Home » » Bài giảng bậc đại học hay hành trình suy ngẫm

Bài giảng bậc đại học hay hành trình suy ngẫm

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012 | 04:12

Bài giảng bậc đại học hay hành trình suy ngẫm


Nguyễn Thị Từ Huy
Michael Sandel trong một giờ giảng
về công lý ở ĐH Harvard.

Bài viết phân tích một số điểm trong cuốn sách “Justice: what’s Right Thing to do?” để xác định đặc điểm của một dạng bài giảng phổ biến ở đại học Phương Tây, thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, tác giả cũng liên hệ, đối chiếu với quan niệm về bài giảng ở đại học Việt Nam, trong lĩnh vực này.

Hành trình suy ngẫm

Trước mắt tôi là bản dịch tiếng việt của cuốn “Justice: what’s the Right Thing to do?"1. Nội dung cuốn sách là bài giảng2 của Michael Sandel, Giáo sư ĐH Harvard. Tôi dựa vào việc phân tích vài điểm trong cuốn sách này để trả lời câu hỏi: bài giảng ở bậc đại học (ngành khoa học xã hội và nhân văn) là gì?3

Chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ đoạn xác định mục tiêu này của Michael Sandel để làm rõ một số đặc điểm của một dạng bài giảng ở bậc đại học:

Bài giảng là kết quả của hoạt động tư duy, của sự suy nghĩ cá nhân, là đóng góp riêng của giảng viên; chứ không chỉ là kết quả của một sự tóm lược hay giới thiệu các tác giả khác.
Aristotle, Immanuel Kant, John Stuart Mill, John Rawls4 sẽ xuất hiện trong quyển sách này. Nhưng thứ tự họ xuất hiện không phải theo thời gian. Cuốn sách này không phải giới thiệu lịch sử tư tưởng mà là cuộc hành trình suy ngẫm đạo đức và chính trị. Quyển sách không cố gắng chứng minh triết gia nào ảnh hưởng tới triết gia nào trong lịch sử tư tưởng chính trị, mục tiêu của quyển sách là mời gọi độc giả xem xét cẩn trọng quan điểm về công lý và sự xem xét mang tính phê bình của mình, để xác định mình nghĩ gì, và tại sao lại vậy.
5

Chúng ta thấy gì ở đây?

Trước hết, bài giảng là một vấn đề khoa học, ở đây là vấn đề công lý (justice). Và đó là một “hành trình suy ngẫm” (cụ thể trong bài này là suy ngẫm về đạo đức và chính trị) của người giảng viên, Michael Sandel.

Thứ hai, để có thể suy ngẫm, giảng viên phải tìm hiểu toàn bộ lịch sử của vấn đề này, kể từ Aristotle trở đi, để xem vấn đề đã được khai thác như thế nào, xử lý như thế nào, quan niệm của các triết gia ra sao. Tuy nhiên, như ông nêu rõ, ông không làm công việc giới thiệu lịch sử tư tưởng, không so sánh đối chiếu để xem xét các ảnh hưởng hay sự phát triển. Nghĩa là ông không nghiên cứu các tác giả của quá khứ như là một đối tượng tĩnh, không nghiên cứu kiến thức như là kiến thức trong sách vở. Mà các kiến thức đó được dùng như là nền tảng, cơ sở trên đó ông tiến hành quá trình “suy ngẫm” của mình. Như vậy bài giảng này là kết quả của hoạt động tư duy, của sự suy nghĩ cá nhân, là đóng góp riêng của giảng viên; chứ không chỉ là kết quả của một sự tóm lược hay giới thiệu các tác giả khác.
Giảng viên biến đối tượng suy tư của mình thành ra đối tượng suy tư của sinh viên, đưa họ tới việc nhận thức xã hội của họ, và tự nhận thức về chính họ, tự xem xét các suy nghĩ của họ.
Thứ ba, đối tượng của sự suy ngẫm là thực tại, là những gì đang diễn ra trong đời sống hiện tại. Kiến thức của quá khứ được dùng để soi chiếu vào thực tại, để nhằm giải quyết các vấn đề của thực tại. Sandel không nhằm mục đích giới thiệu Aristotle, Kant… mà cùng với họ tiếp tục suy nghĩ về vấn đề công lý trong thời đại của ông, về những nan đề mà nó tiếp tục đặt ra trong xã hội Mỹ và trên toàn thế giới hiện tại.


Sandel đặt vấn đề bằng những sự kiện trong đời sống Mỹ: vấn đề giá cắt cổ, huân chương Tử Tâm và gói cứu trợ. Michael Sandel suy ngẫm về các hiện tượng đang xảy ra: hiện tượng mua bán các bộ phận của cơ thể con người, cụ thể là trường hợp mua bán thận; hiện tượng thuê mang thai hộ; chính sách chống kỳ thị; vấn đề tuyển sinh đại học; hiện tượng mộ lính: việc bắt lính hay thuê lính ở Mỹ thể hiện sự công bằng hay vi phạm sự công bằng như thế nào; v.v… Chính trên những thực tế này của thời đương đại mà Sandel đối thoại với các triết gia quá khứ, xem xét những quan điểm rất khác biệt của họ và những điểm cần tranh cãi ở họ. Cách làm này khiến ông có thể đặt vấn đề theo kiểu: “Kant có bảo vệ Bill Clinton không?”6

Như vậy, bài giảng thuộc dạng này không hướng đến mục đích trình bày kiến thức trong sách vở của người khác. Bài giảng hướng tới việc nhận thức và giải quyết các vấn đề của đời sống thực, của xã hội trong đó giảng viên đang sống. Sandel nói rõ: “Đây không phải chỉ là vấn đề triết học. Nó nằm ở trung tâm của những nỗ lực tiếp sinh khí cho các thảo luận chính trị và đổi mới đời sống dân sự của chúng ta.”7

Cuối cùng, mục tiêu của bài giảng không phải chỉ là trình bày hành trình và kết quả suy ngẫm của giảng viên, không phải chỉ là sự giới thiệu thành quả của tư duy, mà “mục tiêu của quyển sách là mời gọi độc giả [trên giảng đường là sinh viên] xem xét cẩn trọng quan điểm về công lý và sự xem xét mang tính phê bình của mình, để xác định mình nghĩ gì, và tại sao lại vậy”.

Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là những suy tư của giảng viên phải hướng tới việc khơi dậy sự suy tư ở trong mỗi một đối tượng giao tiếp, mỗi sinh viên. Giảng viên biến đối tượng suy tư của mình thành ra đối tượng suy tư của sinh viên, đưa họ tới việc nhận thức xã hội của họ, và tự nhận thức về chính họ, tự xem xét các suy nghĩ của họ. Mục đích của sự giảng dạy cuối cùng là giúp sinh viên biết cách đặt ra các vấn đề, nhận diện các vấn đề của xã hội, nhận thức các thao tác xử lý vấn đề, nhận thức về chính mình, về những gì đang có trong đầu mình, về những gì đang diễn ra xung quanh mình.

Để có thể thực hiện một bài giảng theo cách thức mà Sandel đã làm đòi hỏi người giảng viên phải sử dụng tự do của mình trong việc lựa chọn nội dung chủ đề bài giảng, đòi hỏi người giảng viên phải tự do đối diện với thực tế đời sống, tự do sử dụng các dữ liệu thực tế thuộc mọi lĩnh vực, mọi phạm vi: từ đường lối, chính sách của nhà nước, phương thức điều hành của chính phủ, cho đến các sự kiện, hành động thuộc về các nhóm xã hội hoặc mỗi cá nhân trong xã hội.

Giảng viên Việt Nam: Nguy cơ cùn mòn và lạc hậu

Ở đại học Việt Nam, tình trạng chung là ngành khoa học xã hội lạc hậu rất nhiều so với khu vực và thế giới. Vì sao? Do nguyên nhân chủ quan của người giảng dạy? Do các yếu tố khách quan? Dĩ nhiên là do cả hai.

Bài viết này không có tham vọng đề cập một cách toàn diện tới các nguyên nhân tạo nên sự yếu kém của ngành này, mà chỉ nêu lên một số lí do, chắc chắn là chưa đầy đủ, khiến cho bài giảng ở đại học mang tính phổ thông nhiều hơn là tính đại học, và khiến cho nội dung giảng dạy bị lạc hậu.

Trước hết, đó là quy định về chương trình cố định và các môn học bắt buộc. Quy định về chương trình khung và các môn học cụ thể mang tính chất bắt buộc, trên thực tế, là một cách thức hữu hiệu để buộc giảng viên trở nên lạc hậu và cùn mòn, dù muốn hay không. Người ta không thể không lạc hậu nếu trong vòng mười năm hay hai mươi năm buộc phải giảng đi giảng lại một bài giảng.

Nếu không có cơ chế để mỗi giảng viên tự quyết định các bài giảng của mình, nếu không có cơ chế để giảng viên có thể trình bày các kết quả nghiên cứu độc lập của mình như là nội dung của các bài giảng8, thì không thể khuyến khích họ phát triển nghiên cứu. Quy định về chương trình cố định đi ngược lại với những đòi hỏi về sự phát triển của nghiên cứu. Chừng nào nghịch lý này còn chưa được giải quyết, cộng với điều kiện làm việc quá nhiều khó khăn, thì đại học Việt Nam vẫn cứ là nơi hủy hoại nguồn năng lượng chất xám của giảng viên.

Quy định về chương trình khung và các môn học cụ thể mang tính chất bắt buộc, trên thực tế, là một cách thức hữu hiệu để buộc giảng viên trở nên lạc hậu và cùn mòn, dù muốn hay không.
Liên quan đến nhận xét về việc bài giảng đại học của chúng ta nặng tính phổ thông, chỉ cần làm một so sánh nhỏ về tên các bài giảng ở đại học Phương Tây và ở đại học Việt Nam trong lĩnh vực này, ta sẽ thấy bài giảng đại học Phương Tây mang tính vấn đề, còn bài giảng của đại học Việt Nam mang tính chất giới thiệu kiến thức. Ví dụ, các bài giảng của chúng ta, ở các khoa văn học, thường là: Văn học Việt Nam (thế kỷ…), Văn học Việt Nam (giai đoạn…), Văn học Pháp (thế kỷ…), v.v... Hoặc là tên của các tác gia: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hugo, Balzac, Faulkner, v.v… Như vậy bài giảng thường nặng về văn học sử, giới thiệu kiến thức tổng quát. Giảng viên có thể soạn bài một lần để giảng trong nhiều năm. Ở Phương Tây, đối với những năm đầu của bậc đại học, các bài giảng vẫn phải hướng tới mục đích cung cấp các kiến thức nền tảng của ngành học cho sinh viên. Tuy vậy, giảng viên vẫn có quyền thực hiện việc cung cấp kiến thức nền thông qua các vấn đề cụ thể, chứ không chỉ nhất thiết phải trình bày lịch sử của vấn đề hay giới thiệu kiến thức một cách khái quát. Xem chương trình cho sinh viên hai năm đầu của Khoa Lettres, Art et Cinéma, ở đại học Paris 7, Pháp, ta thấy: bài giảng của Félix Perez, Vụ án và cái chết của Socrate - Thành bang trong quan niệm của Platon. Bài giảng của Jean-Christophe Reymond: Vấn đề diễn giải và nhận thức về bản thân ở thời Phục Hưng. Bài giảng của Régis Salado: Hư cấu và sự thật trong thơ v.v… Đấy là một số bài giảng dành cho sinh viên hệ Licence của Khoa Lettres, Art et Cinéma, năm học 2010-2011. Các bài giảng này không lặp lại chương trình của năm trước.


Các nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn ở đại học Việt Nam ít có liên hệ với thực tế. Tình trạng chung là có một khoảng cách, nhiều khi rất xa, giữa kiến thức được giảng dạy (kiến thức trong sách vở) cho sinh viên và thực tế đời sống, giữa các nghiên cứu về quá khứ và xã hội hiện tại. Bài giảng thường nặng về truyền thụ lại kiến thức của người khác, chứ ít khi là một “hành trình suy ngẫm” của giảng viên. Những nghiên cứu, phát hiện về thời quá khứ của giảng viên ít khi được sử dụng để góp phần vào việc suy nghĩ về các vấn đề của xã hội đương thời.
Bài giảng đại học Phương Tây mang tính vấn đề, còn bài giảng của đại học Việt Nam mang tính chất giới thiệu kiến thức.
Một ghi nhận khác là ngành khoa học xã hội và nhân văn ở các trường đại học Việt Nam không những chỉ lạc hậu so với các đại học quốc tế, mà còn lạc hậu so với chính các hoạt động xuất bản trong nước và so với những nỗ lực riêng lẻ của các cá nhân ngoài xã hội.


Bình thường, đại học là bộ phận đi tiên phong trong việc đề xuất các tư tưởng, các khuynh hướng nghiên cứu, các giải pháp cho xã hội; và ở mức độ thấp hơn, đại học đi tiên phong trong việc ứng dụng và cập nhật các nghiên cứu của thế giới. Nhưng ở Việt Nam, thời gian gần đây, xem ra đại học lại lẽo đẽo đi sau, không tiến kịp sự vận động của xã hội. Trong khi bản dịch tiếng Việt các tác phẩm kinh điển của Kant, Hegel, Nietzsche, John Stuart Mill, Durkheim, Deleuze9…, bản dịch những nghiên cứu mới của thế giới về triết học Marx, đã lưu hành nơi nhiều tầng lớp độc giả thì thử hỏi có bao nhiêu trường đại học đưa các tác phẩm đó vào chương trình giảng dạy, trong lúc mà, về nguyên tắc, sinh viên của khoa nào cũng phải học môn triết?

Chừng nào mà người nghiên cứu và giảng dạy vẫn còn gạt sang một bên các vấn đề đặt ra trong xã hội họ đang sống, không chọn lựa các vấn đề của thời đại họ làm đối tượng nghiên cứu, chừng đó vẫn còn chưa có khoa học xã hội thực sự. Kể cả đối với những chủ đề tưởng như mang tính vĩnh cửu: chân lý, công lý… thì người ta cũng không thể tư duy một cách thực sự nếu không xuất phát từ những dữ liệu của đời sống hiện tại, như cách mà Sandel đã làm. Và nếu giảng viên không tư duy thực sự thì làm sao có thể dạy cho sinh viên cách tư duy?

Chừng nào mà nội dung nghiên cứu và giảng dạy ở đại học còn chưa theo kịp với thời sự nghiên cứu của thế giới, không đi cùng nhịp với những quan tâm và không nắm bắt được các vấn đề đang đặt ra cho giới học thuật quốc tế, chừng đó vẫn còn chưa thể nói tới việc hội nhập với thế giới một cách bình đẳng. Chúng ta có thể tổ chức các hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học trên thế giới, nhưng điều đó không đảm bảo cho các nghiên cứu của chúng ta đạt tới đẳng cấp quốc tế. Khi nào chúng ta có các tham luận được trình bày trong các hội thảo quốc tế có uy tín, có các bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế, và ở mức độ cao hơn có các chuyên luận được tham khảo trong giới nghiên cứu và được dịch ra tiếng nước ngoài, lúc đó chúng ta mới thực sự khẳng định được vị thế của mình so với các đồng nghiệp trên thế giới.

Dĩ nhiên, không phải mọi giảng viên đại học đều ở mức độ của Sandel. Song các giảng viên đại học đều làm việc theo cùng cách thức như vậy (họ suy nghĩ và công bố các suy nghĩ của họ trong các bài giảng, rồi xuất bản thành bài báo hoặc thành sách), và đại học cũng phải được tổ chức theo một mô hình nhất định để đảm bảo cho các nhân vật như Sandel xuất hiện.

Để có thể phát triển thì không thể không thay đổi. Bởi lẽ bản thân khái niệm “phát triển” bao hàm trong nó ý niệm về sự thay đổi. Có lẽ đây là thời điểm ta cần trả lời dứt khoát một số câu hỏi: Ta có muốn thay đổi không? Ta có đủ các điều kiện cần cho sự thay đổi hay không? Ta có khả năng tạo ra các điều kiện cho sự thay đổi và có khả năng thực hiện các thay đổi hay không? Nếu từ chối thay đổi thì ta sẽ tồn tại như thế nào trong cái thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt này?

Cuối cùng, xin mượn lại câu hỏi của Sandel, “Justice: What’s the Right Thing to do?” Tôi biến đổi câu hỏi ấy chút ít để kết thúc, hoặc để mở ra:
Đại học Việt Nam: cái gì là điều đúng phải làm?

---

1. Bản dịch tiếng Việt của Hồ Đắc Phương vừa được NXB Trẻ ấn hành năm 2011, với nhan đề:
Phải trái đúng sai
.

2. Đây là các đường dẫn giới thiệu về bài giảng của Michael Sandel:
http://www.justiceharvard.org/
http://www.justiceharvard.org/watch/
Chúng ta có thể vào đường dẫn dưới đây để xem nội dung của tiết giảng thứ nhất
http://www.justiceharvard.org/2011/03/episode-01/#watch

3. Hiện tượng nhiều công trình giá trị được xuất bản từ bài giảng ở đại học là một hiện tượng tương đối phổ biến ở các nước có nền khoa học phát triển. Ta biết những trường hợp điển hình như cuốn Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure, cuốn L’herméneutique du sujet v�Le courage de la vérité của Michel Foucault.

4. Thực ra trong cuốn sách còn xuất hiện cả David Hume, Jean-Jacques Rousseau, Jeremy Bentham và nhiều người khác.

5. Michael Sandel, Phải trái đúng sai, Hồ Đắc Phương dịch, NXB Trẻ, Tp HCM, 2011, tr. 46

6. Phải trái đúng sai, sđd, tr. 198

7. Phải trái đúng sai, sđd, tr. 362

8. Chính cơ chế tạo điều kiện cho giảng viên phát triển nghiên cứu, kết hợp với cơ chế để cho sinh viên tự do lựa chọn môn học, sẽ là một trong những yếu tố góp phần xác định giảng viên có đáp ứng được yêu cầu của đại học không, có đủ năng lực để làm việc ở đại học không. Đại học muốn có chất lượng thì một trong những điều kiện căn bản nhất là phải có một đội ngũ giảng viên đảm bảo được chất lượng đại học. Và một trong những điều kiện căn bản để giảng viên đảm bảo được chất lượng đại học (ngoài phẩm chất tư duy và nỗi lực tự thân của họ) là đời sống của họ phải được đảm bảo để họ có thể tập trung cho công việc của mình ở trường đại học. Chừng nào các nhà quản lý còn chưa nhận thức được điều này và chưa có những chính sách để hiện thực hóa nó, chừng đó vẫn chưa có hy vọng gì đối với việc nâng cao chất lượng đại học, và chuyện hội nhập với thế giới chắc vẫn chỉ là một mơ ước mang tính không tưởng.

9. Ta biết rằng ở đại học phương Tây, Kant, Nietzsche, Heidegger… các triết gia nói chung (cả các triết gia phương Đông), không chỉ được giảng dạy ở khoa Triết, mà còn được nghiên cứu ở tất cả các khoa về khoa học xã hội và nhân văn.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved