THƯ TRAO ĐỔI – BÙI VĂN NAM SƠN
BÙI VĂN NAM SƠN
Thư trao đổi
Thưa anh Bùi Văn Nam Sơn thân mến,Xin anh giải thích cho một câu của Hegel, nguyên văn tiếng Đức thế nào tôi không biết, còn tiếng Pháp là: “Tout le réel est rationnel; tout le rationnel est réel”.
L.P (Tp.HCM)
Về mấy chữ oái oăm của cụ Hegel, tôi xin biết gì nói nấy:
1) Hai câu (khét tiếng!) này là ở trong Lời Tựa quyển “Đại cương triết học pháp quyền” của Hegel (Berlin, 25.6.1820), nguyên văn như sau:
“Was vernünftig ist, das ist wirklich
und was wirklich ist, das ist vernünftig”.
(Một câu nhưng Hegel tách thành hai, giống như “lục bát”!). Trước và sau hai câu đó đều có lý giải rất dài dòng, rắc rối, nên cần đặt nó vào trong “văn cảnh” của cả bài nói riêng hay đúng hơn, của cả hệ thống tư tưởng của ông thì mới hy vọng tìm hiểu tương đối rõ được. Từ sau 1820 đến nay, có rất nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau về câu này (khen có, nhưng phần nhiều là chê, là trách và không ít ngộ nhận).
2) Tôi dịch nguyên văn câu này sang tiếng Việt như sau: “Cái gì hợp lý tính thì hiện thực và cái gì là hiện thực thì hợp lý tính”. (Các bản tiếng Anh thường dịch là: “What is rational is real and what is real is rational”, không có chữ “tout” như tiếng Pháp). Sở dĩ tôi đề nghị dịch như vậy vì muốn nhấn mạnh đến hai chữ then chốt trong câu này: “hợp lý tính” và “hiện thực”. Vậy, hai chữ này nên hiểu như thế nào?
3) Trước hết, câu này thoát thai trực tiếp từ ý của câu ngay trước đó nói về: “sự đảo lộn của thế giới” (Umwälzung der Welt/bou leversement du monde) ám chỉ sự “nhập thể” của đức Kitô và sự ra đời của Ki-tô giáo, theo đó, lý tính thần linh đã trở nên minh nhiên trong tính hiện thực và trong tính hiện tiền (présence) của nó (luận điểm 1: “cái [hợp] lý tính thì hiện thực”) và cùng với sự kiện này, bản thân hiện thực cũng mới trở nên có thể nhận thức được một cách hợp lý tính thực sự (luận điểm 2: “cái hiện thực thì hợp lý tính”): Hegel muốn đặt hai luận điểm này trên bối cảnh “lịch sử thế giới” ấy để lý giải bản thân quan niệm của ông về “lý tính” và “hiện thực”.
4) Các đoạn văn tiếp theo cho thấy:
- đây là luận điểm mang tính triết học liên quan đến toàn bộ “vũ trụ” (tinh thần lẫn tự nhiên) chứ không phải là luận điểm chính trị nhất thời để “biện hộ” hay đề ra một “công thức” cho chủ trương chính trị bảo thủ như nhiều người thường phê phán.
- mặt khác, cũng không phải là một luận điểm “tư biện” xa vời mà là một sự xác tín của bất kỳ “ý thức có suy tư” nào, nhằm chống lại những “định đề”, những “cấu trúc”, những “lý tưởng không tưởng” của ý chí chủ quan thay thế cho việc “thấu hiểu” bản thân hiện thực.
- “hiện thực” (Wirklichkeit/effectivité) không phải là bất kỳ cái gì “có đó” mà là một hiện thực “khác”, “có tính bản chất hơn”: hiện thực đúng thật (vraiment réel!) chỉ cái gì hợp lý tính thực sự (vraiment rationel) và ngược lại. (vd: người bạn, người yêu, người mẹ… là “hiện thực đúng thật” khi trùng hợp, tương ứng với “khái niệm” [lý tính!] “tình bạn, tình yêu, tình mẹ đích thực”!). Cho nên, Hegel bảo: “vấn đề là phải nhận thức cái bản thể ở trong vẻ ngoài nhất thời và giả tạm”, tức phải phân biệt giữa “nhân” và “vỏ” (chứ không phải biện minh bằng mọi giá cho “cái hiện tồn”).
- hai khái niệm “hợp lý tính” và “hiện thực” vừa được phân biệt, vừa là một sự “thống nhất biện chứng cụ thể”, nghĩa là: không phải hai khái niệm xa lạ, đơn lập được ta đưa vào một quan hệ đồng nhất mà là phát hiện “mối quan hệ nội tại, nguyên thủy” của chúng bằng cách phân ly sự thống nhất cụ thể ấy ra. “Phân ly” từng vế để tìm hiểu, ta có:
5) Vế đầu: “cái gì hợp lý tính thì hiện thực”: câu này không có nghĩa rằng cái gì là “hiện thực” hay không “hiện thực” là phụ thuộc vào lý tính con người như là tiêu chuẩn và thước đo đứng đối lập lại với hiện thực một cách trừu tượng, theo đó chỉ được xem là “hiện thực” những gì lý tính con người thấy là phù hợp với mình và có thể hiểu được. Đấy chính là thái độ của một “thuyết duy lý” đáng ngờ. (vì thế, Hegel dùng chữ “hợp lý tính” theo tiếng Đức là Vernünftig” chứ không dùng chữ “rationell” có gốc Pháp mang hơi hướng thuyết duy lý của Descartes!). Câu này muốn bác lại việc cô lập hóa lý tính và lý thuyết, tách chúng ra khỏi hiện thực, vì như thế sẽ dẫn đến “lý sự trống rỗng”, hạ thấp vai trò của ý niệm và lý tính, với hậu quả: hoặc nội dung tư tưởng sẽ biến thành những quan niệm chủ quan tùy tiện hoặc thoát ly và bất lực trước hiện thực.
Tóm lại, “lý tính” và “hợp lý tính” không phải là lý tính con người với các quan niệm, yêu sách chủ quan, không phải là cái “phải là” (devoir-être) đứng bên ngoài hiện thực mà ở bên trong hiện thực, là bản chất đúng thật của cái hiện thực. “Ý niệm đúng thật” (lý tính) “không phải là một ý tưởng, một biểu tượng hay một tư kiến” (như cách hiểu của thuyết duy danh và nhất là của thuyết duy nghiệm thế kỷ 17, 18), trái lại, “không có gì hiện thực hơn là Ý niệm” (!). Vậy, với vế 1, ta lưu ý:
- Hegel tiếp thu trở lại truyền thống “duy tâm khách quan” của Platon, theo đó ý niệm (lý tính) là cái duy nhất xứng danh là “tồn tại đúng thật”.
- Nhưng, Hegel lại kết hợp thuyết duy tâm này với quan niệm “duy thực” của Aristote, theo đó, Ý niệm không phải có cái tồn tại ở phía bên kia hiện thực, mà hiện hữu ở bên trong hiện thực như là hình thức bản chất của nó (“bản chất có tính nội tại”).
- bổ sung các quan niệm cổ đại này bằng các quan niệm Ki-tô giáo: “cái vĩnh cửu là hiện tiền” (l’ Éternel qui est présent).
- đây chính là “Tinh thần khách quan” như là thực tại siêu cá nhân, và hiện thực lịch sử không chỉ là sự hiện thực hóa Tinh thần chủ quan. Tất nhiên, lý tính và ý niệm có sức mạnh tự hiện thực hóa thông qua con người nhưng vượt bỏ sự tùy tiện chủ quan, “sử dụng” những đam mê và động lực của con người ở “sau lưng” con người, mà Hegel gọi là “mẹo lừa của lý tính hay của ý niệm”.
6) Vế thứ hai: “Cái gì là hiện thực thì hợp lý tính”:
- Trước hết, vế này chống lại một thuyết phi lý tính mơ hồ dựa vào “tình cảm, sự sống, trực quan trực tiếp vô-khái niệm”, đồng thời chống lại chủ trương “phải là” nóng vội, chủ quan chủ nghĩa của Fichte đối với hiện thực. Thời trẻ (dưới ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng Pháp), Hegel cũng đã từng “nóng vội”, đòi hỏi sự “phổ biến những tư tưởng như chúng phải là”, nhưng rồi dần dần ông có cái nhìn mới về mối quan hệ giữa “cái đang là” và “cái phải là”, giữa lý luận và thực tiễn. Ông tin rằng trong thực tế, hiện thực không phải là cái gì đơn thuần “vô-lý tính”, “vô-hình thức” mà được thâm nhập và cai quản bởi lý tính.
- Tuy nhiên, cũng không nên hiểu câu này như là một thuyết lạc quan dễ dãi. Ông cũng nhấn mạnh rằng: lịch sử thế giới không phải là một thiên đường hạnh phúc, và sự tự hiện thực hóa của lý tính vĩnh cửu diễn ra trong “khủng hoảng và đấu tranh”. Ở các đoạn sau, ông phân biệt giữa “chất liệu vô tận” với “tính ngoại tại” của nó như là “lớp vỏ đa dạng” phân biệt với “hạt nhân đúng thật”. Triết học chỉ làm công việc nhận thức bản chất của hiện thực, chứ không thể “cầm tay chỉ việc” cho hiện thực, giống như Platon không thể “dạy bà bảo mẫu cách bồng em” được!
- Ông chỉ bác bỏ sự tự tồn hay “hiện thực riêng” của cái ngẫu nhiên, bất tất: dù cái cá biệt có ngẫu nhiên, bất tất đến mấy thì cũng là một “Moment” của cái toàn bộ biện chứng bao trùm, và, dù nó có đi lệch khỏi “khái niệm về nó” bao nhiêu đi nữa (vd: một chế độ chính trị tồi tệ) thì trong việc “đi lệch”, nó vẫn phải quan hệ và quy chiếu với “khái niệm đúng thật” về nó, và khái niệm bao giờ cũng là sự thống nhất giữa bản thân nó với cái tồn tại-khác [bị lệch ấy!] của nó !
- ở đây nảy sinh nhiều vấn đề mà Hegel không hề giải quyết và phải chăng đó cũng là những nan đề cố hữu của triết học nói chung?!
- chỉ có điều, có vẻ ông biết rõ về sự dễ bị ngộ nhận của mình và về nguy cơ luận điểm trên bị “giáo điều hóa”. Tham vọng khổng lồ của ông nhằm “chứng minh” sự tất yếu nội tại của diễn trình lịch sử (xem: “Các bài giảng về triết học của lịch sử thế giới”) phải chăng cũng là một “trò đùa” của lý tính!? Hegel (không phải không do lỗi của ông!) đã làm cho mọi người hiểu rằng triết học của ông là “đỉnh cao” và là “kết thúc tối hậu”. Phải chăng chỉ nên hiểu là: Triết học, với ông, bao giờ cũng là hình thức cao nhất của ý thức tự giác (hay “Tự-ý thức”) về một thời đại. Nó chỉ là sự “kết thúc cho cái Bây giờ”, vì “không có triết học nào đi ra khỏi thời đại của mình” được! Ông là người đầu tiên thử “nắm bắt” cái toàn bộ của hiện thực (kể cả lịch sử), nói thế thì nghe còn được, chứ bảo rằng đã đạt tới cấp độ của “ý thức tuyệt đối” thì nghe… mệt quá!!!
Thân tặng bạn L.P. một hình ảnh rất đẹp được Hegel dùng trong Lời Tựa ấy: “Lý tính như là đóa hoa hồng bên trong Thập tự giá của Hiện tại”!
23.01.2006B.V.N.S
Tác giả giữ bản quyền.