Home » » Trạng Trình

Trạng Trình

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012 | 22:00

Trạng Trình

Trạng Trình - đó là tên người đời vẫn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm vì ông đỗ trạng nguyên sau đựơc phong đến tước Trình Quốc Công.

Ông người làng Trung An, huyện Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Văn Đình, thân mẫu là bà Từ Thục, con gái quan Hộ bộ thượng thư Nhữ Văn Lân. Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491) đời vua Lê Thánh Tông, mặt mũi khôi ngô, tư cách khác người. Một tuổi Khiêm đã nói sõi, lên năm tuổi, bà Từ Thục dạy cho kinh sách, truyền miệng cho thơ chữ nôm, Khiêm học đâu nhớ đấy không quên chữ nào. Lớn lên, có ông bảng nhãn Lương Đắc Bằng mở trưởng dạy học ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Học trò bốn phương đến học đông lắm. Bố mẹ liền cho Nguyễn Bỉnh Khiêm vào theo học. Khiêm đã sáng dạ thông minh lại nết na chăm chỉ nên được thầy rất khen.

Bấy giờ, vua Lê Thánh Tông đã mất (1497). Trải qua các đời vua Hiến Tông, Túc Tông đến Lê Uy Mục thì nhà Lê đã suy đồi quá lắm. Uy Mục thì ngày bắt quân lính đánh giết lẫn nhau làm trò giải trí, đêm thì rượu chè tuý luý, chém người hầu rượu để mua vui. Sứ Minh sang đã làm thơ gọi Uy Mục là “ Vua quỷ”. Uy Mục còn bắt dân phu binh lính xây cung điện nguy nga, vơ vét khiến cho trăm họ điêu đứng, kẻ trung thần thì bực tức. Lương Đắc Bằng đã có lần bảo Khiêm:

- Nhà vua yêu thương kẻ ngoại thích để cho bọn xu nịnh tung hoành, xa rời người ngay thẳng làm cho kẻ cương trực bỏ trốn; tước đã hết sạch mà muốn ban thưởng nữa chưa thôi, dân dã khốn cùng mà muốn vơ vét thêm chưa thỏa; thuế má thu nhặt từng cái tơ cái tóc, tiền bạc thì phung phí như đất như bùn; đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác; bạo ngược như thế sao giữ được ngôi báu!

Quả nhiên, Uy Mục làm vua chưa đầy hai năm, các công thần cũ của nhà Lê từ Thanh Hoá đã đem quân ra kinh giết chết. Lương Đắc Bằng cũng khởi binh trong chuyến ấy. Lê Tương Dực được tôn lên nối ngôi. Chẳng ngờ, Tương Dực với Uy Mục cũng một phường bạo chúa như nhau. Làm vua chưa đầy một năm, Lương Đắc Bằng đang làm quan Lại bộ Tả thị lang đã phải dâng “ m ười bốn cách bình ổn đất nước” (Trị bình thập tứ sách) can Tương Dực chớ phung phí của công đổ tiền vào xây Đại Điện bắt dân chúng phải sưu cao thuế nặng phục dịch khiến cho trăm quan lớn nhỏ đua nhau vơ vét, ngang nhiên tham nhũng. Tương Dực không nghe. Được vài năm, Tương Dực bị triều thần giết nốt. Từ bấy giờ, quan lại trong triều chia bè phái mưu tính việc phế lập vua, đem quân đánh lẫn nhau. Dân chúng cùng cực không biết thế nào nói hết được.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là người giỏi xét đoán việc đời, thấy bốn biển đắm chìm trong cơn ly loạn thì đau lòng thương cho dân cho nước. Lương Đắc Bằng mất. Ông thay thầy trông nom con thầy là Lương Hữu Khánh và tiếp tục việc truyền dạy học trò, chứ nhất định không chịu ra thi làm quan, mưu “đục nước béo cò” như người khác. Đầu năm Quý Mùi (1523), bọn Trịnh Tuy ở Thanh Hóa chống nhau với Mạc Đăng Dung ngoài Bắc. Hai bên đều có ý đem vua Lê Chiêu Tông ra làm mộc để đánh nhau. Bỉnh Khiêm giận lắm bảo đám học trò:

- Bọn ta sinh ra phải thời loạn lạc. Núi xương sông máu trăm họ đã đầy khắp, thế mà nhiều người vẫn muốn mượn gió bẻ măng, giao tranh hỗn chiến mãi chưa thôi. Giận thay!

Năm Đinh Hợi (1527), sau khi diệt trừ xong các phe phái không ăn cánh, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lập ra nhà Mạc. Việc nước tạm ổn được ít lâu. Triều đình mở khoa thi kén nhân tài. Bạn bè đều khuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ra ứng thí đem tài học giúp ích cho dân nước. Trông chừng thế sự vẫn suy đồi, triều thần đầy rẫy lũ tham ô quan lại nên ông lưỡng lự chưa nghe. Sau vì cha mẹ già muốn con để tiếng với đời, ông không đành lòng trái ý, miễn cưỡng lều chõng lên đường. Năm Canh Dần (1530), đời Mạc Đăng Doanh, ông thi hương đậu giải nguyên. Năm sau, ông đi thi hội, vào đến kỳ đại tam thì được tin mẹ ốm bèn bỏ thi cáo về. Năm năm sau đến khoa Ất Mùi (1535), ông mới lại vào thi hội đỗ hội nguyên, thi đình đỗ trạng nguyên. Bấy giờ ông đã bốn mươi tư tuổi. Vua Mạc trọng ông lắm bổ ngay làm Hình bộ tả thị lang sau đổi sang Lại bộ tả thị lang kiêm Đông các đại học sĩ. Làm quan ở triều được tám năm, đến đời Mạc Phúc Hải, thấy đại thần lắm kẻ lộng quyền, rông cỡ đục khoét, ông bèn dâng sớ xin chém mười tám lộng thần đều là những kẻ quyền quý cả. Vua Mạc không nghe. Ông trả lại mũ áo, cáo quan về làng mở trường dạy học.

Ông dựng một cái am con bên hồ đặt tên là am Bạch Vân và lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Ông cho bắc hai cầu gỗ làm chỗ chơi mát gọi là cầu Nghênh Phong và cầu Trường Xuân. Lại lập một quán bên bờ sông Tuyết Giang đặt tên là quán Trung Tân, dựng bia nói rõ ý mình.

Ông vốn là người tha thiết với việc dân việc nước. Hiềm vì nỗi triều đình đổ nát, trăm quan hư hỏng, ông không muốn đem thân vào chốn đua chen nịnh hót, dấn mình vào đám bùn nhơ ô uế. Bởi thế, tuy buộc lòng phải xa lánh công danh về ẩn dật, ông vẫn đem hết tài trí truyền cho đám học trò, ngầm mong họ sẽ thay ông ra giúp đời cứu nước. Nhiều học trò danh tiếng của ông như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử sau này quả đã nối được chí thầy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm về chí sĩ. Vua Mạc tiếc lắm, nhiều lần cố vời. Nhưng thấy trong nước lắm bè đảng xâu xé tranh quyền gây nạn đao binh tàn hại muôn dân, ông nhất định không ra. Nghĩ giận lũ quyền quý ấy chỉ nghĩ đến lợi riêng mà gây họa cho thiên hạ, ông ngụ ý vào bài thơ Ghét chuột để bày tỏ lòng mình:

Sao dám khinh mạng dân,

Phá hoại thật tàn khố,

Rình mò dưới lỗ hang.

Thần dân đều căm tức.

Quấy nhiễu mất lòng người,

Tất bị người xé xác.

Thây phơi khắp thị thành,

Thịt quạ diều rỉa bóc
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved