Home » » Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới- P7

Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới- P7

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012 | 22:51


Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới

E - Phản ứng làng thơ cũ

Thái độ chung các nhà thơ cũ
Chẳng hiểu dựa vào đâu mà có người cho rằng trước sự tấn công của làng thơ mới, làng thơ cũ đã chịu thua ngay từ đầu không có một ai lên tiếng. Hình như đó cũng là ý tưởng mà Lê Tràng Kiều đã biểu lộ trong bài trả lời ông Thái Phỉ, Hànội báo số 19, 13-5-1936.Sự thực đã không hẳn như vậy.
Trong khi tường thuật những vụ diễn thuyết ủng hộ thơ mới ở Nam và ở Bắc, tôi đã đọc cho các bạn nghe những bài tường thuật của báo Phong Hoá và báo Phụ Nữ Tân Văn. Cả hai tờ báo đều tố cáo thái độ quyết sống quyết chết của phái bênh thơ cũ. Chẳng thế mà khi cô Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết mấy lần ở Nam kỳ và ở Bắc kỳ, phe phản đối thơ mới như các ông Nguyễn Văn Hanh chẳng những huy động bạn bè đi nghe để gây rối, để đăng đàn phản đối cô Kiêm tại trận mà ta còn thấy có lần cô Kiêm bước vào phòng diễn thuyết đã được người ta trao cho cô một túi đầy ắp những thơ hăm doạ. Cô Kiêm quyết liệt đối với thơ mới thế nào thì ông Hanh hăng say đối với thơ cũ như vậy. Thực là trong cuộc chiến tranh này chẳng những cá nhân chọi với cá nhân mà còn các cơ quan ngôn luận chọi với các cơ quan ngôn luận nữa : trận tuyến lan tràn từ Nam ra Bắc kéo dài suốt mấy năm trường. Nếu bênh thơ mới có Phong Hoá, Phụ Nữ Tân Văn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hànôi báo, Loa, Ngày Nay.. thì bênh thơ cũ có An Nam tạp chí, Văn Học tạp chí, Công Luận, Tiếng Dân, Văn Học tuần san, Tin Văn...Xét số đông thì bên thơ cũ buổi đầu chắc là ăn đứt bên thơ mới.
Tản Đà, tuy chẳng ưa gì thơ mới, nhưng xem ra nhà thi sĩ của chúng ta tế nhị lắm : chính ông không để cơ quan ngôn luận của ông là An Nam tạp chí tấn công thơ mới. Còn đối với thơ cũ, ông thản nhiên bênh vực nó một cách gián tiếp bằng việc cho đăng thơ cũ, bình giảng thơ cũ. Đề cập thẳng đến thơ mới với luận điệu mỉa mai có lẽ có trường hợp Vân Bằng trong bài " Tôi thất vọng về ông Phan Khôi " (An Nam tạp chí số 39, 30-4-1932).
" Vừa đây, ông lại ra công " sáng chế " ra một lối thơ " tân thời, tự do đặc biệt ", không cần niêm luật, tự ý vắn dài, làm cho nhiều người " hoài cổ " phải ngậm ngùi thương tiếc, " tám vế " luật Đường ! Có lẽ vì sự phát minh lối thơ mới này mà phải mai một đi chăng ? " 
 
Chất Hằng đả kích thơ mới của Phan Khôi
Ngoài An Nam tạp chí, tờ báo thứ nhất ở Bắc tỏ vẻ chống thơ mới là tờ Văn Học tạp chí của Chất Hằng Dương Tự Quán.Trong bài " Ấm Hiếu Không thể làm Tú Khôi " hay là " Một cái tỉ hiệu luận giữa Phan Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu ", Chất Hằng, trong lúc đả kích Phan Khôi ở nhiều phương diện, đã mỉa mai lối thơ mới do Phan Khôi khai mào. Nói về Phan Khôi làm thơ, Chất Hằng viết :" Người ít tình cảm thì sự cảm giác về cái bản ngã cũng kém cho nên Phan Khôi không hay làm thơ mà chỉ ưa nghiên cứu về thơ. Đôi khi Phan Khôi cũng làm thơ, nhưng thơ của ông cũng " hùng hổ " như ông... hay khắc khổ như văn xuôi của ông, hoặc nhạt nhẽo vô duyên như hình dáng của ông.
" Có lẽ vì thế mà Phan Khôi muốn thay đổi cái hình thức của thơ mà xướng xuất ra một thể thơ mới nó thật ra chẳng mới chút nào, và cũng ít người cùng ông hưởng ứng " (V.H.T.C. số 18, 1-6-1933).
Sau khi chế diễu thơ mới một cách nhẹ nhàng ngày 1 tháng 6 năm 1933, Chất Hằng viết liên tiếp ba bài công kích thơ mới đăng Văn Học tạp chí các số 22 (1-8-1933), số 23 (15-8-1933), số 24 ( 1-9-1933). Bài đăng số 22, với tựa đề " thơ mới ", đề cập đến cuộc cải cách thơ của Phan Khôi từng được mệnh danh là cuộc cải cách của thơ mới. Chất Hằng cho rằng cái mà Phan Khôi nhận là mới ấy, chẳng phải Phan Khôi là người đầu tiên xướng xuất ra, người đầu tiên xướng xuất ra là Nguyễn Văn Vĩnh :
" Phá cùm và cắt xích cho những nhà thơ, công cuộc giải phóng đó không phải là chẳng hợp lý và chẳng thích thời.
" Nhưng khi ấy cũng ít người hưởng ứng, trong số tôi thấy có ông Thượng Minh mà các bạn độc giả của Văn Học tạp chí chắc còn nhớ là một người vì quá hâm mộ ông Phan Khôi mà liệt ông Nguyễn Khắc Hiếu vào hạng nhà văn điên cuồng, gàn dở.
" Mới đây một tờ báo có tính cách hài hước " lại đem cái vấn đề thơ mới ấy đặt lên thảm xanh " và hết sức cổ động cho " lối thơ Phan Khôi " như lời ông Thượng Minh đã nói trong báo Đông Tây.
" Nhưng trước khi bàn về việc đổi mới cho thơ, ta hãy nên " trả cho César cái gì của César " đã. Tôi muốn nói rằng ông Phan Khôi chẳng phải là người thứ nhất đã có cái sáng kiến làm thơ quốc văn theo lối tây vậy.
" Người ấy có phải ai đâu mà chính là ông Nguyễn VănVĩnh. Ta hãy đọc mấy câu trong bài ngụ ngôn " Con ve và con kiến " dịch của La Fontaine ra đây :
Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. 
Đến kỳ gió bấc thổi 
Nguồn cơn thật bối rối 
Một miếng cũng chẳng còn 
Ruồi bọ không một con 
Vác miệng chịu khúm núm 
Sang chị Kiến hàng xóm 
Xin cùng chị cho vay 
Giăm ba hạt qua ngày.
Đối với Chất Hằng, Nguyễn Văn Vĩnh hay Phan Khôi cũng thế thôi, toàn là người lập dị, phản động : vẫn biết phải đổi mới cho thơ, nhưng chỉ nên đổi mới tinh thần thôi chứ ai lại kỳ cục mà sửa đổi hình thức theo đây :" Song tôi không đồng ý hẳn với người hay những người đã và sẽ sáng tạo ra các lối thơ mới, tuy trên kia tôi nói rằng công cuộc giải phóng cho thơ không phải là chẳng hợp lý và không thích thời.
" Tôi thích đổi mới cho thơ, nhưng tôi chú trọng về tinh thần của thơ hơn là là đường hình thức. Về đường hình thức của thơ, tôi dám nói rằng những nhà thơ cổ của Trung quốc đáng là thầy ta. Lối thơ Đường luật tuy bị giam hãm vào trong cái thi pháp chặt chẽ nhưng ta thử hỏi có lối thơ nào là chẳng phải bó buộc bởi những luật lệ nhất định. Ngay như thơ tây cũng còn phải theo phép tắc rất phiền phức. Vì nếu không thế thì không phải là thơ nữa.
Và ngoài thể thơ Đường luật nghiêm nhặt ra, ta há lại không còn thể nào rộng rãi nữa hay sao ?
Còn như coi thể thơ Đường luật có chật hẹp quá, thì có thể cổ phong cũng là rộng rãi lắm chứ, việc gì phải lập dị. Tinh thần hướng dẫn nhà thơ hiện đại phải là " dùng lối cổ mà diễn những tư tưởng mới " :
" Thì thể cổ phong đó thật đủ tư cách để ứng phó cho sự nhu yếu của ta. Cổ phong là lối văn có vần mà không đối nhau. Nếu có đối nhau là tuỳ ý của nhà làm văn, không phải là một luật nhất định. Cổ phong không có niêm luật, không hạn câu, tự bốn câu cho đến bao nhiêu câu cũng được. Cả bài dùng một vần tức là độc vận, như :
Hôm qua có bạn, rượu lại hết 
Hôm nay có rượu, bạn không biết, 
Cất đi, đợi bạn đến lúc nào, 
Cùng uống, cùng vui trời đất tít 
Khi say, quên cả ai là ta 
Còn hơn lúc tỉnh nhớ mà mệt
Cả bài dùng nhiều vần là liên vận, như :
Đá xanh như nhuộm, nước như lọc 
Cỏ cây hoa lá dệt như vóc 
Trời hoang mây tạnh gió hiu hiu 
Ai thấy cảnh này mà chẳng yêu 
Mới biết Hóa công tay khéo vẽ 
Tuy người điểm xuyết ra nước non 
Bể cạn non bộ nhỏ con con 
Sao bằng tiêu giao cùng Tạo hoá 
Bốn mùa phong cảnh thật không giả.
Đọc qua mấy bài thơ thể cổ phong tôi lục ra trên đây, chắc phần nhiều các bạn độc giả sẽ nghĩ như tôi rằng những người khởi xướng và cổ động cho lối thơ mới chỉ là " cho máy chạy rụt lùi " mà thôi, chứ có chi là đặt ra mới đâu.Vì vậy tôi cho cái hình thức của thơ chẳng phải đổi mới. Việc các nhà thơ nên làm ngay bây giờ là cứ theo cái hình thức thơ cổ và diễn những tư tưởng mới.
Sang đến bài " Làm thế nào để đổi mới cho thơ " (V.H.T.C. số 23, 15-8-1933), về vấn đề hình thức, ngoài việc đề nghị hình thức cổ phong, còn đề nghị thêm hình thức lục bát và song thất lục bát nữa, nhưng ông không ưng cho người ta đi xa hơn nữa. Thế rồi ông kịch liệt tấn công sự nghèo nàn của thơ hiện tại về phương diện nội dung. Ông hô hào phải đổi mới cho thơ về mặt đề tài, về nội dung. Ông bảo :
" Sao người ta không vịnh cái máy bay, cái tầu thuỷ, cái ô tô, cái xe lửa, mà cứ quanh đi quẩn lại hết cái điếu, cái chổi lại đến cái nón hay cái hoả lò ?
Giá ông thi sĩ nào vịnh cho tôi cái toa máy xe lửa cũng linh động như mấy câu sau này :
Sur le taureau de fer qui fume, souffle et beugle 
L'homme a monté trop tôt... 
Mais il faut triompher du temps et de l'espace 
Arriver ou mourir... 
...Mais aucun n'est le maitre
Du dragon mugissant qu'un savant a fait naitre, của thi sĩ Alfred de Vigny tả những toa máy thứ nhất (Les premières locomotives) thì có phải ông ấy đã mở được cho thơ quốcvăn một con đường mới không. Tôi lại ước ao có nhà thơ nào đem con mắt biết quan sát mà ngắm những nhà máy và cảnh sinh hoạt anh em chị em lao động rồi vẽ nên được những bức tranh tuyệt xảo giống như của thi sĩ Verhaeren nước Bỉ, thì lúc này chúng ta còn có thể lạc quan, trong khi dự đoán tiền đồ của thơ quốc âm.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved