Chú bỏ lửng. Chỉ biết dân gian truyền tụng Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở Hát giang. Có giả thuyết Hai Bà sau đó bị Mã Viện bắt và chém đầu rồi đem thủ cấp về Tàu báo công, cho nên trong đền thờ Hai Bà ở Hát Môn có tục kiêng màu đỏ. Hậu Hán Thư chép bà Trưng Trắc bị xử trảm. Ở đây tôi muốn trả lời câu hỏi: Tại sao sử gia phong kiến Việt Nam lại mượn tay Tô Định khai tử ông Thi?
Ý kiến phổ thông của đa số học giả trong thế kỷ 20 cho rằng các nhà Nho, khi viết sử phải “giết” ông Thi, vì nếu ông còn sống mà bà Trưng Trắc làm vua thì ngược lẽ… thánh hiền Khổng – Mạnh! Họ cũng thống nhất cư dân Việt cổ hình như theo chế độ mẫu hệ - bằng chứng là thuộc tướng của Hai Bà Trưng phái nữ rất nhiều, nào là Lê Chân (thánh chân công chúa), Ngọc Lâm (thánh thiên công chúa), Vũ Thục Nương (bát nàn công chúa), Thiều Hoa (đông quân tướng quân), Diệu Tiên v.v. Giải thích như thế chưa thuyết phục lắm. Theo tôi sự bịa đặt còn ẩn chứa hàm ý sâu xa khác, nó làm người ta không chú tâm đến địa điểm của cuộc nổi dậy.
Trưng Trắc và Trưng Nhị đã tập hợp lực lượng và tuyên chiến với Tô Định tại Mê Linh, với sự ủng hộ mạnh mẽ của mẹ mình là bà Man Thiện. Thành công, Trưng Trắc xưng vương và đóng đô cũng tại Mê Linh, nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Giả sử Hai Bà Trưng không có em trai. Khi chồng chết, Trưng Trắc (lúc này đang ở bên chồng) về lại quê cùng giữ quyền thế tập với em gái, rồi “Hận người tham bạo, thù chồng chẳng quên… phất cờ khởi nghĩa”. Chuỗi luận thật tròn trịa, dễ ru ngủ người đời. Thật sự nó đã ru biết bao thế hệ người Việt ngủ ngon hằng ngàn năm.
Quả tình ông Thi chẳng bị ai ám hại. Ông là con Lạc tướng Châu Diên, rất “môn đăng hộ đối” với Trưng Trắc, chứ không phải một anh lực điền tứ cố vô thân được gia chủ nuôi và gửi gắm con gái rượu (theo quan điểm phụ hệ sau này). Không có ông bên cạnh Trưng Trắc đánh đuổi Tô Định, sẽ không ai thắc mắc khi lấy vợ ông đi ở rể hay rước dâu về. Nếu lúc ấy người Việt cổ đã theo chế độ phụ hệ, Trưng Trắc phải về nhà chồng. Và nếu hưng binh tất bà sẽ chọn Chu Diên chứ không phải Mê Linh. Do đó ta thấy vai trò của kẻ làm dâu trong một gia tộc danh giá thời ấy hơi khác thường.
Đến đây nên mạnh dạn kết luận khi phối ngẫu với Trưng Trắc, ông Thi phải theo vợ sang Mê Linh. Vai trò của ông Thi trong cuộc binh biến và cả sau khi binh biến thành công khá mờ nhạt. Thay vào đó là hình ảnh Trưng Nhị, em gái Trưng Trắc. Đó là điều hiển nhiên, xã hội mẫu hệ cho Trưng Trắc quyền thế tập và Trưng Nhị là hàng thừa kế thứ nhất, thậm chí Trưng Nhị còn có thể thừa kế cả anh rể mình nữa, điều này hoàn toàn không có gì xa lạ với nhiều bộ tộc còn chậm tiến trên thế giới ở thế kỷ 20 vừa qua. Giả thuyết này có thể lấy chuyện hôn nhân của Mỵ Châu và Trọng Thủy trước đó hơn 200 năm làm một điểm tựa. Hình ảnh truyền thuyết An Dương Vương cưỡi ngựa mang Mỵ Châu bỏ chạy khỏi Cổ Loa, cũng mơ hồ cho thấy Mỵ Châu cần được bảo vệ như một “thái tử” trong cơn nguy cấp. Có thể tham khảo thêm bộ sử “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ (năm 233 – 297): “Ở hai huyện Mê Linh của quận Giao Chỉ và Đô Lung của quận Cửu Chân, anh chết thì em trai lấy chị dâu”.
Tôi dám khẳng định chắc nịch rằng thời Hai Bà Trưng, cư dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn theo chế độ mẫu hệ nếu không muốn nói là mẫu quyền. Khái niệm mẫu hệ và mẫu quyền có khác nhau nhưng phụ hệ và phụ quyền lại gần như là một. Chế độ mẫu hệ qui định những đứa con trong một gia đình mang họ mẹ, chỉ các con gái mới được giữ quyền thừa kế. Mẫu quyền thì đi xa hơn, quyền hành gia đình và xã hội nằm tất ở nữ giới, lãnh tụ phải là nữ giới. Do đó việc tồn tại các nam thủ lĩnh trong những bộ tộc Việt cổ không hề mâu thuẫn với nội dung mẫu hệ. Nội dung mẫu hệ này xuyên suốt trong hầu hết các văn bản huyền sử và cổ tích Việt Nam, mặc dù nó đã bị chế độ phụ hệ nối tiếp bóp méo, biên tập khá bài bản và công phu.
Lướt qua một vài truyện cổ tích như Tiên Dung – Chử Đồng Tử (đời vua Hùng thứ 3), Trương Chi – Mỵ Nương, Ngưu Lang – Chức Nữ, không thể không nhận ra các nữ nhân “lý tưởng” đều là công chúa, con vua, con trời, giàu có; trong khi đó nam nhân lại rất nghèo. Nó ngược lại với truyện cổ tích của nhiều nền văn minh khác ở chế độ phụ hệ, thường lý tưởng hóa người nam trong khi vai nữ nghèo và luôn thuộc về tầng lớp bình dân.
Rõ nhất phải kể đến truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ với cặp khái niệm “Mẹ - Đất (núi)” và “Cha – Nước”. Trong trật tự lời văn của Lĩnh Nam Chích Quái: “Long Quân nói: Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được". Rõ ràng mẹ Âu Cơ là Dương chứ không phải Âm. Minh chứng thêm ở đây: tết Đoan Dương (ngày nóng nhất trong năm, dương khí cực thịnh) hay còn gọi là Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch cũng là ngày giỗ Âu Cơ. Chế độ phụ hệ dù có bóp méo truyền thuyết theo chiều hướng nào đi nữa vẫn không thể thay ngày giỗ mẹ bằng giỗ cha. Trong câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, cặp “Mẹ - Đất (núi)” và “Cha – Nước” trong truyện Âu Cơ, Lạc Long Quân đã bị chế độ phụ hệ hoán đổi trật tự một cách rất khéo thành “Mẹ - Nước” và “Cha – Núi (đất)”. Bản thân yếu tố “Thái sơn” rặt Tàu cũng cho thấy đâu là nguyên nhân của sự thay đổi ấy. Sẽ có người phản bác lập luận của tôi: xét theo cấu tạo của bộ phận sinh dục, nếu cho rằng mẹ là dương rất không ổn. Một cách tình cờ lưỡng nghi (hào dương và hào âm) của Kinh Dịch có thể tương đương với Linga và Yoni của người Chiêm Thành. Tuy nhiên khi so sánh ngực người nam và người nữ thì rõ ràng giống cái lại chứa dương tính. Vấn đề giờ đây thu hẹp về các góc nhìn mà thôi.
2. Một cách lý giải toàn cảnh
Năm 111 TCN Lộ Bác Đức diệt Nam Việt, kết thúc gần 100 năm vương triều của họ Triệu. Tượng quận, vùng đất chưa bị xâm lăng, một tên gọi tượng trưng mang tính khái niệm theo cách của nhà Tần (nó tương đương với Giao Chỉ của nhà Chu) bắt đầu được Hán Vũ Đế mở mang. Chín quận mới liệt kê ở Hán Thư là Đạm Nhĩ, Chu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam tiếp tục là khái niệm, thứ khái niệm nói lên tính tự cao, tự đại, lòng tham và chủ nghĩa bành trướng của nhà Hán.
Sau hàng trăm năm dừng lại và khai phá các vùng đất phương nam đã chiếm được và đặt quan trấn nhậm (tức 6 quận trong tổng số 9 quận thuộc Giao Chỉ bộ), đầu công nguyên nhà Tây Hán bắt đầu dòm ngó xuống ba quận ảo là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lần đầu tiên ta thấy xuất hiện chức danh Thái thú của quận Giao Chỉ là Tích Quang (năm 1 đến năm thứ 5 sau Công Nguyên). Người này chắc chắn chỉ là lãnh đạo một sứ bộ có qui mô nhỏ, mang danh nghĩa “thông giao” đến đất mới thăm dò, thám thính và xem xét khả năng áp đặt kềm kẹp đô hộ. Công việc của Tích Quang còn dang dở thì Trung Nguyên hỗn loạn vì Vương Mãng cướp ngôi.
Năm 23 Lưu Tú dẹp được Vương Mãng tiếm quyền nhưng Trường An đổ nát, hoang tàn trong máu lửa, ông dời đô về phía đông đến Lạc Dương lập nên nhà Hậu Hán. Để nối lại cuộc thám sát mảnh đất Việt cổ, năm 25 Nhâm Diên được cử sang Cửu Chân. Những chính sách mị dân mà Tích Quang và Nhâm Diên áp dụng khi ấy không ngờ còn lưu truyền tới tận thế kỷ 20, với vỏ bọc hình thức khá ngây thơ. Đến tận Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim gần đây vẫn còn viết: “Người ấy (Tích Quang) hết lòng lo việc khai hóa, dạy dân lấy điều lễ nghĩa, cho nên dân trong quận có nhiều người kính phục”. Và “Dân sự quận ấy (Cửu Chân) ái mộ Nhâm Diên, làm đền thờ.”
Năm 34, có lẽ do chủ quan khi nhận định tình hình sau hai cuộc thám sát, Hán triều cử sứ đoàn do Tô Định cầm đầu xuống đồng bằng sông Hồng để tiến hành thực dân hóa quận Giao Chỉ. Nhiệm vụ của tân thái thú chắc chắn là phải xây dựng bộ máy bóc lột nhằm biến quận Giao Chỉ thành miếng bánh ngon giữa bàn tiệc thực dân, chứ không thể mãi mãi là mảnh đất ảo trang trí trên bản đồ đại Hán. Có thể Tô Định đã tiến hành vài cuộc khủng bố lẻ tẻ nhân danh thiên tử Tàu và áp Hán luật vào đời sống nhân dân sở tại. Không còn những hành động khoan hòa vờ vĩnh kiểu Tích Quang, Nhâm Diên. Tự do của người bản xứ đã bị xâm hại nghiêm trọng. Trưng Trắc, vị thủ lĩnh tự trị của vùng đất kề cận nơi Tô Định đặt bản doanh chịu sức ép thực dân nhiều nhất đã đứng lên hiệu triệu các thủ lĩnh khác cùng đoàn kết đánh đuổi thù chung.
Hai Bà Trưng nổi trống đồng khởi nghĩa năm 40, dân Việt đồng tình hưởng ứng khắp nơi. Tô Định chuồn thẳng về Nam Hải (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) mà không hề có một trận chiến ra trò nào để sử sách hoặc dân gian truyền lại. Chi tiết này thêm một lần nữa xác tín bối cảnh được xây dựng ở trên là hợp lý. Qui mô đội quân chiếm đóng của Tô Định rất nhỏ, chẳng thể đánh đấm gì được.
Cuộc hành quân về Long Biên của Hai Bà Trưng nhanh chóng thành công. Điều này là tiền đề thuận lợi cho Hai Bà tập hợp được thêm nhiều lực lượng ủng hộ, tiến tới xưng vương rồi đóng đô tại Mê Linh.
Mùa xuân năm 42 Mã Viện mang theo quân thiện chiến sang quận Giao Chỉ. Bằng kinh nghiệm lọc lõi của một tên tướng phong kiến, Mã Viện kiên nhẫn đóng quân tại Lãng Bạc và nghe ngóng tình hình. Hai Bà Trưng chủ động tấn công trước và thất bại, phải rút về Mê Linh rồi Cấm Khê (chân núi Ba Vì). Mã Viện tiếp tục truy kích và tháng giêng năm 43 đã bắt được Hai Bà Trưng. Tàn quân Việt chiến đấu được vài tháng nữa mới tan rã. Dân gian Việt Nam có hai ngày giỗ Hai Bà Trưng là 6.2.43 và 8.3.43 (năm Quý Mão, âm lịch), có lẽ ngày đầu là ngày Hai Bà Trưng bị bắt và ngày sau là ngày họ bị hành hình. Ở đây xuất hiện hai khả năng: Một là Mã Viện giữ Hai Bà để dụ hàng nhằm kêu gọi nhóm nghĩa quân chưa buông vũ khí ra trình diện. Hai là Mã Viện thuyết phục Hai Bà kêu gọi nhân dân thuần phục nhà Hán và chấp nhận luật pháp Hán. Dù sao ta cũng biết chắc một điều Hai Bà Trưng đã không chịu thỏa hiệp dù phải bỏ mình.
Sự kiện Hai Bà Trưng anh dũng tấn công Mã Viện dẫn đến một liên tưởng hơi ngoài lề: Hậu Hán Thư không ghi nhận tổng quân số của Mã Viện nhưng chỉ riêng cánh tiến đánh Cửu Chân sau đó gồm hơn hai ngàn chiến thuyền và hơn hai vạn lính. Vậy ít nhất Mã Viện phải thống lĩnh lực lượng gấp rưỡi con số này cho trận đánh với Hai Bà Trưng. Cũng theo sách ấy, Mã Viện đã giết hại cả ngàn quân của Hai Bà Trưng và bắt sống hàng vạn tại Lãng Bạc. Như thế có thể đoán quân của Hai Bà Trưng cũng tròm trèm con số vài vạn, ngang ngửa với quân Mã Viện. Với lực lượng bề thế nhường ấy, nếu Cổ Loa của An Dương Vương thực sự nằm tại đồng bằng sông Hồng (chứ không phải ở Quảng Tây như giả thuyết của tác giả bài này), thì tại sao Hai Bà Trưng không củng cố thành cũ để đương đầu với quân viễn chinh. Ngoài thực địa đền Cổ Loa Đông Anh chỉ cách Mê Linh trên dưới 20km đường chim bay, không hề bị sông lớn, suối rộng, núi cao, khe sâu ngăn trở, và Hai Bà Trưng có hơn 2 năm để chuẩn bị một cuộc kháng chiến dài lâu. Như vậy truyền thuyết An Dương Vương và Loa thành từng hiện hữu ở Việt Nam có thêm một nghi chứng phủ nhận.
Xin tạm che giấu cảm tính dân tộc và tinh thần quốc gia (những khái niệm không thể có ở thời Hai Bà Trưng), để đứng trên bình diện văn minh mà dè dặt nói: Kết cục cuộc chiến giữa Hai Bà Trưng và Mã Viện có thể tiên liệu trước, chế độ thị tộc mẫu hệ, hay ít ra là tàn dư của nó phải bị khuất phục trước một mô hình xã hội tân tiến hơn, để giải phóng sức sản xuất xã hội, phân công lại lao động, đưa con người và lịch sử tiến lên phía trước. Sự thật là Hai Bà Trưng đã phải đương đầu với Mã Viện, một tên tướng xâm lăng nên nguyên nhân thất bại cốt lõi của Hai Bà rất khó được chấp nhận đối với hầu hết người Việt Nam, không phân biệt trình độ nhận thức.
3. Con cháu Hai Bà Trưng ngoài đảo xa
Mùa xuân năm 43 Hai Bà Trưng bị xử trảm. Các tùy tướng của Hai Bà đem tàn quân rút chạy vào Cư Phong, thuộc Cửu Chân (Thanh Hóa). Mã Viện tiếp tục truy kích đến cuối năm 43 thì hoàn thành cuộc xâm lăng. Một bộ phận nữa phải hàng phục. Tuy nhiên có một bộ phận bất khuất không nhỏ đã lên thuyền ra khơi. Thời điểm cuối năm 43 hoàn toàn hợp lý và là chi tiết quan trọng, vì trên biển Đông bắt đầu vào đợt gió mùa Đông Bắc. Đây chính là đôi cánh tự do trời đất ban tặng cư dân Việt cổ, đẩy những con thuyền đưa họ đến eo Malacca. Cũng có khả năng nhiều người trốn chạy theo đường bộ, rồi hòa lẫn vào những bộ lạc sống dọc bờ biển trung bộ Việt Nam ngày nay. Họ đã góp phần xây dựng nên đế chế Chiêm Thành sau này.
Hiện nay có hai cộng đồng thị tộc mẫu hệ, nguồn gốc gần gũi, sống hai bên eo biển Malacca, thuộc hai quốc gia: 1. Cộng đồng thứ nhất là người Minangkabau, sống ở đảo Sumatra, Indonesia. Họ có khoảng 4 triệu người, chiếm ¼ dân số của đảo. 2. Cộng đồng thứ hai sống ở bang Negeri Sembilan, thuộc bán đảo Peninsular, Malaysia. Họ cũng là người Minangkabau. Họ vượt eo Malacca đến đây định cư khoảng từ TK 15 đến TK 16, và ngày nay sống rải rác trên một diện tích khoảng 6,645 km2, dân số hơn 722.000 (số liệu 1991). Negeri Sembilan dịch nghĩa là “Nước (số) chín”. Chữ “nước” ở đây đồng nghĩa với chữ “Nagar - nước, xứ sở” của người Chiêm Thành và chữ “Lạc – nác, nước” của người Lạc Việt xưa. Thủ phủ của Sembilan cách Kuala Lumpur khoảng 64 km.
Nền văn hóa của hai cộng đồng này mang bản sắc độc đáo và riêng biệt. Họ vẫn theo chế độ thị tộc mẫu hệ. Quyền thừa kế nằm hết ở giới nữ. Tuy nhiên trưởng tộc lại là nam giới. Lãnh thổ chung của họ chia thành những vùng tự trị có tên là Luak (Lạc?). Người đứng đầu vùng tự trị cũng là nam giới, do các trưởng thị tộc bầu lên gọi là Luak Undang. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, các em gái bà này nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi (tiếng Bahasa Indonesia lần lượt đọc là t run ch chik và t run nhi). Ngữ âm này, sau biết bao biến đổi qua thời gian, đọc lên vẫn thấy mơ hồ hai cái tên Trưng Trắc, Trưng Nhị [12].
Về đời sống, nam giới có trách nhiệm chính với mẹ và chị em gái của họ trong thị tộc. Nhiều nơi, nam giới chỉ ở với vợ ban đêm, ban ngày trở về với chị em gái mình và những đứa cháu. Nữ giới lập gia đình thường ở lại nhà cha mẹ họ. Những người chị đã lập gia đình luôn có mối liên hệ gần gũi với các em gái chưa lập gia đình, thậm chí họ còn ở chung với nhau. Ở Indonesia hôm nay, người Minangkabau là những nhà kinh doanh giỏi. Điều này được tạo nên một phần bởi sắc thái văn hóa Minangkabau. Nam nhi Minangkabau phải rời gia đình đi tìm tương lai. Họ buộc phải thành công. Khắp Indonesia ta gặp rất nhiều các ông chủ lớn nhỏ người Minangkalau. Họ theo đạo Hồi đã vài thế kỷ. Tuy nhiên truyền thống văn hóa và tín ngưỡng đã hòa hợp một cách đáng ngạc nhiên.
Chế độ thị tộc mẫu hệ hiện tồn tại trong những cộng đồng người Minangkabau luôn lôi cuốn các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và nhân loại học. Ngành du lịch Indonesia và Malaysia cũng khai thác triệt để tính đặc thù này để thu hút du khách. Trong rất nhiều đoạn phim quảng bá du lịch người Minangkabau đã không dưới một lần tuyên bố tổ tiên họ là người Việt và đã di cư đến Nam Dương bằng thuyền.
Kiến trúc truyền thống Minangkabau cũng khiến không ít người suy tư: “Ở Indonesia, người Minangkabau có những ngôi nhà mái cong rất đẹp, nhịp điệu bay bổng, phong phú, một mặt giống ngôi nhà sàn hình thuyền, một mặt lại giống mái cong của đình chùa Việt Nam [13]”.
Xin hãy tham khảo một giai thoại Minangkabau [14]: Ngày xưa có một mối bất hòa giữa người Minangkabau và người Java, thay vì giải quyết bất hòa đó bằng một cuộc chiến với máu đổ không cần thiết, họ thỏa thuận chọi trâu để phân định. Người Java có một con trâu khổng lồ, mạnh mẽ và hung dữ. Người Minangkabau chỉ có một con nghé con. Người Java rất tin tưởng con trâu của mình sẽ đè bẹp chú nghé kia. Vậy mà yếu đã thắng mạnh. Người Minangkabau bỏ đói con nghé nhiều ngày. Trước trận đấu họ buộc một con dao sắc vào đầu nghé. Vào trận nghé đói tưởng trâu là mẹ mình. Lập tức nó rúc vào bụng trâu để tìm vú. Con trâu kềnh càng đã bị chết vì dao đâm thủng bụng. Và người Minangkabau đã chiến thắng. Cũng theo giai thoại này Minang nghĩa là chiến thắng, kabau là trâu.
Bất kỳ người Việt nào cũng tìm thấy ở câu chuyện trên một thứ gì đó thật gần gũi với bản sắc văn hóa đồng bằng sông Hồng. Chuyện dân gian Trạng Quỳnh dùng nghé đấu Trâu của sứ Tàu với truyện trên, có lẽ là hai biến thể của một tư duy chung, một triết lẽ giản dị nhưng nhiều giá trị: Đề cao trí tuệ và lòng yêu chuộng hòa bình, hòa hợp, lấy trí thắng lực, hóa giải mâu thuẫn bằng trái tim nhân hậu. Và tôi chợt hiểu, linh vật trâu vàng cho lễ hội thể thao khu vực Đông Nam Á đầu tiên do Việt Nam tổ chức, tức Seagame 2003, đã được chọn bằng tâm thức văn hóa, lịch sử.
Phải chăng người Minangkabau ở Indonesia và Malaysia hôm nay cũng là con cháu của Hai Bà Trưng? Phải chăng cái tên mà hai ngàn năm nay người Việt tôn gọi Trưng Trắc, Trưng Nhị không phải là tên riêng mà là chức danh của hai hoặc một nhóm phụ nữ Việt Nam bất khuất? Câu trả lời đang ở một tương lai rất gần.
4. Bà Trưng Trắc chính là vua Hùng?
Xưa từ Hùng ý chỉ thủ lĩnh một vùng. Tùy Thư (thế kỷ VII), thiên Địa Lý Chí Hạ còn ghi “Người man (tức người Lạc Việt) ai giàu mạnh là người hùng”. Con vua Hùng là Quan Lang cai quản địa phận trực thuộc, qui mô chắc cũng như làng xã ngày nay. Chữ “Làng” có thể xuất phát từ chữ “Lang” trong “Quan Lang”, người Mường gần đây vẫn còn Quan Lang. Vậy có thể hiểu “Hùng” là người đứng đầu thị tộc mẫu hệ. Liên minh thị tộc mẫu hệ sẽ hình thành dạng nhà nước sơ khai như Văn Lang, và Vua Hùng hẳn là lãnh tụ của nhà nước sơ khai ấy.
Khi lưu vong đến Quảng Tây, các bộ tộc Lạc Việt cổ từ Động Đình Hồ vẫn còn gắn kết ở dạng nhà nước sơ khai kia, nó thể hiện trong truyền thuyết xung đột giữa “Thục vương tử” và Vua Hùng. Tuy vậy trước và sau thời điểm 179 TCN (năm Triệu Đà thôn tính Tây Âu Lạc của An Dương Vương) và 111 TCN (năm Lộ Bác Đức bình định Nam Việt), những nhóm người đi tiếp xuống đồng bằng sông Hồng có lẽ đã không thể bảo tồn hình thái xã hội Văn Lang cũ. Điều này khá dễ hiểu: Địa bàn mới hoang vu (dù chắc chắn tồn tại ít nhiều nhóm chủng tộc gốc Nam Á du canh du cư với kinh tế hái lượm, săn bắn), thổ nhưỡng ẩm thấp, mùa mưa ngập lụt chia cắt, dân số ít, giao thương trở ngại… Đến đầu công nguyên, ít nhất là tình hình dân số của các bộ tộc Lạc Việt ở đồng bằng sông Hồng đã được cải thiện. Để chống lại âm mưu nô thuộc của nhà Đông Hán, Hai Bà Trưng đã liên minh các thủ lĩnh vùng lại với nhau đánh đuổi Hán quan, xưng vương. Như vậy hoàn toàn có thể xem Trưng Trắc chính là vị Vua Hùng đầu tiên của mảnh đất tiền Việt Nam.
Ở xã hội Lạc Việt cổ, trống đồng là biểu hiện quyền uy của tù trưởng, tộc trưởng. Cũng Tùy Thư nói: “Khi chiến tranh thì trống đồng được đánh, người người khắp nơi nghe lời hiệu triệu tụ họp về. Dân Lạc Việt rất phục tùng người sở hữu trống” – đây phải chăng là câu trả lời dứt khoát cho hành xử của Mã Viện với quốc bảo trống đồng. Thật vậy, Mã Viện nam chinh đã phá vỡ liên minh Văn Lang vừa được Trưng Trắc tái lập nhưng buộc phải cho phép dân Việt tự trị ở đơn vị Làng. Thế là sau khi giết hại vợ chồng bà Trưng, Mã Viện vội vàng cho quân lính đi thu gom trống đồng nhằm bẽ gãy các cuộc phản kháng tiếp theo (nếu có) từ trong trứng nước. Bản chất gốc của vấn đề xem ra rất kín kẽ, còn hiện tượng Mã Viện nấu đồng đúc ngựa cảnh để chơi và dựng trụ làm cột thiên văn quan sát bầu trời, xác định vị trí khu vực vừa chiếm được trên bản đồ đế quốc Hán, chỉ là đám lá ngọn lòa xòa che mắt sự thật lịch sử.
Tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam không tin tổ tiên họ là chủ sở hữu của trống đồng, hoặc cho rằng đề cao trống đồng như quốc bảo của dân tộc là thiếu chứng lý. Họ bảo không như người Tráng tại khu tự trị Quảng Tây Trung Quốc (tức hậu duệ những thần dân của An Dương Vương không di cư chạy giặc Triệu Đà xuống đồng bằng sông Hồng năm 179 TCN) vẫn còn sử dụng trống cho lễ hội, trống đồng ở Việt Nam chỉ đào được nơi các vỉa đất của quá khứ. Hy vọng nguyên nhân mang tên Mã Viện tôi vừa nêu, sẽ góp phần chứng minh người Việt xưa đã phải đành đoạn chôn trống gửi đến tương lai, mong con cháu mình mãi mãi trân trọng và giữ gìn nó
Cùng với việc hủy hoại trống đồng và làm tan rã hình thức nhà nước sơ khai trên mảnh đất Việt Nam cổ, Mã Viện đại diện cho nhà Đông Hán cũng chính thức khai sinh đơn vị hành chính tự trị là Làng, Xã. Do được tự trị, tinh thần độc lập và tự chủ của người Việt Nam đã luôn được nuôi dưỡng dưới các nếp nhà sau lũy tre làng. Từ “Làng Nước” sinh ra từ đây. Làng trở thành một đất nước độc lập tự chủ thu nhỏ của những người dân Việt bất khuất. Hơn 800 năm sau, tinh thần ấy lớn mạnh rồi bùng phát để đưa cả dân tộc thoát kiếp nô lệ. Khi người Việt có quốc gia rồi, thì làng xã lại trở về thế đối lập một cách tương đối với các chính sách chính trị tổng thể của chính quyền trung ương. Để dung hòa lợi ích nhà nước và làng xã, mỗi làng đã được chính quyền chọn ra một vị thần được ưa chuộng nhất để sắc phong làm Thành Hoàng. Như vậy mâu thuẫn đã được giải quyết ở một mức độ chấp nhận được: ông vua của làng là thánh linh (hoặc một con người có thật đã được thánh hóa), được ông vua của cả nước hợp thức hóa bằng một văn kiện.
5. Kết luận
Người Lạc Việt cổ bắt đầu gần một thiên niên kỷ lưu vong từ chiếc nôi Động Đình Hồ, từ châu Kinh, châu Dương bên bờ Trường Giang khi văn minh Hoa Hạ nam tiến và nước Sở được hình thành. Đến Trưng Trắc thì sức người có hạn, văn minh vật chất sơ sài trong khi sơn đã tận mà thủy thì mênh mông, đa số họ bắt buộc phải dừng lại, nhẫn nhục chấp nhận thêm tám trăm năm nô lệ nghiệt ngã.
Máu lưu vong trước nghịch cảnh chính trị của tiên tổ người Việt Nam đã hơn một lần bùng phát, già ngàn năm trở lại đây nơi hậu duệ của họ: Khi nhà Trần tiếm đoạt vương quyền, một nhánh họ Lý đã chạy qua Cao Ly. Lê – Mạc đấu đá rồi Trịnh – Nguyễn phân tranh, bao người phải bỏ xứ xuống khai phá đồng bằng sông Cửu Long trù phú. 1954 và 1975, hàng triệu sinh linh lại lên đường vào nam, hoặc ra biển tỏa khắp năm châu. Ai đó đã có lần so sánh người Việt Nam với dân Do Thái ở góc độ lưu vong, cũng chẳng khập khiễng chút nào.
Tự đặt mình vào bối cảnh năm 40 sau Công Nguyên, tôi bỗng thấy hình ảnh sáo mòn Hai Bà Trưng “phất cờ khởi nghĩa” có vẻ không hợp lý. Nên chăng hãy hình dung những hồi trống đồng liên hoàn dưới các nếp nhà sàn hiền hòa, thôn nối thôn, làng tiếp làng, thị tộc này kêu gọi thị tộc khác cùng đoàn kết trong âm vang tự do dưới sự lãnh đạo của Vua Hùng – Trưng Trắc tiến thẳng về Long Biên, quét sạch bắc quân xâm lược.
Hai Bà Trưng ra đi khép lại thuở bán khai trên đất mảnh đất tiền Việt Nam. Thời điểm này chính là hoàng hôn trước đêm dài nô lệ. Người Việt biết chấp nhận nỗi nhục thiếu tự do để học hỏi, tự hoàn thiện mình. Thỉnh thoảng một vài ngọn đuốc lại bừng sáng mang nhiều cái tên anh hùng như Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan hay Phùng Hưng. Đáng kể là hơn nửa thế kỷ độc lập của Lý Nam Đế cùng các phụ triều trong giấc mơ Vạn Xuân đầy hiện thực. Đó là những bước tiến vững chắc, không thể phủ nhận của con người và đất nước thời khởi sử, làm bệ phóng cho kỷ nguyên tự chủ bắt đầu với Khúc Thừa Dụ năm 905. Tám trăm năm tròn bắc thuộc là cái giá quá đắt nhưng không hề vô nghĩa. Dân tộc Việt Nam, văn minh Việt Nam hình thành trong gian khó và thử thách đã lớn mạnh vượt bậc. Từ đó về sau phong kiến phương bắc không lần nào hoàn toàn khống chế được họ nữa. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đại diện thực dân châu Âu là Pháp Lang Sa, với ưu thế hơn hẳn họ về sức mạnh vũ khí được sản xuất dưới một nền khoa học kỹ thuật tân kỳ, tổ chức xã hội tư bản tiến bộ, cũng chỉ áp đặt sự đô hộ không đồng bộ của chúng trên mảnh đất này tròm trèm 80 năm mà thôi.
Nếu không kể đến An Nam Chí Lược (1335) của một kẻ bán nước, từ quyển hiến sử đầu tiên còn lưu lại đến ngày này là Đại Việt Sử lược (1377 – 1388), sử gia Việt Nam vừa xem sách Tàu, vừa chấm bút lông vào nước lã để viết về ông Thi. Thậm chí họ còn sơ ý nhầm tên chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách! Năm tháng qua đi, sách sử nối nhau ra đời, Bà Trưng Trắc vẫn phải làm một quả phụ bất đắc dĩ, gồng gánh thêm bao nhiêu khái niệm không cùng thời với bà. Lối tư duy suy diễn chủ quan, nô lệ sách Tàu và kinh viện, kết hợp với truyền thống tạo dựng chính sử thiên kiến và không tôn trọng sự thật một cách có hệ thống, vô hình chung đã tô son trát phấn lên bà mẹ chân đất được Thủy Kinh Chú mô tả là “vi nhân hữu đảm dũng”. Kết quả là người mẹ vĩ đại của họ chẳng đẹp hơn tí nào. Nó chỉ khiến người đời chạnh buồn cho những đứa con vụng về, xốc nổi và đồng bóng của bà.
Mảnh đất hình chữ S có tên Việt Nam ngày nay hiện hữu khoảng 200 đền thờ Hai Bà Trưng. Đó là tuyên bố rõ ràng nhất về vai trò lớn lao của Hai Bà trên non sông này. Mọi lý thuyết học thuật cổ kim đều không thể phủ nhận bản chất anh hùng và tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng, vị Vua Hùng đầu tiên và cuối cùng của mảnh đất Việt Nam, người mẹ đáng kính của lịch sử Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
D. Đôi nét văn hóa
1. Từ Kinh Dịch đến chữ viết của tổ tiên người Việt Nam
Trong quá khứ, không ít sử gia Việt Nam đã nghiệm rằng Kinh Dịch chứa rất nhiều yếu tố vay mượn từ văn minh Thần Nông. Gần đây một bài báo ở Việt Nam tự hào tuyên bố Kinh Dịch chính là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt. Tôi quan sát rất kỹ các tranh luận xưa nay và tự hỏi: “Ngôn ngữ điện toán hiện đại chỉ cần hai tín hiệu CÓ và KHÔNG, khi thể hiện trên giấy nó tương đương số 1 và số 0. Não điện toán dễ dàng đọc mọi văn bản chỉ toàn 0 và 1 đan xen, nối nhau thành chuỗi, vì tốc độ xử lý thông tin của nó rất cao. Nguyên lý khởi đầu của Dịch là Âm Dương sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Sau Bát Quái còn có thêm 64 Quẻ. Ký hiệu Dương là một vạch liền, Âm là một vạch đứt. Hoàn toàn tồn tại khả năng văn minh Trung Hoa đã mượn thứ ký hiệu này của văn minh Thần Nông và phát triển thành Kinh Dịch. Như vậy tại sao không thể đặt giả định hệ thống ký hiệu xây dựng từ hai đơn tố Âm và Dương là những chữ cái của một thứ ngôn ngữ bí hiểm nào đó trong văn minh Thần Nông”.
Đến đây thì tôi thấy cần xét lại một “khuyết điểm lưu cữu lớn” của văn minh Thần Nông là không có chữ viết, đã đề cặp ở trên. Hai đơn tố Âm và Dương rõ ràng đã đan xen, tạo thành chuỗi. Việc nó có thể dùng làm số đếm (hệ nhị phân), chữ cái hoặc chữ viết hay không, không còn phụ thuộc vào khả năng biểu đạt của hai đơn tố ấy, mà phụ thuộc vào khả năng xử lý tín hiệu của con người thời đó. Tôi đã loại bỏ được chất hoang tưởng trong giả định của mình.
Tôi đã đến viện bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh xem 1 chiếc trống đồng Đông Sơn. Trống đồng là bảo vật của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều nhà khoa học đã đồng ý trống đồng lưu giữ dấu ấn thờ mặt trời của con người buổi bình minh lịch sử. Ở giữa mặt trống có mặt trời tỏa tia. Nửa ngoài mặt trống có 2 cặp vòng tròn đồng tâm chứa rất nhiều vạch liền xếp cạnh nhau. Theo ngôn ngữ Dịch, một vạch là Dương (trong lưỡng nghi), hai vạch là Thái Dương (trong tứ tượng), ba vạch là Càn (trong bát quái), sáu vạch là Càn Vi Thiên (trong 64 quẻ). Tất cả đều chỉ mặt trời hoặc ông trời. Nếu nói những nét liền kia nằm cạnh nhau là những chữ CÀN - CÀN – CÀN… liên tục tức TRỜI - TRỜI - TRỜI… liên tục thì khả dĩ chăng? Hay Thái Dương – Thái Dương – Thái Dương…? Đây chỉ là sự tình cờ thì thật lạ. Nhiều vạch quá, nhìn qua tủ kiếng tôi không thể đếm được bao nhiêu vạch. Nếu tổng số các vạch đó luôn chia hết cho 6, ở bất cứ chiếc trống đồng nào thì giả thuyết của tôi hữu lý nhất. Ngoài ra còn có một vòng tròn đồng tâm khác chạy những đường hoa văn hình “dấu ngã”, liên kết các “dấu ngã” này là những vòng tròn nhỏ, có chấm chính giữa. Đây cũng có thể là chữ “mặt trời” giống như chữ “mặt trời” ở nhiều nền văn minh sơ khai khác.
Giả thuyết tôi đưa ra nếu đúng sẽ dẫn đến sự xét lại: Ngôn ngữ Dịch là của văn minh Thần Nông. Dùng cơ sở “Phục Hy đặt ra bát quái” [15], Khổng Tử đắp tượng Văn Vương và Chu Công cho học thuyết của ông, bằng cách khẳng định hai người này đã viết “Thoán từ” và “Hào từ”. Khả năng “Thoán từ”, “Hào từ” và “Dịch truyện” đã được chính Khổng Tử biên soạn, là rất lớn. Cho đến lúc này, theo tôi, chỉ nên đặt câu hỏi Kinh Dịch là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt Nam chăng? Chúng ta chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục, chưa so sánh được ngôn ngữ Dịch khởi thủy với Kinh Dịch. Lịch sử Trung Hoa vẫn tồn nghi nguồn gốc Kinh Dịch hai ngàn năm nay. Người Việt Nam hiện đại đang có niềm tin xác đáng hơn bao giờ hết để bước vào cuộc truy tìm bản quyền Kinh Dịch. “Mỏ vàng nhân văn” này hứa hẹn trữ lượng nguồn sống tinh thần vô biên cho con cháu Tiên – Rồng.
Tóm lại, tôi tạm dừng công việc của mình ở đây. Nếu có những người ủng hộ trí tưởng tượng của tôi, xin hãy tìm đến các di vật khảo cổ. Câu trả lời thật thuyết phục còn ở rất xa và có thể chẳng bao giờ ta thấy được. Tuy nhiên trò truyện với các vật tạo tác linh thiêng của tổ tiên mình không bao giờ nhàm chán và vô nghĩa. Dù rằng sẽ không ai chứng minh được tôi đúng song chứng minh tôi sai lại càng khó hơn. Cuối cùng cách giải mã ngôn ngữ trên trống đồng của tôi vẫn nên tham khảo, vì không lời khen tặng nào là quá đáng đối với trống đồng và những con người cổ xưa đã đúc nên chúng.
2. Những thông điệp nhân văn
Ngoài yếu tố lịch sử, huyền sử Việt Nam còn mang những thông điệp nhân văn luôn cần được con người Việt Nam ở bất kỳ thời đại nào giải mã.
Đất nước và tổ quốc: Sử Ký Tư Mã Thiên trong chương “Khổng Tử thế gia” thuật lời Khổng Tử: “Khâu này nghe nói… Quái vật do nước sinh ra là con rồng”. Vậy ta có thể hiểu cha Lạc Long Quân là biểu tượng của “nước”. Ngôi nhà của “nước” tất phải ngoài biển, nghĩa gốc của chữ Lạc chính là “nước”. Mẹ Âu Cơ tượng trưng cho “đất”. Chữ Âu từng được Trần Thánh Tông dùng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Hồ Quý Ly cũng từng cải tên núi Đại Lại (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thành Kim Âu (Núi Vàng). Thành ngữ “Tấc đất tấc vàng” khá gần gũi với “kim âu”. Ngựa đá đứng trên đất vàng, thử hỏi làm sao mà non nước Việt Nam chẳng vững chãi Vạn Xuân.
Nền văn minh lúa nước được xây dựng từ “Đất” và “Nước” là điều không ai có thể phủ nhận. Người Việt Nam còn gọi tổ quốc mình là “Đất nước” có nguyên căn sâu xa như vậy. Chuỗi luận này có thể dẫn đến việc giải nghĩa từ Âu Lạc là “Đất nước”. Nếu bạn đọc thay các chữ “Âu” bằng “Đất”, “Lạc” bằng “Nước” vào toàn bộ bài viết này, tôi tin nội dung tôi muốn chuyển tải sẽ sáng tỏ hơn nhiều. Biết đâu cuộc chia ly của cha rồng mẹ tiên trong truyền thuyết lại chính là dấu ấn của một đợt hạn hán khủng khiếp nơi đồng bằng phía nam trung lưu Trường Giang.
Bài học đoàn kết: Âu Cơ và Lạc Long Quân đã chia rẽ, làm suy yếu nền văn minh Thần Nông. Hai nhánh Lạc Việt và Tây Âu, dù người xuống biển, kẻ lên rừng nhưng đều mất địa bàn sinh sống, phải bước vào hành trình ra đi, trôi giạt. Cả ngàn năm sau họ mới tìm lại được nhau trong nhà nước Âu (Cơ) – Lạc (Long Quân) sơ khai, non trẻ và yếu ớt. Cánh đồng Tương bên dòng sông Tương chảy vào Động Đình Hồ là nơi Long Quân và Âu Cơ hẹn gặp nhau. Chữ Tương cũng là một lời nhắn nhủ đoàn kết.
Bài học chiến tranh: Mỵ Châu đại diện cho nhân dân Tây Âu Lạc, Trọng Thủy đại diện cho người Nam Việt. Họ chính là nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của chiến tranh. Nỗi đau của dân tộc này biến thành ngọc trai, rửa ở cái giếng ai oán thăm thẳm của dân tộc kia, sẽ lấp lánh vẻ đẹp vĩnh hằng của hòa bình và hòa hợp.
Bài học cảnh giác: Cảnh giác, trước tiên là cảnh giác với chính mình, cảnh giác với kẻ thù ở hàng thứ hai. Nhà cầm quyền Tây Âu Lạc đã bị vàng bạc và hôn nhân chính trị lung lạc. Ỷ thành cao, vũ khí lợi hại, An Dương Vương buông thả, ruồng bỏ nhân tài Cao Lỗ, khiến nước mất nhà tan.
Biển cả và tự do: Lạc Long Quân là vua rồng của biển cả. Ông dặn con cháu nếu nguy cấp hãy quay về phía biển gọi “Cha ơi!”. Bại trận, An Dương Vương ra bờ biển, lạnh lùng xử tử Mỵ Châu rồi lấy sừng tê rẽ nước mà đi. Thông điệp “ra với biển” đã trở thành tiềm thức trong khối óc mỗi con người Việt Nam từ đó trở đi. Sau này dân Việt Nam đã hơn một lần ra với biển đi tìm tự do: những tùy tướng của Mê Linh liệt nữ chạy vào Cư Phong rồi lên thuyền thẳng tiến đến Malacca, họ là người Minangkabau ở Maylaysia và Indonesia hôm nay; hậu duệ nhà Lý thì giong buồm đến Cao Ly; Hồ Quý Ly đáng lẽ không bị bắt làm tù binh nếu không tắp vào bờ biển bắc trung bộ… Thông điệp “ra với biển” ở thế kỷ 21 chắc chắn là mở vòng tay Việt Nam với bè bạn năm châu, từ bỏ suy nghĩ thủ cựu, chấm dứt các hình thức bế quan tỏa cảng.
3. Khuất Nguyên đã khóc cho văn minh Thần Nông
Khuất Nguyên sinh năm 343 TCN và mất năm 278 TCN. Ông bắt đầu làm quan khi mới 21 tuổi, dưới ngai vàng của Sở Hoài Vương. Vì chủ trương chính trị của Khuất Nguyên không được tôn trọng, cộng thêm dèm pha, Hoài Vương cách chức ông. Nghe lời bọn xiểm nịnh, Hoài Vương bại vong dưới đao kiếm nước Tần. Con cả Hoài Vương là Khoảnh Tương Vương lên ngôi lại tiếp tục tin nịnh thần, bắt Khuất Nguyên lưu đày xuống Giang Nam (khu vực Động Đình Hồ). Ông giải thích chuỗi sự kiện này như sau: “Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên ta bị đuổi”.
Sử Ký Tư Mã Thiên viết (thực ra đoạn này của Hoài Nam Vương Lưu An, Tư Mã Thiên dẫn lại): “Ly Tao là nỗi buồn trong chia ly… Thơ Quốc Phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Ly Tao thực là gồm được cả hai… Văn ông (Khuất Nguyên) ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần nhưng nghĩa thì xa… Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen”.
Khởi dư thân chi đạn ương hề
Khủng hoảng dư chi bại tích [16]
Ly Tao là đỉnh cao, là cảm hứng và xuất phát điểm của Sở Từ. Xét trên quan niệm mới về tính đa nguồn gốc của văn minh Trung Hoa thì ảnh hưởng của Kinh Thi đến Sở Từ chính là giao lưu văn hóa. Kinh Thi khởi đi từ thơ hai chữ khắc trên giáp cốt văn đời Thương, đến thời Chiến Quốc nó hòa cùng Sở Từ và chảy qua ngũ ngôn Kiến An (Hậu Hán) rồi xuôi thời gian làm thành dòng Đường thi trác việt. Những bài Sở Từ có thể hát lên dần chuyển hóa thành Nhạc Phủ (đầu Hán), còn nhiều tác phẩm vận điệu trúc trắc là trực tổ của lối văn Phú Tụng đời sau. Trên tổng thể, Sở Từ mang bản sắc rất riêng của nước Sở (đứa con sinh ra bởi văn minh Hoa Hạ và Thần Nông). Đặt Sở Từ vào cội rễ văn minh Thần Nông (mẹ đẻ của Lạc Việt) mới thấy hết sự vĩ đại và bất hủ của Ly Tao và tác giả Khuất Nguyên.
Đọc Khuất Nguyên Liệt Truyện trong Sử Ký tôi thấy Tư Mã Thiên có sự đồng cảm thân phận cao độ với Khuất Nguyên. Song, vượt lên giao cảm cá nhân, sự nghiệp của Khuất Nguyên là tiếng nói của cả một nền văn minh độc lập, đau đớn nhìn chính mình đang vật vã trong làn sóng đồng hóa thô bạo bằng can qua. Là tinh hoa của văn minh Sở, Sở Từ đã có những đóng góp cực kỳ lớn lao cho văn minh Trung Hoa. Nghiên cứu thật kỹ Sở Từ, gạn lọc pha tạp và ảnh hưởng, tôi tin rằng người Việt Nam hiện đại sẽ bàng hoàng nhận ra ánh sáng huy hoàng bất diệt của văn minh Văn Lang hôm nào.
“Tứ ngọc cù dĩ thừa ê hề. Khạp ai phong dư thượng chinh”. Tạm dịch: cưỡi con ngựa ngọc dũng mãnh như loài rồng không sừng, ngồi xe có trang trí lông chim Trĩ, che gió bụi để bay bổng (thoát khỏi trần tục). Chiếc xe cắm lông chim Trĩ và những hình khắc trên trống đồng phải có một tương quan tất yếu. Cũng cần nhắc lại Việt Thường Quốc đã đến giao hảo và tặng Chu Thành Vương chim bạch Trĩ. Người Sở còn được gọi là người Kinh, người Việt. Sách Thuyết Uyển có dịch bài Việt nhân ca (của người Sở, viết bằng ngôn ngữ Sở) như sau: “Kim tịch hà tịch hề, khiên trung châu lưu. Kim nhật hà nhật hề, đắc dữ vương tử đồng chu”. Tức: “Chiều nay chiều nào hề nhổ sào (cắm thuyền) giữa dòng sông. Ngày nay ngày nào hề được ngồi thuyền cùng vua”.
Người Lạc Việt thờ trời và rất hay hỏi trời. Ví như câu ca “Bắc thang lên hỏi ông trời…”. Tác phẩm của Khuất Nguyên mang rất nhiều nét văn hóa Lạc Việt, đó là lý do ông có hẳn một tác phẩm “Hỏi trời – Thiên vấn” gồm đến 189 câu hỏi dành cho ông trời! Đoạn kết ông viết: “Ta báo cho các bậc tiền nhân nước Sở biết rằng nước nhà đang lúc khuynh nguy, sợ khó được trường tồn”.
Tác phẩm của Khuất Nguyên viết bằng ngôn ngữ nước Sở, muốn thưởng thức trọn vẹn cái hay cái đẹp thì phải đọc bằng giọng Hồ Nam. Đặc điểm này càng chứng tỏ Kinh Thi và Sở Từ không cùng cội rễ. Thật vậy, đọc Kinh Thi với âm Hán Việt vẫn thấy nó du dương không kém thơ Đường, nhưng nhạc tính của Sở Từ thì không thể bảo tồn nơi Hán Việt. Theo Nguyễn Tài Cẩn, [17] âm Hán Việt chủ yếu là âm Hán thời Đường, cho nên tiếp cận Sở Từ rất cần lao lực và những con đường hoàn toàn mới.
Nhạc ký của Khổng Tử nói: Phàm âm thân đều xuất phát từ tấm lòng của con người. Sự rung động của tình cảm sẽ tạo nên âm thanh, từ âm thanh sẽ tạo ra lời ca tiếng hát. Căn cứ vào âm nhạc để biết thời thế. Nếu thời thế bình yên thì âm nhạc êm dịu, còn thời thế loạn lạc thì âm nhạc ai oán, nếu chính trị đồi bại thì có lời ca ai oán vì mất nước, sẽ có sự buồn nhớ đau thương để nói lên nỗi thống khổ của người dân. Theo Đại Việt Sử Lược (1388): Mùa đông năm Nhâm tuất 1202 Lý Cao Tông đi chơi ở hành cung Hải Thanh. Ở đấy đêm nào cũng sai nhạc công khảy đàn Bà Lỗ, xướng điệu hát phỏng theo nhạc khúc Chiêm Thành, âm thanh ai oán thảm thiết buồn bã oán hờn. Những kẻ tả hữu nghe đến đều nghẹn ngào rơi lệ. Có vị tăng phó là Nguyễn Thường thưa: “Tôi thấy lời tự trong kinh Thi rằng, âm thanh lúc nước loạn thì ai oán, để tỏ ý căm giận cái chính trị bạo ngược; âm thanh hồi mất nước thì đau thương, để tỏ ý lo cho dân trong cảnh khốn cùng cơ cực. Nay chúa thượng đi tuần du không chừng mực, chế độ chính trị và việc giáo hóa thì trái ngược, dân chúng ở dưới thì sầu khổ. Sự nguy khốn đến thế thì thật là tột mức, mà ngày nay nghe cái âm thanh ai oán thì không phải đó là cái điềm loạn ly vong quốc hay sao. Tôi muốn xa giá từ đây trở về, đừng đi chơi nơi cái cung ấy nữa vậy”. Hơn 20 năm sau, điềm gở thành sự thật, nhà Lý bị nhà Trần thay thế.
Chiếu theo lý luận âm nhạc cổ điển Á Đông đã dẫn, tham khảo thêm giọng đọc Hồ Nam (không thật chuẩn) khi diễn tả Ly Tao, tôi nhận thấy rằng nhạc điệu của Ly Tao thật thê lương. Hơn nửa thế kỷ sau ngày Khuất Nguyên mất, nước Sở bị Tần tiêu diệt. Tiếng khóc của Khuất Nguyên chính là điềm báo của văn minh Sở, hoặc nói rộng ra là điềm báo thoái trào của văn minh Thần Nông. Khi Tần Thủy Hoàng đưa 500 ngàn dân – binh vượt Ngũ Lĩnh tấn công Bách Việt, những nhánh nhỏ trong Thần Nông như Mân Việt (Phúc Kiến), Âu Việt (Chiết Giang), Lạc Việt (Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Bắc Bộ Việt Nam) lần hồi bị sáp nhập vào Trung Quốc. Tần Thủy Hoàng là một đại đế mang tầm thế giới. Chiến công lớn nhất và cũng là tội ác lớn nhất của ông không phải là diệt Lục Quốc nhất thống Trung Nguyên, không phải là đày ải biết bao lương dân dựng lăng Ly Sơn hay xây Vạn Lý Trường Thành, mà chính là đặt nền tảng bạo lực thôn tính gần hết đất đai, văn hóa và con người của văn minh Thần Nông. Bài ca Ngu Cơ của Hạng Võ dưới làn điệu Sở là kết cuộc bi hùng của dân tộc Sở. Lưu Bang cũng hát điệu ấy, nhưng bài “Đại phong ca” đã biến thể. Văn minh Thần Nông vĩnh viễn hòa trộn cùng Hoa Hạ để tạo nên văn minh Hán. Những con người của Thần Nông từ đó trở đi đã thành con dân Hán tộc, chỉ trừ mảnh đất Bắc Bộ Việt Nam kiêu dũng, cô độc thẳng tiến đến tương lai trên con đường đầy gian nan và bất trắc.
Khuất Nguyên mang trong lòng nỗi đau của cả một nền văn minh ngỡ là bị hòa lẫn, bị nhìn nhận như man di mọi rợ hàng thiên niên kỷ, bị tước đi vị thế đặc biệt không thể chối bỏ của nó trong lịch sử Trung Hoa. Lẽ biến dịch, thắng thua của thời gian với Khuất Nguyên thật là tương đối. Tầm vóc của ông vượt lên tất cả, nghạo nghễ và phi thường, làm giá trị cho toàn bộ nhân quần đời đời vẫn còn lấn cấn những được mất, thành bại.
Đọc Khuất Nguyên, không hiểu sao tôi cứ nghĩ các thể văn riêng của người Việt (truyện, ngâm, hát nói) và Sở Từ có chung một nguồn cội. Những câu 6 chữ, 7 chữ rồi 8 chữ trong Ly Tao tải nhạc điệu rất gần gũi với Song Thất Lục Bát, Lục Bát và đặc biệt là lối Hát Nói của người Việt Nam. Chữ đệm “hề” đã từng có mặt trong ca dao đồng bằng sông Hồng:
Công anh đắp nấm, trồng chanh
Chẳng ăn được quả, vin cành cho cam
Xin đừng ra dạ bắc nam
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
Huống tam thu như bất kiến hề
Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu [18]
Điều tôi nhận định được thể hiện rõ nhất tại bài Hát Nói “Vịnh Tiền Xích Bích” của Nguyễn Công Trứ (trích đoạn phần lời ca):
Quế trạo hề lan tương
Kích không minh hề tố lưu quang
Diểu diểu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương.
Phải chăng những tuyệt tác thơ Nôm đồ sộ của nền văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc vẫn còn những mạch ngầm mang dấu ấn văn minh Thần Nông? Trường thiên Ly Tao và Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là một hình hài song đối qua tấm gương thời gian hai ngàn năm có lẻ, qua hai bờ nam bắc của Động Đình Hồ?
Có thể Khuất Nguyên đã chọn tiết Hàn Thực của văn minh Thần Nông để ra đi nhằm lôi kéo sự chú ý, cảnh tỉnh thế gian u muội. Dần dà ý nghĩa cổ sơ của Đoan Ngọ bị thay thế bởi đám tang thi hào và lòng thương cảm người đời dành cho ông [19]. Hơn hai ngàn năm sau, Tú Mỡ, một nhà thơ Việt Nam (ở góc độ nào đó cũng là một nhà văn hóa), đã bị đánh lừa nên từng viết:
Cái cụ Khuất bên Tàu
Chết từ hồi tam tổ
Có quan hệ gì ta
Mà sao phải ăn giỗ
Mồng 5 khỏe ăn càn
Mồng 6 ốm nhăn nhó
Có lỡ chết bỏ đời
Thì lại cho tại số
Gần đây hơn người Việt Nam có Trịnh Công Sơn tài hoa. Gần nửa thế kỷ, lớp lớp người Việt Nam thường quên hết mâu thuẫn, chia cách và dị biệt khi thả hồn trong những ca khúc mang họ Trịnh. Theo tôi cái tinh túy trong những tác phẩm của Trịnh Công Sơn không phải ở các nốt nhạc giản dị hoặc giữa vẻ đẹp ngôn ngữ, nó ẩn sâu nơi nhạc điệu của ca từ rất gần với Hát Nói. Truyền thuyết còn nhắc đến bản Diễm Tình u hoài, khắc khoải triền miên từ nước Sở, nay đã thất truyền. Có lẽ nhạc điệu ca từ của Trịnh Công Sơn cộng hưởng với cung bậc hiện đại, đã đánh thức những giọt máu xa xưa nhất trong trái tim mỗi con người Việt Nam, về lời ru đất nước từ thuở Văn Lang Động Đình Hồ.
Đầu thế kỷ 21, tác giả Nguyễn Hữu Liêm đã tả thực thao thức và chiêm nghiệm cá nhân bằng đoản văn “Cái âm điệu tủi thân bi đát”, [20] vô tình như thác xoáy vào tình cảm của cộng đồng Việt Nam lưu vong khắp thế giới. Phản ứng trỗi dậy ồn ào, tưởng như không đến nỗi thế, cũng chỉ vì mạch ngầm ai oán tha phương bị đụng chạm, vì lời nhận xét thuần lý của một triết gia chứ không phải một hồn thi sĩ: “Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua nhạc bolero đã làm cho miền Nam ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau nuớc mắt. Cái quần chúng lau nước mắt này bị lưu đày qua đất mới và tiếp tục uống nước dừa tang thương bằng âm nhạc”.
E. Vĩ ngôn
Dù bỏ qua yếu tố chính trị, đa số sử gia Việt Nam cả ngàn năm qua vẫn luôn máy móc gắn chặt từ Giao Chỉ với Quận Giao Chỉ, như một địa danh luôn cố định tại đồng bằng sông Hồng. Họ sơ sót tính thời đại của sách Thượng Thư và quên mất bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Nhiều khi họ còn nghĩ Việt Thường quốc thuộc vùng trung bộ Việt Nam hôm nay. Sự nhập nhằng giữa quận Giao Chỉ ảo rồi thật và bộ Giao Chỉ dẫn đến tình huống vừa đúng vừa sai của sử Việt: Tất cả sử liệu của mảnh đất Lạc Việt mênh mông bị dồn cục vào đồng bằng sông Hồng.
Hợp nhất - phân rã, lên cao - xuống thấp, chói lọi - lu mờ, thành công - thất bại, quần cư - tản mát, đến và đi… những cặp phạm trù này xoắn lấy nhau, vì nhiều nguyên nhân, liên tục đổi chỗ suốt quá trình hướng tới tương lai của bất cứ một nền văn minh nào trên thế giới. Văn minh Lạc Việt chẳng thể là ngoại lệ, song sức sống không thể phủ nhận của Lạc Việt ở chỗ nó đã không bị tuyệt diệt hoặc đồng hóa bởi Trung Hoa, một nền văn minh tầm cỡ của nhân loại.
Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 người Việt Nam bị tách ra khỏi những trang hiến sử, dù còn nhiều sơ suất, nhưng do chính họ tự viết đã hàng ngàn năm. Ngày 17-3-1879 Pháp áp đặt chương trình giáo dục hệ Pháp – Việt nhằm loại bỏ hoàn toàn nền Hán học ở Nam Kỳ, sau đó là các ngày 27-4-1904 ở Bắc Kỳ và 30-10-1906 ở Trung Kỳ [21]. Rồi họ lại choáng nặng khi cái chương trình giáo dục kia khẳng định “Tổ tiên chúng ta là người Gauloir”! Có thể nói trong giai đoạn ấy, viết lại lịch sử Việt Nam là nhu cầu cấp thiết, là vũ khí quan trọng giác ngộ quần chúng đứng lên cởi bỏ xích xiềng nô lệ. Điển hình phải kể đến: Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam sử khảo, Truyện Lê Thái Tổ, Tuồng Trưng Nữ Vương của Phan Bội Châu; Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim .v.v.. Cụm từ “Bốn ngàn năm lịch sử” bắt đầu cắm rễ vào trái tim và khối óc các thế hệ người Việt và trao gởi cho họ một sứ mệnh thiêng liêng nhưng luôn bàng bạc và ẩn sâu dưới nhiều biểu tượng. Chẳng hạn như ở hai câu thơ của Tản Đà: “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.
Những quyển sử viết vội ấy dù sao cũng đã thổi vào xã hội Việt Nam một năng động phi thường, một ngọn lửa yêu nước bất diệt để đuổi sạch ngoại xâm và thống nhất đất nước. Tuy nhiên vì giàu hư cấu và đầy dẫy nhu cầu nhãn tiền, nó đã để lại cho nền sử học Việt Nam hôm nay những chướng ngại vật ngoài ý muốn.
Thứ nhất nó chưa trả lời thỏa đáng câu hỏi: “Người Việt, nước Việt, chúng ta là ai?”.
Thứ hai nó có rất nhiều lỗ hổng trong phương pháp tiếp cận cổ thư. Việc đưa ra những khả năng ngữ nghĩa mới ở hàng loạt thuật ngữ liên quan đến thời tiền sử Việt Nam ở trên là điển hình cho những góc nhìn chưa được tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thứ ba nó để lại tiền đề bất di bất dịch và phi thực tế về “tính bản địa” của văn hóa Đại (Lạc) Việt và văn minh Việt Nam. Về lâu dài, vấn đề Giao Chỉ vẫn còn là một chiếc phao cứu hộ cho tiền đề ấy. Các bằng chứng văn hóa và di vật (như trống đồng, bảo vật quốc gia) dàn trải trên địa bàn rất rộng lớn, không thể đóng khung trong những biên giới hành chính hoặc chính trị một thời. Đấy chính là ý nghĩa của chữ Đại trong từ Đại Việt. Càng cố chứng minh tính bản địa khu biệt của văn minh Việt Nam, sẽ càng làm nghèo đi bản sắc Việt Nam và ở góc độ nào đó, gián tiếp “nhược tiểu hóa” dân tộc Việt Nam.
Trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, cổ sử Việt Nam chắc chắn phải viết lại từ những dòng đầu tiên. Con người Việt Nam hơn bao giờ hết đang thiếu một thứ quá khứ gần với sự thật nhất, hầu mong chuộc lại những kinh nghiệm xương máu bị lãng quên, những bài học đắt giá mà tổ tiên họ đã kinh qua. Họ cần lắm niềm tin từ dĩ vãng Lạc Việt hào hùng với biết bao di sản văn hóa vô giá để ngẩng cao đầu hướng đến một tương lai sáng lạn.
Thung lũng Đa Thiện,
Đà Lạt 2004 - 2005
Thư tịch chính
Thượng Thư (http://www.guoxue.com/jinbu/13jing/shangshu/ss_ML.htm )
Sử Ký Tư Mã Thiên (http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sjml.htm )
Hán Thư (http://www.guoxue.com/shibu/24shi/hansu/hsuml.htm )
Hậu Hán Thư (http://www.guoxue.com/shibu/24shi/hhansu/hhsuml.htm )
Nam Việt Quốc Sử, Trương Vinh Phương, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1995.
Trung Quốc Văn học sử, Dịch Quân Tả, Huỳnh Minh Đức dịch, NXB Trẻ 1992.
Chiến quốc sách, NXB Trẻ, 1989.
Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo Dục, 1999.
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc, Bách Lộc xuất bản, 1971.
Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB GD, 2003.
Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.
Khâm định Việt sử, Quốc sử quán triều Nguyễn.
An Nam Chí Lược
Văn minh Lạc Việt, Nguyễn Duy Hinh, NXB VH-TT, 2004.
Hán tự sử dụng trong bài:
Nam Giao: 南 交 ; Giao Chỉ: 交 趾 - 交 阯 - 交 址 ; Cửu Chân: 九 真 ; Nhật Nam: 日 南 ; Chữ Chỉ bộ túc: 趾 ; Chữ Chỉ bộ phụ: 阯 ; Chữ Chỉ bộ thổ: 址 ; Cơ Chỉ: 基 阯 = 基 址 ; Cơ Sở: 基 礎 ; Chữ Sở (tên nước): 楚 .
Chú thích
[1] Hệ thống những bài viết của tôi bao gồm 5 chủ đề đã được phổ biến rộng rãi trên mạng internet: 1) Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Triệu Văn Vương tại Quảng Châu. 2) Từ Hai Bà Trưng đến những khắc khoải lịch sử. 3) Việt Nam thời bán sử và những thông điệp nhân văn. 4) Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và sự sa lầy của sử học Việt – Trung hàng ngàn năm qua. 5) Lưu vong, một nỗi niềm từ quá khứ đến tương lai.
[2] http://news.nationalgeographic.com/news/2002/12/1212_021213_journeyofman.html
[3] Bạn đọc thử xem xét các thành phố lớn ở Việt Nam: trên con đường nam tiến của những con người sinh ra từ nền văn minh lúa nước, nơi đặt đô thị dần dần chuyển vị trí từ bờ bồi (phù sa màu mỡ) sang bờ lở (thuận tiện cho thủy vận giao thương). Hà Nội và Hải Phòng gốc đều bên mạn nam sông Hồng và sông Cấm. Huế trải suốt hai bờ Hương giang. Đến Đà Nẵng và Sài Gòn thì chỉ phát triển ở bên lở của sông Hàn và sông Sài Gòn. Văn minh đô thị Việt Nam thành hình, yếu tố cần cho thương gia đã thắng yếu tố thiết yếu với nhà nông. Hai trung tâm buôn bán cổ là Phố Hiến và Hội An tọa lạc tại bờ lở, càng nhấn mạnh lập luận của tôi.
[4] Bạn đọc có thể kiểm chứng thông tin khảo cổ Trung Quốc tôi đã đề cặp tại rất nhiều trang web tiếng Anh. Phiên âm La Mã của các địa danh này như sau: Dadiwan, Gansu ( Đại Địa Loan, Cam Túc); Banpo, Shaanxi (Bán Pha, Thiểm Tây), Jiahu, Henan (Giả Hồ, Hà Nam); Taosi, Shanxi (Đào Tự, Sơn Tây). Toàn bộ những kiến thức này rất mới, nó vừa xuất hiện trên báo chí vài năm gần đây và chưa được hệ thống hóa đầy đủ vào bất cứ một quyển sách nào.
[5] Người Việt Nam hiện đại hay lầm lẫn ở đây, họ cho rằng Thần Nông là người Tàu, họ đôi lúc phản đối việc xem thủy tổ Kinh Dương Vương của mình là cháu Thần Nông. Có người góp ý với tôi: nếu Thần Nông gốc Tàu thì họ đã gọi là Nông Thần.
[6] Tiên tổ vua Sở là Mị Dục Hùng, con cháu ông ta lấy tên tiền nhân làm họ, có vẻ rất giống một vài nhóm dân tiền Đông Nam Á như Khơ Me. Con gái Vua Hùng tục gọi Mị Nương. Nước Sở còn có tên gọi khác là nước Kinh! Những cái tên chồng chéo này chắc chắn phải có mối tương giao văn hóa nào đó.
[7] Nếu khảo cổ Việt Nam tìm ra bất cứ di chỉ đồ đồng nào, niên đại trước 1700 TCN, có liên hệ rõ ràng với các di chỉ đồ đồng đã công bố như Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn; giả thuyết của tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ.
[8] Xiaorong Han, Who invented the Bronze Drum? Nationalism, Politics, and a Sino - Vietnamese Archaeological Debate of 1970s and 1980s. Asian Perspectives, Vol.43, Spring 2004.
[9]http://www.china.org.cn/e-sanxingdui/index.htm
[10] Sách Mạnh Tử có nói “Vợ Hoa Chu và Kỷ Lương khóc chồng mình mà biến cải được phong tục trong nước”. Câu này vốn lấy từ chuyện nàng Mạnh Khương nước Tề khóc tế chồng chết trận làm thành lũy sụp mấy thước. Đây cũng là thông điệp thù oán chiến tranh, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Trung Hoa thời chiến quốc.
[11] Dẫn luận người Tráng là hậu duệ người Tây Âu Lạc xưa là của tác giả. Các thông tin về người Tráng lấy ởhttp://www.china.org.cn ; http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang . Xem bản Việt ngữ “Thần cung bảo kiếm” tại: http://vny2k.com
[12] Các ngữ âm dẫn theo gợi ý của Phạm Chánh Trung – Trang web viethoc.org
[13] Văn ngọc: Từ những ngôi nhà hình thuyền,www.zdfree.free.fr/diendan/articles/u125vngoc.html
[14] Dẫn theo Dien A. Rice: “Minangkabau Life and Culture”,www.haqq.com.au
[15] Phục Hy là một nhân vật cổ tích rất phức tạp. Các yếu tố của văn minh Thần Nông và Hoa Hạ đan xen, chồng chéo và hòa lẫn vào nhau tạo nên Phục Hy. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết cụ thể này, giải mã hình tượng Phục Hy sẽ khiến mạch văn đứt gãy. Xin hẹn bạn đọc cơ hội khác.
[16] Tạm dịch: Không phải lo thân mình bị tai ương. Chỉ lo nước non khuynh đảo, tiêu tán công lao tiền nhân.
[17] Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nguyễn Tài Cẩn, NXB KHXH 1979.
[18] Thể lục bát biến thức, trích trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm, Trung tâm học liệu – Bộ giáo dục 1968, trang 9.
[19] Trường hợp này rất giống việc Ki Tô giáo chọn ngày Đông Chí làm Giáng Sinh. Đông Chí vốn là một lễ nghi cổ đại rất quan trọng của tất cả các nền văn minh ở bắc bán cầu. Người ta hay khẩn cầu mặt trời (đang nằm dưới bán cầu nam) trở lại, đem nắng ấm cho nhân sinh và mùa màng. Theo Lễ Ký, buổi tế Nam Giao lớn nhất của văn minh Trung Hoa phải được cử hành hằng năm vào ngày Đông Chí. Với lịch Julian, Đông Chí là 25 tháng 12. Khi lịch Gregorio thay thế lịch Julian thiếu chính xác, Đông Chí trở về ngày 21 tháng 12, Giáng Sinh vẫn được giữ nguyên là 25 tháng 12 như thói quen cũ.
[20] Nguyễn Hữu Liêm, Cái âm điệu tủi thân bi đát, talawas.org, 2003.
[21] Theo “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918” – Dương Kinh Quốc – NXB Giáo Dục 1999.
Rất nhiều sử gia đã đồng tình rằng theo Thủy Kinh Chú, chồng bà Trưng Trắc tên Thi. Ông chẳng những không hề bị Tô Định sát hại, mà còn sát cánh bên phu nhân của mình trong cuộc nổi dậy năm 40. Khi Mã Viện tấn công, đuối sức, ông bà bỏ chạy vào Kim Khê, ba năm sau mới bị bắt. Chuyện tiếp theo như thế nào thì Thủy Kinh Chú bỏ lửng. Chỉ biết dân gian truyền tụng Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở Hát giang. Có giả thuyết Hai Bà sau đó bị Mã Viện bắt và chém đầu rồi đem thủ cấp về Tàu báo công, cho nên trong đền thờ Hai Bà ở Hát Môn có tục kiêng màu đỏ. Hậu Hán Thư chép bà Trưng Trắc bị xử trảm. Ở đây tôi muốn trả lời câu hỏi: Tại sao sử gia phong kiến Việt Nam lại mượn tay Tô Định khai tử ông Thi?
Ý kiến phổ thông của đa số học giả trong thế kỷ 20 cho rằng các nhà Nho, khi viết sử phải “giết” ông Thi, vì nếu ông còn sống mà bà Trưng Trắc làm vua thì ngược lẽ… thánh hiền Khổng – Mạnh! Họ cũng thống nhất cư dân Việt cổ hình như theo chế độ mẫu hệ - bằng chứng là thuộc tướng của Hai Bà Trưng phái nữ rất nhiều, nào là Lê Chân (thánh chân công chúa), Ngọc Lâm (thánh thiên công chúa), Vũ Thục Nương (bát nàn công chúa), Thiều Hoa (đông quân tướng quân), Diệu Tiên v.v. Giải thích như thế chưa thuyết phục lắm. Theo tôi sự bịa đặt còn ẩn chứa hàm ý sâu xa khác, nó làm người ta không chú tâm đến địa điểm của cuộc nổi dậy.
Trưng Trắc và Trưng Nhị đã tập hợp lực lượng và tuyên chiến với Tô Định tại Mê Linh, với sự ủng hộ mạnh mẽ của mẹ mình là bà Man Thiện. Thành công, Trưng Trắc xưng vương và đóng đô cũng tại Mê Linh, nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Giả sử Hai Bà Trưng không có em trai. Khi chồng chết, Trưng Trắc (lúc này đang ở bên chồng) về lại quê cùng giữ quyền thế tập với em gái, rồi “Hận người tham bạo, thù chồng chẳng quên… phất cờ khởi nghĩa”. Chuỗi luận thật tròn trịa, dễ ru ngủ người đời. Thật sự nó đã ru biết bao thế hệ người Việt ngủ ngon hằng ngàn năm.
Quả tình ông Thi chẳng bị ai ám hại. Ông là con Lạc tướng Châu Diên, rất “môn đăng hộ đối” với Trưng Trắc, chứ không phải một anh lực điền tứ cố vô thân được gia chủ nuôi và gửi gắm con gái rượu (theo quan điểm phụ hệ sau này). Không có ông bên cạnh Trưng Trắc đánh đuổi Tô Định, sẽ không ai thắc mắc khi lấy vợ ông đi ở rể hay rước dâu về. Nếu lúc ấy người Việt cổ đã theo chế độ phụ hệ, Trưng Trắc phải về nhà chồng. Và nếu hưng binh tất bà sẽ chọn Chu Diên chứ không phải Mê Linh. Do đó ta thấy vai trò của kẻ làm dâu trong một gia tộc danh giá thời ấy hơi khác thường.
Đến đây nên mạnh dạn kết luận khi phối ngẫu với Trưng Trắc, ông Thi phải theo vợ sang Mê Linh. Vai trò của ông Thi trong cuộc binh biến và cả sau khi binh biến thành công khá mờ nhạt. Thay vào đó là hình ảnh Trưng Nhị, em gái Trưng Trắc. Đó là điều hiển nhiên, xã hội mẫu hệ cho Trưng Trắc quyền thế tập và Trưng Nhị là hàng thừa kế thứ nhất, thậm chí Trưng Nhị còn có thể thừa kế cả anh rể mình nữa, điều này hoàn toàn không có gì xa lạ với nhiều bộ tộc còn chậm tiến trên thế giới ở thế kỷ 20 vừa qua. Giả thuyết này có thể lấy chuyện hôn nhân của Mỵ Châu và Trọng Thủy trước đó hơn 200 năm làm một điểm tựa. Hình ảnh truyền thuyết An Dương Vương cưỡi ngựa mang Mỵ Châu bỏ chạy khỏi Cổ Loa, cũng mơ hồ cho thấy Mỵ Châu cần được bảo vệ như một “thái tử” trong cơn nguy cấp. Có thể tham khảo thêm bộ sử “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ (năm 233 – 297): “Ở hai huyện Mê Linh của quận Giao Chỉ và Đô Lung của quận Cửu Chân, anh chết thì em trai lấy chị dâu”.
Tôi dám khẳng định chắc nịch rằng thời Hai Bà Trưng, cư dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn theo chế độ mẫu hệ nếu không muốn nói là mẫu quyền. Khái niệm mẫu hệ và mẫu quyền có khác nhau nhưng phụ hệ và phụ quyền lại gần như là một. Chế độ mẫu hệ qui định những đứa con trong một gia đình mang họ mẹ, chỉ các con gái mới được giữ quyền thừa kế. Mẫu quyền thì đi xa hơn, quyền hành gia đình và xã hội nằm tất ở nữ giới, lãnh tụ phải là nữ giới. Do đó việc tồn tại các nam thủ lĩnh trong những bộ tộc Việt cổ không hề mâu thuẫn với nội dung mẫu hệ. Nội dung mẫu hệ này xuyên suốt trong hầu hết các văn bản huyền sử và cổ tích Việt Nam, mặc dù nó đã bị chế độ phụ hệ nối tiếp bóp méo, biên tập khá bài bản và công phu.
Lướt qua một vài truyện cổ tích như Tiên Dung – Chử Đồng Tử (đời vua Hùng thứ 3), Trương Chi – Mỵ Nương, Ngưu Lang – Chức Nữ, không thể không nhận ra các nữ nhân “lý tưởng” đều là công chúa, con vua, con trời, giàu có; trong khi đó nam nhân lại rất nghèo. Nó ngược lại với truyện cổ tích của nhiều nền văn minh khác ở chế độ phụ hệ, thường lý tưởng hóa người nam trong khi vai nữ nghèo và luôn thuộc về tầng lớp bình dân.
Rõ nhất phải kể đến truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ với cặp khái niệm “Mẹ - Đất (núi)” và “Cha – Nước”. Trong trật tự lời văn của Lĩnh Nam Chích Quái: “Long Quân nói: Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được". Rõ ràng mẹ Âu Cơ là Dương chứ không phải Âm. Minh chứng thêm ở đây: tết Đoan Dương (ngày nóng nhất trong năm, dương khí cực thịnh) hay còn gọi là Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch cũng là ngày giỗ Âu Cơ. Chế độ phụ hệ dù có bóp méo truyền thuyết theo chiều hướng nào đi nữa vẫn không thể thay ngày giỗ mẹ bằng giỗ cha. Trong câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, cặp “Mẹ - Đất (núi)” và “Cha – Nước” trong truyện Âu Cơ, Lạc Long Quân đã bị chế độ phụ hệ hoán đổi trật tự một cách rất khéo thành “Mẹ - Nước” và “Cha – Núi (đất)”. Bản thân yếu tố “Thái sơn” rặt Tàu cũng cho thấy đâu là nguyên nhân của sự thay đổi ấy. Sẽ có người phản bác lập luận của tôi: xét theo cấu tạo của bộ phận sinh dục, nếu cho rằng mẹ là dương rất không ổn. Một cách tình cờ lưỡng nghi (hào dương và hào âm) của Kinh Dịch có thể tương đương với Linga và Yoni của người Chiêm Thành. Tuy nhiên khi so sánh ngực người nam và người nữ thì rõ ràng giống cái lại chứa dương tính. Vấn đề giờ đây thu hẹp về các góc nhìn mà thôi.
Năm 111 TCN Lộ Bác Đức diệt Nam Việt, kết thúc gần 100 năm vương triều của họ Triệu. Tượng quận, vùng đất chưa bị xâm lăng, một tên gọi tượng trưng mang tính khái niệm theo cách của nhà Tần (nó tương đương với Giao Chỉ của nhà Chu) bắt đầu được Hán Vũ Đế mở mang. Chín quận mới liệt kê ở Hán Thư là Đạm Nhĩ, Chu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam tiếp tục là khái niệm, thứ khái niệm nói lên tính tự cao, tự đại, lòng tham và chủ nghĩa bành trướng của nhà Hán.
Sau hàng trăm năm dừng lại và khai phá các vùng đất phương nam đã chiếm được và đặt quan trấn nhậm (tức 6 quận trong tổng số 9 quận thuộc Giao Chỉ bộ), đầu công nguyên nhà Tây Hán bắt đầu dòm ngó xuống ba quận ảo là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Lần đầu tiên ta thấy xuất hiện chức danh Thái thú của quận Giao Chỉ là Tích Quang (năm 1 đến năm thứ 5 sau Công Nguyên). Người này chắc chắn chỉ là lãnh đạo một sứ bộ có qui mô nhỏ, mang danh nghĩa “thông giao” đến đất mới thăm dò, thám thính và xem xét khả năng áp đặt kềm kẹp đô hộ. Công việc của Tích Quang còn dang dở thì Trung Nguyên hỗn loạn vì Vương Mãng cướp ngôi.
Năm 23 Lưu Tú dẹp được Vương Mãng tiếm quyền nhưng Trường An đổ nát, hoang tàn trong máu lửa, ông dời đô về phía đông đến Lạc Dương lập nên nhà Hậu Hán. Để nối lại cuộc thám sát mảnh đất Việt cổ, năm 25 Nhâm Diên được cử sang Cửu Chân. Những chính sách mị dân mà Tích Quang và Nhâm Diên áp dụng khi ấy không ngờ còn lưu truyền tới tận thế kỷ 20, với vỏ bọc hình thức khá ngây thơ. Đến tận Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim gần đây vẫn còn viết: “Người ấy (Tích Quang) hết lòng lo việc khai hóa, dạy dân lấy điều lễ nghĩa, cho nên dân trong quận có nhiều người kính phục”. Và “Dân sự quận ấy (Cửu Chân) ái mộ Nhâm Diên, làm đền thờ.”
Năm 34, có lẽ do chủ quan khi nhận định tình hình sau hai cuộc thám sát, Hán triều cử sứ đoàn do Tô Định cầm đầu xuống đồng bằng sông Hồng để tiến hành thực dân hóa quận Giao Chỉ. Nhiệm vụ của tân thái thú chắc chắn là phải xây dựng bộ máy bóc lột nhằm biến quận Giao Chỉ thành miếng bánh ngon giữa bàn tiệc thực dân, chứ không thể mãi mãi là mảnh đất ảo trang trí trên bản đồ đại Hán. Có thể Tô Định đã tiến hành vài cuộc khủng bố lẻ tẻ nhân danh thiên tử Tàu và áp Hán luật vào đời sống nhân dân sở tại. Không còn những hành động khoan hòa vờ vĩnh kiểu Tích Quang, Nhâm Diên. Tự do của người bản xứ đã bị xâm hại nghiêm trọng. Trưng Trắc, vị thủ lĩnh tự trị của vùng đất kề cận nơi Tô Định đặt bản doanh chịu sức ép thực dân nhiều nhất đã đứng lên hiệu triệu các thủ lĩnh khác cùng đoàn kết đánh đuổi thù chung.
Hai Bà Trưng nổi trống đồng khởi nghĩa năm 40, dân Việt đồng tình hưởng ứng khắp nơi. Tô Định chuồn thẳng về Nam Hải (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) mà không hề có một trận chiến ra trò nào để sử sách hoặc dân gian truyền lại. Chi tiết này thêm một lần nữa xác tín bối cảnh được xây dựng ở trên là hợp lý. Qui mô đội quân chiếm đóng của Tô Định rất nhỏ, chẳng thể đánh đấm gì được.
Cuộc hành quân về Long Biên của Hai Bà Trưng nhanh chóng thành công. Điều này là tiền đề thuận lợi cho Hai Bà tập hợp được thêm nhiều lực lượng ủng hộ, tiến tới xưng vương rồi đóng đô tại Mê Linh.
Mùa xuân năm 42 Mã Viện mang theo quân thiện chiến sang quận Giao Chỉ. Bằng kinh nghiệm lọc lõi của một tên tướng phong kiến, Mã Viện kiên nhẫn đóng quân tại Lãng Bạc và nghe ngóng tình hình. Hai Bà Trưng chủ động tấn công trước và thất bại, phải rút về Mê Linh rồi Cấm Khê (chân núi Ba Vì). Mã Viện tiếp tục truy kích và tháng giêng năm 43 đã bắt được Hai Bà Trưng. Tàn quân Việt chiến đấu được vài tháng nữa mới tan rã. Dân gian Việt Nam có hai ngày giỗ Hai Bà Trưng là 6.2.43 và 8.3.43 (năm Quý Mão, âm lịch), có lẽ ngày đầu là ngày Hai Bà Trưng bị bắt và ngày sau là ngày họ bị hành hình. Ở đây xuất hiện hai khả năng: Một là Mã Viện giữ Hai Bà để dụ hàng nhằm kêu gọi nhóm nghĩa quân chưa buông vũ khí ra trình diện. Hai là Mã Viện thuyết phục Hai Bà kêu gọi nhân dân thuần phục nhà Hán và chấp nhận luật pháp Hán. Dù sao ta cũng biết chắc một điều Hai Bà Trưng đã không chịu thỏa hiệp dù phải bỏ mình.
Sự kiện Hai Bà Trưng anh dũng tấn công Mã Viện dẫn đến một liên tưởng hơi ngoài lề: Hậu Hán Thư không ghi nhận tổng quân số của Mã Viện nhưng chỉ riêng cánh tiến đánh Cửu Chân sau đó gồm hơn hai ngàn chiến thuyền và hơn hai vạn lính. Vậy ít nhất Mã Viện phải thống lĩnh lực lượng gấp rưỡi con số này cho trận đánh với Hai Bà Trưng. Cũng theo sách ấy, Mã Viện đã giết hại cả ngàn quân của Hai Bà Trưng và bắt sống hàng vạn tại Lãng Bạc. Như thế có thể đoán quân của Hai Bà Trưng cũng tròm trèm con số vài vạn, ngang ngửa với quân Mã Viện. Với lực lượng bề thế nhường ấy, nếu Cổ Loa của An Dương Vương thực sự nằm tại đồng bằng sông Hồng (chứ không phải ở Quảng Tây như giả thuyết của tác giả bài này), thì tại sao Hai Bà Trưng không củng cố thành cũ để đương đầu với quân viễn chinh. Ngoài thực địa đền Cổ Loa Đông Anh chỉ cách Mê Linh trên dưới 20km đường chim bay, không hề bị sông lớn, suối rộng, núi cao, khe sâu ngăn trở, và Hai Bà Trưng có hơn 2 năm để chuẩn bị một cuộc kháng chiến dài lâu. Như vậy truyền thuyết An Dương Vương và Loa thành từng hiện hữu ở Việt Nam có thêm một nghi chứng phủ nhận.
Xin tạm che giấu cảm tính dân tộc và tinh thần quốc gia (những khái niệm không thể có ở thời Hai Bà Trưng), để đứng trên bình diện văn minh mà dè dặt nói: Kết cục cuộc chiến giữa Hai Bà Trưng và Mã Viện có thể tiên liệu trước, chế độ thị tộc mẫu hệ, hay ít ra là tàn dư của nó phải bị khuất phục trước một mô hình xã hội tân tiến hơn, để giải phóng sức sản xuất xã hội, phân công lại lao động, đưa con người và lịch sử tiến lên phía trước. Sự thật là Hai Bà Trưng đã phải đương đầu với Mã Viện, một tên tướng xâm lăng nên nguyên nhân thất bại cốt lõi của Hai Bà rất khó được chấp nhận đối với hầu hết người Việt Nam, không phân biệt trình độ nhận thức.
Mùa xuân năm 43 Hai Bà Trưng bị xử trảm. Các tùy tướng của Hai Bà đem tàn quân rút chạy vào Cư Phong, thuộc Cửu Chân (Thanh Hóa). Mã Viện tiếp tục truy kích đến cuối năm 43 thì hoàn thành cuộc xâm lăng. Một bộ phận nữa phải hàng phục. Tuy nhiên có một bộ phận bất khuất không nhỏ đã lên thuyền ra khơi. Thời điểm cuối năm 43 hoàn toàn hợp lý và là chi tiết quan trọng, vì trên biển Đông bắt đầu vào đợt gió mùa Đông Bắc. Đây chính là đôi cánh tự do trời đất ban tặng cư dân Việt cổ, đẩy những con thuyền đưa họ đến eo Malacca. Cũng có khả năng nhiều người trốn chạy theo đường bộ, rồi hòa lẫn vào những bộ lạc sống dọc bờ biển trung bộ Việt Nam ngày nay. Họ đã góp phần xây dựng nên đế chế Chiêm Thành sau này.
Hiện nay có hai cộng đồng thị tộc mẫu hệ, nguồn gốc gần gũi, sống hai bên eo biển Malacca, thuộc hai quốc gia: 1. Cộng đồng thứ nhất là người Minangkabau, sống ở đảo Sumatra, Indonesia. Họ có khoảng 4 triệu người, chiếm ¼ dân số của đảo. 2. Cộng đồng thứ hai sống ở bang Negeri Sembilan, thuộc bán đảo Peninsular, Malaysia. Họ cũng là người Minangkabau. Họ vượt eo Malacca đến đây định cư khoảng từ TK 15 đến TK 16, và ngày nay sống rải rác trên một diện tích khoảng 6,645 km2, dân số hơn 722.000 (số liệu 1991). Negeri Sembilan dịch nghĩa là “Nước (số) chín”. Chữ “nước” ở đây đồng nghĩa với chữ “Nagar - nước, xứ sở” của người Chiêm Thành và chữ “Lạc – nác, nước” của người Lạc Việt xưa. Thủ phủ của Sembilan cách Kuala Lumpur khoảng 64 km.
Nền văn hóa của hai cộng đồng này mang bản sắc độc đáo và riêng biệt. Họ vẫn theo chế độ thị tộc mẫu hệ. Quyền thừa kế nằm hết ở giới nữ. Tuy nhiên trưởng tộc lại là nam giới. Lãnh thổ chung của họ chia thành những vùng tự trị có tên là Luak (Lạc?). Người đứng đầu vùng tự trị cũng là nam giới, do các trưởng thị tộc bầu lên gọi là Luak Undang. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, các em gái bà này nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi (tiếng Bahasa Indonesia lần lượt đọc là t run ch chik và t run nhi). Ngữ âm này, sau biết bao biến đổi qua thời gian, đọc lên vẫn thấy mơ hồ hai cái tên Trưng Trắc, Trưng Nhị [12].
Về đời sống, nam giới có trách nhiệm chính với mẹ và chị em gái của họ trong thị tộc. Nhiều nơi, nam giới chỉ ở với vợ ban đêm, ban ngày trở về với chị em gái mình và những đứa cháu. Nữ giới lập gia đình thường ở lại nhà cha mẹ họ. Những người chị đã lập gia đình luôn có mối liên hệ gần gũi với các em gái chưa lập gia đình, thậm chí họ còn ở chung với nhau. Ở Indonesia hôm nay, người Minangkabau là những nhà kinh doanh giỏi. Điều này được tạo nên một phần bởi sắc thái văn hóa Minangkabau. Nam nhi Minangkabau phải rời gia đình đi tìm tương lai. Họ buộc phải thành công. Khắp Indonesia ta gặp rất nhiều các ông chủ lớn nhỏ người Minangkalau. Họ theo đạo Hồi đã vài thế kỷ. Tuy nhiên truyền thống văn hóa và tín ngưỡng đã hòa hợp một cách đáng ngạc nhiên.
Chế độ thị tộc mẫu hệ hiện tồn tại trong những cộng đồng người Minangkabau luôn lôi cuốn các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và nhân loại học. Ngành du lịch Indonesia và Malaysia cũng khai thác triệt để tính đặc thù này để thu hút du khách. Trong rất nhiều đoạn phim quảng bá du lịch người Minangkabau đã không dưới một lần tuyên bố tổ tiên họ là người Việt và đã di cư đến Nam Dương bằng thuyền.
Kiến trúc truyền thống Minangkabau cũng khiến không ít người suy tư: “Ở Indonesia, người Minangkabau có những ngôi nhà mái cong rất đẹp, nhịp điệu bay bổng, phong phú, một mặt giống ngôi nhà sàn hình thuyền, một mặt lại giống mái cong của đình chùa Việt Nam [13]”.
Xin hãy tham khảo một giai thoại Minangkabau [14]: Ngày xưa có một mối bất hòa giữa người Minangkabau và người Java, thay vì giải quyết bất hòa đó bằng một cuộc chiến với máu đổ không cần thiết, họ thỏa thuận chọi trâu để phân định. Người Java có một con trâu khổng lồ, mạnh mẽ và hung dữ. Người Minangkabau chỉ có một con nghé con. Người Java rất tin tưởng con trâu của mình sẽ đè bẹp chú nghé kia. Vậy mà yếu đã thắng mạnh. Người Minangkabau bỏ đói con nghé nhiều ngày. Trước trận đấu họ buộc một con dao sắc vào đầu nghé. Vào trận nghé đói tưởng trâu là mẹ mình. Lập tức nó rúc vào bụng trâu để tìm vú. Con trâu kềnh càng đã bị chết vì dao đâm thủng bụng. Và người Minangkabau đã chiến thắng. Cũng theo giai thoại này Minang nghĩa là chiến thắng, kabau là trâu.
Bất kỳ người Việt nào cũng tìm thấy ở câu chuyện trên một thứ gì đó thật gần gũi với bản sắc văn hóa đồng bằng sông Hồng. Chuyện dân gian Trạng Quỳnh dùng nghé đấu Trâu của sứ Tàu với truyện trên, có lẽ là hai biến thể của một tư duy chung, một triết lẽ giản dị nhưng nhiều giá trị: Đề cao trí tuệ và lòng yêu chuộng hòa bình, hòa hợp, lấy trí thắng lực, hóa giải mâu thuẫn bằng trái tim nhân hậu. Và tôi chợt hiểu, linh vật trâu vàng cho lễ hội thể thao khu vực Đông Nam Á đầu tiên do Việt Nam tổ chức, tức Seagame 2003, đã được chọn bằng tâm thức văn hóa, lịch sử.
Phải chăng người Minangkabau ở Indonesia và Malaysia hôm nay cũng là con cháu của Hai Bà Trưng? Phải chăng cái tên mà hai ngàn năm nay người Việt tôn gọi Trưng Trắc, Trưng Nhị không phải là tên riêng mà là chức danh của hai hoặc một nhóm phụ nữ Việt Nam bất khuất? Câu trả lời đang ở một tương lai rất gần.
Xưa từ Hùng ý chỉ thủ lĩnh một vùng. Tùy Thư (thế kỷ VII), thiên Địa Lý Chí Hạ còn ghi “Người man (tức người Lạc Việt) ai giàu mạnh là người hùng”. Con vua Hùng là Quan Lang cai quản địa phận trực thuộc, qui mô chắc cũng như làng xã ngày nay. Chữ “Làng” có thể xuất phát từ chữ “Lang” trong “Quan Lang”, người Mường gần đây vẫn còn Quan Lang. Vậy có thể hiểu “Hùng” là người đứng đầu thị tộc mẫu hệ. Liên minh thị tộc mẫu hệ sẽ hình thành dạng nhà nước sơ khai như Văn Lang, và Vua Hùng hẳn là lãnh tụ của nhà nước sơ khai ấy.
Khi lưu vong đến Quảng Tây, các bộ tộc Lạc Việt cổ từ Động Đình Hồ vẫn còn gắn kết ở dạng nhà nước sơ khai kia, nó thể hiện trong truyền thuyết xung đột giữa “Thục vương tử” và Vua Hùng. Tuy vậy trước và sau thời điểm 179 TCN (năm Triệu Đà thôn tính Tây Âu Lạc của An Dương Vương) và 111 TCN (năm Lộ Bác Đức bình định Nam Việt), những nhóm người đi tiếp xuống đồng bằng sông Hồng có lẽ đã không thể bảo tồn hình thái xã hội Văn Lang cũ. Điều này khá dễ hiểu: Địa bàn mới hoang vu (dù chắc chắn tồn tại ít nhiều nhóm chủng tộc gốc Nam Á du canh du cư với kinh tế hái lượm, săn bắn), thổ nhưỡng ẩm thấp, mùa mưa ngập lụt chia cắt, dân số ít, giao thương trở ngại… Đến đầu công nguyên, ít nhất là tình hình dân số của các bộ tộc Lạc Việt ở đồng bằng sông Hồng đã được cải thiện. Để chống lại âm mưu nô thuộc của nhà Đông Hán, Hai Bà Trưng đã liên minh các thủ lĩnh vùng lại với nhau đánh đuổi Hán quan, xưng vương. Như vậy hoàn toàn có thể xem Trưng Trắc chính là vị Vua Hùng đầu tiên của mảnh đất tiền Việt Nam.
Ở xã hội Lạc Việt cổ, trống đồng là biểu hiện quyền uy của tù trưởng, tộc trưởng. Cũng Tùy Thư nói: “Khi chiến tranh thì trống đồng được đánh, người người khắp nơi nghe lời hiệu triệu tụ họp về. Dân Lạc Việt rất phục tùng người sở hữu trống” – đây phải chăng là câu trả lời dứt khoát cho hành xử của Mã Viện với quốc bảo trống đồng. Thật vậy, Mã Viện nam chinh đã phá vỡ liên minh Văn Lang vừa được Trưng Trắc tái lập nhưng buộc phải cho phép dân Việt tự trị ở đơn vị Làng. Thế là sau khi giết hại vợ chồng bà Trưng, Mã Viện vội vàng cho quân lính đi thu gom trống đồng nhằm bẽ gãy các cuộc phản kháng tiếp theo (nếu có) từ trong trứng nước. Bản chất gốc của vấn đề xem ra rất kín kẽ, còn hiện tượng Mã Viện nấu đồng đúc ngựa cảnh để chơi và dựng trụ làm cột thiên văn quan sát bầu trời, xác định vị trí khu vực vừa chiếm được trên bản đồ đế quốc Hán, chỉ là đám lá ngọn lòa xòa che mắt sự thật lịch sử.
Tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam không tin tổ tiên họ là chủ sở hữu của trống đồng, hoặc cho rằng đề cao trống đồng như quốc bảo của dân tộc là thiếu chứng lý. Họ bảo không như người Tráng tại khu tự trị Quảng Tây Trung Quốc (tức hậu duệ những thần dân của An Dương Vương không di cư chạy giặc Triệu Đà xuống đồng bằng sông Hồng năm 179 TCN) vẫn còn sử dụng trống cho lễ hội, trống đồng ở Việt Nam chỉ đào được nơi các vỉa đất của quá khứ. Hy vọng nguyên nhân mang tên Mã Viện tôi vừa nêu, sẽ góp phần chứng minh người Việt xưa đã phải đành đoạn chôn trống gửi đến tương lai, mong con cháu mình mãi mãi trân trọng và giữ gìn nó
Cùng với việc hủy hoại trống đồng và làm tan rã hình thức nhà nước sơ khai trên mảnh đất Việt Nam cổ, Mã Viện đại diện cho nhà Đông Hán cũng chính thức khai sinh đơn vị hành chính tự trị là Làng, Xã. Do được tự trị, tinh thần độc lập và tự chủ của người Việt Nam đã luôn được nuôi dưỡng dưới các nếp nhà sau lũy tre làng. Từ “Làng Nước” sinh ra từ đây. Làng trở thành một đất nước độc lập tự chủ thu nhỏ của những người dân Việt bất khuất. Hơn 800 năm sau, tinh thần ấy lớn mạnh rồi bùng phát để đưa cả dân tộc thoát kiếp nô lệ. Khi người Việt có quốc gia rồi, thì làng xã lại trở về thế đối lập một cách tương đối với các chính sách chính trị tổng thể của chính quyền trung ương. Để dung hòa lợi ích nhà nước và làng xã, mỗi làng đã được chính quyền chọn ra một vị thần được ưa chuộng nhất để sắc phong làm Thành Hoàng. Như vậy mâu thuẫn đã được giải quyết ở một mức độ chấp nhận được: ông vua của làng là thánh linh (hoặc một con người có thật đã được thánh hóa), được ông vua của cả nước hợp thức hóa bằng một văn kiện.
Người Lạc Việt cổ bắt đầu gần một thiên niên kỷ lưu vong từ chiếc nôi Động Đình Hồ, từ châu Kinh, châu Dương bên bờ Trường Giang khi văn minh Hoa Hạ nam tiến và nước Sở được hình thành. Đến Trưng Trắc thì sức người có hạn, văn minh vật chất sơ sài trong khi sơn đã tận mà thủy thì mênh mông, đa số họ bắt buộc phải dừng lại, nhẫn nhục chấp nhận thêm tám trăm năm nô lệ nghiệt ngã.
Máu lưu vong trước nghịch cảnh chính trị của tiên tổ người Việt Nam đã hơn một lần bùng phát, già ngàn năm trở lại đây nơi hậu duệ của họ: Khi nhà Trần tiếm đoạt vương quyền, một nhánh họ Lý đã chạy qua Cao Ly. Lê – Mạc đấu đá rồi Trịnh – Nguyễn phân tranh, bao người phải bỏ xứ xuống khai phá đồng bằng sông Cửu Long trù phú. 1954 và 1975, hàng triệu sinh linh lại lên đường vào nam, hoặc ra biển tỏa khắp năm châu. Ai đó đã có lần so sánh người Việt Nam với dân Do Thái ở góc độ lưu vong, cũng chẳng khập khiễng chút nào.
Tự đặt mình vào bối cảnh năm 40 sau Công Nguyên, tôi bỗng thấy hình ảnh sáo mòn Hai Bà Trưng “phất cờ khởi nghĩa” có vẻ không hợp lý. Nên chăng hãy hình dung những hồi trống đồng liên hoàn dưới các nếp nhà sàn hiền hòa, thôn nối thôn, làng tiếp làng, thị tộc này kêu gọi thị tộc khác cùng đoàn kết trong âm vang tự do dưới sự lãnh đạo của Vua Hùng – Trưng Trắc tiến thẳng về Long Biên, quét sạch bắc quân xâm lược.
Hai Bà Trưng ra đi khép lại thuở bán khai trên đất mảnh đất tiền Việt Nam. Thời điểm này chính là hoàng hôn trước đêm dài nô lệ. Người Việt biết chấp nhận nỗi nhục thiếu tự do để học hỏi, tự hoàn thiện mình. Thỉnh thoảng một vài ngọn đuốc lại bừng sáng mang nhiều cái tên anh hùng như Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan hay Phùng Hưng. Đáng kể là hơn nửa thế kỷ độc lập của Lý Nam Đế cùng các phụ triều trong giấc mơ Vạn Xuân đầy hiện thực. Đó là những bước tiến vững chắc, không thể phủ nhận của con người và đất nước thời khởi sử, làm bệ phóng cho kỷ nguyên tự chủ bắt đầu với Khúc Thừa Dụ năm 905. Tám trăm năm tròn bắc thuộc là cái giá quá đắt nhưng không hề vô nghĩa. Dân tộc Việt Nam, văn minh Việt Nam hình thành trong gian khó và thử thách đã lớn mạnh vượt bậc. Từ đó về sau phong kiến phương bắc không lần nào hoàn toàn khống chế được họ nữa. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đại diện thực dân châu Âu là Pháp Lang Sa, với ưu thế hơn hẳn họ về sức mạnh vũ khí được sản xuất dưới một nền khoa học kỹ thuật tân kỳ, tổ chức xã hội tư bản tiến bộ, cũng chỉ áp đặt sự đô hộ không đồng bộ của chúng trên mảnh đất này tròm trèm 80 năm mà thôi.
Nếu không kể đến An Nam Chí Lược (1335) của một kẻ bán nước, từ quyển hiến sử đầu tiên còn lưu lại đến ngày này là Đại Việt Sử lược (1377 – 1388), sử gia Việt Nam vừa xem sách Tàu, vừa chấm bút lông vào nước lã để viết về ông Thi. Thậm chí họ còn sơ ý nhầm tên chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách! Năm tháng qua đi, sách sử nối nhau ra đời, Bà Trưng Trắc vẫn phải làm một quả phụ bất đắc dĩ, gồng gánh thêm bao nhiêu khái niệm không cùng thời với bà. Lối tư duy suy diễn chủ quan, nô lệ sách Tàu và kinh viện, kết hợp với truyền thống tạo dựng chính sử thiên kiến và không tôn trọng sự thật một cách có hệ thống, vô hình chung đã tô son trát phấn lên bà mẹ chân đất được Thủy Kinh Chú mô tả là “vi nhân hữu đảm dũng”. Kết quả là người mẹ vĩ đại của họ chẳng đẹp hơn tí nào. Nó chỉ khiến người đời chạnh buồn cho những đứa con vụng về, xốc nổi và đồng bóng của bà.
Mảnh đất hình chữ S có tên Việt Nam ngày nay hiện hữu khoảng 200 đền thờ Hai Bà Trưng. Đó là tuyên bố rõ ràng nhất về vai trò lớn lao của Hai Bà trên non sông này. Mọi lý thuyết học thuật cổ kim đều không thể phủ nhận bản chất anh hùng và tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng, vị Vua Hùng đầu tiên và cuối cùng của mảnh đất Việt Nam, người mẹ đáng kính của lịch sử Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Trong quá khứ, không ít sử gia Việt Nam đã nghiệm rằng Kinh Dịch chứa rất nhiều yếu tố vay mượn từ văn minh Thần Nông. Gần đây một bài báo ở Việt Nam tự hào tuyên bố Kinh Dịch chính là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt. Tôi quan sát rất kỹ các tranh luận xưa nay và tự hỏi: “Ngôn ngữ điện toán hiện đại chỉ cần hai tín hiệu CÓ và KHÔNG, khi thể hiện trên giấy nó tương đương số 1 và số 0. Não điện toán dễ dàng đọc mọi văn bản chỉ toàn 0 và 1 đan xen, nối nhau thành chuỗi, vì tốc độ xử lý thông tin của nó rất cao. Nguyên lý khởi đầu của Dịch là Âm Dương sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Sau Bát Quái còn có thêm 64 Quẻ. Ký hiệu Dương là một vạch liền, Âm là một vạch đứt. Hoàn toàn tồn tại khả năng văn minh Trung Hoa đã mượn thứ ký hiệu này của văn minh Thần Nông và phát triển thành Kinh Dịch. Như vậy tại sao không thể đặt giả định hệ thống ký hiệu xây dựng từ hai đơn tố Âm và Dương là những chữ cái của một thứ ngôn ngữ bí hiểm nào đó trong văn minh Thần Nông”.
Đến đây thì tôi thấy cần xét lại một “khuyết điểm lưu cữu lớn” của văn minh Thần Nông là không có chữ viết, đã đề cặp ở trên. Hai đơn tố Âm và Dương rõ ràng đã đan xen, tạo thành chuỗi. Việc nó có thể dùng làm số đếm (hệ nhị phân), chữ cái hoặc chữ viết hay không, không còn phụ thuộc vào khả năng biểu đạt của hai đơn tố ấy, mà phụ thuộc vào khả năng xử lý tín hiệu của con người thời đó. Tôi đã loại bỏ được chất hoang tưởng trong giả định của mình.
Tôi đã đến viện bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh xem 1 chiếc trống đồng Đông Sơn. Trống đồng là bảo vật của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều nhà khoa học đã đồng ý trống đồng lưu giữ dấu ấn thờ mặt trời của con người buổi bình minh lịch sử. Ở giữa mặt trống có mặt trời tỏa tia. Nửa ngoài mặt trống có 2 cặp vòng tròn đồng tâm chứa rất nhiều vạch liền xếp cạnh nhau. Theo ngôn ngữ Dịch, một vạch là Dương (trong lưỡng nghi), hai vạch là Thái Dương (trong tứ tượng), ba vạch là Càn (trong bát quái), sáu vạch là Càn Vi Thiên (trong 64 quẻ). Tất cả đều chỉ mặt trời hoặc ông trời. Nếu nói những nét liền kia nằm cạnh nhau là những chữ CÀN - CÀN – CÀN… liên tục tức TRỜI - TRỜI - TRỜI… liên tục thì khả dĩ chăng? Hay Thái Dương – Thái Dương – Thái Dương…? Đây chỉ là sự tình cờ thì thật lạ. Nhiều vạch quá, nhìn qua tủ kiếng tôi không thể đếm được bao nhiêu vạch. Nếu tổng số các vạch đó luôn chia hết cho 6, ở bất cứ chiếc trống đồng nào thì giả thuyết của tôi hữu lý nhất. Ngoài ra còn có một vòng tròn đồng tâm khác chạy những đường hoa văn hình “dấu ngã”, liên kết các “dấu ngã” này là những vòng tròn nhỏ, có chấm chính giữa. Đây cũng có thể là chữ “mặt trời” giống như chữ “mặt trời” ở nhiều nền văn minh sơ khai khác.
Giả thuyết tôi đưa ra nếu đúng sẽ dẫn đến sự xét lại: Ngôn ngữ Dịch là của văn minh Thần Nông. Dùng cơ sở “Phục Hy đặt ra bát quái” [15], Khổng Tử đắp tượng Văn Vương và Chu Công cho học thuyết của ông, bằng cách khẳng định hai người này đã viết “Thoán từ” và “Hào từ”. Khả năng “Thoán từ”, “Hào từ” và “Dịch truyện” đã được chính Khổng Tử biên soạn, là rất lớn. Cho đến lúc này, theo tôi, chỉ nên đặt câu hỏi Kinh Dịch là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt Nam chăng? Chúng ta chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục, chưa so sánh được ngôn ngữ Dịch khởi thủy với Kinh Dịch. Lịch sử Trung Hoa vẫn tồn nghi nguồn gốc Kinh Dịch hai ngàn năm nay. Người Việt Nam hiện đại đang có niềm tin xác đáng hơn bao giờ hết để bước vào cuộc truy tìm bản quyền Kinh Dịch. “Mỏ vàng nhân văn” này hứa hẹn trữ lượng nguồn sống tinh thần vô biên cho con cháu Tiên – Rồng.
Tóm lại, tôi tạm dừng công việc của mình ở đây. Nếu có những người ủng hộ trí tưởng tượng của tôi, xin hãy tìm đến các di vật khảo cổ. Câu trả lời thật thuyết phục còn ở rất xa và có thể chẳng bao giờ ta thấy được. Tuy nhiên trò truyện với các vật tạo tác linh thiêng của tổ tiên mình không bao giờ nhàm chán và vô nghĩa. Dù rằng sẽ không ai chứng minh được tôi đúng song chứng minh tôi sai lại càng khó hơn. Cuối cùng cách giải mã ngôn ngữ trên trống đồng của tôi vẫn nên tham khảo, vì không lời khen tặng nào là quá đáng đối với trống đồng và những con người cổ xưa đã đúc nên chúng.
Ngoài yếu tố lịch sử, huyền sử Việt Nam còn mang những thông điệp nhân văn luôn cần được con người Việt Nam ở bất kỳ thời đại nào giải mã.
Đất nước và tổ quốc: Sử Ký Tư Mã Thiên trong chương “Khổng Tử thế gia” thuật lời Khổng Tử: “Khâu này nghe nói… Quái vật do nước sinh ra là con rồng”. Vậy ta có thể hiểu cha Lạc Long Quân là biểu tượng của “nước”. Ngôi nhà của “nước” tất phải ngoài biển, nghĩa gốc của chữ Lạc chính là “nước”. Mẹ Âu Cơ tượng trưng cho “đất”. Chữ Âu từng được Trần Thánh Tông dùng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Hồ Quý Ly cũng từng cải tên núi Đại Lại (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thành Kim Âu (Núi Vàng). Thành ngữ “Tấc đất tấc vàng” khá gần gũi với “kim âu”. Ngựa đá đứng trên đất vàng, thử hỏi làm sao mà non nước Việt Nam chẳng vững chãi Vạn Xuân.
Nền văn minh lúa nước được xây dựng từ “Đất” và “Nước” là điều không ai có thể phủ nhận. Người Việt Nam còn gọi tổ quốc mình là “Đất nước” có nguyên căn sâu xa như vậy. Chuỗi luận này có thể dẫn đến việc giải nghĩa từ Âu Lạc là “Đất nước”. Nếu bạn đọc thay các chữ “Âu” bằng “Đất”, “Lạc” bằng “Nước” vào toàn bộ bài viết này, tôi tin nội dung tôi muốn chuyển tải sẽ sáng tỏ hơn nhiều. Biết đâu cuộc chia ly của cha rồng mẹ tiên trong truyền thuyết lại chính là dấu ấn của một đợt hạn hán khủng khiếp nơi đồng bằng phía nam trung lưu Trường Giang.
Bài học đoàn kết: Âu Cơ và Lạc Long Quân đã chia rẽ, làm suy yếu nền văn minh Thần Nông. Hai nhánh Lạc Việt và Tây Âu, dù người xuống biển, kẻ lên rừng nhưng đều mất địa bàn sinh sống, phải bước vào hành trình ra đi, trôi giạt. Cả ngàn năm sau họ mới tìm lại được nhau trong nhà nước Âu (Cơ) – Lạc (Long Quân) sơ khai, non trẻ và yếu ớt. Cánh đồng Tương bên dòng sông Tương chảy vào Động Đình Hồ là nơi Long Quân và Âu Cơ hẹn gặp nhau. Chữ Tương cũng là một lời nhắn nhủ đoàn kết.
Bài học chiến tranh: Mỵ Châu đại diện cho nhân dân Tây Âu Lạc, Trọng Thủy đại diện cho người Nam Việt. Họ chính là nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của chiến tranh. Nỗi đau của dân tộc này biến thành ngọc trai, rửa ở cái giếng ai oán thăm thẳm của dân tộc kia, sẽ lấp lánh vẻ đẹp vĩnh hằng của hòa bình và hòa hợp.
Bài học cảnh giác: Cảnh giác, trước tiên là cảnh giác với chính mình, cảnh giác với kẻ thù ở hàng thứ hai. Nhà cầm quyền Tây Âu Lạc đã bị vàng bạc và hôn nhân chính trị lung lạc. Ỷ thành cao, vũ khí lợi hại, An Dương Vương buông thả, ruồng bỏ nhân tài Cao Lỗ, khiến nước mất nhà tan.
Biển cả và tự do: Lạc Long Quân là vua rồng của biển cả. Ông dặn con cháu nếu nguy cấp hãy quay về phía biển gọi “Cha ơi!”. Bại trận, An Dương Vương ra bờ biển, lạnh lùng xử tử Mỵ Châu rồi lấy sừng tê rẽ nước mà đi. Thông điệp “ra với biển” đã trở thành tiềm thức trong khối óc mỗi con người Việt Nam từ đó trở đi. Sau này dân Việt Nam đã hơn một lần ra với biển đi tìm tự do: những tùy tướng của Mê Linh liệt nữ chạy vào Cư Phong rồi lên thuyền thẳng tiến đến Malacca, họ là người Minangkabau ở Maylaysia và Indonesia hôm nay; hậu duệ nhà Lý thì giong buồm đến Cao Ly; Hồ Quý Ly đáng lẽ không bị bắt làm tù binh nếu không tắp vào bờ biển bắc trung bộ… Thông điệp “ra với biển” ở thế kỷ 21 chắc chắn là mở vòng tay Việt Nam với bè bạn năm châu, từ bỏ suy nghĩ thủ cựu, chấm dứt các hình thức bế quan tỏa cảng.
Khuất Nguyên sinh năm 343 TCN và mất năm 278 TCN. Ông bắt đầu làm quan khi mới 21 tuổi, dưới ngai vàng của Sở Hoài Vương. Vì chủ trương chính trị của Khuất Nguyên không được tôn trọng, cộng thêm dèm pha, Hoài Vương cách chức ông. Nghe lời bọn xiểm nịnh, Hoài Vương bại vong dưới đao kiếm nước Tần. Con cả Hoài Vương là Khoảnh Tương Vương lên ngôi lại tiếp tục tin nịnh thần, bắt Khuất Nguyên lưu đày xuống Giang Nam (khu vực Động Đình Hồ). Ông giải thích chuỗi sự kiện này như sau: “Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên ta bị đuổi”.
Sử Ký Tư Mã Thiên viết (thực ra đoạn này của Hoài Nam Vương Lưu An, Tư Mã Thiên dẫn lại): “Ly Tao là nỗi buồn trong chia ly… Thơ Quốc Phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu Nhã oán trách mà không loạn. Ly Tao thực là gồm được cả hai… Văn ông (Khuất Nguyên) ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần nhưng nghĩa thì xa… Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen”.
Khủng hoảng dư chi bại tích [16]
Ly Tao là đỉnh cao, là cảm hứng và xuất phát điểm của Sở Từ. Xét trên quan niệm mới về tính đa nguồn gốc của văn minh Trung Hoa thì ảnh hưởng của Kinh Thi đến Sở Từ chính là giao lưu văn hóa. Kinh Thi khởi đi từ thơ hai chữ khắc trên giáp cốt văn đời Thương, đến thời Chiến Quốc nó hòa cùng Sở Từ và chảy qua ngũ ngôn Kiến An (Hậu Hán) rồi xuôi thời gian làm thành dòng Đường thi trác việt. Những bài Sở Từ có thể hát lên dần chuyển hóa thành Nhạc Phủ (đầu Hán), còn nhiều tác phẩm vận điệu trúc trắc là trực tổ của lối văn Phú Tụng đời sau. Trên tổng thể, Sở Từ mang bản sắc rất riêng của nước Sở (đứa con sinh ra bởi văn minh Hoa Hạ và Thần Nông). Đặt Sở Từ vào cội rễ văn minh Thần Nông (mẹ đẻ của Lạc Việt) mới thấy hết sự vĩ đại và bất hủ của Ly Tao và tác giả Khuất Nguyên.
Đọc Khuất Nguyên Liệt Truyện trong Sử Ký tôi thấy Tư Mã Thiên có sự đồng cảm thân phận cao độ với Khuất Nguyên. Song, vượt lên giao cảm cá nhân, sự nghiệp của Khuất Nguyên là tiếng nói của cả một nền văn minh độc lập, đau đớn nhìn chính mình đang vật vã trong làn sóng đồng hóa thô bạo bằng can qua. Là tinh hoa của văn minh Sở, Sở Từ đã có những đóng góp cực kỳ lớn lao cho văn minh Trung Hoa. Nghiên cứu thật kỹ Sở Từ, gạn lọc pha tạp và ảnh hưởng, tôi tin rằng người Việt Nam hiện đại sẽ bàng hoàng nhận ra ánh sáng huy hoàng bất diệt của văn minh Văn Lang hôm nào.
“Tứ ngọc cù dĩ thừa ê hề. Khạp ai phong dư thượng chinh”. Tạm dịch: cưỡi con ngựa ngọc dũng mãnh như loài rồng không sừng, ngồi xe có trang trí lông chim Trĩ, che gió bụi để bay bổng (thoát khỏi trần tục). Chiếc xe cắm lông chim Trĩ và những hình khắc trên trống đồng phải có một tương quan tất yếu. Cũng cần nhắc lại Việt Thường Quốc đã đến giao hảo và tặng Chu Thành Vương chim bạch Trĩ. Người Sở còn được gọi là người Kinh, người Việt. Sách Thuyết Uyển có dịch bài Việt nhân ca (của người Sở, viết bằng ngôn ngữ Sở) như sau: “Kim tịch hà tịch hề, khiên trung châu lưu. Kim nhật hà nhật hề, đắc dữ vương tử đồng chu”. Tức: “Chiều nay chiều nào hề nhổ sào (cắm thuyền) giữa dòng sông. Ngày nay ngày nào hề được ngồi thuyền cùng vua”.
Người Lạc Việt thờ trời và rất hay hỏi trời. Ví như câu ca “Bắc thang lên hỏi ông trời…”. Tác phẩm của Khuất Nguyên mang rất nhiều nét văn hóa Lạc Việt, đó là lý do ông có hẳn một tác phẩm “Hỏi trời – Thiên vấn” gồm đến 189 câu hỏi dành cho ông trời! Đoạn kết ông viết: “Ta báo cho các bậc tiền nhân nước Sở biết rằng nước nhà đang lúc khuynh nguy, sợ khó được trường tồn”.
Tác phẩm của Khuất Nguyên viết bằng ngôn ngữ nước Sở, muốn thưởng thức trọn vẹn cái hay cái đẹp thì phải đọc bằng giọng Hồ Nam. Đặc điểm này càng chứng tỏ Kinh Thi và Sở Từ không cùng cội rễ. Thật vậy, đọc Kinh Thi với âm Hán Việt vẫn thấy nó du dương không kém thơ Đường, nhưng nhạc tính của Sở Từ thì không thể bảo tồn nơi Hán Việt. Theo Nguyễn Tài Cẩn, [17] âm Hán Việt chủ yếu là âm Hán thời Đường, cho nên tiếp cận Sở Từ rất cần lao lực và những con đường hoàn toàn mới.
Nhạc ký của Khổng Tử nói: Phàm âm thân đều xuất phát từ tấm lòng của con người. Sự rung động của tình cảm sẽ tạo nên âm thanh, từ âm thanh sẽ tạo ra lời ca tiếng hát. Căn cứ vào âm nhạc để biết thời thế. Nếu thời thế bình yên thì âm nhạc êm dịu, còn thời thế loạn lạc thì âm nhạc ai oán, nếu chính trị đồi bại thì có lời ca ai oán vì mất nước, sẽ có sự buồn nhớ đau thương để nói lên nỗi thống khổ của người dân. Theo Đại Việt Sử Lược (1388): Mùa đông năm Nhâm tuất 1202 Lý Cao Tông đi chơi ở hành cung Hải Thanh. Ở đấy đêm nào cũng sai nhạc công khảy đàn Bà Lỗ, xướng điệu hát phỏng theo nhạc khúc Chiêm Thành, âm thanh ai oán thảm thiết buồn bã oán hờn. Những kẻ tả hữu nghe đến đều nghẹn ngào rơi lệ. Có vị tăng phó là Nguyễn Thường thưa: “Tôi thấy lời tự trong kinh Thi rằng, âm thanh lúc nước loạn thì ai oán, để tỏ ý căm giận cái chính trị bạo ngược; âm thanh hồi mất nước thì đau thương, để tỏ ý lo cho dân trong cảnh khốn cùng cơ cực. Nay chúa thượng đi tuần du không chừng mực, chế độ chính trị và việc giáo hóa thì trái ngược, dân chúng ở dưới thì sầu khổ. Sự nguy khốn đến thế thì thật là tột mức, mà ngày nay nghe cái âm thanh ai oán thì không phải đó là cái điềm loạn ly vong quốc hay sao. Tôi muốn xa giá từ đây trở về, đừng đi chơi nơi cái cung ấy nữa vậy”. Hơn 20 năm sau, điềm gở thành sự thật, nhà Lý bị nhà Trần thay thế.
Chiếu theo lý luận âm nhạc cổ điển Á Đông đã dẫn, tham khảo thêm giọng đọc Hồ Nam (không thật chuẩn) khi diễn tả Ly Tao, tôi nhận thấy rằng nhạc điệu của Ly Tao thật thê lương. Hơn nửa thế kỷ sau ngày Khuất Nguyên mất, nước Sở bị Tần tiêu diệt. Tiếng khóc của Khuất Nguyên chính là điềm báo của văn minh Sở, hoặc nói rộng ra là điềm báo thoái trào của văn minh Thần Nông. Khi Tần Thủy Hoàng đưa 500 ngàn dân – binh vượt Ngũ Lĩnh tấn công Bách Việt, những nhánh nhỏ trong Thần Nông như Mân Việt (Phúc Kiến), Âu Việt (Chiết Giang), Lạc Việt (Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam và Bắc Bộ Việt Nam) lần hồi bị sáp nhập vào Trung Quốc. Tần Thủy Hoàng là một đại đế mang tầm thế giới. Chiến công lớn nhất và cũng là tội ác lớn nhất của ông không phải là diệt Lục Quốc nhất thống Trung Nguyên, không phải là đày ải biết bao lương dân dựng lăng Ly Sơn hay xây Vạn Lý Trường Thành, mà chính là đặt nền tảng bạo lực thôn tính gần hết đất đai, văn hóa và con người của văn minh Thần Nông. Bài ca Ngu Cơ của Hạng Võ dưới làn điệu Sở là kết cuộc bi hùng của dân tộc Sở. Lưu Bang cũng hát điệu ấy, nhưng bài “Đại phong ca” đã biến thể. Văn minh Thần Nông vĩnh viễn hòa trộn cùng Hoa Hạ để tạo nên văn minh Hán. Những con người của Thần Nông từ đó trở đi đã thành con dân Hán tộc, chỉ trừ mảnh đất Bắc Bộ Việt Nam kiêu dũng, cô độc thẳng tiến đến tương lai trên con đường đầy gian nan và bất trắc.
Khuất Nguyên mang trong lòng nỗi đau của cả một nền văn minh ngỡ là bị hòa lẫn, bị nhìn nhận như man di mọi rợ hàng thiên niên kỷ, bị tước đi vị thế đặc biệt không thể chối bỏ của nó trong lịch sử Trung Hoa. Lẽ biến dịch, thắng thua của thời gian với Khuất Nguyên thật là tương đối. Tầm vóc của ông vượt lên tất cả, nghạo nghễ và phi thường, làm giá trị cho toàn bộ nhân quần đời đời vẫn còn lấn cấn những được mất, thành bại.
Đọc Khuất Nguyên, không hiểu sao tôi cứ nghĩ các thể văn riêng của người Việt (truyện, ngâm, hát nói) và Sở Từ có chung một nguồn cội. Những câu 6 chữ, 7 chữ rồi 8 chữ trong Ly Tao tải nhạc điệu rất gần gũi với Song Thất Lục Bát, Lục Bát và đặc biệt là lối Hát Nói của người Việt Nam. Chữ đệm “hề” đã từng có mặt trong ca dao đồng bằng sông Hồng:
Chẳng ăn được quả, vin cành cho cam
Xin đừng ra dạ bắc nam
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
Huống tam thu như bất kiến hề
Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu
Điều tôi nhận định được thể hiện rõ nhất tại bài Hát Nói “Vịnh Tiền Xích Bích” của Nguyễn Công Trứ (trích đoạn phần lời ca):
Kích không minh hề tố lưu quang
Diểu diểu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương.
Phải chăng những tuyệt tác thơ Nôm đồ sộ của nền văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc vẫn còn những mạch ngầm mang dấu ấn văn minh Thần Nông? Trường thiên Ly Tao và Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là một hình hài song đối qua tấm gương thời gian hai ngàn năm có lẻ, qua hai bờ nam bắc của Động Đình Hồ?
Có thể Khuất Nguyên đã chọn tiết Hàn Thực của văn minh Thần Nông để ra đi nhằm lôi kéo sự chú ý, cảnh tỉnh thế gian u muội. Dần dà ý nghĩa cổ sơ của Đoan Ngọ bị thay thế bởi đám tang thi hào và lòng thương cảm người đời dành cho ông [19]. Hơn hai ngàn năm sau, Tú Mỡ, một nhà thơ Việt Nam (ở góc độ nào đó cũng là một nhà văn hóa), đã bị đánh lừa nên từng viết:
Chết từ hồi tam tổ
Có quan hệ gì ta
Mà sao phải ăn giỗ
Mồng 5 khỏe ăn càn
Mồng 6 ốm nhăn nhó
Có lỡ chết bỏ đời
Thì lại cho tại số
Gần đây hơn người Việt Nam có Trịnh Công Sơn tài hoa. Gần nửa thế kỷ, lớp lớp người Việt Nam thường quên hết mâu thuẫn, chia cách và dị biệt khi thả hồn trong những ca khúc mang họ Trịnh. Theo tôi cái tinh túy trong những tác phẩm của Trịnh Công Sơn không phải ở các nốt nhạc giản dị hoặc giữa vẻ đẹp ngôn ngữ, nó ẩn sâu nơi nhạc điệu của ca từ rất gần với Hát Nói. Truyền thuyết còn nhắc đến bản Diễm Tình u hoài, khắc khoải triền miên từ nước Sở, nay đã thất truyền. Có lẽ nhạc điệu ca từ của Trịnh Công Sơn cộng hưởng với cung bậc hiện đại, đã đánh thức những giọt máu xa xưa nhất trong trái tim mỗi con người Việt Nam, về lời ru đất nước từ thuở Văn Lang Động Đình Hồ.
Đầu thế kỷ 21, tác giả Nguyễn Hữu Liêm đã tả thực thao thức và chiêm nghiệm cá nhân bằng đoản văn “Cái âm điệu tủi thân bi đát”, [20] vô tình như thác xoáy vào tình cảm của cộng đồng Việt Nam lưu vong khắp thế giới. Phản ứng trỗi dậy ồn ào, tưởng như không đến nỗi thế, cũng chỉ vì mạch ngầm ai oán tha phương bị đụng chạm, vì lời nhận xét thuần lý của một triết gia chứ không phải một hồn thi sĩ: “Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua nhạc bolero đã làm cho miền Nam ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau nuớc mắt. Cái quần chúng lau nước mắt này bị lưu đày qua đất mới và tiếp tục uống nước dừa tang thương bằng âm nhạc”.
Dù bỏ qua yếu tố chính trị, đa số sử gia Việt Nam cả ngàn năm qua vẫn luôn máy móc gắn chặt từ Giao Chỉ với Quận Giao Chỉ, như một địa danh luôn cố định tại đồng bằng sông Hồng. Họ sơ sót tính thời đại của sách Thượng Thư và quên mất bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Nhiều khi họ còn nghĩ Việt Thường quốc thuộc vùng trung bộ Việt Nam hôm nay. Sự nhập nhằng giữa quận Giao Chỉ ảo rồi thật và bộ Giao Chỉ dẫn đến tình huống vừa đúng vừa sai của sử Việt: Tất cả sử liệu của mảnh đất Lạc Việt mênh mông bị dồn cục vào đồng bằng sông Hồng.
Hợp nhất - phân rã, lên cao - xuống thấp, chói lọi - lu mờ, thành công - thất bại, quần cư - tản mát, đến và đi… những cặp phạm trù này xoắn lấy nhau, vì nhiều nguyên nhân, liên tục đổi chỗ suốt quá trình hướng tới tương lai của bất cứ một nền văn minh nào trên thế giới. Văn minh Lạc Việt chẳng thể là ngoại lệ, song sức sống không thể phủ nhận của Lạc Việt ở chỗ nó đã không bị tuyệt diệt hoặc đồng hóa bởi Trung Hoa, một nền văn minh tầm cỡ của nhân loại.
Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 người Việt Nam bị tách ra khỏi những trang hiến sử, dù còn nhiều sơ suất, nhưng do chính họ tự viết đã hàng ngàn năm. Ngày 17-3-1879 Pháp áp đặt chương trình giáo dục hệ Pháp – Việt nhằm loại bỏ hoàn toàn nền Hán học ở Nam Kỳ, sau đó là các ngày 27-4-1904 ở Bắc Kỳ và 30-10-1906 ở Trung Kỳ [21]. Rồi họ lại choáng nặng khi cái chương trình giáo dục kia khẳng định “Tổ tiên chúng ta là người Gauloir”! Có thể nói trong giai đoạn ấy, viết lại lịch sử Việt Nam là nhu cầu cấp thiết, là vũ khí quan trọng giác ngộ quần chúng đứng lên cởi bỏ xích xiềng nô lệ. Điển hình phải kể đến: Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam sử khảo, Truyện Lê Thái Tổ, Tuồng Trưng Nữ Vương của Phan Bội Châu; Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim .v.v.. Cụm từ “Bốn ngàn năm lịch sử” bắt đầu cắm rễ vào trái tim và khối óc các thế hệ người Việt và trao gởi cho họ một sứ mệnh thiêng liêng nhưng luôn bàng bạc và ẩn sâu dưới nhiều biểu tượng. Chẳng hạn như ở hai câu thơ của Tản Đà: “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.
Những quyển sử viết vội ấy dù sao cũng đã thổi vào xã hội Việt Nam một năng động phi thường, một ngọn lửa yêu nước bất diệt để đuổi sạch ngoại xâm và thống nhất đất nước. Tuy nhiên vì giàu hư cấu và đầy dẫy nhu cầu nhãn tiền, nó đã để lại cho nền sử học Việt Nam hôm nay những chướng ngại vật ngoài ý muốn.
Thứ nhất nó chưa trả lời thỏa đáng câu hỏi: “Người Việt, nước Việt, chúng ta là ai?”.
Thứ hai nó có rất nhiều lỗ hổng trong phương pháp tiếp cận cổ thư. Việc đưa ra những khả năng ngữ nghĩa mới ở hàng loạt thuật ngữ liên quan đến thời tiền sử Việt Nam ở trên là điển hình cho những góc nhìn chưa được tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Thứ ba nó để lại tiền đề bất di bất dịch và phi thực tế về “tính bản địa” của văn hóa Đại (Lạc) Việt và văn minh Việt Nam. Về lâu dài, vấn đề Giao Chỉ vẫn còn là một chiếc phao cứu hộ cho tiền đề ấy. Các bằng chứng văn hóa và di vật (như trống đồng, bảo vật quốc gia) dàn trải trên địa bàn rất rộng lớn, không thể đóng khung trong những biên giới hành chính hoặc chính trị một thời. Đấy chính là ý nghĩa của chữ Đại trong từ Đại Việt. Càng cố chứng minh tính bản địa khu biệt của văn minh Việt Nam, sẽ càng làm nghèo đi bản sắc Việt Nam và ở góc độ nào đó, gián tiếp “nhược tiểu hóa” dân tộc Việt Nam.
Trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, cổ sử Việt Nam chắc chắn phải viết lại từ những dòng đầu tiên. Con người Việt Nam hơn bao giờ hết đang thiếu một thứ quá khứ gần với sự thật nhất, hầu mong chuộc lại những kinh nghiệm xương máu bị lãng quên, những bài học đắt giá mà tổ tiên họ đã kinh qua. Họ cần lắm niềm tin từ dĩ vãng Lạc Việt hào hùng với biết bao di sản văn hóa vô giá để ngẩng cao đầu hướng đến một tương lai sáng lạn.
Sử Ký Tư Mã Thiên (http://www.guoxue.com/shibu/24shi/shiji/sjml.htm )
Hán Thư (http://www.guoxue.com/shibu/24shi/hansu/hsuml.htm )
Hậu Hán Thư (http://www.guoxue.com/shibu/24shi/hhansu/hhsuml.htm )
Nam Việt Quốc Sử, Trương Vinh Phương, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1995.
Trung Quốc Văn học sử, Dịch Quân Tả, Huỳnh Minh Đức dịch, NXB Trẻ 1992.
Chiến quốc sách, NXB Trẻ, 1989.
Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo Dục, 1999.
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc, Bách Lộc xuất bản, 1971.
Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB GD, 2003.
Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.
Khâm định Việt sử, Quốc sử quán triều Nguyễn.
An Nam Chí Lược
Văn minh Lạc Việt, Nguyễn Duy Hinh, NXB VH-TT, 2004.
Hán tự sử dụng trong bài:
Nam Giao: 南 交 ; Giao Chỉ: 交 趾 - 交 阯 - 交 址 ; Cửu Chân: 九 真 ; Nhật Nam: 日 南 ; Chữ Chỉ bộ túc: 趾 ; Chữ Chỉ bộ phụ: 阯 ; Chữ Chỉ bộ thổ: 址 ; Cơ Chỉ: 基 阯 = 基 址 ; Cơ Sở: 基 礎 ; Chữ Sở (tên nước): 楚 .
Chú thích
[1] Hệ thống những bài viết của tôi bao gồm 5 chủ đề đã được phổ biến rộng rãi trên mạng internet: 1) Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Triệu Văn Vương tại Quảng Châu. 2) Từ Hai Bà Trưng đến những khắc khoải lịch sử. 3) Việt Nam thời bán sử và những thông điệp nhân văn. 4) Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và sự sa lầy của sử học Việt – Trung hàng ngàn năm qua. 5) Lưu vong, một nỗi niềm từ quá khứ đến tương lai.
[2]
[3] Bạn đọc thử xem xét các thành phố lớn ở Việt Nam: trên con đường nam tiến của những con người sinh ra từ nền văn minh lúa nước, nơi đặt đô thị dần dần chuyển vị trí từ bờ bồi (phù sa màu mỡ) sang bờ lở (thuận tiện cho thủy vận giao thương). Hà Nội và Hải Phòng gốc đều bên mạn nam sông Hồng và sông Cấm. Huế trải suốt hai bờ Hương giang. Đến Đà Nẵng và Sài Gòn thì chỉ phát triển ở bên lở của sông Hàn và sông Sài Gòn. Văn minh đô thị Việt Nam thành hình, yếu tố cần cho thương gia đã thắng yếu tố thiết yếu với nhà nông. Hai trung tâm buôn bán cổ là Phố Hiến và Hội An tọa lạc tại bờ lở, càng nhấn mạnh lập luận của tôi.
[4] Bạn đọc có thể kiểm chứng thông tin khảo cổ Trung Quốc tôi đã đề cặp tại rất nhiều trang web tiếng Anh. Phiên âm La Mã của các địa danh này như sau: Dadiwan, Gansu ( Đại Địa Loan, Cam Túc); Banpo, Shaanxi (Bán Pha, Thiểm Tây), Jiahu, Henan (Giả Hồ, Hà Nam); Taosi, Shanxi (Đào Tự, Sơn Tây). Toàn bộ những kiến thức này rất mới, nó vừa xuất hiện trên báo chí vài năm gần đây và chưa được hệ thống hóa đầy đủ vào bất cứ một quyển sách nào.
[5] Người Việt Nam hiện đại hay lầm lẫn ở đây, họ cho rằng Thần Nông là người Tàu, họ đôi lúc phản đối việc xem thủy tổ Kinh Dương Vương của mình là cháu Thần Nông. Có người góp ý với tôi: nếu Thần Nông gốc Tàu thì họ đã gọi là Nông Thần.
[6] Tiên tổ vua Sở là Mị Dục Hùng, con cháu ông ta lấy tên tiền nhân làm họ, có vẻ rất giống một vài nhóm dân tiền Đông Nam Á như Khơ Me. Con gái Vua Hùng tục gọi Mị Nương. Nước Sở còn có tên gọi khác là nước Kinh! Những cái tên chồng chéo này chắc chắn phải có mối tương giao văn hóa nào đó.
[7] Nếu khảo cổ Việt Nam tìm ra bất cứ di chỉ đồ đồng nào, niên đại trước 1700 TCN, có liên hệ rõ ràng với các di chỉ đồ đồng đã công bố như Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn; giả thuyết của tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ.
[8] Xiaorong Han, Who invented the Bronze Drum? Nationalism, Politics, and a Sino - Vietnamese Archaeological Debate of 1970s and 1980s. Asian Perspectives, Vol.43, Spring 2004.
[9]
[10] Sách Mạnh Tử có nói “Vợ Hoa Chu và Kỷ Lương khóc chồng mình mà biến cải được phong tục trong nước”. Câu này vốn lấy từ chuyện nàng Mạnh Khương nước Tề khóc tế chồng chết trận làm thành lũy sụp mấy thước. Đây cũng là thông điệp thù oán chiến tranh, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Trung Hoa thời chiến quốc.
[11] Dẫn luận người Tráng là hậu duệ người Tây Âu Lạc xưa là của tác giả. Các thông tin về người Tráng lấy ở
[12] Các ngữ âm dẫn theo gợi ý của Phạm Chánh Trung – Trang web viethoc.org
[13] Văn ngọc: Từ những ngôi nhà hình thuyền,
[14] Dẫn theo Dien A. Rice: “Minangkabau Life and Culture”,
[15] Phục Hy là một nhân vật cổ tích rất phức tạp. Các yếu tố của văn minh Thần Nông và Hoa Hạ đan xen, chồng chéo và hòa lẫn vào nhau tạo nên Phục Hy. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết cụ thể này, giải mã hình tượng Phục Hy sẽ khiến mạch văn đứt gãy. Xin hẹn bạn đọc cơ hội khác.
[16] Tạm dịch: Không phải lo thân mình bị tai ương. Chỉ lo nước non khuynh đảo, tiêu tán công lao tiền nhân.
[17] Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nguyễn Tài Cẩn, NXB KHXH 1979.
[18] Thể lục bát biến thức, trích trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm, Trung tâm học liệu – Bộ giáo dục 1968, trang 9.
[19] Trường hợp này rất giống việc Ki Tô giáo chọn ngày Đông Chí làm Giáng Sinh. Đông Chí vốn là một lễ nghi cổ đại rất quan trọng của tất cả các nền văn minh ở bắc bán cầu. Người ta hay khẩn cầu mặt trời (đang nằm dưới bán cầu nam) trở lại, đem nắng ấm cho nhân sinh và mùa màng. Theo Lễ Ký, buổi tế Nam Giao lớn nhất của văn minh Trung Hoa phải được cử hành hằng năm vào ngày Đông Chí. Với lịch Julian, Đông Chí là 25 tháng 12. Khi lịch Gregorio thay thế lịch Julian thiếu chính xác, Đông Chí trở về ngày 21 tháng 12, Giáng Sinh vẫn được giữ nguyên là 25 tháng 12 như thói quen cũ.
[20] Nguyễn Hữu Liêm, Cái âm điệu tủi thân bi đát, talawas.org, 2003.
[21] Theo “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918” – Dương Kinh Quốc – NXB Giáo Dục 1999.