Home » » Nhìn lại trí thức thời xưa

Nhìn lại trí thức thời xưa

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 23:40

1.Nhìn lại trí thức thời xưa
Trí thức Việt Nam dù ngày xưa hay hôm nay đều chung một dòng chảy, qua mọi thời kỳ lịch sử của dân tộc. Thời kỳ khác nhau có thể đem lại sự khác nhau giữa các thế hệ trí thức Việt Nam, về hoàn cảnh xã hội, về nhiệm vụ lịch sử, về cách thức tư duy và hành động…
Ngoài những dị biệt nói trên, lịch sử còn ghi lại những nét tương đồng giữa các thế hệ trí thức Việt Nam , thể hiện phẩm chất bất diệt của họ từ ngày xưa đến hôm nay. Đó là: sự gắn bó bằng máu thịt của trí thức Việt Nam với dân tộc của họ. Họ cùng với dân tộc nổi chìm trong lịch sử: hưng thịnh hay suy vong, vinh quang hay tủi nhục, thất bại hay thành công.
Tính liên tục của phẩm chất và đạo đức, tư duy và hành động ở trí thức Việt Nam khiến chúng ta có thể nghĩ rằng trí thức thời nay đang tiếp tục sự nghiệp của trí thức thời xưa và trí thức thời xưa vẫn còn gửi lại người trí thức hôm nay những hoài bão chưa thực hiện được và những lo lắng khôn nguôi về vận mệnh của đồng bào và Tổ quốc.
Vì những lẽ trên, cuốn sách này không chỉ để hoài niệm người xưa mà còn nhằm trao lại trí thức hôm nay những lời gửi gắm của ông cha thuở trước.
Cao Bá Quát ngày xưa chia trí thức thành ba loại:
- Loại người có chí lớn như chim hồng hộc bay tít trên mây xanh.
- Loại người thanh cao ở ẩn như chim hạc đen ngủ một mình bên sườn núi.
- Còn đáng khinh là loại người như những con hoàng điểu chỉ tìm chỗ kiếm ăn ở những nhà quyền quý.
Và ông đã kết luận rằng: mình sẽ không bao giờ là những con chim hoàng điểu ấy.
Khi Thân Nhân Trung viết bai văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu để nói về ý nghĩa của khoa thi Hội năm 1442, ông đã lần đầu tiên nêu lên quan điểm chính thống của Việt nam đối với trí thức: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống thấp”.
Đặt người trí thức ở một vị trí cao như thế, Thân Nhân Trung cũng có đòi hỏi rất cao về tài năng và phẩm chất của họ. Ông giải thích vì sao phải dựng bia đá để khắc tên của người thi đỗ và đặt ở Quốc Tử Giám? Đó là nhằm cổ vũ mọi kẻ sĩ hãy trở thành hiền tài và thường xuyên rèn luyện danh tiết để hết lòng phục vụ Tổ quốc. Có như thế họ mới xứng đáng với lòng hâm mộ của nhân dân và sự tin cậy của nhà nước. Văn bia còn lên án những kẻ sĩ được trọng dụng nhưng rồi vì hối lộ mà hư hỏng và sa ngã. Đó là những bọn gian ác không thể đứng trong hàng ngũ của những hiền tài.
Thực ra trong ba loại trí thức, chỉ có hai loại trên đáng gọi là trí thức. Bởi vì không thể gọi là trí thức những kẻ chỉ lo lắng cho bản thân mình và chỉ băn khoăn trước sự mất còn nhỏ nhặt của cuộc sống riêng tư. Không thể gọi là trí thức những kẻ không ra khỏi vỏ ốc của bản thân mình, không thấy được lẽ sống của nhân loại, không xác định được trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc và của nhân dân.
Cao Bá Quát khẳng định thái độ rõ rệt của mình trong bài thơ dài gửi cho người bạn là Nguyễn Trúc Khê khi ông này lên đường nhận chức Tri phủ Thường Tín. Ông nhắc bạn mình hãy chọn lấy một trong hai con đường: bảo vệ dân hay bòn rút của dân? Làm chim diều, chim cắt hay làm chim loan, chim phượng? Ông nhắc bạn ông rằng, phủ Thường Tín là nơi quê hương của Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Đó là hai nhà trí thức tiêu biểu nhất cho trí thức Việt Nam . Ông nhờ Trúc Khê hãy vì ông mà đến lạy trước bàn thờ của hai vị danh nhân đó và hãy sống theo tấm gương tuyệt vời của hai ông và đừng bao giờ như những quan lại đang sống một cách nhục nhã, chỉ biết vơ vét và áp bức nhân dân.
Sự phân biệt giữa trí thức chân chính với những người không đáng gọi là trí thức còn là cách nhìn nhận phổ biến trong dân gian. Nhân dân Việt Nam coi những bọn trí thức tham nhũng là bọn giặc cướp: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
Người trí thức được mọi người quý trọng trước hết là những người tham gia bảo vệ Tổ quốc, chăm lo hạnh phúc của nhân dân. Sau là những người không có điều kiện thi thố tài năng thì lui về ở nhà đọc sách, dạy học hoặc làm thuốc cứu dân.
Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm khi có điều kiện thuận lợi thì hiến dâng tuổi trẻ, trí tuệ, tài năng và cả cuộc đời cho đất nước. Khi gặp trở ngại từ phía nhà nước hoặc trước những khó khăn thực tế không thể vượt qua thì các ông đành lui về: Nguyễn Trãi về Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm về Vĩnh Bảo, Ngô Thì Nhậm về chùa để nghiên cứu kinh phật. Nhưng ở các ông, tấm lòng ưu dân, ái quốc không bao giờ nguôi ở trong lòng. Nói như Nguyễn Trãi là:
Bui một tấm lòng ưu ái
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
Nói chung, những người trí thức chân chính dù ở hay về, tiến hay thoái đều xuất phát từ tấm lòng suốt đời vì nước vì dân.
2.Chính nghĩa và dũng khí
Lịch sử đã vạch ra một con đường chung cho mọi trí thức Việt Nam thời xưa. Đó là con đường học giỏi để rồi đỗ cao, làm quan, đem tài năng ra giúp vua, giúp nước, làm tròn trách nhiệm của kẻ sĩ theo đạo lý của thánh hiền. Nhưng muốn đem trí tuệ và tài năng ra đóng góp cho đời thì trước hết phải dày công học tập và rèn luyện để rồi thông qua việc thi đỗ, làm quan mới có điều kiện giúp nước, giúp dân.
a.Nguyễn Trãi với truyền thống gia đình đã được giáo dục và bồi dưỡng ngay từ thuở còn nhỏ. Với sự thông minh sắc sảo và tài năng lỗi lạc, ông đã sớm đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) dưới thời nhà Hồ. Do sự hạn chế của hoàn cảnh, ông không thể thi thố tài năng và cuối cùng đã chịu chung số phận của người dân mất nước. Khi cả vua và cha đều bị bắt đem đi, ông đã phải tìm ra một con đường mới để thực hiện lòng lo dân, yêu nước của mình.
Ông đã sáng suốt nhận ra sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiền đồ của đất nước phụ thuộc vào sự thức tỉnh của toàn thể nhân dân. Thành hay bại là ở chỗ nhận ra sức mạnh đẩy thuyềnlật thuyền của nhân dân. Trong những ngày đen tối của đất nước, ông đã nhận ra ánh sáng ngày mai của dân tộc ở ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi, người đã luôn luôn dựa vào dân để chiến đấu. Ông đã trở thành người mưu sĩ kiệt suất và góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Ông trở thành người trí thức tiêu biểu trong thời kỳ phong kiến của Việt Nam .
b.Sau Nguyễn Trãi phải kể đến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông là một nhà trí thức uyên bác về mọi mặt nhưng tại sao ngoài 40 tuổi, ông vẫn chỉ là một ẩn sĩ ở quê hương? Ông biết không thể làm gì được dưới triều đại nhà Lê lúc đó đã vô cùng thối nát với những ông vua mà nhân dân gọi thằng là vua quỷvua lợn. Khi nhà Mạc lên thay thế nhà Lê, ông đã đặt hy vọng vào một thời vận mới của đất nước: mừng thấy thời vận đời mở trị, thái bình thiên tử, thái bình dân. Ông từ bỏ 45 năm ở ẩn của mình để ra phục vụ nhà Mạc và coi đó là sự lựa chọn đúng đắn của bậc trượng phu và người quân tử: quân tử mới hay nơi xuất xử, trượng phu cũng có chí anh hùng. Đỗ trạng nguyên thời Mạc, ông đã đem hết tâm lực để phục vụ triều đại mới, suốt cả ba triều đại nhà Mạc, cho đến phút cuối cùng của đời mình:
Ba đời chúa được phúc tình cờ
Ơn nặng chưa từng báo tóc tơ
Không như nhiều người viết sử đứng về phía các tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn coi nhà Mạc là ngụy triều đã bịa ra rằng ông chán ghét nhà Mạc, đã bỏ nhà Mạc về ở ẩn. Lịch sử không cho phép gán cho ông sự bất trung ấy đối với nhà Mạc. Những bài thơ cuối cùng của ông đã tự nói: ông gắn bó với nhà Mạc như thế nào. Cho đến lúc 70 tuổi về nghỉ ở Quán Trung Tân, ông vẫn bày tỏ thái độ chung thủy với các vua Mạc và kiên trì phục vụ nhà Mạc trong việc chấn hưng và bảo vệ Tổ quốc:
Xem lại tuổi đời ngoài bảy chục
Chỉ vì già yếu há quên vua
c.Có thể nói thêm một trường hợp học giỏi và chọn đường nữa. Đó là trường hợp Lê Quý Đôn. Bạn của Lê Quý Đôn là Trần Danh Lâm đã viết về ông như sau: “không sách gì không đọc, không việc gì không suy nghĩ đến cùng…”
Không sách gì không đọc để vươn tới đỉnh cao của trí thức, đó là đặc điểm đầu tiên của người trí thức chân chính, là nhiệm vụ phấn đấu suốt đời của người ấy. Sinh trong một gia đình khoa hoạn, từ nhỏ ông đã nổi tiếng là thần đồng. Lớn lên đi thi, ông đều đỗ đầu cả kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Mọi điều kiện thuận lợi đã đến với ông. Ông không cần chọn cho mình một con đường nào khác nữa, vừa đem hết tài năng và trí tuệ để giúp nước, vừa không ngừng nâng cao và phát huy trí tuệ cho bản thân mình. Ông trở thành nhà bác học lớn nhất trong thời phong kiến ở Việt Nam và cũng là tấm gương sáng nhất cho trí thức Việt Nam qua mọi thời đại.
Nêu lên ba trường hợp nói trên, tôi chỉ muốn phác họa đôi nét về con người tất yếu của mọi trí thức chân chính ở Việt Nam . Đó là học giỏi và suốt đời mở rộng tri thức, suốt đời đem hết tài năng và trí tuệ phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân.
3.Lo âu và hoạn nạn
Nguyễn Trãi khi nghĩ đến thân phận người trí thức đã từng nói: “Xưa nay người biết chữ thường lắm lo âu và hoạn nạn. Ông già Tô Đông Pha đã nói thế và tôi cũng nói như thế”:
Cổ lai thức tự đa ưu hoạn
Pha lão tằng vân, ngã diệc vân
(Mạn hứng, số 615)
Cuộc đời của Nguyễn Trãi là một cuộc đời đầy ưu hoạn. Nhìn lại những nhà trí thức thời xưa, ông đã sơm nhận ra ưu hoạn là số phận chung của họ.
Nguyễn Trãi đã dành cả cuộc đời để suy tư và lo lắng cho vận mệnh của dân tộc và cuộc sống của nhân dân. Khi viết về những nỗi ưu hoạn của người trí thức trong hoàn cảnh ưu hoạn chung của dân tộc và nhân loại, ông cũng không ngờ rằng cuối cùng ông cũng phải gánh chịu mọi ưu hoạn của người trí thức.
Vụ án Lệ Chi Viên đã đem lại cho ông một tai nạn khủng khiếp. Cả ba họ nhà ông đều bị sát hại, cùng với ông và cả người vợ trí thức của ông là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Dù không dự đoán được điều bất hạnh khủng khiếp của riêng mình, Nguyễn Trãi đã sẵn sàng chấp nhận mọi ưu hoạn của người trí thức như một tất yếu trong xã hội đầy rẫy bất công. Chỉ có điều ông luôn luôn đặt ưu hoạn của Tổ quốc và nhân dân lên trên chính ưu hoạn của bản thân. Nhắc lại lời nói của Tô Đông Pha, ông đã thông cảm với người trí thức xuất sắc này của nhà Tống từng sống một cuộc đời thường xuyên bị đày ải. Nỗi long đong của ông luôn được thể hiện qua những lời thơ chua chát. Tô Đông Pha đã bù đắp cho nỗi ưu hoạn của mình bằng những cuộc hành lạc, uống rượu, ngâm thơ và cùng bạn bè tổ chức những cuộc tiêu dao trên sông, trên biển, trên hồ...
Nhưng ở Nguyễn Trãi thì khác, ưu hoạn của ông lại chẳng giống ưu hoạn của Tô Đông Pha.
Ưu hoạn của Nguyễn Trãi là ưu hoạn của người gắn bó với nhân dân, là ưu hoạn của bản thân nhân dân, là ưu hoạn đã tạo nên chính sự nghiệp của người trí thức.
Khi Ngô Thì Nhậm sống lẫn với người nông dân Thái Bình, khi Cao Bá Quát nhìn sao suốt đêm chẳng ngủ, khi Nguyễn Đình Chiểu suốt đời gắn bó với sự nghiệp chống Pháp thì ưu hoạn ở những người trí thức ấy chính là nỗi đau khổ của nhân dân.
Đau khổ của người trí thức là nỗi đau khổ được nhân lên gấp đôi, bởi đó là đau khổ của nhân dân được cộng thêm những suy tư của người trí thức.
Trí thức là người biết rộng hơn, biết sâu hơn và nhìn xa hơn những người không phải là trí thức. Chính vì thế mà người trí thức đã lo trước khi người khác chưa lo. Anh ta thấy rõ con đường phải đi khi người khác chưa thấy. Anh ta tin tưởng tuyệt đối vào tương lai khi người khác còn chưa tin tưởng. Vì thế, ưu hoạn vừa là định mệnh, vừa là vinh quang của mọi người trí thức trong xã hội ngày xưa.
Cùng với nỗi oan của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, trong thiên hạ còn bao nhiêu nỗi oan của người trí thức. Nhưng, người trí thức dù có đau khổ về những điều bất hạnh của mình thì những đau khổ đó vẫn lắng xuống bên dưới những đau khổ mà họ coi là lớn hơn rất nhiều: đau khổ vì Tổ quốc và nhân dân. Khi hai ông bà Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ sống ở góc Thành Nam, lều một gian (nay là quận Hoàng Mai – Hà Nội, nơi có nhà thờ bà Nguyễn Thị Lộ), cơm không đủ ăn, nước không đủ uống nhưng hai ông bà không đau khổ vì việc đó mà trước hết là đau khổ về cảnh nước mất nhà tan, nhân dân phải sống dưới ách tàn bạo của quân sâm lược: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ dưới vùng sâu bạo ngược”.
Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam , đau khổ của hàng ngàn, hàng vạn trí thức chân chính đều như thế. Nỗi ưu tư sâu sắc nhất và điều bất hạnh lớn nhất của họ là cảm thấy bất lực trước những hạn chế của thời đại.
Cao Bá Quát luôn đau khổ vì:
Thái Bình vô nhất lược
Lộc lộc sỉ vi nho
(Không có một mưu lược nào để đem lại cảnh thái bình cho nhân dân, thật xấu hổ cho người trí thức).
Khi Nguyễn Trãi suốt đêm chẳng ngủ, bỗng xô gói ngồi dậy chỉ vì không có mưu chước gì để làm cho nước giàu, binh mạnh:
Quốc phú binh cường chăng có chước
Bằng tôi nào thửa ích chưng dân
Khi Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản chọn cho mình cái chết thì sự đau khổ của các ông không phải là vì bản thân mình mà vì sự tồn vong của Tổ quốc.
Khi Hồ Xuân Hương viết những bài thơ nêu lên sự bất công đối với phụ nữ và sự hủ bại của xã hội phong kiến thì không phải là vì bản thân bà. Khi Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc thì không phải ông chỉ viết về nỗi đau của người cung nữ thời xưa. Tiếng khóc của ông cũng không phải vì ông mà vì nỗi đau chung của cả nhân loại.
Khi Nguyễn Du viết về nỗi gian truân của nàng Kiều thì không phải chỉ vì nàng Kiều mà vì sự bất công của xã hội đối với cả giới phụ nữ. Khi ông viết: Đau đớn thay phận đàn bà thì không phải chỉ đau đớn riêng cho phụ nữ mà đau đớn cho cả thập loại chúng sinh sống đau khổ trên cả trái đất này:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Chẳng biết 300 năm sau nữa, ai là người sẽ khóc cho Tố Như? Tôi nghĩ rằng tâm sự ấy không chỉ của Nguyễn Du, mà là tâm sự của các thế hệ trí thức thời xưa đã cùng đau khổ trước những khó khăn của đất nước và những bất hạnh của nhân dân và cùng gửi gắm những lời tâm huyết ấy cho những thế hệ về sau. Đó là những thế hệ trí thức ngày nay và mai sau cùng xót thương cho những người trí thức thời xưa và nhận lấy trách nhiệm biến những hoài bão thiêng liêng của trí thức ngày xưa thành hiện thực của xã hội ta ngày nay.
4.Nghĩ về trí thức hôm nay
Trí thức thời nay tiếp tục truyền thống của ông cha trong một hoàn cảnh đã biến đổi sâu sắc. Từ 60 năm trước, Cách mạng tháng Tám đã xoá bỏ sự thống trị 80 năm của chủ nghĩa tư bản nước ngoài và trên 1000 năm của chủ nghĩa phong kiến Việt Nam. Vận mệnh của Tổ quốc, đời sống của nhân dân không còn tuỳ thuộc vào nhà nước của giai cấp bóc lột. Mọi quyền lợi về kinh tế, chính trị, xã hội được trả lại cho nhân dân, trong đó có tầng lớp trí thức. Điều này đánh dấu một bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử phát triển của trí thức Việt Nam .
Lịch sử ghi nhận sự đóng góp to lớn của giới trí thức trong Cách mạng tháng Tám. Tinh thần trí thức ngày một cao trong các ngành giáo dục, khoa học, y tế và đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến. Theo tiếng gọi non sông và dưới ảnh hưởng của Bác Hồ, đông đảo trí thức Việt kiều về nước hoạt động và cùng với trí thức trong nước góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Ý thức được vai trò làm chủ đất nước, trí thức Việt Nam ngày một xác định trách nhiệm thiêng liêng và khả năng đặc biệt của mình. Họ đang cùng toàn thể nhân dân đứng trước những thử thách mang ý nghĩa tồn vong của cả dân tộc.
Trí thức thời xưa trong những phút hiểm nghèo nhất cũng không không lường được những khó khăn mà trí thức hôm nay đang phải gánh trên vai.
Toàn cầu hoá đang lôi cuốn mọi quốc gia và dân tộc trên hành tinh này vào mọi cuộc chạy đua có ý nghĩa quyết định đối với số phận của mình: tiến bộ hay lạc hậu, thất bại hay thành công, hạnh phúc hay bất hạnh.
Trước đây là cuộc đấu tranh để đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Ngày nay là cuộc chiến đấu nhằm rút ngắn khoảng cách giữa giàu nghèo, mạnhyếu, tiến bộsuy thoái, giữa ta và nhiều nước trên phạm vi thế giới. Ngày xưa là sự đe doạ của nỗi nhục mất nước thì ngày nay là sự thách thức của nỗi nhục yếu kém.
Nếu như ngày xưa trong hoàn cảnh lịch sử của mình, trí thức Việt Nam đã trải trăm ngàn nỗi gian truân vất vả, ngày quên ăn, đêm quên ngủ để tìm đường cứu nước thì trí thức ngày nay cũng đang day dứt khôn nguôi về những nguy cơ đang đè nặng lên Tổ quốc.
Trong thời đại ngày nay, một sức mạnh chưa từng có trong lịch sử đã được đặt trong tay của cả nhân loại. Trí tuệ của con người đã phát triển đột biến và tạo ra sự thay đổi hàng tháng, hàng năm, hàng ngày trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự thành công của mỗi quốc gia, dân tộc không còn phụ thuộc bao nhiêu vào sự phong phú của thiên nhiên mà lại phụ thuộc vào trình độ trí tuệ của nhân dân, đặc biệt là của giới lãnh đạo, giới kinh doanh người trí thức.
Làm thế nào để trong cuộc đua tranh quyết liệt này, trí thức Việt Nam có thể nhanh chóng vươn lên đỉnh cao của trí tuệ, đề ra được những kiến giải màu nhiệm nhất cho mọi vấn đề lớn nhỏ, thực hiện được những hoài bão chung của cả dân tộc trên con đường tiến lên của đất nước hôm nay?
Ngày nay, đất nước ta đã hội nhập toàn cầu về mặt kinh tế và chấp nhận cuộc chạy đua về mọi mặt giữa các dân tộc trên thế giới. Gia nhập WTO, chúng ta càng đi thẳng vào một trận địa mới đầy rẫy khó khăn. Đó là khó khăn của những con thuyền từ dòng sông nhỏ đi ra biển cả, đương đầu với muôn trùng sóng gió.
Cuộc chạy đua trên toàn thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay không chỉ có thuận lợi mà còn đang diễn ra trong một tình trạng bất bình đẳng phổ biến và sâu sắc. Sự chênh lệch giữa giàunghèo, mạnhyếu, tiến bộ lạc hậu đang ngày càng sâu sắc giữa các dân tộc và giữa các tầng lớp xã hội trong một quốc gia.
Hội nhập kinh tế là một thời cơ để các nước có điều kiện thâm nhập vào nhau, cùng bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Tuy nhiên điều này lại diễn ra trong sự đối lập từ hai phía: giữa những nước thừa thãi về mọi mặt và những nước thiếu thốn ở cả những nhu cầu tối thiểu. Làm gì có sự công bằng giữa các nước lớn và nhỏ về những điều kiện tối thiểu để kinh doanh: về tiền vốn, về kỹ thuật, về kinh nghiệm quản lý thị trường, về nguyên liệu và hàng hoá...
Toàn cầu hoá, sản phẩm của sự phát triển kinh tế trước hết là của sự phát triển về khoa học, về công nghệ, về trình độ, về trí tuệ của từng dân tộc mà trước hết là trình độ của giới trí thức. Cuộc đua trên lĩnh vực trí tuệ này càng là một cuộc đua bất bình đẳng giữa các dân tộc: một bên có đầy đủ những phương tiện hiện đại nhất để nghiên cứu, để luôn tìm tòi, sáng tạo, để luôn luôn có những phát minh kỳ diệu trước sự kinh ngạc của cả loài người. Còn bên kia là những nước có mức sống thấp nhất, không đủ cả cơm ăn, áo mặc, không đủ sức chống đỡ với thiên tai và bệnh tật, chưa kể đến những thành kiến, chia rẽ, phân biệt tôn giáo và sắc tộc đang tạo ra nhiều cuộc xung đột đẫm máu...
Cũng như trí thức thời xưa, đại bộ phận trí thức thời nay cũng ngày đêm lo âu, suy nghĩ làm thế nào: để dân tộc Việt Nam phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất, vượt mọi khó khăn để đạt được những thắng lợi vẻ vang trong cuộc chạy đua có tính chất toàn cầu này?
Tôi nghĩ tới hàng triệu và hàng triệu những người trí thức Việt Nam cả già và trẻ, cả trong nước và ngoài nước đang ngày đêm vừa học tập, vừa suy nghĩ, vừa phát minh, vừa tìm cách đóng góp nhằm tạo ra một sức mạnh kỳ diệu cho dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay. Họ đang đứng trước sự trông chờ của toàn thể nhân dân trong cả nước và cả sự thách thức của cả thế giới đối với Việt Nam .
Những tâm tư, hoài bão của bao nhiêu thế hệ trí thức Việt Nam từ xưa tới nay lại trở về trong lòng họ, càng sâu sắc hơn và nồng nhiệt hơn nữa.
Nếu như Nguyễn Du chờ đợi ở con người 300 năm sau, một giọt nước mắt khóc cho ông, khóc cho tâm trạng của trí thức thời xưa, thì trí thức thời nay không cần đáp lại bằng nước mắt mà bằng cả tâm huyết, trí tuệ, tài năng để đem lại phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân, trả lại vinh dự vẻ vang từ ngàn đời cho Tổ quốc Việt Nam anh hùng và văn hiến.
Hà Nội, ngày 6 tháng 6 năm 2006
VŨ KHIÊU
Lời nói đầu của cuốn “Trí thức Việt Nam thời xưa” – GS. Vũ Khiêu
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved