Home » » Ý kiến tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp

Ý kiến tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012 | 23:36

Ý kiến tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp





Năm 2001, cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (*) do Phạm Xuân Nguyên sưu tầm và biên soạn được ấn hành. Đây là tập sách quý, tập hợp tương đối đầy đủ những ý kiến khác nhau, đối lập nhau chung quanh Nguyễn Huy Thiệp – một hiện tượng văn chương gây nhiều tranh cãi nhất kể từ sau 1975 đến nay. Đặc biệt, bài viết chừng 30 trang của hai tác giả Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Thị Bình ở cuối tập sách mang tính tổng thuật (trong bài viết này tôi tạm gọi là Tổng thuật) rất đáng được lưu tâm. Tôi xin bàn chỉ các ý kiến khen chê về chùm truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp được hai tác giả nói trên điểm lại, không quên kèm theo đánh giá của mình. Bởi vì giờ đây, sau 15 năm nhìn lại, chúng ta có đủ bình tâm để nhìn nhận một cách khách quan, khoa học hơn đối với hiện tượng văn chương khá phức tạp này.

Trong 3 truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, các ý kiến tranh luận hầu như không đả động gì tới chuyện đầu tiên: Kiếm sắc. Hai tác giả tập trung vào Vàng lửa và Phẩm tiết, cố nhiên có kèm theo chủ kiến của mình. Dễ thấy có những dẫn giải thiếu cứ liệu xác đáng, như: “ Cả 3 truyện Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết đều mượn lịch sử ở thời kì Gia Long với các nhân vật lịch sử (Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm…), cũng như các nhân vật hư cấu được khoác cho cái áo lịch sử (Phăng, cố đạo tây, Đặng Phú Lân, Vinh Hoa, Ngô Khải…) – tr.524”. Trong cả ba tác phẩm, hai cái tên Ngô Thì Nhậm và cố đạo tây (chắc nói tới giám mục Bá Đa Lộc) chỉ được nhắc tới, vì vậy không thể xem là các nhân vật trong truyện được. Trong cách trình bày, các tác giả đôi khi lại tự mâu thuẫn với chính mình. Chẳng hạn, sau khi phân tích ý kiến của Thùy Sương, các tác giả dẫn ý kiến của Nguyễn Hữu Sơn và Trịnh Bá Đĩnh và cho rằng “cũng có nhiều điểm gần với Thùy Sương”. Tuy nhiên, hai dẫn liệu lại có xu hướng trái ngược nhau, không thể xem là tương đồng gần gũi được. Thùy Sương cho rằng tác giả Vàng lửachỉ “mượn lịch sử… chứ không phải đánh giá lại Gia Long, Nguyễn Du và đặc điểm dân tộc.” Trong khi Nguyễn Hữu Sơn và Trịnh Bá Đĩnh lại quan niệm, Nguyễn Huy Thiệp không đề cao hay hạ thấp Gia Long và Nguyễn Du “mà chỉ là sự đánh giá lại cho đúng cả hai mặt tiến bộ và phản động” (tr.528).

Về hai bài viết của nhà sử học Tạ Ngọc Liễn, cái nhìn của các tác giả Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Thị Bình chưa thật sự khách quan. Bài đầu Về truyện ngắn “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp (Văn nghệ, 26/6/1988) hẳn nhiên còn nhiều hạn chế và nhầm lẫn, như xác định thể loại của Vàng lửa là “truyện kí danh nhân lịch sử”, hoặc đồng nhất nhân vật Phăng với chính tác giả truyện ngắn, nên nhận xét sau của các tác gỉa Tổng thuật là chính xác: “Ông (Tạ Ngọc Liễn) hoài công đi tìm những chứng cứ lịch sử đề phản bác lại Phăng và rốt cuộc rơi vào thói quy chụp chính trị rất tai hại” (tr.525). Tuy nhiên, trong bài viết được xem như là ngòi nổ của cuộc tranh luận sôi động thời ấy không hẳn chỉ toàn cái dở. Chính Tạ Ngọc Liễn là người đầu tiên phát hiện sai sót về tri thức lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp trong đoạn văn: “Ông thường kể cho con cháu nghe về những kỉ niệm quá khứ…, theo ông, thời kỳ ông ở Việt Nam mới là sự bắt đầu lịch sử của quốc gia người Việt; khi này biên giới phân định, chữ Latinh - chúng tôi lưu ý-phổ biến…”. Bài viết của Tạ Ngọc Liễn còn có nhiều nhận định sáng suốt như: “Cũng như Tướng về hưu,Kiếm sắc, kỹ thuật viết, sức khái quát, tính biểu tượng nhiều mặt của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp trong Vàng lửa khiến tôi có thể khẳng định: đây là một tài năng” (tr.170). Hay như quan niệm sau: “Người sáng tác văn học, dù viết một đề tài lịch sử nghiêm túc nhất vẫn có quyền hư cấu, nghĩa là thêm thắt những cái được tưởng tượng ra, không có trong thực tế lịch sử. Với độc giả, việc nhà văn hư cấu chuyện này, chuyện nọ không quan trọng. Điều người đọc quan tâm chủ yếu là qua hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật, họ muốn biết nhà văn nói gì, giải quyết vấn đề gì, những cái đó có phản ánh đúng bản chất lịch sử không?…” (tr.171). Đặc biệt, hai kết luận rút ra ở cuối bài viết ẩn chứa nhiều lý – tình:

“1. Viết lịch sử, không chỉ sử gia mà cả nhà văn cũng phải phục tùng sự thật, đúng bản chất lịch sử, không được làm cho diện mạo lịch sử méo mó đi.

2. Chúng ta có quyền vạch ra và phê phán những nhược điểm của dân tộc, song không được xúc phạm tới danh dự dân tộc mình…”.

Có thể nói những nguyên tắc thể hiện truyện lịch sử ấy được nhiều nhà văn tự giác thấm nhuần. Chúng tôi tán thành với nhà văn Bùi Hiển, một cây bút văn xuôi nổi tiếng : “Nguyễn Huy Thiệp… có khuynh hướng phủ định và nhiều khi muốn lật ngược vấn đề một cách vô lối đối với nhân vật lịch sử…Tôi nghĩ, đối với những nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhà văn chỉ được tái hiện hoặc hư cấu những chi tiết để giải thích nhân vật đó, chứ không được xuyên tạc họ” (tr.450).Ngay ý kiến của Tạ ngọc Liễn mà các tác giả Tổng luận dẫn ra để minh chứng cho “thói quy chụp chính trị rất tai hại” cũng được viết một cách khá thận trọng: “Tôi sẽ nói tới cái mà người đọc dễ hiểu lầm là ở đây Vàng lửa muốn ca ngợi Pháp có công khai hóa văn minh cho đất nước Việt Nam” (tr.525).

Tất cả những chứng lý có cơ sở ở bài đầu được bôc lộ rõ trong bài sau viết về Phẩm tiết của Tạ Ngọc Liễn. Đó là bài Về mối quan hệ giữa sử và văn (Báo Nhân dân, 28/8/1988). Tôi không thấy có gì phải băn khoăn khi Tạ Ngọc Liễn bàn về quyền hư cấu có giới hạn của nhà văn khi viết về đề tài lịch sử, xem đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Ông nhấn mạnh: “ Ngòi bút hư cấu của nhà văn không thể tuỳ tiện, phải có mức độ, đặc biệt khi viết về những sự kiện lịch sử quan trọng, những nhân vật có tầm vóc lớn, thân thế và sự nghiệp họ đã gắn liền với vận mệnh đất nước, số phận nhân dân” (tr.468). Điều đó có nghĩa là, nhà văn xử lý tư liệu thề nào để sử không lấn văn mà văn lại không hại sử. Soi vào Phẩm tiết, và trước đó là Vàng lửa, Tạ Ngọc Liễn viết: “… Nếu để bạn đọc có thể hiểu sai rằng bản chất văn hóa Việt Nam là đứa con do nền văn minh ngoại lai đẻ ra, Quang Trung là kẻ tàn ác, tham của, hám sắc một cách thấp hèn, và bảo đó là cách nhìn nhận lịch sử mới mẻ thì không thể chấp nhận được” (tr.469). Nói khác đi, Tạ Ngọc Liễn không tán thành việc thêm thắt, xuyên tạc những “giá trị trường cửu” – điều không được các tác giả bài Tổng thuật tán thành: “ Có cảm giác rằng Tạ Ngọc Liễn vẫn chưa thoát khỏi sự lầm lẫn giữa bản chất của môn sử học là một khoa học đòi hỏi sự chính xác với bản chất của môn sáng tác văn học với tư cách là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, nhằm khơi gợi ở con người sự xúc cảm có tính thẩm mỹ” (tr.536). Điều này hoàn toàn nhất quán với thái độ tán đồng của hai tác giả khi đưa ra ý kiến của Thủy Minh dẫn theo nhà phê bình sân khấu Hồ Ngọc : “Nhà văn có quyền được thể nghiệm, tìm tòi, khai phá những con đường mới mà xưa nay chưa ai đi, chưa ai làm. Chẳng hạn Nguyễn Huy Thiệp đã làm và đã viết về các danh nhân anh hùng trong lịch sử ở bình diện con người bình thường với mọi khía cạnh đời thường của các vị ấy” (tr.539).Chúng tôi thiển nghĩ, có lẽ, trong trường hợp này, chân lý thuộc về Tạ Ngọc Liễn .

Với những chỗ dựa cùng những quan điểm như vậy, các tác giả Tổng thuật chưa thật thuyết phục khi bênh vực Lại Nguyên Ân: “ Và rằng dù anh (tức Tạ Ngọc Liễn) muốn, anh cũng không thể tìm ai để cãi, bỡi ông tác giả dùng ngón võ nom thì hớ hênh mà thật kín đố có ai đụng vào được, nếu không muốn tự tố cáo là mình không biết đọc văn chương vậy” (tr.526). Xét kỹ, như đã dẫn giải ở trên, “ngón võ” của Nguyễn Huy Thiệp trong Vàng lửa và Phẩm tiết chưa phải đã “thật kín” lắm đâu, và vì vậy chưa hẳn là không thể “đụng vào được”. Phải thừa nhận bài viếtĐọc văn phải khác đọc sử (Văn nghệ, 16/7/1988) của Lại Nguyên Ân là tiếng nói kịp thời, thẳng thắn chỉ ra điểm yếu nhất của Tạ Ngọc Liễn là nhầm lẫn giữa nhà văn, người viết tác phẩm và nhân vật người kể chuyện. Việc xác định chính xác của Lại Nguyên Ân về loại hình nhân vật Phăng là “người kể chuyện không đáng tin cậy”( theo khái niệm được nhà nghiên cứu người Mỹ W.But nêu ra) sẽ được nhiều người bàn luận sau đó tiếp thu và vận dụng có hiệu quả. Chỉ đáng tiếc là dường như Lại Nguyên Ân cho phép các nhà văn khi viết về đề tài lịch sử cái quyền được hư cấu khá rộng rãi. Việc ông đưa ra sự cảm nhận các tác phẩm văn chương thuần túy như Chí phèo, Gặp gỡ cuối năm để bàn về sự hư cấu của truyện lịch sử ở đây đã phần nào chứng tỏ điều đó.

Cũng là hơi quá khi các tác giả Tổng thuật đề cao lời bàn của Văn Tâm“là đầy tính uyên bác” khi ông tìm cách chứng minh Nguyễn Huy Thiệp không “xuyên tạc lịch sử” mà chỉ đi tìm cái “hằng số lịch sử”. Ở đây, theo chúng tôi, ý kiến của nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu có lẽ xác đáng hơn: “Cách đọc đòi hỏi tri thức của Văn Tâm tiên sinh tuy không sai nhưng cầu kỳ, dẫn người đọc vào mê hồn trận” (tr.456).

Những lời bàn luận của các tác giả Tổng thuật về hai bài viết của tiến sĩ mỹ học Đỗ Văn Khang cũng chưa hẳn là hoàn toàn thấu đáo. Bài viết thứ nhất Có một cách đọc Vàng lửa (Văn nghệ, 3/9/1988) có lý có lẽ, và lý lẽ là cần thiết chứ không “nhiều tính sách vở” như nhận xét của người viết Tổng thuật. Từ quan niệm của Arixtôt, rằng nhà sử học chỉ viết về cái đơn nhất, “cái chỉ xảy ra có một lần”, nhà thơ khác nhà sử ở chỗ anh ta hướng về cái phổ biến, “cái có thể có”, và rằng nếu một nhà thơ viết truyện lịch sư, anh ta phải đi từ “cái chỉ xảy ra có một lần” để nói về “cái có thể có”, Đỗ Văn Khang từ chỗ gọi rất đúng thể tài của Vàng lửa là “lịch sử – thế sự”, đi tới phát hiện một cách tinh tế giữa phép nói ngược được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng tương đối phổ biến trong các truyện lịch sử với phép nghịch ly: “Phép nói ngược khác xa với phép nghịch lý. Một nghịch lý đúng, đưa ra đúng lúc, đúng độ, với các dữ kiện đúng sẽ có tác dụng rất lớn, nó làm cho mặt thuận lý được soi sáng ở nhiều góc độ, chí ít ra nó thông báo cho mặt thuận lý những sai phạm có thể có, buộc nó phải dè chừng” (tr.192). Đỗ Văn Khang đã chứng minh khá thuyết phục và rất đích đáng độ chênh giữa Vàng lửa với lịch sử, để khẳng định một cách chắc chắn: khác với nghịch lý,Vàng lửa thừơng nói ngược nên“không có độ tin cậy”. Cái đáng phàn nàn nhất là trong bài viết của mình, Đỗ Văn Khang đã đi đến sự quy kết chính trị một cách vô lối rằng nếu nhân vật Phăng cho “nền chính trị thế giới sẽ như một món nộm suồng sã” “vậy thì cải tổ, đổi mới… là những đường lối chính trị sẽ được hoàn thiện trong tương lai và từng bước hôm nay, không rõ Nguyễn Huy Thiệp có nhờ Phăng liệt vào món nộm suồng sã của anh không?” (tr.530). Có thể nói, các tác giả bài Tổng thuật đã kịp phát hiện ra để góp phần ngăn ngừa một cách chí lý.

Cần lưu ý là bài viết thứ 2 của Đỗ Văn Khang Sự mơ mộng và sự nghiêm khắc trong truyện ngắn Phẩm tiết (Văn nghệ Quân đội, 11/1988), một bài viết theo chúng tôi là đầy thiên kiến lại được các tác giả Tổng thuật điểm lại một cách rất trung tính. Trong bài này, Đỗ Văn Khang quả là máy móc trong tư duy “lý lịch”: “Cô Vinh Hoa… không sinh ra ở cửa Đức vì bố cô thuộc người “tính tình ích kỷ”, hắn “không biết giúp ai, không biết làm điều phúc, điều thiện”… ”Rồi thì :“rau nào sâu nấy”, Ngô Thị Vinh Hoa lớn lên cũng hệt như cha “giàu có thì đóng của ăn một mình”” (tr.231). Từ đó Đỗ Văn Khang không có điều kiện tiếp cận sự công bằng trong đánh giá nhân vật Vinh Hoa, xem cô “chẳng qua là những nét giống cô đồng, cô hồn thời xưa hơn là một nhân cách chính trị”… (tr.233). Đấy là chưa nói lời kết tội nặng nề của Đỗ Văn Khang về cái gọi là “hạ bệ thần tượng” gây ám ảnh mạnh một thời là nằm trong bài viết này. Ngay cả những người dễ dãi nhất cũng khó có thể tán đồng với tác gỉa được.

Cuối cùng, chúng tôi muốn lưu ý tới sự lý giải nhiều phần thiên lệch về nguyên do vì sao dư luận nhìn chung đánh giá Phẩm tiết nghiêng về sự phê phán. Các tác giả Tổng thuật viết:” Dư luận về Nguyễn Huy Thiệp ám chỉ người này người khác hoặc định tiến tới “hạ bệ những “thần tượng”…tuy không phải là chính thức và cũng chẳng có căn cứ gì nhưng làm cho người muốn bênh vực anh phải dè dặt”(tr.538). Hoặc: “Nhưng điều nhà văn không lường trước là nhân vật của mình từ lâu đã tồn tại trong tâm thức dân tộc như biểu tượng đẹp đẽ thiêng liêng” (tr.544). Trên tinh thần ấy, giả định sau của các tác gỉa có phần vô lối và vô nghĩa:”Giá Nguyễn Huy Thiệp nói về một nhân vật lịch sử khác ít nổi tiếng hơn Quang Trung, mọi chuyện chắc sẽ khác đi” (tr.544). Sự thật thì hầu như mọi người đều thống nhất những hạn chế nhiều mặt của truyện Phẩm tiết. Ngay nhà văn Nguyễn Quang Sáng, dù đánh giá cao tài năng Nguyễn Huy Thiệp, cũng tỏ ý tiếc rằng anh đã liều lĩnh “xúc phạm đến lòng thờ phụng của nhân dân” (Văn nghệ, 3/9/1988).

Vậy là, khi đã có độ lùi nhất định về mặt thời gian, đáng lẽ các tác giả Tổng thuật cần phải có cái nhìn bao quát và khách quan hơn như mong đợi chính đáng của giới nghiên cứu. Nhưng đáng buồn là trên thực tế đã không hoàn toàn được như thế. Đó chính là lý do khiến chúng tôi viết bài này. Đà Lạt, 10/11/2002



(*) Nxb Văn hóa Thông tin - Tất cả những trích dẫn trong bài viết này đều được rút ra từ đây.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved