Home » » THI HÀO BASHO VÀ TẬP VĂN THƠƠ-NẺO ĐƯỜNG SÂU THẲM LÊN MIỀN OKU”

THI HÀO BASHO VÀ TẬP VĂN THƠƠ-NẺO ĐƯỜNG SÂU THẲM LÊN MIỀN OKU”

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011 | 23:25

THI HÀO BASHO VÀ TẬP VĂN THƠ
“NẺO ĐƯỜNG SÂU THẲM LÊN MIỀN OKU”

Donald Keene

Basho
Phùng Hoài Ngọc dịch
Bài viết giới thiệu về thi hào Nhật Bản Basho của GS người Mỹ Donald Keene, nguyên là Lời nói đầu bản tiếng Anh The Narrow Road to Oku. Bài dịch đăng lần đầu tại trang Web vanhoahoc.edu.vn.

Matsuo Basho (松 尾 笆 焦  Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694) sinh năm 1644 tại thị trấn Ueno tỉnh Iga. Gia đình ông thuộc tầng lớp võ sĩ samurai, đẳng cấp thấp trong giới quí tộc nên một số người trong gia đình ông hình như đã chọn nghề làm ruộng để kiếm sống. Dòng dõi samurai cũng tạo điều kiện cho Basho tụ họp với đám con cái của các nhà quí tộc trong vùng, thành viên của dòng họ Todo sống trong một lâu đài. Có thể, nhờ một số dịp thể hiện tài năng mà Basho có con đường dẫn vào các mối quan hệ với họ. Basho kết thân với Todo Yoshitada (Sengin) cậu bé lớn hơn Basho hai tuổi, cho Bahsho cùng tiếp nhận sự huấn luyện văn thơ từ ông thầy Kitamura Kigin nổi tiếng về thi ca và phê bình nghệ thuật.
Tượng Basho ở Hiraizumi, Iwate
Bài haiku được biết sớm nhất của Basho sáng tác năm 1662 khi ông 18 tuổi. Bài thơ nói về giai đoạn ông dùng cái bút danh đầu tiên là Sobo. Như phần lớn văn nghệ sĩ kể cả triết gia thời đó, Basho được biết qua nhiều bút danh khác nhau trong suốt cuộc đời. Bút danh nổi tiếng nhất là “Basho”phát sinh từ một thứ cây trong vườn nhà ông: năm 1861 khi ông di chuyển đến một khu vực u ám ảm đạm của thành phố Edo, ông trồng một cây chuối để cải thiện bộ mặt của cái vườn. Cây basho là một loại thuộc giống chuối không có trái (#) nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt đối với nhà thơ: những phiến lá xanh rộng lớn của nó rất dễ bị gió xé rách tươm, một biểu tượng rõ nét đối với cảm xúc của  thi nhân. Du khách bắt đầu đề cập đến địa điểm “Basho am” (cái lều tu của Basho có cây chuối) mà trước đó khá lâu ông đã lấy tên cho mình.
Basho lần đầu tiên đến sống ở Edo (sau này là Tokyo) năm 1672. Không rõ vì sao ông chọn thành phố này. Có lẽ ông cảm thấy một cơ hội để hình thành phong cách ở một thành phố mới tốt hơn là ở những thành phố như Kyoto hoặc Osaka- nơi có những cuộc đua tranh lớn lao của những nhà thơ chuyên nghiệp mà nó đã khiến Basho mất mấy năm đi tìm trường phái thơ haiku của riêng ông. Việc khẳng định trường phái thơ là cần thiết không chỉ vì nhu cầu tăng thêm nhà thơ và giữ gìn phong cách nghệ thuật thi ca mà còn vì ông là một thầy giáo, ông sẽ dựa vào sự giúp đỡ của các học trò về tài chính và những trợ giúp khác. Ngay phần mở đầu tập văn “Oku no Hosomichi”, ông nhắc đến việc chuyển đến ngôi làng của Sugiyama Sampu, một thương gia giàu có, đã tái xác nhận làm một người bảo trợ hào phóng cho Basho khi ông cần tiền bạc. Năm 1680 Basho xuất bản một tuyển tập thơ của mình viết cho trẻ em học sinh, một dấu hiệu chứng tỏ phong cách sáng tác của ông đã xác lập chắc chắn.
Năm 1684 Basho khởi hành chuyến đi, cơ hội ra đời tập văn đầu tiên trong bộ 5 tập. Tập văn này đóng một cột mốc trong nghề nghiệp của ông. Mục đích bề ngoài của chuyến đi là bày tỏ kính trọng đối với ngôi mộ mẹ, bà chết ở Ueno năm trước, nhưng (vì ông không ngờ trước) sự trải nghiệm trong chuyến đi sẽ khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ. Những chuyến đi thăm nhiều thành phố thị trấn khác nhau đã làm cho trường phái thơ haiku của ông trở nên quen thuộc hơn với nhiều người, và lôi kéo các nhà thơ haiku trước đó đã hội nhập với những trường phái khác.Trong 5 tập nhật ký hành trình miêu tả những chuyến đi, tập cuối cùng là “Oku no Hosomichi” viết năm 1689 không chỉ là tập văn chương hay nhất của ông mà còn được coi là tập văn mẫu mực của nền văn học cổ điển Nhật. Mỗi người Nhật đã từng học trung học đều ít nhất đã đọc những đoạn trích từ tác phẩm này, và còn có hơn một trăm cuốn sách được biên soạn nhằm giúp người đọc vượt qua những khó khăn để hiểu được phong cách Basho. Có những bản dịch sang nhiều ngôn ngữ châu Âu, một số bản dịch trong đó rất hay, vượt qua được sự khó khăn trong việc khái quát được phẩm chất cá tính thi ca và văn chương Nhật Bản.
Hầu hết các tác phẩm văn chương Nhật đều rất khó chuyển ngữ, ngay cả với những người đã có khả năng nắm vững ngôn ngữ đó. Xin dẫn ra hai ví dụ thường xuyên buộc người dịch phải bền bỉ chịu đựng: tiếng Nhật thiếu sự phân biệt “số ít” và “số nhiều”, lẫn lộn giữa “xác định” và “không xác định”, dịch giả phải quyết định xem thực ra tác giả có ý gì. Nếu tác giả còn sống, hoạ may ông ta có thể giúp được, nhưng cũng chưa chắc. Có lần tôi đang dịch câu Midori iro no sutokkingu của tác giả Abe Kobo, tôi hỏi ông ta câu văn này là “một hay nhiều cái bít tất màu xanh”?, ông ta chỉ mỉm cười và bảo rằng đó là việc của người dịch, không phải của ông.
Vấn đề khó khăn khi dịch một tác phẩm văn học cổ điển như “Oku no Hosomichi” còn phức tạp hơn. Vấn đề đầu tiên chẳng hạn là dịch cái tựa đề. Câu “Oku no Hosomichi” xuất hiện một lần trong đoạn văn này “kano ezu ni makasete tadoriyukaba, oku no horomichi no yamagiwa nitofu no suge ari”. Một câu dịch rất sát nghĩa, chẳng hạn, sẽ là: “Khi (chúng tôi) lê bước về phía trước, đi theo bức sơ đồ đã nói trên, dọc theo rìa dãy núi (ranh giới) con đường hẹp đi Oku-cái rìa núi 10 sợi  lau sậy”.
Đọc tiếng Anh thì câu văn trên không gợi ra nhiều cảm giác. Nhắc đến “rìa núi 10 sợi lau sậy” là đặc biệt rắc rối bởi vì lau sậy không mọc thành bụi 10 cây (hoặc một con số khác). Điều muốn nói là cái rìa “dọc theo rìa núi” là không đủ nghĩa; người ta muốn được biết rằng cây lau sậy mọc lên ở đó, hoặc là nó được gặt hái ở đó, nhưng cả khi thêm nội dung đó vào đoạn văn thì vẫn không rõ ràng cây lau sậy ấy mọc ở rìa núi hay dọc theo chính con đường. Và nếu bỏ qua từ “ranh giới”, tức là nó không xuất hiện trong văn bản thì các quan hệ trong ba yếu tố: rìa núi, con đường hẹp và cây lau sậy trở nên mơ hồ hơn. Sau nữa, văn bản gốc không xác định rõ chủ ngữ của câu này- ai đang lê bước về phía trước (?).
Vấn đề dịch “Oku no Hosomichi” từ tiếng Nhật cổ ra tiếng Nhật hiện đại hầu như cũng khó khăn như việc dịch nó sang các ngôn ngữ châu Âu. Đây là bản dịch sang tiếng Anh, có thể thô thiển nhiều hơn hoặc ít hơn một câu tiếng Nhật hiện đại: “Khi chúng tôi đi bộ theo bản sơ đồ mà Kaemon đã vẽ giúp, nhìn thấy có một con đường hẹp gọi là Oku no Hosomichi. Dọc theo mé núi của con đường, “mười sợi lau” nổi tiếng từ trong thơ cổ đang mọc lên”.
Câu văn dịch này chắc hẳn rõ ràng hơn bản dịch tiếng Nhật hiện đại từ bản gốc, nhưng nếu ai đó nhìn lại bản gốc sẽ thấy ngay rằng sự minh bạch đạt được ắt phải phá huỷ cái đẹp của lời văn Basho. Chắc chắn rằng nhà thơ không viết “nổi tiếng từ trong thơ cổ”. Ông cũng tin chắc rằng độc giả (mặc dù không phải độc giả hôm nay) sẽ quen với việc đan dệt thô thiển (10 tấm lưới thành một phía) tạo ra cái rìa thường được nhắc đến trong thơ cổ.
Nhưng hãy quay lại câu hỏi ban đầu: dịch cái tựa đề như thế nào ? Trước đây tôi đã từng đặt tên tác phẩm là “The Narrow Road of Oku” một cách an toàn nhưng bản dịch vẫn chưa rõ ràng. Basho tất nhiên có ý nói về con đường nhưng không chỉ con đường (nghĩa hẹp) vốn rất khó hình dung trong tác phẩm. “The Narrow Road into Oku” nghe có vẻ khá hơn, ngụ ý nhằm vào nơi đến của Basho là Oku- một cái tên chung chỉ phần tận cùng miền Bắc của đảo Honshu. “Oku” lại có nghĩa là “bên trong, bên trong bí ẩn” và ý nghĩ này cũng rất phù hợp, và cả hai nghĩa,  về địa lý thì chỉ ra rằng cuộc lữ hành của Basho sẽ đưa ông đến phần đất sâu bí ẩn bên trong của đất nước, về tu từ thì gợi ra rằng hành trình của ông chẳng phải chỉ đi sâu vào bên trong thế giới (vật chất khách quan–ND) mà có thể hiểu là đi vào “thế giới nghệ thuật thơ haiku”. Chúng tôi chẳng bao giờ biết  rằng cái nào thuộc về những ý tứ Basho đã nghĩ; có lẽ ông nhằm vào tất cả. Sự khó khăn khi dịch cái tựa đề là một ví dụ điển hình.
Vạch ra những khó khăn này, tuy nhiên có thể gây mất phương hướng… Bất chấp những khó khăn đó, Oku no Hosomichi chẳng những được các học giả (những người thích thú những kiến thức thi ca bí hiểm) yêu thích mà còn cả những người đọc rất bình thường, thậm chí khi họ không hiểu nghĩa “10 sợi lau sậy” là gì hoặc hiểu theo cách nào đó. Sự tản mạn cao độ của câu văn xuôi đó gây ra khó khăn khi đọc nếu thiếu người bình giải, tối thiểu là trong lần đọc đầu tiên, nhưng nó cũng tạo cho tác phẩm sự huyền diệu của ẩn dụ thi ca.
Việc dịch những bài thơ haiku rải rác khắp trong tác phẩm còn khó hơn dịch những câu văn xuôi. Bởi vì bài thơ haiku rất ngắn, chỉ có 17 âm tiết kể tất cả các từ, và cần có sự tin cậy cao vào những gợi ý. Trong những cuốn nhật ký hành trình của Basho, lời văn xuôi  nhiều khi giúp chỉ rõ nghĩa của bài thơ haiku, tuy nhiên cũng có sự đa nghĩa. Bài thơ đầu tiên của “Con đường hẹp đi Oku” là đặc biệt khó dịch:
Kusa no to mo
Sumikawaru yo zo
Hina no ie
Một bản dịch sát nghĩa có thể là thế này “Một lứa tuổi trong đó người chủ căn nhà tranh cỏ thay đổi- một ngôi nhà búp bê”.
Không ai có thể đoán ra ý nghĩa từ bản dịch như thế. Bài thơ nguyên tác hầu như rất khó hiểu, nhưng một khi ý nghĩa được giải thích, dù mang tính văn xuôi thế nào, người ta vẫn khâm phục cái ngôn ngữ tiết kiệm của Basho. Như chúng ta biết qua văn xuôi Basho, ông sắp sửa dời khỏi nơi trú ngụ bình thường (lều cỏ) nơi ông đã sống qua một thời gian. Người chủ mới, khác với Basho, ông ta có một gia đình và tính chất của căn nhà sẽ thay đổi với người chủ mới: Ngày 3 tháng Ba ngôi nhà được trang trí  với một hàng búp bê tặng cho con gái nhân ngày “Hội con gái”..
Chẳng phải tất cả thơ haiku đều khó hiểu, nhưng có bài thật khó mà đưa ra một lời dịch thay thế thích đáng. Mặt khác, bài haiku nằm trong tập văn “Oku no Hosomichi ” thuộc về những bài thơ hay nhất của Basho. Phần lớn những bài thơ đó, không thể nảy sinh trong đầu Basho chính xác nguyên dạng như chúng xuất hiện trong một tác phẩm hoàn chỉnh. Văn bản “Oku no Hosomichi ” mà chúng tôi có trong tay không phải do chính Basho viết xong 5 năm sau kể từ khi ông quay trở về từ Oku, và chúng tôi biết có nhiều dị bản, đặc biệt đối với những bài thơ haiku (trong tập nhật ký). Ông đã xem lại tác phẩm nhiều lần một cách chắc chắn trước khi nó đạt tới như văn bản hiện nay.
Trong một cuốn nhật ký hành trình sớm nhất của Bahso “Hành trình đi Sarashina” có một cảnh hài hước ở một nhà trọ, nơi Basho sau một ngày lữ hành  đang cố gắng biểu hiện thành bài haiku. Một tu sĩ già từng quan sát Basho khi ông đau bệnh khá nặng cho rằng ông đã chịu rất nhiều bất hạnh và cố gắng tự an ủi mình với năng lực huyền diệu của đức Phật A di đà. Kết quả là, Basho bảo chúng tôi, sức mạnh thi ca của ông đã bị bế tắc hoàn toàn.Chẳng trách bao nhiêu lời rên rỉ kèm theo sự sáng tác và nghiền ngẫm trăn trở về thơ haiku bộc lộ trong tập “Oku no Hosomichi”.
Sự mến mộ lớn lao tập văn này tuỳ thuộc rất nhiều vào sự ưa thích những bài thơ haiku trong đó, nhưng lời văn xuôi cũng được ca ngợi không ít. Phần mở đầu và các phần tả những chuyến thăm của Bahso đến Matsushima và Kisakata là những đoạn hay đặc biệt nổi tiếng với người đọc, còn nhiều đoạn khác hầu như đều đẹp đẽ. Những đoạn văn khác ở mức độ khiêm tốn hơn. Basho khi quan sát truyền thống thơ renga (liên ca) bao gồm những đoạn mà chất thơ rõ ràng kém hơn thơ cũ hoặc mới, dường như để tránh làm kiệt quệ văn bản với một loạt đoạn văn ngắn như những viên ngọc không thể đập vỡ.
Đã nhiều thế kỉ trôi qua, môt trong những nguyên nhân khiến người Nhật đi du lịch là để ngắm những bức thư pháp viết thơ và những nơi đã được nhắc tới trong thơ ca. Nguyên nhân này chắc cũng là lí do rõ ràng khiến Basho làm những chuyến lữ hành dài. Điều này giải thích vì sao đôi khi ông phải đi vòng quãng đường dài để ngắm được những nơi mà nhiều người khác thờ ơ bỏ qua cái bối cảnh chất thơ của nó bởi vì họ chẳng thấy gì thú vị. Basho ghi chép miêu tả  về những nơi ông đến thăm,  không chỉ những nơi đáng nhớ vì có truyền thuyết hoặc bài thơ cổ liên quan đến chúng, điều này đến lượt nó lại lôi cuốn được vô số người Nhật (kể cả người nước khác) đi du ngoạn và ngắm chúng bằng chính mắt mình.
Mặc dù Basho ghi chép rất ít về Sora người bạn đồng hành trong gần suốt chuyến đi, ông cũng không nhắc đến tên thực hoặc nghề nghiệp của mình hoặc lí do nào đã khiến ông đi lang thang, đã gây cảm hứng cho ông làm cuộc lữ hành dài lâu mà thỉnh thoảng phải chịu đựng nỗi đau đớn trên đường. Tuy vậy ông vẫn gián tiếp kể cho chúng ta khá nhiều về bản thân, và rõ ràng bức chân dung tự hoạ của Basho cũng xuất hiện trong “Oku no Hosomichi” có thể  là lí do hấp dẫn nhất cho sự hâm mộ tác phẩm này.
Tất nhiên Bahso có cảm giác cao độ với vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng ông còn miêu tả rất nồng nhiệt những con người ông gặp trên đường đi, và cả những con người đã quá vãng, không ít hơn con người hiện tại, những người quá cố vẫn luôn luôn “sống” với ông. Những ấn tượng của ông dù được miêu tả trong thơ hay văn xuôi đều có khả năng vượt thời gian.
Mặc dù nhiều phong cảnh trong số các bức tranh phong cảnh được Bahso miêu tả thật huyền diệu đã bị biến dạng trong những năm gần đây thì vẻ đẹp của chúng vẫn sống trong tập văn “Oku no Hosomichi” và sẽ tiếp tục khuấy động các thế hệ tương lai với ham muốn đi cùng Basho trên cuộc lữ hành của ông vào cõi sâu thẳm của thế giới thơ.
&
Trích giới thiệu một số bài haiku của Basho
và cảm nhận của người dịch
(tựa các bài thơ do người dịch tạm đặt)

“Tháng và ngày là những lữ khách của muôn đời”
Câu văn mở đầu của nhật ký hành trình này chắc hẳn dựa theo ý thơ Lí Bạch trong bài “Xuân dạ yến đào lý viên”春夜晏桃李园(Đêm xuân ăn tiệc ở vườn đào mận) có hai câu: “Phù thiên địa giả vạn vật chi nghịch lữ. Quang âm giá bách đại chi quá khách”. Giáo sư Vĩnh Sính dịch: Thiên điạ trôi nổi là quán trọ của vạn vật. Tháng ngày trôi qua là những khách qua đường (Lối lên miền Oku, Nhà xuất bản Thế Giới, 1999).
Lí Bạch một người lữ khách gần suốt đời mình còn viết “Bỏ ta đi là ngày hôm qua, không sao giữ lại được…”(bài thơ “Trên lầu Tạ Thiếu xứ Tuyên Châu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân”)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người từng dịch thơ haiku Hán ngữ của ông Ngô Văn Tao, chắc cũng theo ý thơ trên mà viết ca khúc “Ở trọ”:
“Con chim mà đậu cành cây/con cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Tôi nay ở trọ trần gian,trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”.
Thiên nhiên của Basho hầu như không phân biệt đẹp xấu, không được lựa chọn. Khi miêu tả thiên nhiên, Bahso không coi cảnh vật là thứ vay mượn để “ngụ tình”.. Trong văn chương Trung Quốc, các loại cây cỏ hoa lá, thú vật đều được phân hạng, từ cao xuống thấp, từ sang tới hèn…Thi nhân cổ điển Việt Nam chẳng hạn Cao Bá Quát viết “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” thì Basho tiên sinh “nhất sinh đê thủ bái muôn hoa” kể cả hoa dại. Dĩ nhiên khi so sánh như thế, chúng tôi không có ý phê phán các thi nhân khác với Basho. Chúng ta đều biết rằng thi nhân sống và hít thở không khí của thời đại và sáng tác trong bối cảnh đương thời. Ngay cả cây bút, lọ mực, tờ giấy họ viết cũng do “bối cảnh” sản xuất ra mà !
Trong thơ Basho, sinh vật và con người bình đẳng tuyệt đối. Đọc những bài thơ viết về loài vật như chim, cá, châu chấu, hạc, chấy rận, ngựa… đến ánh trăng, mưa, tuyết, dòng sông, bão lũ, …người đọc có quyền liên tưởng tương tự đến thân phận con người. Giới nghiên cứu đã xác định đó là “nguyên lý bình đẳng, liên thông” trong thơ haiku Basho. Do vậy hình tượng thơ của Basho vừa phong phú vừa giản dị. Sự hứng thú cảm nhận của người đọc trở nên thoải mái.
Chúng tôi chọn thưởng thức một số bài thơ mà nhất thời cảm thấy dễ hiểu, tâm đắc chứ không phải những bài này là hay nhất trong tập văn thơ Basho.
Bài 2. Tống biệt
Mùa xuân ra đi
tiếng chim nức nở
mắt cá  lệ đầy
Thi nhân Basho rất ngại nói trực tiếp nỗi xúc động khi chia tay bạn hữu . Ông nói như trên là đủ, bạn bè ai cũng hiểu ! Thiên nhiên trong thơ ông gánh thay người, chia bớt nỗi khổ cho người vậy. Hoá ra chim và cá cũng  yêu mùa xuân và tiếc nuối khi xuân qua, như người vậy. Nhà thơ thực sự cảm thông với họ (chim, cá) chứ không phải chỉ mượn họ nói thay mình.

Bài 18.  Giấc mơ dưới mộ
Những đám cỏ mùa hè-
Trên ngôi mộ những chiến binh dũng cảm đang mơ.
Mãi về sau.
Ông Donald Keene dịch giả bản tiếng Anh rất hiểu bài thơ. Ông dịch rất hay rằng “những đám cỏ của giấc mơ của người lính dũng cảm…”. Tiếng Anh rất chú trọng xác định chủ ngữ và sở hữu. Tiếng Việt và Hán không chú ý lắm chuyện này, vậy nên người đọc phải vận dụng quan sát, tự xác định lấy chủ ngữ căn cứ theo bối cảnh và cấu trúc bài thơ. Ta hiểu rằng những người lính hi sinh mà chưa mãn nguyện. Đó là sự thật muôn đời, những cuộc chiến tranh ấy bất kể chính nghĩa hay phi nghĩa thì người lính tuổi trẻ hay già cũng không bao giờ “vui vẻ chết”, “mãn nguyện chết”, . Người lính nằm dưới đất sâu, họ vẫn mơ mộng, ước ao, những đám cỏ xanh trên mộ mọc mãi không ngừng như  thể hiện giấc mơ của họ. Vậy họ mơ điều gì ? Basho chỉ vào cây cỏ. Người đọc hiểu: liệt sĩ chỉ mơ được sống mà thôi ! (Chuyện những nhà ngoại cảm Việt Nam ngày nay kể rằng họ đã tiếp xúc với những vong hồn liệt sĩ. Các linh hồn ấy vẫn “sống”, vẫn theo dõi người đời, vẫn ao ước những cái nho nhỏ như điếu thuốc hút, chút ít tiền tiêu thỉnh thoảng… đặc biệt, họ nói chỉ mong người đời đừng quên họ)… Basho không nói gì cả về những ước mơ của họ, ông tả cái đám cỏ mùa hạ cứ mọc mãi, thế là bạn đọc chúng ta hiểu rồi, và chúng ta tự nhiên suy ngẫm tiếp tục nữa.
Bài 19. Mưa muà xuân
Những cơn mưa mùa xuân
giữ cho bạn khỏi những cuộc tàn phá dữ dội,
sảnh đường thượng đế lung linh.
Nhà thơ suy ngẫm về mùa xuân theo một cách khác lạ. Trên thế giới có bao nhiêu  áng văn chương, âm nhạc, hội hoạ miêu tả mùa xuân rất hay…Mùa xuân sinh sôi nảy nở, mùa xuân của yêu đương, mùa xuân hi vọng, mùa xuân tái sinh… Basho có cách diễn đạt độc đáo: mùa xuân “giữ cho bạn khỏi bị tàn phá dữ dội”. Thực ra sự tàn lụi của cuộc sống thì có ai cản ngăn được đâu ! Nhưng mùa xuân mải miết sinh nở, bù vào chỗ đã mất, cũng coi như “giữ lại” được vậy. Cái nhìn vô thường tích cực của Phật giáo rất thú vị, giúp cho chúng ta giữ lấy chút lạc quan. Triết lý thiền tông như vậy rất hoà hợp với đời sống nhân thế chứ đâu có khép kín vào cái “Tôi” cá thể, xuất thế.
Đất trời mùa xuân chính là “sảnh đường thượng đế lung linh”- Đây là một ý niệm giản đơn, độc đáo của Basho về “Thượng đế”
Bài 19.  Rận và ngựa
Bị chấy rận quấy rày
Tôi nghe tiếng ngựa đái
ngay bên gối nằm.
Nội dung thông tin của bài thơ chẳng có gì lạ. Cái cách nói lên hai điều ấy mới thực là chất thơ. Con người ung dung chấp nhận chấy rận ngựa đái, chẳng coi việc nhỏ nhặt ấy là khổ cực .
Bài 23. Vàng nghệ nở hoa
Họ làm tôi nhớ lại
Sáp trang điểm của phụ nữ
những màu vàng nghệ nở hoa
“Màu vàng nghệ nở hoa” là một câu thơ tài hoa táo bạo lạ.
Người đọc ngỡ như thi nhân viết “ngược đời”: “màu vàng nghệ nở ra bông hoa” ! Trong khi người khác sẽ viết “hoa nở màu vàng nghệ”… Chúng ta sẽ còn gặp không ít những từ ngữ tài hoa khác trong tập ký hành trình của Basho.
Bài 24.   Dế hót
Ôi sự lặng lẽ nơi đây
Chích sâu vào đá
tiếng hót của con dế.
Có người dịch là “thấm sâu vào đá” e rằng chưa sát với cảm giác thi nhân. Tiếng con dế (hoặc con châu chấu) vẫn bình thường như mọi nơi, mọi khi, cái đáng nói ở đây là “sự lặng lẽ”. Sự lặng lẽ làm nền cho tiếng dế nhỏ nhoi trở nên sắc nhọn và đầy sức mạnh, dường như cái dùi, cái khoan, cây kim chích sâu vào đá… Và cuối cùng vẫn là tâm trạng thi nhân khiến ta suy ngẫm. Người thiền này đã tự mình gạt bỏ những tạp âm xung quanh thì mới nhận ra điều này mà viết nên bài haiku sắc sảo, sắc nhọn như tiếng dế trong im lặng.
Bài 25. Mưa mùa hạ
Khắp nơi dồn về biển
mưa mùa hạ, sao chảy nhanh lạ !
Dòng sông Mogami
Dòng  sông đổ nước vào biển cả thì có gì lạ đâu ! Nhưng đây là mùa hạ, mưa nhiều hơn, lớn hơn, nhanh hơn, vậy thì sông chảy nhanh hơn. Nhà địa lý chuyên nghiệp sẽ chẳng phải băn khoăn. Còn bạn đọc, bạn cảm nhận điều gì cùng với Basho ? Nếu không lắng nghe thiên nhiên, ta sẽ chẳng thấy gì. Con sông mang nhiều nước thì phải chảy nhanh để tự giải thoát gánh năng của nó đi. Thế giới vô thường, con người chúng ta buộc phải nhận ra điều ấy.
Bài 26. Tuyết trắng thơm
Thiêng liêng thay nơi ấy
tuyết trắng tự toả hương
từ thung lũng phía Nam
Cảm giác khi tự hoà mình vào giữa thiên nhiên thường xuyên hiện diện trong thơ Basho, chẳng cần phải cố gắng chút nào.
Bài 33.  Con hạc
Nơi vượt qua thuỷ triều
con hạc chân dài ngập ướt
Nước biển mát mẻ sao !
Cũng là một cảm giác thiên nhiên tinh tế, nhìn con hạc đứng dầm chân trong nước, nhà thơ cảm thấy sự mát mẻ trong tâm hồn mình.

Bài 36. Du nữ
Dưới cùng một mái nhà
những du nữ đang ngủ
ánh trăng và cỏ bốn 1á
(Có nhà nghiên cứu dịch “cây bốn lá” là cây đinh hương hoặc cây cỏ thu)
Một cao tăng thi sĩ không hề cảm thấy xấu hổ khi ở chung nhà với gái làng chơi. Thi hào Bahso đã phát minh ra từ ngữ “du nữ” do lòng nhân ái sâu xa của mình. “Du nữ” nguyên chữ Hán gốc là 游女 (chữ Nhật chỉ khác một chút: thay thế bộ thuỷ bằng bộ xước trong chữ “du”). Là một thi nhân tu hành, Bahso vẫn quan tâm đến nhân thế, đến những kiếp người sống “dưới đáy” xã hội . Một chữ “du” chứa cả lòng cảm thông với những người “gái làng chơi”. Ở cách phòng, phía trước nhà, Bahso nhờ ngồi “thiền” mà nghe rõ những lời tâm sự của hai du nữ và ông thuật lại cho độc giả nghe. Người vô tâm không lắng nghe sẽ chẳng thể “quán thế âm” cho được. Basho không bày tỏ quan điểm riêng, ông chỉ đặt tên mới cho cái nghề nghiệp tủi nhục của họ và thuật lại suy nghĩ của họ. Thế là đủ cho một bài thơ.

Bài 42.  Con châu chấu trong nón sắt
Cầu nguyện cho nấm mộ !
Dưới chiếc nón sắt chiến binh
con châu chấu
Bài thơ tưởng niệm một người lính, một vị tướng đã hi sinh trong lịch sử. Người ta có bao nhiêu lối bày tỏ lòng tri ân, cảm phục hoặc kể ra công lao của  người quá vãng, có khi là thương tiếc, lại có trường hợp cần chỉ trích…Basho chỉ đặt một con châu chấu (hoặc con dế) trong chiếc mũ sắt-di vật của người hi sinh mà tưởng niệm. Không chỉ tưởng niệm, ông còn bày tỏ một thái độ thật kín đáo qua hình tượng “con dế” trú ngụ trong chiếc nón sắt quí giá cổ xưa. Ta có thể nghĩ điều gì đó về hình ảnh con châu chấu (hoặc con dế) tầm thường… Nó đã đến nghỉ ngơi trong chiếc mũ sắt, làm bạn xóm giềng với vong hồn đang tạm trú nơi đây. Trong câu thơ mở đầu, ai là chủ ngữ, nhà thơ hay con châu chấu ? Tôi nghĩ là cả hai sinh linh này đều tưởng niệm người quá cố, cùng tìm đến với vong hồn nên họ mới có dịp gặp nhau ở nơi đây. Nếu ta nghĩ rằng con châu chấu là hiện thân kiếp sau của liệt sĩ thì có được không ?!
Bài 44. Suối nóng thơm
Ở Yamanaka
không cần hái  hoa cúc
suối nước nóng vẫn thơm
Nhà thơ kể lại cảm giác của mình, một cảm giác thiên nhiên nhạy bén tinh tế lạ thường. Tuyết trắng toả hương, suối nước nóng cũng thơm hương. Hương tuyết lạnh, hương suối nóng…
Ta cùng đọc lại đoạn thi nhân Basho đến vùng Kurobane thuộc Nasu … Một anh nông dân nói “Để tôi tính, xem cách nào tốt nhất cho các ông. Những cánh đồng này đi tới có nhiều lối. Các ông du khách không biết đường, dễ bị lạc lắm. Tôi lo chuyện đó đấy… Thôi cứ cưỡi ngựa đi, đến khi nó dừng lại thì thả nó  tự quay về”. Anh ấy cho chúng tôi thuê con ngựa…. Đi một hồi lâu tới một cái làng, tôi thả con ngựa quay lại với một ít tiền buộc vào yên ngựa.
Ta băn khoăn, sao lại có những người dân tin cậy khách lạ một cách vô tư đến thế nhỉ ! Con ngựa là cả một gia tài, một công cụ kiếm sống mà họ sẵn lòng giao cho khách lạ thuê, không đòi tiền trước hoặc đặt cọc hay bảo lãnh. Khi tới nơi, khách tự buộc tiền thuê vào yên ngựa, ngựa tự quay về với chủ. Phải chăng Phật tính đã thấm sâu vào những con người bình dị và tình nghĩa ấy, tưởng như con ngựa cũng có “Phật tính” vậy! Thời hiện đại chúng ta làm thế nào có được nhiều con người sống với nhau như vậy ?! Những người như anh nông dân nọ chính là tinh hoa của vùng đất Oku. Thi nhân thiền sư kể câu chuyện cảm động một cách giản dị, với giọng điệu “thiền” mộc mạc.
Đó không phải là chuyện lạ ở vùng Đông bắc, đây ta hãy cùng đọc một bài thơ của Sora (môn sinh và bạn đồng hành của Basho). Tôi chắc rằng chuyến đi Oku của thầy trò Basho bên cạnh mục đích hành hương còn là một khoá hướng dẫn môn sinh Sora đi thực tế sáng tác văn chương. Chắc hẳn những bài thơ ít ỏi của Sora, như bài dưới đây, đã được thầy Basho góp ý, nhuận sắc rồi.
Dãy núi Yudono-
Khi tôi dẫm lên những đồng tiền xu của khách hành hương
ngắm họ, tôi rơi nước mắt.
Những người hành hương Nhật Bản mộ đạo như thế thật là hiếm có. Những đồng tiền xu làm lễ vật rải rắc trên mặt đường, khách hành hương dẫm chân lên mà đi qua. Ở nơi đây không có những lòng tham. Vậy là họ đã đắc đạo, đắc đạo ngay giữa đời thường trên mặt đất. Môn sinh của Basho chỉ thuật lại và rơi đôi giọt nước mắt, không thuyết minh gì cả.
Đọc tập Nhật ký hành trình này, chúng ta thấy rõ những cảm hứng chủ đạo dưới đây đã hoà quyện rất tự nhiên:
Tình yêu đất nước, một đất nước đa dạng, tươi đẹp và hiểm trở, ngàn trùng
Kính mộ những di tích  phong cảnh cổ xưa  của lịch sử dân tộc.
Hâm mộ thi ca cổ điển của tiền bối để lại.
Khát khao du lịch, khám phá các thắng cảnh phong phú của đất nước.
Yêu thương những người lao động bình thường.
Ẩn sâu một triết lý đạo Phật “thế gian vô thường”, không thể lưu giữ đựơc những thứ  vật chất, chỉ có tinh tuý tinh thần thì còn lại.
Mộ nhà thơ Basho
Danh mục 53 bài thơ trong tập Oku no Hosomichi
(Tựa bài thơ do người dịch đặt. Nguyên tác của Basho không đánh số, không đặt tựa.)
BàiTên bàiBàiTên bài
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
Lều cỏ
Tống biệt
Lá xanh
Mùa hè đến
Cúi lạy
Trời mưa
Chim gõ kiến
Chim chiền chiện
Rời gốc liễu
Bài ca trồng lúa
Mùa hoa dẻ
Hoa văn
Lá cờ giấy
Hòn đảo nón mưa
Cây tùng sinh đôi
Quai dép
Con thuyền
Giấc mơ dưới mộ
Mưa mùa xuân
Rận và ngựa
Mát mẻ
Cóc kêu
Vàng nghệ nở hoa
Dế hót
Mưa mùa hạ
Tuyết trắng thơm
Vầng trăng lưỡi liềm
28
29
30
31
32
33
34
35
36
37
38
39
40
41
42
43
44
45
46
47
48
49
50
51
52
53
Trăng đầu núi
Yudono
Suối nước nóng
Mặt trời tắm biển
Mimosa
Con hạc
Đêm tháng Bảy
Biển động
Du nữ
Đồng lúa
Cơn gió rơi lệ
Dưa hấu và cà tím
Nắng đỏ
Ba cây
Châu chấu trong nón sắt
Gió thu màu trắng
Suối nóng thơm
Chiếc nón
Quét vườn
Trăng tùng
Viết vội
Ánh trăng tinh khiết
Trăng mưa
Mùa thu cô tịch
Vỏ sò và hoa
Lại chia tay
vanhoahoc.edu.vn
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved