Home » » MƯỜI CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG - NGUYỄN HIẾN LÊ 9

MƯỜI CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG - NGUYỄN HIẾN LÊ 9

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012 | 00:44

HÔN NHÂN VÀ NGHỀ CẦM VIẾT

Trong Dialogues des vivants – một tập tiểu luận viết theo thể đối thoại đưa ra một quan điểm rồi một bên bênh một bênh bác – André Maurois nêu ra vấn đề hôn nhân có thích hợp với công việc của nghệ sĩ không, nghĩa là nó có làm cho tài năng của nghệ sĩ nảy nở thêm không, hay chỉ làm cho nó thui chột đi. Cũng như đa số các vấn đề khác bàn trong tập đó, vấn đề này không thể giải quyết được. Ông chỉ kể trường hợp một số nghệ sĩ độc thân như Voltaire, Stendhal, Faubert, Proust và trường hợp một số nghệ sĩ khác lập gia đình mà vẫn sáng tác mạnh như Tolstoi, Hugo, Lamartine, Virgny, Coventry Patmore (ông có kể thêm trường hợp của chính mình nữa) rồi bỏ lửng, chẳng khẳng định gì cả. Khôn.



Không ai biết rõ thiên tài là cái gì. Các nhà tâm lí học đã nghiên cứu trí thông minh, tình cảm, ý lực mà chưa hề nghiên cứu tài năng, không biết nó tùy thuộc vào yếu tố nào, nảy nở ra sao, cơ hồ như không coi nó là một cơ năng như tình cảm, trí tuệ chẳng hạn, cho nên không bàn tới. Nó thật lạ lùng, có vô số hình thức, không một nghệ sĩ nào giống nghệ sĩ nào. Sáng sủa như Voltaire là một thiên tài mà tối tăm như Mallarmé cũng là một thiên tài; lập luận xác đáng, chặt chẽ là có tài mà chỉ tán dóc lập dị cũng được xem là có tài – tôi không mỉa mai chút nào đâu mà cũng chẳng ám chỉ ai cả. Sự nảy nở của nó không theo một qui luật nào cả: hạnh phúc có thể kích thích nó như Tolstoi khi viết Chiến tranh và Hòa bình mà đau khổ cũng kích thích nó như Victor Hugo khi viết Lá thu (Feuilles d’automne); lúc đó bà nhạt tình với ông mà mặn tình với Sainte Beuve, bạn thân của ông; khỏe mạnh thì sáng tác mạnh như Alexandre Dumas-cha, mà bệnh tật như Proust, sáng tác cũng vẫn mạnh; có kẻ bị cảnh túng bấn, nợ nần hối thúc, càng viết mau như Balzac; có kẻ càng phong lưu càng viết nhiều như Maugham, Maurois; mà có gia đình hay cô độc thì sáng tác vẫn được, thậm chí như Tchékov, gần suốt đời chẳng được người đàn bà nào yêu mà nghệ thuật rất cao; tội nghiệp ông ta phàn nàn rằng giá đánh đổi tất cả sự nghiệp của ông để được một người đàn bà lo ngại cho ông, sao tới bữa ăn mà chưa về thì ông sẳn lòng đổi liền!



Tài năng đã khó hiểu như vậy thì bàn nó chỉ là chuyện phiếm, đặt vấn đề hôn nhân với tài năng, lại càng phiếm nữa. Nên thu hẹp lại: Hôn nhân với nghề cầm viết.



* *

*



Ngày xưa các cụ chúng ta viết văn chứ không làm nghề viết văn. Các cụ dạy học, làm quan, cày ruộng, có khi chẳng làm một việc gì cả, sống nhờ tài quán xuyến của vợ, rồi lúc nào cao hứng thì làm thơ, làm văn để tiêu khiển, bày tỏ nỗi lòng, để thù tạc, lưu danh, tuyệt nhiên không phải để kiếm tiền. Viết rồi ai muốn khắc và in thì in, chẳng phải trả tiền nhuận bút, cũng chẳng cần xin phép tác giả. Tác quyền là quan niệm của phương Tây, không phải của phương Đông. Cụ nào như Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Du bỏ ra chục năm biên khảo, sáng tác được vua biết tới, thưởng cho ít lạng bạc, mươi cây bút, mươi thỏi mực quí, đã cho là may mắn lắm rồi, không cần gì hơn. Tiền bạc nào bằng danh dự ấy?



Mãi tới cuối thế kỉ trước, mới có những nhà văn được hưởng tiền nhuận bút. Người đầu tiên có lẽ là Trương Vĩnh Ký. Nhưng sống bằng cây bút thì Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh mớ là người đi tiên phong.



Tuy nhiên tôi vẫn không muốn coi hai nhà ấy làm nghề viết văn, là nhà văn chuyên nghiệp vì họ vẫn còn kinh doanh: ra báo, mở nhà in cũng là kinh doanh, kinh doanh bằng bút mực. Làm nghề viết văn, thì chỉ sống bằng cây bút, không làm nghề gì khác, mà sống một cách độc lập , nghĩa là không lãnh lương đều đều hàng tháng của riêng một cơ quan, một nhà báo, một nhà xuất bản nào, tóm lại không phải là một thứ tư chức hay công chức. Có thể bỏ vốn ra in tác phẩm của mình rồi giao cho một nhà phát hành, nhưng không xuất bản của của người khác. Dĩ nhiên, nếu có dư tiền thì có thể mua cổ phần của một công ti, mua đất cát nhà cửa cho thuê, nhưng không điều khiển công việc ấy, mà lợi tức chính vẫn là do cây bút cung cấp. Có thể dạy đại học một hai khóa về môn sở trường của mình, nhưng không dạy năm này qua năm khác, không sống bằng lương giáo sư.



Ở Âu Mĩ, đa số nhà văn nỗi danh như Hugo, Balzac, Maugham, London, Maurois, Cronin, Steinbeck… đều như vậy. Ở nước ta đa số nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa hẹp ấy còn hiếm, cả nước không biết được năm, sáu người không, có lẽ vì thị trường sách vở còn hẹp, số độc giả ít, cây viết khó nuôi nỗi nhà văn, nhà văn nào cũng phải làm thêm một vài nghề khác mới đủ sống. Nhưng chỉ độ vài chục năm nữa, số đó sẽ khá đông, đủ họp thành một giới đặc biệt trong xã hội, có một lối sống riêng, một cách thức làm việc riêng; và cũng như trong mọi giới khác, đời sống gia đình phải thích hợp với sự phát triển của tài năng vì những lẽ đã trình bày ở trên, mà chỉ nghĩ tới sự thành công trong nghề thôi. Về phương diện này, địa vị của người đàn bà rất quan trọng: vợ giúp chồng được nhiều, không còn phải đặt vấn đề như Maurois nữa.



* *

*



Người ta có thể cưới nhau vì cả trăm lí do: theo tôi không lí do nào phù phiếm bằng người mình yêu có tài văn nghệ. Có tài, đành rằng quí thật, nhưng phải có cái gì khác nữa, chứ nếu chỉ có cái tài không thôi mà gắn bó với nhau thì quả là dại dột.



Tài thì ai bằng Balzac, tiểu thuyết gia bậc nhất của nhân loại. Hồi danh ông đã vang lừng khắp Châu Âu, ông nhận được bức thư ngưỡng mộ của một người đàn bà kí tên là “người xa lạ”. Bà ta quả vừa xa vừa lạ: Ở Ba Lan, chồng bà là Hanski một nhà quí phái Nga rất giàu nhưng già. Bà không biết mặt Balzac, chỉ biết văn Balzac. Vậy mà bà yêu Balzac, hai người thư từ với nhau, hẹn hò với nhau rồi đi du lịch với nhau ở Thụy Sĩ, ở Đức. Balzac mong từng ngày bà ta thành quả phụ để có thể cưới được – cái mộng suốt đời ông là có vợ quí phái và giàu, không cần đẹp – nhưng khi ông Hanski chết, Balzac ngỏ lời rồi hối thúc thì bà ta do dự rất lâu, vì ngán tính tình kì cục, thái độ kém phong nhã của ông; sau cùng, mãi đến khi ông đau nặng mới vì thương hại mà chịu làm phép cưới để ít tháng sau thành quả phụ một lần nữa.



Nhưng họ chưa điên bằng một cặp nọ: chỉ đọc văn nhau, không cần biết mặt mũi nhau, chàng đòi cưới nàng và khi thấy mặt nàng thì đành ngậm bồ hòn mà rán giữ lời hứa. Dĩ nhiên chỉ giữ được ít năm rồi chàng phải kiếm người khác.



Tôi vẫn trọng tình cảm vì bao nhiêu cái đẹp ở đời đều do tình cảm tạo ra cả, và khi hai tay buông xuôi, cái quí nhất để lại cho đời là chút thiện cảm ở trong lòng những người đã biết mình. Nhưng trong cái việc hôn nhân, muốn cho tình được bền thì không thể coi thường lí trí được, nghĩa là phải sáng suốt chứ không thể bốc đồng.



Trong trường hợp muốn kết hôn với một nhà văn thì sáng suốt có nghĩa là phải nhận định được và chấp nhận tính tình cùng lối sống của người đó. Và nếu lỡ kết hôn ít lâu rồi ông chống mới “đổ đốn” thành nhà văn thì phải tìm cách thích ứng với tình trạng mới cho khỏi có sự đổ vỡ. Mà như tôi đã nói, hạng nhà văn chuyên nghiệp ở nước mình còn hiếm, mới xuất hiện trong xã hội, nên ít người biết được tính tình, nhu cầu, lối sống của họ; nhất là hạng phụ nữ lại càng ít hiểu họ, dễ thất vọng vì họ mà sinh ra chua chát.



* *

*
Tôi không thuộc nòi nghệ sĩ như Baudelaire, nên không bi đát như ông mà tự nguyện rủa số phận của mình, khi ông viết trong bài Bénédicion:



Lorsque, par un décret des puissances suprêmes,

Le poète apparaît en ce monde ennuyé,

Sa mère épouvantée et pleine de blasphèmes,

Crispe ses poings vers Dieu, qui la prend en pitié.



Khi thi sĩ bị Trời đày đọa,

Xuất hiện trên cõi trần chán ngán này,

Thì bà mẹ kinh hoảng,

Đưa nắm tay lên thóa mạ trời, mà trời cũng mủi lòng.



Hay nhất là nửa câu cuối: qui la prend en pitié. Đời nhà văn chuyên nghiệp không đến nỗi thê thảm như vậy. Maugham, Maurois tuy chẳng là thi sĩ cũng là nghệ sĩ mà đời sướng hơn các ông hoàng; và các nhà văn nước ta dù chẳng được như hai nhà ấy thì nhiều lúc cũng có thể rung đùi tự hào rằng nếu vận tới thì “tôi làm trạng nguyên, anh làm tể tướng” không chừng, và vận chẳng tới thì mình cũng được độc lập, tự do chẳng phải ra luồn vào cúi, có thể khinh những ông tể tướng viết một câu không thành, khi mất chức rồi thì bị người đời nguyền rủa.



Nhưng cứ thực tế mà xét thì đời nhà văn chuyên nghiệp ở nước ta chưa có gì là tươi đẹp, ngay cả những người thành công cũng vậy. Những cái vui mới kể trên chỉ là một tâm trạng ngông thôi; cái vui chắc chắn hơn là cái vui sáng tác, cái vui được một số độc giả trung thành; những những cái vui này chỉ nhà văn mới cảm thấy, vợ con không cảm nổi. Chính sự nghèo túng mới là cái vợ con cảm thấy thấm thía!



Một số nhà văn thành công rực rỡ ngay từ buổi đầu như Tolstoi, Dostoievski, Jules Verne; đa số viết bốn năm năm rồi mới nổi tiếng, kiếm được tiền như Hugo, Dumas-cha, Balzac, G. Sand; một số khác phải tập viết mười năm như Maugham, Maurois. Maurois nhờ sinh vào một gia đình giàu có nên thời gian tập viết của ông rất ung dung. Maugham trái lại, có lúc phải chịu đói chịu lạnh, viết cả năm chẳng được đồng nào, có lẽ một phần vì vậy mà ông chua chát, không lạc quan khoáng đạt như Maurois.



Vậy ta đừng nên hi vọng có thể như Tolstoi, mạnh bạo nhắc nhà báo về khoảng nhuận bút ngay từ tác phẩm đầu tay, cứ nên cầm bằng rằng phải tập viết từ năm tới mười năm mới kiếm được tiền. Và khi có chút ít tiếng tăm rồi thì cứ như hiện tình, cũng đừng mong có thể sống ung dung bằng cây viết, nếu muốn giữ nhân phẩm.



Điều đó nhà văn cần nhớ kĩ mà vợ con lại càng nhớ kĩ hơn nữa. Tôi nghĩ trong giai đoạn tập sự ấy, nếu không nhờ được của phụ ấm, hoặc nếu không có một nghề kiếm ăn nào khác thì đừng nên lập gia đình vội. Nếu đã có vợ con rồi mà bốc đồng đổi qua nghề viết văn thì nên thuyết phục vợ để vợ chồng cùng kiên nhẫn chịu đựng cảnh túng thiếu năm mười năm tới khi thành công. Vì khi đã coi viết văn là một nghề thì phải chuẩn bị một thời gian để có một số kiến thức rộng và vững, nắm được kĩ thuật, biết rõ thị trường văn chương và tập thói quen viết mỗi ngày một số trang nào đó chứ không thể tùy hứng được. Ở đời không có nghề nào tùy hứng cả.



Vợ nhà văn mà hiểu được điều đó thì giúp được chồng khá nhiều trên con đường sự nghiệp. Nếu lại đảm đang, biết mưu sinh trong giai đoạn tập sự ấy thì không có gì quí bằng, và sự nghiệp của chồng sẽ là công của vợ. Nhưng xã hội của ta hiện nay, có bao nhiêu đàn bà như vậy? Có bao nhiêu đàn bà không phàn nàn về cảnh thiếu thốn trong nhà vì ông chồng không có tài kiếm tiền như hàng xóm, hoặc như ông anh rễ; có bao nhiêu bà không quên rằng chồng mình làm nghề cầm bút, chứ không phải là dân biểu, thầu khoán hay nhà xuất nhập cảng.



Tôi có cảm tưởng rằng thời xưa các cụ không biết cái nghề viết văn, mà các cụ bà như bà Tú Xương lại chính là những bà vợ kiểu mẫu của nhà văn; còn thời nay, nhiều nhà văn cần có vợ như vậy thì lại không biết tìm kiếm hoặc tìm kiếm không ra.



* *

*



Một nhà văn có một lối làm việc: người viết đứng như Hugo, kẻ viết nằm như Đông Hồ, đại đa số viết ngồi và sau này chắc các nhà văn của ta cũng sẽ đánh máy như các nhà văn phương Tây, một số sẽ đọc trước mày ghi âm, rồi có thư kí đánh máy lại; có nhà như Balzac được một nhà quí phái vẫy là bỏ hết công việc, nhảy qua Thụy Sĩ hay Ba Lan cả tháng, cả năm, về nhà lại cắm cổ viết, uống cà phê đặc quánh để viết mỗi ngày mười tám, hai mươi giờ, chân ngâm trong nước hột cải cho bớt nhức đầu; có nhà như Hugo sống rất chừng mực, viết điều mỗi sáng, buổi chiều nghỉ, lại nhà tình nhân. Lối nào cũng có kết quả, lối của Balzac tổn thọ hơn lối của Hugo. Nhưng dù sống rất chừng mực, làm việc đều đều như một công chức, nhà văn vẫn không phải là một công chức.



Họ khác nhau xa từ từ tính tình đến lối sống. Nhà văn sống một đời sống độc lập và tự lập: không nhận chỉ thị của ai, không chịu một kỉ luật nào trừ kỉ luật chính mình tự đặt cho mình; họ tự tạo lấy giá trị của mình chớ không phải nhờ một quyền uy nào cả, có khi từ chối cả những danh dự thế tục coi trọng nữa, cho nên tính thường ngang tàng, kì cục ít nhiều, bất chấp dư luận, thích cái gì thì làm cái đó, dù biết nó không có lợi về danh vọng, tiền bạc. Bà Tolstoi không hiểu tâm lí ấy của chồng nên phàn nàn rằng sao ông không chịu viết tiểu thuyết mà viết những sách tập nhăng nhít cho con nít; sao ông không nhận tiền đặt trước cả vạn rúp (Nga Kim) của các nhà xuất bản, mà đi viết những truyện bình dân bán ba xu một tập.



Một số nhà văn, nhất là các tiểu thuyết gia đại tài còn có tính tình kì cục này nữa là thay đổi như chong chóng, lúc muốn thế này, lúc muốn thế khác, tâm hồn đầy mâu thuẫn. Trường hợp điển hình nhất là Tolstoi: ông vừa muốn giữ những đặc quyền quí tộc của ông, mà lại muốn làm bình dân, ăn mặc như nông dân, muốn chia ruộng đất cho nông dân mà cứ lại tậu thêm điền trang; ham săn bắn mà lại muốn che chở cho loài vật; mạt sát đàn bà là gây tật xấu cho đàn ông mà xa vợ ít bữa thì chịu không nổi; thích ăn ngon mà lại hô hào cả nhà ăn chay…



Một số khác như Dostoievski, Maupassant… sau mỗi cơn bệnh thần kinh ý tưởng mới dồi dào, sâu sắc. Một phần kinh Coran là do Mohamed đọc để cho đệ tử chép sau những cơn động kinh của ông.



Những tật đó có lợi cho sự nghiệp của họ nhưng có hại cho hạnh phúc gia đình; nhà văn thường đau khổ, cô độc, nỗi đó người thân phải hiểu cho họ.



* *

*



Nhưng dù tâm trạng họ có bình thường thì họ cũng có một lối sống khác các giới công chức hay kinh doanh. Những nhà viết tiểu thuyết, nhất là viết báo phải du lịch nhiều, giao thiệp rộng để kiếm đề tài; những lúc nghỉ ngơi họ cũng thích tán dóc và nếu gặp bạn tri kỉ trong giới của họ thì có thể hết đêm mà chưa hết chuyện; nhưng xét chung họ không ưa xã giao, mất thì giờ vào những chuyện mưa nắng, vớ vẫn của những kẻ mà Montherlant gọi là Chronophage (ăn thì giờ).



Maurois đã mấy lần mạt sát bọn Chronophage ấy mà lần mạnh nhất là trong cuốn Lettres à l’inconnue




Bài đó là một bài thơ không vần, một bài thơ tuyệt tác cảm động hơn những bài Tristesse d’Olympio của Hugo, Le lac của Lamartine, Souvernir của Musset. Thực ra không thể so sánh được. Trong văn học phương Tây tôi chưa thấy bài nào như vậy; mà ngay trong văn học Trung Hoa những bài Tặng nội (Tặng vợ) của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, cũng chỉ phảng phất như vậy thôi. Trong những hàng đó như có cái hương thơm của phương Đông hòa với cái thiết tha của phương Tây; sau cái chua chát của phương Tây là cái tĩnh mịch, trầm lặng của phương Đông.



Russell kín đáo chỉ nói đại khái rằng hai ông bà tính tình, thị hiếu hoàn toàn giống nhau. Nhưng tôi để ý đến câu: “Em đã đem lại sự nghỉ ngơi cho anh”. Viết văn cũng như làm chính trị hoặc kinh doanh, là một nghề rất mệt, cho nên cần sự yên ổn, nghỉ ngơi hơn những nghề khác. Bí quyết của bà Edith là hiểu được điều đó.


Saigon 1.12.70




Chú thích:


[1] Nguyễn Hiến Lê đã dịch là: Thư gởi người đàn bà không quen biết.


[2] Có lẽ “sau” bị in nhầm thành “sao”. [Goldfish]


[3] Mỗi quan thời đó bằng 300$ VN 1972.


[4] Antobiography – Goerge Allen and Unwin Ltd 1967.

[5] Ông mất năm 1970, thọ 98 tuổi.

[6] Trong ảnh dưới đây, có lẽ là thủ bút của Bertrand Russell: các chữ “and”trong bài thơ viết là “&”.

(Nguồn: http://www.geocities.com/athens/oracle/2528/br_edith.htm) [Goldfish]


[7] Bản dịch này đã in trong cuốn Bertrand Russell – Lửa Thiêng 1971, nay sửa vài chữ -1972.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved