Home » » Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới- P5

Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới- P5

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012 | 22:49


Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới

A- Mặt trận bênh thơ mới (3)

Phan Văn Hùm phê bình nhà thơ Xuân Giang, tức Đông Hồ
Ngày 3 tháng 5 năm 1934 (P.N.T.V. số 240), Phan Văn Hùm đã viết bài " Thảo luận về thi  : Nguồn thi cảm mới " để phê bình về tập thơ "Nguồn thi cảm mới " của Xuân Giang, tên tác giả của Đông Hồ Lâm Tấn Phác.Phan Văn Hùm đã ví thơ mới của Xuân Giang với thơ của thi hào Sully Prud'homme của Pháp :

" Theo lời của ông Đông Hồ ở trong số báo " Việt Dân " ra ngày 7 Avril 1954, thời một nhà thi sĩ sành về thơ cũ, ông Xuân Giang có một tập thơ tên là " Nguồn thi cảm mới " :
" Hai bài : 1. Cái hôn lần đầu - 2. Cô gái xuân. trích tập thơ nầy đăng ở báo " Dân Việt " có cái giọng thật là mới mẻ. Tôi không ngại gì mà không thú thật rằng, khi đọc qua, ngâm lại, tôi đã buông ra lời " in giọng Sully Prud'homme ! ". Nhưng mà đó là cái ý riêng của tôi, không đủ khinh trọng.
" Ở đây tôi dẹp lại những vấn đề lý luận cùng học phái. Tôi không muốn động dến vấn đề thơ cũ thơ mới, dẫu cho tôi hết sức hoan nghinh lối thơ sau, hết sức hoan nghinh bài " Bất chủ nghĩa " của Hồ Thích, hết sức hoan nghinh tập Les Douzes Poètes của bộ tùng thơ " Horizon ". Phan Văn Hùm đã có một lối phê bình thơ mới rất mới không đứng ở ngoài để khen câu này hay, chữ này khéo, ý này mạnh. Ông đã muốn bắt chước một kỹ sư, một kiến trúc sư...đi vào bên trong, hay đúng hơn nhìn công trình kiến trúc thơ từ bên trong :
" Tôi chỉ muốn đứng về phương diện nghệ thuật (art) không, tôi còn muốn thâu hẹp ranh rắp hơn nữa : tôi chỉ muốn đứng về phương diện kỹ thuật (point de vue technique) muốn vào trong công trường (atelier) vào trong trung điện mật nhiệm của nhà nghề, để xem cái tay thơ đương kiến trúc.
" Tôi sẽ xem được hay không, tôi xem mà sẽ thấy hay không ? Mặc kệ, cứ bước sấn tới thử xem.
" Trước hết tôi không muốn để chữ quốc ngữ nó làm lầm tôi, vì tôi đã quen với sự in lầm nhiều lắm rồi. Nghề in xứ này, thật là bất tiện quá.
" Hai bài thơ trích tập " Nguồn thi cảm mới " thể chất và cách điệu, cũng như nhau. Hai bài cũng chỉ có một chủ chỉ (un même thème) là cuộc cách mạng nổi dậy, do ái tình phiến động, làm khuynh đảo tâm hồn đương yên tĩnh êm đềm của người con gái, hoặc nói của " con người " cũng được
Thực vậy, qua mấy trang liền, cùng với việc trích văn để làm chứng, Phan Văn Hùm đã cố gắng lấy tư cách chuyên môn của nhà kỹ sư hay kiến trúc sư để vẽ lại cái họa đồ kiến trúc của thơ Xuân Giang. Đây các bạn nghe Phan Văn Hùm phê bình thơ mới của Xuân Giang Đông Hồ theo con mắt của kiến trúc sư :
" Tác giả dùng lối " bồi thấn " tả hai cái hiện tượng tiếp nhau mà khác nhau của một cái bản thể duy nhất, để làm cho càng biểu lộ những nét tế vi của nó ra .
" Vẽ cái bản thể của ái tình, là điều có phải dễ dàng đâu. Tác giả trở qua phía khác, mà cứ ở hiện tướng. Cái hiện tướng của ái tình, ở đây lại khéo mượn vật cụ thể (concret) để dụ dẫn, làm cho người đọc dễ cảm xúc. Hoặc lấy nước hồ khi bằng phẳng mà tả tâm hồn người chưa biết ái tình :
Mặt hồ lặng lẽ, xuân êm ái...
" Lại lấy nước hồ khi giợn sóng, mà tả cái tâm hồn người đã vào ái tình.
Một hôm gió giợn mặt hồ xao. 
Ngọn sóng lòng em bỗng dạt dào.
" Hoặc lấy bóng râm, gió mát, bướm bay mà tả cái tâm hồn người chưa biết ái tình còn thưởng cảnh vật thiên nhiên một cách thản nhiên :
Lá rập cành xoài, bóng ngã ngang. 
Cô em dừng bước nghỉ bên đường. 
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán. 
Gió mát lòng cô cũng nhẹ nhàng. 
...Vội vàng để vở lên bờ cỏ. 
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.
" Rồi lại lấy bóng râm, gió mát, bướm bay mà tả cái tâm hồn người đã vương ái tình, đối cảnh mà tình tha thiết :
Lá rợp cành xoài, bóng ngã ngang. 
Cô em dừng bước nghỉ bên đường 
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán 
Gió mát, lòng cô những cảm thương. 
...Ái tình nào phải bướm ngày xuân 
...Một thoảng bay qua không trở lại
Trước sau cảnh một mà tình hai, hiện tượng dẫu hai mà bản thể vẫn một. Cái bản thể " một " không phải hai đó, tác giả biểu xuất được rất thần tình là nhờ cái kỹ thuật " trùng phục " đem lời tả cảnh trước mà tả lại cảnh sau. Trước sau lời dẫu có như nhau, mà kỳ trung vẫn khác. Khác ở ý nghĩa, khác ở chỗ đổi thay, thêm bớt hình dung từ (adjectif) hoặc trạng từ (adverbe).
Ánh sáng tưng bừng em chẳng cảm 
Mặc chùm hoa nở, tiếng chim kêu.
" Là tâm hồn trước khi biết ái tình. Mà sau khi biết ái tình rồi thời
Ánh sáng tưng bừng, em hớn hở, 
Chim kêu, hoa nở, cảnh vui sao !
Thời cũng người ấy, cảnh ấy, bản thể ấy, cũng
Trong xóm làng trên, cô gái thơ
Mà tình chưa nhồi sóng khi
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ
" Thời tấm lòng yên tĩnh :
Gió đông mơn mởn bông hoa nở 
Lòng gái xuân kia vẫn hẫng hờ.
" Chờ... rồi chợt thấy, gần như được. Nào ngờ thành ra một chuyện bắt bướm hụt, mà
Lững thững bên đường cô ngẩn ngơ 
...Cô buồn, cô tiếc, cô ngùi ngậm 
Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ
" Là cái tuổi " trong trẻo, bình minh ", còn
Lửng thửng lên đường buổi sớm chiều
" Mỗi một lượt thấy " bướm bay qua bãi cỏ xanh... " là một lượt " lòng phấp phới ".
Vội vàng để vở lên bờ cỏ 
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh
"  Đó là hai chỗ xuất sắc trong kỹ thuật tác giả." Một là dùng phép " bồi thấn " hai là dùng phép " trùng phục ". Phép nào tác giả dùng, thời tác giả cũng chủ nó được, điều khiển nó được cả.
" Ngoài ra, còn những cái đặc sắc, mà tôi không nỡ bỏ qua không nhắc đến. Như khéo dùng âm hưởng cho kêu câu văn :
Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ :
" Khéo dùng vật cụ thể dụ dẫn sự vô hình
Chim con nằm dưới tổ êm đềm 
Lòng anh ấm áp, em sung sướng 
Tình ái êm đềm như tổ chim.
" Nhứt là khéo dùng hình linh hoạt và có thể sắc làm thành những bức tranh nhỏ thần tình :
Ánh sáng tưng bừng 
Hồi hộp nhìn em ngẩn ngơ... 
Quần đen, áo trắng khăn hồng nhẹ
" Câu sau đó làm cho tôi nhớ câu :
Vân Tiên đầu đội kim khôi 
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô
" Hay là câu trong Chinh Phụ Ngâm
Áo chàng đỏ tợ ráng pha 
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
" Lối dùng màu này, Nguyễn Khắc Hiếu khéo dùng nhứt, trong bài hát xẩm, tựa là " Cô tây đen "." Tác giả lại có cái tài khéo dùng tiếng nói chuyện thường ngày, mà để vào cho hạp tình hạp tiết, thành ra " có duyên " như những tiếng :
Lòng em trong trẻo : Em không náo nức ; 
Ánh sáng tưng bừng : - hồi hộp nhìn anh ; 
Lửng thửng lên trường : - lửng thửng bên 
đường : - lòng em phấp phới. - v.v...
" Kỹ thuật được như vậy, thi tứ dồi dào, khó mà luyện tập cho nên. Tiếc vì, về tự nghĩa, sao chừng như tác giả không chắc cho mấy, hay là không lưu tâm đến mấy. Tôi không hiểu như nước triều mà tác giả dùng, nghĩa ra làm sao. Cứ như câu :
Đầy đặn lòng em, mặt nước triều,
" Thời chữ triều có nghĩa là yên lặng. Mà thủa nay thời cái nghĩa của nó là lưu động xem như câu truyện Kiều nói :
Ngọn triều non bạc trùng trùng...
" Còn về cái tổ " ổ " chim, thời có thể dùng tiếng dưới mà chỉ cái đáy nó hay không, mà nói :
Chim non nằm dưới tổ êm đềm ?
" Lại còn tiếng mơn trớn, tác giả hiểu nghĩa nào mà nói là :
Gió đông mơn trớn bông hoa nở ?
" Tôi cũng lại không biết ngẩn ngơ tác giả hiểu làm sao mà :
Hồi hộp nhìn anh em ngẩn ngơ 
Lững thững bên đường cô ngẩn ngơ.
" Tôi không dám nói nhiều lời nữa, chỉ còn muốn hỏi xem tác giả dùng tiếng Nam tiếng Bắc trộn trạc là ý làm sao." Tổ chim (Bắc) - mồ hôi (Nam) - giọt lệ (Bắc) - rỏ lệ (Bắc).
Sau khi phân tích tỉ mỉ kỹ thuật của Xuân Giang, Phan Văn Hùm đã để những lời kết luận cực tán thơ mới, và tin vào thơ mới như sau :
" Mà đó chỉ là những chỗ sơ lậu cỏn con, không có nghĩa gì, không có phương hại gì cho cái thi tài của tác giả, là người thật có biệt tài. Tôi chưa được dịp biết nhà thi sĩ nào trong làng văn chữ nho hay quốc ngữ, mà lìa bỏ được cái phóng tứ mơ màng, đuổi rượt những cái tư tưởng vu vơ theo gió trăng, non nước, cùng những cái tư tưởng thông thường về nhân tình thế sự, nghĩa là lìa bỏ được cái ngoại giới mà quay trở về mình, chú lực vào trong thân trong mình, để miêu tả nội giới hay không ? Thật tôi chưa từng thấy có, mà cũng có lẽ tại kiến văn tôi cô lậu thật.
Nay thấy ông Xuân Giang là một. Cái ráng sức mà nội tỉnh đó (cet effort d'introspection) cái ráng sức mà phân tích (cet d'effort d'analyse) những nỗi uẩn trong tâm hồn đó, là một điều rất đáng hoan nghênh và tưởng lệ. Giả thử tôi mà có văn tài thế lực thì tôi không ngại gì giới thiệu ông Xuân Giang một cách sốt sắng về phương diện kỹ thuật mà thôi. Tôi nói " về phương diện kỹ thuật mà thôi " là khen kỹ thuật vị tất là khen người về phương diện khác, một là bởi không bằng cứ được ở nơi sự thành tựu của một người phụng sự một cái chủ nghĩa nghệ thuật nào, mà dám quyết rằng người ấy sẽ thành tựu, khi phụng sự một cái chủ nghĩa nghệ thuật khác, nhứt là cái chủ nghĩa nghệ thuật có hàm lý tưởng xã hội. "
Đông Hồ lên tiếng trả lời Phan Văn Hùm, tự nhận là Xuân Giang
Sau bài phê bình của Phan Văn Hùm, ngày 24-5-1934, Đông Hồ lên tiếng cũng trên Phụ Nữ Tân Văn (số 243) để tự tố cáo cái tên tác giả Xuân Giang là chính tên của Đông Hồ, tức người giới thiệu thơ Xuân Giang trên báo Việt Dân với Xuân Giang chỉ là một người.Đây lời Đông Hồ giải thích lý do tại sao ông phải giả thác như vậy :
" P.N.T.V. số 240, ngày 3-5-34 vừa rồi, ông Phan Văn Hùm đã đứng về phương diện nghệ thuật mà phê bình hai bài (1- Cái hôn lần đầu, 2- Cô gái xuân) trích ở tập " Nguồn thi cảm mới". Cuối bài có mấy chỗ, vì Phan quân còn ngờ nghĩa nên hỏi lại. Nay tôi xin viết bài kính đáp nầy.
" Trước khi vô bài, tôi xin mở cái dấu ngoặc.
" Tôi xin chịu tội với Phan quân và với cả các bạn độc giả báo Việt Dân số 6 và độc giả P.N.T.V. số 240 cái tội đã nói dối. Nói dối vì tôi đã đem hai chữ Xuân Giang mà che đậy cái tên mình rồi lại giới thiệu thơ của mình làm một cách ân cần, tội nhứt là trong lời phê bình đó có một ít tiếng khen, là lời giới thiệu mình mà tự mình lại khen mình.
Nguyên tôi muốn đem hai bài thơ nọ đăng báo khi toan gởi đi tôi lại sợ để trơn như vậy khi đăng báo, tất nhà báo cho đăng lộn vùi trong đám rừng " thơ nay " độc giả tất không để ý xem đến. Tôi có cái ý nghĩ đó vì khi làm xong hai bài thơ, không dám nghĩ được xứng đáng như lời khen lao của Phan quân, chớ cũng tự biết là nó có một ít đỉnh giá trị đặc biệt. Và đem đăng báo là tôi có muốn cho độc giả nhận thấy cái đặc biệt của nó ở chỗ thoát được cái tư tưởng ý tứ " xôi thịt " của thi ca ta, chính tôi cũng đã từng châu tuần một lúc lâu trong cái phạm vi tư tưởng ý tứ " xôi thịt " đó rồi. Đó là bởi thành thực muốn mở một thể thế, một cách lập luận mới cho thi ca nước nhà, chớ quyết không phải bởi lòng tự khoa tự đại. Vậy thì cần phải có một ít lời giới thiệu. Đáng lẽ thì viết bài giới thiệu đó là về phần tòa soạn của báo V.D. Nhưng tôi ở xa xuôi cũng bất tiện. Nơi gần thì tôi không kiếm được ai - ở một nơi cô lậu hẻo lánh, nó có những sự thiệt thòi cho học vấn như thế - nơi xa thì bất tiện. Đánh bạo, tôi đành phải dùng cái phương " giả thác ". Giả thác ra đó là thơ của một người bạn mà mình đứng ra giới thiệu, nên trong lời giới thiệu tôi dùng tiếng để gọi tác giả là :" anh Xuân Giang " là cái cách kêu gọi thân thiết như tiếng thường dùng trong văn tiểu thuyết, chuyện bịa đặt, chớ không dám ngay thẳng mà gọi là " ông Xuân Giang " vì theo phép giao tế, đem một nhà thi sĩ giới thiệu với quốc dân trên báo chương thì phải gọi là " ông " chớ sao được gọi là " anh ".
" Nay Phan quân đã phê bình đến một cách nghiêm trọng thành thực thì tôi thiệt không dám dấu cái tên mà không xứng, không dám nuôi sự giả thác - hay muốn nói là sự giả dối cũng được - ấy mãi, mà phải thành thực cùng Phan quân tiếp chuyện bày tỏ cái duyên cớ như trên, để trước là khỏi để làm lầm nhà phê bình, sau là để khỏi lầm cho độc giả. Lại một sự giả thác đó, cũng nên cải chính, sớm muộn rồi cũng phải làm, để tránh khỏi nhiều điều lầm lẫn về sau trong thi giới. "
Lưu Trọng Lư ca ngợi thơ mới
Tiểu Thuyết Thứ Bảy đối với phong trào thơ mới cũng không kém sôi nổi. Người lên tiếng nhiều trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy cũng là người đã lên tiếng ở Phong Hoá, ở tiểu thuyết Người Sơn Nhân, ở Phụ Nữ Tân Văn, người đó là Lưu Trọng Lư. Ông đã viết ba bài bênh vực thơ mới trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Bài " Phong trào thơ mới " (T.T.T.B. số 27, 1-12-1934) đã được toà báo giới thiệu thế này :" " Kỳ trước ông Tản Đà có nói đến bài diễn văn ông Lưu Trọng Lư đọc ở nhà Hội học Qui Nhơn nên nay trích đăng một đoạn để các bạn độc giả cùng xem. "Như lời giới thiệu, bài " Phong trào thơ mới " này là một bài diễn văn. Có lẽ vì vậy mà ta thấy, nơi bài này, có rất nhiều ý, nhiều đoạn, ông đã nói ở bài gửi cho Phan Khôi đã đăng ở báo Phụ Nữ Tân Văn số 153 tháng Juin 1932 rồi sau lại đăng ở Phong Hoá số 31 Janvier 1933, hay ở bài đăng ở tiểu thuyết Người Sơn Nhân, tháng 5 năm 1933 rồi lại đăng lại ở Phụ Nữ Tân Văn số 216 ngày 14-9-1933. Có điều, ở đoạn trích bài diễn văn này, Lưu Trọng Lư nói mạnh mẽ hơn, so sánh thơ cũ thơ mới để tìm ra nguyên nhân sự khác biệt của đôi bên.
Trước hết, Lưu Trọng Lư nhìn nhận bọn thanh niên đã đưa thơ mới đến chỗ đặt được cơ sở rồi :
" Gần đây trong học văn nước nhà thấy có một cái phong trào mệnh danh là " Thơ mới "... Nó đã thành một sự hiển nhiên, dù muốn dù không, nó cũng cứ ngày một bành trướng. Cũng như mọi cái mới có ở trên đời, phong trào ấy chia dư luận ra hai phái : Phái hoan nghênh và phái phản đối. Tôi không cần nói, các ngài cũng dư hiểu rằng phái hoan nghênh là hạng thanh niên tây học, phái phản đối là các cụ nho học. Hai bên đương sừng sộ nhau, đương giằng co nhau... Thắng bại về đâu không thể đoán trước được, đó là sự bí mật của lịch sử văn học mai sau. Dầu sao, có một điều chắc chắn là những điều kiện ở bên ngoài đã biến thiên thì tâm hồn của người ta cũng thay đổi. "
Sau đó Lưu Trọng Lư phân tích tâm lý thi gia thời xưa để tìm nguyên nhân tại sao các cụ ta ưa lối thơ gò bó chật hẹp nhiều giả dối nữa :
" Những sự thương đau buồn chán, vui mừng, yêu, ghét của chúng ta không còn giống những sự thương đau, buồn chán, vui mừng, yêu, ghét của ông cha ta nữa đó là một sự thực ! Các cụ ta xưa sống trong một cuộc đời giản dị, êm đềm, sinh hoạt dễ dàng, tiếp xúc ít ỏi, cho nên tâm hồn các cụ cũng đơn sơ nghèo nàn, phẳng lặng khô khan như cuộc đời của các cụ, gia dĩ văn hoá Tàu tràn sang, đưa đến cho ta những kỷ luật nghiêm khắc, hẹp hòi của Khổng giáo. Cái chế độ chuyên chế trong chính trị cũng có ảnh hưởng lớn đến thi văn vì các thi sĩ ta xưa đều là những nhà nho mài miệt mười năm đèn sách, là chỉ lăm le có một ngày kia xuất chính. Thi văn của họ là một thi văn quí phái, bệ vệ, đường hoàng, có lề, có lối để thù tạc với nhau, hay để ca tụng những kẻ quyền thế đương thời, những công danh sự nghiệp của người và của mình. Những nhà nho ấy, nếu không may thất thời, lỡ vận, hoặc giả có tiêm nhiễm một ít tư tưởng Phật, Lão mà đâm ra chán đời, thì đã đành họ không thèm ca tụng những cái công danh sự nghiệp ở đời, nhưng khi dưới bóng trăng trong, dốc bầu rượu, họ cũng chỉ ngâm được một câu sáo :" chiếc hoa tàn, bóng mây qua, đời là bể khổ "...
" Thật thế, lòng chán đời của các cụ cũng tầm thường, ít ỏi như cái lòng yêu đời của các cụ ! cái tình cảm đã tầm thường ít ỏi như vậy, thì cần gì có một cái khuôn khổ rộng rãi hơn mềm mại hơn ?
" Một nhà thi sĩ có biệt tài, theo các cụ, là kẻ đã đưa một cách khéo léo những cái tình cảm cũ rích ấy vào những cái niêm luật khó khăn hơn hết.
" Họ không cần tưởng tượng cao xa, có tình cảm thành thực vì cái giá trị bài thơ không phải ở chỗ đó. "
Sau khi chê bai tâm tình các cụ là chật hẹp nhỏ nhen, Lưu Trọng Lư chửi bới, châm biếm các kỹ thuật tiểu xảo mà các cụ nghĩ ra để gói ghém những tình cảm nhỏ nhen của các cụ. Dưới con mắt người đời mới, cái mà xưa kia các cụ cho là tài tình, tế nhị, ngày nay chỉ là ngây ngô, tẩn mẩn :
" Họ có một cái lối đối đáp rất buồn cười là hễ khi tôi thấy " con chó đi ra " thì thế nào tôi cũng phải nghĩ đến " con mèo chạy vô " dầu lúc bấy giờ trước mắt tôi thấy chiếc lá rụng. Nếu tôi không nói thế thì là không hay, không hay vì đối không chỉnh. Ngay người có tài như bà Huyện Thanh Quan cũng vì mắc phải cái bệnh ấy, mà viết ra lắm câu buồn cười. Rất đỗi người có trí xét đoán chắc chắn như Phạm Quỳnh tiên sinh, khi đọc bài " Đèo ngang " mà phải phục là " Tuyệt bút ". " Tuyệt bút " theo Tiên sinh, nghĩa là không thể đặt bút vào chỗ nào nữa, hết nước hay, hết nước đẹp, nhưng thưa các ngài, chỉ có một cái lỗi nhỏ là chẳng thành thực chút nào hết.
" Nhớ nước đau lòng con quốc quốc 
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia "
Không biết các ngài thì thế nào, chứ tôi thì khi đọc hai câu ấy, thấy cái lòng nhớ nước, thương nhà của bà Huyện mất vẻ tự nhiên và thành thực nhiều lắm. Thật bà đã kiếm được những chữ " sướng " nhưng không phải giúp bà diễn tả cái nỗi lòng tha thiết của mình, mà chỉ là để kết thành hai câu thơ tài tình. Tài tình đây là tài tình về mặt tiểu xảo. Hình như bà đã bỏ cái tình cảm đầu tiên của bà, mà theo dõi những sự đối chọi từng chữ, từng câu, cái vẻ không thật ấy, ta thấy hầu hết trong các bài thơ bát cú xưa nay ".Theo Lưu Trọng Lư, ngày nay ta chẳng nên trách các cụ, nhưng ngày nay các cụ cũng chẳng nên bắt ta sống theo các cụ, yêu, ghét theo các cụ. Người giữa thế kỷ hai mươi nghĩ, cảm...bao la hơn các cụ nên phải đi tìm cái thể thức rộng rãi hơn để mà diễn tả tâm tình.
Lưu Trọng Lư viết :
" Ngày nay ta đã có cái ý muốn lập một nền văn học hẳn hoi cho nước nhà, thì cố nhiên không còn là cái lúc nói bằng những điển tích mơ hồ, nói những điều mình không cảm, nói mãi những điều cũ mèm sáo hủ. Phàm cái gì mà lập lại hai ba lần là thành " máy móc ", là mất hẳn sự thành thật, sự sống, là vô hồn...Vậy ta phải đi tìm những tình cảm mới mẻ. Mà sự thật, thì ngày nay ta được tiếp xúc với văn hoá âu tây, với những thực trạng mới lạ, không phải tìm, ta cũng đã có những tình cảm mà cha ông chúng ta không có.
" Các cụ ta chỉ thích cái bóng trăng vàng giọi ở trên mặt nước ; ta lại thích cái ánh mặt trời buổi sáng lấp lánh, vui vẻ ở đầu ngọn tre xanh. Các cụ ta ưa mầu đỏ choét ; ta lại ưa những mầu xanh nhạt.- Một dòng máu chảy ra làm cho các cụ giùng mình.- Chỉ một cái quan tài phất giấy đỏ lững thững đi dưới bóng mặt trời ban trưa cũng có thể làm cho ta rởn óc.- Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà đúng ngọ.- Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi ; ta thì cho là mát mẻ đứng trước một cánh đồng xanh ngắt, cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình, muôn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình chân thật, cái tình ảo mộng, cái tình ngây thơ, cái tình già giặn, cái tình trong giây phút, cái tình nghìn thu...Các ngài xem đấy, cái tình cảm của người đời bây giờ dồi dào, phiền phức như thế, liệu có khép vào trong những niêm luật khắc khổ được không ? Ông Lanson chẳng đã nói rằng : "Với những cái tâm trạng mới, phải có những văn thể mới " (à des états d'âme nouveaux, des genres nouveaux), thì trong Văn học ta bây giờ mà có cái phong trào " Thơ mới " cũng là lẽ tất nhiên vậy ". (Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 27, 1-12-1934).
Lưu Trọng Lư gửi thơ thứ nhất cho Tản Đà
Sau khi đã tàn nhẫn phũ phàng phần nào với thơ cũ như vậy ở số 27 (1-12-13934), thì đến số 29 (15-12-1934) trong " Bức thư thứ nhất gửi lên Khê Thượng " cho Tản Đà, Lưu Trọng Lư đã đổi hẳn giọng nói. Đây không còn phải là một người muốn tranh hùng, cãi cọ mà là một " tâm hồn muốn mở ra với một tâm hồn ". Thực vậy, Lưu Trọng Lư đã nói với Tản Đà bằng một ngữ ngôn đầy tình yêu, lòng quý mến, niềm kính trọng một người anh đã ấp ủ lòng người em bé bỏng. Đây lời Lưu Trọng Lư thổ lộ với Tản Đà :" Tản Đà Tiên sinh,
" Lần này là lần đầu tiên, tôi được biên thơ cho tiên sinh, nhưng tôi đã được hân hạnh làm quen với tác giả " Khối tình con " từ ngày tóc còn để trái đào. Đối với tôi, Tiên sinh không phải là một người lạ ; đã có lúc Tiên sinh đi bên cạnh tôi, đưa quyền phép thiêng liêng dẫn tôi vào một thế giới thần tiên, mộng ảo, thế giới của Chiêu Quân, của Dương Quý Phi, của Hằng Nga...của Tô nữ...Đã đành rằng lúc mộng thì phải có lúc tỉnh, khi ra khỏi cuộc phiêu lưu kỳ lạ, lại thấy mình quạnh quẽ lạc loài không hiểu mình, không biết người, ngơ ngác lạ lùng giữa một đám người quen biết, nhưng riêng tôi vẫn lấy điều ấy làm thích thú :
" Ai bảo rằng ta hay mộng tưởng ? " 
" Cuộc đời âu cũng giấc chiêm bao ! "
" Ở trong thế giới này, nếu có điều bất ý, thì tôi đây cũng muốn mơ luôn không muốn tỉnh " cũng muốn đi vào thế giới đẹp đẽ hơn do ta tạo lấy...mà ai ngăn ta điều ấy được ?" Tiên sinh ạ, thì ra chúng ta đã quen nhau tự hồi nào, mà nay mới biên thơ cho nhau, kể cũng đã muộn lắm.
" Vậy trong bức thơ này và những bức thơ sau, Tiên sinh cho phép tôi gác hết những giọng khách sáo thường tình, nói phăng ra những điều tôi thường bâng khuâng trong trí về một vấn đề quan trọng giữa làng thơ. Tôi muốn nói là vấn đề " Thơ mới " mà thiên hạ bàn tán đã nhiều. Một hôm tôi đưa vấn đề ấy ra chất vấn một ông bạn tôi. Bạn tôi bình sinh là người ngay thẳng, minh bạch rất ghét thái độ mập mờ, thế mà đối với vấn đề này cũng phải trả lời một cách lúng túng :" Thơ mới hay thơ cũ thơ nào hay thì tôi thích và ngâm mãi ".
" Câu trả lời lúng túng của ông bạn, sau này tôi xét lại thật chí lý, ví dụ : như tôi đây là một người rất yêu " Thơ mới "  mà trong làng " Thơ mới"  dầu có sản xuất ra được một bậc thiên tài lỗi lạc tôi không vì bậc thiên tài ấy mà rẻ dúng ông Nguyễn Du thân yêu của tôi, ông Nguyễn Du bất diệt, nhà thi sĩ của muôn đời. "
Như vậy, ta thấy Lưu trọng Lư chẳng có ghét, chẳng có chán thơ cũ khi những nhà thơ cũ ấy là Nguyễn Du, khi các vần thơ cũ ấy là " khối tình con " của Tản Đà. Nhưng Lưu trọng Lư đã thỏ thẻ với Tản Đà rằng : thằng em bé bỏng là chàng ấy ngày nay lớn khôn rồi, mái nhà cũ của cha mẹ, tuy nó vẫn yêu, vẫn quí, mà không muốn ở nữa, nó ra đi xây dựng một mái nhà khác để ở riêng với người yêu của nó. Lưu Trọng Lư đã ôn tồn giải thích cho Tản Đà thấy tại sao ông phải làm thơ mới :
" Cuộc đời dầu có thay đổi, bao giờ tôi cũng là người ưa ngâm...ngâm mãi mà không biết chán những bài " Chiêu hồn ", bài" Mả cũ... ". Nhưng tôi không thể giấu Tiên sinh cái cảm tình rất nặng của tôi đối với " Thơ mới "...Tiên sinh cho phép tôi nói ra đây cái cớ tại sao tôi làm " Thơ mới " tôi cần phải sáng tạo ra những điệu mới "...
Sau đó, với tất cả tình trìu mến, say sưa, Lưu Trọng Lư đã trình diễn lại các tâm trạng mà ông trải qua khi làm một bài thơ mới, từ chỗ nghĩ ra đề tài, đến tình tứ gợi lên ; tới việc tìm chữ, chọn vần, lựa điệu :
" Nói đến mình, tôi tưởng là một điều khiếm nhã, nhưng cũng chỉ có mình mình mới hiểu được rõ ràng thôi.
" Tôi còn nhớ một buổi sáng về mùa Xuân ở quê nhà, ngồi bên một cánh song, tôi nhìn bóng mặt trời lấp lánh ngoài vườn hoa, giữa những mầu xanh, đỏ, tím...Những hoa hoàng lan, hoa tử vi, cúc trắng, hồng bạch phơn phớt rung rinh trong bầu xuân khí ấm áp, lòng tôi bỗng thấy nhẩy nhót, vui vẻ, phe phẩy. Tôi bèn đặt mình vào cảnh ngộ một người thiếu nữ, bên người tình để hưởng cho hết diễm phúc, làm ra bài thơ đề là 
" Ngày xuân "Năm vừa rồi 
Chàng cùng tôi 
Nơi vùng giáp Mộ 
Trong gian nhà cỏ 
Tôi quay tơ 
Chàng ngâm thơ 
Vườn sau, oanh giục giã 
Nhìn ra hoa đua nở 
Dừng tay tôi kêu chàng : 
" Này! Này! ; bạn ! xuân sang " 
Chàng nhìn xuân mặt hớn hở 
Tôi nhìn chàng, lòng vồn vã...
" Nhưng một ý nghĩ tàn ác thoạt len vào trong trí tôi : tôi chợt thấy sự mỏng mảnh của tạo vật...Hoa sẽ tàn...Ngày tháng đi ! lòng người thay đổi - Bao nhiêu cái đẹp đẽ, êm đềm, thân yêu ở trên cõi thế rồi sẽ tan tành, đổ bể vào vực thẳm, của thời gian, lòng tôi bỗng xám tốc lại :
. . . . 
Rồi ngày lại ngày 
Sắc mầu phai 
Lá cành rụng 
Ba gian : trống 
Xuân đi... 
. . . .
" Những vật kia kể còn bền chắc, dai dẻo hơn người. " Vật " còn mong trở lại chứ " Người " thật là một đi ngàn thu mất biệt :
...Xuân kia còn trở lại 
Người xưa không thấy tới
" Thể thơ ấy là do tôi tạo ra để cho hợp với sự uyển chuyển ngoắt nghéo của thi tình, thi tứ, rồi tôi gọi nó là " Thơ mới "." Muốn tả cái lòng hớn hở, cái vui phe phẩy, khi thấy ánh trời buổi sáng nhởn nhơ với những đóa hoa mơn mởn, ta cần phải dùng một " thi thể " riêng, gọn gàng, văn vắn, vần trắc cùng ngang với vần bằng.
" Cũng như khi tả sự nhanh chóng của thì giờ ta phải đi từ câu dài đến câu vắn hơn để người đọc nhận thấy sự nhanh chóng ấy một cách rõ rệt :
Rồi ngày lại ngày 
Sắc mầu phai 
Lá cành rụng 
Ba gian : trống 
Xuân đi.
" Thưa Tiên sinh, theo ngu ý, cái điệu thơ thật có quan hệ đến bài thơ. Sống ở trong cuộc đời mới mẻ, lòng thấy vài cái tình cảm khác khác, mà muốn diễn tả ra cho hết, không thể không tìm đến những cái điệu rộng rãi, mềm mại hơn. Âu đó cũng là một điều bất đắt dĩ, có ai cho là lập dị, cũng đành cam tâm..." Hôm nay xin tạm biệt Tiên sinh ở chỗ này đã...Trong những thư sau, ta sẽ còn trở lại với " Thơ mới " (T.T.T.B. số 29, 15-12-1934).
Lưu Trọng Lư gửi thơ thứ hai cho Tản Đà
Trong bức thư sau đề ngày 19-1-1935 (Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 34), Lưu Trọng Lư đã viết cho Tản Đà, phân tích và cực tán bài thơ " Non xanh xanh " của Tản Đà, bài thơ mà Lưu Trọng Lư bảo cũng có thể xếp vào hàng thơ mới." Tản Đà Tiên sinh
" Trong bức thư trước, tôi có câu rằng :" Cái điệu thơ thật quan hệ đến ý tứ của bài thơ ". Bức thơ ấy viết xong, thì tờ T.T.T.B. số 26, mang lại một cái chứng thực nữa cho lời tôi đã nói, bài " Non xanh xanh " của Tiên sinh đăng trong số báo ấy, ở mục văn nghệ, ngoài cái giá trị tưởng tượng, nó còn có một cái giá trị ở chỗ khác nữa : ở điệu thơ...
" Dương Quí Phi và Chiêu Quân là hai kẻ đa tình có danh tiếng ở trần gian, lúc về tiên giới ngày nhìn xuống cõi trần hoàn xa thẳm, mù tịt là chốn " tình trường " của mình ngày trước thì lòng thương giạt dào những nỗi nhớ nhung, thương tiếc...Cái tình thật là kỳ lạ, mà cũng thật là giét giắt, não nùng, mênh mông ! chẳng ngại gì. Tiên sinh đã tự ý tạo ra một cái điệu riêng cho thích hợp, từ đầu đến cuối bài thơ. Tiên sinh gieo toàn một vần bằng ngõ hầu diễn cho hết cái " giéo giắt ", cái não nùng, cái " mênh mông " của khối tình kỳ lạ ấy !... Trong âm hưởng của ta, những tiếng " bằng " thật là dồi dào, uyển chuyển, " huyền diệu " có thể diễn tả được hết cái buồn của người ta, cái buồn muôn hình vạn trạng...
" Giả thử Tiên sinh đem phả cái tình của hai bà tiên vào một điệu thơ rất bó buộc, toàn vần trắc chẳng hạn, thì cái tình ấy sẽ tiêu tan đi mất hoặc trở nên buồn cười. "
Sau khi cực tán thơ của Tản Đà, Lưu Trọng Lư đồng ý với Tản Đà rằng có rất nhiều bài thơ mới rất dở, cho nên mặc dầu sốt sắng bênh thơ mới Lưu Trọng Lư cũng chẳng muốn bênh vực những thứ thơ đó.
" Trong bài " Phong trào thơ mới " Tiên sinh có câu : "... cũng có xem đến một vài bài thơ mới đăng trên các báo chí nhưng thực chưa lấy làm xứng ý " mà tôi đây cũng lấy làm bất mãn lắm...Tôi là một người yêu " thơ mới " - xin thú thật với Tiên sinh như vậy. Nhưng tôi cứ thành thực tố cáo với làng thơ rằng : phần nhiều những nhà tân thi nhân hình như không hiểu cái âm luật huyền bí, cái cách tiết tấu tự nhiên của tiếng ta...
" Đã đành có khi cần phải tạo ra những điệu mới nhưng người nào nghĩ rằng muốn tạo ra thế nào thì tạo, thật là lầm to...
Cái " điệu " phải hợp với thi tình, thi tứ, mà cũng cần phải hợp với những luật phép nhất định của thanh âm. Trên các báo chí ở đây tôi thấy nhiều bài " thơ mới " chữ dùng rất sôi nổi vần điệu khó khăn, lại có những câu dài dằng dặc đọc lên nghe lổng chổng nghênh nghênh thế nào !
" Đối với người thường, một câu thơ có thể dài mấy cũng được, nhưng đối với các lỗ tai rất sành sỏi của thi nhân sự ấy rất có hạn định...Trong thể ca trù cũng có lắm câu rất dài, những câu dài ấy là gồm nhiều câu ngắn nương tựa vào nhau, câu thơ mới dễ ngâm...
" Hãy bình tĩnh mà xét, ý tứ của những bài " Thơ mới " ấy không phải là không hay, nhưng ý tứ hay mà làm gì, nếu không biết diễn tả ra được một cách dễ dàng, trơn tru, êm ái...Cái " thi tứ " nào luyện bằng một âm hưởng du dương, mới hòng đi tới lòng ta được, bằng không nó sẽ đi lên trí ta và nó chỉ làm cho ta suy nghĩ mà không làm cho ta cảm xúc ".
Tuy có đồng ý với Tản Đà mà chê một ít bài thơ mới, Lưu Trọng Lư cũng tha thiết yêu cầu Tản Đà không nên vì những sự sơ xuất đó mà hờ hững ác cảm với thơ mới :
" Dầu sao cũng không nên vì đôi điểm lầm lỗi của nhà Tân thi nhân mà hờ hững với " phong trào thơ mới "... Hình thức của thơ phải mới, mới luôn, cho hợp với tâm hồn của ta, cái tâm hồn phiền phức của ta, trong khi tiếp xúc với hoàn cảnh mới, lại càng thêm phiền phức...
" Tiên sinh nghĩ sao ? ".
Hoài Thanh ca ngợi thơ mới trên T.T.T.B.
Đồng thời với Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh cũng dùng Tiểu Thuyết Thứ Bảy (số 31, 29-12-1934) để bàn về " Thơ mới ".Theo Hoài Thanh, xét cho cùng ra, không có thơ mới cũng như không có thơ cũ : chỉ có thơ mà thôi, tức là thơ làm ngày xưa và thơ làm ngày nay. Cái hay, cái kiệt tác không lệ thuộc ở thời gian mà ở thiên tài của thi nhân :
" Trước hết một câu hỏi, thơ mới có hay không có ?
" Nói một cách tuyệt đối văn thơ không có xưa không có nay, vì vô luận xưa nay, hễ ghép chữ thành câu, có ý tứ, có âm điệu, gợi được mỹ cảm cho người nghe, đều gọi là thơ cả.
" Ta đọc những câu :
Dưới dòng nước chảy trong veo 
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha... 
. . . . 
Cảnh ấy tình này thôi hết muốn 
Trời kia đất nọ nỡ cho đành
Hay những câu của Thế Lữ :
Lơ lửng cao đưa tận chân trời xanh ngắt 
Mây bay, gió quyến mây bay... 
Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt 
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may
" Mấy đoạn văn này đều gợi được thi cảm trong lòng ta, ta cần gì phải phân biệt xưa nay ".Tuy nhiên nếu bình tâm mà nhận định ta vẫn thấy có một cái gì khác biệt giữa hai thể thơ mà người ta gọi là cũ, là mới : " Tuy vậy cái mục đích của nhà làm thơ, cái công dụng của thơ không khác, mà cách xếp đặt có khác, có bài thơ làm theo lối nhất định ngày xưa, có bài lại không theo niêm luật nào, những bài thơ không theo niêm luật này, quả như ông Tản Đà đã nói, không phải đợi đến vài năm gần đây mới có, song chắc ông Tản Đà cũng phải nhận rằng chỉ trong khoảng vài năm gần đây, lối thơ ấy mới thành phong trào, có địa vị hẳn hoi trên văn đàn nước nhà, phong trào thơ mới ngày nay đã thành sự thực hiển nhiên, " thơ mới " có vậy.
" Thơ mới không những có, mà lại có những tay thi sĩ có tài sản xuất nhiều tác phẩm rất giá trị nữa ".
Sau đó, Hoài Thanh trích của Thế Lữ mà Hoài Thanh gọi là những vần thơ kiệt tác :
" Những câu thơ của Thế Lữ tôi dẫn trên kia hay những câu sau này của Lưu Trọng Lư có đăng trong một kỳ Tiểu Thuyết Thứ Bảy vừa rồi. " Nếu đem so sánh với các áng văn kiệt tác xưa nay của nước ta, tưởng không có gì phải hổ thẹn.
" Ban đêm đi dạo, thoáng nghe mùi thơm của một đoá hoa mà tưởng tượng :
...Kiếp trước hoa là thiếu nữ 
Sống một kiếp, vạn người thương 
Chết vô duyên vùi bên đường. 
. . . . . 
Một đám đất vàng 
Dãi nắng dầm sương... 
Trên đống sương lạnh 
Thổi lên một nhánh 
Lúc canh trường 
Thoảng mùi hương...
" Mới trong thời gian rất ngắn, mà đã có những kết quả tốt đẹp như thế, thì thơ mới còn nhiều hy vọng về sau. "Cũng giống như Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh nhìn nhận toàn thể cơ cấu xã hội đang bị cuốn phăng theo trào lưu mới : tất cả cuộc đời dân tộc ta đang đổi mới. Tâm tình ta, tuy có thay đổi chậm hơn cả, nhưng cái lúc nó thay đổi cũng đã đến rồi :
" Nước ta trong mấy ngàn năm sống một cuộc đời chất phác, bình dị, tư tưởng, tình cảm, người ta cũng vì đó mà bình dị, cứ phô diễn theo những qui tắc đời trước cũng đủ.
" Nhất đán, phải tiếp xúc với văn minh Âu Tây, bao nhiêu nền tảng kiên cố về lễ nghi, về tôn giáo, về xã hội, về chính trị, đều bị một phen rung rinh, điên đảo, trước mắt, bỗng bầy ra những cảnh rực rỡ nguy nga, cũng như cảnh thảm mục, thương tâm chưa bao giờ thấy. Lúc đầu còn ngơ ngác chưa hiểu ra thế nào dần dần cũng uốn mình theo cuộc sinh hoạt mới để mưu lấy sự sinh tồn, ăn bận theo lối Tây, nhà ở xây theo kiểu Tây, cũng dùng ô tô cũng đi xe lửa, cũng mở thương điếm, công trường, đó là cuộc cải cách về vật chất.
" Tiếp đến cuộc cải cách về tư tưởng, người mình cũng có kỹ sư, cũng có bác sĩ, cũng nghiên cứu khoa học, triết học thái tây ".
" Song cuộc cải cách chỉ ở trong vòng vật chất và tư tưởng thì chưa được sâu xa, hoàn toàn ; còn phải có một cuộc cải cách về tình cảm nữa. Phong trào thơ mới là tiêu biểu cho cuộc cải cách này vậy, cũng bởi tình cảm là phần cốt yếu trong tâm tính người ta, khó thay đổi hơn lý trí cùng mọi tập quán sinh hoạt hàng ngày, nên mãi hơn nửa thế kỷ tiếp xúc với văn hoá Âu Tây mới thấy có sự thay đổi rõ rệt, sự thay đổi này không phải chỉ riêng vài người mà chung cho rất nhiều người. Các thi sĩ trong làng thơ mới đã được hoan nghênh một cách đặc biệt cũng vì hợp với lòng khát vọng của phần đông.
" Người ta thường nói " Nguồn thi cảm ", mà quả thế, thi cảm là một dòng nước vô hình chảy ngầm ngầm từ đời này qua đời khác trong tâm hồn dân tộc. Lúc thường dòng sông phẳng lặng đi theo lối có sẵn từ ngàn xưa, gặp lúc giông tố, năm bẩy nguồn nhóm lại, sức nước quá mạnh, tung bờ, vỡ đê, chảy tràn lan khắp đồng ruộng. Nhưng tràn lan một lúc rồi cũng phải tìm lối đi, nhân đó sẽ có thêm nhiều dòng sông mới, dần dần lại cùng phẳng lặng chảy hoài như xưa cho đến ngày có một cơn giông tố khác.
" Tôi muốn dòng sông kia như khuôn phép mà làng thơ mới sẽ tự tạo ra và buộc mình vào trong vì một lối thơ mới tồn tại không thể có qui tắc nhất định. Người có thiên tài thì tự nhiên sẽ lựa được những âm điệu có thể làm rung động lòng người nhưng thiên tài hiếm, lẽ tất nhiên làm cho không phải ai cũng có thiên tài, một người tìm ra được âm điệu hay, năm ngàn người cùng làm theo âm điệu ấy đã thành ra qui tắc rồi đó.
" Vậy bây giờ thơ mới đã có qui tắc gì chưa ? Hiển nhiên là chưa có. Không theo phép tắc khuôn khổ xưa thì người ta gọi là mới, hai chữ thơ mới hiện nay chỉ có thể định nghĩa một cách tiêu cực như vậy, mà thôi, lối thơ sau này, câu thơ sẽ dài hay ngắn thể nào, điệu thơ sẽ thể nào, chưa ai biết được, song có điều chắc chắn, là thơ thì phải có vần. Những bài Nguyễn Du, Nietzche của Thái Can trong quyển Những Nét Đan Thanh, ý tứ dồi dào đều là những bài văn xuôi rất hay, nhưng không thể xem là thơ được, thơ phải có vần, phải chú trọng về âm điệu, phải mượn thêm âm điệu trao mối cảm cho người ta nhiều hơn là mượn ý tứ ly kỳ hay sâu sắc ".
Sau cùng, cũng giống như Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh dầu có trách một ít sơ suốt của làng thơ mới vẫn bênh vực thơ mới, vẫn chịu rằng thơ mới đã có những thiên tài xứng đáng :
" Các ông trong làng thơ cũ thường hay có ác cảm với thơ mới đó là lẽ tất nhiên. Họ lại còn nói xấu nữa " mấy anh trẻ con không có nho học, không biết niêm luật thơ là thế nào cũng muốn kiếm một chỗ ngồi giữa đình làng thơ, nên mới phải bày ra lối thơ mới. " Điều này quả là một điều vu oan. Tôi thấy phần nhiều các ông làm thơ mới đều có biết làm thơ cũ, chỉ vì qui tắc thơ cũ quá chật hẹp không đủ phô diễn những mối cảm xúc, những tính tình mới mẻ phức tạp của họ nên họ phải đi tìm những phép tắc rộng rãi hơn đó thôi. Một đôi khi vui vui, họ cũng làm thử lối thơ cũ thì thơ họ hay lắm. Những bài " Học trò đi học đã về " (1), " Hoa ái tình " (2), của Thái Can ; " Túp lều cỏ " " Nhớ lại ngày " (3) của Lưu Trọng Lư ;bài " Năm qua " (4) của Leiba, bài " Than thở của nàng Mỹ Thuận " (5) cùng nhiều bài khác của Thế Lữ đều là những bài thơ có giá trị, cùng với mấy bài này ta có thể kể luôn mấy bài thơ của Đông Hồ : " Bốn cái hôn " (6), " Cô gái xuân ", " Cái hôn lần đầu " (7) tuy ông Đông Hồ không tự nhận mình là một nhà thơ mới.
" Có một điều, nguồn thi cảm mới đầu có đi theo những phép tắc xưa vẫn giữ tính cách riêng của nó ; mà những bài thơ tôi vừa kể trên này nếu gọi là thơ mới có lẽ đúng hơn là thơ cũ. " (Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 31, 29-12-1934).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved