Tản Đà lần đầu tiên lên tiếng về thơ mới
Trong cuộc tranh luận thơ mới thơ cũ này, Tản Đà xem ra có căm tức lắm, nhưng Tản Đà khôn lắm, ít khi lâm trận đánh thẳng vào địch, dù địch đó là Phan Khôi. Trong mấy lần đụng độ với Phan Khôi, như vụ Nho Giáo, vụ Cái Cười Con Rồng Cháu Tiên..., Tản Đà đã hăng hái, quyết liệt, phũ phàng nữa là khác. Vậy mà trong vụ thơ cũ thơ mới, Tản Đà xem ra đứng ở ngoài. Bài Tản Đà đả kích thơ mới mạnh nhất có lẽ chỉ là một bài chửi mát, mà cũng chỉ là chửi mát Phan Khôi trong bài " Hài đàm của Tản Đà : Thơ mới " đăng ở Phụ Nữ Tân Văn số Xuân năm 1934. Tản Đà đem so sánh Phan Khôi với Lý Bạch cũng như so sánh một họ Quách nào đó phải chăng là Quách Tấn với Bá Nha để rồi kết luận : đàn của chàng Quách thỉ " ngớ ngẩn " còn thơ của chàng Phan thì " vẩn vơ "" Hài đàm của Tản Đà :
" Thơ mới
" Từ khi Lý Bạch chết, thiên hạ không chuộng thơ mà thơ kém hay : Bởi thế mới có Phan tiên sinh ra đời." Từ khi Bá Nha chết, thiên hạ không chuộng đờn, mà đờn kém hay : Bởi thế mới có Quách tiên sanh ra đời.
" Phan tiên sinh cải lương về nghề thơ, ở đời chưa gặp ai tri kỷ :
" Quách tiên sinh cải lương về nghề đờn, ở đời chưa gặp ai tri âm.
" Một hôm, kỳ ngộ duyên may, hai tiên sinh gặp gỡ.
" Trong một nhà ở phố Khâm Thiên, Phan đương nằm hút ở trên gác, bỗng nghe ở dưới gác có tiếng đờn gẩy, nhân lâu rất thấy khác thường ; tiếng đờn thực hay mà như không có cung bực do bụng hoài nghi, Phan tiên sinh bước xuống bực thang, ngó thử coi thấy người nẩy đờn đó chừng cũng là một du tử mà coi ra có vẻ cao nhân, nhân bước luôn xuống thang, làm quen nói chuyện chơi. Người đó là ai ? Tức là Quách tiên sinh vậy. Rồi đó, Quách tiên sinh nói chuyện đờn, Phan tiên sinh nói chuyện thơ.
Rồi Quách đờn một chập, Phan thơ một hồi.
Rồi Quách lại đờn ; Phan lại thơ.
Rồi Phan, Quách lại truyện thơ, truyện đờn.
" Cái thú gặp tri kỷ, khó bút mực nào vẽ cho hết. Chi chủ đó nguyên là một tay tài tình, văn thơ âm nhạc, đều có hiểu qua, nhân bàn quanh một cuộc cầm thi, cũng cảm tác một bài " Thơ Mới " :
Đờn là đờn Thơ là thơ Thơ thời có chữ, đờn có tơ. Nếu không phá cách vứt điệu luật, Khó cho thiên hạ đến bao giờ ! Bá Nha xa. Lý Bạch khuất. Thơ có họ Phan, đờn có họ Quách, Thơ có chữ Đờn có tơ : Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ Tài tử văn nhân nhường rứa rứa, Bách huê ngao ngán bận đề thơ "
Sau bài nói kháy, chửi mát Phan Khôi và thơ mới trên Xuân Phụ Nữ Tân Văn, Tản Đà viết một thôi năm sáu bài về thơ mới đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào cuối năm 1934 :1)- Phong trào thơ mới muốn cùng ai trong bạn làng thơ (T.T.T.B. số 26 ngày 24-11-1934). 2)- Cùng các bạn làng thơ (T.T.T.B. số 28) 3)- Tính chất của thơ (T.T.T.B. số 30 và số 32) 4)- Một chữ trong nghề thơ (T.T.T.B. số 40)
Bài " Phong trào thơ mới muốn cùng ai trong bạn làng thơ " là để thương xác với Lưu Trọng Lư về bài diễn thuyết ông đọc ở nhà Học hội Qui NHơn.
Với một tâm hồn cởi mở, và những lời lẽ rất ư là khiêm tốn, Tản Đà đã bày tỏ thái độ của ông đối với thơ mới, thơ cũ. Tản Đà cho rằng giữa lúc xảy ra vụ tranh chấp thơ cũ thơ mới thì Tản Đà không có mặt ở Hànội, cho nên không theo rõi được sự diễn biến của cuộc chiến. Phải chăng đây là thời kỳ Tản Đà đang buồn chán vì An nam tạp chí của ông bị chết lần thứ tám, tức là lần chót. Biến cố đau thương đó đã khiến Tản Đà tủi dỗi đời nên tự đặt mình ra bên ngoài xã hội :
" Mới đây một người bạn tôi gởi cho bài diễn thuyết của ông Lưu Trọng Lư đọc ở nhà Học hội Qui Nhơn, tôi đọc tới bài đó, tâm hồn xúc động, không thể lại lẳng lặng mà ngồi yên. Cứ như bài diễn văn của ông Lư, cảm tưởng và kiến giải, phần nhiều thiệt tôi lấy làm phải, có nhiều chỗ lại thấy rất là tinh.
" Song mà trong sự quan sát cũng còn có chỗ không tường xác ; cái kiến giải để hướng đạo cho quần chúng coi chưa đủ phát dương hiệu lệnh trên thi đàn. Bài tôi viết đây, không chuyên cùng ông Lưu Trọng Lư biện luận, cho nên không dẫn đến những chỗ mà tôi cho hơn kém ấy. Nay tôi chỉ cần muốn biện bạch trước độc giả, công chúng vì thấy có mấy lời trong bài diễn văn của ông Lư.
" Trong bài ông Lư nói, ngay một đoạn mở đầu rằng : " gần đây, trong văn học nước nhà thấy có một cái phong trào mạnh danh là " thơ mới". Cái phong trào ấy dư luận chia ra làm hai, phái hoan nghênh và phái phản đối. Tôi không cần nói, các ngài cũng dư hiểu rằng phái hoan nghênh là phái thanh niên tân học, phái phản đối là các cụ nho học. Hai bên đương sừng sộ nhau đương giằng co nhau ".
" Ông Lư đã nói, chắc là ông có thấy như thế, mà lâu nay tôi xa đất Hà Thành, thực tình trạng trong văn giới như sao, ít có tiếp đến tai mắt, riêng về phần tôi, thời như lời ông Lư nói đó, tôi quả không phục tình. "
Sau đó, gián tiếp Tản Đà muốn bảo rằng cái mà người ta gọi là thơ mới, Tản Đà vẫn làm, làm từ lâu, từ 20 năm nay mà chỉ khác là ông không gọi nó là thơ mới. Ông trích mấy bài thơ ông đã làm trên dưới hai chục năm :
" Cứ văn vận của tôi đã làm ra trong khoảng 20 năm nay, kể có không ít ; mà nay nếu có người hỏi tôi rằng : bài nào hay hơn hết ? Thời phải lấy một bài trong cuốn tiểu thuyết Giấc mộng con thứ hai, làm cho Dương Quí Phi, Tây Thi...ở Bồng Lai, bài ấy rằng :
Non xanh xanh Nước xanh xanh Nước non như vẽ bức tranh tình. Non nước tan tành Giọt lệ tràn năm canh.
*
Đêm năm canh Lụy năm canh Nỗi niềm non nước, Đó ai quên cho đành !
*
Quên sao đành ? Nhớ sao đành ? Bồng lai non nước xanh xanh ?
" Cuốn tiểu thuyết ấy viết ra, trong khi tôi giúp việc Đông Pháp thời báo của ông Diệp Văn Kỳ ở Nam, là khoảng năm 1926 cách đây đã 8 năm." Lại như bài " Cảm thu liễu thư " của tôi, một đoạn tả cảnh ở đầu rằng :
" Từ vào thu đến nay Gió thu hiu hắt Sương thu lạnh Trăng thu bạch Khói thu xây thành Lá thu rơi rụng đầu ghềnh Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly. Nhạn về...
" Mấy câu đó, riêng tôi thật ngâm mãi không chán ; mà bài văn đó tới nay ở trong báo Saigon lại có người lại đem ra để phê bình, kể cái thời gian tôi viết ra thời vào khoảng năm 1921, trong lúc tôi làm việc cho báo Hữu Thanh, cách đây có 14 năm." Lại như những bài " Hoa rụng " in ra ở Khối tình con, lời văn rằng :
" Hoa ơi, hoa hỡi, hoa hời ! Đang ở trên cành bỗng chốc rơi ! Nhị mềm cành úa, Hương nhạt mầu phai Sống chưa bao lâu đã hết đời Thế mà hoa lại sướng hơn người. . . . .
" Bài này viết ra, kể cách nay có tới 20 năm." Những điệu văn thơ đó, thật tự tôi đặt ra, không theo niêm luật ở đâu hết, duy tôi không gọi nó là thơ mới mà thôi. "
Ngày 8-12-1934, Tản Đà viết bài " Cùng các bạn làng thơ " (An nam tạp chí số 28), bàn về ý nghĩa của thơ mà ông phân biệt làm nghĩa rộng, nghĩa hẹp.
Về nghĩa rộng của thơ, Tản Đà viết :
" Theo nghĩa rộng mà nói, thì thơ là lương năng của mọi người, cho nên không có hạng người nào đều có thể nên thơ. Như thế, phạm vi của thơ thật rất rộng, hàm người ta nói ra mà hơi có vần, đều là thơ, không thể cách phi hết. Những thơ đó, theo ý kiến của người quan sát, chỉ có thể nhận cho những câu nào, những bài nào là hay; mà không thể phán đoán bảo như những câu nào, những bài nào là dở ".
" Hiểu theo nghĩa rộng, thơ là thú tiêu khiển ai cũng có thể làm được. Nhưng hiểu theo nghĩa hẹp, thơ là " một thứkỹ thuật phải người có học mới biết làm, mới làm được ; ví như đánh đàn phải có cung bực, đánh cờ phải sạch nước cản, nếu không thì không là thơ ".
Đối với Tản Đà, thơ hiểu nghĩa hẹp là các lối thơ thất ngôn, ngũ ngôn, cổ phong, tứ tuyệt. Như vậy mà trong cuộc tranh luận thơ cũ thơ mới, chữ " thơ mới ", theo Tản Đà là một danh từ lạm dụng, hiểu sai nghĩa.
Sau khi bàn về danh nghĩa của thơ, Tản Đà dành hai số báo để bàn về " Tính chất của thơ " (TTTB số 30 và 32). Theo Tản Đà, thơ có hai tính chất : tài và tình. Tài là tài nghệ, tức là thuộc về nghĩa mỹ thuật ; tình là tình hoài, tức là thuộc về nghĩa lương năng " (TTTB số 30). Tản Đà đã dựa vào hai tính chất tài và tình để tìm ra cái đẹp trong các câu thơ cũ. Không nói rõ ra, nhưng cứ theo lối trình bầy, người ta cũng nhận ra rằng thơ mới thiếu hẳn tính chất " tài ", cho nên thơ, mới là thứ thơ lệch lạc, là thứ thơ không hoàn toàn.
Những tài liệu tôi trích trên đây chưa phải là tất cả các tài liệu liên quan đến cuộc tranh luận gay go giữa thơ mới và thơ cũ và có lẽ cũng chưa phải là những bài quyết liệt nhất. Chẳng hạn ba bài diễn thuyết nảy lửa của Nguyễn Văn Hanh bênh vực thơ cũ, của Thái Phỉ công kích Lê Tràng Kiều, của Tường Vân và Phi Vân tác giả tập " Những bông hoa trái mùa ". |