Hội nghị khoa học:
Biên soạn Lịch sử tư tưởng Việt Nam
Hà Nội, 1984
---- o0o ----
VỀ NHỮNG DÒNG TƯ TƯỞNG CƠ BẢN
ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ HÌNH THÀNH NỀN VĂN HÓA VIỆT
Minh Chi
Khi bàn về những giòng tư tưởng cơ bản hình thành nên nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam ngày nay, người ta thường chú ý vào những bộ phận cấu thành sau đây: giòng tư tưởng bản địa, tư tưởng Phật, Nho, Lão, các giòng tư tưởng của phương Tây du nhập vào nước ta, trong thời cận và hiện đại, và đặc biệt, từ cuộc cách mạng tháng Tám, tư tưởng Mác-Lênin. Trong bài phát biểu ngắn này, và nhất là với kiến thức hạn chế của mình, tôi không dám phát biểu bao quát tất cả mọi giòng tư tưởng nói trên, mà thứ nhất, nêu ra một số vấn đề về phương pháp luận, và thứ hai, nói lên nhận thức của mình về vai trò của giòng tư tưởng Phật giáo, mà tôi có am hiểu đôi chút.
Vài ý kiến về phương pháp luận
Trí nhớ của dân tộc cũng như trí nhớ của cá nhân vậy, nó ghi nhớ một cách dễ dàng hơn những gì là tích cực, tốt đẹp, có ích thiết thực đối với sự sinh tồn và phát triển của bản thân nó. Còn những gì là tiêu cực, ác xấu, có hại đối với sự tồn tại và phát triển của nó, thì nó chóng quên, hoặc chỉ nhớ một cách mơ màng, nhớ trong chừng mực để tự răn đe, để cảnh giác.
Hơn nữa, dân tộc ta chỉ nhớ rõ những gì nó hấp thụ được, những gì mà nó đã biến được thành bản thân nó, thành ra sở hữu thật sự của nó, chứ không phải là vay mượn. Vì vậy, trên trực tế rất khó phân biệt giòng tư tưởng bản địa thuần túy với các giòng tư tưởng du nhập, như Phật, Lão, phương Tây v.v...Bởi vì những giòng tư tưởng này muốn cắm rễ sâu, dựng gốc bền tại Việt Nam đều phải Việt Nam hóa, phải biến thành thực sự của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Chân lý là con đẻ của thời gian. Chiều dài thời gian của lịch sử nước ta khá đủ để thử thách cái tích cực, gặn lọc cái tiêu cực trong các giòng tư tưởng du nhập. Nếu biết nhìn và phân tích, đồng thời phải giữ đúng thái độ khách quan, khoa học, gạt bỏ mọi định kiến, thì vấn đề đặt ra, vấn đề nhận diện những giòng tư tưởng chủ đạo, ảnh hưởng tới sự hình thành nền văn hóa Việt Nam, vấn đề đó sẽ được giải quyết tốt đẹp. Và công tác viết bộ sử "Lịch sử tư tưởng Việt Nam" sẽ được hoàn thành viên mãn.
Tất nhiên, có một số công việc bước đầu nên làm và chúng ta có thể làm được. Đối với mỗi hệ tư tưởng quan trọng, nên tổ chức các bản báo cáo giới thiệu những chủ thuyết cơ bản, lịch sử phát sinh và triển triển của hệ tư tưởng đó, lịch sử du nhập của hệ tư tưởng đó vào nước ta. Các bản báo cáo đó, được bổ xung và sửa chữa thích đáng và sẽ trở thành các chương của bộ sách của chúng ta.
Vài ý kiến sơ khởi đối với vai trò của tư tưởng hệ Phật giáo
Phật giáo đã tồn tại ở nước ta hơn 18 thế kỷ, một chiều dài thời gian khá đủ để dân tộc ta khẳng định và gạn lọc, khẳng định những gì tích cực và hay đẹp, gặn lọc những gì không hợp. Một chiều dài thời gian khá đủ để cho đạo Phật, dù là truyền từ Ấn Độ hay từ Trung Hoa sang, được bản địa hóa, Việt Nam hóa, để cho những giá trị tinh hoa của đạo Phật biến thành sở hữu thật sự của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, quá trình bản địa hóa của đạo Phật ở Việt Nam là một tất yếu lịch sử, vì xét cho cùng, không bản địa hóa có nghĩa là không vào được bản địa, và chóng hay chầy sẽ bị đào thải. Nhưng bản địa hóa tới mức đạo Phật mất hết bản sắc, mọi tư tưởng, cơ bản nhất của đạo đều bị phủ định thì đó cũng là một sự đào thải, nhưng theo một kiểu khác.
Cho nên quá trình đạo Phật du nhập vào bất cứ một quốc gia hay một dân tộc nào (vào nước ta cũng vậy) là một quá trình mâu thuẫn và biện chứng, diễn biến qua sự đấu tranh của hai xu hướng: xu hướng bản địa hóa, và xu hướng bảo vệ những gì là tinh hoa cốt lõi của đạo.
Trong trường hợp đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ hơn 18 thể kỷ, có những thời kỳ đặc biệt là thời kỳ mới du nhập (cho tới cuộc khởi nghĩa của Lý Bí) và các thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần, hai xu hướng dân tộc hóa và bảo vệ tinh hoa của đạo lại hình như phát triển theo cùng một chiều, hổ trợ nhau cùng phát triển thay vì đối kháng nhau. Ngay trong những thời kỳ khác, mâu thuẫn đối kháng có diễn ra thì mặt đối lập cũng không phải là dân tộc mà là bọn Nho gia, tạm thời lũng đoạn được triều đình và ra sức bài xích đạo Phật.
Có nhiều dữ kiện lịch sử cho thấy đạo Phật đầu tiên du nhập vào Việt Nam, bằng đường bộ hoặc đường biển từ Ấn Độ sang. Lúc bấy giờ, nước ta có tên là Giao Chỉ hay là Giao Châu và là một quận huyện Bắc thuộc. Đạo Phật truyền sang Giao Chỉ trước, rồi từ đó truyền sang miền Nam Trung Hoa. Sử liệu đáng tin cậy và thường được dẫn chứng là một đoạn văn trong cuốn "Thiền Uyển Tập Anh", trích lời một pháp sư Trung Hoa là Đàm Thiên đời nhà Tùy thừa nhận là đạo Phật đã từ Ấn Độ, truyền trực tiếp sang Giao Châu và đã hưng thịnh ở đây trong khi đạo Phật tại miền Giang Nam Trung Hoa chưa có gì. Một sử liệu khác kể tên những vị sư Ấn Độ và Trung Á, làm công tác truyền bá đạo Phật tại Giao Châu, và họ đều đi đường bộ từ Ấn Độ sang Giao Châu, ngang qua Phù Nam tức Campuchia hiện nay. Nhưng trước các vị Tăng sĩ Ấn Độ, chắc chắn là đã có nhiều thương nhân Ấn Độ qua Việt Nam buôn bán và có thể ở lại đây lâu ngày. Họ đều tín ngưỡng đạo Phật, và người dân Việt Nam tiếp xúc với họ cũng dần dần chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Phật giáo.
Các chủ thuyết cơ bản của Phật giáo như khổ, vô thường, vô ngã, ảnh hưởng như thế nào tới các tầng lớp dân chúng Việt Nam thời bấy giờ?
Ba tư tưởng cơ bản của đạo Phật thường được gọi là ba pháp ấn là khổ, vô thường và vô ngã. Thời kỳ đạo Phật du nhập vào Việt Nam là thời kỳ nước ta còn bị Trung Hoa đô hộ (nhà Hán). Dân ta sống dưới ách đô hộ áp bức và bóc lột của phong kiến Trung Hoa có một thức sâu sắc, cụ thể về nỗi khổ của một dân tộc, một quốc gia mất quyền độc lập, bị làm nô lệ, đạo lý khổ của đạo Phật vì vậy rất dễ được nhân dân ta chấp nhận. Tất nhiên người dân Việt Nam bình thường cảm nhận dễ dàng cái khổ cụ thể, hiện tiền của người dân bị áp bức. Đó là điều mà kinh sách Phật gọi là khổ khổ. Còn những hình thước khổ vi tế hơn, như hoại khổ, hành khổ thì phải là người có học và từng trải mới cảm nhận được. Hoại khổ là nỗi khổ đối với hạnh phúc và niềm vui chóng tàn. Hành khổ là nỗi khổ cảm hoài trước sự vật biến thiên, đổi thay không ngừng.
Trong thời kỳ đạo Phật mới du nhập vào Việt Nam, tức là vào thời kỳ đầu công nguyên, đạo lý vô thường của Phật giáo có tác dụng tích cực là gây được trong các từng lớp nhân dân đông đảo niềm tin thời kỳ đô hộ không thể nào kéo dài, dân tộc Việt Nam sẽ có ngày được giải phóng và sống độc lậ tự do. Có thể là các vị Thiền sư Việt Nam, thời bấy giờ, trong các buổi thuyết pháp và giảng dạy đã biết nhen nhúm trong dân chúng niềm tin và tư tưởng lạc quan đó. Hơn nữa, đạo Phật với tư cách là một hệ tư tưởng không phải là tư tưởng từ Trung Hoa sang, mà là từ Ấn Độ truyền vào ngang qua thương nhân và Tăng sĩ truyền giáo Ấn Độ rất dễ dàng được dân Việt Nam chấp nhận và hoan nghênh. Đó cũng là phương thuốc tốt đối trị bệnh tư tưởng đại Hán, du nhập vào nước ta cùng với quân đội xâm lược và khổng giáo. Các Thiền sư Việt Nam đã gián tiếp giảng dạy rằng, Trung Hoa không phải là nước đứng giữa trời đất, Ấn Độ mới thật là nước đứng giữa, có vị trí trung hòa, vì vậy mà Phật sinh ra ở đấy (Mâu Bác: Lý Hoặc Luận). Sách Khổng Mạnh không phải là sách Thánh, cũng có những điều nói sai, đặc biệt là câu của Khổng Tử đề cao dân tộc Trung Hoa là văn minh còn các dân tộc khác đều là man di mọi rợ v.v...
Pháp Ấn thứ ba của đạo Phật, lý vô ngã, là viên đá tảng, là cơ sở của toàn bộ nền đạo đức học và triết học Phật giáo. Vô ngã là không có cái Ta. Kinh sách Phật dạy rằng con người thực ra chỉ là do năm uẩn tạm thời hòa hợp mà thành, chứ không có linh hồn hay một cái Ta nào thường tại. Năm uẩn tức là sắc (phần vật chất), thọ (cảm xúc, cảm thọ), tưởng (tri giác, suy tưởng), hành (ý muốn, dụng tâm) và thức (trí phân biệt). Ở đây, chúng ta không đi sâu vào mặt triết học của thuyết vô ngã. Chúng ta chú ý tới ý nghĩa của nó đối với đạo đức và hành động của con người. Vô ngã là không có cái ta, sở hữu của Ta. Mà cái Ta chính là trở ngại lớn nhất cho những hành động hy sinh và dũng cảm vì xã hội, vì dân tộc và lý tưởng. Chính đức tính hy sinh cao cả đó là rất cần thiết trong thời kỳ cách mạng, đánh đuổi bọn đô hộ Bắc phương và xây dựng nền độc lập của tổ quốc . Hơn nữa, những sống theo nếp sống vô ngã, tức là không cá nhân, vị kỷ sẽ rất dễ đoàn kết một lòng, cùng nhau hợp tác để phụng sự lý trởng giải phóng dân tộc và quốc gia. Vừa có đức tính hy sinh, dũng mãnh, vừa đoàn kết một lòng, nhân dân Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện quan để kết thúc nghìn năm Bắc thuộc, với trận chiến thắng Bạch Đằng giang lừng lẫy của Ngô Quyền.
Vì sao trong buổi đầu dựng nước, Đinh Tiên Hoàng đã mời ngay Thiền sư Ngô Chân Lưu làm quốc sư, và ban cho mỹ hiệu Khuông Việt Đại Sư, nghĩa là làm khuông phép, mẫu mực cho nước Việt. Phải chăng Ngô Chân Lưu thuộc dòng dõi Ngô vương, tức Ngô Quyền, phải chăng Thiền sư là người có đủ tài đức? Đúng là có những lý do như vậy, nhưng còn một lý do nữa là vua Đinh Tiên Hoàng, khi lựa chọn quốc sư Khuông Việt, muốn khẳng định vai trò tích cực của Phật giáo, của các thiền sư, của tăng Ni Phật tử Việt Nam trong phong trào giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp thần thánh đánh đuổi bọn xâm lược Bắc phương đặt nền móng lâu dài cho một nước Việt Nam độc lập, tự do và hùng cường.
Trí nhớ của dân tộc thường thông qua việc làm của những lãnh tụ chân chính của họ mà được thực hiện. Sử liệu cho biết Lý Bí đã cho xây dựng chùa Khai Quốc nay là chùa Trấn Quốc, trên bờ hồ Tây, cạnh đường Thanh Niên bây giờ. Xây dựng nước Vạn Xuân đồng thời với xây dựng chùa và đặt tên chùa là Khai Quốc tức là dựng nước, phải chăng Lý Bí cùng với dân tộc Việt Nam đã nhớ lại công lao của hệ tư tưởng Phật giáo trong cuộc vận động độc lập tự chủ kéo dài nhiều thế kỷ, phải chăng Lý Bí muốn khẳng định vai trò cách mạng của hệ tư tưởng Phật giáo có khả năng đối trị hệ tư tưởng Đại Hán, đã làm ô nhiễm một phần đầu óc của số ít từng lớp thơ lại và nha lại, tay sai trung thành của ngoại bang lúc bấy giờ.
Lê Đại Hành cũng đã nhớ công lao của đạo Phật trong sự nghiệp giải phóng đất nước và đặt niềm tin vào đạo Phật khi yêu cầu hai Thiền sư là Khuông Việt và Pháp Thuận đón tiếp sứ giả Tống là Lý Giác và trong mỗi việc chính sự quan trọng, kể cả việc quân, vua Lê đều tham vấn hai Thiền sư.
Lý Công Uẩn mới dời đô về Thăng Long đã vội cho xây dựng 8 ngôi chùa tuy rằng Hoàng cung chưa xây dựng và Thái miếu chưa lập. Vua Lý đã nhớ gì khi có hành vi như vậy, và hành vi đó đã từng bị một sử gia Việt Nam, nặng đầu óc Nho gia phê bình. Phải chăng Lý Công Uẩn đã nhớ sư Khánh Vân đã nuôi nấng mình từ nhỏ, và sư Vạn Hạnh đã đào tạo mình nên người, thành ông vua Phật tử đầu tiên cho nước Đại Việt.
Theo tôi, một đặc sắc của Phật giáo Việt Nam là nó hòa mình vào dân tộc, như cá với nước, cây với đất. Cảnh chùa chợ, chùa làng thật là gần gũi với người Việt Nam. Tiếng chuông chùa sớm, mõ chiều nghe rất quen tai, ấm lòng đến nỗi một nhạc sĩ Công Giáo như Nguyễn Xuân Khoát cũng viết được bài "Nhật ký chuông mõ" để ca ngợi tính nhạc dân tộc của chuông mõ! "Đất vua chùa làng, phong cảnh Bụt" một câu đối xứng ba vế, nhưng hai vế đã thuộc về Phật giáo rồi.
Trong số gần 50 nhà thơ, nhà văn được kể trên, đăng bài trong "Tổng tập Văn học Việt Nam" quyển I, thì đã có hơn 40 người là nhà sư rồi. Tuy dưới đời Trần Phật giáo không được chính thức thừa nhận là quốc giáo, nhưng hệ tư tưởng Phật giáo mặc nhiên là tư tưởng chủ đạo, và chắc là đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giữ nước và dựng nước lúc bấy giờ.
Tháng 4/1984
Nguồn: Tham luận tại Hội nghị của Việt Triết Học thuộc Ủy Ban Khoa Học Xã hội Việt Nam, bàn về vấn đề biên soạn cuốn Lịch Sử tư tưởng Việt Nam. Họp cuối tháng 5-1984 tại Hà Nội. Bản điện tử: http://www.vanhoahoc.edu.vn