Home » » CÁC VĨ NHÂN TỈNH LẺ phần 12,13,14 - DƯƠNG THU HƯƠNG

CÁC VĨ NHÂN TỈNH LẺ phần 12,13,14 - DƯƠNG THU HƯƠNG

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012 | 00:25

 

Chương 12

Tôi đã trốn tỉnh lỵ Q mong sao cái chết của thiếu phụ má hồng không còn ám ảnh. Anh bạn lớn tuổi đã đưa tôi tới Hàng Nón, để làm quen với cô bé vừa kháu vừa hiền như thỏ. Cô ta trẻ lắm, vừa tròn hai mươi. Gương mặt tươi mát với làn da trắng như mỡ đọng. Giọng nói ríu rít, lanh chanh. Điệu bộ nũng nịu, êm ái… Bất cứ chàng trai nào ở tuổi hai mươi bảy như tôi cũng dễ chịu khi gặp người con gái như thế. Nhưng tôi, tôi thích cô dìu dịu như ta thích một con mèo tam thể đang ngủ trên sập gụ. Tiếng cười vô tư lự của cô, dáng đi nhún nhảy của một thiếu nữ quen ngậm kẹo suốt ngày, vầng trán ngắn với những món tóc uốn móc câu cầu kỳ… tất cả xa lạ quá. Những cảm giác cô gợi nên trong tâm hồn tôi nhạt như khói cuối chiều. Trái tim trai trẻ của tôi đã xót xa, đã bị cào xé bởi những hình ảnh khác. Ngay buổi đầu đưa tôi tới gặp cô bé phố Hàng Nón, anh bạn đồng nghiệp cao tuổi đã hỏi:

- Thế nào, có trở lại đây lần thứ hai không?

tôi không trả lời, im lặng đạp xe. Đi một đoạn phố nữa, anh nói:

- Có lẽ năm nay chú mày chưa lấy được vợ. Hoặc là mày còn ở giai đoạn ham chơi, hoặc là một thứ gì đó đã thu hút linh hồn của chú mày và biến chú mày thành gã trai ngẩn ngơ, lạnh lẽo.

Anh bỏ ý định kiếm vợ cho tôi, thay vào nhiệt tình ấy bằng chương trình bán chiếc Hon- đa 67 để mua một chiếc Ca- đi.

Tôi cứ đạp xe hoài quanh các khu phố, men theo hồ Tây lên Yên Phụ rồi lại vòng về chùa Quán Thánh. Hôm nào phấn chấn hơn tôi rủ mấy cậu bạn đem theo đồ ăn vào Hà Đông chơi. Nhưng buổi tối, lúc trở về thành phố, mọi cảnh trí trôi tuột khỏi óc não tôi như nhưng hạt mưa vuột qua tàu lá sen. Bên tai tôi lại vang lên tiếng sóng, những đám bọt xoay tròn trên dòng nước đục, con đò trôi và người đàn bà nằm trên đó đang máy máy khuôn miệng dường như chị sắp mỉm cười, lúm đồng tiền khoét sâu vào bên má…

- Em lạy các anh, các anh đi bây giờ thì em chết mất…

Tại sao chị lại mỉm cười trong lúc nói những lời thảm thiết ấy?… Làn môi mọng hé ra phô hai hàm răng trắng nõn. Những giọt lệ dâng đầy tròng mắt, sắp vỡ tan…

Giá như sự sai lệch của số kiếp đưa đẩy tôi gặp chị. Giá như sự xáo trộn của không gian và thời gian được tùy thuộc vào nhiệt tâm và khát vọng của con người. Giá như sự độc ác và ngu xuẩn không đày ải nhân loại vào địa vị kẻ sát nhân vô thức… Những tiếng nói thì thầm vang động trong óc não tôi, tựa tiếng thì thầm của thần linh ném giữa các vách đá. Hồi âm của chúng cuộn lên, như sóng biển dồn vào mõm vịnh hiểm trở, khiến tim tôi tan nát… Tôi cần gặp ai đó, mà sự hiện diện của họ san sẻ bớt cho tôi… Thanh Dương chắc chắn đang sa lầy giữa cạm bẫy của tình yêu và sự giằng trói của gia đình. Chỉ còn Vũ Sơn, có lẽ anh đã hoàn thành chuyến đi quan trọng ấy… Tôi đạp xe tới khu tập thể Một, theo địa chỉ đã ghi.

Người thường trực khu nhà Một là một ông lão quạu quọ, lắm lời. Tôi vừa cất tiếng hỏi Vũ Sơn, ông ta đã chăm chăm nhìn tôi qua hai tròng mắt kính tròn như hai viên trứng chim, vặn lại:

- Thế anh ở đâu?

Tôi đáp:

- Cháu ở Tràng Thi. Dân ven hồ Hoàn Kiếm.

Tưởng ông cụ mỉm cười, ai dè ông trợn mắt quát:

- Tôi không đùa. Anh đưa chứng minh thư tôi xem.

Tôi đành lấy vẻ nghiêm trang, móc tấm chứng minh thư trong túi, trịnh trọng đưa hai tay. Ông già xem hai ba lượt rồi trả lại tôi:

- Vào được.

Đã bước qua cổng, tôi lại quay đầu hỏi thêm:

Ông già, không chút mảy may vui vẻ, buông lời đáp:

- Phải, xa lắm. Hết một suất vé ô- tô- buýt là cùng.

Tôi khẽ lắc đầu, tự nhạo mình đã bỏ công một cách vô ích. Rồi rút trong túi tấm giấy ghi địa chỉ và sơ đồ nhà ở của Vũ Sơn, tôi vừa dò tìm, vừa đi. Chừng năm phút sau, tôi tới nơi. Phòng anh đang mở cửa, anh đang trùm chăn ngồi nhổ râu, mái đầu gật gù trên cần cổ ngẳng. Thấy tôi, anh dang cả hai tay:

- A, cậu bận lắm hay sao mà không đến?

Tôi đáp:

- Hôm nay vừa tròn một tháng. Tôi đúng hẹn đấy chứ?…

Chúng tôi đã hẹn nhau trên đường từ Q ra Hà Nội rằng sau bốn tuần lễ sẽ gặp nhau, khi Vũ Sơn đi công cán trở về. Nghe tôi nói, anh à lên một tiếng rồi gật đầu:

- Ờ ờ… Cậu là người chắc chắn đấy.

Tôi hỏi:

- Thuốc lá phần tôi đâu, hoặc rượu nho Bun cũng được?

Anh cười, tay vẫn trút nước sôi từ phích vào ấm mới bỏ trà:

- Lũ bạn trong cơ quan hút sạch thuốc, có hai chai rượu chúng nó cũng dốc cạn rồi. Tôi đoảng qua, đúng là tôi có lỗi với cậu…

Nói xong, anh rót nước mời tôi:

- Uống đi, trà Thái ướp ngâu cậu của ông lão trên làng đào Nhật Tân cho tôi. Cả khu tập thể này phải nắc nỏm khen ngon đấy.

Tôi uống nước. Quả thật, chè rất ngon. Hương thơm êm dịu, đằm và sau mỗi ngụm nước nóng, ta có cảm giác lâng lâng như đứng giữa vườn ngâu chín một ngày cuối hạ đầu thu. Vũ Sơn chợt vỗ đùi:

- Quên mất…

Anh đứng dậy, với trên xích đông gần trần nhà một gói giấy dầu nhỏ:

- Có quà thết cậu rồi đây - Anh nói - Tôi có cậu bạn vừa cưới vợ. Cô ả là con một bà góa chuyên làm bánh kẹo ở thị xã Hải Hưng. Cậu ta gửi cho tôi gói kẹo này.

Anh với cuốn sách đang đọc dở ở đầu giường, trút phắt cả mớ kẹo còn lại vào đấy. Xong, anh vo tờ giấy gói kẹo thành một cục ném vào gậm giường.

Tôi cười:

- Sao lại ẩu thế?

Anh tặc lưỡi:

- Ôi dà, sống được mấy ngày mà lo giữ vệ sinh… Ăn kẹo đi cậu. Cô ả này chắc xấu gái lắm nên ra sức nịnh chồng. Kẹo nó làm thật hết chê…

Chúng tôi ăn thứ kẹo hỗn hợp vừa lạc vừa vừng xay, nấu với đường trắng và mạch nha theo một công thức nào đấy mà kẹo cắn giòn tan, đường vỡ những mảnh óng ánh, trong như kính nhưng nhai lại thấy vị lúa non dẻo quẹo của mạch nha. Tôi khen:

- Kẹo đặc biệt thật, anh ạ.

Vũ Sơn tặc lưỡi:

- Ngon.

Rồi anh thêm một câu:

- Thằng nào tham ăn của ngọt thì cứ lấy quách một cô hàng kẹo. Tôi chưa kịp đáp lời anh đã vươn thẳng người lên, mặt tối sầm, anh nói:

- Cậu đã biết chuyện giữa Thanh Dương với cô Hạnh chưa? Hôm qua vợ cậu ấy lại tìm tôi, gầm gào như con sư tử cái. Cô ả cứ làm như chính tôi quyến rũ cậu ta vậy. Tôi tức mình, bảo: “Loại đàn bà như cô chồng nó chán cũng không oan”. Thế là cô ta chu chéo sỉ vả tôi, rồi đe dọa sẽ trả thù cô Hạnh. Chúng ta đều đã thành niên, người nào chịu trách nhiệm về hành động của người nấy, chẳng có lời khuyên can nào hữu hiệu trong đời, bởi lẽ chẳng ai có thể đổi được khát vọng và nhu cầu sống cho nhau. Cậu chưa có gia đình, chưa hiểu, nhưng tôi biết rằng trong một trăm cặp vợ chồng thì có tới năm mươi cặp chán lẫn nhau. Hoặc cô vợ chê anh chồng hiền lành, ngơ ngẩn, hoặc anh chồng chê chị vợ dốt nát, tham lam. Đời sống tăng trưởng và biến động, ngay cả những mặt hàng bày trên các quầy hàng ở chợ cũng nhiều gấp bội, đa dạng gấp bội so với những gánh hàng xen của ông bà, cha mẹ ta ngày xưa. Làm sao các nhu cầu tinh thần của con người lại không rối rắm và phức tạp hơn trước. Làm sao người ta có thể yêu mãi mãi một người đàn bà khi từ sáng tới chiều, từ ngày nọ qua ngày kia, từ tháng này sang tháng khác cô ta chỉ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc buồn tẻ: Anh đã lo đủ tiền cho em mua áo rét chưa? Hoặc là “Nhà bà Đào vừa nâng một tầng gác nữa. Bao giờ nhà ta đủ tiền mà làm?”… Cái mặt người đàn bà dù đẹp đến mấy rồi cũng trở nên nhàm chán và theo quy luật thời gian no sẽ tàn tạ, héo úa đi… Nhưng đời sống tinh thần ngày càng nhàm chán thì không thể cứu gỡ. Nhất là khi sự thiếu hụt của vật chất lại ném những viên đá tàn bạo lên lớp men sứ mỏng manh của những ước vọng thuở đầu tiên… Tôi không bào chữa cho Dương, nhưng tôi muốn nói chuyện đời một cách công bằng. Việc Dương yêu cô Hạnh với tôi không có gì là khó hiểu. Nhưng điều đáng quan tâm là sự ứng xử của cậu ta trước mối tình này… Nam, tôi muốn hỏi ý kiến cậu một cách thẳng thắn: Cậu có tin rằng Thanh Dương đủ bản lĩnh đến tới cùng hay không?

Tôi đáp:

- Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy. Anh hãy thông cảm cho tôi, chính anh cũng vậy thôi.

Vũ Sơn giương mắt nhìn tôi:

- Cậu muốn bảo cả tôi nữa phải không? Nhầm, tôi có thể nói huỵch toẹt cho cậu biết rằng… nhưng mà thôi, rồi cậu cũng sẽ được biết một cách nhanh chóng bởi các bi hài kịch thời nay diễn ra với tốc độ của tên lửa vượt đại châu. Duy có điều, cả tôi và cậu đều phải có nhiệm vụ bảo vệ cô Hạnh. Cho dù lúc này cô ấy có làm cách mạng kiểu tóc hoặc thay mốt quần áo nhưng thực chất đó vẫn chỉ là một cô bé tỉnh lẻ, con nhà lành. Cậu hãy tìm tới nơi cô ấy ở, và hỏi xem mọi chuyện ra sao?…

Tôi hứa với anh sẽ tới nhà Hạnh tuần sau. Vũ Sơn bảo:

- Địa chỉ cô ấy tôi ghi đây rồi.

Anh mở chiếc va ly lớn ở cuối giường, tìm cuốn sổ ghi địa chỉ Hạnh. Lúc anh cầm cuốn sổ lên, vô tình tôi liếc mắt vào va ly, và tôi thấy bộ com- plê cùng chiếc mũ lông của bố tôi nằm chồm hỗm trong đó, bên những thứ đồ vặt vãnh và quần áo lộn xộn khác.

- Té ra chúng đã thực hiện chuyến đi trọng đại trong chiếc va ly này…

Tôi thầm nghĩ và vội vã quay đi.

Chương 13

Bất luận giàu nghèo, ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, cô gái nào cũng thích trưng diện. Các cô sẵn sàng nhịn ăn nửa ngày để bỏ mấy đồng bạc vào trong ống nứa, và cứ ngày nọ nối ngày kia cho tới khi ống nứa chật cứng những tờ bạc lẻ. Lúc ấy, các cô phăm phăm chẻ đôi cái gia tài quý báu đó ra để mua một tấm áo, một đôi giày sang trọng, hoặc có khi chỉ một chiếc mù soa… Các cô có thể tiếc đứt ruột khi bỏ ra mười đồng bạc mua ổ bánh mì nhưng lại sẵn sàng trả ba ngàn đồng cho một tấm áo khoác bằng thứ vải ny- lông ướt màu bạc đang được coi là thời thượng… Các kiểu sơ mi vì thế cứ đổi như chong chóng, từ cổ tròn ra cổ lá nhọn, từ cổ lá nhọn trở về không cổ khuy Tàu… Nhờ vậy, cửa hàng may của Thúy Hạnh luôn luôn đông khách. Chỉ riêng nữ sinh viên y I tới may và chữa áo sơ mi cô đã đủ nhược người. Huống hồ cả khối y2, y3 cũng đã nghe đồn đại về tài nghệ của cô, và điều quan trọng hơn cả là cô tính giá công rẻ nửa tiền so với các hiệu may bên ngoài. Khi tôi đến thăm Hạnh trong khu nội trú, có tới nửa tá các cô khách bao vây, người chờ lấy áo, người kèo nhèo vì sai hẹn, người thúc hối mong được mặc áo sớm hơn vài ba ngày…

Hạnh ngẩng lên, nói với tôi:

- Anh xem, chủ nhật hầu như em không còn được thở. Có khi từ bảy giờ sáng tới bảy giờ tối mới được ăn.

Dứt lời, cô cúi xuống đạp rào rào cho xong đường chỉ cuối. Rồi, đưa áo cho một cô gái béo tròn đứng cạnh, Hạnh nói:

- Xin lỗi các cậu, giờ tôi phải nghỉ thôi.

Cô tháo chỉ, lật đầu máy xuống hòm, phủ mảnh vải lên trên. Các cô khách ỉu xìu, lần lượt tản đi. Hạnh bảo:

- Anh đưa em ra quán cà phê đầu phố nhé. Ở đây, chẳng có chỗ nào ngồi nói chuyện.

Chúng tôi đến một quán cà phê mới khai trương ở vùng ngoại ô. Với những bộ bàn ghế còn nồng nặc mùi véc- ni, những bình hoa nhựa trơ trẽn, những bức tranh ấn tượng thô lậu và ngờ nghệch treo tường, nó làm tôi phát lợm giọng. Chủ quán là một gã đàn ông cao gầy, da tái nhợt, giọng nói eo éo như lại cái. Gã bưng cho chúng tôi hai tách cà phê nóng, chỉ mới khuấy thìa đã thấy mùi ngô rang và hạt cau trộn lẫn trong bột cà phê. Hạnh đang mệt, cô nhấp từng ngụm nước đen nhờ nhờ kinh tởm ấy một cách ngon lành. Tôi bảo:

- Em thấy cà phê ngon không?

Cô gái lắc đầu:

- Em chẳng biết mùi vị nó ra sao. Nhưng em khát, và mỏi muốn gãy xương lưng nên uống nước nóng vào dễ chịu.

Gương mặt cô vẫn tươi mát, nhưng hao gầy hơn xưa. Chỉ đôi mắt là khác biệt, với cái nhìn táo bạo, có đôi phần liều lĩnh. Tôi hỏi:

- Dương có tới thăm cô thường xuyên không?

Hạnh lắc đầu:

- Không. Chúng em hẹn hò nhau như những điệp viên hoạt động trong vùng địch. Thay đổi giờ, thay đổi nơi gặp gỡ, với trạng thái căng thẳng như luôn có một trạm ra- đa trong đầu.

Những lời lẽ ấy, cô nói với chút hài hước, nhưng không che giấu nổi vẻ chua chát. Tôi chợt thương cô. Hạnh nói tiếp:

- Vợ anh Dương đã biết chuyện. Chị ấy tới gây sự với anh Vũ Sơn và đe dọa em. Em không sợ nhưng em buồn. Số kiếp đã đưa đẩy chúng em gặp nhau. Những người con gái khác có thể tìm thấy hạnh phúc một cách dễ dàng, còn em, em tìm hạnh phúc như người thợ lặn tìm những viên ngọc trai dưới bể sâu. Có được ngọc trong tay, thân thể rách tướp vì lưỡi hàu hoặc răng cá dữ.

Trong mắt cô, ánh lên những tia sáng buồn rầu nhưng cả quyết, tựa ánh mắt của những kẻ hành dương đứng trước sa mạc trắng trợn xương khô và cát, còn bên kia chân trời là đất thánh hiển linh.

Tôi nói:

- Dương có biết chuyện vợ anh ấy đe dọa Hạnh không?

Cô gái gật đầu:

- Có, anh ấy nói với em rằng sẽ cố gắng ngăn cản những hành động điên rồ và tàn bạo ấy.

Tôi gặng:

- Nhưng nếu như lực cản của anh ấy vô hiệu?

Hạnh đáp:

- Lúc đó, em sẽ phải chống đỡ. Em sẵn lòng chịu đựng tất thảy mọi hy sinh. Anh Nam, bây giờ em tin rằng khi yêu, người ta biến hoàn toàn thành một con người khác, kẻ bần tiện biến thành người hào phóng, và kẻ yếu mềm trở nên dũng cảm, lì lợm trước cuộc đời.

Tôi xoay tách cà phê dởm đã nguội lạnh trong tay, thầm nghĩ rằng mọi lời nhắc nhở giờ đây đều vô nghĩa. Có lẽ, tôi sẽ bảo với Vũ Sơn rằng nỗi lo toan của anh cũng như của tôi không có giá trị, bởi chính Hạnh đã đo lường hết mọi thảm họa và chấp thuận nó. Rằng chính cô đã dấn thân với ý thức rõ ràng của một kẻ chịu trận và với lòng quả cảm của một người lính bẩm sinh.

Tôi đưa cô trở lại khu lưu trú. Cái quán cà phê kệch cỡm lùi lại phía sau với tiếng nhạc ABBA mở hết cỡ, nghe nhói tận đỉnh đầu.

Về nhà, tôi mỏi nhừ toàn thân, dường như không phải tôi chỉ đạp xe vài chục cây số mà là vượt qua một dãy núi hiểm trở. Nằm xoài trên giường, tôi ngủ thiếp đi. Lúc tôi thức giấc, trời đã sẩm tối. Vừa quơ được đôi dép, đã có tiếng chuông.

- Ai đến vào giờ này?

Tôi tự hỏi và ra mở cửa. Thanh Dương xuất hiện, trong bộ đồng phục tuyệt đẹp Hạnh đã gửi qua tôi. Đây là lần đầu tiên anh tới.

Tôi đùa:

- Rồng đến nhà tôm. Chắc ngày mai trời bão.

Dương cười:

- Tôi biết thế nào anh cũng có nhà. Tối nay tôi tới nói chuyện tại câu lạc bộ Thanh niên, anh tới dự nhé.

Tôi đáp:

- Sẵn sàng. Nhưng tôi phải kiếm bát phở đã.

Dương đưa cho tôi tấm vé:

- Anh có thể ăn ba bát phở rồi đến cũng kịp. Bảy giờ ba mươi phút mới bắt đầu. Giờ, tôi phải qua nhà một số bạn bè thân…

Anh chào tôi, đi.

Tôi lững thững ra phố, tìm quán phở quen. Vừa thấy tôi, bà chủ quán đã cười và giáo trước:

- Hôm nay bò tái lên năm mươi đồng một bát đấy nhé.

Tôi đáp:

- Tiền công tráng phim, in ảnh của cháu chưa lên được hào nào mà phở của bác đã tưng giá năm mươi đồng. Bất công thật.

Bà chủ lắc đầu:

- Tôi có muốn thế đâu chú? Nhưng giá thịt, giá bánh, tiền thuế cứ tăng như ngựa chạy, làm sao tôi không nâng giá hàng lên được?… Ngồi vào chỗ đi, lấy nhiều hay ít nước béo đây?

Tôi đùa:

Lấy một muôi nước béo vào, kẻo ngày mai ngày kia hết tiền không dám ăn nữa.

Bà chủ cười tít mắt, hai má đỏ hây hây. Bà bưng bát phở đặt tận bàn cho tôi, kèm theo một câu nửa nạc nửa mỡ:

- Chú mà ưng con Lan nhà tôi, tôi bỏ tiền cưới xong tôi nuôi hai anh chị ngày bốn bữa cơm gà cá gỏi, muốn chim câu hầm có chim câu, muốn cơm tây Hàng Buồm khắc có bánh mì bíp- tết.

Đám khách ăn quay lại nhìn tôi cười. Tôi cũng cười nhưng hai má nóng lên vì xấu hổ. Cô Lan con bà giống bà như hai giọt nước, từ vóc dáng tới sợi tóc, tràng mày. Như thế, có nghĩa là cô giống một cái chum trắng nhễ nhại, biết đi giày cao gót, mặc quần Jin, thay đổi các thứ áo Pun, áo thêu, áo đăng- ten như một thứ ma- nơ- canh sinh động. Mỡ núng nính từ hai má, lăm cổ cho đến từng ngón tay tựa khúc dồi bóng loáng của cô. Các thứ nhẫn mặt đá đỏ, đá tím, các thứ bông tai nụ hoặc đính ngọc làm cho tấm thân phì nhiêu của cô sáng chóe lên như tủ hiệu kim hoàn. Đầy kiêu mãn, cô đi ra đi vào, cười nói ngúng nguẩy trước đám khách ăn, phô phang một cặp vé cải lương giá chợ đen mua hết hai trăm hoặc một cặp vé phim tình Ấn Độ năm trăm rưởi… Mường tượng cảnh mình sánh đôi với cô ta, tôi đã đủ sạm mặt. Bất giác, đôi mắt đen huyền của thiếu phụ má hồng lại hiện ra trước mắt tôi, chị giơ một cánh tay lên, và cử chỉ im lặng ấy như tiếng gọi mời ở bên kia khoảng không gian xa xanh, diệu vợi…

- Kìa, ăn đi không phở chua hết bây giờ…

Bà chủ hiệu cất tiếng khiến tôi giật nảy. Tôi vội vã ăn, chẳng còn cảm nhận rõ mùi vị. Xong, tôi trả tiền bà rồi bước ra phố. Vào giờ này, đường phố đông. Từng tốp thanh niên và thiếu niên sắp tới tuổi cởi khăn quàng đỏ đi tràn lên vỉa hè. Lẫn trong đám người ít lo nghĩ ấy là những người đàn ông và đàn bà lủi thủi đi nép vào các hiên nhà, tay xách túi hoặc xách làn, vẻ tất tưởi, lam lũ. Thi thoảng, lại gặp một ông già bắc ghế ngồi trước cửa, nhìn ngắm cảnh chộn rộn phố xá.

Tôi đến câu lạc bộ Thanh niên lúc bảy giờ mười lăm. Người ta đã ngồi kín các dãy ghế phía trước. Mấy cô nàng xinh đẹp má hồng mắt xanh bưng cà phê tới bàn. Hai chiếc loa phóng âm cỡ lớn thả bản nhạc đương thời:

Ngôi nhà tình yêu của em trong trắng

Những giọt nước mắt rơi trên tuyết lại đen

Em đã đi qua trái tim anh,

Như giọt mưa qua khung trời thành phố

Ngôi sao sáng trong khung cửa mở

Hỡi người con gái có mái tóc vàng…

Ngoài hồ, ánh đèn rọi xuống mặt nước sâu, như những mảy thủy tinh, trong suốt, sắc lạnh. Rực rỡ một cách quái dị, làn nước phản chiếu, làm gãy khúc và tẩm nhiễm nỗi huyền hoặc vào các chùm tia sáng, khiến chúng tụ họp thành một thế giới xao xuyến mới lạ. Trong thế giới ấy, người ta đọc được chiều sâu u tối của những khát vọng và dục vọng, những gai góc châm đốt trái tim con người trong cuộc hành trình tìm miền đất của tâm linh… Nỗi uất nghẹn dâng đầy họng tôi. Tại sao những người đàn bà tốt đẹp lại bị đầy ải vào cõi bất hạnh? Những người đàn bà mà sinh lực, trí tuệ và đức tính cần cù của họ đã tạo dựng nên xóm làng, nhà cửa vườn tược ngọn lửa ấm và những bài ca… Con đò trôi bập bềnh theo hai bờ sông. Lưỡi cát vàng ánh lên dưới nắng chiều như lưỡi gươm kì bí, thiếu phụ mỉm cười, lũm đồng tiền xoáy sâu trên bầu má…

Giọng hát trầm đục của ca sĩ Mỹ vẫn vang bên tai tôi:

Ngôi nhà tình yêu em trong trắng

Những giọt nước mắt trên tuyết lại đen…

Hỡi người con gái có mái tóc vàng…

Thốt nhiên, một cảm giác cáu giận vô cớ xâm chiếm tôi. Nào những bông tuyết, những giọt nước mắt đen, mái tóc vàng… Những thứ đó đâu có ăn nhập gì với thế giới tinh thần của riêng tôi?… Chúng bập bềnh ở ngoài khung trời mà tôi hít thở, vui sướng và lo âu… Tôi không cần tới chúng… Tôi đứng dậy. Lúc ấy, tôi đã thấy người giới thiệu lên trước mi- crô. Nhà thơ Thanh Dương đã đứng bên cánh gà, với mấy cô diễn viên ngâm thơ minh họa, một người đàn bà ngoài bốn mươi cầm cây đàn thập lục đang ghé tai thì thào gì đó với một chàng nhạc công thổi sáo. Tôi đi ra ngoài. Tiếng Thanh Dương vang vang trong máy phóng âm, đuổi theo. Nhưng giờ đây, mọi âm thanh đều câm nín. Chỉ có tiếng sóng gào réo lên, lấn át mọi âm nhạc và thi ca, khoan xoáy vào não tủy.

Chương 14

Tôi đã nói với Vũ Sơn rằng lòng tốt của chúng tôi vô dụng và thừa thãi trong chuyện tình giữa Thanh Dương với Hạnh. Nhưng anh vẫn bứt rứt không yên. Anh bảo tôi:

- Tôi cần phải nói huỵch toẹt ra với cậu rằng…

Lần này nữa, tới đó anh cũng im lặng. Nhưng anh buồn, đôi mắt vốn lộ của anh đỏ lên, những nếp nhăn hiện chi chít trên hai gò má. Những lúc ấy, trông anh già trước tuổi. Anh bảo tôi:

- Đi uống rượu.

Chúng tôi ra chợ Châu Long, gọi thịt chó và rượu trắng. Vũ Sơn im lặng uống rượu, ăn rau ngổ với giềng rau ráu, như muốn động tác ăn uống ồn ào khuấy lấp những suy nghĩ đang luẩn quẩn trong anh. Lúc về, chúng tôi gặp Thanh Dương phóng xe máy ngược chiều phố. Anh hớn hở chào và mời chúng tôi uống cà phê.

Vũ Sơn bảo:

- Nào thì uống.

Ba chúng tôi ghé vào quán cà phê Lâm. Thanh Dương đang phấn chấn, gương mặt anh hồng rực lên, đôi mắt ẩm ướt càng quyến rũ. Những người đàn bà trong quán đưa mắt nhìn anh vội vã rồi cụp ngay mắt xuống như sợ bị thu mất linh hồn. Dương hỏi:

- Các anh dùng thứ gì? Cà phê hay ca cao? Ở đây ca cao ngon lắm?

Không chờ chúng tôi trả lời, anh giơ tay ra hiệu cho chủ quán:

- Ba ca cao và một bao Cap- stan.

Vũ Sơn ngồi bắt chéo khoeo, tựa lưng trong góc tường.

Mắt anh giương lên nhìn thi sĩ:

- Làm gì mà cậu hung hăng thế?

Anh hỏi Thanh Dương với giọng khiêu khích. Dương cười nhũn nhặn. Anh ta có vẻ ôn hòa và nhẫn nhịn. Vũ Sơn nói tiếp:

- Tôi đánh cược và cậu rằng tiền khao chúng tôi là của cô thợ may Thúy Hạnh. Lương cậu, con vợ đành hanh đỏ mỏ kia đã thu tới đồng xu cuối. Còn nhuận bút thơ của cậu chắc chỉ đủ đãi nhau nước chè.

Thanh Dương đỏ mặt, cả cổ và hai tai anh cũng đỏ theo. Anh nhún vai, đáp.

- Sao anh lại quá quan tâm đến tôi như vậy?

Vũ Sơn đáp:

- Ý cậu muốn nói tôi đố kị phải không?… Tôi không phải trẻ ranh mà trạnh lòng vì những câu móc máy ấy. Nhưng tôi bảo cho cậu biết: chính tôi đã đưa cậu tới chơi với ông già Hưu. Và Hạnh là con gái nhà lành, tôi không muốn cô ấy phải chịu đau khổ.

Thanh Dương đáp:

- Không ai chịu đau khổ được thay cho kẻ khác. Cũng không ai hưởng được thứ hạnh phúc ở ngoài mình. Anh đừng lo… Lúc ấy, chủ quán bưng ca cao và đem thuốc lá r. Tôi bảo cả hai người hãy bớt lời, nhỏ tiếng. Họ nghe tôi, im lặng hút thuốc, uống nước. Nhưng chỉ một lát sau, Vũ Sơn đã nói lại:

- Tôi không có máu ganh ghét trong mình, dù ganh ghét là thói thường của người đời. Tôi cũng không cho là phi lý tình yêu của cậu với cô Hạnh. Nhưng tôi lo sợ cho cô ấy bởi trong tình cảnh này, công nhận một tình yêu mới có nghĩa là xóa bỏ quan hệ cũ. Trong việc lựa chọn ấy, liệu cậu đã suy tính chưa?

Thanh Dương kêu to:

- Tôi không suy tính, tôi không biết suy tính trong lãnh vực của trái tim.

Vũ Sơn cười nhạt:

- Đấy là lời lẽ cao thượng và hoa mĩ nhất để lảng tránh trách nhiệm.

Anh thưỡi môi ra, nhại: Tôi không phải kẻ tính toán. Tôi yêu và tôi hành động theo rung động của trái tim… Này thi sĩ, chỉ đàn bà mới mắc lừa thứ lý luận ấy thôi. Tôi đã có hai con, con trai hẳn hoi, tất nhiên tôi không phải kẻ mang hai bầu vú trước ngực và có chức năng cho con bú. Cậu đừng ỡm ờ. Tôi hỏi cậu, hãy trả lời cho rõ ràng. Cậu đã làm gì để bảo vệ tình yêu của cậu với cô ấy?

Thanh Dương ngắc ngứ. Rồi anh ta bật một tiếng kêu?

- Tôi yêu Hạnh, yêu chân thực, các anh hiểu cho tôi. Vũ Sơn nói:

- Không ai nghi ngờ rằng cậu yêu giả. Với một người con gái như Hạnh, có tới hàng ngàn người đàn ông muốn yêu chân thành, muốn xây dựng một hạnh phúc bền chặt… Nhưng tôi chỉ đặt một câu hỏi thôi: Liệu cậu có khả năng đưa dắt tình yêu tới cùng hay không?… Trong tình cảnh của cậu, việc tạo dựng song hành với phá hoại. Và người ta phải lãnh đủ đau đớn. Khi đã có gia đình, cậu không thể yêu vô tư như một chàng trai chưa vợ. Hạnh phúc ấy cheo leo và phải tính bằng giá đắt. Giống như muốn hái chùm vả chín trên cây bên bờ vực; người ta phải qua các mỏm đá, và nhìn thấy khe sâu ở sát cạnh mình. Cậu ý thức được điều đó chứ?… Thông minh như cậu, ắt hẳn…

Lúc ấy, một tốp thanh niên tiến vào. Trông thấy Vũ Sơn, họ mừng rỡ ồ lên và xô tới bắt tay anh, Vũ Sơn giới thiệu với Thanh Dương và tôi cho rằng đó là các sinh viên trường đại học báo chí. Họ quen anh trong kỳ anh tới thuyết giảng. Đám sinh viên ngồi quây quanh chúng tôi, ồn ào hỏi chuyện Vũ Sơn. Giữa đám đông hâm mộ mình, nhà báo có ngay dáng vẻ kiêu mãn mà tôi đã đọc được khi anh đi qua các phố của tỉnh lỵ Q với những bước chân sải dài và mái đầu ngật ngưỡng. Lúc này, gương mặt anh sáng lên, tươi vui, thơ trẻ.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved