Ingrid Daubechies - Nữ chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Toán học Thế giới
Bà Ingrid Daubechies, một nhà vật lý và toán học người Mỹ gốc Bỉ, vừa được bầu là Chủ tịch Liên đoàn Toán học Thế giới (LĐTHTG) nhiệm kỳ 2011 - 2014. Đây là một sự kiện đặc biệt và hiếm có. Hiếm có, vì trong lịch sử hơn 100 năm hoạt động của mình đây là lần đầu tiên LĐTHTG có một nữ chủ tịch. Đặc biệt, vì Ingrid Daubechies vốn được đào tạo và khởi nghiệp là một nhà vật lý, nhưng trong quá trình nghiên cứu, giải quyết các bài toán do thực tế đặt ra, bà luôn luôn đề xuất những giải pháp có "hàm lượng toán học" rất cao. Thế rồi dần dần đến một lúc nào đó, bà đã trở thành một nhà toán học thực sự, rồi một nhà toán học có tiếng tăm, một nhà toán học có uy tín và mới đây lại được các nhà toán học nhất trí bầu là nữ hoàng của Vương quốc Toán học, một vương quốc mà bấy lâu nay vẫn thường được coi là một lãnh thổ ưu tiên "cánh mày râu".
Ingrid Daubechies sinh ngày 17/8/1954 tại Bỉ, trong một gia đình trí thức. Bố của bà là một kỹ sư mỏ. Năm 1975 Ingrid Daubechies tốt nghiệp ngành vật lý tại Đại học Brussel. Sau đó bà nhận học vị thạc sĩ (1977), rồi tiến sĩ về vật lý lý thuyết (1980) và trở thành nghiên cứu viên về vật lý cũng tại Đại học Brussel.
Năm 1985, Ingrid Daubechies gặp Robert Calderbank, một đồng nghiệp làm việc tại AT&T Bell Laboratories, New Jersey, Mỹ, trong lần ông đến làm việc 3 tháng tại Đại học Brussel. Hai người yêu nhau và năm 1987 họ tổ chức đám cưới. Sau khi lập gia đình, Ingrid Daubechies theo chồng chuyển công tác về AT&T Bell Laboratories, New Jersey. Đây cũng là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động khoa học của bà. Tại AT&T Bell Laboratories, bà có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng, được trực tiếp nghiên cứu và giải quyết thành công các vấn đề của công nghệ cao. Bà trở thành một ủy viên của Hội đồng Kỹ thuật của AT&T Bell, được đến tu nghiệp 6 tháng tại Đại học Michigan và 2 năm (1991-1993) tại Đại học Rutgers.
Cũng trong năm 1987, bà đã có một phát minh nổi tiếng, đó là xây dựng được các sóng nhỏ liên tục có giá compact. Ngày nay tên tuổi Ingrid Daubechies đã gắn liền với các khái niệm quen thuộc của lý thuyết các sóng nhỏ như: sóng nhỏ Daubechies trực giao (orthogonal Daubechies wavelet), sóng nhỏ CDF song trực giao (biorthogonal CDF wavelet). Các sóng nhỏ này được dùng để nén ảnh trong công nghệ thông tin.
Ingrid Daubechies đã có các nghiên cứu cơ bản về các sóng nhỏ và đã có công biến các phương pháp sóng nhỏ từ một công cụ của các ngành khoa học cơ bản trở thành một phương pháp toán học có ứng dụng trong thực tiễn của công nghệ cao. Hiện nay bà đang áp dụng các phương pháp và kỹ thuật của lý thuyết các sóng nhỏ vào một lĩnh vực mới là Lý thuyết Học (Learning Theory). Mặc dù đối tượng nghiên cứu của bà là những vấn đề về vật lý kỹ thuật nhưng những kết quả khoa học thu được trong các công trình của bà lại là những đóng góp quan trọng trong toán học.
Trong cuộc đời làm khoa học của mình, Ingrid Daubechies đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có nhiều giải thưởng về toán học. Có thể kể đến các giải thưởng sau đây. Năm 1993: được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học của Mỹ.
Năm 1994: Giải thưởng Steele của Hội Toán học Mỹ dành cho quyển sách toán hay nhất (quyển "Ten Lectures on Wavelets"). Cùng năm, bà đọc báo cáo mời toàn thể tại Đại hội Toán học Thế giới ở Z¨urich, Thụy Sỹ.
Năm 1997: được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ (NAS).
Năm 2000, Ingrid Daubechies là người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ về toán học.
Tháng 7/2006: cùng Heinz W. Engl nhận chung Giải thưởng Pioneer của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Thế giới.
Từ 1993: trở thành nữ giáo sư (full professor) đầu tiên tại Đại học Princeton.
Thay lời kết. Các nhà toán học nam giới xưa nay vẫn thường "galăng" ví mỗi nhà toán học nữ là một bông hoa đẹp trong vườn hoa toán học. Bà tân chủ tịch LĐTHTG Ingrid Daubechies quả là một bông hoa vừa đẹp, vừa quý lại vừa hiếm trong vườn hoa toán học của chúng ta.
Ingrid Daubechies sinh ngày 17/8/1954 tại Bỉ, trong một gia đình trí thức. Bố của bà là một kỹ sư mỏ. Năm 1975 Ingrid Daubechies tốt nghiệp ngành vật lý tại Đại học Brussel. Sau đó bà nhận học vị thạc sĩ (1977), rồi tiến sĩ về vật lý lý thuyết (1980) và trở thành nghiên cứu viên về vật lý cũng tại Đại học Brussel.
Năm 1985, Ingrid Daubechies gặp Robert Calderbank, một đồng nghiệp làm việc tại AT&T Bell Laboratories, New Jersey, Mỹ, trong lần ông đến làm việc 3 tháng tại Đại học Brussel. Hai người yêu nhau và năm 1987 họ tổ chức đám cưới. Sau khi lập gia đình, Ingrid Daubechies theo chồng chuyển công tác về AT&T Bell Laboratories, New Jersey. Đây cũng là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động khoa học của bà. Tại AT&T Bell Laboratories, bà có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng, được trực tiếp nghiên cứu và giải quyết thành công các vấn đề của công nghệ cao. Bà trở thành một ủy viên của Hội đồng Kỹ thuật của AT&T Bell, được đến tu nghiệp 6 tháng tại Đại học Michigan và 2 năm (1991-1993) tại Đại học Rutgers.
Cũng trong năm 1987, bà đã có một phát minh nổi tiếng, đó là xây dựng được các sóng nhỏ liên tục có giá compact. Ngày nay tên tuổi Ingrid Daubechies đã gắn liền với các khái niệm quen thuộc của lý thuyết các sóng nhỏ như: sóng nhỏ Daubechies trực giao (orthogonal Daubechies wavelet), sóng nhỏ CDF song trực giao (biorthogonal CDF wavelet). Các sóng nhỏ này được dùng để nén ảnh trong công nghệ thông tin.
Ingrid Daubechies đã có các nghiên cứu cơ bản về các sóng nhỏ và đã có công biến các phương pháp sóng nhỏ từ một công cụ của các ngành khoa học cơ bản trở thành một phương pháp toán học có ứng dụng trong thực tiễn của công nghệ cao. Hiện nay bà đang áp dụng các phương pháp và kỹ thuật của lý thuyết các sóng nhỏ vào một lĩnh vực mới là Lý thuyết Học (Learning Theory). Mặc dù đối tượng nghiên cứu của bà là những vấn đề về vật lý kỹ thuật nhưng những kết quả khoa học thu được trong các công trình của bà lại là những đóng góp quan trọng trong toán học.
Trong cuộc đời làm khoa học của mình, Ingrid Daubechies đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có nhiều giải thưởng về toán học. Có thể kể đến các giải thưởng sau đây. Năm 1993: được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học của Mỹ.
Năm 1994: Giải thưởng Steele của Hội Toán học Mỹ dành cho quyển sách toán hay nhất (quyển "Ten Lectures on Wavelets"). Cùng năm, bà đọc báo cáo mời toàn thể tại Đại hội Toán học Thế giới ở Z¨urich, Thụy Sỹ.
Năm 1997: được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ (NAS).
Năm 2000, Ingrid Daubechies là người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ về toán học.
Tháng 7/2006: cùng Heinz W. Engl nhận chung Giải thưởng Pioneer của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Thế giới.
Từ 1993: trở thành nữ giáo sư (full professor) đầu tiên tại Đại học Princeton.
Thay lời kết. Các nhà toán học nam giới xưa nay vẫn thường "galăng" ví mỗi nhà toán học nữ là một bông hoa đẹp trong vườn hoa toán học. Bà tân chủ tịch LĐTHTG Ingrid Daubechies quả là một bông hoa vừa đẹp, vừa quý lại vừa hiếm trong vườn hoa toán học của chúng ta.
Phạm Trà Ân - Viện Toán