TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG CŨ – TRẦN ĐỨC THẢO
LỜI NGỎ:Một lời giới thiệu dành cho các bài viết của Trần Đức Thảo luôn vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì trong điều kiện hiện nay ta khó có thể có một tri thức và sự đánh giá đúng tầm với các bài viết của ông; cũng chính do đó, bao giờ cũng là không đủ để hiểu ông.
Con đường đến với phê bình văn chương của giáo sư Trần cũng bất ngờ như con đường mà ông chọn lựa lúc sinh thời: từ triết học đến Cách mạng.
Quan niệm văn chương của ông (hi vọng sẽ nói rõ hơn vào một dịp nào đó), vì vậy, dựa trên hai mặt: triết học và cách mạng, gắn bó tự bên trong như hai mặt của một tờ giấy. Mặt triết học chịu ảnh hưởng của hiện tượng học được tìm thấy trong quyển “Triết lý đã đi đến đâu”, và ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx rải rác trong “Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học”, “Lịch sử tư tưởng trước Mác”… Mặt cách mạng thể hiện rất rõ trong những bài phê bình, khi ông luôn nhắc đến một “lập trường cách mạng triệt để”.
Chính do đó, cũng thật khó khăn khi tìm hiểu cách đọc văn của ông. Chỉ có thể lưu ý vài nét.
- Ông nhận thức rất rõ “khoảng cách thời gian” giữa người đọc (là ông, trong trường hợp này) và văn bản trong bối cảnh lịch sử. Lập trường của tác giả và lập trường của người đọc là khác nhau. Ông cũng nói rõ, văn bản văn học chỉ có thể được hiểu rõ trong sự tiến triển của thời gian, tức là trong sự tiến triển và thay đổi lập trường của người đọc.
- Qua đó, ông ý thức rất rõ sự chọn lựa điểm nhìn, xác định một lập trường để đi vào văn bản: lập trường ông chọn là lập trường cách mạng, quan điểm chủ nghĩa Marx. Điều này cũng không phủ nhận là không còn những lập trường khác nữa.
- Ông phân biệt rõ “mỹ cảm” và “tư tưởng chủ quan” của tác giả. Nếu như tư tưởng chủ quan của tác giả giới hạn trong nhận thức lịch sử hạn hẹp của tác giả, thì “mỹ cảm” phơi bày chân lý và chính là giá trị của tác phẩm.
- Điều đáng lưu ý là, với ông, “mỹ cảm” có tính chất khách quan, chân lý, thể hiện qua nghệ thuật ngôn từ, làm cho người đọc có thể thông cảm được với nhà văn.
Ngày nay, chúng ta có thể không còn đứng trên lập trường của ông nữa (đó cũng là lẽ tất nhiên, theo quan điểm của ông), nhưng phương pháp lý giải ý nghĩa của ông còn có nhiều điều làm chúng ta phải suy nghĩ.
Tôi sẽ lần lượt đăng những bài viết và trích đoạn có liên quan đến “Trần Đức Thảo và phê bình văn học”. Những bài này chủ yếu lấy trên mạng, một vài trích đoạn có từ tài liệu của tôi.
Tạp Chí Nghiên Cứu Văn Sử Địa
Số 3, 1954