Home » » VỀ VỤ ÁN NHÂN VĂN GIAI PHẨM - 32

VỀ VỤ ÁN NHÂN VĂN GIAI PHẨM - 32

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012 | 02:04

Cần phải chính quy hơn nữa

(Nhân Văn, số 4 ra ngày 5.11.1956)

Nguyễn Hữu Đang

Trong bản báo cáo của ông Khơ-rút-sốp trước Đại hội lấn 20 Đảng cộng sản Liên xô có một đoạn nói vắn tắc, gần như lướt qua, mà thực ra rất là quan trọng.



Đoạn đó nói về sự quan tâm của Trung ương Đảng đối với vấn đề củng cố nền pháp trị xã hội chủ nghĩa và kết luận:

"Những tổ chức của Đảng, của Nhà nước và các công đoàn phải chú ý với một tin thần cảnh giác đến việc tôn trọng pháp luật Xô-viết và tố cáo, vạch mặt bất cứ ai phạm vào nên pháp trị Xô-viết và những quyền công-dân Xô-viết, đàn áp nghiêm khắc từ những biểu hiện phi pháp và độc đoán nhỏ".

Tại sao sau ba mươi tám năm kiến thiết chủ nghĩa xã hội với hai lần đặt hiến phápvà nhiều lần chỉnh lý pháp luật cũng như sửa đổi hệ thống và lề lối xét xử của tòa án, bây giờ sắp bước vào giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô còn phải đặt vấn đề pháp trị một cách nóng hổi như vậy?

Chính là vì trong bao lâu Sta-lin đã lạm dụng quyền hành, dung túng bè lũ phản cách mạng Bê-ri-a, lấy uy thế chính trị mà lũng đoạn bộ máy nhà nước, vi phạm nghiêm trọng chế đọ pháp trị. Coi thường pháp luật đã trở thành một tác phong của nhiều cán bộ, của nhiều cấp ủy Đảng hay cơ quan chính quyền. Biết bao nhiêu công dân lương thiện và Đảng viên tốt - kể cả Trung ương ủy viên của Đảng - đã bị tù đày, bắn giết oan trong tình trạng đó? Cho nên Đại hội phải quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ chế độ pháp trị đó là hiện thân của tinh thần nhân văn, tinh thần dân chủ, tinh thần kỷ luật trong một nước văn minh.

Điều này trong xã hội ta không phải ai cũng công nhận dễ dàng. vì lòng khinh bỉ của chúng ta đối với pháp lý tư sản lớn quá đến nỗi ở một số đông người nó đã trở thành lòng khinh bỉ pháp lý nói chung. Vì trong cuộc kháng chiến kéo dài và gian khổ, chúng ta đã quen giải quyết mọi công việc to nhỏ trong không khí gia đình, với tinh thần tùy tiện. chúng ta đã quen dùng cái "linh động" để gỡ cho công việc trôi chảy được mỗi khi vấp phải các điều quy định chính xác. Chúng ta đã quen dùng cái "lập trường" để thay cho luật lệ cụ thể.

Và kháng chiến đã thành công, độc lập và dân chủ ít ra cũng đã được thực hiện trên một nữa đất nước, nên chúng ta cũng dễ chủ quan, tự mãn tưởng rằng nền nếp cũ vẫn còn có giá trị.

Nhầm to. Nếu hiện tượng trên là tất yếu đối với hoàn cảnh chiến tranh du kích thì trái lại, nó không có một lý do tồn tại nào trong hoàn cảnh hòa bình.

Hòa bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền Bắc như ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi tình trạng thiếu một nền pháp trị hẳn hòi.

Trong Cải cách Ruộng đất, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính là nông dân mà bị quy sai thành phần), không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị hẳn hòi. Giá các Đoàn U±y lúc nào cũng thấy trên đầu họ con mắt theo dõi của thần công lý, giá lúc nào họ cũng thấy văng vẳng bên tai câu nhắc nhở của tòa án: "hễ làm trái pháp luật là bị truy tố đấy" thì chắc chắn là họ đã thận trọng hơn và nhiều tai vạ đã tránh được cho nhân dân rồi.

"Giết nhầm thì sẽ bị kiểm thảo", ý nghĩ ấy có thể là nghiêm chỉnh, nhưng nó mới nhẹ nhàng, thoải mái làm sao!

Sẽ có những người nói: "Sở dĩ nên nông nổi ấy là vì họ không vững lập trường".

Vững lập trường! Điều đó rất quí nhưng chưa đủ. Không phải cán bộ nào, công dân nào cũng vững lập trường. Và ngay những người thật sự vững lập trường mà không có nền pháp trị tinh vi làm mực thước thì cũng chỉ có cái bảo đảm nhận thức được một cách chung chung về phương hướng và yêu cầu của công việc chứ không có bảo đảm biết làm cho đúng phương pháp, cách thức để đạt tới yêu cầu đó.

Sẽ có những người lo xa: "Đặt ra lắm luật lệ rất dễ đưa đến những bệnh quan liêu, máy móc, hình thức"

Không phải thế. Quan liêu, máy móc, hình thức là những bệnh do thiếu lý luận cách mạng. thiếu đạo đức cách mạng, thiếu nhiệt tình cách mạng. Chẳng biết ít lệ luật sẽ giúp cho việc tránh các bệnh ấy được đến đâu nhưng nhất định không ai có thể chối cải điều này: ít lệ luật là một điều thuận tiện cho sự lạm quyền, độc đoán.

Nhiều lệ luật vẫn có kẻ lạm quyền, độc đoán được. Nhưng điều đó chỉ dễ thực hiện trong chế độ cũ, luật lệ đã mang sẵn tính chất áp bức nhân dân hoặc theo nguyên tắc thì dân có quyền dùng nhưng trên thực tế thì không biết mà dùng. Còn trong chế độ ta, nhân dân có đủ cả quyền hành, ý thức và lực lượng để dùng luật lệ, bảo vệ luật lệ, thì họ sẽ không để cho những kẻ kia lạm quyền, độc đoán được mãi.

Do pháp trị thiếu sót mà cải cách ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình làm như một bộ phận của nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe dọa chính trị trắng trợn, ngăn cản việc mua đọc báo Nhân Văn, hành hung báo Trăm Hoa v.v...

Tưởng đã đến lúc nhân dân phải tích cực bảo vệ chế độ bằng cách tố cáo những hành động phi pháp ở bất cứ trường hợp nào đã có luật lệ rồi

Về mặc xúc tiến xây dựng ngay một chế độ pháp trị đầy đủ, tinh vi, chúng tôi đề nghị:

1.- Thi hành Hiến Pháp (hoặc là Hiến pháp 1946 sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ngày nay, hoặc là Hiến pháp mới sẽ đặc ra). Trên cơ sở Hiếp pháp, Quốc hội sẽ biểu quyết những đạo luật thay các sắc lệnh và nhiều văn kiện khác.

2.- Quốc hội họp đều, sáu tháng một kỳ. Không có lý gì trong hoàn cảnh hòa bình mà công việc của Quốc hội vẫn khoán trắng cho một Ban thường trực gần như không hoạt động gì.

3.- Chấn chỉnh ngành tư pháp, chủ yếu là tăng quyền hành thực sự của Bộ tư pháp.

Chúng tôi tin rằng toàn thể các tầng lớp nhân dân đều đồng tình với chúng tôi về ba đề nghị trên. vì nhân dân thiết tha mong được sống trong xã hội chính qui hơn nữa.

Để mọi quyền làm ăn, sinh hoạt và tự do dân chủ khỏi bị xâm phạm.

Để được thoải mái góp phần kiến thiết quốc gia.

12.10.56

Không Phải Chuyện Cười: Chung quanh tờ Nhân Văn

(Nhân văn, số 4, ra ngày 5.11.1956)

Cho tôi cảm tưởng

Trong một nhà nọ có phố K.T. anh bạn tôi đang say mê đọc báo Nhân văn thì chợt cửa mở, đồng chí hộ khẩu vào chơi. Qua chén trà, điếu thuốc , đồng chí hộ khẩu cất cao giọng:

-Nhà mày cũng đọc báo Nhân Văn à?

Không đợi trả lời, đồng chí hộ khẩu đã oang oang:

- Đọc xong, ngày mai cho tôi cảm tưởng nhé !

Nói rồi đi ra thẳng.

Anh bạn tôi ngồi bóp trán suy nghĩ mãi về câu nói đó, và cuối cùng đánh diêm châm đốt tờ báo cho được ... bình yên vô sự !

Có mà chết sớm...

Một ông khách vào hiệu sách ở Hồng Quảng.

- Ơ đây có báo Nhân Văn không ạ?

- Không ạ.

- Thấy báo ấy viết hay lắm, sao ông không đại lý ?

Ông chủ hiệu vuốt sợi ria mép, thủng thẳng:

- Bán báo gì chứ bán Nhân Văn có mà... chết sớm !

Lộ ra thì tao chết

Mười lăm năm nay tôi mới gặp T. Gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.

Bỗng T. cất giọng:

- Mày dám viết cho Nhân Văn cơ à?

Câu nói của T. làm tôi suy nghĩ. Rồi T. chậm rãi:

- Tiếc quá tao không được đọc số 1.

- Khó gì, về tao gửi xuống cho. T. sua tay nói vội :

- Chớ, chớ ! Lộ ra thì tao chết. Ơ đây đọc cũng phải "bem" đấy.

Đừng đọc báo phản động đấy.

Chị cán bộ phụ trách khu phố đến từng nhà làm công tác dân vận. Hết chuyện ta ra chuyện người, thao thao bất tuyệt .

Rồi chị ra bàn lục lọi, một lát giơ cao tờ Nhân Văn nói:

- Chết ! đừng đọc báo này, báo phản động đấy !

Bà chủ nhà thảm nhiên:

- Thế à? Em tưởng chỉ ở trong Nam mới có báo phản động thôi chứ ?

- Không phản động hẳn nhưng mà là do một số văn nghệ sĩ đại bất mãn, địa vị, bực tức cá nhân viết đấy mà, có hay gì đâu cơ chứ !

Bà chủ nhà nhịn cười mời khéo chị cán bộ ra cửa.

Sang nhà bên cạnh, hỏi dò mới vỡ lẽ ra: bà chủ nhà vừa rồi là vợ ông T. một người trong ban biên tập báo Nhân Văn.

Có oái oăm không !?

Trúc Lam

Vậy thì... ghét hay yêu ?

Cũng chưa oái oăm bằng cái việc báo gửi qua bưu điện cứ thường bị mất. Bạn đọc, nhất là các anh em bộ đội đóng ở nơi xa hay viết thư về toà soạn phàn nàn. Rằng:" Thư từ và sách báo là món quà tinh thần của những người ở xa Thủ đô tráng lệ vậy mà sao bưu điện khôg chú trọng cứ lơ là như thế ?"

Có một ông bạn bảo:"Có khi anh em bưu điện yêu Nhân Văn nên giữ lại để đọc đấy".

Lại có một ông bạn bảo:"Có khi anh em họ ghét báo Nhân Văn nên huỷ đi đấy !!...

Vậy thì... ghét hay yêu ?

Sự Thật Về Vụ Xúc Phạm Thi- Bính Và Báo"Trăm Hoa"

(Nhân văn, số 4, ra ngày 5.11.1956)

Bước đầu để thực hiện Thông cáo của Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt- Nam. Tăng cường kiểm tra để bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân và trừng trị kịp thời đúng mức những hành động vi phạm pháp luật.

Chúng tôi đề nghị có những biện pháp thích đáng trừng trị Nguyễn Văn Tổ tức Thiết Vũ trong việc hành hung chủ nhiệm báo Trăm Hoa.

Sở báo chí Trung ương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này.

Đúng như lời Nguyễn Bính, chủ nhiệm báo Trăm hoa, đây là một" chuyện đáng tiếc".Không những "đáng tiếc"mà thực sự đã làm cho nhiều người công phẫn, nhất là trong giới báo chí. văn nghệ và trí thức ở thủ đô.

Báo Trăm hoa số 2 có phản ánh vụ này nhưng chưa chắc đã đúng sự thực.

Theo lời ông Nguyễn Bính chính thức báo cáo trong hai buổi toạ đàm của đại diện Trung ương Đảng Lao động thì trước khi báo Trăm hoa loại mới ra số 1, Nguyễn văn Tổ, cán bộ của sở Báo chí đến đưa cho ông hai bài đả kích báo Nhân văn yêu cầu đăng và đồng thời cũng mập mờ lấy danh nghĩa cơ quan (1) hứa hẹn cấp giấy rẻ cho báo Trăm hoa thừa ra hai"ram" để in không hết, ông sẽ bán đi với giá thị trường rất cao) mà tiêu dùng.

Ông Bính không chối từ ngay việc mua chuộc đó nhưng cũng không đăng hai bài báo kia lấy cớ vì không hay. Sau đó, khi báo Trăm hoa xin cấp giấy cho số 2 thì bị Sở Báo chí rút đi hai "ram" mà báo thì định in tăng nên thiếu. Khiếu nại nhiều lần chẳng được, bất đắc dĩ ông Bính đã phải báo cáo với đại diện Trung ương Đảng trong một buổi toạ đàm ngày 20.10.

Thế là chiều hôm thứ hai 21.10, Nguyễn văn Tổ đến trụ sở báo Trăm hoa vẫn lấy danh nghĩa Sở Báo chí mà chất vấn ông Bính về chuyện báo cáo hôm qua rồi dùng những lời thô bỉ, thậm tệ mà lãng mạ ông, lại toan hành hung ông nữa. Ông Bính phải chạy ra ngoài cửa hô hoán lên, hàng phố kéo đến, người qua đường dừng bước, thành một đám đông. Sau đó ông Bính nhờ người đi báo công an, các bạn đồng nghiệp. Hội Văn nghệ và Sở Báo chí. Thế rồi có cuộc thương lượng giữa ông Trần minh Tước, giám đốc Sở Báo chí và ông Bính. Kết quả chúng ta đã biết: Nguyễn văn Tổ viết một bức thư xin lỗi đăng trên báo Trăm hoa số 2 và đến tự kiểm thảo trong một buổi họp nhân dân khu phố.

Đến đây, câu chuyện xoay chiếu. Vì những lý do bí ẩn nào chúng tôi không rõ. Chúng tôi chỉ biết bức thư xin lỗi và cuộc kiểm thảo kia đưa ra những sự việc khác hẳn những sự việc mà ông Bính đã chính thức báo cáo trong hai buổi toạ đàm ngày 21.10 và tối 23.10.

Nghĩa là nhất định phải có một sự xuyên tạc : hoặc ông Bính đã báo cáo sai, hoặc bức thư xin lỗi và buổi kiểm thảo kia là bố trí giả sao, còn nói rõ ngoài ông Bính ra không ai có thể trả lời.

Riêng chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với thi sĩ Nguyễn Bính khi ông nhận định về cái tầm quan trọng của vụ này

"Những hành động và lời nói thiếu lễ độ của anh Tổ không những chỉ xâm phạm đến danh dự cá nhân tôi, đến danh dự toà báo Trăm hoa, mà còn tổn thương đến danh dự chung của các người làm báo chí văn nghệ , tổn thương chug đến danh dự các báo chí ấy là chưa kể nó đã xâm phạm đến quyền tự do dân chủ nói chung ".(Trăm hoa số 2)

Nói khác ra, cách sửa chữa đối với cá nhân ông Bính và báo Trăm hoa đã hợp lý hay chưa, không đáng cho chúng ta quan tâm nữa nếu chính bản thân ông Bính không yêu cầu gì thêm. Vấn đề còn có thực và sôi nổi không ai có thể dấu đi hoặc dèm pha những người nêu ra bằng những danh từ vu cáo quen thuộc:"thổi phồng", "khoét sâu", "bàn tay địch" v.v...

Người ta biết rằng chủ nhiệm báo Trăm hoa vì đi dự toạ đàm với đại diện Trung ương Đảng, có báo cáo chuyên mua chuộc và trả thù bỉ ổi nên khi trở về bị lăng mạ và xuýt bị hành hung. Việc đó có một ý nghĩa xúc phạm gián tiếp đến cuộc toạ đàm không còn ra thể thống gì nữa .

Người ta lại biết rằng gần đây các giới văn nghệ và trí thức thắc mắc rất nhiều về vấn đề bảo vệ nhân phẩm của văn nghệ sỹ, trí thức và quyền tự do dân chủ, giữa lúc này mà ở ngay sát cạnh Trung ương Đảng và Chính phủ, một cán bộ của sở báo chí ngang nhiên láo xược, hung hãn đối với một văn nghệ sỹ lại là chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ báo, thì hãy hỏi ý muốn chứng minh điều gì có lợi cho chính sách, cho chế độ ?

Người ta lại biết rằng Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động vừa mới quyết định "bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân và trừng trị kịp thời đúng mức những hành vi phạm pháp luật "và những cơ quan chính trị và tư nhân có trách nhiệm và thẩm quyền đối với vụ này phải có thái độ rõ ràng và biện pháp cụ thể để chứng tỏ với nhân dân cả nước rằng quyết định trên có được thi hành đúng đắn. Nếu không thì những hành động côn đồ, manh động sẽ có thể xẩy ra luôn luôn và ngay cái an ninh trật tự thông thường giữa thủ đô cũng bị tổn thương, chưa nói đến tự do dân chủ vội.

Tội Nguyễn Văn Tổ như thế mà giải quyết bằng một buổi kiểm thảo chiêu lệ ở khu phố và một bức thư xin lỗi chung chung sơ lược thì chưa phải là xử trí thích dáng, chỉ càng làm cho các giới báo chí, văn nghệ và trí thức công phẫn thêm và không thể có tác dụng giáo dục "răn trước ngừa sau"hiệu quả.

Kẻ nào nói"làm thế là xong, là ổn thoả rồi"là kẻ nói một câu khôi hài khinh miệt quần chúng.

Trước khi chấm hết bài này, chúng tôi đề nghị ba điều:

1- Thủ tướng Phủ cần điều tra xem vai trò của Sở Báo chí trong vụ này thế nào. Chúng tôi không thể công nhận rằng Sở Báo chí ở ngoài cuộc.(Làm sao cắt nghĩa được việc cấp thừa giấy và rút bớt giấy ?)

2- Ông Xuân Thuỷ, Hội trưởng "Hội những người viết báo Việt nam" và ông Nguyễn Tuân, Tổng thư ký "Hôi Văn -nghệ Việt nam "không nên tiếp tục làm thinh đối với vụ này. Quần chúng và anh em báo chí, văn nghệ rất chú ý đến thái độ của các ông.

3-Những bạn hay lo địch lợi dụng để phần tuyên truyền ta hãy lên tiếng đòi nghiêm khắc trừng trị Nguyễn Văn Tổ. Vì muốn cho địch hết đường lợi dụng thì không thể dùng cách yếu ớt là che dấu mà chỉ có một cách đường hoàng là trừng trị nghiêm khắc những kẻ làm bậy để tỏ rõ chế độ ta tốt đẹp không bao giờ dung túng lòai sâu mọt .

Người Quan Sát

(1) Chúng tôi nói"mập mờ lấy danh nghĩa cơ quan "vì nếu dứt khoát lấy danh nghĩa cá nhân thì rất vô lý:cá nhân Nguyễn Văn Tổ làm gì có quyền cấp giấy ban ơn?

Thành Thật Đấu Tranh Cho Tự Do Dân Chủ

(Nhân văn, số 4, ra ngày 5.11.1956)

Trần Duy

Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt nam có nhận định ở Miền Bắc chúng ta chưa thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân và đã thảo luận những biện pháp bổ khuyết cần thiết để đề nghị với Chính phủ và Quốc hội .

Chúng ta hoan nghêng những nhận định ấy, và rất hy vọng những biện pháp bổ khuyết cần thiết trên sẽ mang lại cho báo chí, văn nghệ, đời sống miền Bắc một luồng gió mới ...luồng gió tự do dân chủ .

Bản chất chế độ ta là dân chủ. Nó là một nhân tố chủ yếu đảm bảo quyền lợi của chúng ta. Vi phạm tự do dân chủ nhất định không phải là một hành động thích hợp với chế độ.

Việc phi phạm ấy từ lâu vẫn có, tất nhiên không phải vì chính sách của Đảng và Chính phủ, nhưng dù sao Đảng và Chính phủ, cũng chịu trách nhiệm trong việc thiếu sót và hạn chế tự do dân chủ ấy.

Chúng ta đòi quyền tự do dân chủ, có nghĩa là chúng ta đấu tranh để được làm tai mắt cho Đảng và Chính phủ, giúp Đảng và Chính phủ sửa chữa những khuyết điểm sai lầm để bảo vệ và xây dựng chế độ.

Báo nhân văn đấu tranh cho tự do dân chủ, cũng không ngoài ý muốn nào khác là tự nguyện làm một tên lính tiên phong cùng Đảng và nhân dân chiến đấu cho một mục đích chung.

Nhưng từ ngày nhân văn ra đời cho đến nay, nó phải trải qua những thử thách, nó bị làm khô dễ nếu không nói là phá hoại.

Những hành động phá hoại ấy tuy riêng lẻ, không có một chủ trương nào dứt khoát, nhưng nó thành hệ thống, liên lạc, chứng tỏ rằng nó có chịu một sự chỉ huy.

Những sự việc ấy đều đã xẩy ra trước bản thông cáo của hội nghị lần thứ 10. Những sai lầm ấy (...) tôi muốn đưa ra xét lại một lần cuối cùng, những việc làm không tốt đẹp ấy, để thanh toán dứt khoát, hy vọng thành thật tìm hiểu nhau hơn trong việc đấu tranh mở rộng tự do dân chủ.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Trung Ưng trong một cuộc hội nghị báo chí ó nói:"Bản chất chế độ ta tuyệt đối là tốt. Những sai lầm tạm thời nhất định chúng ta khắc phục được". Lời tuyên bố của đồng chí Trinh nói lên ý chí kiên quyết của Đảng muốn chấm dứt tình trạng sai lầm trước, sai lầm về nhiêu mặt, trong đó có sai lầm nghiêm trọng về tự do dân chủ.

Những sai lầm đối với báo nhân văn, không đơn thuần là sai lầm đối với một tờ báo mà nóvi phạm đến tự do dân chủ, một vấn đề mà Nhân văn đang đề cập đến và đấu tranh kiên quyết để được thực hiện.

Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội.

Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thể lực cản trở, xuyen tạc, phá hoại có khi bằng cả những phương pháp đen tối, độc ác. Đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ là một công việc có tính chất thuần tuý hành chính. Nó phải có một tính chất quần chúng rộng rãi. Quần chúng phải là"Bao công" có quyền thực sự kiểm soát mọi công việc của Nhà nước, của cán bộ. Chúng ta cần phải tích cực ủng hộ và giúp đỡ Trung ương Đảng để đẩy mạnh việc mở rộng tự do dân chủ đề ra trong nghị quyết. Vì thế hôm nay. Nhân văn sẽ cùng các bạn kiểm điểm lại một số việc đã qua, để cùng nhau có một nhận định và cùng nhau quyết tâm hơn bước vào xây dựng giai đoạn mới.

Báo nhân văn ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt. Động cơ nào đã thúc đẩy anh em văn nghệ và trí thức ra tờ báo Nhân văn::: Nó được ra đời như thế nào:::Và nó đã bị đối xử như thế nào:::

Trong những ngày Hội Văn nghệ tổ chức lớp học tập lý luận, đa số anh em xem lớp học này chỉ là một lớp học chiêu lệ, nêu lên thắc mắc để được giải đáp, đánh thông_ nắn lại một vài sai lệch về sinh hoạt và lập trường để rồi lại đâu vào đấy, lãnh đạo lại bước theo những vệt lằn cũ của con đường nó đã từng đi trong mười năm nay. Vì thế cho nên mở đầu lóp học , đa số anh em tỏ ra thái độ tiêu cực , không phát biểu ý kiến...thái độ thông qua.

Nhưng trong thời gian học tập lúc đề cập đến vấn đề lãnh đạo đường lối văn nghệ...v.v...đưa lại cho anh em một nhận định về toàn bộ sự lãnh đạo, và làm cho anh em thấy rõ nhiệm vụ đấu tranh cùng nhân dân củng cố chế độ và Tổ Quốc.

Tiêu cự, làm ngơ, thở dài bị quan trọng lúc này là một tội lớn đối với lịch sử đối với sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Sống trong một xã hội mà sự tự do đã chính thức được nghi lên giấy trắng mực đen trong tuyên ngôn Độc lập, trên Hiến pháp sao tự do vẫn còn bị vi phạm trắng trợn ở trên địa hạt tư tưởng, trí thức, và cả trên định mệnh xương thịt của con người:::

Chúng ta tin ở đường lối Mác-Lê-Nin, tuyệt đối tin ở chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa đẹp nhất của nhân loại, trẻ nhất của lịch sử con người, mới nhất, mà tại sao chúng ta vẫn còn già nua, còm cỗi, sống còng lưng dưới những nặng nề của công thức, tại sao vẫn còn nhai đi nhai lại, gò gập cuộc sống theo nếp đời đã cũ mọt. Ai ngăn cản cuộc đời trỗi dậy ::: Vì Đẩng ư::: vì cán bộ ư::: chính sách đúng hay sai:::

Những yêu cầu chính đáng cần được đưa ra ánh sáng để đảng thấy rõ, quần chúng tham gia giải quyết.

Do đó anh em chủ trương ra một tờ báo.

Báo Nhân văn ra đời tự nguyện làm một trong những tên lính tiên phong tích cực cùng nhân dân và Đảng, chiến đấu chống những sai lầm lệch lạc, những hủ bại trong tác phong lãnh đạo đã vi phạm đến những nguyên tắc căn bản xây dựng Đảng, xây dựng chế độ.

Cho nên khi anh em lấy tên cho tờ báo là"Nhân văn"là do một lòng nhiệt tình đối với chủ nghĩa, đối với con người của chế độ. Vì chúng ta cùng thấy rằng không còn gì cao quý và đẹp đẽ hơn là thực hiện và đấu tranh để thực hiện cho kỳ được chủ nghĩa nhân văn trong đời sống con người.

Anh em nghèo, vốn không có, góp tiền với nhau để ra tờ báo. Chật vật lắm tờ báo mới được ra đời. Vừa ra đời thì những danh từ" phản ứng giai cấp", "tư sản lợi dụng"

"tiếng nói của tư sản""Đề quốc bắc cầu" đã chụp lên đầu anh em những chiếc mũ nguy hại.

Trong thời gian tiến hành in báo Nhân văn, vụ điển hình về phá hoại là vụ Hoàng Đao.

Hoàng Đao là ai::: Theo lời y tự giới thiệu với một số bạn , thì y trước là một cán bộ công an, hiện nay là một cán bộ công nghiệp, làm giám đốc một xí nghiệp lớn được đặc phái phụ trách theo dõi và chống phá Nhân văn.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved