Nguyễn Khắc Đức
Trong một cuộc hỏi cung, vốn rất thèm thuốc lá mà Đ lại quen hút thuốc lá ngon, nên khi đồng chí Ba Gừng, cán bộ của Công an Minh Hải đưa gói thuốc lá cho Đ hút, còn ông lại lấy trong túi một gói thuốc rê ra quấn hút, Đ rất cảm động. Từ đó, anh không còn mặc cảm và tự hại mình nữa. Đ chấp nhận khai báo và tự nguyện làm việc cho ta.
Để thực hiện mục tiêu đó, kế hoạch của chúng được chia ra làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 1977 đến năm 1980: Nhiệm vụ của giai đoạn này là móc nối tìm quan thầy để tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ về tài chính, phương tiện, vũ khí, xây dựng căn cứ, tuyển mộ và tổ chức huấn luyện để xây dựng và phát triển lực lượng. Đồng thời tìm cách móc nối với các tổ chức, đảng phái phản động trong nước để bàn kế hoạch phối hợp hành động.
Giai đoạn 2: Từ năm 1980 đến năm 1984. Đây là giai đoạn chủ yếu nhằm tổ chức xâm nhập người, vũ khí và phương tiện về trong nước, xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng trong nước, tiến hành các hoạt động phá hoại, tổ chức chiến tranh du kích.
Giai đoạn 3: Bắt đầu từ năm 1985. Nhiệm vụ của giai đoạn này là tiến hành các hoạt động vũ trang, cướp chính quyền ở từng vùng, chủ yếu là các vùng núi, vùng biển. với phương châm lấy “nông thôn bao vây thành thị” kích động quần chúng nổi dậy, tổ chức thành lập chính phủ, dùng đài phát thanh tranh thủ dư luận quốc tế và kêu gọi các nước giúp đỡ… để tiến tới chiến tranh giành chính quyền trong cả nước.
Trên thực tế Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cùng một số tay chân đắc lực đã phần nào thực hiện được giai đoạn 1. Túy đã “móc” liên lạc với các viên chức tình báo một vài nước lớn và nhận được sự hậu thuẫn nhất định. Với sự trợ giúp của lực lượng tình báo quân đội một nước trong khu vực Đông Nam Á Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đã lập được “Tổng hành dinh” ở thủ đô và xây dựng một căn cứ huấn luyện tại nước này. Trong các năm 1981, 1982 đồng thời với việc huấn luyện, chúng ráo riết thực hiện các chuyến đưa người xâm nhập về nước để xây dựng cơ sở, căn cứ.
Trong kế hoạch của chúng, dựa vào sự thỏa thuận từ năm 1975 với các tổ chức, đảng phái phản động lợi dụng đạo Cao Đài, Hòa Hảo… Lê Quốc Túy có ý đồ tổ chức đưa người và vũ khí về trang bị cho những tổ chức đó. Kế hoạch của Túy, triển khai thành lập 3 “quân khu”: “quân khu” A (miền Tây), “quân khu B” (miền Đông), “quân khu” Sài Gòn – Gia Định và một “Liên tỉnh xứ”, đồng thời phát triển các tổ chức phản cách mạng, nắm nhân sĩ, chuẩn bị lực lượng chính trị, hình thành bộ máy chính quyền, chờ thời cơ nổi dậy cướp chính quyền một số nơi, tiến tới giành chính quyền trong cả nước.
“Tương kế tựu kế”, trên cơ sở kế hoạch của địch, ta đã thành lập “quân khu A” với căn cứ ở Minh Hải và “quân khu Sài Gòn – Gia Định”. Còn việc triển khai thành lập “quân khu B” được “triển khai” sau chuyến xâm nhập 9/9/1981 của địch. Tất nhiên, cũng như “quân khu A”, “quân khu B” chỉ là giả. Địa bàn “quân khu B” và các hoạt động của các toán này được ta tính toán kỹ để đối phó với địch, làm cho chúng tin tưởng.
Thông qua CM-12, ta phát hiện được âm mưu của địch là muốn xây dựng một căn cứ mật ở vùng Đồng Nai – Bà Rịa. Thời kỳ đó, tỉnh Đồng Nai còn gồm cả Bà Rịa -Vũng Tàu, nghĩa là có cả bờ biển. Ý đồ của Túy là muốn thiết lập một “bãi đổ” cho các chuyến xâm nhập ở vùng biển này. Không những thế, Túy còn muốn mở rộng ra cả miền Trung để đổ quân, vũ khí cho “Liên tỉnh xứ”. Lê Quốc Túy còn có kế hoạch đưa T.N.M (K18), một trong những “Kinh Kha” lớp đầu tiên “Minh Vương 1” vốn là một sĩ quan quân đội Sài Gòn, về “quân khu B” hoạt động, sau đó sẽ đưa M lên vị trí chỉ huy các lực lượng quân sự của Túy -Hạnh ở trong nước.
Trong Kế hoạch ĐN-10, ta sử dụng toán “6 cán bộ thành” xâm nhập ngày 9/9/1981, tức là chuyến xâm nhập đầu tiên của địch theo kế hoạch của ta. Toán này do T.Đ (K55) làm toán trưởng và T.H.M.(K66) làm hiệu thính viên. Lê Quốc Túy rất tin tưởng K55. Đây là một thanh niên khá lanh lợi nhưng cũng có cá tính mạnh. Sau khi mới bị bắt, lúc đầu K55 rất “cứng đầu”, không chịu khai báo và quyết định tự tử. Nhưng cán bộ, chiến sĩ công an trại Cây Gừa kịp thời phát hiện và cứu sống anh ta. Sau khi được bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, Đ đã thực sự cảm động trước tấm lòng của những cán bộ công an chăm sóc cho mình. Trong một cuộc hỏi cung, vốn rất thèm thuốc lá mà Đ lại quen hút thuốc lá ngon, nên khi đồng chí Ba Gừng, cán bộ của Công an Minh Hải đưa gói thuốc lá cho Đ hút, còn ông lại lấy trong túi một gói thuốc rê ra quấn hút, Đ rất cảm động. Từ đó, anh không còn mặc cảm và tự hại mình nữa. Đ chấp nhận khai báo và tự nguyện làm việc cho ta.
Theo sự phân công của lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Tổ An ninh K4/2, đồng chí Lê Tiền phụ trách công tác đấu tranh với các chuyên án trong nội địa và Kế hoạch ĐN-10. Tham gia công tác quan trọng này có đồng chí Nguyễn Khánh Toàn và một số cán bộ từ công an các tỉnh được điều động về như đồng chí Nguyễn Đông Phương (Sáu Phương, nguyên là Phó giám đốc Công an tỉnh Sông Bé trước đây, nay là Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch Bình Phước). Công an Đồng Nai cũng cử một số cán bộ an ninh giỏi, tham gia Kế hoạch ĐN-10. Tuy được phân công chuyên trách các mảng như vậy, nhưng trên thực tế, mỗi khi có các chuyến xâm nhập, các đồng chí Lê Tiền, Nguyễn Khánh Toàn… cũng trực tiếp tham gia chỉ đạo hoặc các công tác đón bắt.
Thực hiện Kế hoạch ĐN-10 nhằm khống chế việc mở rộng phạm vi hoạt động của địch, ta chọn một địa điểm thích hợp ở Xuyên Mộc, Đồng Nai. Ban chỉ đạo Kế hoạch chọn 4 cán bộ trinh sát có kinh nghiệm vào các vai “phụ việc” cho toán K55
Mặt khác, thông qua đường liên lạc của CM-12 với “Tổng hành dinh”, ta đã khéo léo buộc địch phải đưa quân và vũ khí xâm nhập ở Cà Mau để có thể kiểm soát cho chắc và đỡ vất vả. Mặt khác, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, ban chỉ đạo Kế hoạch ĐN-10 chuẩn bị chu đáo, cho bộ phận điện đài của “quân khu B” lên máy liên lạc với trung tâm. Ngày 16/8/1982, ta tổ chức phiên liên lạc đầu tiên của điện đài ĐN-10. Chúng ta cho K66 lên máy theo quy ước đã được “Tổng hành dinh” trao cho toán K55. Trong phiên liên lạc này, ta cho đài ĐN-10 gửi một bức điện cho trung tâm dưới danh nghĩa K55. Nội dung như sau:
“K55 kính trình, HK132 an toàn đang thiết lập căn cứ và phát triển lực lượng. Điều kiện lên máy khó khăn. Hẹn 20 giờ 15 phút ngày 25/8 liên lạc lại. Nếu không gặp sẽ lên máy vào 21 giờ ngày 28”.
Trung tâm gửi một bức điện thông báo là từ nay điện đài ĐN-10 liên lạc với “Tổng đài” theo quy ước “đã gửi cho K66”.
Phiên liên lạc đầu tiên của ĐN-10 thành công. Trung tâm địch không hề nghi ngờ gì cả. Hơn thế, Túy – Hạnh lại còn tỏ ra đắc thắng vì đã mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển được thêm lực lượng. Như vậy là cùng một lúc ta duy trì hai điện đài liên lạc với “Tổng hành dinh” của địch ở nước ngoài. Kế hoạch CM-12 được phát triển. Tuy nhiên, để làm cho bọn Túy – Hạnh hiểu được là hoạt động bí mật ở vùng Đồng Nai – Bà Rịa không dễ dàng nên ngay trong phiên liên lạc đầu tiên ta đã cho biết tình thế khó khăn của ĐN-10 và báo cho trung tâm biết là điện đài của toán K55 chỉ nên liên lạc với trung tâm sau 10 ngày nữa.
Đúng ngày 25/8/1982, theo hẹn, ta cho đài ĐN-10 lên máy bắt liên lạc với trung tâm địch. Cũng vẫn với giọng điệu là đang gặp khó khăn, nên ta cho K55 báo cáo với “Tổng hành dinh” như sau:
“Hiện nay Cộng sản kiểm soát gắt để bảo vệ lễ 2/9 nên chưa gặp được các tổ để nhận tin. Đang thiếu tài chánh, số đã cấp chưa dám xài vì sợ lộ. Do thiếu tiền và phương tiện nên hoạt động rất hạn chế. Hẹn 20 giờ ngày 6-9 liên lạc lại”.
Trong phiên liên lạc này, trung tâm địch gửi một bức điện cho toán K55 có nội dung:
“Khoảng giữa tháng 9 có 15K vào do K55 di chuyển, có K14. K14 hoàn toàn thuộc hệ thống hành chánh vận chuyển và truyền tin của toán K55. Trong giai đoạn này K14 chỉ được bổ nhiệm một số việc quân sự của tỉnh Biên Hòa – Xuân Lộc. Phải cố gắng nghiên cứu dùng đường thủy chuyên chở hàng hóa với K64. Phải điều nghiên đường biển từ K64 tới Xuyên Mộc dùng ghe loại 5 hoặc 6 tấn để chuyển hàng khi biển yên. Theo dõi lộ trình của tàu vận tải Liên Xô trên sông Đồng Nai từ Vũng Tàu vào Sài Gòn, dùng B40 bắn chìm để làm gián đoạn dòng sông. Một số mục tiêu phá hoại dự định K55 phải ráng nghiên cứu để thực hiện trong đầu năm tới. Khi Đại đội HK132 có căn cứ an toàn phải tiếp vận chất nổ và vũ khí đầy đủ để tiến tới những mục tiêu đã ấn định”.
Qua bức điện này, chúng ta thấy bọn Túy – Hạnh đang rất muốn gây tiếng nổ để phô trương thanh thế. Chúng đặt hy vọng nhiều vào toán K55. Vì vậy cần phải tính toán cẩn thận về việc đối phó với địch trong Kế hoạch ĐN-10. Tổ An ninh K4/2 và Công an tỉnh Đồng Nai tích cực triển khai kế hoạch này.
Trong thời gian này, ta biết địch đang thúc giục các đối tượng trong nội địa khẩn trương triển khai kế hoạch hành động. Tuy nhiên, ta cũng đang thực hiện đối sách ngăn chặn và gây cho địch hiểu được những khó khăn để chúng chùn lại ý đồ phá hoại. Đặc biệt, thông qua CM-12 và các đầu mối khác, kể cả ĐN-10, một trong những mục tiêu trước mắt của ta là làm cho Túy – Hạnh từ bỏ việc sử dụng tiền giả.
Cũng như CM-12, “mật cứ” của ĐN-10 cũng chỉ là những mật cứ ảo mà ta dựng nên để cho Túy – Hạnh tưởng như thật. Những “kế hoạch phát triển lực lượng”, “xây dựng cơ sở” của toán K55, trong Kế hoạch ĐN-10 chỉ là đồ giả. Nhưng để làm cho địch tin là thật lại không phải dễ và phải thực hiện chu đáo, cẩn trọng, kín kẽ từng li từng tí.
Trong thời gian này, địch dự kiến sẽ đưa quân về tăng cường cho khu vực miền Đông. Ngày 6/9/1982, ta cho đài ĐN-10 lên máy và hỏi lại trung tâm về việc Lê Quốc Túy dự định đưa 15 tên nữa vào thì bố trí ở đâu? K14, tức B.S sẽ ở nơi nào là chính để “K55 lo sắp xếp trước và cần biết sớm thời gian vào để kịp phối hợp với K64 đón nhận”.
Nhưng sau đó, thông qua điện đài CM-12, địch báo cho “Tổ đặc biệt” là chiến dịch tới đến đầu năm 1983 mới thực hiện được. Chiến dịch này được dự kiến là thực hiện trong ba tháng liên tục. Trong phiên liên lạc ngày 21/9, trung tâm địch cũng thông báo cho ĐN-10 biết là chiến dịch xâm nhập tạm ngưng và chỉ thị là không nên xài “hàng đặc biệt” vào lúc này.
Như vậy là những động tác của ta nhằm ngăn chặn địch chỉ đạo sử dụng tiền giả đã có kết quả. Tuy nhiên, Lê Quốc Túy vẫn chỉ thị cho ĐN-10 tiếp tục nghiên cứu, nắm tình hình để tổ chức phá hoại ở khu vực miền Đông để “tiếp tay cho sự vận động ngoại giao của C4”. Lê Quốc Túy đang rất muốn có “sự biến” ở trong nước để chứng minh rằng lực lượng của y ở trong nước là có thật và đang hoạt động có hiệu quả, tiếp tục phô trương thanh thế, hòng kiếm thêm viện trợ và sự ủng hộ của các thế lực quan thầy. Mặt khác, y cũng muốn qua những hoạt động đó để lên mặt với các đối thủ cạnh tranh của chúng ở nước ngoài. Cùng thời gian này, Túy cũng chỉ thị cho CM-12 tiến hành phá hoại để gây tiếng vang và hỗ trợ cho hoạt động tuyên truyền, vận động của chúng ở bên ngoài.
Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12 quán triệt nguyên tắc là bảo vệ tuyệt đối an ninh, không để địch phá hoại. Ban chỉ đạo soạn thảo các bức điện gửi cho Lê Quốc Túy, tất nhiên là dưới danh nghĩa của K55 nêu những khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu của “Tổng hành dinh”. Mặt khác, trước sự thúc bách phá hoại của địch, ta cũng nghiên cứu các phương án gây ra một vài vụ nổ mà không ảnh hưởng đến an ninh nhưng giữ được niềm tin của bọn đầu sỏ đối với Kế hoạch CM-12 và Kế hoạch ĐN-10. Sau này ta thực hiện một vụ nổ phá hoại giả tạo tại ngoài hàng rào nhà máy nước ở Thủ Đức vào ban đêm. Sau đó, ta cho K55 báo cáo qua đài ĐN-10 và một số đầu mối phản động nội địa thông báo cho Túy biết. Lê Quốc Túy rất phấn khởi, tổ chức họp báo ở nước ngoài và điện khen toán K55.
Quá trình thực hiện Kế hoạch ĐN-10 đã tạo được niềm tin cho Túy – Hạnh và trên thực tế, ta đã tạo ra được một lối rẽ để thực hiện kế hoạch thu hút lực lượng của địch ở nước ngoài về. Quá trình thực hiện Kế hoạch ĐN-10 thể hiện sự sáng tạo và quyết đoán trong cách đánh địch của lực lượng An ninh Việt Nam, góp phần ngăn chặn không cho địch chuyển sang giai đoạn phá hoại mới…(còn tiếp)